Sau Khi Làm Vô Thường Bán Thời Gian Thì Tui "Hot"

Chương 53: Đá đì!! Người hiểu lầm rồi!!!




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Sau khi làm Vô Thường bán thời gian thì tui "hot"
Tác giả: Lạp Miên Hoa Đường Đích Thố Tử
Chuyển ngữ: Dú
Chương 53: Đá đì!! Người hiểu lầm rồi!!!
Qua Nhị chân nhân chỉ nói thật mà bị Hồ Bảy Chín – người bị vả mặt bôm bốp – đi cà nhắc đuổi ra ngoài, còn đạp nó bằng cái chân bị quấn thành xác ướp nữa chứ.
Trước khi rời khỏi nhà lên núi Diệu Cảm quay chương trình, Lan Hà bị Hồ Bảy Chín ăn vạ liên tục, mè nheo không muốn biệt thự mèo mà muốn biệt thự hồ ly cơ. Anh khổ không thể tả, cho rằng nhất định không được mang Hồ Bảy Chín ra ngoài cùng.
"Cô xem nó như biệt thự hồ ly không được à? Cô nhìn coi, có khác gì nhau đâu, đừng quan trọng hình thức quá." Lan Hà nói.
Hồ Bảy Chín nằm vật trên sàn khóc nức nở, "Ngươi có khác gì mấy kẻ lấy thùng gỗ làm lầu thần tài không hả, một cái là ổ chó một cái là ổ mèo, lẽ nào ta không có quyền sở hữu một cái biệt thự hồ ly sao?"
Không phải không có quyền mà căn bản là không ai đi làm biệt thự hồ ly cả.
Lan Hà chả thèm nhìn mặt cô ta nữa, đi mở cửa: "Ta đi xem Tống Phù Đàn về chưa."
Pháp khí chùa Nam Vân đã đến Bắc Kinh. Người phải đưa nó cho Tống Phù Đàn, đồng thời hắn phải giao ra Bối Vân, đợi bao giờ khởi công xong thì chôn dưới cầu.
Cuộc giao nhận này chẳng phải chuyện to tát, cũng không có nghi thức trọng đại gì hết, cứ lấy đồ trong im lặng là được. Hắn đi xuống nhà lấy pháp kiếm, thậm chí còn không định mời nhà sư kia lên nhà uống miếng nước.
Hồ Bảy Chín vẫn đang què chân, nhào lên trước, cắn vạt áo Lan Hà, treo lủng lẳng.
Lan Hà: "..."
Lan Hà muốn hất văng cô nàng ra thì dây xích rung rung, nhưng không phải Tống Phù Đàn về.
Chỉ thấy ngoài cửa nhà, lão Bạch sờ lên sợi dây xích bị kéo dài ngoằng của Lan Hà rồi nói bằng giọng dị hợm: "Ái chà chà..."
Mon men đến cuối lại thấy tay Lan Hà, lão Bạch chạm tay anh rồi ngước đầu lên, trông như thể ngạc nhiên lắm: "Ơ kìa, ai vậy ta?"
Lan Hà: "..."
Thằng con bất hiếu này mở miệng mà không đòi tiền thì chắc kèo là muốn quậy banh chành rồi.
Quả nhiên, lão Bạch cười gian: "Bộ đây chả phải Tiểu Lai của chúng ta, người chủ động ở lại làm minh lại sao? Giờ mới biết ưu điểm của âm ty chứ gì? Chậc chậc chậc, xích câu hồn dùng ngon phết nhỉ!"
Rõ ràng y đã biết tin Lan Hà muốn tiếp tục làm bán thời gian từ chỗ chị Hồ rồi, quỷ nào quỷ nấy thi nhau rùng mình.
Lan Hà lạnh mặt nhìn y: "Ừ, thì sao?"
Lão Bạch khoanh tay, nói bằng giọng phách lối: "Thì sao? Thì ban đầu định hủy kèo mà cậu lại muốn gia hạn, nhưng không phải cứ thích là gia hạn được đâu nha."
Lan Hà quay người đi hai bước, con hồ ly cắn vạt áo anh lại lắc lư hai cái, "Thế tôi đi tìm Nghiêm Tam hỏi xem dưới âm tào địa phủ còn thiếu nhân lực không."
