Lên lớp 12, học sinh hầu như chẳng có ngày nghỉ. Không có lịch học chính khóa thì cũng đi học thêm, việc học trở thành nỗi ám ảnh của nhiều học sinh đến nỗi chúng quên mất đi những thú vui hằng ngày của mình. Cứ học mãi đến khi kiệt sức. Ở độ tuổi này, có người đã định hướng được tương lai sau này mình sẽ làm gì, có người vẫn đang chơi vơi giữa đống bùn lầy không rõ phương hướng.
Còn đâu những ngày chủ nhật quay quần bên gia đình? Còn đâu những lần đợi đến khung giờ quen thuộc xem bộ phim hoạt hình chiếu trên ti vi? Mọi người ai cũng hối hả và gấp gáp, ai cũng có những áp lực riêng.
"Cô mời em nữ ngồi bàn thứ ba của tổ 4 đứng dậy trả lời câu hỏi của cô." Tiếng cô giáo dạy Vật lý vang lên, cô gõ phấn lên bảng chỉ câu hỏi với dáng vẻ nghiêm nghị.
Em nữ mà cô nói đến chẳng phải là Thùy Dung hay sao?
Thùy Dung gãi đầu, không dám nhìn thẳng vào mắt cô, giọng nói nhỏ nhẹ vang lên: "Thưa cô, em không biết ạ."
Quả nhiên sau nghe xong lời Thùy Dung nói, cô giáo tức đến đỏ mặt, cô lớn tiếng: "Có bài đơn giản như thế này mà cũng không biết làm. Em xem nguyên cả cái lớp này có mấy ai như em? Đúng là một con sâu làm rầu nồi canh."
Thùy Dung cúi đầu, hai tay bóp chặt vào nhau. Bài đó sao cô biết làm được? Các bạn khác biết làm vì họ được đi học thêm, đây là dạng bài học sinh khó tiếp nhận, chỉ có đi học thêm mới được giảng dạy kiến thức nâng cao thì may ra còn biết được.
Dung biết cô giáo dạy Vật lý ghét mình, trong lớp chỉ có cô và vài đứa học sinh cá biệt là không đăng kí học thêm. Cô dạy đến gần hết học kì 1 nhưng tên của Dung vẫn không biết.
Những bạn được đi học thêm, dù năng lực có yếu kém hơn Dung vẫn được ưu ái thậm chí chúng còn biết trước đề, đến khi làm bài thì điểm cao chót vót so với năng lực thật sự. Còn Dung lại chẳng biết gì cả, cô chỉ biết làm mấy dạng cơ bản được cô giáo giảng dạy trên lớp, mấy dạng nâng cao để lấy thêm điểm thì cô chưa gặp bao giờ.
Dung cười nhạt, học trong cái lớp mà toàn con nhà có điều kiện khiến cô áp lực. Tiền có thể không mang lại tất cả nhưng chúng giúp cho cuộc sống con người thuận lợi hơn.
Ai bảo tiền không mang lại hạnh phúc?
Nếu có, vậy chắc do họ chưa có đủ tiền.
Nếu có tiền, mẹ sẽ được chữa bệnh, mấy đứa em ở nhà sẽ được ăn ngon mặc ấm, Dung sẽ có cơ hội được đi học thêm và đậu vào trường Đại học mà mình mong muốn. Dung sẽ không phải lo lắng về tiền học phí, các khoản sinh hoạt cho gia đình nữa. Nhưng tất cả những điều đó chỉ nằm trong giấc mơ của Dung, hiện thực lại quá đỗi phũ phàng.
Dung rơm rớm nước mắt, lủi thủi ngồi trốn sau góc, chỗ Dung khá sát tường nên cô úp mặt vào đó che đi những giọt nước mắt yếu đuối sắp rơi.
Dung biết không phải thầy cô nào cũng như cô giáo Vật lý, vẫn còn thầy cô tâm huyết với nghề, quan tâm học sinh dù chúng có đi học thêm lớp của mình hay không thì họ vẫn đối xử với tất cả bình đẳng như nhau. Nhưng trên thực tế là việc không được đi học thêm đã là một thiệt thòi lớn rồi.
Những đứa trẻ có điều kiện vốn dĩ sinh ra đã chẳng phải lo lắng điều gì, chúng có cuộc sống đủ đầy, chúng được tiếp cận với nhiều thứ mới mẻ mà những đứa trẻ nghèo như Dung chưa bao giờ có được.
