Song Nữ Hiệp Hồng Y

Chương 60: Ai là thiên lý cô hành khách




Thanh Lam mặt đỏ bừng, liền kể chuyện mình theo dõi thiếu nữ áo đỏ như thế nào, sau hay tin vợ chồng Văn Úy mất tích, lại tưởng Thiên Lý Cô Hành Khách dụng kế điệu hổ ly sơn liền đuổi theo vào Trường Hận cốc, rồi lỡ trúng phải chất độc của Đường Thiên Sinh may được Bạch Mai cứu chữa. Sau mình nhận cô ta là em gái như thế nào, kể hết cho vợ chồng Văn Úy nghe.
Vợ chồng Văn Úy gật đầu lia lịa, và mới hay Thanh Lam vì vợ chồng mình mà suýt nữa thì bị mất mạng.
Hồng Tiếu vội vàng hỏi tiếp:
- Giang công tử nói như vậy, chắc thân thế của cô Bạch Mai thế nào cũng có liên can với Thiên Lý Cô Hành Khách, ừ phải rồi, vừa rồi Trì lão tiền bối đấu với Thiên Lý Cô Hành Khách một chưởng xong, hình như ông ta đã biết rõ lai lịch của đối phương. Tiếc thay bỗng dưng mấy tên đạo sĩ của Đồ Long đảo nhảy ra, nên chúng tôi mới quên hỏi ông ấy.
Văn Úy ngẫm nghĩ giấy lát cũng lên tiếng nói:
- Tẩêu muội! Vừa rồi hình như Trì lão tiền bối còn nói, Thiên Lý Cô Hành Khách mà chúng ta vừa gặp đó khác Thiên Lý Cô Hành Khách đã gặp ở Lôi Công điếm, ừ, phải đấy, bây giờ tôi mới nghĩ ra, từ giọng nói lẫn cử chỉ hình như hai người khác hẳn nhau.
Thanh Lam gật đầu, xen lời nói:
- Thôi huynh nói rất phải, tiểu đệ cũng có cảm giác ấy. Thiên Lý Cô Hành Khách tự nhận với đệ là y ẩn cư ở trong Trường Hận cốc mấy chục năm nay, chưa hề bước chân ra khỏi nơi đó nửa bước. Theo sự nhận xét của đệ thì ông ta có vẻ chính phái lắm, không khi nào với một người đứng đắn như thế mà chốc chốc lại lên Tung Sơn trộm kinh, chốc chốc lại lên Đồ Long quấy nhiễu, và giữa đường còn bắt cóc Hồng Tuyến cô nương nữa? Theo sự nhận xét của tôi, thì chắc thế nào cũng có người giả mạo Thiên Lý Cô Hành Khách, rồi cố ý ra giang hồ quấy nhiễu chứ không sai? Ngày nọ, ở chùa Thiếu Lâm, đệ đã đích mắt trông thấy Thiên Lý Cô Hành Khách lấy trộm kinh. Vì cách nhau quá xa nên đệ không trông thấy rõ lắm, nhưng với nội lực của y mạnh như vậy, thân pháp nhanh như thế cũng đủ làm trấn động võ lâm rồi.
Hồng Tiếu nóng lòng muốn xem mặt Bạch Mai, nàng thấy Văn Úy với Thanh Lam cứ mãi nói chuyện về Thiên Lý Cô Hành Khách hoài, nàng liền dậm chân lia lịa nũng nịu nói:
- Thôi, chúng ta khỏi cần quan tâm đến chuyện Thiên Lý Cô Hành Khách ấy làm chi! Y là một hay là hai chúng ta cũng chả cần quan tâm tới. Chúng ta hãy vào trong sơn cốc để coi xem cô em họ Bạch đã thu xếp xong chưa, rồi chúng ta lên đường ngay thì hơn.
Mấy người đang nói chuyện, bỗng thấy một cái bóng trắng nhanh như điện chớp ở trong sơn cốc phi ra:
- Lam đại ca! Thế ra đại ca ở đây đấy à?
