[Pháp Y Tần Minh Hệ Liệt] Người Giải Mã Tử Thi

Chương 12.1: Vụ án thứ mười hai – Mảnh xác chốn núi hoang Phần 1




Tết Âm lịch sắp đến, tiết trời đông buốt giá cũng sắp rời đi. Hàng năm đúng vào thời điểm trời lạnh nhất, cảnh sát tỉnh phải gánh một nhiệm vụ rất nặng nề, đó là giám sát án mạng. Vì muốn đạt chỉ tiêu phá án mỗi năm, mà cứ trước khi đến Tết âm là trên tỉnh lại tổ chức một cuộc công tác, các kỹ thuật viên sẽ được chia tổ, chạy đến khắp nơi trong tỉnh để tiến hành giám sát án mạng. Công việc chính là đẩy mạnh công tác phá án, cố gắng hết sức giải quyết chỗ án mạng còn tồn đọng.
Thành tích phá án hàng năm của tỉnh tôi lúc nào cũng đứng đầu cả nước, số lượng án tồn động còn rất ít, vì ít nên lúc giám sát án mạng cũng làm cẩn thận, lẽ dĩ nhiên thành tích lại càng cao hơn.
Năm đầu tiên làm việc tại đây, tôi không thể một mình giải quyết vụ án, cho nên chỉ được bám càng sư phụ, lập thành một tổ với Trung đoàn trưởng trung đoàn hình sự, cùng nhau đến Cục công an thành phố Thu Lĩnh để tiến hành giám sát án mạng. Xem qua hồ sơ thấy công tác điều tra phá án và truy bắt tội phạm ở thành phố Thu Lĩnh cũng rất khá. Cả năm qua tổng cộng cả thành phố và ba huyện trực thuộc có hai vụ án mạng chưa phá, trong đó có một vụ đã xác định kẻ bị tình nghi, nhưng kẻ này lại bỏ trốn. Nói cách khác, công việc của chúng tôi chỉ là vụ án mạng còn lại.
Sau khi tới Thu Lĩnh, chúng tôi lập tức chuẩn bị triển khai làm việc, nhưng lại phát hiện thấy dường như không có nội dung công việc cụ thể. Chúng tôi truyền tay nhau đọc tập hồ sơ mỏng dính, cuối cùng cũng chẳng thu được nhiều thông tin.
“Chỉ đi hỏi han rồi ghi chép ra mấy đoạn thế này?” Trung đoàn trưởng ném mạnh hồ sơ xuống bàn, giận dữ nói, “Vốn định khen thành tích phá án của các cậu, nhưng các cậu tự nhìn tập hồ sơ này xem, có ra cái thể thống gì không?”
Lãnh đạo Cục công an Thu Lĩnh và đội trưởng đội hình sự cúi đầu xấu hổ.
“Vụ án này thật sự rất khó.” Đội trưởng đội hình sự cảm thấy rất oan ức, “Vị trí xa xôi, điều tra lại chẳng có kết quả, bên kỹ thuật cũng không giúp gì được.”
“Lại còn dám trốn tránh trách nhiệm? Phá án không được ai cũng phải chịu trách nhiệm, đổ hết lỗi cho kỹ thuật là được à? Bình thường cậu coi trọng bên kỹ thuật lắm hả?” Anh đội trưởng càng giải thích, Trung đoàn trưởng càng giận dữ. Tất nhiên tôi thấy sư phụ cũng đang nổi giận. Ở một số nơi đúng là có hiện tượng như vậy, phá được án là công của đội điều tra, phá không được thì là lỗi của kỹ thuật hình sự. Một vài bác sĩ pháp y còn tự tếu táo bảo mình là cái bô, lúc người ta cần đi tiểu mới dùng đến mình, dùng xong rồi thì ném dưới gầm giường không thèm hỏi han. May mà ở trên tỉnh, lãnh đạo bên hình sự cũng rất coi trọng dân kỹ thuật, bởi vậy chúng tôi mới có động lực làm việc.
“Thủ trưởng đừng nóng giận.” Cục trưởng địa phương vội hòa giải, “Trong vụ án này chỉ có người báo án nói rằng đã phát hiện ra người chết, ngoài ra không điều tra được gì thêm. Còn về mặt kỹ thuật, nguyên nhân cái chết chưa xác định được, lại càng không tìm được nguồn gốc thi thể, nên…”
Trung đoàn trưởng khoát tay, cắt lời Cục trưởng: “Án không phá được thì tổ giám sát chúng tôi không nghỉ Tết, các cậu cũng không được nghỉ.”
Vừa nghe thấy Tết không được về nhà, tôi liền cảm thấy vô cùng chán nản. Năm đầu tiên đi làm, vốn định mặc cảnh phục mới tinh về khoe với người yêu, không ngờ lại bị dính vào vụ án này.
