Ôn Kiều Ngã Vào Lòng Tôi

Chương 88:




Cuối cùng, Tống Thời Ngộ cũng đón bà Tống đang ở khách sạn để đến đây ở hơn nửa tháng. Hai bà cụ ở đây chẳng có chuyện gì để làm, bà Tống nhớ những ván mạt chược chơi với những người bạn ở dưới quê, còn bà nội thì nhớ đàn gà, đàn vịt và vườn rau ở quê nhà, thế là Tống Thời Ngộ sắp xếp thêm hai người đưa họ về cẩn thận, bác cả được ở lại Lâm Xuyên như mong muốn.
Sợ ông ấy chán, Tống Thời Ngộ và Ôn Kiều còn mua rất nhiều tập tranh và bỏ tại phòng đọc sách cho ông ấy.
Những khi Bình An đọc sách trong căn phòng này, bác cả sẽ đi với cậu bé, ngồi cạnh xem tập tranh hoặc yên lặng chơi ghép hình một mình, không quấy rầy cậu bé.
Thỉnh thoảng Bình An và bác cả sẽ đến quán thịt nướng với Ôn Kiều để phụ giúp cô buôn bán.
Bác cả vô cùng thích náo nhiệt, cũng cực kỳ thích những nơi đông đúc. Khi ông ấy phụ mang đồ ăn lên cho khách, hễ được khách nói cảm ơn là y như rằng bác cả sẽ vui mừng hết biết.
Một thời gian sau, các khách quen trong quán đều biết đến bác cả. Mặc dù đã biết chuyện ông ấy là bác cả của cô chủ quán, bị thiểu năng trí tuệ do hồi nhỏ bị bệnh nhưng tất cả đều rất thích ông ấy, ai cũng không hẹn mà gọi ông ấy là bác cả.
Một số vị khách còn nhắc đến bác cả khi đánh giá món ăn trên ứng dụng giao đồ ăn, toàn bộ đều là những lời khen ngợi ông ấy là người cực kỳ chân thành và đáng yêu, lại còn rất hiếu khách.
Quả thật không lạ gì khi khách trong quán lại khen ngợi ông ấy như vậy, bởi vì ngày nào ông ấy cũng chải chuốt thật sạch sẽ và gọn gàng. Hơn nữa thời trẻ bác cả cũng là một người đàn ông với vẻ ngoài lịch lãm và khôi ngô, mặc dù bây giờ đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ được nét thu hút khi xưa, tính cách của ông ấy cũng tử tế, nói năng lịch sự, đôi mắt trong veo vô ngần đầy ngây thơ, và luôn đối xử lịch sự, niềm nở với bất cứ ai.
Không những thế, bác cả còn có biệt tài nhớ mặt người khác, hễ vị khách nào đã đến quán một lần thì ông ấy đã nhớ rồi, sang lần thứ hai ông ấy sẽ nhận ra được ngay.
Nếu như có khách nói cho bác cả biết tên của mình, lần sau ông ấy sẽ gọi tên người đó như thể cả hai quen biết nhau thân lắm vậy, còn tích cực tiếp đón hơn nữa.
Bác cả còn nghiêm túc báo với Ôn Hoa về những vị khách đến đây nhiều lần và vô cùng ăn ý với mình, bảo rằng khách ở bàn đó là bạn của mình, phần của họ cho thêm một chút nữa, các khách hàng cũng hết sức vui lòng vì điều đó.
Ôn Kiều thường xuyên đọc những bình luận khen bác cả trên mục đánh giá cho ông ấy nghe, bác cả nghe xong sẽ vui vẻ rất lâu.
Dường như ông ấy đã tìm được mục tiêu sống của mình, mỗi ngày đều hăng hái muốn đến quán để phụ giúp, trở thành nhân viên chính thức ở đây.
Càng về sau, không ngờ có người thường xuyên ghé ăn tại quán này vì bác cả.
Trong thoáng chốc, quán thịt nướng nhỏ của Ôn Kiều bỗng dưng trở nên nổi như cồn trên mạng tại con đường Tây Ngũ này, nhiều người vùng khác đến Lâm Xuyên du lịch cũng tìm đến, hơn nữa còn không ngớt lời nhận xét, quán làm ăn càng lúc càng khấm khá.
