*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Bất tri bất giác, mùa thu năm 1762 đã đến.
Hành lang tầng ba dinh Schönbrunn đối diện với hoa viên Hoàng gia. Hoàng Đế Đế Quốc La Mã Thần Thánh – Đại công tước công quốc Toscana – Franz I đang nhàn nhã thưởng thức cảnh đẹp ngoài hoa viên.
Trời xanh như ngọc bích thuần khiết, gió thu thổi hương hoa hồng và violet tím xộc vào mũi. Đây là kiệt tác do đích thân Hoàng Đế và các nhà nghệ thuật xứ Lorraine thiết kế.
Gia tộc Habsburg với danh xưng “chim ưng” là một gia tộc chú trọng nghệ thuật. Nữ Hoàng và con của bà đều tinh thông âm nhạc, mỹ thuật, vũ đạo, ai cũng có sở trường riêng. Sở dĩ bà và Công tước Lorraine yêu nhau cũng vì hai người đều say mê nghệ thuật.
Bởi vậy sau khi thừa kế cung điện mùa hè đơn sơ, Nữ Hoàng bắt đầu cải tạo kiến trúc, Franz cũng dồn hết tình yêu thương nghệ thuật vào thiết kế hoa viên. Hoa viên trồng hàng cây râm mát, vòng xung quanh dinh Schönbrunn, xen lẫn với bụi hoa tạo thành khung cảnh vô cùng xinh đẹp.
Ngoại trừ nghệ thuật, Franz rất thích khoa học tự nhiên. Ông xây dựng vườn bách thú và vườn cây Schönbrunn ngay bên cạnh hoa viên, đồng thời tích góp vô số kho báu khổng lồ. Đó đều là các tác phẩm nghệ thuật và phát minh khoa học có niên đại nhiều năm.
Dù sao vợ mới là người thừa kế Vương triều Habsburg, người thống trị chân chính của Thánh chế La Mã. Ông là Hoàng Đế bù nhìn, không có thực quyền, chỉ đành hao phí thời gian vào những chuyện khác.
Sở thích này cực kỳ đốt tiền, nhưng Franz có tiền. Trời sinh ông rất giỏi buôn bán. Áo và Phổ chiến đấu nhiều năm, ông nhạy bén bán súng ống đạn dược cho Friedrich II, bởi vậy thu được khoản lợi kếch xù.
Đương nhiên không thể cho vợ biết, nếu không bà sẽ nổi giận.
Người hầu gõ cửa hành lang, “Bệ hạ, nữ đại công tước Antonia muốn gặp ngài.”
Franz vui vẻ quay đầu, “A, đúng rồi, Antonia đã về.”
“Papa!” Nhìn người đàn ông trung niên hơi béo trước mặt, Antonia nhào lên ôm ông.
“Ôi chao, nửa năm không gặp, công chúa nhỏ của ta cao quá.” Franz mỉm cười bế công chúa vài vòng.
Antonia chôn đầu trong lòng phụ thân, nức nở nói: “Papa, con thật sự rất nhớ người.”
Giây phút lâm chung, Antonia thầm nhủ may mắn phụ thân đã qua đời. Phải chứng kiến con gái út bước lên đoạn đầu đài, chắc hẳn ông rất đau khổ.
Năm cô mười tuổi, phụ thân mất. Đã ba mươi năm cô chưa gặp lại ông.
Antonia thật sự rất nhớ ông.
“Chỉ có công chúa nhỏ của ta mới thương ta nhất.” Franz mỉm cười xoa đầu con gái, “Không giống mấy thằng nhãi vô tâm kia. Ta ra ngoài mấy tháng, phỏng chừng chúng nó quên luôn mặt ta.”
Đầu năm Franz tới đại công quốc Toscana, mùa xuân mới về Vienna. Khi đó Antonia đã sang Nga.
Antonia hít mũi, lau nước mắt nước mũi lên quần áo tơ lụa cao quý của Franz. Dù sao phụ thân cũng không để ý.