Trong lớp Dung chơi thân nhất với Linh, Khuê và Hân. Ngoại trừ cô ra thì ba người họ đều là con nhà có điều kiện đặc biệt là Khuê. Dung luôn ngưỡng mộ Khuê thậm chí đôi lúc cô cảm thấy ghen tị với Khuê nữa. Con nhà vừa có điều kiện kinh tế vừa có quyền lực, bố mẹ đều là những nhân vật có tiếng nói trong xã hội, được bố mẹ cưng chiều vô bờ bến. Cuộc sống như vậy, ai mà chẳng muốn chứ?
Nhiều lúc Dung thấy ghét mình, ghét sự ích kỷ của chính mình đặc biệt là khi đối diện với sự bao dung, lòng tốt bụng của Khuê.
Cứ mỗi lần như vậy, Khuê luôn đến bên Dung, trên tay cầm một quyển vở dày đưa nó cho cô và nói: "Đây là vở học thêm của mình, có đầy đủ các dạng bài tập, mình cho cậu mượn."
Dung thấy hổ thẹn khi đối diện với Khuê, rõ ràng Dung từng có ý ghét Khuê nhưng Khuê vẫn luôn đối xử với cô rất tốt. Rõ ràng cô từng biểu hiện ra cảm xúc ghen ghét của mình, rằng cô ghét cảm giác thương hại nhưng Khuê vẫn luôn bảo vệ, giúp đỡ cô mỗi khi gặp khó khăn.
Những hành động, cử chỉ, lời nói của Khuê khiến Dung phải thốt ra một điều: "Cậu quả thật được nuôi dạy thật tốt."
Khuê không ích kỷ, cô luôn đối xử tốt với tất cả mọi người. Điều đó làm Dung xấu hổ, cái con quỷ ghen tị trong lòng đang dần lớn nay lại bị sự tốt bụng của Khuê dập tắt. Dung không dám đối mặt với Khuê, chỉ biết ngưỡng mộ Khuê mà chế giễu chính mình. Cô nghĩ nếu mình sinh ra trong một gia đình như Khuê, nếu cô không có nhiều gánh nặng phải gánh vác thì có lẽ cô cũng trở thành một người giống Khuê. Cho đến khi, Dung nghe Khuê hỏi mình:
"Dung này, cậu đã từng giết người chưa?"
Dung rùng mình, khỏi phải nói cũng biết cô bị dọa sợ xanh mặt bởi câu nói này của Khuê. Khuê nói với tông giọng trầm ổn, lúc cô nói ra câu này trông rất bình thản nhưng lại khiến người nghe nổi cả da gà lên, cả người bỗng tràn ngập một nỗi sợ hãi. Dung trợn to mắt nhìn Khuê. Lúc ấy, Khuê chỉ bật cười: "Đừng để ý, mình chỉ hỏi vu vơ thôi."
Dung nuốt nước bọt, bình tĩnh lại rồi nghiêm túc nhìn Khuê. Dung cảm thấy khi Khuê nói ra câu này thật sự không hề ổn một chút nào. Khi ấy cả hai chỉ mới học lớp 10 thôi, một thiếu nữ ở độ tuổi đó sao lại có thể thốt ra những lời chết chóc đáng sợ như vậy?
"Khuê à, cậu sao thế?" Dung hơi run, lay người Khuê hỏi.
Đáp lại Dung chỉ là một nụ cười, nụ cười đó rất đẹp nhưng lại chứa đầy sự đắng cay và bất lực vừa có chút xót xa, vừa có chút tiếc nuối. Khuê không nhìn Dung nên Dung không thể đoán được trong mắt Khuê hiện đang chứa điều gì nhưng Dung có thể cảm nhận được một cảm xúc rối bời, phức tạp không thể diễn tả trong lời Khuê nói.
Mỗi dòng cảm xúc rối bời thoáng chảy qua người Dung, có lẽ khi ấy cô không còn nghĩ Khuê may mắn nữa. Dung không hiểu thế giới của Khuê ra sao cũng không hiểu được một cô gái sống trong nhung lụa như Khuê tại vì sao lại có những suy nghĩ như vậy.
Nhưng Dung biết, thế giới mà cô ao ước cũng không hề đẹp đẽ như cô nghĩ. Mỗi người đều có cuộc sống riêng của chính mình, có hạnh phúc cũng có đau thương. Không ai trên đời chưa trải qua bất hạnh, có lẽ cuộc sống của cô và Khuê khác nhau nhưng cả hai chắc chắn đều có những nỗi niềm riêng không thể nói giống nhau.
