Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 107: Hồi tộc cầu hòa




Sau khi khử trừ được cái đinh trong mắt là Át Tất Long, còn Tô Khắc Táp Cáp thì cũng từ quan, Khang Hi liền mở chiến dịch tiêu diệt Ngao Bái.
Khi này vùng biên giới giáp ranh với người Hồi chiến tranh nổi dậy. Giáo đồ tập hợp đông đúc xông vào các trại lính ở vùng Hồi Cương giết chết nhiều quan viên nhà Thanh, đòi trả lại kinh thư, quyển kinh Coran mà bộ tộc người Hồi coi là thánh vật. Đúng lúc đó Chuẫn Cát Nhĩ cũng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa này, ồ ạt dấy binh, xua cả vạn hùng binh tấn công từ phía tây của Vạn Lý Trường Thành.
Suốt một giải Ninh Hạ, Lương Châu, Bao Đầu liên tiếp bị thất thủ. Giáo đồ ở các nơi khác như Nghi Xuân, Tràng Lạc, Tràng Dương cũng đều hưởng ứng nổi dậy. Tin cáo cấp gởi về triều đình như bươm bướm. Ngao Bái xem sớ giật mình kinh hãi, bèn đến phủ tướng tìm Dương Tiêu Phong bàn bạc. Dương Tiêu Phong nói với Ngao Bái về việc mình sẽ dẫn hai đoàn cảm tử quân là Chính Bạch Kỳ và quân thiết giáp đi hướng tây dẹp loạn. Còn Ngao Bái, Dương Tiêu Phong nói “ông nên xuất lĩnh hùng binh đi tây bắc đánh người Hồi...” Sở dĩ Dương Tiêu Phong nói vậy là vì hồi này tướng của Ngao Bái là Vương Kiệt Thư bị nhiễm độc chướng ở Giang Tây. Đô đốc Bành Xuân và Tát Bố Tố đi đánh giặc ở vùng Hắc Long Giang lại chưa về. Nhất thời không biết kiếm đâu một viên đại tướng lão luyện chiến chinh thành thử Ngao Bái mới phải đích thân lâm trận. Hơn nữa Dương Tiêu Phong lấy lý do Ngao Bái năm xưa danh trấn tứ phương, hết sức kiêu dũng, đã nhiều lần chinh đông dẹp tây khiến các giáo đồ thấy đều sợ hãi. Ngao Bái có chòm râu dưới cằm nên thường được gọi là "tướng râu." Và mỗi lần nghe nói tướng râu tới là người Hồi ai cũng lo tháo thân trước. Ngao Bái hồi đó đóng quân ở vùng Thiểm Tây, mấy lần đưa quân tới Hồi Cương để trợ chiến cho Hoàng Thái Cực giúp Hoàng Thái Cực lấy được rất nhiều thành trì, giết chết đến hơn hai vạn giáo đồ.
Nhưng lần này Cửu Dương lại xin Ngao Bái cho đi thế. Ngao Bái nghe tình hình biên giới bấn loạn, địch hung hãn uy mãnh lạ thường nên rất muốn đích thân xuất chinh nhưng nghe Cửu Dương thuyết phục một hồi cũng đồng ý cho đi thay mình. Ngao Bái bảo nếu vạn sự không thành thì Cửu Dương phải báo tin ngay, bổn tướng sẽ ra tay tiếp viện, đích thân đi ứng chiến.
Hôm trước khi Cửu Dương rời khỏi dinh thượng thư để lên đường xuất chinh thì đến thư phòng tìm sư muội nhưng Nữ Thần Y thổi tắt đèn, không mở cửa. Ca kỹ Thanh Thanh thấy vậy đến an ủi vài câu, khuyên Cửu Dương đừng nên buồn khổ làm gì. Thanh Thanh là mật thám mà lúc trước được Ngao Bái sai đi theo dõi nhất cử nhất động của Cửu Dương nên chuyện gì xảy ra trong dinh thượng thư Ngao Bái đều biết cả.
