Phiến Phiến Hoa Phi

Chương 28: Ngoại truyện:Tú mạc phù dung nhất tiếu khai




Ngoại truyện: Tú mạc phù dung nhất tiếu khai (1)
- Con là vua một nước.
Đây là câu cuối cùng Hoàng a ma nói với trẫm trước khi tạ thế. Trẫm tại vị hai mươi năm, chưa có một ngày không sống vì câu nói này.
Lúc đăng cơ, trẫm mới hai mươi tuổi.
Khi ấy, thế lực của Chuẩn Cách Nhĩ bộ ở Tây Bắc ngày một lớn mạnh, lúc nào cũng xâm phạm lãnh thổ nước ta cướp bóc, tàn sát bách tính. Lên ngôi được hai năm, Tây Bắc lại có bạo loạn, trẫm lập tức phái Tích Lương tới A Nhĩ Thái.
Tích Lương là bạn thân từ nhỏ của trẫm, của là tướng quân dũng mãnh, thiện chiến nhất trong triều, trẫm tin tưởng cậu ấy. Năm ấy, từ tháng sáu đến tháng mười, tiền tuyến liên tục có tin chiến thắng báo về. Nhưng đến tháng mười có cấp báo, A Nhĩ Thái đột nhiên đổ tuyết lớn, lương thảo thiếu thốn. Hơn nữa, toàn quân không quen địa hình, chiến đấu trong tuyết quá khó khăn.
Chuẩn Cách Nhĩ bộ hợp quân đánh trả, nhân mã quân ta tổn thất hơn nửa, không thể phòng thủ tiếp. Tích Lương dâng tấu xin tạm thời rút quân.
Trẫm ngồi ở điện Cần Chính suy nghĩ cả buổi tối, cuối cùng vẫn viết một phong thư. Phải thủ.
Đồng thời, gửi viện binh khẩn cấp đến đến A Nhĩ Thái.
Trẫm thấp thỏm chờ tin từ tiền tuyến, nhưng suốt ba mươi mốt ngày không có một tin tức gì.
Chạng vạng ngày thứ ba mươi hai, chiến báo gửi về, là tin chiến thắng. Nhưng quân ta tổn thất khoảng tám ngàn người, tướng quân Tích Lương hi sinh.
Hai năm tại vị của trẫm, chỉ hối hận duy nhất một lần này. Trong suy nghĩ của trẫm, trẫm thậm chí mong Tích Lương kháng chỉ, thậm chí đào ngũ.
Dường như mẫu hậu đọc được suy nghĩ của trẫm, người chỉ nói một câu.
- Con là vua một nước.
Trẫm là vua một nước, nên không được hành động theo cảm tính, càng không được bước sai. Một câu nói sai của trẫm, không chỉ hại đến trăm vạn mạng người, mà còn hại đến bạn thân chí cốt.
Ý nghĩ này mỗi ngày đều nằm trong đầu trẫm. Trẫm trở nên chín chắn, kiên nhẫn, thận trọng hơn. Không chỉ mình trẫm, mà người xung quanh cũng nên như vậy.
Với các phi tần trong Hậu cung, trẫm không có thời gian để ý tính tình họ thế nào. Thâm trầm cũng được, tự phụ cũng được, chỉ cần tuân theo quy củ, ngoan ngoãn hiểu chuyện là được.
Lần đầu gặp Ý Tùy là lúc đến cung Cẩn phi. Cẩn phi sai người đi gọi Từ thường tại, nhưng cung nữ bảo nàng ấy đã đến Ngự hoa viên rồi. Trẫm bỗng nhớ tới một bóng dáng màu xanh bé nhỏ, lách mình trốn vào bụi cây phía xa.
Thất tịch, trẫm lại thấy bóng dáng bé nhỏ kia, vụng về lén lút dúi cho trẫm một quả đào, còn mang theo một cái túi hoa mai rất xấu.
