Phi Âu Bất Hạ

Chương 1: Trang giấy làm bộ làm tịch




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
“Tự do” rốt cuộc là thứ gì?
Trước năm mười sáu tuổi, đối với tôi, “tự do” là chim bay giữa trời, là cá bơi dưới nước, là sự tồn tại đáng quý có thể vì đó mà hi sinh cả mạng sống và ái tình theo lời của Petöfi(*), trừu tượng mà mơ hồ.
(*) Sándor Petöfi (1823-1849): là một nhà thơ cách mạng và là nhà thơ lớn nhất của Hungary, đóng vai trò lớn trong Cách mạng Hungary năm 1848. Câu trên được trích từ bài thơ “Tự do và ái tình” (1847)[1]
Sau năm mười sáu tuổi, “tự do” đã có một định nghĩa chính xác hơn. Nó trở thành xa ngoài tầm mới, cách ngoài tường cao, thành vị thần nữ làm Sở Tương Vương hồn khiên mộng nhiễu (*).
(*) điển tích Sở Tương Vương đến Vu Sơn du ngoạn, trong mơ, một người con gái xưng là thần nữ Vu Sơn hiện lên xin được mây mưa với nhà vua. Sau khi tỉnh lại, vua thấy luyến tiếc, ngủ đi ngủ lại mong muốn gặp được người con gái trong mộng mà đều không thành. 
Tôi bỏ ra trọn vẹn mười năm, mới một lần nữa nắm giữ được nó.
Còn nhớ cái ngày ra tù, tôi mang theo bọc hành lý đơn giản đứng phía sau cánh cổng sắt đang từ từ mở ra, chỉ cách nhau có một bức tường, mà trời hôm đó cũng phảng phất như xanh hơn, không khí cũng trong veo hơn mấy phần.
Tôi tham lam hít thật sâu một hơi, chuẩn bị đón lấy cuộc sống mới đã lâu lắm rồi không gặp.
“Lục Phong…” Quản giáo Lão Hoàng gọi tôi lại từ phía sau, thốt ra từ miệng ông ấy không còn là một chuỗi chữ số lạnh băng nữa, mà là tên tôi.
Năm mười sáu tuổi, tôi vì tội cố ý giết người, phải vào trại giam, trọn vẹn mười năm, ngoài hai năm đầu ở trại giam trẻ vị thành niên, tám năm sau vẫn luôn ngồi tù ở nhà giam số một thành phố Thanh Loan. Lão Hoàng lúc đó cũng đã năm mươi mấy, với tuổi tác của ông ấy, tiễn xong tôi chắc ông cũng sắp về hưu.
“Đừng quay đầu lại.” Thấy tôi có dấu hiệu quay người, Lão Hoàng đã ngăn tôi lại đúng lúc, “Cứ đi thẳng về phía trước, đừng bao giờ quay lại nữa.”
Nói ra thì lại thấy lạ, niềm vui sướng lúc giành lại được tự do chẳng hề khiến tôi mắt ướt lệ nhòa, mà một câu nói bình đạm chẳng có gì lạ của Lão Hoàng lại khiến tôi xót cả mũi, xúc động nghẹn ngào.
Chớp đi rơm rớm trên vành mắt, tôi đưa lưng về phía ông ấy phất tay một cái, rồi nhanh chân bước ra bên ngoài cánh cổng sắt.
“Hai ta cứ từ biệt như vậy đi, không gặp lại nữa, Lão Hoàng.”
Lão Hoàng phía sau sẽ có vẻ mặt thế nào, tôi không biết, trái lại là chính tôi thì đang mỉm cười rất vui vẻ, mười năm qua, chưa bao giờ có được nỗi hào hứng tới mức muốn nhảy lên, giờ bước đi thôi cũng muốn nhảy chân sáo.
“Tít tít tít… tít tít tít…”
Từng tiếng tít tít ồn ào đánh thức tôi lại từ cơn mơ, mở mắt ra nhìn thấy trần nhà loang lổ tàn tạ dưới ánh sáng tối tăm, tôi vẫn chưa bình tĩnh lại hẳn được, mãi một lúc mới nhớ ra mình đã không còn ở nhà giam số một nữa.
