Phù Thế Phù Thành

Chương 3: Chúng ta đã từng là những người xa lạ




Trên đường trở về nhà cùng chồng, Triệu Tuần Tuần ngủ gà ngủ gật. Cô thực sự thấy buồn ngủ, nói chuyện với Trì Trinh đúng là rất mệt, ngay cả khi về đến nhà, trong lúc thu dọn, tắm rửa cô cũng không buồn mở miệng. Bình thường cả tuần cô cũng không nói nhiều bằng hôm nay. Tính Bằng Ninh hơi lạnh lùng, không thích nói chuyện con cà con kê, thêm vào đó công việc cũng rất bận, hết giờ làm vợ chồng có nói với nhau thì cũng quanh quẩn những chuyện lặt vặt trong nhà, hai vợ chồng chưa khi nào to tiếng cãi nhau, bởi muốn cãi nhau thì cũng cần phải có chủ đề chung.
Có lẽ vì ngay từ đầu cuộc hôn nhân này Triệu Tuần Tuần đã ở vào thế yếu, hơn nữa từ nhỏ cô đã được giáo dục rằng phải dịu dàng, nết na, cần kiệm, nhún nhường, chính vì thế mà cô có vẻ sợ chồng, quyền nói năng trong nhà hầu như thuộc về chồng cô. Với tính cách của Triệu Tuần Tuần, lúc gặp chuyện nhỏ thì đặc biệt chẳng có nguyên tắc nào, ai có nói gì, chỉ cần không động chạm tới cấm địa của cô thì thông thường cô sẽ không phản đối kịch liệt. Còn nếu là chuyện lớn, thì kể từ khi kết hôn đến nay chưa xảy ra bao giờ, nên cô cũng không biết mình sẽ như thế nào nếu nó xảy ra thật.
Tạ Bằng Ninh cũng không bao giờ chủ động chạm tới cấm địa của cô. Trong mắt anh, về cơ bản vợ là người phụ nữ tin cậy, chỉ có điều, lúc mới kết hôn anh thấy rất khó chịu về cái bệnh lo lắng thái quá của Triệu Tuần Tuần, ví dụ cô yêu cầu lưới sắt chống trộm phải là loại thép không gỉ 304, khoảng cách giữa các mắt thép phải đạt tiêu chuẩn kẻ trộm nếu có dùng công cụ hỗ trợ hạng nhẹ cũng không thể chui qua được, còn ở chỗ cửa thoát hiểm phải có chìa khóa dự phòng và chỉ có người trong nhà (mà thực ra chỉ có cô) mới được biết, tất cả cửa kính trong nhà đều được sắt thép hóa, ngoài ra còn phải lắp thêm cả hệ thống báo động bằng tia hồng ngoại, dưới gầm giường luôn chuẩn bị vật dụng cần thiết khi khẩn cấp, trong két bảo hiểm phải có đầy đủ các giấy tờ quan trọng, để khi cần có thể lấy ra được một cách nhanh nhất. Nhưng sau khi quen rồi thì Bằng Ninh thấy những điều đó không hề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, có thể xem như đó là đặc thù của phụ nữ, nên tốt nhất là mặc kệ cô ấy. Ngoài điều đó ra, Triệu Tuần Tuần rất hiếu thảo với cha mẹ chồng, coi trọng chồng, cần cù chăm chỉ, sạch sẽ, tiết kiệm, lo liệu việc nhà tươm tất. Mặc dù rất khó để có thể bàn sâu về một vấn đề nào đó với cô, bởi sở thích hai người cũng khác nhau, nhưng cô lại cho người ta cảm giác an toàn, yên ổn và điều đó đã bù đắp lại được. Anh lấy một người phụ nữ là để sống chung, chứ không phải là theo đuổi sự va chạm của tâm hồn, những điều tốt đẹp không thể ngày nào cũng xuất hiện, nếu không sẽ trở thành mối họa ngầm. Anh chưa bao giờ mong chờ chuyện giống như linh hồn của Hegel8nhập vào thể xác của Lưu Tuệ Phương9 sẽ đến với cô.
