Tạm Biệt Versailles

Chương 1:




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
“Thưa Thái Tử phi, chỉ mong Thái Tử điện hạ sẽ không giận người, bởi vì hai mươi vạn dân chúng trước mặt đều dành tình yêu thương nồng nhiệt cho người.”
Nguyên soái Jean Paul Timoléon de Cossé Brissac cúi đầu, mỉm cười với cô gái trong xe ngựa.
Xe ngựa đẹp đẽ quý giá được chế tạo riêng cho cô vừa bước qua cổng vào, hương hoa ngào ngạt bao vây tứ phía. Mũ miện rạng ngời đẹp tựa tranh vẽ, ánh sáng từ cửa kính xe hắt ra tứ phía, thái dương rực rỡ chiếu xuống tơ lụa huy hoàng.
Lần đầu tiên Thái tử phi mười tám tuổi rời Cung điện Versailles tới Paris.
Hoa tươi, trái ngọt, rượu ngon, thịt nướng tỏa hương khắp trung tâm quảng trường. Pháo hoa từ tòa tháp sáng rực, ánh đuốc chiếu sáng vô số con thuyền, đẹp tựa cảnh trong mơ.
Cô gái đặt tay trước bụng, “Ta mãi mãi không quên giờ khắc này.”
Dưới ánh mặt trời, mái tóc vàng kim tỏa sáng, làn da trắng nõn cực kỳ bắt mắt, đôi mắt màu lam nhạt như cất chứa vì tinh tú. Cô mỉm cười, nhìn đoàn người hô vang.
Đột nhiên ánh mắt cô khựng lại.
Xuyên qua lớp thủy tinh trong suốt, máu tươi chảy ào ào.
Cô gái rùng mình, hoảng sợ ngẩng đầu.
“Con chó cái người Áo! Con điếm!” Đoàn người xung quanh không hưng phấn reo hò. Họ hăng tiết mắng chửi.
Khuôn mặt họ thay đổi, ai ai cũng dữ tợn, đập bùm bụp cửa xe.
Có kẻ hát bài đồng dao thô bỉ: “Louis, nếu muốn xem con hoang và gái điếm, vậy hãy nhìn Vương Hậu và Thái Tử!”
Rầm! Đoàng! Đoàng! Đoàng!
Đột nhiên tiếng súng đinh tai nhức óc vang lên, xung quanh hét chói tai.
“Bảo vệ Vương Hậu, bọn chúng muốn giết người!”
Hộ vệ cuối cùng của cô mặc áo dài, mũ nhọn chặn kín cửa phòng ngủ, quát tháo với thị nữ.
Cửa đóng lại, bên ngoài vọng tiếng đánh nhau.
Chất lỏng đỏ sậm từ từ lan ra khe cửa, mùi hương rỉ sắt xộc vào mũi.
Máu tươi nóng bỏng.
Lưỡi dao lạnh như băng.
Thuốc súng nồng nặc.
Đầu đức lang quân, đầu bạn thân.
Đứa bé mặt mũi tái mét nằm trong quan tài…
Hết thảy thiêu đốt, xé rách, kéo cô vào địa ngục, trọn đời không thấy ánh sáng!
“Marie Antoinette!”
Một giọng nói trầm khàn vang lên. Cô bị thô lỗ đánh tỉnh.
Paris, Pháp, ngục giam Conciergerie [1], “phòng khách tử thần”.
Bốn giờ sáng, ánh sao mỏng mảnh chấm một nốt trên bầu trời, sương sớm xuyên qua khung cửa sổ.
Trái tim vẫn đập thình thịch, vầng trán ướt đẫm mồ hôi, nhưng cô chỉ hòa hoãn một lát đã tỉnh lại.
Dù sao đây không phải lần đầu tiên cô bị thẩm vấn.
Nhưng cô biết lần này khác.
“Ngươi chỉ còn một cơ hội duy nhất.”