Tiếng nói vừa vọng tới, vợ chồng Văn Úy đã thấy một thiếu nữ áo trắng mặc váy dài, tuổi trạc đôi chín, xuất hiện ở trước mặt mình rồi. Nàng ta rất đường hoàng, không biết hổ thẹn gì cả, đi tới cạnh Thanh Lam, nắm lấy cánh tay chàng, nũng nịu nói:
- Lam đại ca ...
Trước mắt vợ chồng Văn Úy, thấy nàng có cử chỉ thân mật như thế, Thanh Lam ngượng vô cùng, vội giơ tay lên khẽ đẩy tay nàng ra.
Bạch Mai chạy ra ngoài cốc khẩu, tìm mãi mới thấy chàng, nàng đang mừng rỡ, chưa kịp lên tiếng nói, đã bị chàng đẩy tay như thế, nàng ngạc nhiên hết sức, chợp mắt mấy cái rồi u oán hỏi:
- Sao thế? Lam đại ca ghét em rồi ư?
Thanh Lam đẩy tay nàng như thế là không có tâm ý gì cả. Bây giờ bỗng thấy nàng hỏi như vậy chàng cũng không biết trả lời như thế nào cho phải? Chàng ngơ ngác một hồi mới đáp:
- Cô là em gái của tôi, sao tôi lại ghét cô được?
- Anh là anh của em, điều gì em không biết ... anh phải dạy em chứ?
Thấy dáng điệu của nàng rất ngây thơ và xinh đẹp như vậy, Hồng Tiếu cũng rất mến yêu, vội giơ tay ra kéo tay nàng, vừa cười vừa nói:
- Cô là cô Bạch Mai đấy à? Vừa rồi Giang công tử cứ khen ngợi cô hoài!
Bạch Mai kêu "ứ" một tiếng, rồi gục vào vai Hồng Tiếu khẽ nói:
- Chị là bạn của Giang đại ca, chắc chị không phải là người tồi bại gian trá, em gọi chị là chị nhé?
Hồng Tiếu ôm chặt lấy nàng, vừa cười vừa đáp:
- Cô là em gái Giang công tử, tất nhiên cũng là em gái của tôi, vừa rồi chúng tôi còn định vào trong sơn cốc để đón cô cùng lên đường!
Bạch Mai mừng rỡ, ngửng đầu lên, trố mắt nhìn Hồng Tiếu và nói tiếp:
- Chị tử tế thực! Lam đại ca đã nhận lời đưa em đi đây đi đó đấy!
Nói tới đó, nàng ngửng đầu lên nói với Thanh Lam rằng:
- Lam đại ca, trời đã sáng tỏ rồi, đại ca với anh chị vào trong sơn cốc nghỉ ngơi giây lát để chờ em nhặt nhạnh nốt đồ đạc nhé?
Thanh Lam vừa cười vừa đáp:
- Thôi đại ca, đây là bạn thân của tôi, để tôi giới thiệu cho.
Bạch Mai vội vái chào và gọi:
- Thôi đại ca!
Văn Úy cũng vội đáp lễ, Bạch Mai liền quay lại nắm tay Hồng Tiếu mà nói tiếp:
- Chị, chúng ta mau vào trong sơn cốc đi!
Thế rồi bốn người vào trong sơn cốc. Bạch Mai mời ba người vào trong thạch ốc của mình. Chờ họ ngồi xuống xong, nàng vội vàng chạy ngay vào trong phòng.
Một lát sau, nàng đã xách một gói áo nho nhỏ, lưng đeo một thanh bảo kiếm bước ra.
Bốn người ra tới ngoài cửa, Bạch Mai khoá trái cửa lại, vẻ mặt rầu rĩ nói:
- Tôi ở đây từ hồi còn nhỏ, chưa hề rời khỏi nơi đây nửa bước.
Ngày hôm nay tôi phải từ giã căn nhà này, trong lòng tôi vừa mừng rỡ, vừa luyến tiếc!