Mấy chuyện tình cờ thái quá làm trẫm nghi Từ thường tại này có dụng tâm bất chính, nên bảo Cẩn phi để ý nàng ấy một chút.
Nhưng Cẩn phi lại nói, nàng ấy chỉ là một đứa trẻ mới lớn thôi.
Nhưng trẫm không tin nên không triệu hạnh nàng ấy.
Năm sau, Di tần hạ sinh Tứ hoàng tử xong thì đổ bệnh nặng. Thỉnh thoảng trẫm đến điện Y Lan, còn nàng ấy dường như mỗi ngày đều đến. Trẫm cứ tưởng nàng ấy có tâm tư gì, nhưng nàng ấy hiếm khi nói chuyện với trẫm, cũng không chủ động đến gần trẫm, chỉ thỉnh thoảng liếc nhìn, mặt đỏ bừng.
Gương mặt nàng ấy lúc đỏ lên làm trẫm nhớ tới Nghi phi.
Lần đầu gặp Nghi phi, trẫm mười sáu tuổi, cô ấy cũng mười sáu tuổi.
Hôm ấy là ngày mừng thọ của Hộ quốc công, Hộ quốc công là nguyên lão tam triều, phụ hoàng bảo trẫm lộ mặt trên thọ yến. Tuy trẫm thấy hơi mất mặt nhưng cũng hiểu được ý phụ hoàng, một là cho thấy hoàng ân, hai là hoàng tử được đại diện, cho thấy sự coi trọng.
Hôm đó vẫn chưa đến giờ gửi quà mừng, trẫm tự mình đi dạo trong hoa viên của phủ Hộ quốc công. Lúc đứng ngoài tường của nội viện, trẫm bỗng nghe thấy tiếng cười thanh thúy như chuông bạc của thiếu nữ. Trẫm bất giác đứng lại nghe mãi không muốn đi, đến tận khi có nô bộc trong phủ mời vào bàn tiệc mới thôi.
Lúc ra khỏi hoa viên, trẫm thoáng thấy một thiếu nữ mặc áo xanh biếc, tươi cười đi ra khỏi nội viện. Cô ấy chạy nhanh qua sau cây mai, trẫm sợ thất lễ nên chưa từng kể lại việc này.
Sau khi trở về, trẫm viết rất nhiều.
"Hoa thoái tàn hồng thanh hạnh tiểu,
Yến tử phi thì,
Lục thuỷ nhân gia nhiễu.
Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu,
Thiên nhai hà xứ vô phương thảo.
Tường lý thu thiên, tường ngoại đạo,
Tường ngoại hành nhân,
Tường lý giai nhân tiếu.
Tiếu tiệm bất văn thanh tiệm tiễu,
Đa tình khước bị vô tình não.(2)"
Năm đó trẫm nạp Trắc phúc tấn đầu tiên, phân phủ xuất cung trở thành Ninh thân vương.
Trắc phúc tấn này chính là con gái của Hộ quốc công, là cô gái thấy mặc áo xanh ấy.
Sau khi cô ấy qua đời rất nhiều năm, hàng năm vào Thất tịch trẫm đều đến cung An Khánh. Ai cũng nói Hoàng thượng và Nghi phi kết duyên vào Thất tịch, cũng chia ly vào Thất tịch, thổn thức biết bao. Nhưng chỉ có mình trẫm biết, duyên phận này đã nảy nở vào ngày "hoa lạt cánh hồng" ấy rồi.
Lại một năm Thất tịch, trẫm đến cung An Khánh như thường lệ, lại gặp được Ý Tùy ngồi dưới chân tường cung khóc một mình, nói rằng Di tần nguy kịch lắm rồi.
Lúc ấy trẫm giật mình ra, hóa ra nàng ấy thật sự chỉ là một cô gái ngây thơ thuần khiết, do trẫm tại vị nhiều năm, nhìn người nào cũng có mấy phần nghi ngờ.