Cô ngẩng đầu, nở nụ cười ngọt ngào, “Papa, con có quà cho người! Đây là quà Nữ Hoàng Nga tặng cho con, một bức tranh của Rembrandt!”
“Thật sao?” Franz vui vẻ đứng dậy, “Ái chà, Antonia của ta giỏi quá. Ngay cả Nữ Hoàng Nga cũng tặng quà cho con.”
Rembrandt, người Hà Lan, là một trong số những họa sĩ Châu Âu nổi tiếng nhất thế kỷ XVII. Cung đình Châu Âu coi việc sở hữu tranh của ông là niềm vinh quang.
“Đương nhiên!” Antonia lè lưỡi.
“Chà chà, không tệ!” Kho tàng nghệ thuật trân quý lại thêm một kiệt tác, Franz rất vui.
Ông ôm con gái út lên đùi, ngồi dựa vào sofa. Ánh nắng ấm áp chiếu vào, tỏa sáng chùm nho và cherry trên chiếc bàn tròn gỗ lim. Trái cherry đỏ hồng bị ánh mặt trời chiếu, long lanh tỏa sáng như bôi thêm mật ngọt.
“Tặng ta món quà quý giá như vậy, công chúa nhỏ muốn gì?” Franz mỉm cười hỏi con gái.
“Hì hì.” Antonia ngẩng đầu, xấu hổ cười đáp: “Sao cái gì papa cũng biết.”
Không hổ là phụ thân, lập tức đoán ra ý đồ của cô.
Franz gõ nhẹ lên trán con gái, “Con là con gái ta, sao ta có thể không đoán ra? Nói đi.”
Dù sao con gái muốn gì, ông đều có thể thỏa mãn. Là một trong số những người giàu có nhất Châu Âu, ông nguyện trao những thứ tốt nhất cho các con.
“Là thế này… Lúc ở St. Petersburg con chứng kiến hai vụ hỏa hoạn. Sau đó con mới biết vụ hỏa hoạn này liên quan tới Hoàng thất Nga và Vương thất Serbia.”
Cô nói xong, sợ hãi ôm ngực.
“Ôi chao, con có bị thương không? Khổ thân công chúa nhỏ của ta bị dọa!” Franz đau lòng vỗ lưng cô.
“Papa, con không sao! Nhưng con nghĩ… mình nên học kỹ năng bảo vệ bản thân, ví dụ như kiếm thuật hoặc bắn súng.” Antonia lắc tay phụ thân, “Như vậy nếu gặp nguy hiểm, con không luống cuống.”
Franz nhíu mày, “Chỉ có con trai mới học thứ này. Con là công chúa, đương nhiên có đội hộ vệ bảo vệ con.”
Nhìn xem lũ người Nga dã man làm trò gì! Dám dọa sợ công chúa nhỏ nhà ông!
“Không phải lúc nào bọn họ cũng ở bên con. Hơn nữa nếu nguy hiểm xảy ra ngay trong cung đình, đội hộ vệ cũng vô dụng.”
Antonia giơ tay chọt mặt mình. Chà, mềm mại mịn màng, sờ rất thích.
Bỗng nhiên cô hiểu vì sao Ekateria thích xoa mặt cô.
“Papa nghĩ xem, con gái người ngoan ngoãn xinh đẹp, tương lai chắc chắn sẽ trở thành Vương Hậu một quốc gia hùng mạnh. Khi đó con sẽ đương đầu với vô số nguy hiểm!”
Franz bị chọc cười. Con gái út còn nhỏ, nhưng vừa nhìn đã biết là mỹ nhân, tương lai chắc chắn sẽ làm Vương Hậu một quốc gia.
Nhưng ông không coi lời con gái là thật. Cho dù cung đình có biến, cơ bản chỉ nhằm vào thành viên nam trong Vương thất. Công chúa yếu ớt vô hại, không lo gặp nguy hiểm.
Con gái sợ hãi, để cô học cũng không sao. Dù sao ông hiểu tính Antonia, chỉ thích chơi, không có sức chịu đựng cao, e rằng học được một thời gian sẽ… không bao giờ học lại.
