Phạm Ca

Chương 1: Bắt đầu từ duyên phận (1)




Dịch: Duẩn Duẩn
Ẩn sâu trong thế giới nội tâm mỗi người đều cất giấu một vương quốc độc nhất. Ở đó tồn tại một ngóc ngách nhỏ bé, chứa đựng một vài thứ mà bạn không được phép đụng đến, là tốt đẹp hay tồi tệ, là đẹp đẽ hay xấu xí, những thứ đó đều được xem là bí mật.
Tiểu Bản hiện đang là bác sĩ thực tập của bệnh viện Delin, bệnh viện uy tín nhất Macau. Bấy giờ, anh ta đang phải trải qua một đêm thực tập dài nhất trong suốt mấy năm gần đây.
Tiểu Bản có cảm tưởng từng giây từng phút trôi qua như chậm chạp và nặng nề hơn bởi biểu cảm sốt ruột trên khuôn mặt của mỗi vị bác sĩ. Hơn thế, sự an nguy của bệnh nhân nằm trong phòng phẫu thuật kia giống như chiếc xe tăng hạng nặng đang ra sức nghiền ép thần kinh của mỗi người.
Chuyện bắt đầu từ lúc viện trưởng của bệnh viện Delin xuất hiện. Vị viện trưởng hiếm khi thấy mặt này đã phải đích thân tiếp nhận ca mổ. Trong trường hợp hầu hết các bác sĩ đã tan ca thì những bác sĩ ưu tú nhất của bệnh viện sẽ được triệu tập lại trong thời gian ngắn nhất và tự mình điểm danh. Một giờ sau phải lập ra một đội ngũ điều trị tinh hoa nhất của bệnh viện. Những người được chỉ định là thành viên hỗ trợ duy nhất của đội ngũ y tế này phải là sinh viên khoa y của Đại học Hồng Kông.
Vào đúng 6 giờ 10 phút, bệnh viện vang lên mức chuông cảnh báo điều trị cao nhất, tất cả các khoa đã bày trận sẵn sàng đợi chỉ lệnh. Viện trưởng cùng với đội ngũ y tế vừa mới được sắp xếp đứng ngay ngắn trước cửa bệnh viện.
Khoảng 6 giờ 20 phút, từ xa đã nghe thấy tiếng xe cứu thương "gào thét" lao tới.
Là lãnh đạo cao nhất trong đội ngũ y tế, giọng nói bình tĩnh của viện trưởng liên tục vang vọng khắp sảnh viện. Người bị thương trên cáng được đưa xuống từ chiếc xe cứu thương, sau đó được đẩy tới phòng cấp cứu thông với phòng phẫu thuật bằng tốc độ nhanh nhất.
Năm phút sau phòng phẫu thuật sáng đèn.
Thân là một bác sĩ thực tập, Tiểu Bản chỉ có thể đứng cách xe cứu thương khoảng chừng nửa mét. Trong mấy giây ngắn ngủi, anh ta chỉ nghe thấy giọng chỉ đạo bình tĩnh của viện trưởng, theo sau là một loạt thuật ngữ chuyên ngành của đội ngũ y tế mới được thành lập tạm thời kia.
Nếu nghe thật kỹ thì ngoại trừ hai âm thanh ấy ra còn có một âm thanh khác nữa. Âm thanh ấy xen lẫn giọng nói khàn khàn trong tiếng bước chân vội vã, chỉ lặp đi lặp lại một câu duy nhất: "Người đó không được xảy ra chuyện gì, người đó không được xảy ra chuyện gì."(1)
Trong vài phút ngắn ngủi, Tiểu Bản thật sự không biết người bị thương được đẩy vào là nam hay nữ, chỉ thấy được duy nhất một cánh tay rơi xuống bên cáng xe đẩy. Cánh tay dính đầy máu ấy vừa kịp lóe lên trước mắt anh ta xuyên qua khe hở của đám đông.
