Phi Hổ Thương

Chương 27: Cao thuận




Vó ngựa chạy như sao rơi đạn xẹt, vó ngựa đuổi cũng như tên bay, gió cuốn, chẳng mấy chốc đã đến gần một bìa rừng. Chợt một hồi trống vang lừng nổi lên, một đạo binh Tào trương cờ rầm rộ kéo ra. Dưới môn kỳ, một viên đại tướng cưỡi ngựa ra trước trận, bốn phó tướng theo sát hai bên, cờ hiệu cằng phồng bốn chữ “Bạch Miêu Cao Thuận”.
Cao Thuận đi giữa, bốn tiểu tướng đi kèm hai bên, ngực áo người nào cũng lấp lánh miếng hộ tâm kính dát nửa vàng nửa bạc, ngoài vành có giát vòng hột đen. Bốn ngọn đao dài, hai đôi tuấn mã phóng đều ra trước trận. Sau lưng Cao Thuận quân lính lớp lớp dàn hàng, đội ngũ đều đặt dưới quyền của các viên chiến tướng.
Bốn tiểu tướng có tên là Tống Hiến, Nguỵ Tục, Hầu Thành, Hứa Tỵ, xưng là Trấn Nam Tứ Tướng, đều là những người ra vào sinh tử với Cao Thuận lâu năm, khi xưa cùng đầu binh dưới trướng Chiến Thần Lã Bố, sau Lã Bố bị hại về tay Tào Tháo, họ cùng Cao Thuận quy hàng họ Tào và trở thành những viên chiến tướng dưới trướng Tào Tháo.
Cả bốn thấy Trương Cáp bỏ chạy thục mạng, ba thầy trò Triệu Vân đuổi gấp đằng sau thì đồng thanh quát to:
- Trương tướng quân chớ sợ, có chúng tôi đây!
Trương Cáp đang sợ bở vía, thấy có quân tiếp viện thì mừng húm, hô to lên rằng:
- Cao tướng quân mau cứu ta.
Dù vô cùng căm hận Trương Cáp vì đã hại chết Lê Trung, nhưng đứng trước cường địch, Triệu Vân cũng không mất bình tĩnh, ba chủ tớ vội gò cương dừng ngựa, Triệu Vân đứng trước, Hứa Hùng và Tô Uyển Vân đứng sau, cả ba cùng ngưng thần chờ địch. Trương Cáp đã biết sự thần dũng của Triệu Vân, thân lại mang trọng thương cả hai tay nên cũng nhân cơ hội này chuồn gấp, chỉ còn lại đạo binh của Cao Thuận đón đường Triệu Vân.
Nguyên khi xưa, thời các sứ quân mỗi người chiếm giữ một phương, Chiến Thần Lã Bố với đội binh vô địch của mình là nỗi khiếp sợ cho bất cứ đạo binh nào dám đón đường ngăn trở. Có câu “tướng mạnh không có binh hèn”, Chiến Thần Lã Bố nổi danh vô địch thì các tướng dưới trướng cũng vô cùng hùng mãnh, trong đó phải kể đến ba đại tướng: Trương Liêu, Tang Bá và Cao Thuận. Ngoài ra, còn một số tướng tài khác cũng thuộc đoàn binh đó, nổi bật lên là Trấn Nam Tứ Tướng, bố con Bình Bắc Tướng Quân Trần Khuê, Trần Đăng và quân sư Trần Cung. Dù bất cứ ai trong ba người như Trương Liêu, Tang Bá và Cao Thuận đều võ nghệ hơn người, tài sức có thể sánh với những đại tướng khác của Tào Tháo như Hạ Hầu Song Thị và Tào Thị Song Hùng. Còn các tướng khác, võ nghệ đều xếp vào loại chiến tướng sinh tử bất bại.
Lại nói, lúc này thầy trò Triệu Vân đang bị quân Cao Thuận dàn binh ngăn đường, đội binh dễ có đến hơn năm trăm tên, ai nấy vũ khí tuốt trần, hừng hực khí thế.
Triệu Vân vòng tay nói:
- Trương Cáp hại chết bạn tại hạ nên tại hạ mới quyết truy đuổi đến cùng, dù sao chúng ta cũng đã có chút quen biết, chẳng hay Cao tướng quân có thể để chủ tớ tại hạ đi qua không?
Cao Thuận nghe đoạn, quay lại hỏi:
- Các ngươi nghe thế có được không, nay kẻ địch ở trước mặt, ai là kẻ anh hùng dám ra đánh trước?
