[Ôn Chu Đồng Nhân] Dư Nghiệt

Chương 1:




Giờ Hợi ba khắc, sấm sét vang rền. Trương Thành Lĩnh đột ngột bật dậy vén chăn lên, choàng ngoại bào xông ra khỏi phòng. Chưa ra đến hành lang đã nghe thấy tiếng mưa như trút nước, chỉ trong nháy mắt đã khiến dược liệu phơi khô dưới mái hiên ướt đẫm.
Cậu vội vàng cầm lấy trúc cơ, nhặt những thứ vẫn còn có thể dùng làm thuốc bó thành một nắm, không biết nên làm thế nào. Cậu và Chu Tử Thư tạm trú ở Quảng Lăng chính vì muốn hái những loại thảo dược theo mùa này, bây giờ lại mất hơn phân nửa.
Nghe thấy tiếng cửa cọt kẹt sau lưng, quay đầu thấy một người đang bước tới, cậu hậm hực nói: "Sư phụ, đều do đồ nhi chủ quan, quên cất thuốc vào phòng."
"Không sao." Chu Tử Thư lại gần, giơ tay ra hiệu cho thiếu niên đứng dậy, cũng không đưa mắt nhìn kỳ trân bảo tài rải đầy đất mà chỉ nói: "Mưa to gió lớn, thật khó ngủ. Con diễn lại kiếm chiêu đã học ban ngày cho ta xem một lần."
Trương Thành Lĩnh lĩnh mệnh, lấy kiếm nhảy vào trong viện, chợt cảm thấy cuồng phong cuốn ngược lại, mưa to úp xuống như búa rìu đè lên thân thể. Thực hiện chiêu thức mở đầu, trường kiếm lại rung lắc trong không trung, chỉ có rót thêm nội lực mới có thể ổn định mũi kiếm. Nhưng bộ "Hối Minh kiếm pháp" Chu Tử Thư truyền thụ cho cậu biến ảo khôn lường, nếu cố gắng dùng sức mạnh, ngược lại không thể thi triển hoàn toàn.
Thiếu niên hiểu sư phụ là muốn kiểm tra mình nên càng thêm cẩn trọng chần chừ, trái lại càng bó tay bó chân, thêm mưa gió trùm lấy tai mắt, nhất thời chật vật vô cùng.
Múa xong một bộ kiếm pháp, cậu xoay người quỳ xuống: "Đồ nhi bất tài, vẫn chưa thấu triệt bí quyết, sau này nhất định nhận đốc thúc nghiêm ngặt, lấy cần cù bù vụng về."
Thấy Chu Tử Thư khoanh tay bước xuống hành lang, Trương Thành Lĩnh lập tức nói: "Sư phụ, mưa to gió lớn, người vẫn là..."
Lời còn chưa dứt, trong tay chợt cảm thấy trống rỗng, trường kiếm đã bị Chu Tử Thư lấy đi. Người cầm kiếm xoay nhẹ cổ tay, phẩy vào làn mưa một chốc, kiếm khí như mây trôi lững lờ, tạo ra một chỗ sạch sẽ che chở cho hai người.
Trương Thành Lĩnh nhìn đến ngây người. Từ khi Ôn Khách Hành tử nạn, Chu Tử Thư bệnh nặng không dứt, Đại Vu dặn đi dặn lại y nhất định phải tĩnh dưỡng nên thủ lĩnh Thiên Song xưa kia quát tháo quần hùng đã cấm cung trong nhà như thể danh môn khuê tú hơn một năm nay, nói là sống trong an nhàn sung túc cũng không sai. Dù có truyền thụ võ công nhưng thường thường y cũng chỉ là một bức tượng rỗng, không dùng đến nội lực.
Trong lúc cậu còn bàng hoàng Chu Tử Thư đã múa đến thức thứ mười chín, nhưng khi nghe y khẽ ngâm đến "Nhật nguyệt đình cảnh, Tuyền Cơ bất hành, hồi thi khởi tử, bạch cốt thành nhân*", vừa định thôi thúc kinh mạch thì bị chùn bước đình trệ, loạn kiếm chiêu. Nếu không nhờ đồ đệ nhanh tay nhanh mắt đỡ lấy, nhất định không tránh khỏi ngã xuống đất.
*Mượn dùng từ "Thái thượng động huyền linh bảo vô lượng độ nhân thượng phẩm diệu kinh".