Chỉ Vô Thường mới sở hữu dây xích, nhưng không chỉ mỗi âm ty Đông Nhạc là có Vô Thường.
Lão Bạch quỳ rạp xuống: "Đá đì!!! Người hiểu lầm rồi!!!"
Lan Hà: "......"
Lão Bạch: "Hức hức đùa tí thôi, gì căng. Thật ra mấy ngày nay ta còn tự tay viết giấy tờ cho cậu đó, dù sao hành động của cậu cũng giúp danh tiếng của âm ty vang xa lắm lắm, mong là cấp trên có ban thưởng cho."
Chị Hồ cho bát tàn hương, nhưng đó là giải thưởng mà chị thay mặt núi Diệu Cảm trao cho, đã giao kèo từ đầu rồi.
"Thưởng thêm một cái xích câu hồn được không?" Lan Hà hỏi. Anh đang nghĩ đến chuyện làm xích giấy thay thế, nhưng nếu có hàng sẵn thì càng tốt.
Lão Bạch lí nhí: "Ta sẽ xin cho, nhưng khả năng không cao... Cơ mà ta có mang nước bùa tạo nên từ nước Vong Xuyên cho cậu đây. Vẩy nó lên dây xích của cậu và Tống Phù Đàn, chỉ cần không sử dụng thì người ta sẽ không nhìn thấy được, sẽ che đậy được thân phận cho cậu."
Tuy người trên dương gian không thấy dây xích này nhưng sinh vật cõi âm thì có. Lan Hà còn đang nghĩ mình phải giấu như nào thì lão Bạch đã đưa phương án giải quyết đến rồi. Anh nâng lão Bạch dậy: "Đá đì cũng chỉ đùa con thôi."
Lão Bạch: "..."
Lão Bạch co được dãn được, "Cái cậu Tống Phù Đàn này, ầy, ta nghe nói cậu ấy chủ động dâng pháp khí. Quả là một đứa trẻ đáng thương..."
Lưng y chợt lạnh toát, vừa ngoái đầu lại bèn trông thấy một thanh kiếm đang chĩa thẳng vào mình. Kiếm còn chưa ra khỏi vỏ mà đã tỏa ra hơi thở khiến sinh vật cõi âm phải hãi hùng khiếp vía. Y lùi về sau vài bước, chỉ thấy Tống Phù Đàn đang cầm chuôi kiếm, nhíu mày: "Có chuyện gì?"
Đâu có giống một người đáng thương.
Lão Bạch chửi thầm: "Ha ha ha, đến tặng nước bùa thôi mà."
Lão Bạch lùi, Hồ Bảy Chín cũng vậy. Ban đầu cô ta còn cắn chặt góc áo Lan Hà không chịu nhả, lúc này cũng há miệng, ngồi bệt xuống sàn, bò về sau vài bước.
Lan Hà: "Em xem cái kiếm này với... Ừ, thanh kiếm tốt! Bình thường người ta sẽ nói vậy nhỉ?"
Nghe nói pháp kiếm của chùa Nam Vân có tên là kiếm Trường Hồng. Không hổ là đồ cổ, nhìn là biết in đậm dấu vết của năm tháng, trên có khắc chữ thiếp vàng, đánh dấu rèn vào năm nào, nung thép và nện búa bao nhiêu lần, đến nay vẫn sắc bén. Tuy không khảm châu báu hoàng kim nhưng nó lại cực kì đáng gờm dưới lớp vỏ thô sơ.
Kiếm Trường Hồng còn đi kèm với một cái túi dài, đằng nào nó cũng là đồ cổ mà. Tống Phù Đàn để nó vào túi, lão Bạch bị hù phải né đi đến lúc này mới dám mon men lại gần.
Thân kiếm không dài lắm, Lan Hà đoán nếu người như Tống Phù Đàn mang kiếm đi ra ngoài thì có lẽ người ta sẽ tưởng hắn chỉ đang xách một loại nhạc khí như ống sáo thôi, có thể che giấu tai mắt kẻ khác.
"Đã có kiếm Trường Hồng, lại thêm cả gậy Lâm Tế." Lão Bạch nhìn tứ phía, "Ở đâu rồi? Cậu cũng..."
