Nửa Đời Thanh Tình

Chương 146: Bí mật của tứ gia




Tết năm nay vô cùng vui vẻ, trải qua nhiều chuyện, kỳ thực chỉ cần ở bên nhau là có thể bỏ qua mọi khúc mắc. Nhưng trong lòng Vân Yên đang rất muốn quay lại cuộc sống tự nhiên như ngày xưa, làm một con chim trong lồng không phải là điều nàng muốn, tình cảm càng ngày càng chật hẹp có lẽ không thuộc về bọn họ.
Đêm trừ tịch, trước khi đi ngủ, Vân Yên nghiêm túc nói suy nghĩ của mình bên tai Dận Chân, trong bóng đêm chàng ôm nàng một lúc lâu mới lặng lẽ đồng ý. Dần dần, thỉnh thoảng Vân Yên ăn cơm ở Tứ Nghi Đường trước, rồi thay quần áo cùng Dận Chân đến tiền sảnh.
Tuy nữ quyến trong phủ không đến “hậu cung ba nghìn giai nhân”, nhưng tiếng thỉnh an chỉnh tề mềm mại của các mỹ nữ vẫn rất có cảm giác.
Người ở lâu trong phủ không ai không biết Vân Yên. Vài vị thị thiếp mới đến ngồi ở phía cuối chưa gặp nàng bao giờ, mà cũng không thể gặp được, nhìn có vẻ tuổi đời các nàng càng ngày càng nhỏ, thậm chí có vị còn nhỏ tuổi hơn đại cách cách Tuyết Vận. Vân Yên nhìn mà không kiềm lòng được tiếng cảm thán, người nào đó quả thật rất có diễm phúc.
Lúc phát lì xì, Vân Yên cũng được một bao, rất tự nhiên nhận và nhét vào ống tay áo. Lúc bắt đầu Dận Chân lạnh lùng cứng ngắc bao nhiêu, nhưng khi lướt mắt thấy Vân Yên cầm bao lì xì, khóe môi chàng hơi cong lên cảm thấy rất buồn cười, tâm trạng bỗng nhiên vui vẻ hẳn lên.
Đối với hai người, đây là một cảm xúc rất mới, Vân Yên cùng với Tiểu Thuận Tử lại đứng sau lưng Dận Chân. Đối diện là một đại gia đình trong bữa cơm náo nhiệt sôi nổi, trong lòng chàng không phải không có hoài niệm, nhưng sự bình yên nơi nàng đã an ủi trái tim chàng.
Những ngày yên tĩnh đứng sau lưng chàng như ngày xưa thật sự rất đáng nhớ.
Tết Nguyên Tiêu năm Khang Hi thứ bốn mươi chín trôi qua, vào ngày mười sáu, Khang Hi tổ chức đại yến mừng đại thọ bảy mươi cho Nhân Hiến Hoàng Thái Hậu ở cung Ninh Thọ, bởi vậy trong kinh các nước ngoại phiên, bổi lặc, bổi tử, ngạch phụ, thai cát (1) và toàn thể hoàng tử, đại thần, thị vệ cùng với phúc tấn, phu nhân, mệnh phụ đều tề tựu đông đủ. Khang Hi vỗ tay theo điệu nhạc, đích thân nhảy điệu Mãng Thức Vũ (2) của người Mãn trước ghế Hoàng Thái Hậu, cùng lúc đó liên tiếp chúc thọ bà. Khang Hi luôn thể hiện tình cảm và lòng hiếu thảo của minh tới vị đích mẫu này, điều này đã trở thành giai thoại.
Dận Chân từ trong cung về Phật đường, ở trong đó đến hơn nửa đêm mới đi ra, khi chàng lần mò trong bóng tối leo lên gường thì Vân Yên đã làm ổ trong chăn nửa tỉnh nửa mê, trong chiếc chăn gấm mềm mại đã được người nàng ủ ấm.
Vân Yên cảm thấy người mình bị đè lên, khẽ rên một tiếng, tay phải theo thói quen ôm lấy bờ lưng rộng dày của chàng, tay trái tìm kiếm gò má hơi lạnh, thầm thì:
- Chàng nhớ Hoàng ngạch nương ư?
