Quay Lại Tuổi 17 Để Cứu Rỗi Chính Mình

Chương 52:




Từ từ bước vào cuộc đời anh... vào một ngày nào đó. Hiện tại tôi vẫn chưa thể là một phần cuộc sống của anh. Tôi hiểu sự khắc nghiệt của thế giới này như thế nào. Đôi khi sống hai lần một cuộc đời lại là hình phạt tàn nhẫn, đó thực sự là một giấc mộng dài, không biết đâu là thực, đâu là mơ. Tôi chợt hiểu ra, tôi ở đây, không phải là tôi của năm 17 tuổi. Trần Minh Hân thời ấy, một thiếu nữ không nổi bật, không tự đè nặng chính mình dưới áp lực do bản thân tạo ra, thích thì làm mà không thích thì buông, đa sầu đa cảm, buồn là khóc, vui là cười.
Tại sao giờ đây tôi lại tự biến chính tôi thành kẻ nghĩ nhiều. Chỉ vì một chút khoảng cách khác biệt mà tôi lại tự đẩy anh ra bằng những tâm tư khó hiểu. Người con trai mà ánh dương ban tặng cho tôi, bây giờ là của tôi, không cần biết tương lai ra sao, hiện tại vẫn là người của tôi.
Đến 1 giờ, đã quá giờ đi mà bố mẹ cho phép. Anh đòi đưa tôi về. Nhưng tôi từ chối vì đi xe đến, làm sao vứt ở đây được. Nằng nặc đôi co mãi, tôi gọi cho Linh. Nó vẫn chưa về, nên tôi viện đại lý do vớ vẩn để con bạn về chung với mình. Như vậy thì Đăng mới yên tâm để tôi tự về. Tôi dặn anh vài câu kiểu lái xe phải cẩn thận, về đến thì gọi lại cho tôi. Và cả tuần tới chúng tôi không được gặp nhau.
Ngày Tết không quá nhộn nhịp, chạy vèo cái thời gian nghỉ lễ đã hết. Mùng 7 là học sinh phải đến trường.
Đăng không đi học. Anh vẫn đang ở Hà Nội. Dù sao thì vừa phạm tội lớn, anh ấy cũng không thể thoát khỏi xiềng xích của bố dễ như thế. Việc luyện tập tại trung tâm thể thao cũng phải dời lại. Vốn đã ít được đi tập do còn lịch học ở trường, giờ lại vướng thêm chuyện gia đình. Đăng gần đây áp lực không hề nhỏ. Tôi nghĩ đến trường hợp, anh chuyển đi, để tiện cho mọi việc, cũng chỉ là chuyện sớm muộn.
Ít thì là chuyển lên thành phố Hải Dương, xa thì là chuyển lên Hà Nội. Nhưng ở đây còn có Hải Anh nữa, con bé vừa nhập học ở Hải Dương, nên có lẽ khả năng mà tôi đang nghĩ đến cũng không phải bây giờ có thể xảy ra. Tôi thở dài thườn thượt, thầm nghĩ: "Cứ như tự an ủi bản thân ấy nhỉ?"
Thầy Beo bước dài trên bục giảng, hắng giọng: "E hèm. Kỳ hai đã bắt đầu rồi, các anh các chị phải chấn chỉnh lại tác phong học tập hết cho tôi. Không có được đem cái tâm trạng ăn Tết lên lớp nữa. Nghe rõ chưa?"
"Nào nào, mấy anh chị đang nằm rạp ra bàn kia. Ngồi hết dậy." Thầy chỉ tay một vòng quanh lớp.
Tôi cố lết tấm thân đau nhức thẳng lên.
"Hai tuần nữa là bắt đầu đại hội thể thao. Năm nay ngoài những hạng mục thi đấu cũ như năm ngoái, thì còn có giải bóng đá nam nữ mở rộng của khối 11 và 12 Yên Hải I và trường Yên Hải II bên cạnh."