Không có tiếng ngáy động trời của phòng số 67, cũng không còn mùi chân thối, không cần sáng dậy sớm đi lao động, lại càng không cần làm tuần tự bước này sang bước khác để vượt qua một ngày.
Dù đã ra tù được ba tháng, mà có những lúc ngủ mơ màng, tôi vẫn sẽ cho rằng mình đang bị nhốt bên trong kiến trúc tựa như một cái thùng sắt khổng lồ đó. Cái chốn ánh nắng chiếu không tới, âm u mà ngưng đầy hơi thở chết chóc.
Đập lên đồng hồ báo thức, xoa xoa mũi, thừ người trên giường thêm mấy phút, tôi mới ngồi dậy, vén chăn xuống giường.
Sau nửa tháng mưa phùn rơi liên miên, ngày hôm nay ông trời hiếm khi mới cố gắng được một lần, trời cao xanh thẳm, từng đóa mây trắng trôi, ánh nắng rạng ngời làm người ta không mở mắt ra nổi, một ngày trời đẹp hiếm thấy.
Vội vã rửa mặt, tôi choàng áo khoác bò lên người rồi ra khỏi nhà. Mua dưới tầng hai túi bánh cuộn quẩy(*), một cốc sữa đậu nành, đi bộ tới bến xe buýt cách đó 100 mét, đợi chừng năm phút đồng hồ đã đợi được chuyến tôi muốn lên.
(*) bánh cuộn quẩy:
timg
Sáng sớm thứ bảy, trên xe không có ai, lảo đảo một tiếng, đến bến thứ ba đếm từ bến cuối, trên xe đã chỉ còn lại mình tôi.
Lái xe hỏi tôi có định xuống bến cuối không, nói rằng nếu như mấy bến tiếp theo không có ai đợi xe, bác ấy sẽ không dừng.
“Vâng, tôi xuống ở viện dưỡng lão Dân Ưu.”
Lái xe liếc mắt nhìn tôi qua gương chiếu hậu: “Đi thăm người bệnh à?”
Tôi hút cốc sữa đậu nành đã sắp thấy đáy, gật đầu qua loa: “Mẹ tôi.”
Lái xe trong một thoáng đã có vẻ mặt hơi thương xót, miệng thở dài một tiếng.
“Đáng thương quá.”
Tôi rũ mắt xuống, cắn ống hút trong miệng, từng chút một bóp nát cốc nhựa, không đáp lại.
Người tài xế không biết đã lái tuyến đường này bao lâu, đương nhiên biết được “Viện dưỡng lão Dân Ưu” là nơi thế nào. Nói hơi êm tai một chút, thì là bệnh viện hộ lý chuyên nghiệp khởi đầu cho trị liệu chăm sóc, nói thẳng ra thì chẳng qua chính là bệnh viện quan ái thu nhận bệnh nhân ung thư trước lúc lâm chung, những người bệnh nặng chỉ còn nước chờ chết.
Mẹ tôi mắc ung thư hạch, kiểm tra sức khoẻ một năm trước phát hiện ra, lúc phát hiện đã là thời kì cuối.
Lúc đó, tôi còn một năm nữa là được ra tù, bà vốn rất chăm đến thăm, lần nào đến cũng phải cùng tôi thỏa sức tưởng tượng cuộc sống tốt đẹp sau khi ra tù mất cả buổi, những chuyện xa xôi như rằng là sau đó tôi kết hôn, hai, tư, sáu, mẹ tôi sẽ trông cháu, ba, năm, bảy để nhà ngoại trông, cũng đều đã nghĩ xong hết. Đột nhiên bà không tới nữa, tôi ngay lập tức đã cảm thấy có gì đó không ổn.
Sau đó, một người bạn của mẹ tôi tới thăm, mới đầu còn giấu giếm, chỉ nói rằng mẹ tôi bị viêm ruột thừa phải nằm viện, trong một khoảng thời gian ngắn sẽ không tới được.
Ngồi tù bao năm như vậy, chuyện khác có thể không học được, mà xem sắc mặt người khác lại là sở trường của tôi, vừa nhìn vẻ mặt người bạn ấy, tôi đã biết viêm ruột thừa gì đó đều là vô nghĩa. Quả nhiên, truy hỏi mãi, bà ấy mới chịu nói thật.
Đối mặt với tên căn bệnh ung thư xa lạ, tôi đã sững người mất một lúc lâu, ngay cả người bạn của mẹ tôi rời đi lúc nào cũng không biết.