Cuối cùng Ôn Kiều cũng trả hết số tiền mà mình đã nợ Mục Thanh, còn mời cô ấy ăn một bữa cơm thịnh soạn đắt tiền.
...
Bởi vì bây giờ mỗi ngày bác cả đều đến quán phụ giúp nên cuối tháng Ôn Kiều phát tiền lương cho ông ấy, bảo rằng đây là số tiền ông ấy đã bỏ nhiều công sức mới kiếm được, dặn dò ông ấy hãy tự cất, muốn mua gì thì mua cái đó.
Khi nhận được tiền lương đầu tiên của mình, trước tiên bác cả mừng rỡ khôn xiết, đến mức không biết nên nói gì cho phải, sau đó không ngờ lại òa khóc hu hu.
Ông ấy sợ nhất bản thân là kẻ vô dụng, không những không giúp ích được gì cho người nhà mà còn khiến họ phải bận tâm lo nghĩ cho mình. Từ đó đến giờ, bác cả luôn cố gắng cư xử như một người bình thường, nhưng trong thâm tâm, ông ấy thừa biết rằng mình không giống người thường.
Song, đây là lần đầu tiên trong đời bác cả thấy mình cũng như những người khác, cũng là người thường, là một người có giá trị, bởi vậy mà ông ấy mới mừng đến nỗi rơi nước mắt lã chã.
Ôn Kiều cũng không nghĩ rằng việc mình phát tiền lương cho bác cả lại có ý nghĩa lớn lao với ông ấy đến vậy, ban đầu cô chỉ đơn thuần là muốn bác cả vui hơn mà thôi. Nhưng khi thấy bác cả cảm động bật khóc vì số tiền lương ấy, cõi lòng Ôn Kiều chua xót, cũng khóc chung với ông ấy.
Bác cả hào hứng mua rất nhiều quà cho họ bằng tháng lương đầu tiên của mình, đặc biệt là Bình An. Ông ấy đã mua cho Bình An một món đồ chơi cực kỳ đắt đỏ, còn mua cặp sách và quần áo cho Bình An nữa.
Không chỉ vậy, bác cả còn dõng dạc kể với Bình An một cách hãnh diện rằng, ông ấy đã mua chúng bằng tiền lương của mình.
Bình An nhận quà, gật đầu bảo: "Bác giỏi lắm ạ!"
Ông ấy cũng mua cho Ôn Kiều một bộ quần áo. Bác cả không biết mua quần áo phải dựa trên kích cỡ người mặc, thấy nó trong tủ kính đẹp quá nên đi vào mua luôn.
Đó là một chiếc đầm với những màu sắc hết sức bánh bèo.
Bình thường Ôn Kiều sẽ không mặc những kiểu đầm bánh bèo này, thế nhưng cô vẫn vui vẻ mặc thử.
Đầm hơi quá khổ so với người của cô, nhưng có lẽ do da cô trắng nên lại tạo hiệu ứng lung linh bất ngờ.
Ôn Kiều nói thích chiếc đầm này, bác cả cũng rất vui.
Ông ấy còn nhờ Ôn Kiều chuyển tám trăm tệ cho bà nội làm tiền tiêu vặt hộ mình. Lúc gọi video với bà nội, bác cả còn tự hào khoe với bà nội rằng đó là số tiền do ông ấy tự mình kiếm ra, bà nội cũng rất mừng cho ông ấy.
Còn Tống Thời Ngộ thì được nhận một chiếc đồng hồ điện tử đeo tay, trị giá hơn ba trăm tệ. Đây là một số tiền rất lớn với bác cả, cho dù ông ấy được phát lương đi nữa thì bác cả vẫn rất tiếc, phải đắn đo cân nhắc rất lâu mới quyết định mua.
Tống Thời Ngộ có đến mười mấy cái đồng hồ, loại rẻ nhất cũng phải chừng mấy chục ngàn. Dù vậy, kể từ khi nhận được đồng hồ của bác cả, anh vẫn đeo vào.
Lúc thấy Tống Thời Ngộ đeo một chiếc đồng hồ điện tử mặt số lớn chẳng ăn nhập gì với phong cách lẫn khí chất của anh, Diêu Tông kinh ngạc đến mức mắt sắp rớt ra ngoài: "Cậu đang đeo cái gì thế? Đổi phong cách à?"