"Ở đây..." Lan Hà nhấc cái gậy bị quấn non nửa bởi một chiếc khăn hoa hòe, "Trước khi mẹ tôi về có dọn cả nó luôn, nói là để không xấu lắm."
Ngoài cái gậy này ra, tủ lạnh, tivi, bình đun nước của anh đều có lồng chụp hoặc vải phủ lên.
Lão Bạch: "..."
Lão Bạch đang định nhắc anh là cái gậy này cũng bọc được, giờ chẳng cần nữa, "Thôi thì hai người cũng phải chú ý nha..."
Lần ghi hình phần cuối cho "Yến Kinh tuế thời ký" yêu cầu phải lên núi Diệu Cảm.
Ở thời kì hương khói cường thịnh nhất, núi Diệu Cảm độc chiếm ngôi đầu tại Bắc Kinh, có thể nói là trung tâm tín ngưỡng tôn giáo của toàn xã hội Bắc Kinh, sau này mới suy bại, lượng khách du lịch đến những năm trở lại đây mới có xu thế tăng lên. Đương nhiên "Yến Kinh tuế thời ký" không đến quay chủ đề tôn giáo vì nghe mê tín quá. Vả lại, nếu muốn quay các hoạt động tôn giáo trên núi Diệu Cảm thì buộc phải đến lúc hội chùa, trong khi hiện nay không phải mùa hội chùa trên núi.
Trên đó cao hơn 1000 m so với mặt biển, đang mùa xuân nên hoa đào, hoa mơ đều đua nhau nở. Đó là một chốn du xuân tuyệt hảo, đồng thời là một trong những trọng điểm phát triển dạo gần đây của núi Diệu Cảm được quản lý bởi ngành du lịch, hiện tại là chính phủ địa phương và công ty du lịch.
Núi Diệu Cảm nằm cách Bắc Kinh mấy chục cây số, ngày xưa muốn đi thắp hương phải mất ba đến bốn ngày mới đi được từ trong thành đến đỉnh núi, còn ngày nay người ta đã xây đường đi thẳng lên núi.
Do đã giao Bối Vân rồi nên không chỉ mỗi Tống Phù Đàn mang kiếm bên người mà Lan Hà cũng ôm gậy Lâm Tế theo cùng.
Có người hỏi Lan Hà đây là gì, anh đáp: "Gậy leo núi ạ..."
"Ha ha ha, làm gì đến mức đó. Đoàn ta đỗ xe dưới thôn, lên núi theo đường cũ mất ba, bốn mươi phút thôi, làm gì đến nỗi cậu không leo được chứ." Đạo diễn ghẹo, "Cậu chưa lên núi Diệu Cảm bao giờ à?"
Lên thì có một lần, ấy là năm ngoái lên tặng quà với lão Bạch...
Nhưng không thể tính lần đó được, hơn nữa đêm tối như hũ nút chả nhìn thấy cảnh vật, Lan Hà đáp: "Chưa ạ, cơ mà cháu mang đi không chỉ dùng để leo núi mà còn là để phòng thân nữa."
Đạo diễn phì cười.
Còn về cái túi của Tống Phù Đàn thì do trông hắn lập dị lâu giờ nên chẳng ai hỏi đến.
Trước khi đến đường leo cũ, Tống Phù Đàn phải quay một đoạn giải thích ở đây. Ekip chương trình điều chỉnh máy móc, đạo diễn nhắc nhở đừng quay phải miếu trên núi. Phàm là ở những nơi tôn giáo, người ta phải kiêng kị rất nhiều thứ, cũng giống như việc trước khi khởi quay, đoàn phim phải tế bái thần linh vậy. Tượng thần, tượng Phật,... họ không dám quay.
Mặc dù hiện nay ai ai trong ekip chương trình cũng biết thầy Huyền Quang là người cục tính đến nỗi có thể khóa Lan Hà trong xe, nhưng không thể không nói người được xưng thể hiện âm thanh của chương trình này là hắn sở hữu chất giọng trong, rõ và lôi cuốn, "Trong suốt gần bốn trăm năm lịch sử, núi Diệu Cảm luôn tác động đến sự chú ý của các tầng lớp giai cấp Bắc Kinh, đến nay đã là ngoại ô Bắc Kinh..."