Thanh Thanh biết Cửu Dương rất yêu quý sư muội, hằng ngày sau khi tảo triều chàng ngồi cả buổi nhìn nàng thêu khăn, vẻ tranh Tây Hồ thập cảnh, thường khen nàng tuyệt kỹ, hiền hậu... Thanh Thanh thấy Cửu Dương mang rất nhiều đồ tặng sư muội, khi thì châu báu, khi thì y phục lụa là nhưng Nữ Thần Y cái gì cũng không chịu nhận, duy chỉ một lần nàng nhận món quà là một thanh phi đao. Thanh Thanh lắc đầu khe khẽ thở dài. Nàng bầu bạn với Cửu Dương bấy lâu, lúc thì cùng nhau đánh vài ván cờ lúc thì gảy đàn dạo vài bản nhạc, ngâm thơ, phục rượu. Hai người tuy thân mật hết sức nhưng tuyệt nhiên không có chuyện sa ngã lỗi lầm gì.
Nói tiếp chuyện Cửu Dương đứng trước thư phòng sư muội thâu đêm đến khi gà gáy mới bần thần quay gót. Trước khi rời đi chàng gõ nhẹ vài tiếng lên cánh cửa phòng, đơn giản nói với sư muội rằng “gió từ đâu thổi đến, mưa từ đâu trút xuống đều có nguyên nhân của nó. Muội mai này sẽ hiểu được, sẽ cảm thông, không còn trách huynh...”
Cửu Dương dứt lời ra trước cổng leo lên lưng chiến mã đã được chuẩn bị sẵn. Quản gia giúp chàng kiểm tra thêm một lượt khắp dây cương, bộ yên, giật thử hàm thiếc. Cửu Dương căn dặn Thanh Thanh và đám a hoàn hãy chiếu cố phu nhân cho thật chu đáo, sau đó mới phi ngựa hướng phía cổng thành.
Về phần Nữ Thần Y sau khi hay tin Dương Tiêu Phong đã dẫn quân ra biên thùy còn chưa về thì hằng ngày nàng ở trong hậu viên lòng như kiến bò trên chảo rang, nàng chờ đợi từng giờ từng phút.
---oo0oo---
Thời gian nữa trôi qua, ở biên giới giáo đồ bị quân binh Bát Kỳ do Cửu Dương thống lĩnh và chỉ đạo đánh cho tơi bời, chạy đông trốn tây như đàn ong vỡ tổ. Giữa lúc nguy khốn đó họ mang Tân Nguyên cách cách ra làm điều kiện giảng hòa và trao đổi kinh thư.
Tuy thắng lợi là vậy, Cửu Dương vẫn cử người chạy về kinh cấp báo, nói với Ngao Bái chiến trường rất cần tiếp viện. Mặc khác Cửu Dương cũng bảo bọn quan tổng binh ở những địa phương gần biên giới, vốn dĩ thuộc bè cánh và thường nhận mật ý của Phủ Viễn tướng quân, đem ém nhẹm hết quân tình hằng ngày, rồi còn tâu láo về triều nói bị quân giặc giết đến hàng vạn. Bọn quan binh này từ lâu cũng rất trái tai gai mắt những việc làm của nhóm tam mệnh đại thần nên nhất cử nghe lời Cửu Dương. Thế là Ngao Bái lại cho thêm một số quân Bát Kỳ nữa đi Hồi Cương tiếp viện. Rốt cục Ngao Bái lúc này ở kinh thành chỉ còn mấy ngàn quân đóng vai trò đội quân đồn trú.
Tháng sau, thêm một tin nữa được gởi về kinh thành, là Chuẫn Cát Nhĩ cũng rút quân về. Khang Hi nhận được thư này lòng rất vui mừng nhưng thật tình trong bụng cũng lấy làm lo, đêm ngày ăn ngủ chẳng yên, chỉ chực mong hai vị tướng soái của mình sớm ngày khải hoàn triều trở về Bắc Kinh. Khang Hi ngày nào cũng bí mật sai Ung công công đi kiểm tra con đường hầm ở bên dưới tị thử sơn trang, nơi mà mấy năm qua Khang Hi ngày đêm chiêu binh mãi võ hao tâm tổn sức đào một đường hầm chờ đợi thời cơ công kích ồ ạt, khiến cho lão tướng quân trở tay không kịp, chưa đánh thì phải vứt kiếm chịu thua rồi.
Ngao Bái bấy giờ không bao giờ ngờ được hoàng đế lại có năng lực man thiên quá hải, dối trời lừa biển đến như vậy. Cho nên hằng ngày Ngao Bái ở trong phủ ăn ngon mặc đẹp, cứ tưởng thế lực của mình là rất mạnh, binh quyền kia giao cho Cửu Dương nắm giữ sớm muộn cũng sẽ thu trở về.