Nói xong, nàng đã ứa lệ ngay. Hồng Tiếu vội lấy khăn tay ra lau chùi nước mắt cho nàng và vừa cười vừa khuyên bảo rằng:
- Hiền muội, đừng có rầu rĩ như thế, chúng ta vẫn có thể thỉnh thoảng trở về đây chơi kia mà!
Bạch Mai nghĩ ngợi một hồi rồi hỏi tiếp:
- Chị, ở ngoài có nhiều trò chơi hơn ở đây phải không?
- Lẽ dĩ nhiên rồi!
- Thế thì em sung sướng quá!
Bốn người ra khỏi Trường Hận cốc, đang đi, Bạch Mai bỗng nghĩ đến một việc gì, vội nói với Thanh Lam rằng:
- Lam đại ca, trước kia em cứ đi xa một chút là có người gọi:
"Mai nhi!" và bắt em quay trở về. Ngày hôm nay, người ấy biết đại ca là người tử tế, nên cứ để đại ca đưa em đi, không gọi nữa!
Thanh Lam nghe tới đó, bỗng giật mình đến thót một cái chàng hình như thấy Thiên Lý Cô Hành Khách đang đứng trước mặt mình với giọng ôn tồn nói rót vào tai rằng:
"Tâm nguyện duy nhất của lão phu là mong cậu trông nom hộ Mai nhi ... Phải, lão phu thể nào cũng mong cậu trông nom nó tử tế ... Hà! lão phu chắc cậu thể nào cũng không để cho lão phu phải thất vọng ...".
Chàng tưởng tượng tới đó liền bụng bảo dạ rằng:
"Thiên Lý Cô Khách ẩn cư ở trong núi này mấy chục năm, chắc ông ta thể nào cũng có một việc gì rất thương tâm, nên gặp ông ta, ông ta đã không tiếc gì hết, truyền thụ ngay Bát Kiếm tuyệt học cho ta, như vậy là để nhờ ta trông nom hộ Mai nhi. Từ nay trở đi, cái gánh này cũng nặng nề lắm! Vả lại, ông ta đã có lời gửi gắm ta như vậy, ta không nên phụ lòng ông ta! Nhưng nghe lời nói của ông ta, thì hình như ...".
- Lam đại ca! Sao đại ca cứ ngẩn người ra nghĩ ngợi như thế, và không nói năng gì cả?
Bạch Mai thấy Thanh Lam chẳng nói chẳng rằng, cứ lẳng lặng suy nghĩ, liền khẽ hỏi như thế.
Thanh Lam muốn nói cho nàng hay là Thiên Lý Cô Hành Khách đã rời khỏi nơi đây rồi. Nhưng chàng sực nghĩ lại, Thiên Lý Cô Hành Khách nuôi nàng từ nhỏ đến giờ, dạy nàng học hành và học võ mà không hề cho nàng trông thấy mặt bao giờ, thậm chí cả cái tên Thiên Lý Cô Hành Khách cũng không cho nàng biết nết. Ông ta làm như vậy, chắc bên trong thể nào cũng có ẩn tình gì đây? Nàng là một thiếu nữ thơ ngây, lòng trong sạch như một tờ giấy trắng, mình có nói cho nàng hay, chắc nàng cũng không biết gì đâu. Chi bằng chờ tới khi gặp Trì lão tiền bối, hỏi rõ lai lịch của Thiên Lý Cô Hành Khách trước đã, rồi hãy định liệu sau. Huống hồ mình đã coi nàng như em ruột, thân thế của nàng ra sao, trước sau mình cũng sẽ biết rõ. Đến lúc ấy mình hãy cho nàng hay cũng chưa muộn!
Nghĩ như vậy, chàng liền cười và đáp:
- Chị Hồng Tiếu có một người em gái, hôm nọ theo dõi kẻ địch đi xuống miền Giang nam, chúng tôi bây giờ định đi kiếm cô ta đấy!
Bạch Mai vội hỏi:
- Thế sao chúng ta không mau đi ngay?