Dận Chân nhìn nàng, chậm rãi hạ người mình xuống, vùi gò má vẫn còn mang hơi lạnh vào sâu nơi mềm mại trước ngực nàng, nhẹ nhàng ừ một tiếng. Tay Vân Yên xoa nhẹ vành tai và hàm dưới Dận Chân, ôm đầu chàng, mặc chàng nằm trước ngực mình như vậy, rồi dần dần ôm chàng ngủ thiếp đi.
Bệnh sưng khớp gối của Dận Tường cứ đến mùa đông là tái phát, thái y chữa trị cũng không khỏi, chỉ có thể tĩnh dưỡng nghỉ ngơi, Khang Hi có vẻ không quan tâm lắm tới chuyện này. Ngược lại Dận Chân hay tới thăm cậu, Vân Yên cũng thỉnh thoảng giả trang thành tiểu thái giám cùng đi với chàng. Mỗi khi thấy Dận Tường chỉ có thể ngồi trên giường, trong lòng nàng lại âm ỉ đau. Nhớ lại cậu thiếu niên tuấn lãng tràn đầy sức sống năm ấy, giờ đã bị chôn lấp trong chính trị hoàng gia.
Đầu hạ còn chưa đến, Khang Hi đã quyết định mời Hoàng Thái Hậu đến hành cung Nhiệt Hà tránh nóng. Dận Chân là hoàng tử có tuổi tác khá lớn, nhiều lần không tùy giá đến tái ngoại (3), cho nên lần này có tên trong danh sách đoàn đi cùng.
Đối với vùng tái ngoại Vân Yên luôn có tâm trạng khác nhau, nhưng được Dận Chân làm công tác tư tưởng, nàng cũng yên lòng thu dọn hành lý đi theo chàng.
Mùng một tháng năm, Thái tử Dận Nhưng, Tứ A Ca Ung Thân vương Dận Chân, Thất A Ca Thuần Quận vương Dận Hựu, Bát Bối Lặc Dận Tư, Thập Ngũ A Ca Dận Vu, Thập Lục A Ca Dận Lục tùy giá đến Sướng Xuân Viên.
Lúc này thời tiết chưa nóng, phong cảnh trên đường hấp dẫn người xem, đoàn người và ngựa đi không nhanh. Chỉ có Vân Yên cảm thấy không hoàn hảo, có lẽ do Bát Bối Lặc Dận Tự cũng tham gia chuyến đi này. May mắn Dận Chân và Dận Tự càng ngày càng xa cách, đến cơ hội gặp mặt nhau đã ít giờ còn ít hơn.
Vân Yên và Dận Chân nói về mùa hè nóng như lửa đốt năm ấy khi lần đầu tiên cùng chàng đi xa, hai tay cầm quạt quạt cho chàng đến mỏi nhừ, còn chàng thì nghiêm nghị cứng ngắc. Dận Chân chau mày suy nghĩ, đáp hình như ta có bảo nàng nghỉ mà. Vân Yên xấu hổ mà nhìn chàng cười, nói, là thiếp sợ Tứ gia chúng ta nóng không chịu nổi. Dận Chân trả lời lại bằng một nụ hôn nồng nàn.
Ngày mùng hai, nghỉ chân tại huyện Mật Vân. Ngày mùng ba, nghỉ chân tại Dao Đình. Ngày mùng bốn, nghỉ chân tại Lưỡng Gian Phòng (4). Ngày mùng sáu, nghỉ chân tại núi Yên Tử, A Bá Cai Quận vương Ngô Nhĩ Chiêm Cát Lạt Bố đến trước bái yết. Ngày mùng bảy, dừng chân tại Hoa Dụ Câu. Ngày mùng mười, dừng chân tại Ca Lạt Hà Đồn. Ngày mười ba, đến hành cung Nhiệt Hà.
Trừ Thái tử Dận Nhưng cùng Khang Hi sống ở cung Nhiệt Hàn, những hoàng tử còn lại phần lớn được phân đến các biệt uyển xung quanh hành cung. Dận Chân vẫn ở tại Sư Tử Viên trong Sư Tử Câu như trước đây.