Kể lại chuyện xảy ra một tháng trước đó, khi cuộc chiến tranh ở vùng biên giới chưa xảy ra, song Lộ Phi nương cải trang thành hai kẻ nô tì hộ tống Tân Nguyên cách cách và tứ hoàng tử của bộ lạc Duy Nô Nhĩ là Mộc Nhĩ Trác An Lạc trở về Hồi Cương. Do thái hoàng thái hậu Hiếu Trang và An Lạc hoàng tử năm xưa từng có giao tình, nên lần này Tân Nguyên cách cách nhân dịp hoàng tử đến Trung Nguyên dâng cống vật mà vờ lân la đến thư phòng tìm gặp chàng, cùng chàng ôn lại chuyện xưa kia. Hai người họ ở trong hậu hoa viên ngày đêm chuyện trò say sưa về đạo Y Tư Lan. Quyển thánh kinh nguyên bản được viết bằng ngôn ngữ Ả Rập, Khả Lan Kinh là một kiệt tác phẩm thi văn, vốn không hẳn là một cuốn thơ trường thiên nhưng là một tác phẩm văn xuôi có vần có điệu rất thích hợp với khẩu vị văn chương của những người du mục ở nơi hoang dã.
An Lạc hoàng tử thấy cô cháu gái của thái hoàng thái hậu Hiếu Trang tỏ vẻ hào hứng lắng nghe về đạo Mộc Sĩ Lâm như vậy, trong lòng cảm động lắm. Cho nên khi Tân Nguyên cách cách nói muốn theo chàng đi Hồi Cương tham quan một chuyến thì Mộc Nhĩ Trác An Lạc hẳn nhiên vui vẻ đồng ý ngay. Ấy vậy nhưng mà Tân Nguyên cách cách chỉ là viện cớ mà thôi. Nàng thật tình đâu có muốn đến Hồi Cương ngắm phong cảnh ngoạn mục gì ở đó, và cũng chẳng muốn được tận mắt xem những bản gốc của Khả Lan Kinh, năm bản chính được viết trên da cừu gì gì nữa. Nàng chỉ có một ý định là tới đó để đánh cắp kinh thư.
Cái đêm mà Tân Nguyên cách cách làm theo kế hoạch đã định tức là lấy trộm kinh thư xong chạy trốn vào trong rừng Thái Nguyên nàng đến doanh trại riêng của An Lạc hoàng tử tìm chàng. Cách cách đứng ở ngoài liều gặp vài tên binh sĩ canh gác, ngoài miệng tươi cười nhưng trong lòng không cười, ai đó tinh ý sẽ còn nhận thấy là đôi mắt đen láy long lanh thường ngày của nàng nay trở thành u ám tràn đầy sát khí tựa như sứ giả trong địa ngục u tối.
Tân Nguyên cách cách mang một giò rượu có pha sẵn mê hồn tán đến mời An Lạc hoàng tử cùng uống, đợi khi hoàng tử ngủ say rồi mới lén lấy một trong năm quyển Khả Lan Kinh, kế đó bỏ trốn tới bìa rừng. Lúc giao quyển kinh cho song Lộ Phi nương thì chẳng may bị binh sĩ người Hồi phát hiện ra, phục binh tứ phía bao vây, nàng biết tính mạng khó toàn bèn giục Lộ Phi Yến phá vòng vây để Lộ Phi Nhi đem kinh thư đi trước, còn bản thân nàng cũng chạy vào trong rừng ngõ hầu phân tán lực lượng của địch.
Người Hồi biết trong khu rừng này có rất nhiều sói lang sống thành bầy thành đàn thành thử bỏ về doanh trại tìm An Lạc hoàng tử để thương lượng. An Lạc hoàng tử hay tin kinh thư bị trộm mất, tức tối ra lệnh cho một đoàn binh sĩ hơn mấy chục ngàn người tấn công vào doanh trại người Mãn đóng ở Hồi Cương, giết chết năm viên tướng đắc lực của triều đình nhà Thanh, đòi phải trả lại kinh thư. Chiến tranh tôn giáo vì vậy đã xảy ra.