Sống trên đời bao nhiêu năm, chỉ có một năm tôi thực tập ở trung tâm pháp y của Cục cảnh sát thành phố Nam Giang là không được về ăn Tết. Năm đó tôi nhận lệnh trực ban tại trung tâm, cứ tưởng yên ổn trôi qua đêm giao thừa, không ngờ 11 giờ đêm nhận được điện thoại, nói là trên sông Tần Hoài có một nhà đi thuê thuyền, ngờ đâu đèn lồng trên thuyền bốc cháy lan ra cả con thuyền, cả nhà đều thoát được nhưng có một ông cụ bị thiêu cháy rồi ngã xuống sông. Trong ký ức của tôi, năm ấy vào lúc chuông giao thừa kêu vang, là lúc tôi ngồi trên một cái thuyền nhỏ tồi tàn, trôi trên sông Tần Hoài tìm thi thể ông cụ kia.
Giờ nghe Trung đoàn trưởng bình tĩnh nói ra như thế, tôi coi như được mở mang tầm mắt. Xem ra tính chất công việc của cảnh sát chẳng phải chuyện khoác lác, một câu không về ăn Tết mà có thể nói ra một cách bình thản, có lẽ họ đã quá quen rồi.
Vị Cục trưởng địa phương ngượng ngùng nói: “Thế… hay là để chúng tôi gọi người trước đây điều tra vụ án này, báo cáo một vài điều đã điều tra được?”
“Không cần!” Có vẻ như Trung đoàn trưởng đã bị bộ hồ sơ sơ sài này làm cho nổi trận lôi đình, ông chỉ tay về phía sư phụ, nói: “Anh phụ trách, tiểu Tần và tiểu Phan hỗ trợ, chúng ta sẽ tự mình điều tra. Còn nếu như cần gọi người, gọi xe cộ, thiết bị thì chỉ cần Cục các cậu phối hợp hết sức là được.”
Những lời này rất đanh thép, khiến cho Cục công an địa phương không trốn tránh được. Nhưng sư phụ vừa nghe lại hết giận ngay, thầy lập tức cúi đầu nhặt lấy giấy bút, chuẩn bị xuất phát. Ý định của Trung đoàn trưởng rất rõ ràng, ông ấy muốn chứng minh rằng những người làm kỹ thuật hình sự cũng có thể trở thành nhân tố nòng cốt trong điều tra phá án. Tiểu Phan chính là anh Phan, một điều tra viên trực thuộc đội trọng án của trung đoàn hình sự, anh cũng là một cán bộ trẻ vừa đẹp trai vừa cơ trí, Trung đoàn trưởng sắp xếp như vậy là đã cho chúng tôi sự hỗ trợ điều tra của cảnh sát.
Hiện trường nằm ở một huyện trực thuộc thành phố Thu Lĩnh. Đây là một huyện nhỏ vùng núi, trừ thị trấn nằm dưới đồng bằng, còn thôn làng xung quanh cơ bản đều ở trên núi, cư dân kiếm sống bằng nghề trồng trà. Quãng đường từ nội thành đến đó vào khoảng 30km, chúng tôi chạy xe dã chiến trên đường núi quanh co, mất gần một tiếng mới tới một thôn nhỏ tên Thu Cảnh, xung quanh núi non trùng điệp hùng vĩ.
Người báo án là một ông lão hơn bảy mươi tuổi. Tuy rằng từ lúc phát hiện ra cái xác đến nay đã hơn một tháng, nhưng khi nghe chúng tôi có ý muốn hỏi thêm về tình huống vụ án thì ông cụ vẫn mang một khuôn mặt hoảng sợ. Sợ mấy thì sợ, người dân thôn quê vẫn luôn chất phác thân thiện, ông cụ dừng việc đang làm, mời chúng tôi vào nhà rồi ngồi ngăn ngắn kể chuyện cho chúng tôi nghe.
Vườn trà và nhà ông cụ cách nhau một bãi tha ma, ở đó có hơn hai mươi nấm mồ. Cụ nói bản thân nhớ rõ số lượng mồ mả trong đó, bởi nhà cụ rất gần bãi tha ma. Trong thôn chỉ có hơn trăm người, mọi người đều quen biết nhau, nên cứ mỗi khi có thêm một nấm mồ là cụ lại đến trước mộ đốt ít vàng mã, dập đầu vài cái, coi như nghĩa tử là nghĩa tận, biểu đạt nỗi tiếc thương trong lòng.