Sau khi sắp xếp xong, các hoàng tử đều theo quy định cũ khi ở trong kinh thành, mỗi sáng sớm vào hành cung thỉnh an, thỉnh thoảng cùng Khang Hi đến thư phòng xử lý một vài chính sự. Mỗi ngày Dận Chân từ hành cung về cũng yên tĩnh luyện chữ một lát theo thói quen trong Tứ Nghi Đường. Lúc ấy, Vân Yên thường không làm phiền chàng.
Trước giờ Vân Yên luôn thích mảnh sân nhỏ chỉ có ở những căn nhà vùng Đông Bắc, lần này quay trở lại nàng khó tránh khỏi hoài niệm, tảng đá dưới gốc cây ấy vẫn là chỗ nghỉ ngơi nàng yêu thích nhất. Dận Chân luyện xong chữ không nhìn thấy Vân Yên đâu, liền đi tìm nàng.
Bóng cây loang lổ, ánh nắng như thơ, gió mát hiu hiu. Nàng mặc chiếc váy mỏng màu xanh nhạt bình yên nằm trên tảng đá lớn dưới tán cây, tay cầm hờ quyển sách đặt trên bụng, ngực nhấp nhô ổn định mỗi khi nàng hô hấp, đôi mắt nhỏ bé trên khuôn mặt nõn nà khép lại, hình như nàng ngủ quên rồi.
Xung quanh không có hoa, nhưng Dận Chân lại ngửi thấy mùi hương thanh tịnh nhàn nhạt thoang thoảng trong gió, quen thuộc, ấm áp, chỉ thuộc riêng về cơ thể nàng. Mùi hương ấy sớm đã ngấm vào mỗi tấc da tấc thịt của nàng, khiến chàng không thể kiềm chế được.
Vân Yên mơ mờ màng màng cảm thấy có gì đó sượt qua, tưởng rằng mình đang ngủ trưa trong Tứ Nghi Đường, nàng dẩu môi tinh nghịch nũng nịu, đầu nghiêng sang một bên tránh né, theo nói quen lầm bầm một câu nhưng đang cưng nựng chú chó nhỏ:
- Đừng nghịch, ngoan ~
Thế nhưng cảm giác ấy càng lúc càng mạnh hơn, Vân Yên không chịu nổi lấy tay đẩy ra, nhưng lòng bàn tay bị đầu lưỡi nhẹ nhàng liếm lên, ngứa ngứa tê tê khiến nàng cong khóe môi bật cười ha ha dù vẫn đang nhắm mắt.
- Đối xử với Đô Đô còn tốt hơn với tướng công nhỉ, đáng phạt.
Giọng nói truyền cảm trầm thấp mang theo chút ghen tị xa xôi vang lên bên tai Vân Yên.
Vân Yên mở choàng mắt, chú chó nhỏ trong giấc mơ biến thành một người đàn ông cao lớn, chàng thảnh thơi ngồi bên cạnh mở to hai mắt cúi xuống nhìn nàng.
Chưa từng thấy vị vương gia nào lại so sánh bản thân với con chó, đúng là lòng dạ hẹp hòi, ghen tuông thành tính, có lẽ ngàn năm nữa cũng không đổi được. Vân Yên cũng mỉm cười giận dỗi nhìn chàng, đẩy lồng ngực chàng ra muốn ngồi dậy.
- Ai bảo nàng không ngoan bằng Đô Đô.
Mắt Dận Chân lướt ngang một cái, ấn hai tay Vân Yên xuống, bất ngờ nằm xuống cạnh nàng, nhàn nhã nghiêng đầu qua, đè thấp giọng:
- Tối nay nàng phải nói rõ với ta rốt cuộc là ai ngoan.
Khuôn mặt Vân Yên nóng bừng, rút hai tay ra lại định ngồi dậy, trách móc:
- Ai thèm nói với chàng.
Dận Chân luồn một tay qua eo mảnh kéo nàng về, nói:
- Nàng muốn đi đâu, nằm cùng ta một lát đi.
Tình cảm hai người như keo sơn gắn bó, nhưng nàng lại không quá dính chàng, thỉnh thoảng liếc mắt là nàng lại trốn đến góc của mình, giống như chỉ cần con kiến nhỏ là nàng cũng tìm thấy được niềm vui.