Trước lúc đi ngủ, như thường lệ, Triệu Tuần Tuần đi kiểm tra một lượt các cửa sổ, cửa ra vào, điện nước trong nhà xem có an toàn không rồi mới trở về phòng ngủ. Tạ Bằng Ninh đã dựa vào đầu giường xem mấy tờ tạp chí. Triệu Tuần Tuần nằm xuống, mắt nhắm lại, rồi không nén được lên tiếng hỏi chồng: “Trước đây em không biết là anh lại có một bà cô trẻ như thế”.
“Cô ấy không hay về, anh cũng không còn coi cô ấy là cô nữa, nhưng người lớn trong nhà thì lại rất chú ý đến chuyện thứ bậc”, Tạ Bằng Ninh đáp.
“Em nhớ là anh đã từng nói trước kia có thời gian sống cùng với bà ngoại…”
“Đó là hồi anh còn đi học, nhà bà ngoại gần trường.”
“Nói như vậy, tức là anh và Giai Thuyên cùng lớn lên bên nhau? Như vậy cũng rất tốt”, Triệu Tuần Tuần nói với vẻ thận trọng.
“Có gì mà tốt với không tốt.” Tạ Bằng Ninh đặt cuốn tạp chí xuống, xoay người lại ôm lấy Triệu Tuần Tuần rồi tắt đèn. Đây là ám hiệu mà hai vợ chồng họ đã thỏa thuận với nhau. Tuần Tuần lặng lẽ hưởng ứng. Thực ra cô không mấy thích thú, nhưng cũng không hề ghét chuyện đó, may mà Tạ Bằng Ninh không phải là người quá mê say chuyện ấy, chỉ vì hai người không còn trẻ nữa mà các cụ trong nhà lại cứ giục phải sinh con, nên hai vợ chồng đành phải cố gắng.
Mặc dù Tạ Bằng Ninh không nói ra miệng, nhưng từ những động tác của chồng, Triệu Tuần Tuần cảm thấy anh hôm nay có gì đó khác với mọi khi. Bàn tay anh rất nóng, lại còn nhớp nháp mồ hôi nữa. Tuần Tuần nhắm mắt lại. Những hình ảnh tưởng tượng trong đầu lặng lẽ xuất hiện rất nhanh và gặm nhấm thần kinh của cô. Khác hẳn với những động tác sờ soạng cố giấu trong bóng tối, đó là một cơ thể trẻ trung trôi bồng bềnh trên những đám mây, cảm giác da thịt rất thật, những cơn sóng trào dâng mãnh liệt, nhưng chúng đều bị lấn át bao phủ bởi một tấm màn màu vàng mơ hồ, nhìn thì rất không thật, nhưng lại có thể ngửi thấy hơi hướng của sự ham muốn… Tuần Tuần không phải là một phụ nữ tùy tiện, kinh nghiệm trong chuyện này cũng bình thường và hơi ít, nhưng những hình ảnh kia dường như tồn tại từ nơi sâu thẳm trong con người cô, không cần phải chăm sóc nó cũng vẫn cứ dần dần lớn lên. Có lẽ, trong đáy lòng của mỗi một người phụ nữ đều có những giấc mơ xuân như vậy, và họ cứ để cho nó đeo đẳng, nhưng lần này, qua tấm màn màu vàng đó, cô thấp thoáng nhìn thấy một khuôn mặt. Tiếng chuông nhắc nhở trong lòng Tuần Tuần vang lên, đúng lúc cô thấy hoảng hốt vì điều đó thì Bằng Ninh bỗng dừng động tác trên người cô. Cô định thần lại thì phát hiện ra tiếng chuông cảnh tỉnh vẫn chưa tắt, nó vẫn vang lên chói tai. Đây không phải là sự phục sinh cảm giác đạo đức của một cô gái nhà lành, mà là tiếng kêu của hệ thống báo động bằng tia hồng ngoại lắp đặt ở ngoài ban công, còn cả tiếng kêu của một con mèo nữa. “Anh không hiểu cái hệ thống báo động bằng tia hồng ngoại ấy có tác dụng gì nữa!” Tạ Bằng Ninh than, hết cả hứng thú, nặng nề nằm xuống gối. Tuần Tuần sửa sang lại quần áo, ngồi dậy ra xem. Quả nhiên là mèo trong nhà đùa giỡn, nhảy lên cao đúng tầm kiểm soát của tia hồng ngoại. Triệu Tuần Tuần tắt hệ thống báo động, con mèo thấy chủ dậy, chạy đến quấn lấy chân đòi ăn. Thực ra, Triệu Tuần Tuần rất chú ý đến việc rèn thành nếp