Phòng phẫu thuật ở tầng 11 là phòng dành riêng cho những bệnh nhân đặc biệt. Mà nói trắng ra cái danh bệnh nhân đặc biệt ấy thực chất là để chỉ những người có tiền và có quyền. Hằng năm, những người này đều đúng dịp quyên góp một số tiền nhất định cho bệnh viện, dễ nghe mà nói đó chỉ là chút tiền nhỏ cho dịch vụ y tế, còn thực tế lại là "che mắt" mọi người để thuận lợi cho kế hoạch của bản thân. Nói chung thì những người giàu có sẽ để ý đến việc bảo vệ quyền lợi của họ hơn. Họ không có thời gian chờ chực lấy số như những bệnh nhân khác, việc họ cần làm là chỉ cần đặt một cuộc hẹn, vì vậy, mới có sự tồn tại của tầng 11 ở bệnh viện này.
Tầng 11 trở thành khu vực được bảo vệ quan trọng nhất của bệnh viện: thang máy được mã hóa, thiết bị điện tử giám sát chặt chẽ, nhân viên an ninh canh gác 24 giờ không gián đoạn.
Những bác sĩ thực tập như Tiểu Bản rất tự nhiên sẽ bị chặn ở cánh cửa tầng 11. Anh ta ở căn phòng trên tầng 10 suốt đêm, chờ đợi tiếng chuông điện thoại khẩn cấp trên tay trái reo lên. Một khi điện thoại reo, có nghĩa là trên tầng 11 không đủ người. Thế mà đợi đến khi bình minh xuất hiện, điện thoại vẫn không có động tĩnh gì.
Vào lúc 5 giờ sáng, bác sĩ tham gia cuộc phẫu thuật cuối cùng cũng thông báo bệnh nhân ở tầng 11 đã qua cơn nguy kịch.
Khoảng 5 giờ rưỡi sáng, Tiểu Bản bước vào khoa gây mê trên tầng 11, thay thế cho vị bác sĩ gây mê thứ ba phải rời đi vì có công việc gấp. Anh ta sẽ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân sau ba mươi sáu giờ phẫu thuật đau đớn.
Đây là lần đầu tiên Tiểu Bản bước chân lên tầng dành cho những nhân vật "quyền cao chức trọng". Nó khác hẳn với những tầng khác trong bệnh viện, so ra thì giống hội sở tư nhân yên tĩnh hơn, với thiết kế trang trọng, sàn nhà dùng gạch ốp cao cấp thượng hạng, đi lại không phát ra một tiếng động.
Về việc bệnh nhân bị đưa đến, thông tin mà Tiểu Bản biết: Đó là một bệnh nhân nữ được đưa vào vì tai nạn xe cộ, sau khi được gây mê sâu, tính mạng đã thoát khỏi cơn nguy hiểm, hiện tại đang nằm trong phòng vô khuẩn, chờ 36 giờ sau sẽ tỉnh lại.
Ở khúc quẹo hành lang, Tiểu Bản không nhịn được rẽ đến hướng Đông Nam của tầng 11. Hiển nhiên, nơi đó thuộc phạm vi bảo vệ chính của bệnh viện. Anh ta chầm chậm đóng cửa lại. Xuyên qua tấm kính, Tiểu Bản chỉ thấy những bóng người mặc áo blouse trắng đang đi tới đi lui, rồi tập trung lại một chỗ, hình như đang thảo luận việc gì đó. Mặc dù cách một tấm thủy tinh mỏng manh và biết được bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, nhưng dựa vào trực giác nghề nghiệp, anh ta vẫn cảm thấy tình huống này không được khả quan cho lắm.
Gương mặt các bác sĩ gây mê đầy mệt mỏi. Vị bác sĩ gây mê đầu tiên rõ ràng không tin tưởng anh ta lắm, nhấn mạnh với anh ta những việc cần phải chú ý trong mấy giờ tiếp theo một lần nữa rồi mới cùng hai vị bác sĩ gây mê khác rời đi.
Trong phòng gây mê - hồi sức hiện giờ chỉ còn lại Tiểu Bản và một bác sĩ gây mê khác - người từ nãy đến giờ vẫn đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần.
Về phần Tiểu Bản, việc mà anh ta cần làm bây giờ là nhìn chăm chú vào màn hình điện tử trước bàn làm việc. Trạng thái sóng điện não của bệnh nhân đang nằm trong phòng vô khuẩn sẽ được đưa trở lại qua màn hình điện tử. Bác sĩ gây mê sẽ sử dụng dữ liệu từ đó để lên kế hoạch chăm sóc cho bệnh nhân sau khi gây mê sâu.