Chưa dứt lời đã thấy Tống Hiến múa cây Hắc Yến Đao phóng ngựa lên trước, phía bên này, Hứa Hùng cũng quát to, khua mạnh Tán Hồn Kỳ thúc ngựa đón đánh Tống Hiến. Hai tướng đánh chưa quá năm hiệp thì Hứa Tỵ cũng vác đao xông vào trợ chiến. Hứa Hùng không hề sợ hãi, Tán Hồn Kỳ phất như giông bão, một mình đương cự hai cây đại đao của Tống Hiến và Hứa Tỵ không chút yếu thế.
Ba viên chiến tướng ra sức quyết đấu giữa trận, hai tướng Tống Hiến và Hứa Tỵ không tài nào chiếm được một chút tiên cơ từ Hứa Hùng. Nguỵ Tục, Hầu Thành thấy vậy liền đưa mắt nhìn nhau, Nguỵ Tục nói:
- Triệu Vân quả danh bất hư truyền, một viên tướng cầm cờ mà đã lợi hại thế thì không hiểu bản thân hắn ra sao.
Hầu Thành nói:
- Tướng quân cứ yên tâm, để tôi cho hắn một mũi tên xem sao.
Nói rồi, Hầu Thành vung tay cương, giục ngựa tiến lên. Giữa lúc ấy, Tô Uyển Vân cũng nhìn thấy, viên nữ tướng liền lặng lẽ thúc ngựa ra trước trận giám hộ, tay phải cho vào trong bọc rút sẵn ngọn Liễu Diệp Đao phòng hờ.
Nguyên Hầu Thành là người nhanh nhẹn, vốn quen ngồi trên ngựa dùng chiếc Chấn Thiên Cung và ba mươi sáu mũi tên sắt kẹp lông chim, nổi tiếng với tên hiệu là "nhất điểm tử" (một điểm chết). Bấy giờ Hầu Thành đặt tay sẵn bên cung, thúc ngựa ra trận. Vó ngựa êm gót tiến ra trước trận, cánh tay giơ lên giương tên căng cung nhằm thẳng vào Hứa Hùng.
Tô Uyển Vân đã nhìn thấy trước, cầm Liễu Diệp Đao sẵn trong tay, nhằm đúng giữa yết hầu tên tướng Tào mà ném, quát to: "xem", cũng vừa lúc Hầu Thành buông tên vào Hứa Hùng.
Mũi tên bay nhanh như điện xẹt, may mà Hứa Hùng cũng đã đề phòng nên nghiêng đầu cúi rạp xuống lưng ngựa tránh khỏi, tên bay suợt qua mũ sắt. Phần Hầu Thành buông tên xong chợt thấy phi đao ném tới, chỉ kịp kêu lên một tiếng "Ái chà!", vội cúi tránh thì lưỡi đao đã trúng vào cổ họng, ngã lăn xuống ngựa.
Cao Thuận thấy Hầu Thành bị sát tử, uất khí bốc lên tận đỉnh đầu, phất tay một cái, quát vang:
- Quân đâu, băm nát chúng nó cho ta.
Nguỵ Tục là người đầu tiên hưởng ứng, reo lên một tiếng múa đại đao xông lên, theo sau là cả đội binh Tào rầm rập lao về phía chủ tớ Triệu Vân. Tô Uyển Vân cũng không vừa, rút ngay ra hai trái Phích Lịch Thần Mang thu được của Trương Cáp ném thẳng vào đội hình binh Tào, Thần Mang nổ vang, quân Tào thân xác tan tành, một góc lớn bị vẹt đi. Cao Thuận còn đang kinh hoảng vì hoả đạn, khói còn bốc mù mịt, chưa kịp trở tay thì đã thấy tâm thất nhói đau, họ Cao sững sờ nhìn xuống ngực, mũi Phi Hổ Thương sắc lèm của Triệu Vân đã đâm trúng tim, mắt Cao Thuận tối sầm, cái chết ập đến vô cùng nhanh.
Số phận Nguỵ Tục còn thê thảm hơn, hoả đạn tung ngay dưới bụng ngựa Nguỵ Tục, thân xác viên cựu tướng của Lã Bố tan tành thành trăm ngàn mảnh, còn Hứa Tỵ và Tống Hiến, trong lúc hoảng loạn vì sức công phá của Phích Lịch Thần Mang cũng không tránh được độc chiêu sát tử của Hứa Hùng và Tô Uyển Vân, Tống Hiến bị Tán Hồn Kỳ quét ngang, đầu óc vỡ tan dưới áp lực kỳ phong, còn Hứa Tỵ lãnh nguyên một kiếm của Tô Uyển Vân, đầu lìa khỏi cổ. Quân Tào thấy chủ tướng chết cả, chẳng còn chút tinh thần chiến đấu, hò nhau bỏ chạy cả, chốc lát, chiến trường chi còn lại ba thầy trò Triệu Vân.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.