“Được rồi, con đã muốn, ta sẽ bảo Leo tìm thầy kiếm thuật và thầy bắn súng có kinh nghiệm cho con.”
Leo là đội trưởng đội hỏa thương cung đình, vừa nhậm chức năm nay, có mối quan hệ mật thiết với vợ chồng Hoàng Đế.
Ông ấy nhân danh Nữ Hoàng lên chiến trường, hơn nữa Hoàng Đế không thể lên chiến trường vì Hoàng Hậu ngăn cản, vậy nên Hoàng Đế thường hỏi thăm tình hình từ ông ấy.
Tuy hiện tại lớn tuổi, thân thể không còn linh hoạt, Hoàng Đế cũng không còn mộng chiến trường, nhưng hai người vẫn trao đổi qua lại.
“Papa tốt nhất!” Antonia ngẩng đầu, thơm má Hoàng Đế.
“Còn gì nữa?” Franz vui vẻ vì được con gái thơm má, “Học hành không tính là quà, coi như ta bổ sung thêm chương trình học cho con.”
“A, vẫn còn.” Antonia mỉm cười ôm vai phụ thân, “Papa biết máy hơi nước không?”
Yêu cầu này do Nikola đề nghị.
Anh giới thiệu cho Antonia máy hơi nước là gì. Đại khái nhét hơi nước vào không gian kín, dùng nó để tạo ra năng lượng lớn, tựa như dùng nước đẩy cối xay, gió đẩy máy xay gió.
“Ừ, ta có mấy bộ mô hình.” Franz đáp.
Là Hoàng Đế quan tâm nghiên cứu khoa học, ông lưu trữ vài bộ máy hơi nước thế kỷ trước. Tuy thứ này cồng kềnh, không có nhiều tác dụng, nhưng người yêu khoa học như ông hiểu tầm quan trọng của nó. Đây là thứ máy móc sử dụng ngoại lực tự nhiên tạo ra năng lượng, không cần nhân lực nhúng tay!
“Tốt quá!” Antonia vui vẻ, “Con quen một người bạn đang nghiên cứu loại máy này, có lẽ có thể phát huy tác dụng của nó.”
“Bạn?” Franz nhạy bén nhận ra điểm khác thường.
“Papa yên tâm, là con trai một vị công tước Croatia.” Antonia mỉm cười, “Con thấy rất thú vị, muốn nhờ papa dạy nên kinh doanh như thế nào.”
Xem ra lại nghĩ trò mới, không khác đống váy vóc là bao. Đế quốc thống trị Croatia, quý tộc nơi đó không dám làm gì nữ đại công tước.
“Đương nhiên không thành vấn đề, công chúa thân yêu của ta.” Franz yêu chiều nhéo má con gái.
Con gái bảy tuổi của ông có thể nghiên cứu gì? Ông không tin.
Nhưng điều này không quan trọng. Ông thừa tiền, cho dù thứ phát minh kia vô dụng, chỉ cần con gái vui, vậy ông không quan tâm.
Dù sao vẫn cần điều tra “người bạn” kia.
Mười một cô công chúa là kho báu nước Áo. Người thường không dám làm gì, nhưng rất nhiều quý tộc ngấm ngầm có ý đồ với con gái của ông.
Muốn mượn danh nghĩa Hoàng thất buôn bán? Hoàng Đế Franz dễ tính, không quan tâm.
Nhưng dám xuống tay với con gái ngoan của ông, đừng trách Hoàng Đế một nước làm chuyện quá phận.
...
Antonia vui vẻ ra khỏi hành lang.
Yêu cầu của Nikola thông qua, cô cũng được phụ thân cho phép học kiếm thuật và bắn súng, rất nhanh có thể thực hành. Mọi thứ đều theo đúng quỹ đạo.
Cô khoan khoái chạy vào phòng hộ sinh của nữ đại công tước Isabella – vợ anh trai Joseph.
Thời điểm cô rời Vienna, Isabella mang thai bảy tháng. Hiện tại cháu gái của Antonia đã được sáu tháng tuổi.