Dữ liệu trên màn hình điện tử biểu thị trạng thái của bệnh nhân hiện tại đang hết sức ổn định. Đương lúc rảnh rỗi cộng với sự tò mò, Tiểu Bản không nhịn được liếc nhanh qua tư liệu của bệnh nhân treo trên tường.
Lúc thấy tên bệnh nhân, Tiểu Bản không kiềm được lẩm bẩm trong lòng một câu, "Chả trách!". Ánh mắt anh ta men theo tên của bệnh nhân nhìn xuống dưới. Quả nhiên, không ngoài dự liệu ở phần ký tên thấy một cái tên khác.
Phạm Ca, Ôn Ngôn Trăn.
Phạm Ca là tên của bệnh nhân, Ôn Ngôn Trăn là tên trong khung ký xác nhận.
Hai cái tên này ở Hồng Kông không hề xa lạ gì với Tiểu Bản.
Phạm Ca và Ôn Ngôn Trăn là một chuyện tình đẹp như mơ được lưu truyền khắp Hồng Kông. Thanh mai trúc mã, nước chảy thành sông, nên duyên vợ chồng. Tất cả mọi người đều dùng những lời lẽ tốt đẹp nhất để hình dung về đôi vợ chồng đã kết hôn ba năm ấy.
Trong quỹ đạo đơn giản, Phạm Ca gả cho Ôn Ngôn Trăn vào năm cô hai mươi ba tuổi. Với sự hào nhoáng đứng đầu trong giới danh gia vọng tộc, hôn lễ của Phạm Ca và Ôn Ngôn Trăn khi đó được giới truyền thông ca ngợi là hôn lễ thế kỷ. Album hình kết hôn của cô dâu chú rể còn được chính phủ Hồng Kông in lên cả lịch năm mới.
Năm hai mươi bốn tuổi, Phạm Ca sinh cho Ôn Ngôn Trăn một cậu con trai.
Điều đáng nói là Phạm Ca không xuất thân từ một gia đình có tiếng tăm. Theo tin tức đáng tin cậy, thời điểm Phạm Ca ba tuổi đã được vợ chồng nhà họ Ôn nhận nuôi từ một gia đình người Hoa vô cùng bình thường ở Thái Lan. Về việc nhận nuôi này có rất nhiều tin đồn lan truyền khác nhau. Nhưng tựu trung thì chuyện được một gia đình danh gia vọng tộc nhận nuôi đã minh chứng cho việc từ nay về sau sẽ bị cuốn vào vòng xoáy bất hòa trong việc tranh giành quyền thừa kế. Khi đó, lời giải thích phổ biến nhất có lẽ Phạm Ca chính là cô con gái ngoài giá thú của đôi vợ chồng ấy. Lời đồn này ngược lại được mọi người trên phố đồng loạt chấp thuận. Sau đó, vì không thể chịu đựng được mấy tin đồn thất thiệt, nhà họ Ôn đã cho công khai một lá thư của luật sư cùng với bản giám định DNA đến từ nước Mỹ khiến mọi người phải ngậm miệng lại.
Song, mọi người vẫn cho rằng nhà họ Ôn nhận nuôi Phạm Ca là hòng cất giấu một ý đồ nào đó, cũng giống như những nhà có tiền khác, sau mỗi bước đi họ phải nhận được lợi ích cho riêng mình. Thế nhưng động cơ đó là gì thì chẳng ai biết được.
Phạm Ca đã trưởng thành trong những lời suy đoán như thế đấy. May mắn thay, người thừa kế nhà họ Ôn đối đãi với Phạm Ca như trân bảo ngọc quý. Cũng giống như những câu chuyện lâu ngày sinh tình khác, Phạm Ca và Ôn Ngôn Trăn lớn lên bên nhau, chính là tình trong như đã, mặt ngoài còn e. Vào hôm Phạm Ca tốt nghiệp đại học, Ôn Ngôn Trăn vốn "ôm cây đợi thỏ" đã lâu cuối cùng cũng cầu hôn được cô nàng. Sau khi kết hôn, Ôn Ngôn Trăn thỉnh thoảng sẽ xuất hiện cùng vợ mình ở những nơi công cộng, những lúc ấy cả hai đều phối hợp rất ăn ý. Truyền thông thường cố ý chụp lại vài chi tiết nhỏ của đôi vợ chồng để gửi "thông điệp" đến người hâm hộ cặp đôi trai tài gái sắc rằng, tình cảm của một đôi vợ chồng trong giới xã hội thượng lưu kỳ thực cũng giống như những đôi vợ chồng bình thường khác, cũng ấm áp thấu hiểu và nâng đỡ nhau như vậy.