Vân Yên nửa nằm sấp trên lồng ngực chàng, đầu hàng:
- Thiếp có thể đi chưa?
Dận Chân nhìn gò má ửng đỏ, cánh tay ôm eo nàng càng chặt hơn, cười nói:
- Không được đi đâu hết.
Vân Yên tức giận lườm chàng, lấy cuốn sách đang mở bên cạnh úp lên nụ cười trên khuôn mặt ấy:
- Đồ xấu xa.
Dận Chân không giận mà cười, tiếng cười sang sảng giàu từ tính cất lên sau quyển sách, theo cơn gió mát, bay đến khắp mảnh sân nhỏ.
Hai người đều không thích trống trải, nơi này đương nhiên vì Dận Chân thích, nên trở thành phòng đọc sách trong Sư Tử Viên.
Vân Yên vừa sắp xếp vừa thu dọn, cởi giầy thêu quỳ lên giường trải chăn đệm, một lát sau thì trải xong, đến cả chóp mũi cũng lấm tấm mồ hôi, gò má cũng ửng đỏ.
Dận Chân khom lưng xuống luồn tay qua đầu gối bế nàng lên, bàn tay dày rộng dịu dàng giúp nàng lau chóp mũi, trong mắt mang theo sự chiều chuộng mà nói:
- Mệt chưa... nàng có nhớ lần cứu trợ thiên tai ở sông Hoàng Hà với ta trước đây không?
Vân Yên đã quen với cách bế như trẻ con thế này của chàng, nghe chàng nói đến sông Hoàng Hà liền thở không ra hơi, giật mình đáp:
- Nhớ ạ, không lẽ sông Hoàng Hà lại bị...?
Dận Chân thấy nàng căng thẳng như vậy, vội vàng mỉm cười lắc đầu:
- Không, nàng đừng căng thẳng... chỉ là ta chợt nhớ tới thôi, nhà trọ trên đường vô cùng tồi tàn... nhưng nhưng chỉ cần có nàng ở bên, ta đều cảm thấy chỗ đó là nhà.
Trái tim Vân Yên ấm áp, chóp mũi nong nóng.
- Nói vớ vẩn... chỗ đó lạnh lẽo như thế, ngày nào thiếp cũng lo chàng đổ bệnh.
Dận Chân chiều chuộng cong khóe môi:
- Không lạnh, thật đấy, trong ấn tượng của ta thì rất ấm áp... còn cả chiếc gối đầu nàng dùng quần áo cũ quấn lại cho ta.
Mắt Vân Yên đỏ đỏ, đẩy chàng ra nhưng chàng lại ôm chặt:
- Những chuyện đương nhiên ấy chàng nói hết ra vậy...
Dận Chân ôm nàng đến gần hơn, tựa vào trán nàng, chậm rãi nói:
- Trước khi hoàng ngạch nương băng hà, ta vẫn luôn tưởng rằng bà đối xử tốt với ta là chuyện đương nhiên... sau khi hoàng ngạch nương qua đời, ta mới biết hóa ra mình không phải do bà sinh ra... Lúc quay về cung Vĩnh Hòa mới nhận ra, người đối xử tốt với ta không chút vụ lợi đã không còn rồi...
Vân Yên nghe đến đây, ôm chặt bả vai Dận Chân vào ngực mình, trong lòng có một nỗi đau giống chàng đang giày xéo.
- Thật ra... lúc nhỏ ta rất bướng bỉnh... tính nết lại nóng nảy cáu kỉnh... nhưng hoàng ngạch nương vẫn luôn yêu thương dốc lòng dạy dỗ... không ai nói với ta, ta cũng chưa bao ngờ nghĩ mình không phải là con ruột của hoàng ngạch nương... hoàng ngach nương là chị họ bên nhà mẹ đẻ hoàng a mã, từ nhỏ cùng lớn lên nên tình cảm hai người rất sâu đậm, nhập cung bà đã được phong là Quý phi. Sau khi Hiếu Chiêu hoàng hậu qua đời bà vẫn luôn cai quản hậu cung, nhưng hai vị hoàng hậu trước đều từ trần sớm, hoàng a mã lo lắng mệnh mình khắc hoàng hậu nên chỉ để bà làm hoàng quý phi. Hoàng ngạch nương hạ sinh hoàng bát tỷ, nhưng không ngờ chưa được tám tháng đã chết yểu, bà phải chịu nỗi đau quá lớn, sau đó sức khỏe cứ yếu dần, không đến mấy năm thì đổ bệnh nặng... trước lúc bà lâm chung hoàng a mã đã hoàn thành tâm nguyện chưa được thực hiện, phong hoàng ngạch nương là hoàng hậu Trung cung. Đáng tiếc chưa hết một ngày thì...