"Sư phụ, người không sao chứ?" Trương Thành Lĩnh vội vàng đỡ người trở vào hành lang. Chu Tử Thư xua tay, mồ hôi lạnh trên thái dương hòa với nước mưa uốn lượn nhỏ xuống. Y liếc nhìn trường kiếm bị ném trong mưa, lắc đầu cười khẽ: "Do ta bất cẩn."
"Người thay y phục trước đi, để con đi nấu thuốc." Trương Thành Lĩnh cũng không để tâm đến việc nhặt kiếm lên, cầm lấy một nắm dược liệu trong trúc cơ rồi xoay người đi vào phòng bếp.
Khi bóng dáng thiếu niên đã khuất mắt Chu Tử Thư mới gắng sức đứng dậy quay về phòng. Năm đó y cưỡng chế rút đinh, kinh mạch đứt đoạn, nếu không có Đại Vu tận lực cứu chữa, e là đã sớm xuống mồ. Nhưng bây giờ y cũng chẳng khác gì cô hồn dã quỷ... Y chỉ đợi Thành Lĩnh trưởng thành, giao phó tổ nghiệp sư môn, đến lúc đó tâm không còn vướng bận mới tiêu tiêu sái sái đến tử ước đã lỡ từ lâu.
Chu Tử Thư mệt nhọc ngồi lên giường, chỉ thấy gân cốt đau nhức. Mỗi khi trời mưa, những vết thương cũ trên người sẽ đồng loạt tra tấn y. Chỗ cắm đinh vẫn còn dễ chịu, dù sao cũng chỉ là đinh đâm vào da thịt, sao sánh bằng hai bả vai từng bị xuyên thủng qua lưng, phát tác như vạn trùng gặm nhấm, đau đến tận xương tủy.
Cũng may trước khi đi Đại Vu từng dạy y thuật châm cứu đả thông kinh mạch, lúc thi châm cần dùng "Tam muội da" làm dẫn. Thuốc này xuất xứ từ Thân Độc quốc*, dược hiệu tuy tốt nhưng rất dễ khiến người dùng lâm vào ảo mộng nên Chu Tử Thư cũng không dám dùng thường xuyên. Nhưng hôm nay luyện kiếm lệch kinh mạch, dù uống thuốc cũng khó ức chế chân khí tháo chạy tứ phía. Không còn cách nào, đành phải mở hộp lấy thuốc.
*Mượn từ "Tam muội da giới" từ kinh Phật. Thân Độc là tên cổ của Ấn Độ.
Trương Thành Lĩnh thấy Chu Tử Thư nghiền nát Tam muội da liền tự giác lui ra ngoài. Sư phụ cậu tổng cộng mới dùng thuốc này ba lần, dù chữa khỏi cơn đau hiệu quả tức thì, nhưng mỗi lần lâm vào huyễn cảnh cũng là tra tấn.
Vì không muốn giẫm lên vết xe đổ nên Chu Tử Thư chỉ đốt một chút Tam muội da, khí tức kỳ dị ngai ngái lượn lờ bay lên, giam người mang sắc mặt tái nhợt nọ vào sương khói mờ mịt. Tê thống như một đi không trở lại tiêu biến gần hết, chân khí ôn nhuận du tẩu vào kỳ kinh bát mạch, thần trí lại phảng phất như bị một sợi dây thừng lôi kéo vào hư không, lãng đãng trôi dạt không còn biết phương hướng...
Để chống cự lại huyễn tượng của Tam muội da, Chu Tử Thư vừa vận công vừa thầm tụng kinh văn, đến "Do kiên chấp trì viễn ly tâm cố, tâm như huyễn giả, diệc phục viễn ly*" thì nghe thấy tiếng ai khẽ cười bên tai.
*Trích kinh Viên Giác. Đại ý các đoạn trích trong chương là cần biết buông bỏ, không chấp dù là thực hay huyễn (giả).
...Lại đến.
Y chưa nhìn lên đã sớm biết là ai – còn có thể là người phương nào, oan gia lại đến đòi nợ.
"...Viễn ly vi huyễn, diệc phục viễn ly; ly viễn ly huyễn, diệc phục viễn ly. Đắc vô sở ly, tức trừ chư huyễn..."