Đặc phái viên mặc áo choàng màu đen lạnh lùng hỏi: “Gã ngục tốt ba ngày trước truyền tin cho ngươi tên là gì?”
Đôi mắt ông ta như chim ưng, thân hình cao lớn hơi nhướng về trước, tạo cảm giác uy hiếp vô hình.
Một gã ngục tốt mới quen vị Vương Hậu nghèo túng bị nhốt trong ngục giam phạm nhân tử hình chưa được bao lâu, đã sẵn sàng đánh đổi tính mạng cứu cô. Điều này khiến bọn họ tức điên.
Người phụ nữ ngồi ngay ngắn nhanh chóng điều chỉnh hơi thở, thản nhiên hỏi: “Nói cho ngài, để ngài chém đầu ngài ấy?”
Nước Pháp hỗn loạn, đến nay đã không thể khống chế.
Vị luật sư biện hộ cho cô trên tòa đã bị bỏ tù. Cho dù bọn họ sợ hãi, vì bất cứ ai biện hộ cho Vương thất đều lên đoạn đầu đài, nhưng không ai dám nói gì.
Trên đường áp giải thẩm vấn, một binh sĩ thấy cô suýt ngã, có lòng đỡ cô, lại bị buộc tội phản quốc, chịu án tử hình.
Ánh mắt người đàn ông lạnh hơn, “Chúng ta đang điều tra. Hơn nữa đây là cơ hội cuối cùng của ngươi.”
Cô im lặng mấy giây, thản nhiên thở dài, “Ta không nhớ rõ. Ngài biết đấy, trí nhớ ta không tốt, từ trước tới nay không nhớ tên người hầu.”
“Rầm.” Đặc phái viên đứng dậy, bực bội hừ mạnh, “Được, tuyên án đi.”
Gió lạnh thổi vào, ánh nến lay động.
“Marie Antoinette, ngươi phản bội nước Cộng Hòa, phạm tội phản nghịch, tham ô, thông đồng với địch phản quốc, nguy hại tới an toàn quốc gia, tiêu xài tài sản quốc gia. Thân là phụ nữ, đạo đức ngươi suy đồi xuống cấp, nay phán tội tử hình.”
“Án tử hình sẽ chấp hành sau hai mươi tư tiếng, địa điểm ở quảng trường Cách Mạng.”
Cô bình tĩnh liếc chàng trai tuyên án trẻ tuổi không dám nhìn mình, lại liếc đặc phái viên mặt mũi nham hiểm, bình tĩnh đáp: “Các ngươi có thể là đao phủ của ta.”
Cô mỉm cười, “Nhưng các ngươi vĩnh viễn không phải quan tòa của ta.”
Ánh dương chói lóa.
Cách mấy tháng lại được nhìn ngắm ánh mặt trời, sinh mệnh đã đi đến hồi kết.
Xe chở tù nhân rời viện tư pháp, nắng vàng chiếu xuống dòng sông Seine xanh biếc, đi về phía bắc quảng trường. Xe lăn bánh từ đầu phố tới cuối phố, đi vào quảng trường Cách Mạng, dừng giữa quảng trường đông nghìn nghịt.
Đoạn đầu đài phía trước đang chờ.
Bởi vì bị nhốt thời gian dài, tầm mắt cô có phần mơ hồ. Hai tay bị trói sau lưng khiến cô khó có thể giữ vững thăng bằng.
Cô lảo đảo, đột nhiên ý thức được chuyện gì đó.
Cô giẫm phải chân của đao phủ.
“Thứ lỗi.” Cô theo bản năng giải thích.
Bầu không khí xung quanh ngưng đọng. Đám người quanh đoạn đầu đài im lặng.
Nhưng cô đã không còn để ý.
“Chúng ta dùng chính máu tươi của bản thân để đổi lấy hạnh phúc nước Pháp.” Trước giây phút hành hình, đột nhiên cô nhớ tới câu nói này.
Chỉ mong đất nước hỗn loạn sẽ tìm thấy hạnh phúc.