Gò má Dận Chân áp vào cổ Vân Yên, Vân Yên không nhìn thấy nét mặt chàng, nhưng có thể nghe thấy trong giọng nói trầm khàn của chàng hơi run.
- Trước khi đi hoàng ngạch nương gọi ta vào, đưa cho ta chiếc nhẫn đó, nói sau này bà qua đời, vẫn còn một ngạch nương nữa sẽ tiếp tục yêu thương ta, thật ra ta do Đức phi trong cung Vĩnh Hòa hiện giờ sinh ra, mới ba ngày còn đỏ hỏn trong tã lót đã được ôm tới cung Thừa Càn nuôi dưỡng, không phải là con ruột càng không phải do bà đẻ ra... thời gian đại tang hoàng ngạch nương, hoàng a mã đưa ta đến sống bên ông mấy tháng, sau đó nói phải trả ta về chỗ mẹ đẻ là Đức phi nương nương ở Vĩnh Hòa cung... các huynh đệ còn không tỵ húy mà nói ta không phải là con trai trưởng của hoàng hậu, chỉ là con nuôi mà thôi. Còn Đức phi nương nương vừa mới sinh hạ tiểu Thập Tứ hoàn toàn không muốn nuôi dưỡng ta... ta cũng từng lén đến cung Vĩnh Hòa, nhìn thấy Đức phi ôm Thập Tứ trong tã lót, khuôn mặt bà hạnh phúc. Nhưng khi ta được đưa tới cung Vĩnh Hòa, thái độ bà ấy khi gặp ta... thật sự chẳng được như thế.
- Ta bắt đầu trở nên lầm lì, thường một mình đến cung Thừa Càn, nhốt mình ở trong căn phòng tối đen, cũng từng đánh nhau với các huynh đệ vì một vài câu nói, lúc đó bực bội với người ở Đông cung... ngạch nương còn bận chăm sóc Thập Tứ nên không có thời gian quan tâm đến ta, nhưng bà lại nói với Hoàng a mã rằng ta hay vui giận vô cớ, lực bất tòng tâm không thể nuôi dưỡng được. Hoàng a mã đích thân quở trách ta, rồi nói chuyện với ta rất lâu, cho ta bốn chữ “giới cấp dụng nhẫn” (5) để ràng buộc bản thân mình. Đêm đó một mình ta đóng cửa phòng suy nghĩ đến tận khi trời sáng... sau đó, ta thay đổi.
Trái tim Vân Yên như bị bóp chặt, nước mắt cũng chảy xuống trong vô thức... trong đầu nàng lờ mờ xuất hiện bóng dáng Dận Chân mười một tuổi khi mất hoàng ngạch nương, không chỉ phải chịu nỗi đau quá lớn, thân phận rơi xuống từ con ruột biến thành con nuôi, bị các huynh đệ đố kỵ chà đạp, mà còn phải chịu sự ghẻ lạnh của mẹ đẻ, thậm chí còn bị hoàng a mã trách mắng... đêm đó lạnh lẽo tối đen, chàng chỉ là đứa bé còn chưa trưởng thành, sao có thể chịu cho nổi...
Cánh tay mảnh khảnh của Vân Yên ôm bả vai chàng chặt hơn, ước sao khi ấy mình có thể ôm chặt chàng bảo vệ chàng, trao cho chàng toàn bộ tình yêu.
Dận Chân tựa như cảm nhận sự thương yêu trong trái tim nàng, cũng siết chặt nàng hơn, đầu hai người cùng đặt trên cổ nhau.
- Bí mật nàng ta chôn giấu trong đáy lòng chưa từng nói với bất kỳ ai... hôm nay nói nhiều như vậy, nàng sẽ không ghét bỏ tướng công chứ...