Ở đằng sau, một cánh tay của cậu trai rướn lên trước, ném cho Dung một cục giấy. Mà cậu trai này chính là Lâm – người mà cô thầm thích. Dung mở mẫu giấy ra, đọc những dòng chữ viết nghuệch ngoạc lên trên đó, cô không muốn nói nhưng sự thật là chữ của Lâm hơi xấu.
"Đi học thêm với mình đi, tiền học để mình trả"
Dung cầm mẫu giấy, suy nghĩ mọt hồi rồi viết: "Mình không muốn nợ bất kì ai." sau đó ném xuống cho Lâm.
Lâm cầm mẫu giấy, mở ra và đọc, câu trả lời này đã nằm trong dữ liệu của cậu. Lâm lại viết: "Ai bảo học miễn phí? Phí của cậu là làm bài tập và đưa nước cho mình mỗi khi mình thi đấu bóng rổ."
Mẫu giấy kia lại được ném lên trên bàn Dung, Dung khẽ cau mày khi đọc chúng. Dung lại suy nghĩ, thôi được dù sao cậu đã có lòng tốt vậy thì cô sẽ nhận, coi như đây là một cuộc giao dịch đôi bên cùng có lợi vậy.
Tan học, Bách là người ra khỏi lớp sớm nhất. Cậu xách cặp chạy đi trông có vẻ rất vội vàng khiến ai nấy đều bất ngờ.
"Nó làm gì mà như ma đuổi vậy?" Lâm hiếm khi quan tâm Bách mà hỏi Hùng.
Hùng lắc đầu: "Ai mà biết, cha nội này kỳ lạ từ trước đến giờ mà."
Khuê cũng tò mò không kém Lâm, thường thì Bách ra khỏi lớp rất muộn, cậu đi rất chậm rãi và có chút biếng nhác nhưng hôm nay cậu nhanh chóng rời đi rất nhanh chứng tỏ có chuyện gì đó gấp gáp. Mà nếu để ý kỹ mới phát hiện là dạo gần đây Bách rất kỳ lạ, cậu không còn tham gia vào các hoạt động thể thao như trước đây.
Thường sau khi tan học, Bách sẽ ở lại chơi bóng với lũ bạn, cậu là người yêu thể thao, ham vận động nhưng bây giờ cậu dứt bỏ hoàn toàn chúng luôn. Có lẽ Bách đang tập trung vào việc ôn thi để chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi quốc gia sắp tới.
Vì thi học sinh giỏi quốc gia nên Bách sẽ học ở lớp học riêng của thành phố chứ không còn được bồi dưỡng ở trường nữa. Nhưng dù có bận cỡ nào thì Bách cũng sẽ giữ liên lạc với mọi người nhưng bây giờ cậu lại xa cách hơn. Điều đó khiến mọi người cảm thấy rất kỳ lạ.
Bách có thể vô tư, có thể phóng khoáng trong mọi việc thậm chí đôi lúc có vẻ thờ ơ. Khi thì Bách khiến người khác cảm thấy cậu rất có tình nghĩa, có trách nhiệm, đôi lúc cậu cũng rất ấm áp nhưng chẳng một ai biết Bách nghĩ điều gì trong đầu bởi tâm tư của Bách rất khó đoán. Thậm chí đến cả Hùng và Công là bạn bè chí cốt lâu năm với Bách mà phải thốt lên rằng Bách khó hiểu và kỳ lạ.
Dáng người thiếu niên cao lớn vội vã chạy giữa dòng người, dù có hàng trăm người lẫn lộn nhưng cậu vẫn rất nổi bật. Hơi thở tươi mát của thanh xuân ngập tràn, mùi hoa cỏ thơm mát hòa quyện cùng mùi nước xả vải dịu nhẹ làm cậu thiếu niên trở nên tỏa sáng giữa đám đông.
Bách vừa đi vừa nhìn đồng hồ, dáng vẻ rất gấp gáp.
Tại sân bay Nội Bài, một người con gái dáng người cao ráo đang đứng ngó nghía xung quanh. Cô gái đeo cặp kính râm màu đen, khoác lên mình bộ đồ vest nữ màu trắng nhìn rất thanh lịch và quyền lực. Tay phải nắm lấy tay cầm vali, tay trái để vào túi quần, khí chất ngời ngợi, nhìn là có thể đoán ra được người này không phải là nữ doanh nhân thành đạt có học thức thì cũng là con gái gia đình quyền quý nào đấy.
Cô gái mặt mày khá căng thẳng, cho đến khi thấy bóng dáng cao ráo của cậu thiếu niên quen thuộc chạy đến thì cơ mặt giãn ra, cô nhanh chóng nở nụ cười. Cô gái dang hai tay ra, thiếu niên chạy đến đáp lại cái ôm đó.