Chị gái Johanna mười hai tuổi và Caroline mười tuổi đang ở bên chị dâu.
Johanna vừa thấy Antonia đi vào, vui vẻ hỏi: “A, Antonia về rồi! St. Petersburg thế nào?”
“Rượu Nga thế nào?” Carolina cười hì hì, “Nghe nói em suýt nữa chết cháy?”
“Carolina!” Johanna đánh nhẹ em gái.
Carolina thè lưỡi, “Được rồi, em còn phải chuẩn bị cho bài kiểm tra ngày mai. Hẹn gặp lại!”
“Rượu Nga ngon lắm.” Antonia mỉm cười, “Hẹn gặp lại, chúc thi tốt.”
Cô nhìn Isabella yếu ớt, “Bella, chị và Sisi ổn không?”
Theo truyền thống gia đình, hậu duệ của con trưởng Nữ Hoàng phải đặt tên giống Nữ Hoàng. Cô bé tên Maria Theresa [1], Sisi là tên thân mật.
“Ừ.” Chị dâu Isabella miễn cưỡng mỉm cười.
Cô ấy luôn lo được lo mất, lần mang thai này phải chịu vô số tra tấn. Ba tháng sau khi hạ sinh, Isabella nằm liệt trên giường suốt sáu tuần.
Antonia đau lòng xoa tay cô ấy, “Tay chị lạnh quá.”
Mùa thu mát mẻ, nhưng ánh nắng mặt trời vẫn ấm áp.
Isabella do dự một lúc, nhỏ giọng nói: “Tháng trước chị sảy thai.”
Antonia ngạc nhiên. Isabella mới hạ sinh chưa đến nửa năm đã lại sảy thai?
Kiếp trước cô không rõ, có thể do còn nhỏ, không biết nhiều.
Nhưng hiện tại Antonia từng bước qua cửa tử, còn sinh bốn đứa nhỏ, hiểu chuyện này vớ vẩn nhường nào.
Anh trai ngu ngốc!
“A, anh trai đúng là đồ ngốc!” Antonia xoa thái dương, “Bella, chị không biết, thực ra anh ấy rất quan tâm chị. Nhưng bộ não chết tiệt của anh ấy chỉ quan tâm chính trị, không biết thể hiện tình yêu!”
Hơn nữa khuyết thiếu kiến thức sinh lý trầm trọng. Bởi vì Nữ Hoàng khỏe mạnh, sinh được mười sáu người con, vậy nên bà nghiễm nhiên bỏ qua việc phụ nữ sinh đẻ khó khăn như nào, cũng khiến con trai bà bị ảnh hưởng.
“Không…” Isabella cúi đầu, “Vận mệnh của chị đến đây thôi. Chị đã sớm biết mình không sống lâu.”
Ba năm trước, mẫu thân cô ấy chết trước ngày hôn lễ của cô ấy.
Isabella mãi mãi không quên khoảnh khắc bà bị bệnh tật quấn thân. Từ đó về sau cô ấy luôn mơ thấy ác mộng, cảm giác tử thần đang tới gần.
Cô ấy biết bản thân còn trẻ, nhưng thần chết đang ngoắc tay mời gọi cô ấy.
“Đừng nói vậy!” Johanna sợ hãi, vội vàng vỗ vai chị dâu.
Antonia thở dài. Chị dâu bị áp lực đè nén, có lẽ đây chính là nguyên nhân khiến một năm sau cô ấy qua đời.
May mắn Antonia trùng sinh.
Nói thật, dù bị kẻ khác đồn thổi hay chồng ghẻ lạnh, cô có kinh nghiệm đầy mình, cũng biết nên điều tiết tâm lý như thế nào.
Antonia có thể thay đổi vận mệnh của Isabella.
Nghĩ vậy, cô thử phân tán sự chú ý của Isabella, “Sisi đâu?”
“Ở chỗ Ajia.” Johanna hiểu ý em gái, đứng dậy, “Chị bảo cô ấy bế con bé qua đây.”
Ajia là bảo mẫu Hoàng thất.