cho các vật nuôi trong hà, ngoài vấn đề vệ sinh, điều quan trọng là tuổi đời của lũ chó, mèo nhiều nhất cũng chỉ hơn mười năm, trong điều kiện bình thường, dù có yêu quý chúng đến mấy thì cuối cùng chúng cũng rời chủ nhân mà ra đi, đến lúc đó không tránh khỏi buồn thương, chi bằng ngay từ đầu giữ một khoảng cách với chúng để bớt phải rơi nước mắt và để dành tình cảm cho những thứ khác. Triệu Tuần Tuần không ngờ Tạ Bằng Ninh lại nuôi mèo, hơn nữa còn là một con mèo già, lười biếng, đi lại chậm chạp, mà nghe nói được đưa từ nhà bà ngoại về. Bằng Ninh bận bịu với công việc, ba năm qua, con mèo gần như sớm tối quấn quýt bên Triệu Tuần Tuần, dần dần nó trở nên rất thân thiết với cô. Đưa tay vuốt sống lưng gầy guộc của con mèo, tiếng chuông báo động đã được tắt kia như vẫn còn vang bên tai cô, rất nhiều ý nghĩ không hay, xám xịt giống như một cuộn len lăn tròn, và trong đầu cô dường như có rất nhiều những con mèo đang điên cuồng vờn nghịch, mỗi khi cô cảm thấy sắp có đầu mối, thì lập tức lại bị cuốn vào một nút thắt mới. Tuần Tuần không biết mình đã ngồi ở đó bao lâu, làn gió đêm thổi qua khe cửa khiến cô lạnh run người, còn con mèo không biết đã biến đi đâu từ lúc nào. Lúc đó cô mới sực nhớ đến chồng đang ở trên giường, vội quay trở lại phòng ngủ, lúc ấy Tạ Bằng Ninh đã chiếm cả một khoảng lớn của chiếc giường và ngủ say từ lúc nào. Triệu Tuần Tuần khẽ khàng trở về vị trí của mình, ngắm nhìn người đàn ông đang ngủ say bên cạnh dưới ánh sáng lọt qua cửa sổ. Cô đã nằm bên cạnh người đàn ông này ba năm, nhưng chưa bao giờ nhìn thật kỹ anh trong giấc ngủ như bây giờ, khuôn mặt với những đường nét cân đối ấy vẫn rất ưa nhìn, nhưng sao lại giống như… giống như một người xa lạ.
Thực ra, tất cả những đôi lứa trên thế gian này đều đã từng là những người xa lạ với nhau. Ba năm trước, Triệu Tuần Tuần không hề biết rằng trên đời này có sự tồn tại của một người tên là Tạ Bằng Ninh.
Chị gái của bố dượng Triệu Tuần Tuần là bạn học rất thân của một người nhà họ Tạ, lúc đầu Tạ Bằng Ninh là người mà cô của Tăng Dục giới thiệu cho cháu gái mình. Lúc đó Tăng Dục vừa từ nước ngoài về. Cả nhà đã có rất nhiều dự định đối với đại sự cuộc đời của cô. Xuất thân trong gia đình cán bộ, tài mạo song toàn, sự nghiệp thành công hơn người, vì thế Tạ Bằng Ninh được coi là người lý tưởng với Tăng Dục. Nhưng ai ngờ, sự tình xảy ra lại khác hẳn. Và chuyện này, không ai khác chính là do mẹ Tuần Tuần góp phần tạo dựng lên.
Có lẽ cũng cần phải nói về chuyện này từ đầu.
Ngược lại với lối sống bình lặng của Triệu Tuần Tuần, mẹ cô là một phụ nữ nổi tiếng phóng khoáng, đa tình. Năm nay bà vừa đúng năm mươi, nhưng vẫn rất xinh đẹp, phong thái vẫn đĩnh đạc, được xem là nữ thần trong mắt của những người trung và lớn tuổi ở khu vực nơi bà sống. Bà rất yêu thích môn nhảy, thường mặc một chiếc váy dài kiểu cách, lúc nào cũng trang điểm kỹ càng, vì thế mà Tăng Dục đã gọi bà là “chị Diễm Lệ”. Cách gọi này có phần đùa cợt hơi ác ý, Triệu Tuần Tuần vô tình nghe được, tuy vậy cô cảm thấy cái tên ấy cũng có phần đúng, rồi cuối cùng cũng đến tai “chị Diễm Lệ” và bà cũng lặng lẽ chấp nhận nó. Bởi suy cho cùng điệu đà không phải là một cái tội.
