Rực Sáng Lòng Tôi

Chương 59: Anh có thể xuống nhà được không?




Chuyển ngữ: Khu rừng đom đóm
Trường cấp 3 Mạn Thành cho nghỉ muộn, tựu trường sớm, các lớp thi xong thì vẫn tiếp tục đến trường, mãi đến gần tết âm lịch mới tổ chức kỳ thi cuối kỳ.
Thi xong xuôi, Bạch Trác khuây khỏa phần nào, nhưng cô cũng không mấy vui vẻ.
Bởi vì thi cuối kỳ xong đồng nghĩa với việc cô phải về nhà, dẫu có khai giảng sớm đi nữa cô cũng không được gặp anh trong vòng nửa tháng tới.
Còn bốn ngày nữa là đến giao thừa, thậm chí Bạch Trác muốn mau mau đến hôm 30 điên lên được.
Tuy nhiên mong ước này hơi kì quặc, chưa kể đến đằng sau luôn có Bạch Lẫm giám sát, không cho cô về muộn một giây nào.
Thậm chí anh ấy không cho cô trở về thu dọn đồ đạc, đúng như tên gọi rằng kỳ nghỉ dăm bữa nửa tháng không cần học hành, phải chơi bời và thư giãn thỏa thích.
Cô vốn muốn xin thêm chút thời gian nói gì đó, nhưng Bạch Lẫm thúc giục liên hồi, Bạch Trác chỉ kịp vẫy tay chào Hứa Yếm rồi lên xe trong tiếng í ới của ông anh.
Cô đã nhanh nhẹn lắm rồi, ấy mà ông anh vẫn không hài lòng.
“Anh cảnh cáo em một lần nữa nhé Bạch Tiểu Trác.” Bạch Lẫm ngẫm lại bước chân bịn rịn của cô, thái độ dùng dằng một thôi một hồi làm anh ấy nổi đóa: “Em tém tém lại cho anh.”
Bạch Trác: …
Cô đã kiềm chế đến mức không còn gì để kiềm chế nữa rồi nhá!
Cô không biết nên giải thích mức đè nén của mình cỡ nào, sợ Bạch Lẫm quá khích sẽ gây ra tai nạn xe.
Ấy thế trong khoảnh khắc ngồi lên xe, cô đã lập tức nhớ nhung trước khi xa anh mất.
Đêm giao thừa đầy ắp không khí náo nức của người người nhà nhà đón xuân sang, ngoại trừ ngoài đường lớn thì khi vào đến trong khu, cô thấy nhà nào cũng treo hai cái đèn lồng đỏ chót trước cửa, chúng nó tròn tròn, được làm thủ công nên càng ngắm càng yêu.
Cửa nhà mở rộng, bên trong sân cũng được trang trí tưng bừng, đặc biệt ở trước cửa còn có một thân cây treo lủng lẳng vô vàn đồ trang trí màu đỏ.
Những mảnh giấy nguyện ước và nút thắt Trung Quốc trở nên nhu mì, dịu dàng dưới ánh sáng ấm cúng ấy.
Ngay cả bên bồn hoa cũng được điểm xuyết bằng những món đồ đo đỏ, khiến lòng người bình yên đến lạ.
Chỉ một cái liếc mắt cũng nhận ra chủ nhân của ngôi nhà là người lạc quan, yêu đời.
Khi ánh mắt của Bạch Trác vẫn còn chưa rời mảnh sân thì Bạch Lẫm dừng xe lại, anh ấy đỗ xe sang một bên rồi bước xuống.
Lúc này cô mới phát hiện ra người đứng ngoài cửa, ông ấy vác mấy tấm ván gỗ chuẩn bị vứt hết chúng đi.
“Chú Chu.” Bạch Lẫm bước đến bên cạnh ông, cầm mấy tấm ván gỗ lên tay: “Lần này chú định làm gì vậy?”
“Làm khay trà.” Giọng ông vẫn ôn tồn như mọi khi: “Lúc nào rảnh thì đến nhà uống trà nhé.”
Bạch Lẫm cũng cười: “Đến lúc đó cháu chắc chắn sẽ đến đây quấy rầy.”
