Sau Trọng Sinh, Thái Tử Phi Chỉ Muốn Làm Cá Muối

Chương 144: Phiên ngoại một




Edit: Hà Thu
Biết Hoàng hậu có tin vui, Thái Cực cung cùng Bồng Lai cung được một phen hân hoan rộn ràng. Hoàng thái còn hậu tự tay may chăn đệm nhỏ, tã lót cùng mấy bộ xiêm y nhỏ đưa tới. Lần cuối cùng bà cầm lấy kim thêu là rất nhiều năm về trước, lúc đó là thời điểm bà đang mang thai.
Cung thái hậu thì chắc là do khiếm khuyết tuệ căn, nên mặc dù tự xưng là không màng thế tục nữa, nhưng khi biết tin con trai mình rốt cục cũng có người nối dõi, liền tụng kinh liên tục. Còn sai người đưa kinh thư, chuỗi Phật châu cùng tượng ngọc khắc Quan Âm tới.
Mấy vị Trưởng đại công chúa, trưởng công chúa cùng công chúa cũng sai người đưa quà mừng tới. Tiểu thế tử nhà trưởng công chúa còn chọn trong bộ sưu tập đồ chơi của mình mấy món bảo bối, nhờ mẫu thân cùng nhau gửi đi.
Chính bản thân Thẩm Nghi Thu cũng cảm thấy khó tin. Có lẽ là do đã chờ đợi quá lâu, lại khó khăn lắm mới có được, nên nàng có cảm giác như rơi vào mây mù.
Hai lần mang thai ở kiếp trước của nàng đều vô cùng vất vả, cái gì cũng nuốt không trôi, ngửi thấy mùi thức ăn liền nôn mửa, nôn tới khi chỉ còn lại nước chua, cổ họng nóng rát như bị phỏng.
Nhưng lần mang thai này lại ổn định lạ thường, có lúc còn khiến nàng quên mất chính mình đang mang thai. Nếu không phải thi thoảng Đào phụng ngự lại tới xem mạch cho nàng, cam đoan rằng thai nhi vẫn đang khỏe mạnh thì nàng quả thực hoài nghi có phải bản thân đã nghĩ sai rồi không.
Mãi tới ba tháng sau, bụng dưới hơi nhô lên, nàng mới dần thấy yên tâm hơn. Thì ra nàng thực sự đã có con rồi, đứa con của chính nàng.
Đào phụng ngự nói mạch trái mạnh hơn mạch phải, rất có thể là tiểu hoàng tử. Uất Trì Việt cùng Thẩm Nghi Thu lại không phân biệt nam nữ, chỉ cần có thể bình an sinh hạ hài tử là bọn họ đã thấy thỏa mãn rồi. Còn rất nhiều thời gian, Thái tử chắc chắn sẽ có.
Kiếp trước Thẩm Nghi Thu sảy thai hai lần nên lần này vô cùng cẩn thận. Mặc dù Đào phụng ngự nói sau khi thai ổn định là có thể hành phòng được, nhưng từ lúc khám bệnh phát hiện ra hỉ mạch, nàng không dám mạo hiểm để Uất Trì Việt thân cận với mình nữa. Qua cầu rút ván vô cùng nhanh gọn triệt để.
Đáng thương cho thiên tử không có nổi lấy hai ngày tốt lành, lại phải tự lực cánh sinh. Rất khó để đang từ xa hoa mà phải tiết kiệm lại, đã thưởng thức qua sơn hào hải vị ngon nhất trần đời, vậy mà lại phải trở về với cơm rau thóc lúa, khó tránh khỏi nuốt không trôi.
Cũng may chính vụ bận rộn, đến cuối năm, ngay cả cơm hắn cũng không có tâm tư để ăn.
Mỗi năm tổ chức kì thi khoa cử yết bảng một lần, Thập nhị lang Kỳ gia thi đậu trạng nguyên, danh tiếng vang xa, được ví như một đôi ngọc bích kinh đô với Ninh thập nhất năm ngoái. Nghe nói văn thơ còn nhỉnh hơn một chút so với Ninh Ngạn Chiêu, có thể gọi là nhân tài mới nổi.
Uất Trì Việt vô tình kiếm được nhân tài thì vô cùng vui vẻ, nhưng đối với danh xưng "một đôi ngọc bích" lại khịt mũi coi thường. Theo như hắn thấy, thì bản thân hắn mới chính viên ngọc bích duy nhất không ai sánh được ở trong cái kinh thành này. Cái gì mà Ninh thập nhất với Kỳ thập nhị, đều xếp phía sau hết.
