[Ôn Chu] Trộm Tiên

Chương 1:




Sáng sớm tinh mơ, Chu Tử đang tụng kinh ở trước điện thờ. Phật quang chiếu khắp trong điện, nhang khói mù mịt, y cũng giống như Bồ Tát rũ mi hạ mắt, trong tay cầm một chuỗi tràng hạt làm từ gỗ đàn, quỳ ngồi trên bồ đoàn lặng lẽ niệm kinh Phật.
*Câu gốc 低眉敛目: hình dung bộ dạng cúi đầu, lộ ra thái độ khiêm nhường và thuận theo.
Đoàn khách hành hương đi vào nườm nượp, cũng quỳ xuống bồ đoàn bên cạnh y dập đầu trước Bồ Tát, niệm A Di Đà Phật, Bồ Tát phù hộ, Chu Tử Thư không nói một lời, những thứ đó nhộn nhịp băng ngang qua người y, trở thành một luồng gió khẽ lay động sau vạt áo.
Y âm thầm niệm kinh đủ tám mươi mốt lần, lúc mở mắt trở lại trời đã sáng choang, y đứng dậy khỏi bồ đoàn, thắp thêm dầu lửa cho đèn trường minh trên án.
Y đang thêm dầu, bỗng nhiên có một bà lão bị què bước vào trong điện, nhìn trái nhìn phải một chút sau đó khập khiễng bước tới chỗ y, hỏi, "Sư phụ, lạy Bồ Tát, là lạy ở đây sao?"
Chu Tử Thư gật đầu với bà một cái, bà lão nói cảm tạ, phủi phủi bụi đất trên người, đỡ chân quỳ xuống bồ đoàn, dập đầu ba cái.
Bà hết xá lại lạy, gần nửa giờ mới đứng lên, Chu Tử Thư tiến tới đỡ bà, bà lão cứ luôn miệng nói, "Cảm ơn sư phụ tốt bụng, cảm ơn sư phụ tốt bụng." Rồi lại hỏi, "Sư phụ tốt bụng, đến thiện đường thì đi như thế nào? Ta muốn dâng chút tiền nhang đèn."
Chu Tử Thử phát hiện tròng mắt bà như bị bao phủ bởi một lớp bụi mờ ảm đạm, gần như sắp mù lòa, bà ăn mặc giản dị, có lẽ là vừa rồi đi đường mệt mỏi, y nói, "Lễ Phật có lòng thành là được, tiền nhang đèn không cần cưỡng cầu."
Bà lão giải bày, "Nữ tử nhà ta năm nay mới mười sáu, nằm trên giường đã ba năm có thừa... Lão già ta đây không tiền cũng không tài, dâng chút tiền nhang đèn này lên, hy vọng Bồ Tát không cười chê, có thể cứu con gái lão..."
Chu Tử Thư cau mày, "Lệnh ái... Là bị mắc bệnh sao?"
Bà lão nói, "Là bệnh lạ, bệnh lạ!"
Chu Tử Thư nói tiếp, "Vậy bà dùng số tiền này đem về mời một danh y, đến chữa bệnh lạ là được mà."
Bà lại phân trần, "Bọn họ đều nói chữa không được, đều nói con gái ta xong đời rồi, không chữa nổi!" Bà lão khóc lóc nói, "Ta đưa con gái đi tìm đại phu một năm trời, gặp ai cũng nói rằng không thể chữa, ta nghe người khác nói, Bồ Tát ở đây linh nghiệm liền mang nó tới, van xin Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, phân phát từ bi!"
Chu Tử Thư lên tiếng, "Lệnh ái hiện đang ở nơi nào?"
Bà lão trả lời, "Đang ở bên ngoài điện."
Chu Tử Thư đỡ bà lão ra khỏi điện, nhìn thấy bên dưới chân bậc thang, có một thiếu nữ nằm trên tấm lót được bện từ cây trúc, sắc mặt tái nhợt, hơi thở mong manh. Y đến kiểm tra một phen, hỏi, "Bệnh lạ này nhiễm phải từ khi nào?"