Nghiêm túc mà nói thì Phạm Ca và Ôn Ngôn Trăn đã trở thành tượng đài trong giới thượng lưu ở Hồng Kông. Phạm Ca thì đoan trang khéo léo, còn Ôn Ngôn Trăn lại thân thiện nho nhã.
Hiện tại, số tuổi của Phạm Ca được ghi chép trong tư liệu bệnh nhân là hai mươi lăm tuổi, cũng chính là năm thứ ba cô và Ôn Ngôn Trăn kết hôn.
Trên thế giới này, tin lá cải chính là chủ đề muôn thuở của nhiều người. Mà một danh nhân sáng giá lại càng là mục tiêu truy đuổi trong giới quyền quý. Mọi người thay phiên nhau bàn tán những câu chuyện trà dư tửu hậu, và đương nhiên, Ôn Ngôn Trăn và Phạm Ca cũng là một trong số đó. Một số người ca tụng tình yêu tuyệt đẹp của họ thì cũng có một số người ôm lòng ghen ghét.
Ví như, trong đáy lòng họ luôn âm thầm ngóng chờ cặp đôi tiên đồng ngọc nữ này sẽ giống như những gia đình giàu có khác, tới lúc tình phai tâm nhạt cũng là lúc xuất hiện kẻ thứ ba.
Vì vậy, một vài bài báo ác ý vô căn cứ bắt đầu xuất hiện.
Vào năm thứ ba Ôn Ngôn Trăn và Phạm Ca kết hôn, mọi người vẫn thay nhau bàn tán, không biết chuyện tình của hai người rồi sẽ đi về đâu. Vài tờ báo lá cải ở Hồng Kông bắt đầu tung ra những điểm bất hòa giữa đôi vợ chồng này. Đối với mấy bài báo nhỏ lẻ đó, mọi người chỉ khịt mũi coi thường. Trong mắt họ, những tờ báo lá cải đó đều không chịu thua thiệt, muốn một bước xoay mình, chỉ sợ thiên hạ không đủ loạn.
Tựa đề của những bài báo đó lần lượt là:
Phạm Ca xuất hiện dấu hiệu trầm cảm sau khi sinh.
Phạm Ca và Ôn Ngôn Trăn xảy ra tranh cãi kịch liệt.
Phạm Ca từng xuất hiện nhiều lần ở Lan Quế phường mua say vào đêm hôm khuya khoắt.
Thời gian gần đây, Phạm Ca gần gũi với một nhân viên pha chế rượu, không thiếu sự tương tác mật thiết.
Những tờ báo đó viết rất rõ ràng mạch lạc, song mặt khác lại không đưa ra được bất cứ bằng chứng mạnh mẽ nào chứng minh được những việc trên, thậm chí ngay cả một tấm hình cũng không có.
À, thật ra thì cũng không phải là không có. Tháng trước đột nhiên có một tên nhà báo nổi rộ lên do chụp được tấm hình Phạm Ca đi cùng với một người đàn ông lạ mặt cao lớn và đẹp trai. Nhưng không biết vì sao tấm hình đó khi đến tay biên tập viên của tờ báo lại biến mất. Chuyện này đã náo loạn đến dầu sôi lửa bỏng, thậm chí còn liên quan đến cả quyền tự do ngôn luận và việc sử dụng đặc quyền để viết những vấn đề nhạy cảm. Mấy ngày sau, tên nhà báo kia tự động biến mất không dấu vết, và những điều đó đã được đính chính là do hắn tự bịa đặt để lôi kéo sự chú ý của mọi người.
Hiềm nỗi, chuyện này cũng không vì tên nhà báo biến mất đột ngột mà lắng xuống, những tờ báo lá cải vẫn tuân theo phong cách "viết mây viết gió" của họ. Điều duy nhất khiến mọi người tiếc nuối là nhà họ Ôn không có bất kì động thái đáp trả nào. Việc này càng khiến cho trận sóng gió tưởng chừng như sắp tàn vì không có nhân vật chính ấy lại càng náo nhiệt hơn.
