Phúc Nữ Nhà Nông

Chương 354: Buồn bã




Chu nhị lang nghi hoặc, "Không phải nói bản vẽ là do muội đưa sao?"
"Đúng ạ, trong sách nông nghiệp."
Đôi mắt Chu đại lang tỏa sáng, hỏi: "Vậy nhà chúng ta có thể làm một cái không?"
Mãn Bảo gật đầu, vung tay nhỏ lên, "Ai cũng có thể làm."
Đã dạy cho thợ mộc rồi, chả lẽ bọn họ còn có thể cấm thợ mộc làm sao?
Điều Chu lão đầu khá quan tâm là: "Tốn nhiều tiền chế tạo không?"
Mãn Bảo nhìn về phía Bạch Thiện Bảo, Bạch Thiện Bảo lại quay đầu nhìn về phía Đại Cát.
Đại Cát, Đại Cát nhìn trái ngó phải, cuối cùng phát hiện mình không có ai để nhìn, bèn nói: "Thợ mộc không muốn tới nhà làm, thiếu gia chờ chút, ta đi tìm thằng nhóc mang cày về."
"Vì đây là lần đầu tiên thợ mộc chế tạo cái cày này, nên ông ấy đã phải đẽo gọt rất lâu, vật liệu gỗ là nhà ta tự chuẩn bị, ngoài ra phải trả 900 văn tiền."
Chu lão đầu là người đầu tiên líu lưỡi, này cũng đắt quá rồi đó?
Gia đinh tiếp tục nói: "Chẳng qua trước khi trở về ông ấy đã nói, rằng nếu chúng ta muốn làm cái thứ hai, bởi vì ông ấy đã biết làm, mà vật liệu còn do chúng ta tự chuẩn bị, nên chỉ cần 800 văn tiền công, nếu làm với số lượng lớn thì 750 văn cũng được."
Sắc mặt Chu lão đầu cuối cùng cũng dịu xuống, bởi vì bình thường bọn họ làm cày mới cũng mất tầm 700 văn.
Ông nhìn về phía Bạch lão gia, cười tủm tỉm hỏi, "Nhà Bạch lão gia có muốn đổi cày không?"
Ánh mắt Bạch lão gia hơi lóe, hắn không hiểu cái cày mới này tốt hơn cái cày cũ chỗ nào, vì tuy rằng hắn có biết việc nông, nhưng cũng không thật sự xuống ruộng cày bao giờ, tất nhiên cũng không biết sự khác biệt trong đó.
Nhưng hắn biết tính Chu lão đầu.
Không thể nói Chu lão đầu là người keo kiệt nhất trong thôn Thất Lí, nhưng cũng khá nổi danh về tính cách này, quan trọng nhất là, người nhà nông, rất ít khi sẽ đổi nông cụ lớn như này.
Bởi vì mỗi loại đều cần rất nhiều tiền.
Nhưng Chu lão đầu chẳng do dự lâu đã hỏi hắn, hiển nhiên là cái cày này thật sự rất tốt, tốt đến nỗi một người keo kiệt, trong nhà không dư dả lắm cũng thấy động lòng.
Vì thế Bạch lão gia cười gật đầu, "Đúng là tôi cũng đang tính đổi một số cái cày, chắc tầm khoảng chục cái."
Tuy rằng đã xác định đây là thứ tốt, nhưng hắn vẫn quyết định phải cẩn thận một chút, cứ đặt mười cái về dùng thử trước, nếu tốt, thì lại đặt thêm.
Chu lão đầu cười tủm tỉm, nói: "Vậy tôi cũng đặt cùng Bạch lão gia luôn, lấy một cái cày mới."
Mãn Bảo ở bên cạnh hô: "Chúng con cũng muốn bốn cái, như vậy sẽ có năm cái."
Chu lão đầu vỗ vào đầu bé, nói: "Đang dưng mua nhiều cày như thế làm gì, hơn trăm mẫu đất kia của các con, chỉ cần hai cái là đủ rồi."
Mãn Bảo không phục, nhìn về phía Bạch Thiện Bảo.
Bạch Thiện Bảo bèn lấy một con số ở giữa, "Vậy mua hai cái đi, như vậy tổng cộng sẽ có ba cái."
Đại Cát nhớ con số này, sau này sẽ báo cho thợ mộc.
Bạch lão gia nói: "Nhà của chúng ta đặt nhiều cày như vậy, vẫn nên mời thợ mộc đến nhà làm đi, như vậy vận chuyển gỗ cũng tiện hơn, chúng ta cũng dễ trông coi hơn."
Chu lão đầu vô cùng tán thành gật đầu, đúng vậy, thứ quan trọng như cái cày nhất định phải dán mắt vào mới yên tâm, nhưng làm một cái cày cũng mất mấy ngày, bọn họ cũng đâu thể lên huyện thành nhìn mỗi ngày chứ?
Loại chuyện như này đương nhiên là do nhà họ Bạch làm, đúng lúc Bạch Thiện Bảo và Mãn Bảo cũng rất có hứng thú với thợ mộc, cho nên lúc thợ mộc già dẫn hai con trai của ông đến nhà họ Bạch, đã được bọn Mãn Bảo vây xem và chào đón nhiệt tình.
Ba cha con nhà thợ mộc được chào đón mà chẳng hiểu ra sao, Mãn Bảo hỏi ông, "Cái cày này dễ làm không ạ?"
"Cũng tạm," thợ mộc già chần chờ nói: "Bản vẽ ông chủ đưa rất rõ ràng, bên trên còn có số liệu, chỉ là lúc đẽo gọt phải tốn kha khá sức, nhưng cũng không phải quá khó."