"Hải Đăng vẫn chưa đi học nhỉ? Mấy bạn nam thông báo với Đăng một câu để xem bạn có về tham gia được không nhé. Rồi mấy anh con trai tự lập đội với nhau, mỗi đội 8 người, 2 dự bị, 6 chính, sau đó điền tên vào phiếu này." Thầy truyền tờ giấy xuống dưới.
"Cho 2 ngày để điền phiếu. Còn lại các việc như may áo hay tên đội gì gì đó thì các anh tự quyết."
Rồi thầy chọn thành viên tham gia các hạng mục khác. Tên của Hoàng Hải Đăng bỗng bị liệt kê vào danh sách thi chạy nhanh 200m. Vì năm ngoái cũng là anh tham gia, năm nay lại không ai chịu ghi danh.
Giang bên cạnh tôi cũng tham gia thi chạy 200m cho nữ. Con bé có vẻ phấn khích cho lần thắng giải tiếp theo.
Tôi thở dài. Mấy môn thể thao cần đến sức lực này không phải sở trường của tôi. Tôi chỉ cần làm thành phần khán giả nhiệt huyết là được.
***
Hai hôm sau, Đăng đã đi học trở lại. Nhưng đổi lại lịch tập ở trung tâm huấn luyện, anh không đi vào giữa tuần nữa, mà thay vào đó là 3 ngày cuối tuần. Vậy nên anh có thể tham gia đại hội thể thao diễn ra trong tuần.
Dạo này mấy bạn nam trong lớp phấn khích lạ thường. Trước đó, họ hay rủ nhau lập đội để đi đá bóng với mấy đội lớp khác. Đương nhiên là phải phấn khích rồi.
Giờ ra chơi thường xuyên nổ ra những cuộc cãi nhau vui vẻ xoay quanh áo màu gì, kiểu gì, tên đội như thế nào. Sau vài buổi cãi vã, cuối cùng thầy Beo chốt lại vấn đề khó khăn nhất là tên đội chỉ bằng một câu.
"Vì có nhiều lớp của hai trường nên để dễ dàng nhận diện thì nhà trường yêu cầu lấy hết tên đội theo chung một cú pháp "11A Yên Hải I" hoặc "12A Yên Hải II". Kiểu đấy nên lớp mình sẽ là "11A Yên Hải I"."
Vớ vẩn thật đấy, tên đội nghe chán thật sự.
Đăng vừa gửi cho tôi vài mẫu áo, bảo tôi chọn. Có màu xám, màu xanh navy, hồng. Năm đó, tôi bảo anh chọn hồng. Nhưng mà anh không chịu.
"Xanh navy." Tôi gửi lại cho anh.
Màu áo này vẫn là quen thuộc trong trí nhớ của tôi hơn.
***
Đăng dạo gần đây bận rộn tập luyện cấp tốc cùng đội bóng của lớp, chiều tối nào cũng hẹn nhau ra sân bóng của huyện. Cuối tuần lại đi trung tâm. Thời gian dành cho tôi cũng chẳng có nữa.
Nhưng tôi lại cảm thấy, anh như bây giờ mới chính là anh, được sống thoải mái với những thứ mình thích, không phải chịu gò bó, áp lực.
"14/2 sắp đến, lại không kịp chạy KPI rồi. Aaaa..." Linh vò đầu bứt tóc, vỗ tay đôm đốp xuống mặt bàn tôi.
Valentine năm nay là năm đầu tiên mình có người thương bên cạnh. Không biết có gì khác biệt không nhỉ?
Tôi chống tay lên cằm, nghiêng đầu nhìn ra ngoài cửa. Lớp tôi đã chuyển xuống tầng 1 được vài tháng, giờ đây nhìn được thẳng ra sân, có thể thấy rõ đám con trai lớp tôi đang đá cầu ở đó.
