*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
“Bé cưng của ta, hôm nay con quá đỗi xinh đẹp.” Quốc Vương nắm tay Thái Tử phi, cúi đầu hôn nhẹ.
“Thưa bệ hạ, đó là vì thái dương nước Pháp yêu thương con.”
Quốc Vương nước Pháp thích coi mình là vầng thái dương. Louis XV rất hài lòng với lời khen không quá lộ liễu của Thái Tử phi.
Antonia đã nhìn quen hôn lễ long trọng trong giáo đường, vậy nên không khẩn trương. Thái Tử chưa bao giờ kết hôn nắm chặt tay Antonia, bất an nhìn cô.
Antonia nhớ lại, hình như cũng là giờ khắc này kiếp trước, cô mới dần cảm thông Thái Tử. Khi đó lần đầu tiên Antonia ý thức được, Louis cũng hoảng sợ bất an giống cô. Đối mặt với hiểm ác tương lai, ít nhất bọn họ là bạn đồng hành.
Vì thế Antonia nhìn Louis, “Đừng khẩn trương, bọn họ đều đang nhìn chúng ta. Người mặc chiếc váy khảm bốn nghìn viên kim cương không phải chàng.”
Thái Tử khẩn trương tới mức đi cùng chân cùng tay ngẩn ra, sau đó phì cười. Anh ấy vội vàng hắng giọng, che giấu bản thân không lễ phép.
Giáo đường tổ chức lễ Missa, ký tên lên khế ước hôn nhân, hôn lễ kết thúc. Dưới sự chứng kiến của hơn sáu ngàn người, các góc hoa viên châm pháo, không trung sáng bừng.
Antonia thản nhiên đối mặt với tất cả, không hề tỏ thái độ khủng hoảng. Ngay cả bá tước phu nhân Noailles cũng không thể bắt bẻ cô.
Chờ điển lễ kết thúc, dàn nhạc Hoàng gia tấu khúc nhạc huy hoàng, cận vệ Pháp nổ pháo ăn mừng. Một tay Quốc Vương nắm tay Thái Tử, tay còn lại nắm tay Thái Tử phi, dẫn bọn họ tới phòng tân hôn của hai vợ chồng.
Đức giáo mục Remus chúc phúc, mọi người nối đuôi nhau rời đi.
Từng lớp rèm kéo xuống, nến trắng trong phòng đồng loạt thổi tắt, cánh cửa lớn màu vàng từ từ đóng lại.
Trong phòng ngủ chỉ còn hai người họ.
Từ khi vào giáo đường, Louis đã vô cùng khẩn trương. Lúc này thần kinh anh ấy banh chặt.
Thực ra có người dạy anh ấy kết hôn nghĩa là gì, nhưng anh ấy… không biết nên làm thế nào.
Louis nằm một bên giường, gian nan suy nghĩ.
Anh ấy nên nói gì.
“Thái Tử phi, hôm nay em làm tốt lắm. Chúc em ngủ ngon.”?
Câu sau và câu trước không liên quan tới nhau. Không được.
…Chẳng lẽ không nói gì, cứ thế đi ngủ?
Như vậy không lễ phép. Thái Tử phi là công chúa xinh đẹp nhất, dù đương đầu với lễ nghi cũng không hề sợ hãi. Tất cả mọi người đều nói vậy.
“Thái Tử phi ngủ sớm đi, chúc em ngủ ngon.”?
Được!
Louis khẩn trương nuốt nước miếng, nắm chặt tay kích thích bản thân, nơm nớp quay đầu.
Đầu giường rực sáng, nháy mắt dọa những lời anh ấy định nói bay biến.
Louis: “…”
Anh ấy trợn mắt há hốc mồm nhìn Thái Tử phi xốc chăn xuống giường, thành thục lấy giấy và bút bên chiếc bàn đầu tường, sau đó xách giá nến tới đầu giường.
“Louis, chàng mệt không?” Cô mỉm cười.
“Không…” Louis ngơ ngác đáp.