Tống Thời Ngộ còn nâng cổ tay lên cho anh ấy nhìn rõ hơn: "Bác cả tặng đấy. Dạ quang, ngưỡng mộ chưa?"
Diêu Tông: "..."
Anh ấy không chỉ ngưỡng mộ mà còn hơi ghen tỵ nữa!
Thế là tối hôm ấy, khi đến nhà Tống Thời Ngộ ăn cơm chùa, Diêu Tông hỏi bác cả: "Bác cả, nghe nói bác được phát lương rồi à? Sao ai cũng có quà mà cháu thì không có thế ạ?"
Lê Tư Ý đang ăn sườn kho mà Ôn Kiều nấu cho bữa tối hôm nay, nghe vậy, cô ấy ngóc đầu lên ngay lập tức: "Cháu cũng chưa có!"
Thế là bác cả hào hứng bảo rằng ngày mai sẽ đi mua quà cho hai người.
Tống Thời Ngộ ngăn cản ông ấy: "Bác cả à, không cần tốn kém như thế đâu ạ, trong khoảng mười tệ đổ lại là đủ rồi."
Diêu Tông: "..."
Lê Tư Ý: "..."
Bác cả vui vẻ nói: "Không sao đâu Tiểu Thời Ngộ, bác còn nhiều tiền lắm!"
Bình thường ai cũng đối xử tử tế với ông ấy cả, thế nên bác cả không hề thấy tiếc khi bỏ tiền ra mua quà cho họ.
"Nhìn bác cả của chúng ta kia, hào phóng quá!" Diêu Tông giơ ngón cái với bác cả, sau đó quay qua lườm nguýt Tống Thời Ngộ: "Chứ đâu như ai đó, ki bo quá đáng!"
Bác cả chỉ biết Diêu Tông đang khen mình, cười hớn hở mãi không ngừng.
Bình An cũng cười tủm tỉm, cậu bé đã quen với việc bầu không khí trong nhà lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt rồi.
Tống Thời Ngộ gắp hai miếng sườn kho cuối cùng trong đĩa, lần lượt cho vào bát của Ôn Kiều và Bình An, sau đó nhìn hai kẻ đến ăn cơm chùa quá thường xuyên trước mặt, ngoài cười nhưng trong không cười: "Có phải hai người nên trả tiền ăn không đấy?"
Kể từ khi Tống Thời Ngộ kết hôn đến nay, Diêu Tông và Lê Tư Ý đã trở thành khách quen của nhà hai người, chỉ thiếu điều mỗi ngày đều có mặt tại đây, chủ yếu là để ăn cơm chùa của Ôn Kiều. Còn một lý do nữa để họ thường đến đây chơi là vì nhà của Ôn Kiều và Tống Thời Ngộ cực kỳ ấm áp, tạo cảm giác ấm cúm hơn cả nhà họ nên ở đây rất thích.
Ôn Kiều còn chu đáo trải đệm cho hai căn phòng ngủ dành cho khách để tiện cho họ ngủ lại. Nếu làm món gì đặc biệt, cô sẽ chủ động nhắn tin Wechat để mời họ đến nhà ăn cơm.
Nếu Tống Thời Ngộ không liên tục "cà khịa", "tỏ ra khinh khỉnh", lại còn dằn mặt họ thì hai người này ít nhất cũng phải ngủ lại đây đến hai mươi ngày mỗi tháng.
Ban đầu Diêu Tông còn nghĩ rằng sau khi kết hôn, nói không chừng Tống Thời Ngộ sẽ thấy hối hận cũng nên. Bởi vì dù sao bất cứ ai xung quanh anh mà kết hôn, dù là nam hay nữ, thì cũng đều có cuộc sống hôn nhân mệt mỏi, chịu nhiều khổ đau trong tình yêu, như thể kết hôn xong thì cũng bước sang chuỗi ngày khốn khổ vậy.
Không ngờ, kể từ khi kết hôn, Tống Thời Ngộ chẳng những không hề có dấu hiệu buồn bã, uể oải vì những trận cãi vã mà trái lại mặt mày càng lúc càng hồng hào và rạng ngời hơn.
Trước đây Tống Thời Ngộ đã không thích đi xã giao, giờ thì càng vừa tan làm đã chạy thẳng về nhà, nói là vợ và người nhà đang chờ mình về nhà ăn cơm.
Ôn Kiều cũng thường xuyên đến công ty đưa cơm trưa cho Tống Thời Ngộ.