Nhưng trẫm đã ở tuổi nhi lập, không còn nhiều tâm tư cho một cô gái nhỏ nữa. Cứu nàng ấy, hay giải vây giúp nàng ấy cũng vậy, trẫm không để ý nhiều đến thế. Cũng phải nói rằng, tính cách hoạt bát của nàng ấy có vài phần giống Nghi phi. Nhưng trẫm hiểu rất rõ, họ không phải một người, cũng coi thường việc một hình bóng khỏa lấp chỗ trống.
Mãi đến ngày nàng ấy nói với trẫm rằng, "Bệ hạ không cần nhẫn nhịn". Trẫm đột nhiên nhận ra, hóa ra cô gái nhỏ này không phải dạng người chỉ mong được người khác chiều chuộng.
Lâu dần, trẫm phát hiện, nàng ấy có một điểm khác người bên ngoài, đến Nghi phi cũng không có. Nàng ấy thật lòng tốt với trẫm, cũng chỉ muốn như vậy.
Trẫm đã gặp nhiều cô gái, trong sự chân thành của họ luôn ẩn giấu tính toán. Trẫm không chấp nhặt, vì trong Hoàng cung rộng lớn này, họ chẳng có gì nhiều, bày mưu tính kế cũng vì sợ hãi mà thôi. Nhưng dường như nàng ấy chẳng sợ điều gì, nàng ấy yêu ai thì dồn hết tình cảm cho người đó, chẳng để tâm mình có bị phụ lòng hay không. Nàng ấy là cô gái can đảm nhất trẫm từng gặp.
Chầm chậm, nàng ấy thành Dao tần, có hoàng tử. Thật ra, giữa hai chúng ta luôn có một bức tường ngăn cách, nàng ấy sẽ tạ ân mỗi lần trẫm ban thưởng, nhưng trẫm biết đây chẳng phải thứ nàng ấy muốn.
Không biết từ khi nào, trẫm không đến cung An Khánh nữa.
Có lúc trẫm nhìn nàng ấy, muốn nói lại thôi, liền nói:
- Bây giờ có nàng là đủ rồi.
Mùa xuân năm ấy, Hoàng hậu qua đời.
Lúc Hoàng hậu sắp đi, đã dùng ánh mắt đó nhìn trẫm.
Ở trong Hậu cung đã lâu, ánh mắt này với trẫm rất quen. Có lúc vì một phong hào, có lúc vì một chút ban thưởng, vì những thứ trẫm có thể cho nhưng chưa chắc đã cho, các nàng ấy muốn cũng không dám mở miệng cầu xin.
Ý Tùy có lúc cũng nhìn ánh mắt ấy nhìn trẫm, những lúc ấy trẫm sẽ nói với nàng ấy rằng, biết rồi, trẫm sẽ chú ý nghỉ ngơi mà.
Trẫm nắm tay Hoàng hậu nói, yên tâm.
Năm sau, trẫm lập Nhị hoàng tử thành Thái tử.
Nhị hoàng tử vốn là đứa tâm tư trầm ổn, đầu óc thông minh, vị trí này thuộc về nó danh chính ngôn thuận.
Lại hai năm sau, trẫm có Xu Ninh.
Xu Ninh ba tuổi, ăn vạ muốn đi chơi đèn, trẫm thấy mắt Ý Tùy hơi sáng lên lúc nghe đến chữ hoa đăng, bèn sai người ra ngoài cung tìm thợ thủ công tốt nhất về. Mười lăm tháng giêng, trẫm thấy nàng ấy nhìn trong sân treo đầy hoa đăng, trong mắt lóe lên niềm vui ngây ngô, lại vừa có ưu sầu, bèn hỏi:
- Nàng có hối hận đã vào cung không?
Nàng ấy nói, không hối hận.
- Khi nào chúng ta xuất cung đi, được không?
Nàng ấy chỉ khẽ cười đáp:
- Hoàng thượng là vua một nước, câu này về sau không thể nói.