"Ôi, đừng niệm nữa. Thật sự mất hết cả tình với thú." Huyễn tượng kia kề càng thêm sát, áo bào lượn quanh, ngồi xuống bên cạnh Chu Tử Thư. "Lâu lắm rồi huynh không đến thăm ta, ta cực kỳ nhớ huynh đó."
"...Thí như toản hỏa, lưỡng mộc tương nhân, hỏa xuất mộc tận, hôi phi yên diệt; dĩ huyễn tu huyễn, diệc phục như thị..."
"A Nhứ."
Chỉ một tiếng gọi, đã khiến y mở mắt.
Phật nói: Chư huyễn tuy tận, bất nhập đoạn diệt.
Đúng là đã rất lâu rồi y không đốt Tam muội da. Chỉ vì lần trước trông thấy thi thể Ôn Khách Hành hóa thành xương trắng trong huyễn cảnh mà suýt chút nữa y đã muốn tự cắt tâm mạch mà đi theo, may mà sau khi nhập định y đã điểm đại huyệt phong bế toàn thân, dù trong mộng bị giày vò thế nào đi chăng nữa thì chân thân vẫn bất động như núi, như vậy mới giữ được tính mạng.
"Cũng không phải ta cố tình không gặp đệ." Chu Tử Thư cụp mi, ánh mắt rơi xuống bàn tay vắt trên đầu gối. "Ta vẫn còn ràng buộc nơi trần thế. Chỉ đợi Thành Lĩnh lớn lên ta liền đi tìm đệ."
"Ta từ nhỏ đã không còn cha mẹ, không đành lòng nhìn Thành Lĩnh cũng phải chịu khổ. Nó không có huynh đệ bên cạnh, non nớt một thân một mình, quả thực đáng thương."
"Thôi thôi, sớm đã biết huynh lòng mềm." Huyễn tượng kia nắm lấy ngón tay y, như thể đang thưởng thức một khối mỹ ngọc thượng đẳng. "Huynh thương tiếc cái này, bận tâm cái nọ, sao không đau ta thương ta?"
Ngón tay thon dài bất chợt rụt lại, toan rút về lại bị nắm chặt lấy. Chu Tử Thư ngẩng đầu, bắt gặp một đôi mắt ngập tràn oán hận. Người trong huyễn cảnh như cười như không, khuôn mặt anh tuấn dán lại gần. Nếu không phải không có hơi thở, gần như có thể tưởng giả là thật.
"Ngày đó đại thù đã báo, nhưng huynh lại không tới gặp ta... A Nhứ, chảo dầu bên trong âm tào địa phủ vẫn đang chờ hai chúng ta đó."
Không đợi Chu Tử Thư trả lời, Ôn Khách Hành đã đổi mặt tươi cười, gần gũi nồng nhiệt ôm lấy bả vai y: "Sau khi chịu cực hình chiên dầu, chấm dứt nghiệp chướng khi còn sống, chúng ta đến nhân gian làm dã quỷ tự tại đi! Ta đây không cho huynh đầu thai. Kiếp sau đời sau đều là gạt người cả, ta chỉ cần hôm nay tối nay."
"Được."
"Nhưng chỉ làm quỷ cũng không ổn, A Nhứ của chúng ta rõ ràng là có tâm Bồ Tát, không bằng tu đạo đi, làm một đôi quyến lữ thần tiên... Đúng, như vậy mới tốt. Ta không muốn huynh làm lệ quỷ người gặp người hãi, ta muốn huynh sáng trèo lên chín tầng mây, tối về núi Tử Vân, tiêu dao như thần tiên."
Chu Tử Thư không khỏi nở nụ cười: "Lại thần kinh làm càn."
"Huynh mau đồng ý với ta."
"...Đồng ý với đệ."
"Ngoan ngoãn như vậy, vi phu rất là hưởng thụ nha." Huyễn tượng nọ cúi người ra vẻ muốn cướp sắc. Dẫu tỏ tất cả đều là hư ảo, Chu Tử Thư lại như bị điểm huyệt đạo khó mà động đậy, mặc kệ đụng chạm.
Nào ngờ chạm phải một mảng lạnh buốt, Chu Tử Thư thình lình cả kinh, đưa tay toan đẩy ra nhưng chạm hụt. Y vừa vội vừa hoảng muốn tóm lấy nhưng trước mắt đã không còn bóng người, chỉ còn sương mù mênh mang.
Bấc đèn nổ tung, lả tả rơi xuống đất.