Chỉ mong sau khi chết không lên thiên đường.
Dưới ánh nắng chói lóa, lưỡi dao đoạn đầu đài tỏa sáng, tựa ảo giác mù mịt xa xăm.
Ngày 16 tháng 10 năm 1973, mười hai giờ mười lăm phút, cựu Vương Hậu Marie Antoinette nước Pháp bị hành quyết, sau bốn năm lẻ ba tháng Cách Mạng Pháp diễn ra.
Bầu trời trong xanh bỗng trở nên u ám, mưa hòa với máu tươi nhỏ tí tách.
...
Lục bục.
Tiếng củi lửa trong lò sưởi vang lên, cô mở mắt.
Tầm mắt mông lung, ánh dương ấm áp chiếu vào người, đẹp như yến mạch tẩm mật ong. Xung quanh khô ráo ấm áp, hương hoa tường vi và vị ngọt cây mơ quanh quẩn nơi chóp mũi.
Đây là…?
Đây không phải địa ngục.
Cô xoa mắt, bỗng nghe bên ngoài có tiếng gõ cửa.
“Điện hạ Antonia, buổi nhạc hội đã chuẩn bị xong. Xin đừng quên hai tiếng sau yến hội bắt đầu.” Giọng nói dịu dàng vang lên.
Điện hạ Antonia?
Cô ngạc nhiên.
Hơn hai mươi năm nay không ai gọi cô như vậy.
Từ khi đặt chân sang nước Pháp, cô trở thành Marie Antoinette.
Chỉ khi ở quê nhà, mọi người mới gọi cô là Antonia. Mười một cô con gái của Nữ Hoàng Maria Theresa [2] đều được đặt tên “Maria” để tưởng nhớ Thánh mẫu Maria.
Vì thế các cô dùng tên lót phía sau gọi nhau.
Cảnh tượng bốn phía đập vào mắt.
Đèn treo lủng lẳng trên tường cẩm thạch, sắc đen trắng tráng lệ giao thoa, khác hẳn với phong cách diễm lệ Rococo quen thuộc.
Tuy có chút xa lạ, nhưng cô vừa nhìn đã nhận ra.
Đây là cung điện Schonbrunn [3], Vienna, cung điện Hoàng gia Habsburg [4].
Suốt hai mươi tư năm gả sang Pháp, cô chưa từng đặt chân về đây.
Antonia ngạc nhiên nhìn lửa trong lò sưởi nhảy tanh tách. Ngoài cửa sổ, tuyết trắng phủ kín bạch dương xiêu xiêu vẹo vẹo. Cô kìm lòng không đặng giơ tay.
Da thịt trơn bóng, bàn tay nhỏ bé, vừa nhìn đã biết là tay trẻ con.
Công chúa nhỏ của Hoàng thất Habsburg, Maria Antonia.
Trí nhớ trẻ con vọt tới, nháy mắt chiếm trí óc cô.
Đầu năm 1762, cô còn chưa tròn bảy tuổi.
Cô… quay trở về ba mươi năm trước?
Antonia nhíu mày, đột nhiên bên ngoài vọng tiếng khóc ầm ĩ, giống như tận thế sắp đến.
“Chị! Chị! Apollo chết rồi! Hu hu hu!”
Tiếng khóc vang xa, sau đó mới nghe thấy tiếng người.
“Khóc có ích gì?” Một cô gái khác mất kiên nhẫn mắng: “Em tìm Antonia thì có ích gì? Nó không chịu làm bài tập, cái gì cũng không biết, hừ.” 
Người lên tiếng là chị gái nhỏ tuổi nhất của cô –  Maria Carolina [5], công chúa thứ mười nước Áo, năm nay mười tuổi. 
Antonia: “…”
Cô là con gái nhỏ nhất của Nữ hoàng, chỉ có một cậu em trai, tên Maximilian Franz [6].
Cô thoáng suy nghĩ.
À, Apollo em trai nuôi là một con sóc chuột.
Apollo đáng thương.