Sách Ngạch Đồ bấy giờ cũng đóng quân ở biên thùy lập tức viết thơ về kinh thành cầu Ngao Bái xuất binh đi cứu viện. Ngao Bái đưa hổ phù cho Cửu Dương, bảo Cửu Dương dẫn quân đội thượng tam kỳ đi từ Cam Túc đến Hồi Cương giao chiến. Sau nửa tháng người Hồi thua trận, cưỡi chiến mã tẩu như phi. Quân sĩ Bát Kỳ dưới sự chỉ đạo của Cửu Dương và Sách Ngạch Đồ vẫn không bỏ cơ hội truy đuổi tới cùng. Cuối cùng Mộc Nhĩ Trác An Lạc đành phải giảng hòa bằng cách cắt một miếng đất ở Hồi Cương dâng cho triều đình nhà Thanh, mảnh đất này sau này Khang Hi mệnh danh là Tân Cương, nghĩa là vùng Hồi Cương mới, với điều kiện Cửu Dương phải hoàn trả lại kinh thư. Hai bên sau đó lập hiệp ước bãi binh.
---oo0oo---
Lại nói tới Tân Nguyên cách cách lạc trong rừng sâu hoang vu đã gần mươi ngày, tứ chi mệt rã rời, sức cùng lực kiệt lại vừa đói vừa khát. Lúc đói nàng chỉ ăn đỡ trái cây rừng dằn bụng, lúc khát thì uống nước sông để tiếp tục cầm cự. Ban ngày nàng men theo bờ sông mà đi, với hy vọng có thể tìm tới một ngôi làng nào đó, còn ban đêm lại leo lên cành cây để ngủ tạm. Một mặt nàng sợ bầy sói lang tấn công ăn thịt mất, mặt khác ở trên cao như thế này nàng có thể nhìn thấy được phương hướng mà nhóm quân binh đang truy sát nàng. Trong những ngày trốn chạy đó cách cách thầm cầu trời khẩn phật sao cho hai tỉ muội nhà họ Lộ có thể kịp mang Khả Lan Kinh về giao cho Sách Ngạch Đồ.
Kết cục ông trời cũng không phụ những người hiền lương, Lộ Phi Yến và Lộ Phi Nhi an toàn đến trại lính báo tin, nói rằng cách cách đã chạy trốn vào rừng Thái Nguyên.
Cửu Dương lập tức hạ lệnh thu dọn lều trại, nước uống, lương khô rồi chia binh lính thành nhiều toán tiến vào trong rừng tìm. Họ đi về hướng sông Ơ Chi Xơ hay còn được người dân bản địa gọi là sông Tử Thần. Chiều tối họ nghỉ chân uống nước, định nổi lửa trại nấu ăn thì lại nghe tiếng sói tru lanh lảnh càng lúc càng gần bèn nhảy lên ngựa phi thật nhanh, đoán mình đã cách xa bầy sói hơn trăm dặm mới dám dựng lều nghỉ ngơi tiếp tục. Sang ngày hôm sau vẫn không tìm được Tân Nguyên cách cách, rồi ngày hôm sau nữa, và hôm sau nữa, cũng không có một chút dấu vết, Cửu Dương nhủ lòng điềm này chắc phải là lành ít dữ nhiều rồi, tuy vậy vẫn không bỏ cuộc.
Đến ngày thứ năm, khoảng giữa khuya binh lính đang ngủ thì những con ngựa bỗng cất tiếng hí vang, gọi Cửu Dương tỉnh dậy. Chàng nghe tiếng ngựa ồn ào vậy đoán biết bầy sói đang kéo đến, không kịp thu dọn lều trại nữa, chỉ kịp bảo binh sĩ xách lương khô và túi nước lên ngựa, cứ thế tiếp tục đi sâu vào rừng.
Qua ngày thứ tám binh lính cũng tới bờ sông Ơ Chi Xơ, từ xa đã nghe tiếng nước chảy ầm ầm nhưng mất nửa ngày trời mới đến nơi được. Ở khúc sông này hai bên bờ toàn là núi đá đỏ ngầu như máu nên mới có địa danh đó. Lúc này trời đã tối, trong âm u vẫn thấy được nước sông cuồn cuộn đổ về đông, sóng vỗ ầm ầm vào bờ, nước sông đục ngầu, sùng sục như nồi canh nấu sôi.