Kì thi lần này còn có một "nhân tài văn học" mới, là Triệu Vương Uyên nổi tiếng ăn chơi trác táng, không học vấn, không nghề nghiệp. Hắn mượn danh sĩ tử nhà nghèo trà trộn vào kì thi khoa cử, thế mà lại thực sự thi đậu tiến sĩ. Tuy nói miễn cưỡng lắm mới xếp được ở vị trí cuối bảng, nhưng cũng là một cọc chuyện kì lạ.
Lúc trước Uất Trì Việt cũng có khích lệ đệ đệ đi thi tiến sĩ, chẳng qua là vì muốn kiềm chế cái tâm hắn lại, căn bản chẳng hề trông cậy vào việc hắn có thể thi đỗ. Trong bụng Uất Trì ngũ lang suy nghĩ cái gì, người làm a huynh như hắn đương nhiên rõ ràng hơn ai hết.
Ai ngờ hắn thực sự cũng thực sự biết chuyên tâm cố gắng, im ắng ôn tập được nửa năm. Đợi hắn đi thi tiến sĩ trở về, hắn vừa lòng nhưng vẫn có chút không vui. Cuối cùng vẫn nhéo mũi khen hắn vài câu.
Kì thi tiến sĩ khoa cử năm nay cho ra không ít nhân tài, nhưng những người này cần phải trải qua một vài lần rèn luyện nữa mới có thể quản lý các bộ được. Mà nửa năm này, Uất Trì Việt từng bước thanh trừ nốt những người còn lại của Tiết Đảng ở trong triều cùng địa phương. Vây cánh của Tiết Hạc Niên nên về hưu thì về hưu, nên cách chức thì cách chức. Trong triều nhất thời không có người thế chỗ, Uất Trì Việt lại hạ chiếu mở khoa thi, lệnh cho các châu huyện tiến cử ra những người hiếu học, có tài xuất chúng.
Việc tính lại số hộ và cấp đất cũng là việc gấp, nhưng chuyện này lại không thể vội vàng. Uất Trì Việt liền lấy Khánh Châu làm thí điểm, rồi từ từ nhân rộng ra các quận huyện, chậm rãi bao quát cả kinh đô.
Uất Trì Việt biến mình thành con quay bận rộn. Chớp mắt qua Tết nguyên tiêu, hắn mới hậu tri hậu giác phát hiện ra năm nay mình và Tiểu Hoàn lại không được xem hoa đăng.
Năm nay có vẻ lại là một năm đầy rối loạn. Vào đầu tháng tư, kinh đô và các vùng lân cận bỗng nhiên xảy ra lũ lụt.
Uất Trì Việt nhớ đến tình hình tai nạn, cũng muốn đi xem tiến độ của việc kế thụ ruộng đất. Nay thấy thai kì của Thẩm Nghi Thu đã ổn định hơn, liền dự định tự mình ra khỏi kinh thành quan sát.
Thẩm Nghi Thu vốn cũng chẳng dính người, nghe thấy hắn nói muốn rời kinh, liền lập tức chuẩn bị tốt hành trang cho hắn. Chuẩn bị quần áo xong, liền sảng khoái tiễn hắn ra khỏi cửa.
Ngược lại là lúc chuẩn bị lên đường Uất Trì Việt lại có chút không yên lòng, cứ dặn đi dặn lại. Cuối cùng Thẩm Nghi Thu lại phải an ủi hắn:
- Đi lần này nhiều lắm cũng chỉ mấy ngày thôi, ta ở trong cung còn có Thập nương trò chuyện nên không có gì phải lo lắng đâu.
Uất Trì Việt cũng thấy bộ dạng lưu luyến không rời này của mình có chút mất mặt, liền gật đầu nói:
- Nếu cảm thấy buồn chán, thì cứ mời cữu mẫu với biểu tỷ vào cung tâm sự với nàng.
Thời điểm Thẩm Nghi Thu đưa tiễn người đi không thấy có cảm giác gì, nhưng Uất Trì Việt thực sự rời kinh, trong lòng vẫn có chút trống rỗng. Ngày thường không cảm thấy sao, bây giờ tự dưng thiếu đi một người, Huy Chương cung rộng lớn lập tức trở nên vắng vẻ.