Mãn Bảo bèn quyết định tối về sẽ đưa cho nghiên cứu sinh đáng thương kia một nắm đất nữa.
Đã có cày, tiếp theo chính là cày ruộng.
Chẳng cần ba người họ phải nhọc lòng, Lưu thị trực tiếp bảo người mua cho bọn họ ba còn trâu, còn đều là trâu thiến*.
* Trâu thiến: Gốc là 犍牛 [jiānníu]: Mình không chắc đây có phải là trâu thiến không, nhưng hình như trâu thiến thì năng suất cày kéo thường cao hơn thì phải.
Chu lão đầu thấy mà ghen tị không thôi, không khỏi nói thầm với Tiền thị, "Bà nói xem, sao bọn họ nỡ bỏ ra nhiều thứ cho ba đứa trẻ vậy nhỉ?"
Có số tiền này cầm đi làm cái gì mà không được?
Tiền thị liếc mắt nhìn ông, "Không phải ông cũng cho Mãn Bảo 60 mẫu đất đó sao?"
"40 mẫu núi kia chúng ta để đó cũng vô dụng mà, còn hai mươi mẫu ruộng kia, ngoài vài mẫu có thể coi được, còn những mẫu khác toàn ruộng bạc màu, năm ngoái cũng chưa chăm bẵm, chỉ cày mỗi lần, đào hố rồi ném hạt giống xuống, ngay cả cỏ cũng không nhổ. Cả năm cũng chẳng được bao nhiều tiền, cho thì cho thôi."
Chu lão đầu nói: "Nhưng nhà họ Bạch vừa cung cấp người vừa phụ trách vật lực cho Bạch tiểu công tử, đợi đến lúc gieo trồng thì không nói, mà bà xem bây giờ, chưa gì đã mua hết cày đến trâu, còn mướn người làm công, mỗi ngày phải bỏ bao nhiêu tiền ra ngoài?"
Chu lão đầu chỉ nghĩ thôi đã thấy tiếc.
Tiền thị nhắm mắt, nói: "Cũng có phải tiêu tiền của ông đâu, ông tiếc cái gì?"
"Nhưng người tiêu tiền chính là con gái tôi," Chu lão đầu miễn cưỡng tìm ra một lý do, "Bà nói Mãn Bảo ở bên kia, lúc về liệu có tiêu tiền phung phí như vậy không?"
"Con gái ông đâu có ngốc, hai nhà chênh lệch như vậy, nàng còn hiểu chuyện, sẽ không nghĩ như vậy đâu."
Bây giờ Tiền thị đã dừng thuốc, sức khỏe cũng tốt hơn rất nhiều, chỉ là giờ vào mùa đông không có việc gì làm, nếu không bà ra đồng làm việc cũng được.
Bà nói: "Được rồi, mau đi ngủ đi, đến con gái ông cũng biết mùa đông phải xới ruộng một lần, còn ông không biết lên kế hoạch gì hả?"
"Chờ thêm mấy ngày đi," Chu lão đầu nói: "Chờ làm xong cày mới thì xới đất, cái cày Mãn Bảo lấy ra kia đúng là tốt thật, tôi đã kéo thử, tốn rất ít sức."
"Chờ thêm hai ngày nữa mà lí trưởng còn không thông báo gì, thì hẳn là năm nay sẽ không phải phục dịch, chúng ta có thể thư thả việc đồng áng."
Trong nhà nhiều ruộng đồng như vậy, muốn cày xới hết tất cả là điều không thể, cho nên hằng năm nhà họ Chu chỉ xới những mẫu ruộng màu mỡ nhất.
Năm nay chỉ trồng hai mươi mẫu lúa mạch, không nhiều, cho nên Chu lão đầu không gấp gáp chút nào.
Ông định chờ xem năm nay có phục dịch không, nếu có, thì đến lượt lão đại đi, đến lúc đó sẽ xách lão lục đến học đỡ cày.
Lúc Chu lão đầu đang suy nghĩ chuyện này thì Mãn Bảo nhận được tin từ huyện thành gửi tới.
Thư do Chu ngũ lang mang về, hôm nay hắn lên huyện thành bán gừng, lúc đến nhà Huyện thái gia, nha đầu bên trong liền đưa thư cho hắn.
Hôm nay Mãn Bảo rất bận rộn, tận đến lúc này mới có thời gian rảnh ngồi bên bàn thắp đèn dầu đọc thư.
Thư là do Phó nhị tiểu thư viết, nàng nói với Mãn Bảo, phụ thân nàng đã xác định sẽ làm huyện lệnh của huyện Thái Ninh, trước khi nhậm chức sẽ lên kinh thành báo cáo công tác, hơn nữa hắn đã nhiều năm chưa về nhà ăn Tết, cho nên lại bộ cho hắn hai mươi ngày nghỉ đông.
Thời gian nghỉ đông cộng thêm thời gian vào kinh báo cáo công tác, nhà họ Phó quyết định ngày mười tám tháng mười sẽ khởi hành rời huyện La Giang, lên kinh thành trước, sau đó sẽ về nhà ăn Tết.
Chỉ còn ba ngày nữa, Phó nhị tiểu thư hy vọng Mãn Bảo có thể đi tiễn nàng.
Mãn Bảo có chút ưu sầu, tuy rằng bé cảm thấy mình còn có thể gặp lại Phó nhị tỷ tỷ, nhưng lúc này vẫn không khỏi mờ mịt với tương lai, không biết bao giờ hai người mới có thể gặp lại.
Cho dù miệng nói lời lạc quan, Mãn Bảo vẫn không khỏi thấy hơi buồn bã.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.