Chủ yếu là vì Tống Thời Ngộ quá kén ăn, lần nào ăn ngoài quán anh cũng ăn rất ít. Những khi có thời gian rảnh, Ôn Kiều sẽ ở nhà nấu cơm xong xuôi rồi đem đến cho Tống Thời Ngộ và Bình An. Đôi lúc cô sẽ thuận tiện hỏi Diêu Tông có ở công ty không, để làm thêm một phần và đem lên cho anh ấy.
Diêu Tông thấy mình béo ra hẳn sau những ngày ăn cơm chùa của Tống Thời Ngộ gần đây, thắt lưng cũng phải nới ra một nấc nữa. Trước đây sức ăn của anh ấy chỉ bình thường, khổ nỗi những món Ôn Kiều làm thật sự ngon đến mức không thể nào cưỡng lại được, có đôi lúc Diêu Tông không ăn đến ba bát cơm thì sẽ không nỡ bỏ bát xuống, lần nào ăn xong cũng ra ghế sô pha và nằm ườn ở đó, không nhúc nhích nổi.
Chấn động hơn cả là Tống Thời Ngộ ăn không hề ít hơn Diêu Tộng, cũng không thích vận động nhưng lại không hề béo lên chút nào, làm anh ấy tức chết đi được!
Có trách thì chỉ có thể trách Ôn Kiều nấu ăn quá ngon mà thôi.
Thế nên khi Ôn Kiều đề xuất mở một quán ăn gia đình, Diêu Tông lập tức ngỏ ý muốn trở thành cổ đông của quán.
"Cô chỉ cần chọn địa điểm thôi, về vốn cứ để tôi lo!"
Tống Thời Ngộ lạnh lùng cười khẩy: "Cậu thấy chúng tôi cần cậu lo chắc?"
Diêu Tông biện minh: "Sao lại không cần tôi được? Đó là quán của Tiểu Kiều, là việc buôn bán của cô ấy, cậu nhúng tay vào làm gì? Lỡ sau này ly dị..."
Tuy nhiên, Diêu Tông chưa kịp nói hết câu thì đã bị Tống Thời Ngộ thảy cho ánh mắt hăm dọa sắc lẻm, thế là Diêu Tông tự động nuốt những lời định thốt ra xuống bụng ngay.
Sau đó, anh ấy bị Tống Thời Ngộ cấm không được đến nhà họ ăn chùa nữa, còn khi nào bỏ lệnh cấm thì phải xem tâm trạng của Tống Thời Ngộ.
Khúc nhạc đệm chớm qua này không ảnh hưởng đến kế hoạch của Ôn Kiều.
Hiện tại cô đã giao lại quán thịt nướng cho Ôn Hoa quản lý, còn mình thì bắt đầu lên kế hoạch chi tiết. Bây giờ cô đã có một quán ăn, đã có kinh nghiệm đi qua rất nhiều con đường quanh co khúc khuỷu nên lần này cô có thể rút ngắn, tìm ra con đường phù hợp cho mình.
Tối hôm ấy, Ôn Kiều vào phòng làm việc của Tống Thời Ngộ để vạch kế hoạch. Anh ngồi trên chiếc ghế sô pha nhỏ đọc sách, thuận tiện hỏi Ôn Kiều cần bao nhiêu tiền để anh chuẩn bị sớm cho cô.
Nhưng Ôn Kiều từ chối: "Bây giờ em mới đang lên kế hoạch thôi, em muốn chờ đến khi dồn đủ tiền sẽ mở. Bây giờ tình hình buôn bán trong quán khá tốt, nếu không có gì bất ngờ thì có lẽ em sẽ khai trương vào năm sau."
Tâm trạng của Tống Thời Ngộ bỗng dưng tuột dốc hẳn. Anh đóng sách lại, nhíu mày nhìn cô: "Chúng ta đã kết hôn với nhau rồi mà, thế mà em vẫn rạch ròi với anh thế à?"
Biết anh đã nổi giận, Ôn Kiều vội vàng đặt bút xuống, đi tới ngồi kế bên anh, ôm tay anh và kề sát vào anh, nói những lời anh thích nghe: "Làm gì có! Hai vợ chồng chúng ta tuy hai mà một, sao lại rạch ròi được? Chẳng qua em nghĩ đây là ước mơ mà em đã ấp ủ suốt bao lâu nay, em muốn thử tự mình hoàn thành nó thôi! Anh có thể cho em được toại nguyện không?"