Bốn người rảo cẳng đi luôn, chỉ trong chốc lát đã xuống tới chân núi.
Thanh Lam nghĩ đến bữa nọ mình nhờ có ông già Hồng Phúc ở quán rượu chỉ điểm đường lối cho, nên mình mới tìm thấy Trường Hận cốc, và lúc đó ông ta trông thấy cái vòng Phích Lôi cứ trố mắt lên nhìn, và khi ta hỏi đến tin Giang Nam đại hiệp thì ông ta cũng bảo, vì vào trong sơn cốc kiếm Thiên Lý Cô Hành Khách nên đã bị phế hết võ công rồi! Sau ông ta còn dặn mình đem theo cái vòng này vào tìm kiếm sẽ không bị nguy hiểm gì hết. Cái vòng này của Thạch Ma tặng cho, bà ta đã nói:
"Khi cậu tới Giang Nam, chiếc vòng này sẽ giúp ích cho cậu".
À còn có Bắc Hải Thất Tinh, không quản ngại ngàn dặm xa xôi, vào Trung Nguyên này tìm kiếm cô nương cũng vì cái vòng Phích Lôi này. Nếu vậy Giang Nam đại hiệp, Bắc Hải Thất Tinh, Hồng Phúc, Thạch Ma với Hồng Tuyến cô nương đều có liên quan với cái vòng Phích Lôi này. Mấy hôm trước, ta cũng nghĩ tới vấn đề đó rồi, nhưng vì ta lo âu sự an nguy của vợ chồng Văn Úy mới không tiện hỏi tới thôi. Bây giờ lại đi qua chân núi, vả lại vấn đề này còn có liên quan đến Hồng Tuyến cô nương, sao ta không lên hỏi cho thật kỹ lưỡng có hơn không?
Nghĩ như vậy, chàng bèn quay đầu lại nhìn về phía bên phải của đường núi. Chàng không nhìn thì thôi chứ ngờ đâu khi để ý nhìn liền ngẩn người ra. Thì ra mới cách có hai ngày mà lầu trúc hai từng kia đã bị cháy xém rồi. Ông già Hồng Phúc đã bị phế mất võ công, nếu không bị chết cháy thì có lẽ đã rời khỏi nơi đây mà đi nơi khác rồi.
Chàng càng nghĩ càng rầu rĩ và không nói nửa lời.
Khi rời khỏi núi Cửu Hoa, Hồng Tiếu có nói là em nàng đã kể cho nàng hay là gần núi Cửu Cung này, suốt dọc đường đều thấy phát hiện những dấu hiệu ngầm của Tây Xuyên Đường Môn. Có lẽ Hồng Tuyến vẫn còn ở quanh núi Cửu Cung này cũng chưa chừng?
Chàng liền mua bốn con ngựa để cưỡi, rồi tiến thẳng về phía núi Cửu Cung.
Từ bé đến giờ Bạch Mai chưa hề ra khỏi Trường Hận cốc bao giờ, lúc này được cưỡi ngựa, nàng thấy mới lạ lắm, cứ gọi Lam đại ca luôn mồm, và cứ hỏi han cái này cái nọ hoài.
Đi đến chiều ngày thứ ba đã tới chân núi Cửu Cung, dưới chân núi có mấy cái làng nho nhỏ, nhưng không thấy bóng của Hồng Tuyến đâu hết, và cả dấu hiệu của Tây Xuyên Đường Môn cũng không thấy nốt.
Mọi người bàn tán một hồi, vì trước khi đi, Hồng Tuyến có dặn lại là nàng xuống Giang Nam để tìm kiếm Thanh Lam nên chàng mới yêu cầu vợ chồng Văn Úy và Bạch Mai hãy tạm ở đó chờ Hồng Tuyến, như vậy chàng đi một mình dễ hành động tiện lợi hơn. Nếu quả thực Hồng Tuyến cô nương đã theo dõi bọn người của Đường Môn mà đi Tứ Xuyên rồi, thì chàng phải đuổi theo ngay, và thể nào cũng phải đuổi cho kịp để gọi nàng quay trở về.