Cửu Dương quan sát dòng thượng du một hồi nói với tên binh sĩ đứng gần đấy:
- Đêm nay chúng ta bằng cách nào cũng phải qua được con sông này, không hiểu sao ta có linh cảm cách cách đang ở bên kia bờ sông chờ chúng ta đến cứu.
Tên binh sĩ đó run giọng thưa:
- Dạ…bẩm chủ soái, theo ý của nô tài thì…ban đêm sói lang hay đi săn mồi lắm ạ, có gì đợi mặt trời mọc hẳn tiếp tục lên đường được không ạ?
Cửu Dương lắc đầu nói:
- Không được! Tình thế của cách cách rất là hung hiểm, cô ấy đã bị thất lạc lâu ngày quá rồi để chậm trễ chỉ sợ có chuyện không hay - Dứt lời hạ lệnh cho quân lính đi tìm thuyền.
Thượng nguồn sông Ơ Chi Xơ nước chảy rất mạnh, lòng sông khá rộng, không thể đi bằng thuyền gỗ được. Muốn vượt qua bến sông này chỉ có thể dùng loại thuyền làm bằng da cừu thôi. Ngặt nỗi quân lính khi này nhất thời không biết lấy đâu ra chiếc thuyền da nào, trời lại tối sẫm thành ra càng khó quay trở ra ngoài rừng tìm kiếm thuyền da. Song Cửu Dương không kiềm chế được lo lắng cho nên một mình chàng cầm đuốc thi triển khinh công bay qua bên kia bờ sông. Vì ở gần sông nên Cửu Dương phát hiện có dấu chân người in lên trên đất bùn, bèn lần theo đó mà tìm. May mắn thay đến chiều ngày hôm sau chàng cũng tìm thấy cách cách, y phục tả tơi đang ngồi co ro nép sát vào một thân cây bách tùng. Đôi mắt phượng có dấu hiệu thất thần, chung quanh nàng là bầy sói lang chỉ chực chờ tấn công từ mọi phía.
Cửu Dương thấy Tân Nguyên cách cách hãy còn sống, khắc mừng như lượm được vật báu trên trời rơi xuống nhưng ngay sau đó lại cảm giác có một nỗi chua xót mãnh liệt trào dâng lên trong lòng khi chàng chứng kiến hình ảnh hai mắt nàng rơm rớm lệ, dáng ngồi ốm yếu đầy vẻ đáng thương. Dưới ánh chiều yếu ớt màu lông của con vật ngời lên chơm chớp như đập thẳng vào mắt chàng, nhất là đôi mắt của bọn sói trông lấp lánh một thứ ánh sáng đáng ghê sợ đến cùng cực.
Tân Nguyên cách cách khi đó ngồi bệt dưới đất gân cốt bủn rủn, tự nhủ nếu bầy sói lang có ồ ạt xông tới thi nhau cắn xé thì nàng cũng hoàn toàn không có ý định kháng cự lại bọn chúng nữa. Nàng không may lọt vào thành sói lang, chó sói nhiều không thể nào đếm hết được, không dám hy vọng được sống rồi, do vậy mà trước khi chết nàng cũng không muốn dùng chút sức lực còn sót lại giãy giụa một phen nào nữa. Bấy giờ bầu trời chập choạng tối, bầy sói lang vây quanh Tân Nguyên cách cách ước lượng cũng có đến hơn cả trăm con. Cửu Dương thấy bảy tám con đang hung hãn phóng tới tấn công nàng liền thi triển khinh công nhảy tới trước mặt nàng cứu hộ. Khi chân chàng sắp chạm vào mặt đất, bảy tám con sói đói mồi đó đã phóng lên đến nơi. Cửu Dương vung hai tay ra, mỗi tay nắm lấy cổ một con quét một vòng, lập tức ép được đám sói lùi lại, nhưng rất mau sau chúng lại tiến lên.
Tân Nguyên cách cách đứng yên một góc nhìn Cửu Dương ác đấu với bầy sói lang, thấy hai tay chàng vẫn nắm hai con chó sói liên tiếp quét thêm mấy vòng, xong thi triển võ công của phái Thiếu Lâm phát ra tiếng gió vù vù, nhất thời không cho bầy sói tiến sát vào nàng. Nhưng hồi sau Cửu Dương cũng bị chúng cắn trúng lưng và vai, vết thương không nhẹ tuy nhiên nhờ nội lực thâm hậu nên hất chúng văng xa ra ngoài được.