Nghe anh ấy nói như vậy, Chu Y Sinh cũng cười, liên tục nói được được, sau đó bắt gặp Bạch Trác đứng sau lưng, cũng cười với cô, bảo: “Lúc đó cháu cũng đến nhé.”
Gặp lại Chu Y Sinh, cô mới biết chủ nhân của mảnh sân này. Trông ông ấy tươi cười, cô khựng lại vài giây mới thưa: “Vâng.”
Gặp mặt lần nữa, cô cảm nhận cái yên ả, không hơn thua thế đời của chú thêm phần rõ nét, giống như kiểu áo Tôn Trung Sơn mà chú mặc trên mình vậy.
Vốn dĩ Bạch Lẫm tính dành chút thời gian uống trà với ba Bạch, ai ngờ cơm nước xong, ngồi xuống tán gẫu thì lại nghe ông khơi lại chuyện này.
“Vừa nãy chú Chu mời con với Trác Trác ngày mai sang chú uống trà, bố từng kể chú Chu pha trà đỉnh lắm còn gì ạ.” Bạch Lẫm nói với ba: “Cuối cùng con trai bố cũng có thể uống thử rồi.”
Bạch Lẫm thuật đúng sự thật, song Bạch Trác lại không thốt nên lời.
“Vậy con hãy thường xuyên qua đó đi.” Chẳng ngờ mẹ Bạch cũng đồng ý, hất cằm với Bạch Trác: “Lúc đó nhớ kéo Trác Trác đi chung.”
Ngay cả ba Bạch cũng gật đầu phụ họa, dặn dò thành thật: “Nhưng ở đó đừng có mà phát ngôn mấy lời nhảm nhí nhiều.”
Bạch Lẫm: …
“Con biết rồi.” Bạch Lẫm quyết định xem nhẹ câu nói đó: “Nếu không vì đêm giao thừa phải sang ăn cơm với ông bà thì con cũng muốn mời chú Chu đến nhà mình đón tất niên.”
Nghe anh ấy nói như vậy, Bạch Trác cũng sửng sốt, buột miệng thốt lên: “Người nhà chú ấy không đến sao ạ?”
Dứt lời, phòng khách trầm mất vài giây, Bạch Lẫm thở dài thườn thượt: “Người tài ba luôn là người cô độc.”
Mười mấy năm trước, chú Chu ra nước ngoài làm việc, lúc mới sang bển không có tiền, phải làm thêm ở một quán cơm. Sau khi tích cóp được một số tiền, chuẩn bị nghỉ việc thì có người làm rò rỉ gas, dẫn đến nổ mạnh, người đứng sau phụ bếp cũng bị thương.
Nằm viện ròng rã một năm rưỡi trời, mà ông chủ tiệm cơm lại xảo trá, trả viện phí xong thì chẳng còn bao nhiêu tiền, thậm chí không đủ tiền để cấy ghép da. Việc trị liệu muộn khiến sẹo trên người ông ấy nặng hơn mọi người một chút.
Đa số người khi gặp chuyện này sẽ suy sụp, song Chu Y Sinh không như vậy, ông ấy không hề oán trách câu nào, sau khi xuất viện thì bắt đầu lại như chưa từng có chuyện gì.
Ông ấy tìm chỗ làm việc mấy tháng, sau đó mượn tiền mở một cửa hàng.
Do trên mặt có sẹo, lúc đầu khá nặng nên phải dùng mũ che đi, mất một thời gian dài ông ấy mới dần dần bỏ mũ xuống được.
Chỉ nhìn vết sẹo trên mặt thôi thì sẽ thấy đáng sợ, song đối tác nào cũng khen tác phong ông nho nhã, lập trường kiên định, ông khiến người ta phải quên mất vết sẹo xấu xí kia.
Ông gầy dựng sự nghiệp bằng hai bàn tay trắng, từng bước một đi lên, từ đồ dùng hằng ngày đến đồ gỗ rồi đồ sứ và các sản phẩm đặc biệt khác, ông ấy mở rộng cửa hàng thành từng chuỗi.
Sự nghiệp thành công là vậy song không hiểu sao ông ấy không muốn lập gia đình.