Bà lão nói, "Ba năm trước đi vào trong núi hái thảo dược, từ khi trở về nhà là sốt cao không dứt, vẫn luôn bệnh suốt không dậy nổi, có gọi cũng không tỉnh." Bà lại liên miên kể về những lần đi tìm danh y không có kết quả, tiểu nữ lúc trước lanh lợi thông tuệ biết bao, bà mò mẫm trong ngực áo ra một cái túi vải, bắt lấy ống tay áo của Chu Tử Thư, "Sư phụ tốt bụng, ngươi chỉ đường tới thiện đường cho ta, ta đi cúng lên những thứ này, bọn họ đều nói Bồ Tát ở đây linh nghiệm lắm, ta van cầu người cứu lấy cái mạng của con ta..."
Chu Tử Thư khẽ phất ống tay áo, lo lắng nhướn mày, "Bồ Tát lấy tiền của người phàm các người để làm gì chứ?"
Bà lão vừa nghe vậy, vội la lên, "Vậy ta..."
Chu Tử Thư không đành lòng, "Chi bằng như vầy, bà đi cầu một quẻ xăm, nếu như Bồ Tát nguyện ý giúp bà, tự nhiên sẽ ứng nghiệm."
Bà lão nói phải, bị Chu Tử Thư đổi hướng đi đến sảnh phụ lắc que xăm. Que xăm bằng trúc rơi xuống đất, Chu Tử Thư nhặt lên, hỏi, "Bà bà, có nhìn thấy được chữ không?"
Bà lão lắc đầu, "Mắt ta đã nhòe từ mười năm trước, không thể thấy rõ chữ nữa."
"Vậy thì, kẻ hèn này xin được thay bà bà xem que xăm." Chu Tử Thư nói. Bà lão lại chắp hai tay, tiếp tục kêu mấy tiếng, "Sư phụ tốt bụng."
Chu Tử Thư soi chữ trên que xăm một hồi mới lên tiếng, "Bồ Tát nói, bệnh của lệnh ái có thể chữa trị."
Bà lão kinh hô một tiếng, quỳ lạy trên đất, miệng hô Bồ Tát từ bi, Chu Tử Thư đến đỡ bà dậy, nói, "Bồ Tát còn nói thêm một vài điều nữa, bà bà phải để tâm ghi nhớ."
Bà lão vâng dạ gật đầu.
Chu Tử Thư nói, "Trong vòng ba tháng mười lăm ngày, tốt nhất là nhân lúc trời chưa sáng, đưa lệnh ái đến ngọn núi nơi nàng đã đi hái thảo dược, đi bộ qua vài lần trên con đường núi mà nàng thường đi, sau khi trở về nhà đốt một nén hương, ăn tro hương đó vào cùng với nước, bảy ngày sau là sẽ hết bệnh."
"Bà nhớ chưa?" Chu Tử Thư hỏi.
Bà lão đáp lời, "Nhớ rồi! Nhớ rồi!" Bà lại muốn quỳ lạy, liền bị Chu Tử Thư ngăn lại, "Bà bà đi đứng bất tiện, lòng thành là đủ rồi."
Y lại hỏi, "Chân của bà, là bệnh cũ hay bệnh mới?"
Bà lão trả lời, "Cách đây vài ngày, ta kéo con gái đi đường núi bất cẩn té lộn nhào một cái, không có gì đáng ngại."
Chu Tử Thư thở dài, đi đến bên hương án lấy giấy bút viết mấy hàng chữ, sau đó đưa giấy cho bà lão, "Cái này là đơn thuốc, bà đem giao cho tiểu nhị ở dược đường, để cho hắn sắc thành thuốc dùng đắp ngoài da, một ngày hai lần, thoa lên chỗ đau trên chân là được."
Bà lão nhận lấy đơn thuốc nhét vào trong túi, Chu Tử Thư đỡ bà ra ngoài điện, sau khi nói cảm ơn liền kéo tấm lót bằng trúc đi về. Chu Tử Thư nhìn bóng lưng khập khễnh của bà, đưa tay vào trong ống tay áo vỗ vỗ đọc một bài vè, triển chú đến trên đùi cô nương rồi mới quay trở vào điện.