Cửa đẩy ra, hai người đi vào.
“Em tham gia Thánh lễ Missa [7], lúc về đã thấy nó chết! Hu hu…” Maximilian vừa gào khóc vừa nhào vào lòng Antonia.
Cậu khóc tùm lum nước mắt nước mũi, đôi tay nhỏ bé giơ con sóc chuột [8] múp míp lên. Con chuột nhắm mắt không nhúc nhích, cơ thể lạnh lẽo, không còn nghe thấy nhịp tim và hơi thở.
“Chị có cách nào cứu Apollo không! Cầu xin chị…”
Cậu nhóc tóc vàng ngẩng đầu cầu xin.
Nháy mắt, Antonia nhớ tới đứa con chết sớm của cô.
Đứa bé ngoan ngoãn thông minh đó là đứa con trai đầu tiên của cô. Trước khi chết nó im lặng lạ thường, khuôn mặt gầy sọp do bị ốm đau tra tấn càng làm nổi bật đôi mắt to tròn. Nó nhỏ giọng nói: “Mẹ, con muốn ngủ.”
Khi đó thằng bé mới bảy tuổi.
Nó và Maximilian giống nhau, đều có đôi mắt màu lam nhạt.
Cô xoa gáy áo cậu, làn da mướt mải mồ hôi.
Antonia thở dài, “Đưa cho chị.”
Cô đứng lên, nhận Apollo đáng thương trong tay em trai, nhìn nữ hầu theo sau, “Dẫn Maximilian đi thay quần áo, cẩn thận cảm lạnh.”
“Thấy chưa? Antonia định đổi con sóc chuột khác lừa em.” Carolina vui sướng khi người gặp họa, chọc má em trai.
“Oa…” Maximilian òa khóc.
Cậu còn nhỏ, không biết ai trong hai người chị đang lừa mình, chỉ đành cầu xin túm tay áo Antonia, “Chị… chị… không gạt em đúng không…”
Antonia trấn an vỗ tay cậu, “Không. Em thay quần áo, ăn chút gì đi. Chị sẽ cố gắng đánh thức Apollo.”
“Antonia, đừng trễ giờ yến hội!” Carolina nhướng mày.
Nhưng hôm nay em gái vẫn luôn đấu khẩu với Carolina lại không tranh chấp với cô ấy. Antonia gật đầu, “Biết rồi.”
Ái chà, em gái bướng bỉnh đổi nết?
Carolina đảo mắt.
Antonia cẩn thận đặt sóc chuột lên một chiếc gối cách lò sưởi không xa, ra lệnh cho nữ hầu, “Mang nước ấm lại đây, thêm yến mạch và thịt gà luộc sôi.”
Đúng lúc này, một cậu nhóc mặc quần áo cung đình diễm lệ tựa cơn gió vọt qua. Người hầu bên cạnh vội vàng cản lại, “Thưa ngài, sàn nhà vừa bôi sáp…”
Còn chưa dứt lời, cậu nhóc lảo đảo trượt chân. Cổ áo lá sen bay lên, nhoáng cái đứng trước mặt Antonia, “Ôi chao!”
Antonia theo bản năng đỡ cậu ấy.
Cậu nhóc đứng dậy, vui vẻ ngẩng đầu, “Cảm ơn!”
Cậu nhóc tóc vàng mặc lễ phục tinh xảo, áo trắng khảm tơ vàng không hề có nếp gấp, giày đen phối với tất trắng, bên hông còn gài một con dao ngắn.
Antonia nhìn cậu ấy, trong lòng rục rịch!
…Là người nọ!
Thiên tài âm nhạc nổi tiếng, hiện tại mới sáu tuổi – Wolfgang Amadeus Mozart [9].
Nhớ mang máng hai năm sau khi Cách Mạng Pháp diễn ra, khi đó cô ở trong ngục, nghe tin nhà soạn nhạc thiên tài đồng hương qua đời.
Cậu ấy nhỏ hơn cô hai tháng.