Tối hôm đó, tôi tranh thủ thời gian trống được tự do hoạt động đến thư viện mượn hai cuốn sách y học, bỏ ra một tuần miễn cưỡng gặm nhấm được xong, cuối cùng đau xót phát hiện ra —— bệnh mẹ tôi mắc là bệnh nan y, trừ phi Jehovah giáng xuống mặt đất, tặng mẹ tôi miếng vá bàn tay vàng, bằng không thuốc nào cũng không cứu nổi bà ấy.
Sau khi tìm hiểu được tình hình, tôi cũng không đau đớn tới nhường nào, chỉ là rất tê dại, cả ngày cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, giống như từng giờ từng khắc đều đang nằm trong mơ.
Không mấy ngày sau đó, số điện thoại tôi vẫn luôn không gọi được cuối cùng cũng đã được nối, câu đầu tiên sau khi mẹ tôi mở miệng là nói bà ấy không sao cả, bảo tôi đừng lo lắng cho bà.
“Mẹ là bị ung thư, mẹ nói mẹ không sao nghĩa là không sao được à?” Máu mủ ruột già sinh bệnh, tôi lại không thể ở bên chăm sóc, chuyện này làm tôi hết sức ảo não.
Mẹ tôi im lặng trong chốc lát, lúc mở miệng lại lần nữa, giọng nói đã khác hoàn toàn, không còn giả vờ thoải mái nữa.
“Mấy tấm thẻ ngân hàng chỗ mẹ, mật khẩu đều đã đổi sang thành sinh nhật con rồi, ngộ nhỡ mẹ có chuyện, con cũng đừng quên chuyển tiền đi. Bệnh này căn bản không chữa được, tuy mẹ đã đồng ý với bác sĩ tiếp tục với phương án điều trị rồi, nhưng mẹ biết, cũng chỉ là cố hết khả năng sống được thêm ngày nào hay ngày đó thôi.”
Mới trước đây không lâu, bà vẫn đang cùng tôi thỏa sức tưởng tượng về tương lai, mà hiện giờ lại đang để lại di ngôn. Bà nói liên miên rất nhiều chuyện, chỗ đặt sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất, thậm chí ngay cả một vài bước cơ bản của chuyện an táng sau khi bà đi cũng nói luôn.
Cuối cùng, bà nói: “Con trai, mẹ sẽ cố được tới khi con ra tù, đến lúc đó mẹ con ta cùng nhau về nhà.”
Tâm trạng lúc đó, tôi đã quên gần như hết sạch, cũng không muốn nhớ lại nữa, chỉ nhớ rõ sau khi tê dại qua đi… là đau nhức kinh người.
Mẹ tôi nói được làm được, bà quả nhiên đã kiên cường chống đỡ đợi được tôi ra tù, ngay cả vị bác sĩ dự đoán bà chỉ còn sống được thêm nửa năm nữa cũng thấy ngạc nhiên. Nhưng chung quy, bà vẫn không thể cùng tôi về nhà được, tình trạng sức khỏe của bà đã quá kém, không lâu trước lúc tôi được ra, bà đã bị đưa vào viện dưỡng lão Dân Ưu.
Lời của bác sĩ là, điều kiện ở nơi đó rất tốt, thiết bị cũng tốt, có thể khiến cho bệnh nhân rời khỏi thế giới này một cách có tôn nghiêm hơn, thư thái hơn.
Viện dưỡng lão nằm ở vùng ngoại ô, phong cảnh rất đẹp, hôm nay lại là ngày nắng đẹp, tòa nhà nội trú trông sáng sủa sạch sẽ hơn mọi ngày, gạch hoa cương màu nhạt bóng tới nỗi có thể soi gương được, sạch đến mức quả thực có thể nằm lăn lê bên trên.
Lúc xách bánh cuộn quẩy mang cho mẹ tôi vào trong phòng bệnh, bên trong không có một ai. Chăn gấp gọn gàng, giống như thể chưa từng có ai ngủ ở đây. Tôi nghi ngờ liếc nhìn tên viết trên giường bệnh, Lâm Tương Bình, đúng thật là mẹ tôi.