Thỉnh thoảng có ký giả nào hỏi tới, người nhà họ Ôn cũng chỉ cười nhạt một tiếng, nói với họ rằng vấn đề này nhàm chán biết bao nhiêu.
Bẵng qua một thời gian, với pha xử lý "đẳng cấp" của nhà họ Ôn, mọi người cũng dần tỏ thái độ thờ ơ với những tờ báo "giẻ rách" đó.
Ngặt một nỗi cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì nói làm gì.
Một tờ báo khổ nhỏ mới tung ra gần đây đã nhanh chóng giật tít với tiêu đề hấp dẫn người đọc. Tiểu Bản vừa đọc qua tin tức đang đứng trên trang nhất này không lâu, Phạm Ca đã từng đề xuất ly hôn đơn phương với Ôn Ngôn Trăn.
Ly hôn? Nếu như bài báo nói là thật thì vụ việc chắc hẳn vô cùng nghiêm trọng. Rốt cuộc là nguyên nhân gì mới khiến cho Phạm Ca đã kết hôn ở năm thứ ba phải nói lên lời ly dị đơn phương với Ôn Ngôn Trăn?
Chẳng lẽ, tờ báo lá cải kia là thật? Tiểu Bản bắt đầu có chút tò mò, trong lúc anh ta đang xoắn não nghĩ việc này có thật hay không thì bỗng một giọng nói lạnh lùng vang lên.
"Này, cậu thực tập sinh, hãy chú ý vào đúng nơi cần chú ý."
Không biết người đang nhắm mắt dưỡng thần sau lưng anh ta đã mở mắt từ khi nào, đưa lời cảnh cáo anh ta.
Tiểu Bản chỉ muốn tìm cái lỗ nào chui xuống luôn cho rồi, đành dời sự chú ý trở lại màn hình điện tử.
Thật ra, Tiểu Bản không thuộc tuýp người thích hóng "drama", chỉ là cái tên Phạm Ca này có chút dính dáng tới anh ta. Tính ra thì Phạm Ca là sư tỷ của anh ta, cô từng học ở đại học Hồng Kông, lớn hơn Tiểu Bản ba khóa. Thời điểm anh ta vào trường cũng là lúc cô tốt nghiệp ra trường. Khi đó, Tiểu Bản có ngó sơ qua một số tấm ảnh trong tập hồ sơ sinh viên của trường, vừa nhìn đã thấy rất thích cô.
Cô gái trong ảnh mắt thanh mày tú, không thuộc kiểu xinh đẹp chói lóa, nhưng lại khiến người khác càng nhìn càng say mê. Đôi mắt cô trong veo, mặt mũi nhu hòa toát lên vẻ dịu dàng, là kiểu con gái tồn tại trong tim của rất nhiều cậu trai mới lớn. Họ luôn muốn đeo chiếc nhẫn vào ngón tay cô, nắm tay cô đi du lịch khắp nơi, cùng nhau ngồi trên chiếc xe nhỏ, chia sẻ ca khúc mà bản thân yêu thích nhất. Khi ấy, Tiểu Bản thầm nghĩ, nếu sau này có tìm bạn gái thì nhất định phải tìm một người giống như cô mới được.
Cũng bởi thế mà anh ta mới chú ý tới cô gái đã trở thành vợ của người khác này.
Tiểu Bản hy vọng những tin tức xuất hiện trên báo một năm nay đơn thuần chỉ là bịa đặt.
Chỉ có điều, vào buổi trưa hôm đó, trong lúc vô tình anh ta đã phát hiện một chuyện rất đúng với câu mà mọi người thường hay nói - không có lửa làm sao có khói.
~~~~
* Chú thích:
(1) Nguyên văn chủ ngữ câu này là 她, nhưng tại vì trong tiếng Trung anh ấy/cô ấy đều phát âm giống nhau, vì vậy để không phân biệt được người này là nam hay nữ, mình đã dịch chỗ này là "người đó".
Đây là bản dịch còn nhiều thiếu sót, xin chia sẻ đến các bạn với tất cả sự thiện chí. TRUYỆN DỊCH CHƯA CÓ SỰ ĐỒNG Ý CỦA TÁC GIẢ, VUI LÒNG KHÔNG DÙNG CHO MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.
Khuyến khích các bạn có điều kiện lên Tấn Giang để ủng hộ tác giả. Cảm ơn các bạn!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.