Con gái của bà lão thật ra không mắc phải căn bệnh nào, có thể là do ngày còn nhỏ thường xuyên lên núi chơi, cho nên bị yêu ma quỷ quái cắp hồn đi, y hạ ấn kí lên đùi nàng, ba tháng mười lăm ngày lúc trời chưa sáng để cho bà bà đưa nàng lên núi, mấy tên tiểu quỷ kia chỉ cần ngửi được mùi hương của Chu Tử Thư thì sẽ ngoan ngoan thả hồn nàng về chỗ cũ.
Ba đợt khách hành hương từ trong điện chậm rãi đi ra, Chu Tử Thư nghe bọn họ nói về chuyện Bồ Tát ở đây linh nghiệm, tới rồi thì phải cầu một điều ước. Người người bảo nhau rằng ai mắc phái chứng bệnh kì quái, ai mắt mù tai điếc, đến xá lạy một lần liền chữa được bách bệnh, Quan Âm nương nương quả thật là đại từ đại bi, phổ độ chúng sinh.
Chu Tử Thư đứng một bên lắng nghe, tủm tỉm cười lắc đầu.
Khi mới vào chùa pháp danh của y là Tịnh Xả, là chữ Xả lấy từ trong chữ Thư tên y, nói y trần duyên chưa dứt, phải học cách buông bỏ. Muốn có được tình yêu lớn, trước hết phải biết cách buông. Nhưng mà bởi vì y buông không được, cho nên bước chân mới bị thế tục khóa lại.
Trong chùa mỗi ngày hương khói cường thịnh, người người đều nói Bồ Tát từ bi, không hề biết rằng Bồ Tát mà bọn họ cung kính thờ phụng chưa từng nghe những lời sở cầu sở tố kia, mà kẻ đến cứu bọn họ khỏi dầu sôi lửa bỏng, chính là một con xà yêu quỳ ở góc điện cúi đầu tụng kinh.
Chu Tử Thư bước vào trong điện.
Năm nay, là năm thứ tám mươi ba y bị trấn ở lôi đỉnh tháp.
*
Ban đêm, Chu Tử Thư không thể ngủ được.
Tám mươi ba năm, chỉ cần nhắm mắt, y sẽ lại nhìn thấy giấc mộng ma đỏ tươi như máu, cuối cùng y vẫn là không thể học được cách buông bỏ, cuối cùng vẫn không có cách nào buông xuống được, để cho một màn máu đỏ trở thành ác quỷ ban đêm đến đòi mạng, trở thành cây đinh dài đóng vào thất khiếu của y, khiến cho y muốn sống cũng không được, muốn chết cũng không xong.
Có lúc y nghĩ, nếu như trở về lúc ban đầu, nếu như khi đó y không nhất thời ham chơi chạy xuống núi, thì mọi chuyện sau đó có lẽ rằng sẽ không bao giờ phát sinh. Như vậy, y của hiện tại vẫn sẽ làm một tiểu yêu an nhàn ở núi Thanh Thành, mỗi ngày uống sương ăn gió, vui sướng biết bao, còn Ôn Khách Hành thì nên ghi danh lên bảng vàng cao trung, làm một quan chức có địa vị cao, nếu như sống đủ lâu, trọn vẹn một đời làm người, thì sẽ còn có đàn con cháu đầu gối tay ấp, làm một lão đầu tử tóc hoa râm.
Chu Tử Thư nghĩ đến dáng vẻ này của Ôn Khách Hành, không khỏi bật cười.
Ôn Khách Hành, y nở nụ cười, lẩm bẩm thì thầm, Ôn Khách Hành...
Nụ cười dần dần tắt ngúm, nhuốm vào một nỗi buồn rầu sâu thẳm, Ôn Khách Hành, y thở dài nói, Ôn Khách Hành...