Ba con sói khác lại nhảy vào. Cửu Dương vội nắm tay nàng kéo lui mấy bước cùng lúc tung chân xuất cước đá văng một con ra ngoài. Rồi chàng đảo người nhanh như chớp túm lấy cổ một con lớn thứ hai quật nó vào mặt con thứ ba, khiến hai con sói lăn lóc thành một khối vừa tru lên loạn xạ vừa gượng đứng dậy. Năm con sói nữa lại hung dữ phóng vô tấn công. Cửu Dương cứ như thế không ngừng chiến đấu, giết hết bầy sói khát máu này tới bầy sói hung tợn khác.
Tân Nguyên cách cách cặp mắt đầy lệ, vừa thương xót vừa nóng ruột, nàng đứng yên chứng kiến cảnh Cửu Dương sử dụng bảy mươi hai chiêu thức của Thiếu Lâm thất thập nhị huyền công ra sức giải vây cho nàng. Qua nửa khắc trôi đi thì một con sói lừa được thế lăn xả tới cắn vào đùi Cửu Dương, chàng vội rút chân lại nhưng hàm răng chó sói bén nhọn đã cắn đứt đi một khối thịt và xé rách một mảnh vải dài trên quần chàng.
Tân Nguyên cách cách thấy thảm trạng của người mà nàng hết lòng hết dạ thương yêu trước mắt, không nén nổi nước mắt tuôn xuống ào ào như mưa dầm tháng tám. Máu đỏ từ trên mình Cửu Dương cũng xối xả chảy xuống thành dòng theo, chàng chưa kịp định thần, thì hai con sói lớn hung ác từ hướng bên trái và phải thừa cơ phóng tới nữa. Cửu Dương rút ống sáo trong áo ra kịp thời vung lên, con sói bên trái lập tức mất mạng. Cửu Dương rút thêm đoản đao, thanh đao có móc đâm sang phía bên phải dính vào người con sói không rút ngay lại được. Cửu Dương đành múa tít ống sáo trong tay liên tiếp chém chết thêm mấy con sói khác buộc bọn súc sinh đó lùi ra mấy trượng.
Tuy nhiên hết đám sói này lùi ra ngoài thì có đám sói khác vừa hú vang vừa thi nhau hung hăn nhảy vào. Cửu Dương vội dùng hết sức tung ra một quyền đấm ngay đầu một con làm nó bể óc chết tươi, hất xác nó văng ra ngoài. Bầy sói liền nhảy chồm lên xác đồng loại giành giật cắn xé mà nhai ngấu nghiến. Cửu Dương tiếp theo đó nhặt lấy một cành cây khô, quay lại, đợi con sói há hốc mồm ra chồm cả thân mình toan táp vào yết hầu chàng mới đưa tay tới nhét trọn cành cây vào miệng nó, sâu tới tận ruột. Máu tươi bắn tung tóe lên không trung, con sói lập tức ngã xuống đất lăn lộn giữa bầy, năm sáu con sói trong bầy lại được dịp này nhai xương đồng bọn rau ráu nghe rất hãi.
Tử chiến thêm nửa khắc nữa, Cửu Dương dùng ống sáo hộ thân, lừa được thế mở đường nắm tay Tân Nguyên cách cách thi triển khinh công phóng tới một lùm cây khô, phía sau lưng hai người họ bầy sói lang điên cuồng đuổi theo.
Cửu Dương chỉ nhấp nhô vài chục bước chân đã đến nơi. Xung quanh hai người họ lúc này chỉ có những cây thông thấp bé, nhỏ quá không thể trèo lên để tránh nạn được. Cửu Dương bèn dùng ống sáo huy động như kiếm thuẫn chặt gãy những cành cây khô, dùng chân hất cho gọn lại, tạo thành một vòng tròn như vòng tròn rào chắn, cùng Tân Nguyên cách cách nhảy vào trong đó.
Chân hai người chưa chạm đất bọn sói đã đuổi tới nơi, Cửu Dương huơ ống sáo trong tay múa thành một vòng, dùng khí lực của chiêu thức Trảm Ma Kiếm đẩy bạt bầy sói ra ngoài xong trở lại đứng cạnh cách cách và nói:
- Cách cách đừng sợ!