Một ông cụ sơn thôn chắp tay sau lưng quan sát một lúc lâu, đoạn cảm khái: "Nhờ lão nương nương phù hộ, núi Diệu Cảm sắp hưng thịnh rồi!"
Ekip chương trình tiện thể phỏng vấn người qua đường này.
Ông cụ chỉnh quần áo, "Có một câu nói cũ thế này, sự thịnh suy của Bắc Kinh có liên quan đến hương khói trên núi Diệu Cảm..."
"Tôi xin lỗi nhưng mà ông ơi, chúng tôi không nhắc đến mấy thứ như hương khói đâu ạ, nghe hơi mê tín." Đạo diễn nói.
Ông cụ thắc mắc: "Chính miệng anh còn nói đừng quay miếu, nếu không sẽ bất kính với lão nương nương cơ mà."
Đạo diễn cười: "Mong ông hiểu cho ạ."
Ông cụ tặc lưỡi: "Thôi được, ngày xưa toàn bảo đến dâng hương, giờ toàn nói đến vui chơi thôi! Đằng nào ông cha ta cũng nói rồi đó, núi Diệu Cảm hưng thịnh, Bắc Kinh cũng hưng thịnh, vận mệnh quốc gia đi lên; núi Diệu Cảm suy yếu, Bắc Kinh cũng suy tàn, lòng người và thế đạo biến chất. Chẳng phải năm xưa từng suy yếu mất một thời gian hay sao, đỉnh núi còn bị phá đó. Bây giờ thì đỡ rồi, bao nhiêu khách du lịch ồ ạt đến. Anh nhìn coi, núi Diệu Cảm thịnh vượng thì Bắc Kinh, Trung Quốc chúng ta mới phát triển..."
Đạo diễn bật cười: "Cũng có thể ngược lại, nhờ Trung Quốc phát triển nên núi Diệu Cảm cũng đi lên theo, người dân dư dả thời gian nên có thể đi chơi."
Lan Hà cũng cười theo. Đúng là có thể giải thích một cách khoa học về câu nói của ông này.
Quay xong bên này thì leo lên núi, đến khi sắp tới lại quay thêm mấy cảnh nữa là được.
Con đường leo cũ này rất dài, ekip chương trình chia ra các nơi, Lan Hà vốn đi cùng với hai chị em Trần Tinh Ngữ, cầm cái "gậy leo núi" theo.
Đạo diễn xúm lại, kéo anh ra vệ đường nhỏ giọng nói: "Lan Hà à, cậu xem, chúng ta quay đến phần cuối rồi đó, có xích mích cứ để lại đây thôi."
Lan Hà: "Dạ?" Anh không hiểu đạo diễn đang nói gì hết.
Đạo diễn giải thích: "Ý là cậu với thầy Huyền Quang ấy. Nếu có xích mích thì cậu đi thủ thỉ mấy câu xuôi tai với cậu ấy là được mà. Cậu cũng xem như vãn bối thôi..."
Lan Hà: "..."
Anh sa mạc lời: "Bọn cháu có xích mích với nhau đâu chú. Thật đó đạo diễn ơi, êm đẹp lắm luôn."
"Ừ ừ." Đạo diễn chả tin, "Thế này đi. Chỗ tôi có nước tăng lực đây, cậu cầm đi tặng cho thầy Huyền Quang nhé?"
Anh ngoái đầu nhìn, Tống Phù Đàn đi cuối đoàn – Không phải hắn không leo nổi mà là đang nói chuyện với Tống Khởi Vân.
"Được ạ." Lan Hà nghĩ bụng đặt dấu chấm hết cho lời đồn này đi. Thế là anh đi qua, đạo diễn mừng rỡ tận mắt nhìn anh đi đến chỗ Huyền Quang, to nhỏ gì đó, đưa đồ uống rồi mới thở phào leo núi tiếp.
"Đạo diễn cứ khăng khăng bảo đôi mình hiểu lầm nhau, bảo em đến đưa đồ nọ kia." Lan Hà buồn cười, gõ cái gậy xuống bậc thang, mà kể ra lấy gậy Lâm Tế leo núi ngon lành cành đào ghê.
"Ui cha, mẹ kiếp, đờ mờ ngươi..."