Con cháu cụ đều làm thuê ở xa, ông cụ hơn bảy mươi rồi nhưng vì miếng cơm manh áo nên vẫn một mình chăm sóc vài mẫu trà. Hơn một tháng trước, vì làm việc quá sức nên cụ bị cảm, phải nằm liệt giường mấy ngày. Đến một buổi sáng thấy đêm hôm trước trời đổ gió to tuyết lớn, cụ nóng lòng nghĩ đến những cây trà mà cụ vất vả nuôi trồng, bèn mang thân già bệnh tật ra vườn trà xem xét.
Khi đi qua bãi tha ma, ông cụ vẫn có thói quen quan tâm nhìn đến những bà con đang chìm trong giấc ngủ dài, không ngờ lại phát hiện nơi góc bãi tha ma bỗng nhiên có thêm một nầm mồ mới. Nấm mồ ấy cũng bị tuyết phủ kín nhưng nhỏ hơn nhiều so với những ngôi mộ khác, nếu không quan sát kỹ sẽ chẳng phát hiện ra. Nhưng ông cụ đã quá quen thuộc với bãi tha ma, ông liếc mắt liền nhìn ra nấm mộ mới kì lạ ấy.
Trong lòng cụ bắt đầu dồn dập bồn chồn, cụ nằm trong nhà mấy ngày có nghe tin ai mất đâu, người thôn khác càng không thể trèo đèo lội suối mang người chết đến tận thôn này mà chôn. Ông cụ ôm nỗi nghi ngờ suốt một ngày trời, nghĩ lại vẫn thấy không yên lòng, đến chiều chạy vào trong thôn hỏi xem có chuyện gì, kết quả là chẳng ai biết, cũng chẳng có ai trong thôn qua đời, càng không hiểu ai lại đến bãi tha ma của thôn mà đào mộ đắp mồ.
Buổi tối về nhà, ông cụ càng nghĩ càng sợ, chắc chắn không thể là người chết tự chôn. Sau một đêm mất ngủ, sáng hôm sau cụ gọi điện báo công an. Công an địa phương có mặt rất nhanh chóng, cùng ông cụ đến nấm mồ kia. Lúc đến nơi, ông cụ càng không tin vào chuyện kỳ quái trước mắt: Cụ phát hiện nấm mồ kia đã không còn ở đó nữa. Nhưng công an biết cụ không báo tin giả, bởi nơi ông cụ dẫn đến vẫn còn hình dạng một nấm mồ, đất bị đào xới lung tung, nhưng chẳng thấy thi thể nào.
Công an chẳng tìm được gì ở một nấm mồ tự nhiên xuất hiện rồi đột nhiên biến mất. Chỉ thấy một chiếc giày vải của phụ nữ màu vàng.
“Không có mộ thì làm sao có giày? Chẳng lẽ có người đào mộ?” Nghe ông cụ tả lại khiến tôi sởn tóc gáy, “Ai đã chôn người xuống còn đi đào lên?”
“Rừng núi hoang vu, sao cụ biết không phải thú hoang đào thi thể ra?” Sư phụ thấy tôi cắt lời ông cụ liền trừng mắt lườm tôi. Tôi ngoái đầu nhìn mảnh rừng tăm tối, nghĩ đến cảnh thú dữ tha lôi thi thể mà trong lòng nổi gió lạnh.
Ông cụ nhìn sư phụ tôi bằng ánh mắt kính nể, nói: “Ngài nói đúng, sau này nghĩ kỹ lại tôi cũng đoán như vậy.”
Cùng ngày vụ án phát sinh, công an cùng ông cụ xem xét thật kỹ nấm mồ vừa biến mất kia. Thì ra nấm mồ này không đào sâu như mồ mả bình thường, chỉ đắp đất xung quanh lên thành một nấm đất nhỏ. Nếu như trong đống đất cát không xuất hiện chiếc giày vàng kia thì đã chẳng có gì lạ, chỉ là do mấy đứa trẻ to gan chạy vào đây chơi thôi. Nhưng sự có mặt của chiếc giày không rõ nguồn gốc này lại khiến vụ việc trở nên ma quái đáng sợ.
Tuy rất kỳ quái, nhưng công an cũng không thể dựa vào một chiếc giày mà đưa ra kết luận hay lập án điều tra. Công an địa phương chỉ kiểm tra qua loa khu vực xung quanh nấm mồ nhỏ, sau đó chẳng tìm được manh mối gì đáng kể, vì thế họ chỉ ghi chép đơn giản vài điều, chụp vài tấm ảnh hiện trường rồi cả đội rút khỏi hiện trường.