Là ta còn nợ ngươi, Ôn Khách Hành. .
||||| Truyện đề cử: Hổ Tế |||||
Hai trăm năm trước, Chu Tử Thư chỉ là một tiểu yêu, chạy xuống dưới núi chơi, không ngờ lại bị mắc bẫy, bị người săn rắn bắt đi. Tên săn rắn thấy y toàn thân trắng như tuyết, không giống như rắn cỏ thông thường, nổi tâm ý đem y đưa tới trong phủ tướng quốc, Chu Tử Thư thong thả nghĩ, y tu luyện ba trăm năm, cuối cùng lại bị người mổ bụng, đem đi làm rượu thuốc.
Tướng quốc công tử là con trai của lão tướng quốc, chắc là vẫn còn được xem như bảo bối, mười hai mười ba tuổi đầu mà vẫn còn để tóc máu, tết thành một cái đuôi sam rũ xuống sau ót, trên cổ đeo vòng trường mệnh, mặt mũi như con gái, vừa tuấn tú lại xinh đẹp tuyệt trần. Hắn nhìn bạch xà ở trong lồng, nhẹ nhàng nói, "Đáng thương quá, thả nó đi."
Người săn rắn nói, "Công tử, bạch xà này hiếm có, là vật quý vạn dặm khó tìm, mật rắn giải độc, tim rắn lợi cho tuổi thọ, lớp da rắn này ngài lột ra để làm vỏ kiếm cũng vô cùng đẹp đẽ..."
Tướng quốc công tử chán ghét cau mày, "Buồn nôn muốn chết."
"Cái gì mà tim rắn gan rắn, mật rắn da rắn chứ," Hắn nói, "Nghe tới là muốn mất hết khẩu vị."
"A Nhị, đem con rắn kia đến đây," tướng quốc công tử phân phó, "Đi lên núi tìm một chỗ thả nó đi."
Người làm lên tiếng đáp lại, cầm lấy cái lồng rắn, tướng quốc công tử nhích lại gần nhìn nó một chút, cười nói, "Vật nhỏ, lần sau nhớ phải chú tâm, đừng để bị người ta bắt đi nữa."
Chu Tử Thử thè ra thụt vào cái lưỡi rắn về phía nhúm tóc máu của đứa trẻ, thầm nghĩ, ai là vật nhỏ? Lão tử đây chắc còn lớn tuổi hơn cả gia gia nhà ngươi. Trước khi đi còn hướng Tướng quốc công tử xì xì hai tiếng, ý là nói, tiểu tử, ta sẽ ghi nhớ, ân tình này mai sau ta sẽ báo đáp.
Chu Tử Thư được tướng quốc công tử cứu, thả trở về núi Thanh Thành, có câu nói rằng ở trên núi một ngày, nhân gian đã là một năm, nhưng chờ đến tu vi của Chu Tử Thư tăng thêm một bậc, có thể tự do biến thân thành người, không thể nào bò trúng bẫy rập của người săn rắn được nữa, thì ở dưới nhân gian đã sớm trôi qua tận sáu mươi năm rồi.
Chu Tử Thư đi đến dưới núi, hỏi thăm về tướng quốc công tử sáu mươi năm về trước, nhưng chỉ nhận lại được tin tướng quốc mang tội mưu nghịch, liên lụy đến cửu tộc, cả nhà đều bị sao trảm.
"Vậy còn tướng quốc công tử kia thì sao?" Chu Tử Thư hỏi.
"Ý của ngươi, là nhi tử độc nhất của tướng quốc sao?" Tiểu nhị ở quán trà hỏi.
"Chính là hắn," Chu Tử Thư trả lời, "Còn hắn thì sao?"
"Đã là người trong nhà, nào có đạo lý còn sống sót. Cũng bị yêu trảm cùng lão tướng quốc luôn rồi." Tiểu nhị nói.
Chén trà trên tay Chu Tử Thư cạch một tiếng rơi trên bàn, y lại hỏi, "Từ lúc nào?"