Thuở trước “chị Diễm Lệ” giống như một bông hoa rực rỡ ở làng ven đô, khiến cho rất nhiều đàn ông trong vùng ao ước hái được. Năm chưa đầy hai mươi tuổi, bất chấp sự phản đối của gia đình, bà đã bị một người đàn ông biết nói những lời đường mật dụ dỗ và theo ông ta vào thành phố. Sau khi sinh một đứa con gái, bà mới phát hiện ra rằng, ông ta không phải là người thành đạt gì, mà là một kẻ vô lại, dùng cách buôn thần bán thánh lừa gạt mọi người để kiếm tiền. Đến khi con gái được năm tuổi, “chị Diễm Lệ” không thể chịu đựng thêm được nữa, giận dữ mang con đi tìm con đường khác. Chị được nhận vào làm rồi lại bị cho thôi việc, đã từng yêu, rồi lại bị bỏ rơi, rồi lại yêu và bỏ rơi người khác… cuộc sống của hai mẹ con trôi qua trong cảnh ăn bữa nay không biết bữa mai như vậy trong mấy năm. Nhưng sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất không ngăn được ý chí vươn lên của “chị Diễm Lệ”. Năm Tuần Tuần lên mười tuổi, “chị Diễm Lệ” say mê môn khiêu vũ, đang là mốt lúc bấy giờ, rất nhanh chóng từ một người lệt xệt trở thành bà hoàng của sàn nhảy, sau đó quen với cha Tăng Dục – một giáo sư của Viện Kiến trúc lớn của thành phố G.
Lúc đó, Giáo sư Tăng đã có vợ và ba đứa con một trai, hai gái, Tăng Dục là con thứ ba trong nhà, anh trai của Tăng Dục hơn cô bảy tuổi, chị gái thì hơn năm tuổi. Không hiểu là do ma xui quỷ khiến hay bị trúng bùa trúng bả thế nào, mà khi gặp “chị Diễm Lệ”, lúc ấy đang là một nhân viên bị mất việc, hai người mắt đưa đi, mi đánh lại, họ bắt đầu cuộc tình vụng trộm trong hai năm.
Năm Tuần Tuần mười hai tuổi, chuyện quan hệ giữa hai người như cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị mẹ của Tăng Dục, cũng là một người trí thức, phát hiện ra, thế là một cuộc đại chiến đã xảy ra trong nhà Tăng Dục. Đúng lúc Giáo sư Tăng quyết định cố nén nỗi đau khổ khi phải chia tay “chị Diễm Lệ” để quay về với người vợ kết tóc xe tơ, thì một tai họa đổ ập xuống, người vợ ấy mắc trọng bệnh, chưa đầy nửa năm sau đã nhắm mắt xuôi tay. Giáo sư Tăng để tang vợ một năm rưỡi rồi chính thức đón “chị Diễm Lệ” về. Lúc đó Tăng Dục mười bốn tuổi, vẫn còn là một đứa trẻ non nớt, còn anh và chị của Tăng Dục đang du học ở nước ngoài thì cắt đứt mọi quan hệ với cha của Tăng Dục từ ấy.
Tuần Tuần rất ghét những ai là kẻ thứ ba, nhưng cô lại hiểu mẹ mình. Lúc Tuần Tuần học chưa hết cấp hai, bà đã phải quay cuồng trên sàn nhảy để tìm kiếm trong những cặp mắt đang dõi theo mình chọn lấy một bó cải, nhưng ai ngờ lại nhận được LV10, như thế hỏi làm sao bà có thể đặt ra những chuẩn mực đạo đức đối với bản thân? Sau hai năm bước chân vào nhà họ Tăng thành công, dường như chữ “phúc” cuối cùng cũng đã đến với bà, Giáo sư Tăng được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, LV trở thành Hermès11. Rất lâu sau, “chị Diễm Lệ”, phu nhân của Phó Viện trưởng mỗi lần tỉnh dậy đều muốn cấu vào người để xem đó có phải là một giấc mơ không.