Sân chính không được chơi bóng, chứ không chắc mấy thanh niên này đem luôn quả bóng ra đó đá mất.
Đăng cùng đám con trai đi vào, mùa đông mà mồ hôi nhễ nhại. Có đá cầu thôi mà làm gì ghê gớm vậy?? Và thế là cuộc chiến thường niên trong những ngày lạnh giá chuẩn bị diễn ra.
Hoàng đứng trước bảng điều khiển, bật tung hết 3 chiếc quạt trần. Đám con gái trong lớp la rống lên: "Mày điên à? Trời lạnh mà bật quạt."
Thêm một đứa khác lên tiếng: "Thích mát thì ra ngoài trời mà hóng gió."
"Trời làm gì có gió." Hoàng phản bác.
"Tắt quạt đi. Xin đấy."
Rồi, họ cãi nhau. Tôi cũng lạnh, nhưng không quan tâm đến cuộc cãi vã ồn ào ấy. Đăng lại gần, nói nhỏ vào tai tôi: "Kéo mấy đứa này lên trên ngồi đi. Để anh bảo chúng nó xuống đây."
Tôi ngoan ngoãn nghe theo. Đứng phắt dậy, hai tay hai đứa kéo Linh và Giang lên trên ngồi với Hoa.
Đăng tụ tập đám con trai xuống dưới chơi bài: "Được rồi. Tắt quạt trần đi. Không phải là có quạt tường sao? Xuống dưới này đi."
"Anh Đăng buồn cười quá. Sao nhường chúng nó thế? Bật một chút thôi mà."
"Con trai như thế mới có cả đống người thích. Đâu có như nhiều người..." Một bạn nữ lớn tiếng.
Lại chuẩn bị cãi nhau tiếp đợt hai. Đăng kịp chặn chiếc họng của mấy thanh niên sắp phun ra lời hay ý đẹp: "Lằng nhằng quá."
Và rồi cuộc chiến chấm dứt. Hai bên không ưa gì nhau cuối cùng cũng im lặng. Lớp tự nhiên có số học sinh nam nhiều hơn học sinh nữ là như vậy, chứ không phải dạng càng ít nữ thì nữ càng được bảo tồn đâu.
Trên đường về nhà, các hàng bày bán hoa và Chocolate khắp các nẻo đường. Tôi đánh mắt qua một quầy hàng, chẳng phải là Valentine 14/2 là ngày con gái tặng quà cho con trai sao? Vậy thì tôi cũng nên có gì đó cho người bạn trai của mình chứ nhỉ?
Nhưng mà, Hoa đang ngồi sau xe. Nếu tôi dừng lại mua sẽ gây lộ mất. Tốt hơn hết vẫn là tối hôm đó rủ Đăng đi chơi thì hơn.
Trước đó hẳn hai ngày, tôi gọi điện cho anh.
"Alo, đang làm gì đó?"
"Anh đang ở sân tập cùng mấy đứa." Đăng thở dốc, có vẻ vừa tập xong.
"Ngày nào cũng tập muộn vậy sao? 7 giờ tối rồi."
"Không hẳn. Hôm nay là buổi cuối anh tập chung với chúng nó, nên ở lại muộn hơn chút."
"Tối ngày kia có rảnh không? Mình cùng ra ngoài chút đi."
"Cảm ơn em."
"Gì vậy?" Tôi không hiểu. Đang rủ đi chơi mà tự dưng cảm ơn.
"Vì đã hẹn anh. Lâu rồi mình không có thời gian riêng với nhau, cũng sắp Valentine rồi. Anh sợ em không để ý đến ngày ấy."
"Vớ vẩn. Làm gì có đứa con gái nào là không để ý." Tôi nhăn nhó. Chẳng phải như ý anh thì tôi là người nhàm chán, khô khan à?
"Được rồi được rồi. 7 giờ tối ngày kia, anh đón em nhé." Đăng nhanh chóng chốt lịch.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.