Ngay lúc Antonia ngây người, Mozart nở nụ cười bẽn lẽn, để lộ má lúm đồng tiền bên má.
Cô còn chưa kịp phản ứng, đột nhiên cậu ấy kiễng mũi chân, thơm lên má cô.
“…” Antonia ngạc nhiên.
Khoan đã, cảnh tượng này khá quen.
Cô nghĩ lại, kiếp trước cũng từng như vậy.
Còn bị anh chị em trêu chọc một thời gian dài.
Antonia nhớ lại, theo bản năng giơ tay, muốn che miệng cậu nhóc.
…Đừng lên tiếng!
Đáng tiếc đã quá muộn.
Đôi mắt xanh lam ngây ngô nhìn cô, cười nói: “Điện hạ, thần sẽ cầu hôn người!”
______
Lời tác giả:
Antonia: …Sơ sẩy.
Mozart: (〃▽〃)
______
[1] Ngục giam Conciergerie: 

[2] Maria Theresa:
Maria Theresa là nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của nước Áo. Bà từng được tôn vinh là bậc quốc mẫu của nước Áo bởi những đóng góp cho đất nước trong thời kỳ trị vì.
Maria Theresa tên đầy đủ là Maria Theresa Walburga Amaliae Christina, sinh năm 1717 tại Viên, Áo. Cha bà là hoàng đế Karl VI. Maria Theresa không có bất kỳ một người anh em trai nào để có thể thừa kế ngai vàng sau khi cha bà qua đời. Không có con trai nối dõi, vì vậy, hoàng đế Karl VI đã ban bố một đạo luật công nhận Maria Theresa sẽ là người kế vị của vương triều và thừa kế toàn bộ đất đai của vương quốc sau khi ông qua đời.
Đạo luật này đã gây ra nhiều tranh cãi tại châu Âu lúc bầy giờ vì theo truyền thống, người kế vị ngai vàng thường phải là nam. Trong khi rất nhiều nước quân chủ Bắc Âu đã công nhận đạo luật thì Friedrich II Đại đế của nước Phổ đã quyết định chống lại. Năm 1740, khi Maria Theresa vừa lên ngôi sau khi cha qua đời thì Friedrich Đại đế đã phát động cuộc chiến tranh kế vị nước Áo để chống lại bà. Vào thời điểm đó, bà mới 23 tuổi.
Maria Theresia đã quyết định cưới Franz I, hoàng đế La Mã và nhường ngôi hoàng đế cho chồng. Tuy nhiên thực quyền cai quản đất nước vẫn nằm trong tay bà. Khác với những cuộc hôn nhân hoàng gia khác, Maria Theresa đã tự lựa chọn người chồng tương lai cho mình. Maria Theresia đã sinh tổng cộng 16 người con, gồm 11 con gái và 5 con trai.
Maria Theresa đã tiến hành những cải cách chưa từng có để đưa nước Áo đến phồn vinh. Bà đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe của trẻ em. Vị nữ hoàng anh minh này đã thu dụng Gerard van Swieten, một thầy thuốc lừng danh người Đức để nghiên cứu cách làm giảm thiểu tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh. Dưới sự bảo trợ của nữ hoàng, vị thầy thuốc của hoàng gia này đã xây dựng bệnh viện Vienna, vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Năm 1767, vị nữ hoàng này còn phê chuẩn đạo luật chích ngừa cho trẻ em. Bà đã chuẩn y luật giảo nghiệm tử thi nhằm phục vụ cho nghiên cứu y học, một vấn đề còn nhiều tranh cãi trong xã hội thời đó.
Bên cạnh đó, Maria Theresa còn thiết lập chế độ giáo dục bắt buộc cho tất cả trẻ em từ 6-12 tuổi đến tận các làng xã xa xôi của nước Áo. Bà cũng cho phép những người không phải Công giáo được vào Đại học và đưa luật học vào giảng dạy, thay cho sự thống trị của thần học.