Lúc đó, Giáo sư Tăng phong độ ngời ngời, tuy tuổi tác mỗi năm một nhiều, nhưng về mặt tinh thần thì rất thoải mái, hạnh phúc, một lòng cùng vui sống với người vợ thứ hai. Sự trần tục có phần hơi đáo để cũng như vẻ sinh động của “chị Diễm Lệ” ngược lại hẳn với sự cứng nhắc của một học giả nghiên cứu, đã mang lại cho ông không ít niềm vui. Nhưng, cuộc sống được cải thiện cũng đồng thời mang đến cảm giác thua kém trong lòng “chị Diễm Lệ”. Sợ mình sẽ thua kém, lạc hậu hơn vợ của các giáo sư khác và cả vợ của Viện trưởng, thế là bà đi mua sắm rất nhiều quần áo đẹp, bắt đầu chú ý học cách ăn, nói, đi đứng cho xứng với vai trò phu nhân của một Viện phó. Đầu tiên là việc bà làm cho Triệu Tuần Tuần gần như trở thành một thục nữ trời sinh chứ không hề có chút dấu vết nào của đứa trẻ là con một nhân viên bị mất việc, cái gì chị cũng đòi hỏi Tuần Tuần phải làm tốt hơn người khác, ít nhất thì cũng không được thua kém Tăng Dục – thiên kim tiểu thư chính cống của Giáo sư Tăng.
Tuần Tuần xấp xỉ tuổi của Tăng Dục, vì vậy hai người lúc nào cũng có thể bị lôi ra làm đối tượng so sánh với người kia. Nhờ sự cố gắng không mệt mỏi của mẹ, mà từ vẻ ngoài đến giáo dục Tuần Tuần không thua kém Tăng Dục, trừ việc cô từ chối cơ hội đi du học nước ngoài khi tốt nghiệp đại học. Mẹ cô thì cho rằng, đó là sự thể hiện lòng hiếu thuận của Tuần Tuần, hơn nữa việc Tuần Tuần ở lại bên bà và tìm việc cũng rất tốt, điều đó khiến mẹ Tuần Tuần rất vừa lòng, việc còn lại là tìm cho Tuần Tuần một người chồng tốt hơn chồng của Tăng Dục.
Khi cô của Tăng Dục nhắc đến Tạ Bằng Ninh trước mặt Giáo sư Tăng, thì mẹ Tuần Tuần đã thấy ngay hướng đi cho công việc ấy. Sau khi điều tra kỹ lưỡng về gia cảnh cũng như về mọi mặt của Tạ Bằng Ninh, mẹ của Tuần Tuần tin rằng đây là đối tượng kết hôn lý tưởng của con gái. Mặc dù gia đình Tạ Bằng Ninh không phải rất giàu nhưng cũng thuộc loại có gia thế, nền nếp, Tạ Bằng Ninh cũng là một người có tài, tiền đồ rộng mở, nếu bỏ lỡ cơ hội này thì sẽ không thể nào thực hiện được mong muốn trên. Thời cơ để chiến thắng Tăng Dục và những người thân của cô, mà tiêu biểu là bà cô của Tăng Dục – người luôn không coi mẹ của Tuần Tuần ra gì, đã đến!
Mẹ của Tuần Tuần là một người táo tợn, khi cần ra tay sẽ ra tay. Đầu tiên bà dò la được thời gian mà bà cô của Tăng Dục hẹn với gia đình nhà họ Tạ, sau đó đúng buổi sáng ngày hôm ấy, bà dùng điện thoại công cộng gọi đến gây chuyện với cô của Tăng Dục, cho đến khi đối phương không kiên nhẫn được nữa và chủ động gác máy mới thôi. Tiếp đó bà thông tin cho nhà họ Tạ, nói rằng vì một vài nguyên nhân khách quan muốn được đẩy giờ hẹn sớm hơn hai tiếng. Nhà họ Tạ không rõ chuyện nên cũng tôn trọng ý kiến của đối phương. Nhân khoảng thời gian hai tiếng ấy, mẹ của Tuần Tuần đường hoàng đưa cô con gái không chịu nghe theo, cứ vừa đi vừa dỗ đến trước mặt người nhà họ Tạ. Bà tin, cùng là con gái của Phó Viện trưởng, Tuần Tuần chắc chắn sẽ được cậu con trai của nhà họ Tạ kia chấp nhận hơn là Tăng Dục.