“Được rồi.” Antonia từ từ dẫn dắt, “Chúng ta thảo luận thứ này.”
“Chàng từng nghe máy hơi nước chưa?”
...
Đêm nay Antonia ngủ rất ngon. Thứ nhất, cô không cần giữ nếp tóc. Thứ hai, cũng là nguyên nhân quan trọng hơn cả, cô và Thái Tử thảo luận về máy hơi nước đến tận nửa đêm.
Kiếp trước Louis không động phòng với cô suốt bảy năm. Đến tận khi anh trai cô – lúc đó đã là Hoàng Đế Áo, dùng tên giả “bá tước Stein” cải trang tới Paris mật đàm với Louis XVI, anh ấy mới dũng cảm nhờ y khoa can thiệp.
Mới là ngày đầu tiên, vẫn còn mấy năm nữa, tất cả phải dựa vào tâm tình Antonia. Hiện tại cô có rất nhiều chuyện phải làm.
Hơn nữa nhóc béo còn nhỏ.
Hôm nay là cuối tuần, dựa theo lễ nghi cung đình, bọn họ cần yết kiến Quốc Vương. Nói trắng ra, bọn họ cần xem bệ hạ rời giường.
Mười rưỡi sáng, tất cả thành viên Vương thất, đức giáo mục, đại thần nội các, đại thần ngự tiền, thậm chí bác sĩ nội khoa của Quốc Vương tề tựu đông đủ trong phòng ngủ của Quốc Vương.
Nghi thức bắt đầu, nam hầu phòng ngủ đứng trước giường Quốc Vương kéo rèm ra. Mọi người nhiệt liệt vỗ tay, tỏ vẻ tất cả đều rất vui vì Quốc Vương không chết đêm hôm trước.
Không phải quý tộc nào cũng có vinh dự được ngắm Quốc Vương rời giường. Tất cả mọi người tranh nhau tầm nhìn tốt nhất, tuy rằng quy trình ngàn lần như một. Nam hầu phục trang và nhà thiết kế tóc giả đưa ra các lựa chọn để Quốc Vương lựa chọn. Người này cởi mũ cho ông ta, người kia cởi dép lê, người nọ tròng thêm áo, mọi việc đều theo trình tự.
Quốc Vương bệ hạ nhìn Thái Tử và Thái Tử phi trẻ tuổi, mỉm cười nói: “Trưa nay chúng ta tổ chức yến hội gia đình nhỏ.”
Người khác không phản ứng, Antonia lại mỉm cười.
Cuối cùng trò hay cũng mở màn.
Quả nhiên Antonia vừa ngồi xuống, chỉ thấy người phụ nữ ngồi ở đầu bàn dài bên kia sực nức phấn thơm, toàn thân điểm xuyết trân châu kim cương, nhìn mà hoa cả mắt.
Bá tước phu nhân Noailles đi vào, vừa thấy cô ta, sắc mặt bà ta thay đổi.
Ba vị công chúa lớn tuổi – Adelaide, Victoire và Sophie [1] ngồi cạnh cô cũng hai mặt nhìn nhau.
“Không biết xấu hổ!” Adelaide nhỏ giọng mắng.
“Chỉ vậy mà thôi.” Sophie lạnh lùng đáp.
“Đối với người chính trực mà nói…” Bá tước phu nhân Noailles nhìn Antonia, “Cần phải cẩn trọng từ lời nói tới việc làm, tuyệt đối không thể bị kẻ không lên được mặt bàn vấy bẩn.”
Nói xong, bà ta hếch cằm. Ngay cả ba vị công chúa cũng nhìn về phía này.
Bọn họ đang chờ Thái Tử phi trẻ tuổi đặt câu hỏi.
Kiếp trước Antonia hỏi, sau đó nhận được đáp án: “A, đó là phu nhân du Barry.”
Về phần tình nhân Quốc Vương, xuất thân nhà thổ, không có khiếu thưởng thức, chỉ biết dát trang sức lên người, sau này mọi người mới tiết lộ cho cô.