Hôm sau, nàng đang định sai người đi mời cữu mẫu với biểu tỷ thì bỗng nhiên có thái giám đến bẩm, nói lão phu nhân Thẩm gia không cẩn thận té ngã, thương thế rất nặng, chỉ sợ không chống cự được bao nhiêu thời gian nữa, cầu mong có thể gặp mặt Hoàng hậu nương nương một lần.
Một năm nay Thẩm Nghi Thu gần như cắt đứt liên lạc với Thẩm gia, chỉ tứ thời bát tiết* đưa chút quà tặng vào mấy ngày lễ, miễn cưỡng duy trì phép lịch sự bên ngoài. Từ khi nàng chuyển tới Thái Cực cung, cũng chưa từng triệu kiến người Thẩm gia.
* Bốn mùa với sự luân chuyển tám tiết khác nhau.
bát: tám; tiết: ngày lễ. - Tám tiết trong năm là: xuân phân, thu phân, hạ chí, đông chí, lập xuân, lập hạ, lập thu, lập đông.
Nghe được tin tức này, nàng không nói ra được trong lòng mình có cảm xúc gì.
Chần chờ một lát, nàng vẫn sai người chuẩn bị xe.
Bỏ qua ân oán một bên không đề cập tới, thì dù sao tổ mẫu cũng là người sinh ra cha nàng. Thời khắc hấp hối muốn được gặp mặt nàng, nàng vẫn là không nhẫn tâm cự tuyệt.
Xa giá của Hoàng hậu dừng ở ngoài cửa lớn Thẩm gia, người Thẩm gia cũng đã sớm đợi sẵn ở ngoài cửa. Trong thời tiết giá rét của mùa đông, đứng trong gió lạnh một chút cũng khó khăn, vậy nên lúc Thẩm đại lang cùng Thẩm nhị lang hành lễ vấn an vẫn không nhịn được mà run lên cầm cập. Thẩm Nghi Thu chỉ gật gật đầu, vịn tay Tố Nga bước xuống xe, mang theo một đám cung nhân thái giám thị vệ đi vào Thẩm phủ.
Thẩm đại lang khom người cẩn thận từng li từng tí đi theo ở một bên.
Thẩm Nghi Thu nói:
- Sao tự dưng tổ mẫu lại ngã bị thương?
Thẩm đại lang cả kinh nói:
- Hồi bẩm nương nương, từ năm ngoái lão phu nhân đã có chút đãng trí, thần trí lúc thì tỉnh táo lúc lại hồ đồ, hồ đồ tới mức người thân cũng nhận lầm, chỉ nhớ rõ một chút chuyện cũ năm xưa, khi tỉnh lại thì không khác gì ngày thường. Đại phu đến chẩn trị có nói là, do tuổi tác đã cao, nên không có cách gì chữa được.
Hắn ngừng một chút lại nói:
- Ngày hôm trước khí hậu ấm áp, hạ nhân có dìu bà đi dạo trong đình một chút. Không biết sao tự dưng bà lại tái phát bệnh, đẩy cái tiểu tỳ kia ra, tự mình đi xuống bậc thang, không cẩn thận ngã xuống.
Thẩm Nghi Thu nói:
- Thương thế sao rồi?
Thẩm đại lang lộ ra vẻ u sầu:
- Xương ống chân đùi phải bị gãy, bầm tím hết nửa khuôn mặt, cổ cũng bị tổn thương. Trước mắt không thể ăn gì được, chỉ có thể dùng chút cháo loãng cùng canh sâm...
Thẩm Nghi Thu không nói lời nào, chỉ gật gật đầu. Thẩm đại lang thấy Hoàng hậu không trách tội, âm thầm thở phào một hơi, lặng lẽ móc khăn từ trong tay áo ra chấm chấm mồ hôi trên trán.
Thẩm Nghi Thu không hỏi thêm gì nữa, không nói một lời đi vào phòng ngủ của tổ mẫu. Trong phòng tràn ngập mùi thuốc, than củi, trầm đàn cùng mùi của người đã có tuổi trộn lẫn lại một chỗ, khiến nàng có chút không thoải mái.
Thẩm lão phu nhân cũng vừa mới tỉnh dậy, một tỳ nữ đang đút canh sâm vào miệng bà. Thấy Hoàng hậu giá lâm, vội vàng buông bát canh sâm xuống quỳ lạy hành lễ.
Thẩm đại lang tiến về phía trước, cúi người nói với lão nhân trên giường:
- A nương, Hoàng hậu nương nương tới thăm người.
Trong cổ họng Thẩm lão phu nhân phát ra âm thanh mơ hồ không rõ.