"Mới tan học về sao?" Cô gái hỏi.
Bách buông cô gái ra: "Chị nhìn thấy cặp sách của em mà còn hỏi, có người yêu mà không gọi ra đón lại bắt em lặn lội chạy từ trường ra đây."
Cô gái này là Phan Thị Thanh Thúy, chị họ của Bách. Trước bố Bách còn có một người anh trai, chị Thúy là con gái út của bác cả. Nhà bác cả có hai người con, một trai, một gái. Người con trai đầu đang định cư bên Mỹ cùng với vợ con, chị Thúy tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Tâm lý học của trường Đại học Harvard.
Chị thuộc kiểu người con gái có cá tính và độc lập, chị cương quyết theo đuổi ngành nghề này bất chấp bị gia đình phản đối. Chị lại là người có bản lĩnh, chị đã dùng từng ấy năm qua để chứng minh cho gia đình thấy sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Chị rất thành công trong lĩnh vực này, chị có mở một phòng tư vấn tâm lý rất có tiếng ở Sài Gòn.
"Không phải chị tính sống bên đó luôn sao? Tự nhiên muốn trở về chắc phải có lý do gì nhỉ?" Bách nhìn chị hỏi.
Đáp lại Bách là nụ cười của chị, Thúy mỉm cười ngại ngùng nói: "Ừ, chị tính kết hôn."
Câu trả lời này có lẽ đã nằm trong dữ liệu của Bách, cậu cũng không quá ngạc nhiên, chỉ khẽ cười trêu chọc: "Bác cả có đứa con gái ngoan quá, bao nhiêu năm không về thăm nhà, cuối cùng hôm nay về lại để bàn chuyện kết hôn."
Chị Thúy bật cười, đánh nhẹ vào vai Bách: "Cài thằng này."
Nhà có một cô con gái, gia đình bác cả cưng chiều chị Thúy vô đối. Con trai ở chốn người, con gái cũng không ở bên cạnh, hai bác buồn biết bao. Họ mong ngóng ngày chị trở về, Bách không cần đoán cũng tưởng tượng ra được dáng vẻ vui mừng của họ khi chị Thúy về nhà.
Mặc dù lớn trong sự chiều chuộng của gia đình nhưng không vì thế mà chị Thúy ỷ lại vào họ. Chị Thúy là người sống tình cảm, biếu thấu hiểu và sẻ chia, có lẽ vì thế mà ngành học chị theo đuổi rất hợp với chị.
Bách từng gặp người yêu của chị Thúy một lần, anh trai kia cũng là người gốc Hà Nội. Người yêu chị Thúy là một người con trai có chí hướng, tài năng và trưởng thành, họ là minh chứng cho câu nói: "Gió tầng nào gặp mây tầng đó", tình cảm của họ được rất nhiều người ủng hộ đặc biệt là gia đình hai bên. Bách không biết họ yêu nhau từ khi nào nhưng có vẻ tình cảm của hai người rất sâu đậm đã lớn đến mức quyết định tiến tới hôn nhân.
Hai chị em ghé vào một quan cà phê vắng người gần đó, họ ngồi nhâm nhi chút nước, trò chuyện đủ thứ.
"Bách bây giờ lớn nhanh quá, một năm không gặp mà em đã cao lên rồi này." Chị Thúy kéo Bách đứng dậy gần mình, chị dùng tay ước chừng khoảng cách chiều cao giữa cả hai rồi nhìn Bách đầy ngưỡng mộ.
Bách liếc chị Thúy một cái, tay vỗ nhẹ một cái lên đầu chị Thúy: "Gọi anh Bách thì hợp lý hơn đấy."
Chị Thúy vung tay tính đánh Bách một cái nhưng cậu đã sớm né được, Bách cười: "Thôi, em không chọc chị nữa."
Hai người yên lặng ngồi xuống ghế, chị Thúy cầm ly nước nhấp một ngụm, ánh mắt chị hơi do dự nhìn Bách.
Cảm nhận được sự thay đổi trong bầu không khí giữa cả hai cũng như trong ánh mắt của chị Thúy, Bách đột nhiên hỏi: "Chị có chuyện gì muốn nói với em sao?"
Chị Thúy mím môi, giọng chị nhỏ nhẹ nhưng đầy cảm xúc để khơi gợi lại một điều gì đấy, vừa có ý thăm dò. Chị hỏi: "Mấy năm nay, em có còn bị ám ảnh nữa không?"