Trong lòng dâng lên cơn bồn chồn dữ dội, lo sợ không biết có phải mẹ tôi đã xảy ra chuyện gì rồi không, đúng lúc muốn đi tìm người, từ cửa phòng vọng vào giọng nói.
“A Phong à, tới rồi à…”
Quay người lại, nhìn thấy mẹ tôi vẫn không sao, đang được hộ lý dìu đi vào trong, trái tim bật lên tận cổ họng lúc bấy giờ mới trở về đúng chỗ.
“Sáng sớm đã đi đâu rồi đây?” Tôi vội vàng đi tới, cùng hộ lý dìu mẹ tôi về giường.
“Thấy trời đẹp, ra ngoài đi lại một lúc.”
Giờ bà đã bệnh tật quấn thân, da dẻ không đẹp nữa, người cũng gầy đi, ai nhìn thấy cũng đều sẽ cảm thấy bà không đẹp, mà hộ lý chăm sóc bà lại nói với tôi rằng, cô Lâm là bệnh nhân lâm chung có khí chất nhất cô ấy từng gặp.
Thực ra nếu bảo tôi nói, bà chỉ là muốn tỏ ra mạnh mẽ mà thôi.
Mẹ tôi cả đời đều hiếu thắng, sợ nhất là có người nhìn thấy một mặt chán chường chật vật của bà, đến ngay cả con đẻ của bà là tôi cũng rất ít khi nhìn thấy hình ảnh bà thất thố.
Một lần duy nhất, chính là năm đó lúc đưa ra phán quyết về vụ án của tôi, lúc thẩm phán nói ra con số “mười năm”, bà đột nhiên đứng dậy, thở dốc dồn dập, sắc mặt nặng nề, tối sầm lại.
Tôi cho rằng mẹ sẽ mắng tôi làm bà mất mặt, hoặc là cứ thế tàn nhẫn quăng thẳng một chiếc giày lên mặt tôi.
Thế nhưng bà lại chẳng nói gì, quai hàm cắn chặt, chỉ trở tay lại cho Thịnh Mân Âu đang ngồi bên cạnh bà một bạt tai vang dội.
Một bạt tai kia vang tới nỗi ngay cả thẩm phán cũng bị giật mình mà theo phản xạ run cả người, dấu tay đỏ tươi in hằn trên khuôn mặt anh tuấn của Thịnh Mân Âu, như thể một cái lọ sứ trắng đẹp đẽ không tì vết bỗng nhiên bị vẽ lên một vạch màu đỏ chót, chói mắt, nổi bật.
Cảnh sát tại tòa dẫn tôi xuống khỏi vành móng ngựa, cả một đường tôi đều nhìn chăm chú vào bà, rồi lại cũng không nhịn được liếc mắt nhìn Thịnh Mân Âu.
Hắn rũ mắt, không nói một lời, không để ý đến bạt tai mẹ tôi vừa cho, cũng không đáp lại ánh mắt của tôi.
Từng người trong đám đông đứng dậy, theo thứ tự rời khỏi chỗ. Mẹ tôi mắt đỏ hoe ngược dòng người đi về phía tôi, dù cho bị cảnh sát toà ngăn cản, cũng muốn liếc mắt nhìn tôi thêm một lần.
Thịnh Mân Âu vẫn cứ ngồi bất động ở đó, khi đó tôi đã cho rằng hắn không dám đối mặt với tôi, tự trách mình sơ suất trong chuyện này, về sau mới nhận ra tôi thực sự đã quá ngây thơ.
Có thể cùng lúc diệt trừ được hai đối tượng mình căm ghét, khi đó hắn ngồi ở vị trí dự thính hẳn phải sung sướng sảng khoái đến thế nào kia chứ, sao lại có thể để tâm đến một bạt tai như gãi ngứa của mẹ tôi?
Hắn không nhìn tôi, cũng không phải là vì đã bị mẹ tôi đánh cho hồn lìa khỏi xác, chỉ là vì sợ nếu mình liếc mắt nhìn tôi một cái, sẽ không nhịn được để lộ ra sung sướng trong mắt mình mà thôi.
“Lần trước không phải mẹ bảo muốn ăn bánh cuộn quẩy à? Hôm nay con mang cho mẹ rồi này, nhưng đi đường hơi lâu, cũng nguội nguội đi rồi, để con đi quay nóng lại cho mẹ.”