Người nhập định đột nhiên bừng tỉnh, Tam muội da trong khay hương đã cháy hết. Trương Thành Lĩnh canh ngoài cửa nghe thấy tiếng động liền gõ cửa bước vào. Gió đêm tán loạn, thổi tan tro tàn.
"Sư phụ, lúc này người sao rồi?"
Chu Tử Thư thu lại vận khí, kinh mạch ngưng đọng đã tiêu giảm hơn phân nửa, chỉ là lòng như đá tảng ngàn cân, mỗi cử động đều chậm chạp, đau đớn âm ỉ.
Trương Thành Lĩnh thấy vậy liền hiểu gia sư lại gặp gỡ cố nhân trong huyễn cảnh, muốn an ủi nhưng không biết nên nói thế nào, sau khi bứt rứt nửa ngày đành khom người cáo lui. Mới rời được ba bước, lại vén áo bào lên quỳ xuống.
"Sư phụ, Đại Vu từng nói, những gì nhìn thấy bên trong huyễn tượng đều sinh ra từ tâm. Thành Lĩnh không dám tự ý đoán bừa, nhưng nếu là... Nếu sư thúc vẫn còn, hẳn là cũng không muốn thấy người khổ sở vì tâm ma."
Chu Tử Thư vẫn nhắm mắt, hồi lâu mới nói: "Vi sư biết ngươi hiếu thảo. Chỉ mong có thể sớm thành nhân tài, gánh vác trách nhiệm."
Thiếu niên dập đầu lui ra, lòng càng chua xót, chắc hẳn Chu Tử Thư từ lâu đã phát hiện cậu tận lực giả ngốc... Cậu cũng là không còn cách nào mới đưa ra hạ sách này. Cậu tầm thường nhiều hơn một ngày, Chu Tử Thư cũng sẽ lưu lại trần thế nhiều hơn một ngày.
Vốn cho rằng về lâu về dài có thể Chu Tử Thư sẽ chết tâm lãnh đạm, ai ngờ xuân đi thu đến, ngược lại càng giống góa phụ.
Một chữ 'tình' này, thật sự diệt tâm nung xương vậy sao?
Mùa hạ ngắn ngủi, mùa thu không muộn, tháng tám trong năm lại đến. Sớm đã nghe nói Trung thu sẽ có triều cường, Chu Tử Thư không chịu nổi đồ đệ bảo bối năn nỉ liên tục, đồng ý cùng ra khỏi thành.
Là ngày ven sông trải lụa dựng gấm, biểu diễn tạp kỹ, đông đảo dân chúng đua nhau đi xem thủy triều, cảnh người chen vai thích cánh kéo dài hơn mười dặm. Sư đồ hai người mới tới, lách vào một khoảng đất trống theo đám đông, tuy trông thấy cảnh đẹp nhưng rất khó đứng vững, chẳng mấy chốc đã có mấy người trượt chân rơi xuống nước.
Chợt nghe thấy tiếng núi lở, mọi người hô lớn "Triều cường đến!", Chu Tử Thư ngước mắt liền trông thấy thế nước cuồn cuộn như núi vụt lên từ ngoài khơi, đỉnh triều cao tới mấy trượng, chớp mắt đã lao đến trước mặt. Mọi người kinh hãi la hét không ngừng, kẻ đứng trước chen lấn xô đẩy, người đứng sau hốt hoảng lùi về. Ở giữa có một đứa bé ngã nhào xuống đất, bị bức tường người đè tới mức giãy dụa không dậy nổi.
Chu Tử Thư đương nhiên không thể thấy chết không cứu. Y xoay eo vung thân, lách qua đám người như cá bơi, một tay dang ra chặn một tay bế đứa bé lên. Đứa bé bị dọa đến mất hồn, được ôm vào ngực rồi mới khóc lớn. Chu Tử Thư được đây mất đó, bị biển người đẩy đến nghiêng ngả khiến đứa bé càng thêm sợ hãi, nắm chặt lấy cổ áo y, đụng rơi mất trâm ngọc bên trong.
Chu Tử Thư chấn động tinh thần, lại không có thời gian nghĩ đến việc khác, trơ mắt nhìn ngọc sắc hóa thành chấm nhỏ rơi xuống bờ sông, bị sóng cả cuồn cuộn bao phủ.