Cô vừa nói vừa ngước lên nhìn anh.
Tâm trạng của Tống Thời Ngộ đã tốt hơn nhiều, dù vậy ngoài mặt anh vẫn tỏ ra lạnh lùng, khẽ hừ lạnh: "Ý em là anh không được có mặt trong ước mơ của em à?"
Ôn Kiều trả lời: "Đương nhiên là được rồi! Em nghĩ xong cả rồi, lúc đó anh sẽ là người đặt tên quán. Sao nào? Đó là việc ý nghĩa nhất đó nha!"
Quả nhiên, Tống Thời Ngộ hài lòng ngay.
Thấy anh có vẻ nguôi nguôi, Ôn Kiều định quay về lên kế hoạch tiếp, nhưng cô vừa đứng dậy khỏi ghế sô pha thì dã bị Tống Thời Ngộ kéo về. Sau đó, cuốn sách bị ném xuống bàn trà nhỏ bên cạnh, Tống Thời Ngộ bế cô ngồi lên chân, rướn người tới toan hôn cô.
Ôn Kiều né tránh, hơi đỏ mặt: "Em đang ghi sổ mà!"
Tống Thời Ngộ đẩy đầu cô lại gần mình: "Không phải em nói sang năm mới khai trương à? Gấp cái gì?" Dứt lời, anh chiếm lấy đôi môi cô.
...
Tối đó, lúc đi ngủ, Ôn Kiều sắp sửa chìm vào giấc ngủ thì chợt nghe Tống Thời Ngộ nói.
"Gọi là Ngôi Nhà Nhỏ Của Ôn Tống thì sao?"
Ôn Kiều cố gắng mở mắt, mơ màng hỏi: "Hả?"
Tống Thời Ngộ lặp lại lần nữa: "Tên quán ấy, Ngôi Nhà Nhỏ Của Ôn Tống, gồm họ của em với họ của anh."
Ôn Kiều không kìm được mà bật cười, nhắm mắt lại: "Nãy giờ anh suy nghĩ chuyện đó hoài đấy hả?"
Tống Thời Ngộ hỏi: "Sao thế? Em thấy không hay à?"
Ôn Kiều lắc đầu, sau đó dụi vào ngực anh: "Ngôi Nhà Nhỏ Của Ôn Tống..." Cô lẩm bẩm đọc lại, nhoẻn môi cười: "Em thấy hay lắm, lấy tên này nhé!"
Tống Thời Ngộ mỉm cười: "Quyết định nhanh thế?"
Ôn Kiều ngái ngủ: "Em thích lắm."
Tống Thời Ngộ cúi đầu, hôn hai cái lên trán cô: "Vậy thì lấy tên này."
Ôn Kiều cũng cố gắng ngẩng đầu, hôn cằm anh rồi lại dụi dưới cằm anh, tủm tỉm bảo: "Ừm."
Tâm trí của cô dần dần trở nên mơ màng, cô chỉ loáng thoáng nghe được Tống Thời Ngộ còn nói mấy câu gì nữa. Nhưng cô thật sự quá buồn ngủ, chẳng mấy chốc đã chìm vào giấc mộng đẹp đẽ và ngọt ngào.
Ôn Kiều nằm mơ thấy quán ăn Ngôi Nhà Nhỏ Của Ôn Tống rất đông khách.
Cô kiếm được rất nhiều tiện, xây cho bà nội một căn biệt thự lớn ở nông thôn.
Cô còn nằm mơ thấy mình quay trở lại thời niên thiếu, mơ về lần đầu tiên mình thấy Tống Thời Ngộ.
Người thiếu niên với mái tóc đen tuyền, đôi mắt lạnh lùng bên cửa sổ xoay đầu lại. Khoảnh khắc ấy, trái tim cô bỗng dưng hẫng một nhịp, sau đó đập thình thịch, thình thịch liên hồi.
Trong giấc mơ, có một sao băng rực rỡ bay qua bầu trời đêm, cuối cùng rơi xuống núi. Cô hối hả chạy trong đêm tối thật lâu, cuối cùng cũng tìm đến ngôi sao ấy. Cô đi tới, cầm nó lên một cách thật nâng niu rồi ôm vào lòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.