Tiểu nhị lau nước trà bị đánh đổ trên bàn, nói, "Hình như cũng đã lâu lắm rồi, tiểu nhân là nghe gia gia kể lại, chắc là tầm bốn năm mươi năm gì đấy."
Bốn năm mươi năm, Chu Tử Thư chậm rãi nghĩ ngợi, vậy là tiểu công tử kia bỏ mình khi vẫn còn chưa đứng tuổi.
Chu Tử Thư lại ngỏ lời, "Có thể biết thi thể cả nhà Tướng quốc được chôn ở nơi nào không?"
Tiểu nhị lắc lắc đầu, "Coi ngài nói kìa, loạn thần tặc tử, cả nhà đều bị chém, sao có thể được phép lưu lại mộ phần?"
Chu Tử Thư im lặng.
Tiểu nhị thấy y như vậy, nói nhỏ, "Ngài..."
Chu Tử Thư khựng lại một chút rồi mới đáp, "Trong đó... Có một vị cố nhân." Tiểu nhị gật đầu một cái, trong bụng thầm nghi ngờ, vị công tử này ngay cả râu cũng không có, sao mà quen biết cố nhân trong phủ Tướng quốc từ tận bốn năm mươi năm trước chứ, thế nhưng hắn cũng không nhiều lời.
Tiểu nhị cầm bình trà, vác khăn lông lên vai phải định đi, lại đứng lại, bước tới nói với Chu Tử Thư, "Hỏi người chém đầu, thi thể chắc là sẽ ở trong bãi tha ma ngoài thành, nếu như ngài muốn, có thể tới đó nhìn chút."
Chu Tử Thư gật đầu nói cảm ơn với hắn.
Sau đó, y rời khỏi quán trà, buộc bầu rượu bên người rồi đi đến bãi tha ma ở ngoài thành, gò đất lớn nhỏ không đồng nhất đắp cạnh nhau, bia mộ không có chữ nghiêng ngã không thẳng thóm, y dõi mắt nhìn qua nhìn lại, không biết đâu mới là ngôi mộ mà y muốn tìm.
Y ngồi xuống đất uống nửa bầu rượu, lại uống thêm một hơi nữa cạn sạch, mắt trông về phía hư không, y nói, "Tiểu công tử, ta đến muộn rồi, không thể trả lại cho ngươi một mạng mà ta đã thiếu, vậy thì đời sau, ta sẽ tới tìm ngươi thật sớm."
Qua thêm gần hai mươi năm, Chu Tử Thư lại xuống núi, tìm kiếm ân huệ mà y cần phải báo.
Thấm thoát đã được vài ba năm, trong thành xuất hiện Ngọc Bồ Tát tán tẫn ngàn tài, Chu hoa huyền hồ tái thế. Rằng là thành Đông có một dược đường vừa mới mở, gọi là Ngọc Thiện Đường, chuyên chữa bệnh cho những người nghèo khổ không có tiền của, nếu là thư sinh nghèo lên kinh dự thi, y còn tặng thêm cho người đó một cái móc bạc, giúp cho bọn họ học hành tiến bộ, đường công danh thuận lợi. Người trong thành đều nói, Chu đại phu y thuật cao siêu, diệu thủ hồi xuân, mặt như quan ngọc, lòng dạ Bồ Tát.
Chu Tử Thư ngồi trong dược đường, vừa mới chữa trị cánh tay cho Lưu lão bá đốn củi, nhìn cửa một cái rồi quay sang pha trà.
Y ở trên núi đã sớm tính qua, tướng quốc công tử chuyển thế đầu thai, nhất định là sẽ ghé qua nơi này lên kinh dự thi, y liền tới đây chờ trước, sợ là lại để lỡ mất. Chỉ là y đợi ở đây đã được mấy ngày, gặp được thư sinh trẻ tuổi nào cũng tặng tiền, vậy mà vẫn chưa gặp được tướng quốc công tử chuyển thế đầu thai. Chu Tử Thư sờ sờ bắp đùi, trong lòng khổ sở, vảy xà y dùng để đổi tiền không còn nhiều lắm, tiểu công tử ơi tiểu công tử, rốt cuộc ngươi đã đi về nơi đâu rồi? Sao lại để ta chờ ngươi ngần ấy thời gian như thế chứ?