Thanh Lam lại dặn ba người rằng:
- Nam Quái, Bắc Tàn hẹn một tháng sau sẽ gặp gỡ ở trên bờ Đông Hải, vậy các ngươi cứ việc đi trước đi, tới lúc ấy thể nào tôi cũng tới kịp, rồi chúng ta cùng đi Đồ Long đảo.
Vợ chồng Văn Úy tuy cảm thấy lời nói của Thanh Lam rất có lý, nhưng sợ chàng không gặp Hồng Tuyến, nếu để chàng phải một mình mạo hiểm như thế thật không tiện chút nào. Nên hai người đang trù trừ, không biết nên quyết định như thế nào cho phải?
Bạch Mai bỗng quay đầu lại gọi:
- Lam đại ca, em cũng đi, em không sợ độc đâu!
Vợ chồng Văn Úy đã đích mắt trông thấy thân pháp của Bạch Mai rất nhanh, chắc võ công cũng khá cao siêu, nếu có nàng đi cùng, nhỡ gặp phải kẻ địch thì có người giúp sức hộ chàng ta.
Hai vợ chồng cùng nghĩ như vậy, rồi gật đầu, tỏ vẻ đồng ý.
Thanh Lam còn muốn nói thêm, Bạch Mai cướp lời nói trước.
- Thôi đại ca với chị Hồng đã nhận lời rồi. Giang đại ca không cho em đi thì em cũng cứ đi một mình!
Thanh Lam sợ nàng ta đi lẻn một mình thực, nàng chưa vào giang hồ bao giờ, không biết sợ là gì cả, nhỡ xẩy ra chuyện gì có phải là mình phụ tấm lòng tốt của Thiên Lý Cô Hành Khách đã nhờ vả mình không? nghĩ như thế, chàng đành phải gật đầu nhận lời.
Bạch Mai cao hứng đến nhẩy bắn người lên, mồm thì la lớn, vừa đi vừa múa chân múa tay, có vẻ khoái trí vô cùng.
Thế rồi hai vợ chồng Văn Úy liền thuê một căn nhà của những người làm rừng ở gần đó để ở tạm, còn Thanh Lam thì đem theo Bạch Mai tiến thẳng về núi Cửu Cung.
Hai người hai ngựa tiến thẳng về phía Tây.
Trưa ngày hôm đó đã đi tới Nghi Sơn, bỗng nghe thấy phía sau có tiếng gió ngựa vọng tới. Hai người quay đầu lại nhìn, mới hay đó là con ngựa Tứ Xuyên bờm xanh. Người cỡi ngựa đi trước là một đại hán tuổi trạc trung niên, mình mặc áo đen trông vẻ rất kiêu ngạo, người đi sau cũng là một đại hán rất vạm vỡ. Hai người cứ thúc cương ngựa phóng chạy hoài.
Đại hán đi sau trông thấy Thanh Lam với Bạch Mai liền ngẩn người ra giây lát. Tiếp theo đó, y liền thúc ngựa đuổi theo người đi trước, rồi thấy y cúi đầu khẽ nói với người nọ mấy lời. Đại hán áo đen đi trước liền quay đầu lại nhìn.
Bạch Mai thấy vậy cũng lấy làm ngạc nhiên, vội khẽ hỏi:
- Lam đại ca, hai người này nhìn chúng ta làm chi?
Thanh Lam sợ nàng sinh sự, vội đưa mắt ra hiệu bảo nàng đừng có can thiệp vào chuyện của người ta.
Hai người lại nghe thấy đại hán áo đen cười nhạt, rồi thúc ngựa đi luôn.
Thanh Lam thấy vậy, đoán chắc thế nào cũng có chuyện gì xẩy ra chứ không sai? Nhưng vì Bạch Mai không biết một tý gì về lễ phép của giang hồ nên chàng không tiện nói cho nàng ta biết.
Hai người thủng thẳng tiến về phía bến đò.