Kiếp này Antonia… Antonia vui vẻ nghiên cứu chocolate nóng trước mặt.
“Thái Tử phi điện hạ.” Bá tước phu nhân Noailles hắng giọng: “Hiện tại người là vị phu nhân có địa vị cao quý nhất Hoàng cung, lễ nghi Versailles…”
“Bà nói đúng.” Antonia mỉm cười, “Nhờ lễ nghi Versailles, chúng ta mới được thưởng thức chocolate nóng. Bà biết không? Chỉ cần thêm chút nước đường, chút hoa oải hương, thêm bột cacao đen, đây chính là mỹ vị nhân gian.”
“Ha ha.” Quốc Vương vừa vào nghe thấy cô nói vậy, vui vẻ phất tay, “Làm theo lời Thái Tử phi đi. Ta đoán đó là ly chocolate nóng ngon nhất trần đời.”
Louis tò mò nhìn cốc chocolate nóng trước mặt Thái Tử phi, vô cùng hâm mộ.
Antonia có chocolate nóng ngọt ngào, anh ấy chỉ có ly rượu đắng chát.
Quốc Vương đã ngồi vào bàn ăn, đương nhiên không có ai dám nhắc tới phu nhân du Barry trước mặt ông ta.
Dùng bữa xong, Antonia quay về phòng ngủ, phát hiện một chiếc rương phong cách cổ xưa đặt trên tủ đầu giường.
Cô mở ra, ánh hào quang suýt nữa lóe mù mắt. Khuyên tai trân châu sặc sỡ lóa mắt khảm kim cương và ruby nơ bướm, vòng cổ trân châu ba tầng tạo hình giọt nước, cài áo ngọc lục bảo, trang sức màu vàng. Mỗi một món đều đang tỏa sáng.
Bên cạnh là tờ giấy viết ngoáy.
“Đây là trang sức của Vương Hậu nước Pháp, hiện tại nó thuộc về con, bé cưng.
Ông nội yêu quý của con, Quốc Vương Louis XV.”
Hửm?
Hiển nhiên Quốc Vương bệ hạ biết dẫn tình nhân tới bàn tiệc Vương thất là hành vi không đúng. Đây là bữa trưa đầu tiên của cháu dâu ở Versailles, Antonia không làm gì khiến phu nhân du Barry bẽ mặt, vậy nên ông ta… ngầm bồi thường và cảm ơn?
Antonia nheo mắt cầm tờ giấy.
Kiếp trước cô không ngờ mọi chuyện sẽ như vậy.
Quốc Vương rất hài lòng thái độ của Antonia ở yến tiệc, lại phái người tới nhắn: Lúc trước thị nữ của cô chịu điều tiếng, không thể tiếp tục nhậm chức. Hiện tại cô có quyền lựa chọn thị nữ mới.
Đây là đãi ngộ Thái Tử phi vừa kết hôn chưa bao giờ có.
Antonia không khách khí, giả vờ lật danh sách thị nữ cung điện Versailles, nhanh chóng tìm thấy cái tên quen thuộc.
Henriette [2], con gái út của bá tước Genet.
Nhà cô ấy ở ngay trung tâm Paris, cách cây Kraków không xa.
Cô ấy chính là một trong số các cộng tác viên của “Rheinische Zeitung” mấy năm nay liên tục thua lỗ.
Ngài bá tước không thích công việc này, mang cô ấy tới Versailles, hy vọng cô ấy tìm được tấm chồng ưng ý.
Antonia mỹ mãn đuổi người đi, rốt cuộc cũng nhận được tin tức cô chờ đã lâu.
Frankfort Johann Wolfgang von Goethe xin được cầu kiến.
“Điện hạ, xin phép cho thần được cảm ơn người khảng khái vươn tay, giúp thần thoát khỏi khốn cảnh.”
Goethe là thiếu niên cao lớn, đôi mắt to sáng ngời, giống hệt ánh lửa hừng hực cháy.