Nếu là nàng ấy của năm mười bảy tuổi, hẳn sẽ tròn mắt hỏi trẫm, khi nào chúng ta xuất cung? Ở trong Hoàng cung nhiều năm, cuối cùng nàng ấy đã dần quen với những thứ này. Như chuyện không được tự do, như chuyện cuộc sống phẳng lặng trong bốn bức tường cao, như chuyện không thể tiếp tục mộng mơ.
Trẫm biết, Ý Tùy cuối cùng vẫn vì trẫm mà thay đổi.
Trẫm là vua một nước, lại chẳng thể bảo vệ sự ngây thơ vô tư của nàng ấy.
Đến mùa đông, trẫm luôn thấy tinh thần kém cỏi, Triệu thái y tỏ ý rằng mình chỉ có thể kê thuốc điều dưỡng, nghỉ ngơi được nhiều chút sẽ khá lên thôi.
Trẫm biết đã đến lúc rồi.
Nhị hoàng tử trẫm rất yên tâm, nhưng nhất định phải dọn đường cho nó, nên mới lệnh Đại hoàng tử hai tháng sau phải đến Tây Bắc. Sau đó lại ban hôn cho Nhị hoàng tử với cháu gái của Thục hoàng hậu, phong con trai của Tích Lương là Dịch Thiện làm Ngự tiền thị vệ. Ngồi trên ngôi Hoàng đế này phải đề phòng người có dã tâm, cũng phải đề phòng người bị cho là có dã tâm.
Trẫm biết rõ lời đồn trong cung đang ngày một nhiều, cái loại lời đồn này không dễ ngăn chặn. Lòng người hỗn loạn, lời đồn này tựa như tiếng sấm mơ hồ vang vọng trên trời cao, chưa đến lúc sẽ không dừng.
Giao thừa trẫm đến cung Đường Lê, sáng hôm sau lúc buộc áo choàng cho trẫm, nàng ấy lại dặn dò trẫm phải nghỉ ngơi thật nhiều, lúc này trẫm không đáp lại cũng không phản bác, chỉ yên lặng nhìn nàng ấy thật lâu.
Nhìn đôi mắt tròn tròn, nhìn hàng mi dài rũ xuống như rẻ quạt, nhìn cái mũi hơi vểnh lên, nhìn khóe miệng lúc nào cũng như đang cười của nàng ấy.
Trẫm thích nhất lúc Ý Tùy cười, như vậy mới giống nàng ấy.
Ý Tùy, chúng ta sẽ không gặp rất lâu đấy.
Chờ chuyện này qua đi, nếu như có thể, trẫm dẫn nàng xuất cung.
(1) Trích trong bài thơ Hoán khê sa kỳ 1 của Lý Thanh Chiếu.
Tú mạc phù dung nhất tiếu khai,
Tà ổi bảo áp sấn hương tai,
Nhãn ba tài động bị nhân sai.
Nhất diện phong tình thâm hữu vận,
Bán tiên kiều hận ký u hoài,
Nguyệt di hoa ảnh ước trùng lai.
Bản dịch thơ của Tạ Trung Hậu đăng trên thivien:
Dưới trướng phù dung nở nụ cười
Bên lò hương lộ má hồng tươi
Vừa trao mắt liếc gây nghi ngại
Một nét phong tình khó nhạt phai
Nửa tờ thư hận ghi thương nhớ
Nguyệt rời hoa ảnh nguyện theo người
(2) Đây là bài Điệp Luyến Hoa - Xuân tình của Tô Thức
Bản dịch của Nguyễn Chí Viễn trên thivien:
Hoa rụng tàn hồng, thanh hạnh nhỏ,
Chim yến bay về,
Nước biếc vòng quanh ngõ.
Tơ liễu trên cành bay lỗ chỗ,
Ven trời trông hút xanh liền cỏ.
Trong luỹ giá đu, ngoài luỹ lộ,
Ngoài lộ người đi,
Trong mỹ nhân cười rộ.
Tiếng cười bỗng bặt nghe không rõ,
Vô tình khiến khách đa tình khổ.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.