Có một giọng nói rất nhỏ thoảng qua, nghe the thé như nghiến răng nghiến lợi và hơi rời rạc, không giống giọng con người, như bị chặn lại bởi thứ gì đó.
Lan Hà giật mình, "Anh nghe thấy không? Tiếng chửi tục ấy."
Không chỉ mỗi giọng nói mà hình như anh bị thứ gì đó quỷ dị quan sát chằm chặp.
Tống Phù Đàn: "Hình như có nghe."
"Đừng gõ nữa, ngươi sẽ không được chết tử tế!"
Lại thêm một tiếng nữa, mà còn là thốt ra từ dưới đất. Lan Hà lảo đảo suýt thì ngã, may là có Tống Phù Đàn đỡ cho.
"Vọng lên từ dưới này phỏng?" Lan Hà dòm. Đám người đằng trước đã đi trước họ được một khoảng, cũng chẳng ai ngoái đầu nhìn hai người. Anh suy nghĩ: "Thần lùn hay gì?"
Cái thứ dưới đất chửi ầm: "Ai là thần lùn! Là ta, là ta! Là bà nội Hồ Tứ nhà ngươi!"
Lan Hà: "... Phụt."
Anh nhớ ra rồi, lần trước chị Hồ kể chị đã giam hồn vía Hồ Tứ dưới hương đạo lên núi Diệu Cảm để cô ta bị vạn người giẫm đạp. Hóa ra ở ngay dưới bàn chân thật?
Hồ Tứ nghe anh cười thì tức xì khói: "Ta nguyền rủa ngươi! Ngày nào ta cũng nguyền rủa ngươi!"
Nhưng giọng cô ta mỏng manh, hiển nhiên đã chịu đủ dày vò.
Lan Hà buồn cười: "Còn có sức mà rủa ta à, không biết hối cải."
Hồ Tứ: "Đôi nam nam chó chết kia! Ta nguyền rủa các ngươi sẽ chết hết, sẽ chia lìa..."
Độc địa quá!
Lan Hà cầm gậy Lâm Tế gõ xuống đất vài cái. Gậy Lâm Tế là thứ mà pháp sư Bất Động sử dụng rất nhiều năm để đánh ng... À nhầm, để "bổng hát" đệ tử, làm sao Hồ Tứ chịu đựng nổi. Cô ta rít thảm thiết, song vẫn cố chấp rủa Lan Hà.
Anh giơ gậy Lâm Tế lên mà dọa: "Ngươi dám chửi nữa không? Gậy này sẽ làm ngươi hồn phi phách tán luôn đấy."
Hồ Tứ sợ cun cút, chẳng dám hó hé nữa.
Lan Hà cười lạnh, đoạn nghe thấy tiếng gào xé lòng: "Không đượccccc"
Đạo diễn suýt ngã sấp mặt, vọt tới trước mặt cả hai, đứng ngay chính giữa, "Hai cậu làm gì vậy. Lan Hà, cậu bỏ gậy xuống cho tôi!"
Tống Phù Đàn: "..."
Lan Hà: "..."
Lúc này, Lan Hà mới ý thức được chú ta lại hiểu lầm. "Đạo diễn ơi, không phải đâu ạ, cháu chỉ hoạt động tay tí thôi." Ban đầu anh định ôm tại chỗ cho đạo diễn xem nhưng sợ đạo diễn sẽ nghĩ như thế là lố quá, anh chỉ nói quan hệ tốt mà bị nghi ngờ kia kìa, "Thầy Huyền Quang còn uống nước cháu đưa mà. Thật sự không có gì đâu chú."
Tống Phù Đàn cũng gật đầu, cầm nước nói: "Không có gì đâu."
"Tôi... Tôi hiểu lầm hả?" Đạo diễn nhìn nét mặt hai người đều bình thường bèn cười ngượng, trong lòng vẫn sợ hết hồn, lần trước chả phải thầy Huyền Quang cũng bảo Lan Hà không sao còn gì. "Cậu vẫn nên đi đằng trước với tôi thôi."
Chú ta kéo Lan Hà đi trước, còn nói với các nhân viên khác: "Không có gì đâu. Mọi người đừng nhìn, đừng nhìn."