Thế là hai bên cùng ngồi xuống. Cô gái vốn họ Tăng thì trở thành cô gái họ Triệu, người nhà họ Tạ rất lấy làm bối rối, nhất là khi biết được rằng thực ra Tuần Tuần là con riêng của vợ Giáo sư Tăng, tuy không nói ra ngay lúc đó, nhưng lại cho rằng đã bị người làm mối lừa gạt. Còn về phía Tuần Tuần, hôm ấy cô đã ở trong một trạng thái rất tệ, mặt mày ủ rũ, đôi mắt ngơ ngác. Như thế cũng chưa là gì, điều tệ hại hơn là, cô không mấy chú tâm, nên nói năng chậm chạp, cứ như kẻ mộng du, khiến cho mẹ cô – “chị Diễm Lệ” lo lắng việc không thành, cứ phải thò tay xuống gầm bàn véo cô đến bầm tím cả đùi, ấy thế mà Tuần Tuần vẫn không sao hết vẻ ngơ ngác.
Chưa hết hai tiếng đồng hồ, mẹ con Tuần Tuần còn chưa kịp rút khỏi hiện trường, thì bà cô của Tăng Dục, người luôn coi việc đến trước giờ hẹn là một đức tính tốt, đột ngột xuất hiện cùng với tiểu thư Tăng Dục chính cống như từ trên trời nhảy xuống. Phát hiện là mình đã bị lừa, bà cô của Tăng Dục lập tức chỉ tay vào mặt mẹ của Tuần Tuần, mắng rằng cả đời bà chỉ làm kẻ phá đám, lúc đó nhà họ Tạ thấy thế cũng tái mặt đi.
“Chị Diễm Lệ” bẽ mặt, lúc đó mới nhận ra rằng, mình đã đưa ra một chiêu tồi, bèn kéo Tuần Tuần bỏ về. Mấy ngày sau, lúc nào mặt bà lúc nào cũng rầu rầu, chẳng thiết gì đến cơm nước.
Ai ngờ, một tuần sau, thái độ của nhà họ Tạ quay ngoắt lại, chủ động liên hệ với mẹ Tuần Tuần. Thì ra hôm đó, Triệu Tuần Tuần với vẻ mặt như mất hồn ấy lại lọt vào mắt xanh của Tạ Bằng Ninh, vì vậy người lớn trong nhà họ Tạ đưa ra ý kiến, nếu Tuần Tuần bằng lòng thì hai người có thể qua lại với nhau.
Ánh hào quang chiến thắng cuối cùng đã tỏa ra trước mặt mẹ Tuần Tuần trong giờ phút tưởng chừng như đen tối nhất, thế là bà lập tức khỏi bệnh mà chẳng cần thuốc men gì, rồi sau đó ra sức khuyên nhủ cô con gái vốn dĩ rất nghe lời. Tuần Tuần vốn không lấy gì làm nhiệt tình, nhưng cũng không muốn làm trái ý mẹ, nên đồng ý gặp Tạ Bằng Ninh. Qua lại được một vài lần, dường như cô cũng chẳng tìm được lý do gì để bỏ dở giữa chừng. Và thế là họ cùng nhau đi uống cà phê, ăn đồ Tây, xem phim, nắm tay nhau đi dạo, chụp ảnh cưới, tổ chức tiệc cưới linh đình như bao đôi lứa khác, có nghĩa là tất cả những gì mà một đôi bạn đời trải qua thì họ cũng trải qua hết. Rồi vào một đêm như đêm nay, sau ba năm ngày cưới, cô lại nằm bên Tạ Bằng Ninh.
Lúc mới về làm dâu, mọi người trong gia đình họ Tạ, kể cả bố mẹ chồng đều không thực sự yêu quý cô, bề ngoài thì họ tỏ ra rất khách sáo, nhưng thực chất thì rất lạnh nhạt. Triệu Tuần Tuần hoàn toàn hiểu được điều đó, đối với chuyện xảy ra trong lần gặp mặt đầu tiên, dù họ có nghĩ như thế cũng không thể coi là quá đáng. Dần dần sau đó, họ thấy Tuần Tuần cũng rất biết điều, lại lo lắng mọi việc trong nhà chu tất, hai vợ chồng cũng sống hạnh phúc, nên cuối cùng cũng đã thay đổi thái độ, tuy nhiên khi nhắc đến mẹ của cô họ vẫn tỏ thái độ không bình thường.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.