Ngày tiếp theo dường như trôi qua rất yên bình, tuyết ngừng rơi, vài ngày sau đó trời nắng, thời tiết cũng ấm dần lên. Một tuần sau, có hai thanh niên trong thôn cầm nỏ tự chế vào rừng, định bắt một ít thú rừng đem bán lấy tiền mua đồ dùng. Khi họ đến cánh rừng cách bãi tha ma khoảng một dặm thì thoảng ngửi thấy một thứ mùi lạ, giống mùi rác thối. Đi theo mùi thối đó, họ đến bên một con mương cạn, trong mương cây mọc thành bụi, che khuất đáy mương. Nhưng dưới đáy mương có gì đó phản chiếu ánh nắng, sáng lấp lóe.
“Có khi giữa ban ngày ban mặt lại nhặt được vàng ấy nhỉ?” Người to gan hơn nhảy xuống mương, tìm hiểu xem rốt cuộc là cái gì. Cậu ta gạt bụi cây ra, nhìn sâu vào bên trong, rồi kêu lên một tiếng. Thì ra thứ lóe sáng kia là một chiếc vòng bạc tinh xảo.
Vòng tay bằng bạc chẳng có gì lạ, có điều, chiếc vòng này được đeo trên một cổ tay màu xanh đen, đang tỏa ra mùi tanh thối.
Sau khi nhận tin báo, công an địa phương cùng đội cảnh sát hình sự kéo tới hiện trường.
Hai thanh niên này không nhìn lầm, đây quả thật là một thi thể, một thi thể không toàn vẹn. Lùm cây che khuất phần lớn thi thể, chỉ thấy được một cánh tay đang phân hủy mạnh. Một anh công an lớn mật nắm lấy cánh tay mà kéo mạnh, một thi thể chỉ có một nửa hiện ra.
“Nửa thi thể ấy ạ?” Tôi hiếu kỳ hỏi ông cụ, “Là thi thể bị phân tách ra phải không ạ?”
“Tôi không nhìn thấy, cũng không dám nhìn, chỉ nghe công an bảo thi thể không đủ, còn dẫn cả chó nghiệp vụ đến tìm, nhưng không tìm được gì cả.” Ông cụ nói.
“Không cần vội, ngày mai chúng ta đi khám nghiệm sẽ biết thôi.” Sư phụ nói, “Không còn sớm nữa, hay là… cụ dẫn chúng tôi đi xem thử được không?”
Nghe sư phụ nói vậy, ông cụ tỏ vẻ khó xử: “Vốn dĩ cứ trời tối đã phải kiêng kị mồ mả, giờ lại còn một xác chết oan, tôi… tôi thực sự không dám đi đâu.”
“Thời gian đã qua lâu như vậy, giờ ra hiện trường chắc cũng chẳng phát hiện được gì.” Sư phụ cười nói, “Chúng tôi chỉ muốn xem vị trí hiện trường, xem hiện trạng cơ bản, cái chính vẫn là muốn so sánh với ảnh chụp hiện trường lúc đầu. Vậy nên chúng tôi sẽ nhanh chóng xem xét, đảm bảo về nhà trước khi trời tối, hơn nữa nhiều người cùng đi sẽ không có việc gì đâu.”
Ông cụ rất nhiệt tình, nghe chúng tôi nói thế liền không hề chậm trễ, dẫn đoàn chúng tôi đi vào núi sâu. Sắc trời dần tối, đi trên đường mòn còn nghe loáng thoáng tiếng sói tru.
Đi khoảng hai mươi phút, chúng tôi đến nơi ông cụ phát hiện nấm mồ kia. Bãi tha ma tĩnh lặng, ánh hoàng hôn lấp loáng chiếu lên những bia mộ u ám. Ông cụ chỉ vào bên cạnh một ngôi mộ, nói: “Lúc ấy tôi phát hiện ra nấm mồ ở chỗ này.” Rồi cụ đưa tay chỉ ra xa, nói tiếp, “Thấy rừng cây bên kia không? Tìm thấy thi thể ở đó.”
“Tôi biết vị trí thi thể.” Một công an địa phương đi cùng chúng tôi thấy ông cụ không dám đến chỗ tìm ra thi thể, bèn chủ động xin đi, “Để tôi dẫn mọi người đi.”
Đi thêm một dặm, chúng tôi đến hiện trường phát hiện thi thể, xem qua con mương cạn, sau đó đi quanh mương một vòng, tiếc rằng không tìm thấy manh mối có giá trị.
Khi quay lại xe, sư phụ hỏi một cảnh sát hình sự: “Thi thể không mặc quần áo sao?”
“Hẳn là có, nhưng về sau phân tích là thú hoang xé rách, quần áo đều đã rách tả tơi.” Anh công an địa phương nói, “Chắc không có ích gì đâu.”
“Có ích hay không là do người tìm ra, không phải bày sẵn cho người ta phát hiện.” Sư phụ nói, “Nhiệm vụ đêm nay chính là nghiên cứu quần áo của người chết.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.