Vân Yên hết khóc lại cười:
- Đồ ngốc... để thiếp hôn cái nào...
Cuộc sống trong Sư Tử Viên như bức tranh điền viên giữa vùng non nước, có thể nói là không làm tiên, chỉ ngưỡng mộ chim uyên ương.
Hai người bên nhau như hình với bóng, mỗi ngày đều dậy sớm trong tiếng chim hót và hương hoa, cười cười nói nói xuống giường rửa mặt súc miệng. Dận Chân sáng sớm ra ngoài đến hành cung thỉnh an, Vân Yên tự mình tiễn chàng khỏi cửa, rồi lại đứng ở cửa chờ chàng về, hai người tay nắm tay đi vào phòng. Cận vệ đều đưa mắt ra hiệu, lùi ra xa.
Khi Dận Chân luyện chữ, cũng kéo Vân Yên đến bên cạnh mài mực. Thỉnh thoảng luyện chữ xong chàng sẽ bế nàng lên đùi mình, cầm tay dạy nàng viết, Vân Yên xấu hổ nói xấu xa, kết quả những con chữ được chàng nắn tay viết vô cùng đẹp đẽ.
Hai người bàn bạc bảo hạ nhân dựng một gian nhà cỏ nhỏ và giàn hoa, càng thêm hương vị điền viên.
Buổi chiều với hai tách trà xanh dưới gốc cây, Dận Chân dạy Vân Yên chơi cờ vây, chàng cờ đen nàng cờ trắng, chàng ung dung thành thạo nói về một vài thế cờ tiến lui. Vân Yên là một học sinh giỏi, luôn yên lặng nghe Dận Chân nói, lanh lợi giống hệt cô nhóc nghe lời dạy của người lớn. Thỉnh thoảng nàng đáp lại, giống như hồng nhan tri kỉ tâm linh tương thông với chàng. Có lúc chơi mệt, Vân Yên cầm quạt, Dận Chân nhàn nhã nằm trên phiến đá lớn nghỉ ngơi hóng gió, cơn gió mát mẻ thổi tới, Trang sinh mộng điệp. (6)
Chàng đã làm một bài thơ:
“Thạch ốc kinh phi chẩm thúy cương, yên loan triêu tịch úc đan thương.
Kỳ xao lục thụ âm trung cục, tửu phiếm hồng vi giá hạ thương.
Châu bạc trú diêu tân trúc ảnh, ngọc trì vãn tống nộn hà hương.
Cư nhàn mạn vị toàn vô sự, Nhất tháp lâm phong điệp mộng trường. ” (7)
Vào tháng sáu, Khang Hi đưa các hoàng tử từ hành cung Nhiệt Hà lên đường đến Hoa Dụ Câu, đích thân đón đoàn xe của Hoàng Thái Hậu đến hành cung Hoa Dụ Câu, đi cùng hầu hạ Hoàng Thái Hậu là Hòa phi Qua Nhĩ Giai thị đang khá được sủng ái. Ngày hôm sau, đoàn người đưa Hoàng Thái Hậu đến hành cung Ca Lạt Hà Đồn, sau đó đến hành cung Nhiệt Hà.
Sáng sớm thất tịch, Dận Chân đặc biệt sai người đi lấy nước trong suối ở Sư Tử Câu, rồi kéo Vân Yên ra sân gội đầu.
Vân Yên đỏ mặt, vội hỏi chàng định làm gì. Dận Chân cong khóe miệng mà cười:
- Chưa từng nghe thấy “nước thánh của thiên tôn” (8) sao?
Vân Yên chưa từng nghĩ mình sẽ được chồng gội đầu, càng không nói đến nàng sẽ lấy người đàn ông tên Dận Chân này. Nhưng chàng làm như vậy thật tự nhiên, cứ như đây là chuyện đương nhiên vậy.
Mái tóc đen dài lẳng lặng trượt xuống bàn tay chàng, nước suối trong vắt, lạnh đến thấu xương. Vân Yên khom lưng xuống, mái tóc dài được Dận Chân vén sang một bên, dùng gáo bầu múc nước suối làm ướt mái tóc. Chàng lóng ngóng, nhưng vô cùng nghiêm túc. Nàng không đẹp đến tuyệt trần, nhưng đủ để khiến người khác rung động.