Tân Nguyên cách cách biết tính mạng hai người phe nàng chỉ còn trong khoảnh khắc, thần trí trở thành rối loạn, trong đầu nàng toàn là những tư tưởng bế tắc và tuyệt vọng, nhất thời vẫn không thốt nên lời được.
Về phần Cửu Dương buông tiếng trấn an nàng xong thì nhanh nhẹn lấy mồi lửa từ trong áo ra bật lên đốt vòng tròn củi khô thành một vòng lửa. Mấy chục con sói vây quanh chỉ chực chờ chỗ khuyết là nhảy vào nhưng cứ đến gần lại bị hơi nóng hừng hực đẩy lùi lại.
Tân Nguyên cách cách thoát khỏi hiểm cảnh, thần thái lúc bấy chừ đã bớt hoảng loạn được một chút cơ mà trái tim nàng vẫn cứ đập thình thịch không dừng, trong khoảnh khắc vẫn chưa nói được tiếng nào. Nàng nghĩ đến chuyện nguy hiểm vừa rồi trong lòng cảm thấy vô cùng may mắn. Thành ra nàng cứ đứng yên đó im lặng rơi nước mắt, nhủ bụng khi nãy nàng giống như sắp sửa bị rơi xuống một vực thẳm sâu hun hút vậy; nàng tuyệt vọng, định bỏ mặc không màng khán cự số mệnh nữa rồi. Nàng cũng chuẩn bị vĩnh biệt thế giới xinh đẹp này rồi thì bỗng nhiên có người kéo nàng ra khỏi cánh tay tử thần, kẻ đó ôm nàng thật chặc trong lòng và đưa nàng thoi thóp đi lên bên bờ của sự sống.
Tân Nguyên cách cách vùi đầu vào ngực Cửu Dương, vẻ bịn rịn như không muốn rời ra, hiển nhiên lưu luyến cảm giác được người yêu ôm ấp nàng trong lòng. Cách cách biết người đàn ông này không hề thừa cơ chiếm lấy phần tiện nghi đâu, phong độ quân tử của hắn vượt xa những người đàn ông nàng từng gặp khiến nàng càng thêm cảm kích sự tôn trọng của hắn đối với nàng. Khổ nỗi máu trên vai, lưng, cánh tay và đùi của Cửu Dương vẫn không ngừng tuôn xối xả, khắp người chàng mồ hôi cũng vã ra như đang tắm hơi, gương mặt tuấn tú khôi ngô giờ trở thành trắng bệt như một tử thi. Chàng liên tiếp ho khan, hít thở không khí một cách khó nhọc, toàn thân suy yếu chẳng còn khí lực nhưng vẫn cố gắng đứng đó để mặc cho nàng tựa vào người chàng.
Lát sau Cửu Dương chống không nổi nữa nên khụy xuống đất. Tân Nguyên cách cách cẩn thận đặt chàng nằm xuống. Cửu Dương lúc này nằm ở trên cỏ mình mẩy đầy những vết thương trông vô cùng thảm hại. Tân Nguyên cách cách nhanh nhảu xé vạt áo của nàng thành nhiều mảnh rồi nhanh tay băn bó các vết thương không ngừng chảy máu của Cửu Dương. Cửu Dương để cho cách cách băng kín vết thương trên người chàng, vừa nhìn thẳng vào đôi mắt tràn đầy tin tưởng kia trái tim chàng như thắt lại. Nàng tin tưởng chàng vô điều kiện như thế, nhưng sao lúc trước chàng có chuyện mà bất đắc dĩ phải che giấu, phải dối lừa nàng? Một cảm giác áy náy bỗng dâng lên trong lòng, trước mắt cảm thấy nhòa đi, Cửu Dương quay đầu nhìn bầy sói một lần nữa rồi từ từ nhắm mắt lại.
Tân Nguyên cách cách phát giác hơi thở của Cửu Dương yếu dần, cổ tay chàng nhịp mạch cũng đứt đoạn, nàng gục đầu lên ngực Cửu Dương khóc ròng. Giọng khàn khàn, nàng thổn thức nói:
- Thiên Văn! Trên đời này không ai yêu huynh bằng muội đâu! Huynh hãy tỉnh lại đi, huynh không được chết! Muội bắt huynh suốt đời phải ở bên muội, huynh không được bỏ đi đâu!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.