"Sư phụ!" Trương Thành Lĩnh đẩy đám người sang một bên chen đến bên y, thấy Chu Tử Thư ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn xuống sóng biển liền kéo người ra ngoài. "Bọn họ nói thủy triều năm nay quá lớn, quá nguy hiểm, chúng ta nên về sớm thôi."
"Không thể để mất..." Chu Tử Thư đưa đứa bé trong ngực cho đồ nhi: "Dẫn nó đi tìm người nhà."
"Người đi đâu vậy!" Trương Thành Lĩnh vội kêu lên.
Chu Tử Thư không đáp, vọt người nhảy lên, mũi chân nhẹ nhàng hạ xuống vai đám đông, tựa như tiên lạc đạp sóng mà vút lên không, rồi ùm một tiếng chìm vào trong nước.
Ngày triều cường lên, nước sông đục ngầu vàng thau lẫn lộn, khó nhìn được gì, muốn tìm một cây trâm ngọc trong sóng dữ chẳng khác gì mò kim đáy bể. Cho dù Chu Tử Thư cực giỏi bơi lội, chìm nổi tìm kiếm một hồi cũng khó tránh khỏi tiêu hao thể lực, không chống đỡ nổi.
Mãi cho đến khi ồn ào náo động trên bờ lắng xuống y mới loạng choạng lên bờ. Đi được mấy bước lại như không cam lòng muốn trở lại, nhưng lại bị người kéo đi.
"Sư phụ!" Trương Thành Lĩnh lòng nóng như lửa đốt: "Người đang làm gì vậy!"
Chu Tử Thư ngẩng đầu nhắm nghiền hai mắt, tay siết thành quyền, nhẫn chịu bi thương đầy lòng, lẩm bẩm nói: "Ngọc đã nát tan từ lâu... Nát tan từ lâu!" Rồi đột nhiên cười khổ thê lương, lắc đầu liên tục: "Đệ ấy đang giục ta... Giục ta đó mà."
Nói xong liền cong người mà đi, Trương Thành Lĩnh bị biến cố phen này dọa sợ, lời cũng không dám nói lung tung, chỉ biết theo chân luôn miệng gọi sư phụ nhưng không được đáp lại.
Chợt nghe thấy có người sau lưng gọi: "Ân công xin dừng bước!"
Vài nam tử ăn mặc quê mùa đuổi tới, cúi đầu mà bái: "Đa tạ công tử nhân nghĩa, cứu khuyển tử một mạng!"
Chu Tử Thư vẫn nhìn thẳng về phía trước, tựa như thế giới trần tục xung quanh chẳng liên can gì đến mình, đi được vài bước lại bị đuổi theo.
"Công tử hiệp nghĩa, kẻ hèn nguyện dùng một nửa gia tài để báo đáp!" Người dẫn đầu ước chừng hơn bốn mươi, miệng vuông mũi rộng, thoạt nhìn rất anh dũng.
Trương Thành Lĩnh không ngăn được Chu Tử Thư, đành khoát tay với những người kia nói không cần đa lễ rồi lại đuổi theo sư phụ.
"Nếu ân công coi thường vàng bạc, xin hãy cho ta biết tên. Kẻ hèn nguyện vì ngài mà lập một tòa sinh từ*, tận lòng kết cỏ ngậm vành."
*Sinh từ: đền thờ người đang còn sống.
Chu Tử Thư nghe vậy liền đứng lại, quay đầu nhìn Trương Thành Lĩnh, nhíu mày nói: "Thành Lĩnh, ta chưa từng lập bài vị cho đệ ấy."
Trương Thành Lĩnh thấy đầu ong ong, bộ dáng này của sư phụ cậu... Rõ ràng là chấp niệm quá sâu, tâm trí bị che phủ... Nhất thời nghẹn lời, lắp bắp nói: "Sư thúc không quan tâm đến những thứ ấy..."
Thấy cuối cùng Chu Tử Thư cũng chịu dừng bước, những người kia liền bước tới mà bao quanh y, người dẫn đầu vẫy tay về phía xa: "Người làm thúc thúc như ngươi lại la cà đến chỗ nào rồi? Còn không mau mau tới cảm tạ nghĩa sĩ đã cứu A Già!"
Chu Tử Thư vẫn mắt điếc tai ngơ. Trương Thành Lĩnh nghe vậy quay đầu nhìn, đột nhiên biến sắc, há miệng nhưng không nói nên lời, tay run run sờ đến ống tay áo sư phụ, cứng ngắc giật một cái.