Phần lớn cơ nghiệp của ông ấy phát triển ở nước ngoài, nếu không phải có dự án ở lĩnh vực mới cần ông ấy đến khảo sát thực tế thì có lẽ lần về nước là khi ông đã già cùng mái tóc bạc phơ.
“Có thể làm được điều này ở nước ngoài.” Cuối cùng Bạch Lẫm tổng kết: “Ở trong lòng anh, chú Chu là huyền thoại, kết hôn hay không cũng không quan trọng.”
Anh ấy vừa dứt lời thì phòng khách yên tĩnh giây lát, rồi mẹ Bạch thở dài lên tiếng: “Suy cho cùng thì lá rụng cũng về cội.”
Kiếm nhiều tiền thì có ích gì, bên cạnh không có ai bầu bạn, càng có nhiều tiền thì càng cô đơn, nhất là những ngày tết thế này.
Bạch Trác không hé răng, có điều hôm sau, sau khi đến nhà Chu Y Sinh thì cảm thấy lời tiếc nuối của mẹ Bạch là không cần thiết.
Mỗi người đều có một lựa chọn cho riêng mình, chỉ cần là con đường mình chọn thì không có gì phải hối tiếc cả.
Từ hai chiếc đèn lồng đỏ tối qua cô đã biết Chu Y Sinh là người vô cùng lạc quan, ông ấy hưởng thụ cuộc sống này, thế là đủ rồi.
Bước vào nhà, Bạch Trác thấy khay trà mới có hình khuôn rẻ quạt, tuy chưa được mài giũa nhưng thông qua đó nhận ra được người làm đã bỏ rất nhiều tâm tư và công sức vào trong đó.
Chu Y Sinh dùng khay trà cũ để pha trà cho họ.
Bạch Trác không am hiểu về trà lắm mà cũng thấy vui vui khi quan sát từng động tác pha trà của ông, nhấp một hơi có thể cảm nhận hương vị đậm đà đọng trong miệng.
“Nghe ba cháu kể, cháu học ở trường cấp ba Mạn Thành sao?”
Bạch Trác ngạc nhiên khi nghe ông ấy hỏi vậy, cô vô thức cụp mắt, đặt chén trà xuống rồi gật đầu.
“Tốt lắm!” Thấy cô gật đầu, Chu Y Sinh mỉm cười: “Cũng xem như là trường cũ.”
“Chú biết trường đó ạ?”
“Biết chứ!” Chu Y Sinh chỉ tay về phía trường: “Chú lớn lên ở đó mà.”
Ông ấy cười nói: “Có phải sau hai con ngõ nhỏ sau trường cháu là một con sông không?”
Bạch Trác ngẩn người, một lúc sau mới đáp: “Đúng ạ.”
“Chú…” Cô hỏi: “Không về thăm chốn cũ sao?”
Lần này đến lượt Chu Y Sinh bất ngờ, sau đó ông ấy bật cười và đáp: “Không về.”
Không có nhà cũ, không có người cần liên lạc thì về làm gì, về cũng chỉ làm nỗi buồn thêm da diết mà thôi.
Chu Y Sinh không giải thích thêm, Bạch Trác miết chén trà trong tay cũng không cất lời.
Không khí rơi vào tĩnh lặng một chốc, bấy giờ Bạch Lẫm đổi đề tài: “Thế khi nào chú Chu định về ạ?”
“Năm sau.” Chu Y Sinh trả lời: “Khoảng nửa tháng nữa là mọi chuyện sẽ ổn cả.”
Dứt lời, chú đưa mắt nhìn quanh nhà, cũng không biết còn cơ hội sống ở đây nữa chăng, cách trang trí của ngôi nhà này vô cùng hợp ý ông ấy.
Chu Y Sinh nghĩ đến đây thì phì cười lắc đầu, ông đã già đến mức bắt đầu lo cho những ngày tháng sau này rồi.
Căn nhà được bài trí đẹp đẽ cho năm mới, cuối cùng, lần này Bạch Trác đã trông thấy dòng chữ trên tờ giấy ước nguyện treo trên cây.
Nhìn dòng chữ “Mãi mãi bình an” trong tờ giấy, tự nhiên cô muốn đưa cho Hứa Yếm xem.