Đêm Thất Tịch chưa hết, Dận Chân vẽ mày chọn váy cho Vân Yên, hai người ngồi trong sân nắm tay nhau cùng ngắm chòm sao Ngưu Lang Chức Nữ, sông Ngân Hà sáng lấp lánh.
“Vạn lý bích không tịnh, tiên kiều thước giá thành.
Thiên tôn do hữu ước, nhân thế na vô tình?
Huyền nguyệt xuyên châm tiết, hoa âm tích lậu thanh.
Dạ lương tỷ ỷ xử, hà hán chính doanh doanh. ” (9)
Trong sóng mắt dập dềnh của hai người là thiên trường địa cửu.
(1) Thai cát (台吉): Tên tước hiệu của vương công Mông Cổ trước đây, sau này được dùng làm tước hiệu cho quan đứng đầu khu hành chính.
(2) Mãng Thức Vũ: là điệu nhảy được thể hiện trong các buổi tiệc ăn mừng của dân tộc Mãn, từng là một trong những điệu nhảy cung đình triều Thanh, còn được gọi là Mã Khắc Thức Vũ
(3) Tái ngoại: Vùng phía bắc Vạn Lý Trường Thành
(4) Lưỡng Gian Phòng là một xã thuộc huyện Loan Bình, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, chứ không phải là nhà hai gian.
(5) Giới cấp dụng nhẫn: Câu nói Khang Hi ban cho Tứ tử Ung Chính, ngụ ý làm mọi chuyện không được gấp gáp mà phải bình tĩnh, lấy chữ “nhẫn” làm đầu.
(6) Trang sinh mộng điệp: Điển tích Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm. Có một lần Trang Chu nằm mơ thấy mình hóa bướm vui vẻ bay lượn, mà không biết mình là Chu nữa, rồi bỗng tỉnh dậy, ngạc nhiên khi thấy mình là Chu, Không biết mình là Chu mộng hóa bướm hay là bướm mộng thấy hóa Chu.
(7) Bài thơ “Ngày hè trong Sư Tử Viên” của Ái Tân Giác La Dận Chân. Tạm dịch nghĩa:
Phòng đá, cửa gỗ mận gai, ngôi nhà cỏ trên ngọn núi xanh mướt; dãy núi bao phủ mây mờ sáng tối đều chìm trong màu xám trắng.
Dưới tán cây quân cờ bằng đá nhẹ nhàng đặt xuống bàn cờ, nâng chén uống rượu dưới dàn đậu Hà Lan dại.
Ban ngày mành châu đong đưa trong bóng trúc mới, đêm về hồ ngọc ngát hương sen non.
Sống nhàn tản vô lo vô nghĩ, giường nhỏ đón gió trong giấc mơ hóa bướm.
(8) Nước thánh của thiên tôn (Thiên tôn thánh thủy): Có một tập tục là phụ nữ gội đầu trong ngày Thất Tịch. Tập tục này có liên quan đến tín ngưỡng “nước thánh” Thất Tịch. Mọi người cho rằng, lấy nước suối, nước sông trong ngày Thất Tịch thì cũng giống như lấy nước ở sông Ngân Hà, sạch sẽ thanh khiết và có sức mạnh chống mọi bệnh tật, vì vậy có nơi gọi nói là “Nước thánh của thiên tôn (Thiên tôn thánh thủy)”. Phụ nữ gội đầu trong ngày này cũng có ý nghĩ rất đặc biệt, dùng nước thánh của sông Ngân Hà gội đầu, sẽ có được sự phù hộ của thánh thần.
(9) Bài thơ “Thất Tịch” của Ái Tân Giác La Dận Chân. Tạm dịch nghĩa:
Bầu trời xanh ngàn dặm yên tĩnh, chim thước bay tới thành chiếc cầu tiên.
Thiên tôn vẫn còn lời hẹn ước, nhân gian sao lại nỡ vô tình?
Trăng khuyết nhọn, tiếng đồng hồ nước vang lên trong đêm.
Đêm lạnh dựa vào nơi ấy, sông Ngân Hà trong trẻo uyển chuyển.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.