Dù vậy thì ánh mắt của ai nấy vẫn kì quặc, lúc bị Lan Hà nhìn sang lại dời mắt đi như không có gì.
Lan Hà đi đến chỗ Trần Tinh Dương, anh ta vỗ vai anh rồi cảm khái: "Anh bảo cậu nha, xong phim thật rồi, sắp đồn hai cậu đã đến nông nỗi đánh nhau bằng binh khí rồi."
Lan Hà: "..."
Tại bị nghi ngờ mém tí là đánh nhau, Lan Hà và Tống Phù Đàn bị nhân viên cố tình hoặc vô tình tách nhau ra.
Phần lớn thời gian vào ban ngày là để đi đường, thực chất chỉ ghi hình một đoạn nội dung nhỏ thôi, tối nay sẽ ở tá túc ở thôn, tại đó có kha khá chỗ ở để tiếp đón khách du lịch.
Ăn uống cũng giải quyết ở thôn luôn. Vì để phá lời đồn mà Lan Hà cố tình từ chối, ngồi ăn cùng Tống Phù Đàn, còn tán dóc đôi ba câu.
Đạo diễn nhìn bằng biểu cảm khó xử, rất muốn tin hai người đã xóa hiềm khích, rồi lại cảm giác nhìn Lan Hà như bị công ty bắt ép, cứu vãn chuyện suýt đánh nhau... Ây thôi thôi, mình cũng cố hết sức rồi, sau hôm nay chả còn liên quan gì đến mình nữa.
Ăn uống no nê xong, mọi người ngồi tâm sự với dân trong thôn, tìm hiểu tình hình chốn này.
Trần Tinh Dương vừa sơ sẩy cái là Lan Hà mất dạng, anh ta tưởng anh đi vệ sinh nên chẳng để ý nữa, hỏi người già trong thôn, "Sáng nay cháu lên núi có trông thấy một thần nữ tuổi tác khá cao được thờ trong một điện, trong điện đó còn có một con lừa màu đen. Đó là ai ạ?"
Lúc nghỉ ngơi, anh ta có đi dạo một mình trong miếu. Bích Hà nương nương, Đông Nhạc Đại Đế, Hỉ Thần, Quan Âm anh ta đều biết cả, chỉ riêng vị thần này là không biết.
Mà kể ra thì hồi trước chị anh ta – Trần Tinh Ngữ – còn từng đến đây cầu con, và cũng do vậy nên dù Trần Tinh Ngữ thấy cảnh ở đây đẹp nhưng không đưa Miểu Miểu đến chơi, khi làm lễ tạ thần cũng không mang theo. Đó là quy củ xưa, con cái xin từ đây mà ra, mang đến sợ bị Bích Hà nương nương thu về.
Ông cụ À một tiếng: "Vị đó là Bà Vương Tam, cả cuộc đời bà tôn thờ Bích Hà nương nương, thường hay cưỡi lừa đi chữa bệnh giúp dân chúng. Thành ra sau khi bà hóa thần tại núi Diệu Cảm thì quản lý tiên gia Tứ Đại Môn tại Hoa Bắc luôn, thiêng lắm đó. Sờ tay Bà Vương Tam, trăm bệnh đều biến mất; sờ chân Bà Vương Tam, trăm bệnh đều khỏi..."
Trần Tinh Dương gật đầu, "Vâng vâng." Hóa ra là tục thần dân gian, bảo sao lại có con lừa.
Ông cụ: "Ngày xưa bố tôi đi đốn củi trong núi thì ngã, chân sưng vù không đi được. Có một con lừa xuất hiện trên ngọn núi chở bố về, sau đó nó chỉ ăn một bữa rồi tự đi mất. Người ta nói là thú cưỡi của Bà Vương Tam, Bà Vương Tam thiện tâm hiển linh!"
...
Cùng lúc đó, Lan Hà lén trốn đi đang ngồi trên tảng đá ngoài thôn tỉ tê với Tống Phù Đàn, than thở về vụ lời đồn nực cười quá thể đáng, mấy bận bác bỏ mà chả xi nhê gì.
Nói xong, Lan Hà bỗng im lặng, Tống Phù Đàn cũng chẳng nói chẳng rằng.
Anh phát hiện hôm nay trời nhiều sao thật đấy.