Maria Theresa cũng là người phân định sự lẫn lộn giữa thần quyền của Giáo hội Công giáo và thế quyền trong điều hành đất nước, đặt vai trò chủ đạo là chính quyền quân chủ và tách biệt các vấn đề tôn giáo ra khỏi chính trị, một cách tương đối trong bối cảnh thời đó.
Là tác giả của Codex Theresianus, bộ luật về quyền dân sự đầu tiên của nước Áo, bà bỏ luật hỏa thiêu và tra tấn, thay án tử hình bằng chung thân khổ sai.
Bên cạnh đó, Maria Theresia còn tổ chức lại quân đội, cải thiện sức mạnh quân sự của nước Áo lên 200%. Bà sở hữu vốn kiến thức sâu rộng về quân sự và chiến lược, thậm chí còn là một vị lãnh tụ quân sự sáng tạo hơn cả vị vua vĩ đại Friedrich II Đại đế nước Phổ. Đây cũng là người làm cách mạng trong ngoại giao khi năm 1756, liên minh với kẻ thù cũ là Pháp, để chống lại Phổ – Anh.
Kinh tế, văn hóa của Đế quốc Áo phát triển mạnh dưới sự cai trị của nữ hoàng Maria Theresia. Bà được công nhận là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất của vương triều Habsburg trong thế kỉ 18.

[3] Cung điện Schonbrunn:
Vào cuối thế kỷ 17, Hoàng đế Leopold I đã ủy nhiệm cho kiến trúc sư người Ba Rốc Johann Bernhard Fischer von Erlach, người đã được đào tạo ở Rome, thiết kế một nhà nghỉ khi đi săn cho Hoàng tử Joseph, người sau này trở thành Hoàng đế Joseph I. Thay thế tòa lâu đài được xây dựng tại đây cho nữ hoàng Eleonora của Gonzaga cai trị vào năm 1642, nơi đây đã được phát triển thành một dinh thự của Hoàng gia trong suốt thế kỷ 18.
Từ năm 1686, di sản này thuộc về Hoàng đế Leopold I, người quyết định rằng sẽ chia tài sản này cho con trai cũng là người thừa kế của ông, Joseph, và quyết định xây một nơi ở mới cho ông. Không lâu sau đó, Johann Bernhard Fischer von Erlach, đã đến tòa án theo sự giới thiệu của những luật sư quý tộc. Năm 1688, ông trình bày cho hoàng đế thiết kế đầu tiên cho cung điện mới này, nơi được gọi là dự án Schönbrunn I, ông cũng đã tìm cách để thể hiện khả năng kiến trúc của mình và thu được sự quan tâm của hoàng đế. Fischer đã nhanh chóng trở thành thầy dạy kiến trúc cho người thừa kế ngai vàng vào năm 1689 và sau đó đã có một sự nghiệp thành công với vai trò là một kiến trúc sư cho Hoàng gia và các tầng lớp quý tộc.
Vào năm 1693, Leopold I đã nhận các kế hoạch cụ thể từ Fischer cho việc xây dựng một khu nghỉ săn bắn lớn, công trình được bắt đầu vào năm 1696. Vào mùa xuân năm 1700, khu vực trung tâm được hoàn thành và sẵn sàng đưa vào hoạt động. Năm 1728, Hoàng đế Charles VI mua lại Schönbrunn, dùng làm nơi để bắn chim bồ nông. Cuối cùng ông đã tặng nó cho con gái của mình, Maria Theresa. Sau cái chết của Maria vào năm 1780, Cung điện Schönbrunn vẫn để trống và được đưa vào sử dụng như một cung điện nghỉ dưỡng mùa hè.
Trong thời kỳ trị vì của Maria Theresa, cung điện Schönbrunn mới trở thành trung tâm của Hoàng gia. Từ thời điểm này, nó đã trở thành nơi tiếp đón các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu.