Thành Nghi Xương xây ở trên tả ngạn sông Trường Giang một mặt giáp sông, còn ba mặt kia đều có núi bao phủ. Nơi đây cũng là biên giới của Trung Nguyên với Cao Nguyên. Đồng thời cũng là con đường duy nhất để đi Tứ Xuyên. Hàng hoá của các khách thương đi lại khi đến đây đều phải đổi thuyền cho nên trên bờ sông các cột buồm nhiều như mắc cửu vậy, cả trà lầu tửu quán cũng sầm uất lắm.
Thanh Lam với Bạch Mai thực là một cặp rất xứng đôi vừa lứa.
Các người thuyền chài, vừa trông thấy hai người, đều cho là công tử và tiểu thư con nhà giàu định thuê thuyền đi lên tỉnh Tứ Xuyên, nên đã có bốn năm người ra mời chào. Nhưng tới khi trông thấy đôi ngựa của hai người thì họ lại biến sắc mặt và sợ hai người như rắn rết, vội lui về phía sau ngay.
Thấy tình thế đột ngột như vậy, Thanh Lam thắc mắc hết sức.
Sau cùng mới có một tên tiến lên, vừa cười vừa hỏi:
- Thưa công tử, thuyền của chúng tôi vừa sạch sẽ vừa đi nhanh, chẳng hay công tử muốn thuê một chiếc hay hai chiếc?
Thanh Lam liền gật đầu, rồi mặc cả giá với người đó để đi Dực Châu.
Đại hán nọ vâng vâng dạ dạ vừa cười vừa đáp:
- Thưa công tử, từ đây lên Tứ Xuyên phải đi ngược sông. Trong lúc cuối Hạ đầu Thu này nước chảy mạnh lắm, nếu đem theo ngựa rất bất tiện, chi bằng công tử hãy giao cho tiểu hãng bán hộ, khi tới Tứ Xuyên lại mua ngựa khác có hơn không?
Thấy đại hán nói rất có lý, Thanh Lam liền gật đầu, bán ngay.
Thanh Lam bỗng trông thấy trên mông con ngựa của mĩnh cưỡi có in một con rết trắng nho nhỏ, nhưng nhất thời chàng không chú ý đến lắm.
Đại hán nọ dẫn hai người xuống thuyền, quả thấy thuyền đó lớn rộng lắm, bên trong có hai buồm và trông rất sạch sẽ. Mỗi bên thuyền còn có sáu cánh cửa để cho khách ngắm cảnh hai bên bờ sông.
Một lát, thằng nhỏ đã đem tiền bán ngựa xuống trả cho Thanh Lam. Cùng lúc ấy, người thuyền chài cũng đã mua đủ các thức ăn đem xuống, và bẩy tám tên thuỷ thủ cũng nhảy xuống theo, rồi họ rút cầu nhổ neo cho thuyền đi luôn.
Trên mặt sông thuyền đậu đông như thế mà chiếc thuyền này vẫn đi nhanh như một mũi tên. Khi ra tới chỗ mặt nước khá rộng, lúc ấy bọn thuỷ thủ mới bắt đầu giương buồm. Tuy đi ngược giòng nhưng được cái thuận gió nên thuyền vẫn đi rất nhanh.
Bạch Mai ngồi ở trong thuyền lấy làm thích thú lắm, nàng cứ ngẩn người ra ngắm nhìn phong cảnh hoài.
Thanh Lam ngồi ở trong thuyền, thấy không có việc gì làm bỗng nghĩ tới cuốn "Lưỡng Nghi Chân Giải" của ông già Trì lão Tàn đã tặng cho. Vì mấy ngày đi đường chàng không có thì giờ giở ra đọc, nên bây giờ chàng thấy nhàn rỗi liền lấy ra đọc. Chàng vừa mới nhìn vào cái bìa đã nghĩ thầm:
"Ông ta không quản ngại đường xá xa xôi, tới tận Giang Nam tìm kiếm để tặng ta cuốn sách này.".