Còn hắn thì phát hiện đêm nay anh vẫn đáng yêu quá đỗi.
Bởi vậy, khi Lan Hà định quay đầu sang kể chuyện này cho Tống Phù Đàn nghe, hắn cũng dùng hành động để bày tỏ sự phát hiện của mình, một tay ôm mặt Lan Hà, trao môi hôn.
Lan Hà: "..."
Tống Phù Đàn ôm vai Lan Hà tựa đá ngắm sao nom thật thích chí làm sao, thích chí đến nỗi sau đó hai người còn thiêm thiếp ngủ.
Đương lúc mơ màng, Lan Hà nghe ai đó gọi tên mình. Anh mở mắt ra nhìn bèn trông thấy một bà lão mặt mũi hiền hậu mặc áo vải xanh trông như một bà lão nông thôn hiền từ, thế nhưng anh cứ thấy quen mắt.
"Con à, con là tôn gia của Bạch Ngũ và Hồ Bảy Chín phải không?" Bà lão hỏi.
Lan Hà sửng sốt, làm sao bà ấy biết được? Anh cầm gậy Lâm Tế.
Tống Phù Đàn cũng nhổm dậy, tay nắm thân kiếm.
"Trên này là núi Diệu Cảm, các con sợ gì chứ." Bà lão cười tủm tỉm.
Cũng đúng, chỗ này là núi Diệu Cảm mà...
Nhưng Lan Hà chợt nghĩ, đây là núi Diệu Cảm, vậy bà ấy là ai?
"Người là...!"
"Suỵt, nói ra sẽ hết linh."
Lan Hà im re, cũng dần ý thức được anh và Tống Phù Đàn đang trong cơn mơ hoặc đang xuất hồn. Đồng thời, anh cũng ngầm hiểu thân phận của bà lão này.
Bà lão nói: "Nếu đã thờ gia tiên thì cũng coi như đệ tử dưới trướng ta. Ta thấy các con lên núi nên có lòng đến gặp, bởi ta biết các con đã phải bôn ba vì vật trấn Bắc Kinh rồi." Bà lấy một cái bọc vải xanh, mở ra nhìn, trong đó là một sợi xích câu hồn. "Con đang thiếu một cái này đúng không?"
Hóa ra là đến tặng trang bị? Lan Hà mừng rỡ khôn xiết, "Con cảm ơn ạ... Bà ơi! Làm sao bà có xích câu hồn thế?"
Âm ty keo kiệt đến độ không chịu phát thêm cho anh một cái kia kìa.
Bà lão đáp: "Ta có chút giao tình với Tạ Tất An. Đây là sợi xích năm xưa cậu ta dùng, vốn tặng để ta buộc lừa. Con lấy mà dùng."
Lan Hà: "..."
... Thôi, thôi được.
Lan Hà nhận sợi xích: "Đệ tử đa tạ người! Còn nữa không ạ?"
Bà lão: "..."
Lan Hà mặt dày: "Bạn con vì trùng tu bố cục phong thủy mà dâng cả pháp khí đi. Hiện giờ bọn con thảm lắm, gia tiên cũng ngại ra ngoài. Nếu người không tặng sợi xích cho thì con chỉ biết lấy cái gậy đại tang* của lão rụng tóc này thôi..."
(*Gậy đại tang: Lúc động quan, người con để tang chống gậy, trên đó có quấn một tờ giấy trắng.)
Bà lão dở khóc dở cười: "Đây mà là gậy đại tang à? Là lão rụng tóc hay hói đầu cho con?"
Gậy đại tang dài bốn thước bốn tấc, quấn giấy trắng, cắt thành tua rua. Có một vài Vô Thường cầm thứ này trong tay, song cái gậy của Lan Hà thì không phải.
Lan Hà phì cười: "Giống nhau thôi ạ. Người rủ lòng thương đi mà, không thì người hãy thẳng tay giải quyết chuyện này đi, dù sao người cũng biết hết rồi."
Nếu bà có thể hạ phàm thì chỉ cần vung tay một cái là bố cục sẽ hoàn tất, thế chả phải xong chuyện à.
Bà lão thở dài: "Hiện nay đang là thời đoạn chập tức của chúng ta. Chúng ta cũng từng thử rồi, nhưng vẫn sẽ bị thay đổi bởi thời đại đã khác này. Cũng giống con vậy..."