Thẩm Nghi Thu đi đến bên giường, nhìn tổ mẫu một chút. Hơn nửa năm không gặp, hai bên tóc mai của bà gần như đã trắng bệch. Bởi vì mang bệnh nên sắc mặt vàng như nến, dung nhan tiều tụy, mặt mũi tràn đầy các nếp nhăn, khe rãnh sâu hoắm, vẻ già nua hiển thị rất rõ.
Bà hơi mở hai mắt, mí mắt rũ xuống.
Thẩm Nghi Thu đứng đó một lúc lâu, đối với bá phụ nói:
- Người để cháu ở riêng với tổ mẫu một lát.
Thẩm đại lang vội nói:
- Vâng, xin nương nương cứ tự nhiên. Bộc ra ngoài cửa đứng chờ, người có chuyện gì cứ việc phân phó.
Sau khi đại bá phụ ra ngoài rồi, Thẩm Nghi Thu cũng cho lui hết mấy người bên cạnh, đối với Thẩm lão phu nhân nói:
- Tổ mẫu tìm ta có chuyện gì?
Thẩm lão phu nhân im lặng nhìn nàng một lúc lâu, bỗng nhiên lồng ngực kịch liệt phập phồng, trong cổ họng phát ra âm thanh "khụ khụ", khàn giọng nói:
- Ngươi... Ngươi hại chết con ta, bây giờ còn muốn tới đây lấy mạng ta sao?
Thẩm Nghi Thu khẽ giật mình, lại lập tức hiểu được. Tổ mẫu nhất định là mắc chứng rối loạn tâm thần, nhận nhầm nàng thành mẫu thân.
Quả nhiên, bà nói tiếp:
- Ngươi nên dẹp bỏ cái ý định đó sớm đi! Đừng... đừng hòng bước vào cửa Thẩm gia ta!
Thẩm Nghi Thu mỉm cười một cái:
- Tổ mẫu, người nhận lầm rồi. Ta là cháu gái Thất nương của người, không phải a nương.
- Thất nương...
Thẩm lão phu nhân bỗng nhiên ỉu xìu xuống, sắc mặt dịu đi, lẩm bẩm nói:
- Thất nương là cháu gái ngoan của ta, không phải nữ hồ ly tinh Thiệu gia...
Nói chưa hết câu, sắc mặt bà bỗng nhiên thay đổi, mất đi vẻ bình tĩnh lúc nãy:
- Thẩm Nghi Thu, ngươi còn dám đến gặp ta!
Thẩm Nghi Thu bình thản nói:
- Ta chưa từng làm gì sai, vì sao lại không dám?
Thẩm lão phu nhân tức giận:
- Gia môn bất hạnh, gia môn bất hạnh. Trong nhà Thẩm thị ta vậy mà lại sinh ra điềm gở như ngươi, con gái của hồ ly tinh chỉ biết mê hoặc người khác... Ta đúng là có lỗi với liệt tổ liệt tông Thẩm thị, đáng ra nên bóp chết ngươi từ sớm mới phải!
Bà mắng một hồi, bỗng nhiên lại đổi sang khuôn mặt từ ái nhân hậu:
- Thất nương, đến rồi, đến đây gặp tổ mẫu là biết sai rồi sao? Biết sai thì có thể sửa đổi, không có gì không tốt cả. Ngươi là cháu gái ruột của ta, chẳng lẽ ra còn hại ngươi sao?
- Ta là vì muốn tốt cho ngươi thôi.
Bà ôn nhu nói:
- Tổ mẫu là người thân thiết nhất trên đời này của ngươi. Trừ ta ra, còn có ai thật lòng đối xử chân thành với ngươi chứ? Nhìn xem, rời ta ra, ngươi có làm được gì đâu...
Thẩm lão phu nhân cười hô hô:
- A da a nương ngươi đều không cần ngươi, ngoại trừ ta ra thì làm gì còn ai thực lòng với ngươi. Bởi vì ngươi là con của yêu nữ kia, ngươi không xứng!
Thẩm Nghi Thu cho là đến hôm nay, cho dù tổ mẫu có nói gì thì cũng không khiến đáy lòng nàng gợn sóng nữa. Nhưng lúc này nàng mới ý thức được mình sai rồi, nội tâm nàng vẫn sẽ băng giá khi bị tổ mẫu mắng nhiếc.
Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc theo sống lưng nàng. Lúc này nàng mới phát hiện, tổ mẫu có ảnh hưởng rất lớn tới mình. Điều này vượt xa ngoài dự đoán của nàng, giống như nàng chưa từng thoát khỏi sự mơ hồ của ngày hôm qua vậy.
Ba chữ "ngươi không xứng" giống y hệt như quỷ đòi mạng ở Tây viên, theo sát nàng như hình với bóng.
Nàng nhẹ nhàng vuốt ve bụng dưới đã có chút nhô lên, một luồng hơi ấm lan tỏa khắp thân thể nàng, xua tan đi giá rét. Kỳ thực bóng ma ngày hôm qua đã không còn đáng sợ nữa, người giam cầm bản thân nàng, chính là nàng.
Nàng nhìn tổ mẫu khi thì nhân từ, khi thì tàn nhẫn, lạnh lùng nói:
- Bà sai rồi, là ta thích như thế đấy. Ta thấy rất tốt, a da a nương dù cách xa ta, nhưng bọn họ tới chết vẫn yêu ta. Ta cũng đáng để cho tất cả mọi người thật lòng đối đãi, ta cũng không ngại trao đi sự chân thành của mình. Người sai cho tới bây giờ chính là bà, không phải ta.
Thẩm lão phu nhân ngẩn người, hồi lâu sau mới nói:
- Hoàng hậu nương nương? Xin nương nương khai ân, cứu nhị bá của người. Hắn không thể như vậy sống đến hết đời được, xin người hãy nể chút tình mọn ngày xưa ta nuôi nấng người mà...
Thẩm Nghi Thu mỉm cười:
- Tổ mẫu nghỉ ngơi cho khỏe đi, từ nay chúng ta sẽ không gặp lại nữa.
Dứt lời nàng xoay người, nhẹ nhàng đặt tay lên bụng dưới, dứt khoát bước ra khỏi nơi tối tăm mục nát, khiến người ta hít thở không thông này.
Trước khi rời khỏi Thẩm phủ, nàng đi một chuyến tới Phượng Nghi các.
Đi vào đông hiên, đồ đạc với cách bài trí vẫn y nguyên như lúc nàng chưa xuất các.
Nàng tìm trong khe hở giữa giá sách và bức tường, quả nhiên bức tranh Liệt nữ truyện do Uất Trì Việt tự tay vẽ vẫn còn ở chỗ đó.
Nàng ôm trục thư vào ngực rồi mang người hầu ra khỏi Thẩm phủ.
Trở lại Thái Cực cung, nàng đem bức tranh quý báu của đương kim thiên tử trải ra bàn. Trải qua hơn một năm nhìn lại, bức tranh này vẫn vô cùng thê thảm như cũ. Một đám liệt nữ ngẩng cổ lên, ánh mắt đờ đẫn. Nhưng mà bây giờ xem lại, thực ra lại có vài phần ngây thơ chất phác.
Chính bản thân nàng cũng không phát hiện ra, khóe miệng mình đang nở nụ cười tươi tắn.
Hôm sau, nàng phê duyệt tấu chương xong, liền sai cung nhân lấy từ trong kho ra một ít lụa trắng trơn.
Tố Nga đoán ra manh mối, cố ý nói:
- Nương tử định may xiêm y cho tiểu hoàng tử với tiểu công chúa sao?
Thẩm Nghi Thu liếc nàng một chút, không trả lời. Tố Nga liền che miệng cười khúc khích.
Nàng đang mang thai, không dám làm quá sức, lúc nào rảnh rỗi mới lấy ra thêu mấy mũi. Sau ba ngày may vá, mới miễn cưỡng làm xong một bộ trung y.
Buổi trưa hôm ấy, nàng đang suy nghĩ xem nên thêu gì thì chợt thấy một thái giám bước nhanh đi vào:
- Nương tử, Thánh nhân...
Tố Nga nói:
- Chẳng lẽ Thánh nhân hồi kinh rồi sao? Ngươi gấp gáp cái gì vậy, cẩn thận dọa đến nương tử!
Tiểu thái giám kia khóc nức nở nói:
- Trên đường Thánh nhân đột nhiên bị bệnh, bệnh tình trầm trọng nguy hiểm...
Tay Thẩm Nghi Thu dừng lại, cây kim đâm sâu vào ngón tay, nhưng nàng không cảm thấy đau, chỉ ngơ ngẩn rút kim ra, máu tươi lập tức tí tách chảy xuống, rơi lên trên tấm lụa trắng, rồi nhanh chóng lan ra.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.