Đứa bé sáu tháng tuổi nằm trong tã lót tơ tằm khảm trâu châu, khuôn mặt trắng hồng. Vừa nằm trong lòng mẫu thân, cô bé choàng mở mắt.
“Xin chào, Sisi.” Antonia nắm tay cháu gái.
Đứa bé mở to mắt, ngây thơ nhìn Antonia, sau đó vung tay cười khanh khách.
Antonia nhìn đôi mắt lam to tròn hồi lâu.
Nháy mắt bên tai vọng tiếng trẻ con non nớt, “Antonia, hứa rồi đó!”
Đó là giọng Maria Theresa, nhưng lại không phải giọng cô bé. Đây là giọng Maria Theresa năm bảy tuổi.
Nhiều năm trước, ở cung điện Schönbrunn, Sisi là công chúa nhỏ tuổi nhất. Antonia chỉ lớn hơn cô bé bảy tuổi.
Là con gái út của Nữ Hoàng, Antonia không có em gái. Sisi mất mẹ từ nhỏ.
Vì thế cô bé như em gái Antonia, luôn ở bên cô.
Ngày cháu gái nhỏ lên bảy, Antonia mười bốn tuổi đã đính hôn với Thái Tử nước Pháp. Cô vui vẻ nói với cô bé, “Chờ cháu lên tám, cô sẽ mời cháu tới Paris chơi!”
Maria Theresa nắm chặt tay cô, vui vẻ đáp: “Antonia, hứa rồi đó!”
Năm sau, Antonia mười lăm tuổi một mình tới nước Pháp, trở thành Thái Tử phi.
Nhưng Maria Theresa không tới Paris.
Bởi vì cô bé không sống đến năm tám tuổi.
“Sisi rất thích em.” Giọng Isabella đánh thức Antonia đang thất thần.
“Đương nhiên.” Antonia mỉm cười, “Em vừa xinh đẹp vừa đáng yêu, sao có thể không thích em.”
“Antonia thật là!” Johanna nhéo mũi cô.
Ngay cả Isabella cũng mỉm cười.
Ánh nắng đầu thu xuyên qua kính thủy tinh, chiếu vào nhà hộ sinh. Trong phòng thoang thoảng mùi đào và lê thơm lừng.
Antonia nhận ra sự thật tàn khốc.
Tuy hiện tại chị dâu Isabella, chị gái và cháu gái đều đang vui vẻ, nhưng năm sau, chị dâu và chị gái đều qua đời vì bệnh đậu mùa.
Tám năm sau, ngay cả cháu gái cũng chết non.
Thời gian chìm nổi, phòng hộ sinh lại nghênh đón những đứa trẻ khác nhà Habsburg. Nhưng trong số mấy người đang cười vui ở đây, vài năm sau chỉ còn Antonia sống sót.
Đột nhiên ngón tay cảm nhận làn da mềm mại của trẻ con.
Antonia ngẩn ra, cúi đầu, phát hiện Sisi bắt được tay cô, nở nụ cười ngọt ngào.
Antonia đỏ mắt.
Cô nhẹ nhàng nắm chặt ngón tay bé nhỏ, nhìn cô bé.
Yên tâm, lần này cô sẽ bảo vệ cháu.
_____
Lời tác giả:
Gặp bố mẹ √ (hoàn thành)
Nikola: Không, ta không làm gì hết. Bệ hạ, người nghe thần giải thích.
_____
Một số bình luận của cư dân mạng Trung:
– Sinh mười sáu người con… quả nhiên… cơ thể người với người thực sự khác nhau.
– Hy vọng phụ thân, chị dâu và công chúa nhỏ đều khỏe mạnh.
_____
[1] Maria Theresa Elisabeth Philippine Luise Josepha Johanna (1762–1770): Con gái của Hoàng Đế Thánh chế La Mã Joseph II và Isabella xứ Parma, qua đời vì căn bệnh viêm màng phổi.
Từ trái sang phải: Nữ đại công tước Maria Theresa, nữ đại công tước Maria Carolina, nữ đại công tước Maria Antonia, đại công tước Maximilian. Bức tranh được vẽ năm 1763.