Sống Như Tiểu Cường

Chương 102:




Tôi về gần đến phòng trọ, nhìn lên thấy phòng mẹ vẫn sáng đèn. Trong phòng là hai bóng người ngồi đối diện, tôi thấy tò mò quá, mẹ quen biết rất ít người trong thành phố này, sao trong phòng mẹ lại có khách? Tôi bước lên gác, trong phòng có một giọng đàn ông vừa căng thẳng vừa giận dữ, giọng nói ấy quen thuộc lắm.
Tôi ghé sát vào cửa phòng, nghe thấy người đàn ông bên trong nói: “Chị Định, năm đó chị đã hứa sau khi bán con gái cho chúng tôi sẽ không bao giờ lại gần nó nữa. Giờ thì sao đây? Chị định nuốt lời à?”
Tôi bỗng hiểu ra, người đàn ông đó chính là Chủ tịch Lâm, bố nuôi của chị.
Mẹ lí nhí phân bua: “Ông chủ Lâm, ông hiểu nhầm rồi, tôi không định tiếp cận con bé.”
Ông chủ tịch Lâm vẫn lớn tiếng gay gắt: “Chị không định tiếp cận ư? Vậy tại sao chị lại tặng con búp bê len đó cho con gái tôi? Con trai chị tại sao cứ quanh quẩn bên con gái tôi? Các người có âm mưu gì?”
Mẹ vẫn kiên nhẫn đáp: “Đó là thứ đồ chơi mà ngày nhỏ Tiểu Hân thích nhất, nó sắp đi lấy chồng, tôi chẳng có gì để tặng nó nên chỉ định đưa nó giữ con búp bê làm kỉ niệm.”
Giọng ông Chủ tịch Lâm càng ngày càng không khách khí, ông ta quát tháo: “Kỉ niệm? Có phải chị muốn Tiểu Hân nhớ ra chị là mẹ con bé, sau đó nhận con gái về? Chị có mục đích gì? Muốn tiền phải không? Tôi có thể trả chị, chị cứ nói giá đi, chỉ cần chị đảm bảo vĩnh viễn không xuất hiện bên cạnh con gái tôi.”
Mẹ vội vàng giải thích: “Không phải, tôi không hề muốn nó nhớ lại điều gì. Khi Tiểu Hân rời xa chúng tôi nó chưa đầy ba tuổi, nó không nhớ gì về chúng tôi cả.”
Tôi nhớ ra con búp bê len mà tôi đưa chị, hóa ra ông Lâm đã nhận ra nguồn gốc của nó nên đã tìm ra chúng tôi. Lòng tôi hừng hực một cơn giận giữ. Trước nay tôi luôn có ấn tượng tốt với ông Chủ tịch, thường ngày vẫn rất lịch thiệp với cấp dưới chứ không như những kẻ lắm tiền khác nhìn người dựa trên thế lực đồng tiền, vậy mà hôm nay ông ta lại ép mẹ tôi như thế.
Tôi đẩy cửa bước vào, trông thấy tôi ông Chủ tịch Lâm hơi sững sờ. Tôi lớn giọng hỏi ông ta: “Mẹ muốn nhìn con gái mình thì có gì sai? Mẹ muốn nhận con gái mình về thì có gì sai? Chị Tiểu Hân đã là con gái bác trong bao nhiêu năm, giờ đã đến lúc được biết mọi chuyện.”
Ông Lâm như rã rời chân tay, ông ta ngồi phịch xuống ghế đau khổ nói: “Phải làm thế nào thì các người mới tha cho chúng tôi?”
“Tha cho?” Tôi cười nhạt, “Tiền của ông đã làm hai mẹ con xa cách bấy lâu, giờ họ không có quyền được đoàn tụ sao? Ông chỉ biết đến chị Tiểu Hân là con gái ông, tại sao ông không nhớ chị ấy cũng là con gái của mẹ tôi? Các người chỉ nghĩ đến bản thân các người thôi, cũng phải thông cảm cho tình cảm của người khác chứ, người khác nghĩ đến bản thân họ thì các người lại tức giận là sao?”
Ông Lâm ướt đẫm mồ hôi trên trán, bộ mặt lộ rõ một nét đau khổ: “Sao các người phải làm vậy chứ. Tiểu Hân bây giờ không giống mấy người. Con bé bản tính lương thiện, nó có thể hòa hợp với các người nhưng nếu nó biết về thân thế của chính mình thì nó sẽ gục ngã mất.”
Tôi chỉ còn biết lặng im, ông ta nói không phải là không có lí.
Tôi nghe mẹ nói: “Ông chủ Lâm, ông yên tâm, chúng tôi hứa từ nay về sau sẽ không xuất hiện trước mặt Tiểu Hân nữa. Tôi biết ông rất yêu thương nó, có ông bên cạnh nó tôi còn lí do gì mà không yên tâm chứ? Chỉ hy vọng ông vẫn sẽ yêu thương nó như trước kia mà thôi.”
Ông Lâm rạng rỡ khuôn mặt hỏi: “Đúng vậy chứ?”
Trong lòng ông ta dường như có chút hối lỗi: “Chị Định, chị yên tâm, từ lúc tôi bế Tiểu Hân đi hết cuộc đời này tôi luôn là bố con bé, tôi sẽ luôn bao bọc nó. Thật tình tôi không hề ghét hai người, nhưng lúc tôi cảm thấy hai người sẽ mang Tiểu Hân của tôi đi, tôi bỗng như một con nhím xù hết lông của mình lên để bảo vệ con gái.”
Ông ta nói rất chân thành: “Nếu như có thẻ, tôi rất muốn bù đắp cái gì đó cho hai người.”
Mẹ cố cười trong đau khổ: “Không cần đâu, ngay ngày mai chúng tôi sẽ rời khỏi đây và sẽ không bao giờ quay trở lại nơi này nữa. Tôi biết ông sẽ giữ lời hứa của mình, như thế là tôi mãn nguyện rồi.”
Cả ba ngồi đó trong yên lặng. Ông Lâm nán lại thêm chút xíu rồi ngần ngại xin phép ra về.
Tôi hỏi mẹ: “Cứ thế này mà đi hả mẹ?”
Mẹ hỏi lại tôi: “Tiểu Cường. Con có về nhà cùng mẹ không?”
Tôi định bảo vì lí do gì mà chúng ta lại phải rời đi? Nhưng tôi biết mỗi lần nhớ chị mẹ đều rất buồn, có thể cách xa mới là liều thuốc tốt, sao chúng tôi cứ phải bám lấy cái nơi không thuộc về chúng tôi?
Đúng là đã đến lúc nên ra đi, con người lúc nào cũng có những nỗi day dứt nhưng thực tình trên thế gian này không có gì là không thể dứt bỏ.
Cuối cùng, tôi cũng quyết định: “Mai hai mẹ con mình cùng về thị trấn Tam Thủy mẹ nhé!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.