Không chỉ mỗi tờ giấy ước nguyện kia mà còn có cả đèn lồng đỏ treo ngoài cửa cùng chậu hoa lan tuyết thơm ngát bên cạnh, cô cũng muốn cho anh xem.
Cuối cùng Bạch Trác vẫn không chụp bức ảnh nào, cô thở dài, không biết khi nào mới hết mong muốn được chia sẻ với anh đây.
*
Nhà họ Bạch có truyền thống ăn cơm tất niên chung vào đêm giao thừa, năm nay không nấu ăn ở nhà mà chọn một quán có không gian với đồ ăn thanh đạm.
Người nhà cùng nhau dùng bữa chắc chắn không thể thiếu màn bàn luận thành tích.
“Trác Trác đừng áp lực quá.” Lúc đang ngồi trò chuyện trong phòng bao, bà nội Bạch Trác kéo tay cô vỗ về: “Cứ bình thường là được.”
Bạch Trác lẳng lặng gật đầu, người thím bên cạnh mở miệng: “Đúng vậy, mọi chuyện đều theo ý trời mà, chúng ta cứ cố gắng hết sức để không phải hối hận là được.”
Con gái vừa mới gật đầu, mẹ Bạch đã tiếp lời: “Mọi người lạ gì con bé này nữa, nó không căng thẳng gì đâu…”
Bạch Trác: “…”
Tuyệt vời làm sao khi mọi người tự hỏi tự trả lời.
Đêm giao thừa năm nào cũng vậy, ăn cơm là phụ, tâm sự là chính.
Cảm giác như bọn họ chưa động đũa thì đám trẻ đã ăn xong hết rồi.
Mỗi lần như vậy, bà nội đều thúc giục cả nhà đứng lên cho tiêu cơm.
Bạch Trác không chơi với mấy anh em họ, cô ngồi trên sô pha nhắn tin cho ai đó.
Ngắm bức ảnh pháo hoa rực rỡ trong màn hình, cô khẽ khàng bật cười, cách âm trong phòng bao quá tốt nên cô không để ý đến tiếng pháo hoa.
Cô lưu bức ảnh kia về máy rồi ra khỏi phòng bao, băng ngang qua dãy hành lang dài tít tắp mới ra được đến bên ngoài.
Song quán ăn này vô cùng yên tĩnh, cô chỉ có thể đứng ngắm chùm pháo hoa từ đằng xa.
Từng chùm nở rộ, rơi rụng bốn phía như sao băng.
Bạch Trác nghĩ nếu đến gần thì sẽ còn tuyệt vời hơn, cô muốn chụp hình lại.
Cô muốn chụp một bức thật nét để gửi cho anh.
Vậy nên cô lại gần hơn, chụp biết bao tấm mà vẫn chưa chọn ra được tấm đẹp nhất.
Bạch Trác bỏ cuộc.
“Hứa Yếm.” Cô gọi điện thoại kể lể: “Làm sao bây giờ, em không chọn được tấm đẹp nhất.”
Đều đẹp cả cơ mà cái nào cũng như cái nấy khiến người ta khó lựa chọn.
Hứa Yến sững người một lúc, nhìn vào lịch sử trò chuyện mới biết cô đang nhắc đến ảnh pháo hoa.
“Cho anh xem sao?” Anh cười: “Anh chỉ thấy mỗi bức ảnh mà em đăng thôi.”
Vậy nên cho dù là cái nào thì cũng là đẹp nhất.
“Không được!” Ai dè Bạch Trác lại lắc đầu: “Nhưng mà em biết nó có đẹp hay không.”
Dưới tình huống có vẻ khó đỡ này, Bạch Trác đã lên kế hoạch đâu ra đấy, trong lúc gọi điện thoại cô đã tìm ra hướng giải quyết rồi.
Vì vậy cô hỏi: “Anh có thể giúp em một việc không?”
Hứa Yếm không hề do dự: “Em nói đi.”
Bạch Trác: “Bây giờ anh có thể xuống lầu chụp cho em một bức ảnh không?”
Thoáng cái, đầu dây bên kia lặng thinh.
Cô tiếp tục: “Em mua pháo hoa hết rồi.”
HẾT CHƯƠNG 59

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.