Phong Vũ Thanh Triều [Quyển 2]

Chương 62: Chiến thuật quân sự




Cửu Dương dùng ngón tay chỉ dòng hải lưu:
- Quân của Trịnh Thành Công quen đánh thủy chiến, khi tung binh nhất định sẽ cho thuyền đi dọc theo lưu vực ngoài khơi đông nam, hướng về kinh thành đánh một trận lớn. Nhưng bởi vì đại đa số quân đội Bát Kỳ của Ngao Bái trấn thủ tại đó, khi bị họ Trịnh tấn công ắt phải cố hết sức lực chống trả. Chúng ta thừa dịp này ra tay với kho thuốc phiện ở Thiên Tân.
Nói rồi thấy mọi người im lìm không lên tiếng, diện mạo tỏ vẻ bất mãn với kế hoạch chậm rãi từ từ, huấn luyện nhân mã cho thật kỹ càng trước khi lâm trận, Cửu Dương nói thêm:
- Còn có một nguyên nhân nữa rất quan trọng là hiện thời chúng ta không đủ ngựa, nói gì đến việc huấn luyện kỵ binh.
Cửu Dương ngoài miệng bảo vậy mặc dầu trong thâm tâm biết Dương Tiêu Phong rất giỏi về vấn đề này, lúc trước trong cuộc đọ tài đua ngựa chính Nga hoàng cũng phải có vài phần nể nang. Tuy nhiên tình thế hiện giờ nguy ngập, Cửu Dương đành khẳng định:
- Cho dù bộ binh có mạnh thế nào đi chăng nữa thì ở trước mặt kỵ binh của Ngao Bái cũng không thể đánh lại!
Minh Thượng phò mã nói:
- Không sao! Các vị xem – Phò mã vẽ một vòng tròn phía tây bắc – Tân Cương là biên giới giáp ranh Mông Cổ. Ở đó có một bãi chăn nuôi cực rộng do gia quyến của thần quản lý, lại khá thân với bộ tộc Duy Ngô Nhĩ, mà bộ tộc này tự cổ chí kim vốn không có ý định dựa dẫm vào một quốc gia nào. Chỉ cần có tiền, chúng ta có thể tranh thủ mua ngựa của họ. Và để sở hữu một đội quân ngựa thiện chiến, hạ thần sẽ đích thân dùng khu đất đó huấn luyện kỵ binh.
Minh Thượng phò mã vừa dứt lời, Cửu Dương hưng phấn xê dịch ngón tay theo hướng bắc:
- Khi phò mã trở về nước cũng nên tránh tiếp xúc với chúng tôi, để cho Ngao Bái ngỡ rằng sau khi Mẫn Mẫn tiểu thư qua đời thì sự mâu thuẫn giữ đại Thanh và Mông Cổ sẽ căng thẳng như sợi dây đàn, y mới lợi dụng tình thế đó, ngư ông đắc lợi.
Minh Thượng phò mã gật gù, cơ mà lòng hãy còn hoang mang. Cửu Dương đọc được ý nghĩ đó bèn đi thẳng vấn đề, tiết lộ kế hoạch tiêu trừ Ngao Bái, mà người đầu tiên phải hy sinh là Trịnh Chi Long, một viên tướng đã từng có công từ bỏ nhà Minh để quy thuận đại Thanh nên được phong là Tinh Kỳ Ni Cáp Phiên, rồi Đồng An Hầu.
Mộc Đình Quý ủng hộ kế hoạch trên, nói thêm:
- Theo những gì hạ thần nhớ thì khoảng ba mươi mấy năm về trước, sau khi đầu đảng của băng cướp biển Nhan Tư Tề chết, Trịnh Chi Long cho tập hợp các thủ lĩnh hải tặc khắp bốn phương lại, thành lập tổ chức cướp biển vũ trang mang tên là Thập Bát Chi, một lực lượng bao gồm mười tám tên cướp biển khét tiếng nhất thời bấy giờ. Họ dưới sự chỉ đạo của Trịnh Chi Long đã phát triển số lượng nhân sĩ, trở thành một tập đoàn cướp biển hung bạo và lớn mạnh nhất ở tỉnh Phúc Kiến, hoành hành dọc ven biển miền nam Trung Nguyên và eo biển Đài Loan.
Nghe nói vậy, Minh Thượng phò mã liền liên tưởng tới một bức phong thư mà tri huyện Đồng An phủ Tuyền Châu đương thời đã viết cho tuần phủ Phúc Kiến. Trong thư kể lại tội ác của Trịnh Chi Long đối với trăm họ ở Tuyền Châu không những giết người mà còn chuyên việc cướp phá các nơi khiến cho tai tiếng vang xa khắp nẻo.
- Chỉ cần thần lấy lá thư đó công cáo thiên hạ - Phò mã trầm giọng bảo Khang thân vương - Là có thể chỉ chứng tội trạng y. Hơn nữa, thần còn nắm giữ một vật chứng khác, cấp sự trung Nhan Kế Tổ có lần dâng tấu triệp viết rằng "tên cướp biển Trịnh Chi Long sinh trưởng tại Tuyền Châu, tụ tập bọn vong mạng có đến hàng vạn người, cướp bóc nhà nhà, làm cho dân tình cực kỳ căng thẳng... dẫn đến tình trạng dân chúng không sợ quan mà sợ cướp biển..."
Dương Tiêu Phong nãy giờ đứng lắng nghe, trầm mặc ít lời, rốt cuộc thấy phò mã cũng đồng lòng với kế sách trảm thủ Trịnh Chi Long để buộc Trịnh Thành Công xuất quân thì mở cờ trong bụng, không dè mọi việc lại tiến triển một cách xuôi chèo mát mái như vậy.
---oo0oo---
Sau khi Minh Thượng phò mã cáo từ, Tô Khất và Mộc Đình Quý cũng trở về trại lính, Khang thân vương mỉm cười, có chút tán thưởng bèn vỗ vỗ vai Cửu Dương:
- Thất đương gia của bang phái Đại Minh Triều, ngươi luôn luôn suy nghĩ về chiến lược mượn quân đánh trận này có phải không?
- Quả thật đã suy nghĩ lâu rồi – Cửu Dương gật đầu, đoạn quay sang Dương Tiêu Phong hỏi - Phủ Viễn tướng quân cũng nghĩ đến rồi đúng không?
Cửu Dương hỏi là hỏi vậy chứ thực ra bụng dạ không ngạc nhiên chút nào khi thấy Dương Tiêu Phong gật đầu theo, vì trong suy nghĩ, Phủ Viễn tướng quân vốn được giang hồ đồn đãi là một kẻ văn võ song toàn, mới mười mấy tuổi đã bôn ba sa trường, thân lâm bách trận thành thử không sách lược gì mà không biết.
Phía bên cạnh, Dương Tiêu Phong lại nhủ bụng thất đương gia tinh minh lợi hại, giỏi kế mưu, là chủ lực do nam hiệp thần quyền Tần Thiên Nhân đích thân chỉ thị hộ tống Trương Quốc Khải lìa khỏi ngôi miếu Quan Âm hôm nào.
Mặc dầu cả hai trang nam tử như đôi mãnh hổ tranh hùng, đã từng đứng đối mặt nhau trên trận tuyến phục Minh. Lại nữa Cửu Dương đã từng lâm cảnh nước mất nhà tan, mang trong tim nỗi huyết hận bị người ta tróc sạch cả gốc lẫn rễ, song vào thời khắc đặc biệt này lại có một cảm giác lạ lùng thân thiết đối với những thành phần ngoại tộc Mãn Châu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.