Chàng vừa nghĩ vừa giở trang đầu ra xem. Chàng thấy trên đó có vẽ một cái hình Thái Cực, trang thứ hai có vẽ hai cái vòng tròn liên kết với nhau như là hai cái vòng xích vậy, nhưng bên dưới không thấy có chữ giảng giải. Chàng lại giở đến trang thứ ba, thấy trang này có viết hơn ba trăm chữ, nhưng toàn viết bằng văn cổ rất khó hiểu. Dù chàng là người rất thông minh và học rộng như vậy mà vẫn có vài chỗ không sao giải thích nổi. Đến trang thứ tư mới là môn "Lưỡng Nghi Chân Giải" của lão Tàn, nên trang này chú thích rất cặn kẽ, đại khái bí quyết trong đó dạy bảo chàng cách vận khí điều công, và lấy tĩnh chế động, lấy nhu khắc cương như thế nào.
Huyền quan đã thông, lại thêm Thanh Lam đã có bốn năm thành hỏa hầu về môn Ly Hợp Thần Công. Nhờ đã hiểu biết bí quyết của môn thần công này nên khi chàng đọc đến bí quyết của Lưỡng Nghi Chân Giải này thì chỉ đọc vài ba lần chàng đã hiểu biết ngay.
Chàng liền nghĩ thầm:
"Ly Hợp Thần Công của bổn môn chú trọng về dẫn lực phản hư, chữ Tĩnh đó vốn dĩ là chữ Tĩnh của Hậu Thiên, còn chữ Tĩnh của Lưỡng Nghi Chân Giải này thì thuộc về Tiên Thiên. Xem như vậy, nếu ta học hỏi được môn Lưỡng Nghi Chân Giải này thì võ công của ta lại cao siêu thêm một bước nữa. Thảo nào Trì lão Tàn kiếm người truyền thụ mà phải trịnh trọng đến như thế.".
Chàng càng vỡ nhẽ càng mừng rỡ vô cùng.
Bạch Mai ngẫu nhiên quay lại, trông thấy Lam đại ca cầm một cuốn sách mong mỏng mặt lộ vẻ hớn hở, liền khẽ hỏi:
- Đại ca đọc sách gì thế?
Thanh Lam kêu "ừ" một tiếng, để cuốn Lưỡng Nghi Chân Giải xuống, rồi vừa cười vừa đáp:
- Đây là cuốn Lưỡng Nghi Chân Giải của Trì lão tiền bối tặng cho ngu huynh. Đó là môn bí quyết võ học chí cao vô thượng, hiền muội hãy lại đây đọc thử xem!
Thấy Thanh Lam nói cuốn sách đó là võ học bí quyết chí cao vô thượng mà lại gọi mình đến cùng đọc, nên nàng khoái chí hết mức.
Nhưng nàng khẽ lắc đầu tủm tỉm cười và đáp:
- Sách đó là của Trì lão tiền bối tặng cho đại ca, thì đại ca cứ xem một mình đi, chứ em không muốn học đâu! Vì người vẫn thường gọi em là Mai nhi có dặn bảo rằng em chỉ được luyện võ công của ông ta thôi chứ không được luyện võ công của người khác.
Thanh Lam nghe thấy nàng ta nói như vậy, bỗng nghĩ đến trận đấu của Thiên Lý Cô Hành Khách với lão Tàn. Hai người vừa đối chưởng với nhau xong, thì Thiên Lý Cô Hành Khách chỉ bị đấy lui có một bước, còn trái lại, lão Tàn bị đẩy lui đến hai bước. Trì lão tiền bối còn trên cả Võ Lâm Lục Tuyệt và là sư phụ của Thiên Lang, Thiên Hồ, võ công đã luyện tới mức xuất thần nhập hoá, nhưng so với Thiên Lý Cô Hành Khách thì ông ta vẫn còn kém nửa mức. Như vậy Thiên Lý Cô Hành Khách bảo với Bạch Mai nếu nàng khổ luyện thì sau này sẽ trở nên người vô địch thiên hạ quả thật không ngoa đâu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.