Ngày hôm ấy, Chu Tử Thư đến thành Tây chữa tiêu chảy cho đứa con nhỏ của Trương đồ tể, lúc về sắc trời đã tối, ngày mai chính là ngày kinh thành tổ chức hội thi đình, y lắc lắc đầu nghĩ, chắc là năm nay lại chờ không được rồi.
Y cũng không còn lòng dạ nào, chỉ muốn đóng cửa dược đường sớm, quay về hậu viện uống rượu, hai cánh cửa gỗ còn chưa khép lại đã nghe có người gọi, "Xin đợi chút —"
Động tác của Chu Tử Thư dừng lại một lát, một tay đặt lên cửa gỗ đẩy ra, để lộ khuôn mặt dịu dàng tươi cười.
"Đại phu xin đợi chút!" Người kia nói.
Chu Tử Thư nhướn một bên lông mày nhìn hắn.
Người nọ lùi về sau một bước, đứng yên trên bậc thang, cung kính cúi chào một cái, "Kẻ hèn Ôn Khách Hành, đường đi đắt đỏ, ngày dài miệng khát, muốn xin đại phu một bát nước mát, nếu như quấy rầy, vậy thì xin thứ lỗi."
Chu Tử Thư nghiêng đầu nhìn hắn chính trực cõng sách trên lưng, giỏ trúc bị thủng một lỗ, để lộ ra bao vải gói đồ ở trong, lán che nắng trên đầu cũng đã bị hỏng chỉ còn sót lại cái khung, cố gắng chống đỡ một cách thảm hại. Chu Tử Thư nghĩ, thư sinh này người đầy bụi đất, quần áo lấm lem tơi tả, cứ như là bị thổ phỉ ở trên núi cướp bóc đến thê thảm, trông cũng đáng thương, y bèn hỏi, "Ngươi đến từ đâu?"
Thư sinh Ôn Khách Hành lại chắp tay thi lễ, nói ra một địa danh, Chu Tử Thư tính lộ trình một chút, muốn đi tới đây cũng phải hai tháng có thừa, bày tỏ, "Cũng hơi xa."
Ôn Khách Hành đáp lời, "Nơi nông thôn tầm thường, dĩ nhiên là sẽ cách xa hoàng thành một chút."
Chu Tử Thư lại nói, "Nhưng ở đây vẫn chưa phải là hoàng thành đâu, nếu như ngồi thuyền đi đường thủy, muốn lên kinh nhanh nhất cũng phải ba ngày, chỉ sợ là ngươi không thể bắt kịp kì thi đình năm nay rồi."
Ôn Khách Hành thở dài thườn thượt, "Mệnh dã! Kẻ hèn này mệnh dã!"
Hắn lắc đầu một cái, bắt đầu kể lại quá trình hắn từ nhà lên đường đi như thế nào, gặp thổ phỉ suýt chút nữa là mất mạng như thế nào, làm sao để thoát khỏi miệng cọp đi đến chỗ này, Chu Tử Thư nghe hắn nói được ba câu liền dời mắt, nhìn chằm chằm khuôn mặt hắn bằng ánh mắt mãnh liệt.
Ôn Khách Hành nói đến chỗ hắn làm cách nào để thừa dịp đám thổ phỉ còn chưa trộm được đồ chạy xuống núi mới phát hiện ra ánh mắt của Chu Tử Thư, có hơi mất tự nhiên ngừng nói, nâng ống tay áo đã bẩn xoa xoa lên mặt, "Đại phu, mặt ta dính bẩn sao? Ta đi một đường tới đây không có chỗ rửa mặt chải đầu, quả thực thất lễ..."
"Ôi," Chu Tử Thư kéo ống tay áo của hắn, nói, "Sao mà ngươi..."