“Vì ta nên ngài mới rơi vào khốn cảnh, ta nên xin lỗi mới đúng.” Antonia mỉm cười đáp.
“Sao có thể là lỗi của người?” Goethe kích động, “Người vừa cao quý vừa thiện lương, không chỉ không trách phạt người phạm sai, còn bận tâm tới người vô tội…”
“Được rồi.” Antonia cười khoát tay, “Chúng ta không nên lãng phí thời gian khen ngợi nhau.”
Một người Đức, một người Áo, mất thời gian nói vô nghĩa giống người Pháp làm gì?
Goethe ngạc nhiên, lập tức hiểu ý, “Mời người nói!”
“Ta nghe nói ngài có năng khiếu văn chương, rất thích sáng tác.” Antonia bình tĩnh hỏi: “Mạo muội hỏi một câu, hiện tại ngài đã có tác phẩm nào chưa?”
Đôi mắt Goethe lóe sáng, giống như đang nói “Thần biết ngay người sẽ hỏi vậy”.
Anh ấy kiêu ngạo lấy mấy cuốn sách. Anh ấy đã chuẩn bị từ trước, chỉ chờ khoe tài năng với Thái Tử phi điện hạ.
“Đúng như người nói, thần đã viết xong một tập thơ. Ngoài ra một năm qua thần đang tập trung viết tiểu thuyết, hiện tại đã viết được hơn nửa… Chà, thần viết bằng tiếng Đức.”
Các tác phẩm anh ấy mang đến đều viết bằng tiếng Đức, nhưng anh ấy không lo. Tiếng Đức là ngôn ngữ nước Áo, Thái Tử phi điện hạ đọc được.
Antonia cầm bản nháp cuốn tiểu thuyết, mỉm cười nói bằng tiếng Đức, “Nỗi đau của chàng Werther?” [3].
Goethe ngạc nhiên.
Anh ấy thấy các thị nữ hai mặt nhìn nhau, bỗng nhiên vui sướng vì trò đùa dai thành công.
“Vâng, đúng vậy. Cuốn sách này viết về chàng thiếu niên tên Werther yêu một cô gái đã có vị hôn phu…”
Tốt lắm. Tình yêu bị thế tục ngăn cấm, mâu thuẫn xung đột tăng cao, có thể hấp dẫn ánh mắt mọi người.
Antonia suy nghĩ.
“Điều này ảnh hưởng tới rất nhiều người yêu nhau nhưng không thể đến được với nhau.”
Tốt, cực kỳ tốt. Như vậy có thể lừa vô số nước mắt, khiến mọi người chú ý kết cục, có đề tài để thảo luận.
Quan trọng hơn cả…
“Ngài viết đến đâu rồi?”
“Chà, chỉ còn đoạn cuối, thần đã nghĩ xong tình tiết…” Goethe xấu hổ gãi đầu, “Chẳng qua dạo này mải du lịch, chưa kịp viết.”
“Được rồi.” Antonia mỉm cười đứng lên, “Ngài Goethe, ta có một người bạn…”
Mãi đến khi Goethe rời cung điện Versailles, xe ngựa xuyên qua hoa viên xanh tươi và con sông gợn sóng, anh ấy vẫn cảm thấy hết thảy không giống thật.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh ấy còn chưa viết xong đã được xuất bản!
Đích thân Thái Tử phi nước Pháp giật dây giúp bạn, thân thiết hỏi anh ấy muốn mời phiên dịch hay anh ấy tự phiên dịch. Đương nhiên Goethe nguyện ý tự phiên dịch.
Như vậy anh ấy vừa được thêm tiền nhuận bút, hơn nữa cam đoan chất lượng văn chương, muốn chỉnh sửa đoạn nào cũng được. Nếu nhờ người khác dịch, anh ấy không thể tự chủ với tác phẩm của mình.
Điều khiến anh ấy hoang mang là… tiểu thuyết dùng hình thức “còn tiếp” để ra mắt độc giả.