Tôi nhờ hộ lý để ý bà, rồi một mình đi tới phòng bếp ngoài hành lang quay nóng lại bánh cuộn quẩy.
Giờ vẫn đang sớm, trong hành lang ngoại trừ tiếng ho khan cùng tiếng trò chuyện nhỏ giọng thi thoảng lại vọng ra từ những căn phòng bệnh thì không còn âm thanh gì khác nữa, phòng bếp lại càng không có lấy một bóng người.
Bỏ bánh cuộn quẩy vào lò vi sóng hâm nóng nửa phút, hơi âm ấm rồi tôi liền lấy ra.
Dù cố ý nói muốn ăn, nhưng với tình trạng sức khỏe hiện giờ, thực ra mẹ tôi đã rất khó có khẩu vị muốn ăn uống gì, nhiều nhất cũng chỉ thử xem vị thế nào, ăn hai miếng rồi đặt xuống.
Xách túi trở về, lúc sắp đến cửa phòng bệnh của mẹ, một tiếng “keng” vang lên, thang máy cách đó không xa dừng lại tại tầng này.
Tôi cũng không dừng bước, vẫn cứ đi về phía trước như thường, mãi đến khi một bóng người âu phục thẳng thớm bước ra từ trong thang máy, chặn lại lối đi của tôi.
Dù đã mười năm không gặp, tôi vẫn có thể nhận ra được Thịnh Mân Âu trong nháy mắt.
Tay trái hắn xách theo một giỏ hoa quả phong phú đủ loại, tay phải vẫn đang gọi điện thoại.
“Anh không quên cuộc hẹn tối nay, anh sẽ đến đúng giờ.” Lúc nói chuyện, hắn cố ý kiềm chế giọng nói, mà giữa hai hàng lông mày lại ngậm đầy vẻ không kiên nhẫn.
Một người lù lù như tôi đứng bên cạnh hắn, hắn làm thế nào cũng không thể phớt lờ được.
Dùng đuôi mắt liếc tôi một cái, mới đầu hắn cũng không hề để ý, mà sau khi nói được vài câu với người bên đầu kia điện thoại, hắn lại đột nhiên dừng lại, chậm rãi nhìn sang, như thể gặp ma giữa ban ngày.
Cuối cùng hắn cũng nhận ra tôi.
“Giờ anh đang có vài việc, chốc nữa anh sẽ gọi lại cho em.” Hắn cúp điện thoại, bỏ tay vào trong túi quần, bấy giờ mới nhìn thẳng vào tôi.
Hắn quan sát tôi, như thể đang đánh giá xem tôi có phải tù nhân trốn trại không, bàn tay vẫn đang cắm trong túi quần có nên rút ra báo cảnh sát hay gì đó không.
“Ra lúc nào?”
Trong lúc hắn đang đánh giá tôi, tôi cũng đánh giá lại hắn.
Mười năm trôi qua, tôi cao lên, hắn không cao lên, mà tôi mẹ nó vẫn không cao được bằng hắn, chênh nhau gần nửa cái đầu.
“Được ba tháng rồi.” Tuy không biết hút thuốc, nhưng hiện giờ tôi rất muốn hút một điếu. Châm lên ấn vào mặt hắn, nhìn xem hắn còn có thể bày ra khuôn mặt cao cao tại thượng này thế nào được nữa.
Hắn chỉ “à” một tiếng nhàn nhạt, rồi đưa giỏ hoa quả cho tôi: “Vậy thì vẫn cứ nên để cậu đưa vào đi, tôi sợ cô Lâm nhìn thấy tôi lại làm ầm lên, kích động quá mức không tốt cho sức khỏe bà ấy.”
Tôi liếc mắt nhìn giỏ hoa quả đắt đỏ tinh xảo kia, nhận lấy rồi nói câu cảm ơn với hắn.
“Sau này gặp khó khăn gì có thể gọi cho tôi, chỗ y tá hẳn là có địa chỉ liên lạc của tôi.”
Điện thoại di động của hắn ở ngay trong túi quần phải hắn, tôi cũng chẳng phải người rừng không có điện thoại di động, lưu số điện thoại của nhau còn mất chưa đến một phút, hắn lại bảo tôi gặp khó khăn thì tìm y tá lấy địa chỉ liên lạc của hắn.