"...Sư, sư, sư..."
Ba phần thần chí Chu Tử Thư bị cậu gọi về, nghiêm mặt nhìn lại. Nhất thời chấn động, con ngươi run rẩy, vô thức lùi lại nửa bước, trên mặt không còn huyết sắc.
Người nọ lại gần, chắp tay nói: "Tại hạ là con cháu Tất thị vùng Quảng Lăng, đa tạ hai vị đã cứu cháu ta." Một thân tinh anh tuấn dật, phong thái lỗi lạc, cử chỉ mang tư thái rồng phượng.
Người tới dù bị bốn con mắt ghìm chặt lấy vẫn tự đắc như cũ, nghiêng mình cười nói: "Có lẽ nào kẻ bất tài này mặt xanh nanh vàng, dọa sợ công tử rồi?" Nói xong, đột nhiên bị người nắm vạt áo trước mà siết chặt lấy.
"Ngươi là ai."
Ba chữ này mất tiếng khó phân, run rẩy như khạc ra tim phổi. Nếu không phải hai người gần như kề sát da mặt, khẳng định là không nghe rõ.
Trái tim cẩm y lang quân khẽ động. Nếu kẻ khác dám cả gan thất lễ như vậy thì đã bị hắn bẻ gãy cổ từ lâu, nhưng bây giờ hắn không những không khó chịu, ngược lại không hiểu sao có phần thích thú.
"Kẻ bất tài này là con cháu..."
"Câm miệng."
Chu Tử Thư ngắt lời hắn, tay siết chặt thêm ba phần lực: "Nói thật đi."
"Công tử bớt giận!" Người dẫn đầu chắp tay khẩn khoản nói: "Không biết gia đệ đã làm sai điều gì chọc giận công tử? Nếu có thất lễ xin hãy thứ lỗi, đừng động thủ!"
Một tia sáng vụt lóe qua mắt Chu Tử Thư, y cười lạnh: "Gia đệ? Hắn là đệ đệ ngươi?"
"Đúng vậy." Người dẫn đầu trả lời.
"Sư phụ..." Trương Thành Lĩnh hơi bình tĩnh lại, khuyên nhủ: "Thiên hạ đâu thiếu người dung mạo cực giống, huống chi còn chuyện dịch dung..."
"Hắn chưa dịch dung." Ánh mắt Chu Tử Thư vẫn ghim chặt trên người nọ, như thể muốn lột da của hắn xuống. "Ngươi không nói?"
"Công tử, là huynh không cho ta nói." Cẩm y lang quân bật cười.
"Được, được." Chu Tử Thư thả tay ra, đột nhiên rút một thanh nhuyễn kiếm bên hông ra chém xuống trời không, tiếp đó tiếng vải rách vang lên. Đúng là y đã rạch mở quần áo của lang quân anh tuấn.
Mọi người nhất thời sững sờ tại chỗ, may mà người ra tay đã tinh tế khống chế lực đạo, gấm vóc rách hết nhưng da thịt không đáng ngại. Chu Tử Thư tỉ mỉ xem từng tấc từng tấc lộ ra, vẻ mặt dần trở nên kinh ngạc.
"...Sao có thể..." Ôn Khách Hành là người tập võ nên thân thể có nhiều sẹo, từng vết y đều nhớ rõ ràng. Nhưng người trước mắt, làn da phẳng lì hoàn toàn không trông thấy dấu tích của sẹo.
Nhưng dung mạo này căn cốt này, y tuyệt đối không thể nhận lầm... Sao có thể...? Phải? Hay không phải? Người?... Hay là quỷ? Không lẽ đã sớm đầu thai chuyển kiếp, không muốn cực khổ đợi chờ thêm nữa?
Đại biến ập xuống đột ngột, tâm tư Chu Tử Thư nhất thời nhiễu loạn, khí tức mất cân bằng, khí huyết vừa bị áp chế khi xuống sông chạy loạn trong đan điền như thủy triều vỡ đê, lao thẳng vào tâm mạch.
"Sư phụ ---!"
Trương Thành Lĩnh kêu lên thất thanh, chưa kịp đưa tay ra thì người thổ huyết đã được cẩm y lang quân ôm chặt vào lòng.
...(còn tiếp)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.