Được rồi, điều kiện trên quá mức hậu hĩnh, dù sao anh ấy chưa xuất bản tác phẩm hoàn chỉnh đã được lĩnh tiền nhuận bút.
Goethe chỉ lo lắng… sẽ có người đọc tiểu thuyết của anh ấy?
______________
Một số bình luận của cư dân mạng:
– Ha ha, tất cả mọi người đều vui mừng vì Quốc Vương không chết vào đêm hôm trước là cái quỷ gì?
– Cứu mạng, đống quy tắc này biến thái quá.
– Tôi tự hỏi… nhóc béo không phải người xấu, nhưng nam chính là Nikola, sau này tác giả xử lý tuyến tình cảm kiểu gì? Nếu nhóc béo không phải người xấu, Marie và Nikola lại chân trong chân ngoài… Không hiểu sao tôi cảm thấy… chột dạ… Hơn nữa Marie còn lên làm Nữ Vương Pháp, chẳng phải như vậy vừa mất tư cách làm vợ vừa mất vương vị…
– Giờ tôi mới biết Louis XV là ông nội mười sáu?
– Nikola logout tới bao giờ?
______________
Đám cưới của Marie và Louis XVI trong manga Innocent:
Ba công chúa được khắc họa trong manga Innocent:
______________
[1] Những cô con gái của Louis XV:
Trong Hoa hồng versailles có xuất hiện 3 cô con gái của Vua Louis XV, tức 3 bà cô chồng lắm lời xúi Marie Antoinette chống đối với Madame du Barry. Louis XV có tổng cộng 10 người con gồm 8 cô con gái và 2 người con trai (tính số con hợp pháp được hoàng hậu hạ sinh, chứ ông này đào hoa gái gú đầy ra), trong số 10 người con thì chỉ có 7 người con sống qua tuổi trưởng thành. Về những đứa con gái của Louis XV, trừ người trưởng nữ kết hôn lập gia đình thì những cô con gái còn lại đều chọn cuộc sống độc. nhưng điểm chung của tất cả những vị công chua này là căm ghét mấy bà tình nhân của vua cha và cho rằng những người đó khiến vua cha lạnh nhạt với mẫu hậu của họ. Nói tới đây mới thấy tởm lão vua Louis XV dâm dê này, cưới vợ về đẻ ra bao nhiêu đứa con, vậy mà còn lăng nhăng.
1. Công chúa Louise Elisabeth của Pháp:
Trưởng nữ của Louis XV. Khi công chúa đến tuổi cập kê, hoàng gia Châu Âu chẳng còn mối nào phù hợp tuổi với công chúa, kết quả Công chúa Louise Elisabeth đành chấp nhận kết hôn với con trai thứ của Vua Tây Ban Nha. Thân là Trưởng công chúa lại là công chúa Pháp hùng mạnh, không những thế là 1 người tham vọng, vậy phải hạ mình lấy 1 hoàng tử không có khả năng thừa kế ngai vàng đối với bà là 1 sự thất vọng nặng nề. Về sau ông chồng phấn đấu tranh được cái tước vị Công tước xứ Parma khiến bà nở mày nở mặt 1 chút. Bù lại, 2 đứa con gái của bà, 1 người làm hoàng hậu Áo, 1 người làm hoàng hậu Tây Ban Nha.
2. Công chúa Henriette của Pháp:
Thứ nữ của Louis XV và là em gái sinh đôi của Công chúa Louise Elisabeth. Henriette được đánh giá là xinh đẹp hơn người chị song sinh và có năng khiếu âm nhạc, tuy nhiên vị công chúa này lại bạc mệnh khi qua đời ở tuổi 24.