[4] Nhà Habsburg: 
Gia tộc Habsburg có gốc người Đức. Thủy tổ tên gọi là Radbot, một vị bá tước sở hữu tiểu quốc có tên Klettgau, ngày nay nằm ở khu vực phần Thượng sông Rhine thuộc Swabia, tây nam nước Đức. Ông đã xây nên pháo đài Habsburg tọa lạc tại Switzerland hiện nay, và sau đó, con ông là Werner cùng cháu nội Otto đều lấy “Habsburg” làm tên cho tước hiệu thay cho cái tên cũ “Klettgau”, cũng là khởi nguồn cho danh xưng 「Haus Habsburg」.

[5] Maria Carolina: Nữ Đại Công tước Maria Carolina của Áo, Vương hậu của Napoli và Sicily.
Là người con thứ 13 của Francis I và Maria Theresa, cái tên Maria Carolina của bà được đặt để tưởng nhớ 2 người chị yểu mệnh cùng tên Maria Carolina đều mất khi còn là trẻ sơ sinh. Trong gia đình, mọi người thường gọi bà là Charlotte. Cô em gái Maria Antonia kém hơn bà 3 tuổi và Maria Antonia là đứa con áp út trong nhà, nên từ nhỏ chị em được sắp xếp ngủ chung phòng, cùng một gia sư giảng dạy và vô cùng thân thiết với nhau.
Năm 1767, chị gái Maria Josepha bị đậu mùa qua đời ngay trên đường đi lấy chồng, thế là Maria Carolina được thay thế và trở thành cô dâu của Ferdinand của Napoli và Sicily, con trai của Vua Carlos III của Tây Ban Nha. Maria Carolina khóc ầm ĩ và bảo đến Napoli kết hôn vô cùng xui xẻo, nhưng rốt cuộc chẳng thể thay đổi được, 8 tháng sau Maria Carolina lên đường đi lấy chồng khi mới 15 tuổi.
Maria Carolina không hề yêu chồng, còn thẳng thắn chê chồng xấu, tuy nhiên bà không cự tuyệt việc sinh con thậm chí sinh đến 18 đứa con cho chồng, bởi vì bà muốn sử dụng các con vào những cuộc hôn nhân chính trị, trong đó trưởng nữ Maria Theresa, cô con gái cùng tên mẹ ruột của bà, sau này được gả cho cháu trai bà và trở thành Hoàng hậu của Áo. Maria Carolina được cho là giống mẹ nhất, và về khoản ép gả con cái mình thì bà cực giống người mẹ Maria Theresa của mình.
Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Tình Yêu, Máu Và Nước Mắt.

[6] Maximilian Franz:

Louis XVI và Marie Antoinette tiếp đón Đại Công tước Maximilian của Áo, em trai của Marie Antoinette, tại lâu đài La Muette năm 1775.

[7] Trước đây, thánh lễ được quen gọi là lễ Misa. Chữ misa có nguồn gốc như sau: trước kia để kết thúc thánh lễ, vị chủ tế sẽ xướng câu Ite, missa est (Hãy đi, anh em được sai đi) và giáo dân đáp Deo gratias (Tạ ơn Chúa). Trong câu xướng lên của vị chủ tế thì chữ missa có nghĩa là sai đi, ý muốn nói rằng sau khi tham dự thánh lễ xong và ra về thì tín hữu được mời gọi, được sai đi để loan báo Tin Mừng và thực hành Lời Chúa. Về sau chữ missa được hiểu theo nghĩa rộng hơn, đó là không chỉ nói đến việc sai đi, mà còn là toàn bộ cử hành mà người tín hữu tham dự và lãnh nhận trước khi được sai đi. Do vậy chữ misa có thể được hiểu là thánh lễ.
[8] Sóc chuột: 

[9] Wolfgang Amadeus Mozart: Wolfgang Amadeus Mozart là nhà soạn nhạc người Áo. Ông là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu. Các tác phẩm của ông được xem là đỉnh cao trong các thể loại nhạc như piano, nhạc thính phòng, nhạc giao hưởng, nhạc tôn giáo và opera.


Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.