Trên mặt Ôn Khách Hành có một nốt ruồi nhỏ, Chu Tử Thư thật sự cảm thấy hắn quen mắt, nhưng lời đến khóe miệng vòng vo một hồi, biến thành, "Sao trán ngươi lại sưng một cục thế kia?"
"À," Ôn Khách Hành sờ lên trán, cười ngây ngô đáp, "Lúc chạy trốn vội quá, đụng vào gốc cây."
Chu Tử Thư không nói một lời, chỉ nhìn hắn, nắng hoàng hôn ngã về phía Tây, khiến cho lòng bàn chân người ta bắt đầu cảm nhận được khí lạnh mà tê rần, quỷ thần xui khiến Ôn Khách Hành nhớ tới lời đồn trong truyền thuyết mà hắn nghe được từ phụ nhân khi lừa dọa mấy đứa trẻ con, chính là trước khi mặt trời lặn mà không trở về nhà sẽ bị một con rắn lớn ưa ăn thịt trẻ con tới tha đi. Hắn không dấu vết lui về phía sau nửa bước, nói, "Đại phu, nếu như không tiện bố thí bát nước mát, vậy ta lại đi tới cửa tiệm phía trước kia hỏi một chút..."
Chu Tử Thư đáp, "Đã là giờ Dậu rồi, ngươi nhìn xem cửa tiệm người ta còn mở cửa không?"
Ôn Khách Hành nhìn khắp trên đường phố, cửa tiệm ở bốn phía chỗ nào cũng đóng chặt cửa.
"Còn tiền không?" Chu Tử Thư hỏi.
Ôn Khách Hành trợn to hai mắt, vắt tay lên túi nhỏ đeo trên hông, bất chợt lui về phía sau một bước, bật thốt lên, "Một phân cũng không có!"
Chu Tử Thư vui vẻ, "Không ai thèm cướp của ngươi!"
"Một phân tiền ngươi cũng không có," Chu Tử Thư hỏi, "Vậy buổi tối tính ngủ ngoài đường sao?"
Ôn Khách Hành đáp, "Trời là chăn, đất là chiếu, bước đi không dấu vết, nhà ở không có phòng, bầu trời là mặt đất, muốn làm gì thì làm..."
Chu Tử Thư lắc tay tỏ ý muốn hắn đừng nói nữa, đẩy rộng cửa thêm một khoảng, "Vào đi."
Sau đó, Chu Tử Thư cố ý ngoảnh mặt vào trong nhà, "Còn phải tìm cho ngươi một cái giường ngủ."
Ôn Khách Hành đã ngừng nói, lấy làm lạ nhìn y.
Chu Tử Thư ho khan một tiếng, hỏi hắn, "Hay là ta ăn ngươi luôn được không?"
Ôn Khách Hành há miệng muốn nói gì, đột nhiên toét miệng cười lên, nhấc vạt áo leo lên từng bậc thang, bước vào trong nhà, cất cao giọng nói, "Chuyện đó tất nhiên là không thể!"
Chu Tử Thư thấy người hắn phủ đầy bụi bặm, không được sạch sẽ, nhưng mà mặt mũi như con gái, vừa tuấn tú lại xinh đẹp tuyệt trần, nốt ruồi nhỏ xíu trên gương mặt ấy quả thực khiến cho y hơi mất tập trung, Chu Tử Thư ở phía sau đóng cửa lại, lúc trở vào trong sảnh thì Ôn Khách Hành đang đứng giữa dược đường ngó tới ngó lui, dáng vẻ nom vô cùng hiếu kì.
"Ngươi..." Chu Tử Thư cất lời.
Ôn Khách Hành quay đầu lại, "Đại phu, có chuyện gì?"
Chu Tử Thư gắng gượng ngăn lại câu nói, cứng đờ một hồi mới hỏi, "Ngươi có thích động vật nhỏ không?"
Ôn Khách Hành hoài nghi, "Động vật nhỏ?"
Chu Tử Tư giải thích, "Là... mèo nhỏ chó nhỏ, rắn..." Y ho một tiếng, "Rắn nhỏ các loại ấy."
tbc.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.