Bà dừng đoạn, "Thần thiêng nhờ người. Hiện tại có một số việc chỉ đành để nhân gian tự giải quyết mà thôi."
Lan Hà thất vọng: "Vẫn phải tự nỗ lực ạ?"
Tống Phù Đàn nắm tay anh.
Bà cụp mắt: "Nhưng nể tình tấm lòng từ tế* của bệnh thân hồng liên, ta sẽ phá lệ. Con đã nhận vật của Phật môn, vậy ta sẽ truyền bí thuật tiên gia cho cậu ấy."
(*Từ tế: Từ trong nhân từ, tế trong cứu tế.)
Bà lão vẫn mềm lòng, bàn tay thô ráp và chai sạn đặt lên cánh tay Tống Phù Đàn, "Chân thư bất nhập kim nhân nhãn, nhi bối tòng giáo quỷ họa phù*. Hai con, một đứa có năng lực đốt giấy thành vật dụng, một đứa sẽ có thuật ngoáy chữ thành bùa, cũng xứng đôi lắm."
(*Quỷ họa phù: Thời cổ đại, người quen viết bài giảng bằng chữ Cuồng Thảo lên tấm gỗ đào, sau đó đóng đinh lên hai bên cửa đặng trừ tà xua quỷ. Do thể chữ này được viết ngoáy, khó đọc nên về sau người ta dùng cụm từ "quỷ họa phù" để chê bai những người viết ngoáy, viết ẩu, ý nói chú ngữ viết như quỷ vẽ.
*Câu trên lấy từ Luận thi Tam thập thủ của Nguyên Hảo Vấn. Nghĩa nôm na là: Lối chữ Khải không còn lọt mắt người thời nay, đời sau viết xấu như gà bới. Đoạn này phê phán việc "Người thời nay" không xem chữ Khải phong nhã làm kiểu mẫu nữa, không thể sáng tác những bài thơ nhã nhặn. Đồng thời còn phê bình tất cả những tác phẩm của "đời sau" không phải thơ ca chính thống. Điều này giống như tác phẩm của "người thời nay" tuy không dùng "lối chữ Khải" nhưng vẫn là một thể thư pháp, còn "đời sau" thì như chữ gà bới.)
... Cảm động ghê, bà còn suy xét đến cả việc xứng đôi cơ.
"Anh có cảm giác gì?" Lan Hà vội hỏi.
Tống Phù Đàn xòe tay: "Hình như không có gì cả."
Bà lão phì cười: "Lần tới sẽ biết đó là cảm giác gì thôi. Đến lúc ta phải đi rồi." Bà xoay người đi, chưa được hai bước lại quay về, "Các con cũng phải cho bà mượn đồ đó."
Lan Hà vừa mới lấy trang bị của người ta nên nhận lời ngay lắp tự: "Bà muốn gì cứ nói đi ạ!"
Anh nghĩ, bà ấy sẽ không muốn tháp hương đâu nhỉ, nhưng cái đó không cần dùng từ "mượn"...
Bà ngoắc tay, con lừa què 001 Tống Phù Đàn mang theo bên mình bỗng bay tới, gặp gió thì dài ra, hóa thành một chú lừa lớn, cổ đeo bảng âm ty Đông Nhạc.
Bà cưỡi lên nó, cười nói: "Ta nhớ đám trâu ngựa con tặng đều dùng thích lắm, theo cách nói trên dương thế thì là kiểm soát chất lượng rất tốt. Lừa của ta đi chơi rồi, ta tay chân già cả đi lại bất tiện nên mượn lừa các con."
Lan Hà, Tống Phù Đàn: "!!!"
Tống Phù Đàn: "Không, bà ơi người đừng...!"
"Dù đây là tín vật người ấy gấp thì cũng không được nuốt lời nhé, lần sau trả cho các con." Bà lão cười khanh khách cắt lời hắn, đoạn vỗ con lừa một cách thông thạo, "Hô hô hô, chạy đi nào!"
Lan Hà: "......"
Tống Phù Đàn: "......"
*Tác giả: Ai cứu bà ấy với!
*Bonus fanart Lan Hà nè:
Artist: Weibo@碧落仙音

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.