Giữa lễ nghi không chê vào đâu được ở mặt ngoài, cùng với ý nghĩ chân thực chỉ hận cả đời không qua lại với tôi trong nội tâm của hắn cách nhau vẻn vẹn có một trang giấy làm bộ làm tịch. Chỉ cần dùng một đầu ngón tay, ngay câu nói đầu tiên là đã có thể chọc thủng, nhưng tôi vẫn không hề nói gì.
Tôi cười, đáp: “Được.”
Mười năm trước, tôi nhất định sẽ không hề do dự vạch trần hắn, nhưng giờ tôi đã lớn rồi. Thế giới của người trưởng thành chính là như vậy, dẫu chỉ là một tờ giấy mỏng manh trong suốt, che chắn có chút ít còn hơn không cũng vẫn đỡ hơn chân tướng xấu xí đập thẳng vào mặt.
Hắn quay người ấn phím thang máy, qua loa nói lời tạm biệt với tôi: “Tôi còn có việc, đi trước.”
Giữa những động tác tạo nên một dòng khí nhè nhẹ, hương nước hoa lạnh lẽo phả vào mặt, mùi da thuộc (leather) hòa lẫn với gỗ đàn hương (sandalwood), trong nháy mắt đã bá đạo lấp đầy xoang mũi tôi.
“Anh không có lời nào để nói với em à?”
Hắn nghiêng mặt, ánh mắt ngạo mạn rơi xuống trên mặt tôi, rồi lại ngạo mạn dời ánh mắt đi, thời gian dừng lại còn chưa tới hai giây. Thang máy đến, hắn không nói một lời, bước vào, dường như đã tự động quên đi luôn câu hỏi của tôi.
Tôi ngỡ ngàng một lúc rồi mới hiểu được, thế chắc nghĩa là “không có”.
Nhìn chăm chú hắn bước vào thang máy, ở bên trong không gian nhỏ hẹp không người này, hắn như thể cuối cùng cũng không cần duy trì tấm mặt nạ trước mặt mọi người nữa, lộ ra bản tính của mình.
Lông mày đang nhíu chặt giãn ra, hắn hơi rũ con ngươi, hiện ra vẻ ngạo mạn đến cực điểm. Bất cứ người nào ở trong mắt hắn cũng chỉ là một con lợn biết nói, chỉ một câu nói hờ hững đã là ơn huệ quý giá nhất.
Vừa nãy, có trời mới biết hắn đã phải nhẫn nhịn cơn buồn nôn như thế nào để nói chuyện với tôi, chuyện này nhất định là rất khó khăn cho hắn.
Một tay xách giỏ hoa quả một tay cầm bánh cuộn quẩy, tôi quay trở lại phòng bệnh.
“Con chỉ đi hâm nóng đồ ăn sáng thôi, sao còn ôm thêm giỏ hoa quả về thế này?” Mẹ tôi dừng cuộc nói chuyện với hộ lý, nhíu mày ôm lòng nghi ngờ hỏi tôi.
Tôi đặt giỏ hoa quả kia lên tủ đầu giường, nhặt quả lê trông có vẻ rất ngon lành ra, định đi rửa, thử một miếng.
“Thịnh Mân Âu mới vừa đến…”
Tôi còn chưa nói hết câu, ngoại trừ quả lê trên tay tôi, toàn bộ hoa quả còn lại bên trong giỏ đã không có lấy một quả may mắn thoát nạn, bị mẹ tôi hất thẳng xuống đất, động tác nhanh tới nỗi có thể dùng hai chữ “mãnh liệt” để hình dung.
Bà thở hổn hển, tóc mai rối bời: “Bảo nó cút!”
Mẹ tôi rất ít khi mất bình tĩnh, bây giờ lại không màng gì cả mà to tiếng nạt nộ, mắng ra một chữ “cút” với người đã từng là con nuôi của bà.
[1]
“Tự do và ái tình” (1847)
Tự do và ái tình
Vì các ngươi ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi hiến cả đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái.
(Bản dịch của nhà thơ Xuân Diệu)
Nguồn:
1. Thơ Petofi, NXB Văn hoá, Viện Văn học, 1962
2. Thơ Xanđor Pêtôfi, Kiều Văn tuyển giới thiệu, NXB Thanh Niên, 2004, tr. 30 (thivien.net)

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.