Ta Nguyện Làm Thê Tử Của Chàng

Chương 4: Nhậm Khiết




Cơ thể ta nhức mỏi, hai mắt đen như lọ nồi, lại thêm một đêm mất ngủ. Do có thói quen dậy sớm nên khi mọi người còn đang yên giấc thì ta đã đi lung tung khắp nơi trong viện.
Đàm Hoa thôn có nhiều núi cao, sông sâu, sương mù dày đặc. Buổi sáng thật lạnh nhưng cái lạnh khác hẳn thôn Lý Lâm, cái lạnh của sự tinh khiết mang theo mùi hương của dược liệu làm ta cảm thấy thật thanh tĩnh trong lòng.
Nhậm gia thật rộng lớn nhưng cách bài trí lại khá giống nhau, đi qua một đình viện sẽ thấy một vườn hoa trồng những loài hoa đẹp rự rỡ sắc màu mà đa số ta đều chưa từng thấy qua. Những bông hoa chưa nở cùng những giọt sương chảy dọc xuống lá cây. Thời khắc đó làm ta nhớ đến nương, nhớ đến đám hoa phi yến mà nương đã trồng cho ta vào một ngày không có nắng. Một loài hoa nhẹ nhàng mà thanh thoát. Ta không ở nhà chắc hẳn nương sẽ tự mình tưới nước cho chúng, sức khỏe của nương không biết có chịu được không? Hy vọng phu nhân nói sẽ giữ lời, tìm người về chăm sóc cho nương. Một ngày nào đó ta nhất định sẽ về gặp nương – ta thầm nghĩ.
Không biết đã qua bao lâu, tiếng bước chân người càng ngày càng vội vã. Ta cũng chạy nhanh về viện của mình. Sắp đến giờ phải đi thỉnh an lão gia và phu nhân rồi. Tuy ta xuất thân không bằng người nhưng đạo lý này ta không phải không hiểu.
Khi ta mở cửa phòng bước vào, người nào đó vẫn còn quấn chăn trên giường không động đậy. Ta đến khéo chăn ra và gọi:
“Trời sáng rồi, tướng công, mau dậy đi.”
Không có phản ứng. Ta dùng mọi biện pháp vẫn không có phản ứng. Cuối cùng, ta lấy cái mặt nạ ai đó đang cầm không chịu buông tay thì ai đó nhảy dựng lên.
“Tỉnh rồi.” Ta cười vui vẻ.
“Trả cho ta.” Ai đó phùng mang trợn má rồi đưa tay ra lấy lại.
“Nói cho ta biết ai tặng cái này ta sẽ trả cho huynh.” Ta huơ huơ cái mặt nạ làm bộ dạng định vứt đi.
“Là Tiêu nhi. Ta phải xin thật lâu đệ ấy mới cho ta. Trả lại đây.”
Tiêu nhi thì ra là đệ đệ. Trả thì trả, có cần phải vội như vậy không. Vật được trả về chủ cũ.
“Nhắm mắt lại.” Người với gương mặt cau có ra lệnh.
Không phải chứ, ta mới lấy hai lần mà đã giận à. Ta nhịn, không chấp nhất với tiểu hài tử. Ta nhắm mắt lại. Thế là, cái mặt nạ được ai đó giấu “thật kỹ” dưới lớp chăn bông của mình. Ta vờ như không thấy.
Sau khi giúp tướng công thay y phục, lau mặt xong chúng ta đi ra ngoài. Thật ra, huynh ấy chẳng chịu bước chân ra khỏi cửa, ta phải hù dọa lấy mất cái mặt nạ thì huynh ấy mới miễn cưỡng đi theo. Một tiểu cô nương đã đứng ở cửa từ bao giờ, nét mặt hoảng hốt, trắng bệch như bị bệnh lâu năm nhìn chằm chằm chúng ta, sau đó chạy đi mất dạng. Ta hỏi tướng công:
“Huynh biết tiểu cô nương kia là ai không?”
“Tầm Nhi nói là Tầm Nhi.”
“Tầm Nhi là nha hoàn à?”
“Không biết, Tầm Nhi quan tâm đến ta.”
Nhìn qua y phục của Tầm Nhi thì chắc hẳn là nha hoàn của tướng công rồi. Nhưng tại sao lại chạy chứ. Ta khó coi đến như thế sao? Chắc hẳn Tầm Nhi rất hiểu rõ tướng công còn ta thì cái gì cũng không biết.
“Tướng công, huynh tên là gì?” Ta hỏi lại.
“Nương nói ta tên Nhậm Khiết.” Vẫn trả lời giống hôm qua.
“Huynh bao nhiêu tuổi, sinh thần là ngày nào?”
“Không nhớ.” Gãi đầu.
“Huynh là trưởng tử sao?”
“Không biết.”
“Vậy huynh có mấy huynh đệ, tỷ muội?”
“Ta không biết. Cái gì cũng không biết.” Vừa nói huynh ấy vừa lấy hai tay ôm đầu.
Xem ra ta quá nóng vội, làm huynh ấy tức giận rồi. Nhưng giờ còn một chuyện quan trọng hơn ta buộc lòng phải hỏi:
“Tướng công, huynh biết phải đi đâu thỉnh an lão gia và phu nhân không?”
“Cái này ta biết.” Nhìn ta cười đắc ý.
Ta hơi nghi ngờ nhưng không còn cách nào đành phải đi theo. Huynh ấy vui vẻ đi trước dẫn đường cho ta, mọi người nhìn chúng ta một cách kì lạ, hình như họ rất… sợ hãi. Ta cũng không quan tâm mà tiếp tục đi. Huynh ấy dẫn ta qua hết nơi này đến nơi khác mà không hề lúng túng. Ta cũng thật ngạc nhiên, nơi rộng thế này mà huynh ấy có thể nhớ rõ đường như vậy thì có hy vọng rồi, ta mừng thầm trong lòng.
“Đến rồi.”
Bước chân ta khựng lại, hết nhìn phía trước lại nhìn phía sau. Nhìn cái hồ lớn trước mặt ta bình tĩnh hỏi:
“Tướng công, chắc huynh nhầm rồi, đây là cái hồ mà. Lão gia, phu nhân không ở đây.”
Huynh ấy tỏ ra khó hiểu nhìn ta, sau đó đi kéo tay ta đi gần lại hồ, chỉ tay xuống đó:
“Con màu vàng này là lão gia, con màu đỏ này là phu nhân còn có Tiêu nhi nữa, “ta” chắc lại bơi đi đâu tìm thức ăn rồi!”
Ta nhìn mấy con cá chép bơi hào hứng dưới kia mà không nói được lời nào. Hy vọng chìm xuống tận đáy hồ sâu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.