3. Công chúa Adelaide của Pháp:
Thứ nữ của Louis XV. Lúc trẻ, Adelaide cảm nắng 1 anh chàng cận vệ và gửi tặng anh ta chiếc khăn tay và 1 chiếc hộp. Cấp trên của anh cận vệ này biết được và bẩm lên nhà vua, nhà vua ban cho anh cận vệ 1 số tiền lớn và chuyển anh ta sang chỗ khác làm việc. đến tuổi lấy chồng, Vua Louis XV tính cho Adelaide lấy vua Charles III của Tây Ban Nha, vừa nhìn thấy tranh chân dung của đối tượng thì Adelaide kiên quyết cự tuyệt. Về sau Adelaide nhất quyết không chịu kết hôn và quyết định sống độc thân. Nguyên nhân thứ nhất là vì lúc đó không có hoàng tử nào phù hợp và phải theo Công giáo La Mã, 2 là vì công chúa không muốn rời xa quê hương Pháp lấy chồng xa xứ. sau này, 3 cô em của Adelaide cũng chọn sống độc thân, và bà cầm đầu hội chị em độc thân này. Hội chị em bà rất ghét mấy bà tình nhân của vua cha, và đặc biệt họ cực kì ghét và chống đối Madame du Barry, cũng vì vậy họ xúi giục Marie Antoinette đối đầu lại bà ta.
4. và 5. Công chúa Victoire và Công chúa Sophie:
Đều sống độc thân và gia nhập hội của Adelaide. Khi nàng công chúa Áo Marie Antoinette sang Pháp làm thái tử phi, bộ 3 chị em độc thân này vô cùng thân với Marie Antoinette vì họ có kẻ thù chung là Madame du Barry. Nhưng từ sau khi Louis XV ra tối hậu thư bắt Marie Antoinette chào hỏi du Barry thì liên minh dần tan ra. Khi Marie Antoinette trở thành hoàng hậu thì quan hệ 3 bà cô chồng – cháu dâu không còn thân thiết như xưa nữa.
Công chúa Victoire:
Công chúa Sophie:
6. Công chúa Louise của Pháp:
Con gái út của Louis XV. Khi Hoàng hậu hạ sinh vị công chúa này, ngự y nói ca sinh nở này vô cùng nguy hiểm, nếu sau này có thai thêm lần nữa sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Cũng vì thế từ sau khi hạ sinh Công chúa Louise, Hoàng hậu không cho Louis XV thân mật với bà nữa. Công chúa Louise từ nhỏ đã ốm yếu, lớn lên quyết định độc thân và gia nhập hội của 3 chị em trên. Nhưng rồi bỗng dưng vị công chúa này trở nên sùng đạo, và quyết định đi tu 1 cách bí mật vào năm 1770, cũng vào thời điểm đó hoàng gia Pháp đang chuẩn bị tổ chức hôn lễ cho thái tử Louis-Auguste và Marie Antoinette.
Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Tình Yêu, Máu và Nước Mắt
[2] Henriette Campan: Thị nữ từng phục vụ cho Marie Antoinette trước khi Cách Mạng Pháp diễn ra.
[3] Nỗi Đau Của Chàng Werther: Chán ghét đời sống thị thành rối ren vô hy vọng, Werther trở về làng quê Wahlheim. Ở nơi ấy, dưới bầu trời xanh, giữa những thung lũng tuyệt đẹp có lũ trẻ hồn nhiên và những nông dân chất phác thuần hậu, tâm hồn trống rỗng của chàng dường như đã trở nên lắng dịu và thư thái. Nhưng định mệnh đưa đẩy, khiến Werther gặp gỡ với thiếu nữ Lotte thanh tú, yêu kiều. Và trái tim nồng nhiệt của chàng nghệ sĩ, dù trốn chạy nơi đâu cũng không thể nguôi quên một mối tình si chỉ biết tôn thờ và dâng tặng, để rồi tan vỡ bi thảm…
Là một trong những best-seller đầu tiên của thế giới, năm 1774, vừa được xuất bản, Nỗi đau của chàng Werther đã bùng lên như một cơn sốt, lan khắp châu Âu, đem lại sự nổi tiếng tức thì cho Johann Wolfgang von Goethe mới bước sang tuổi 25 đang vô danh. Tác phẩm đã gây nên một phong trào sáng tác thơ, kịch, nhạc mô phỏng Werther ở châu Âu trong ngót nửa thế kỷ. Suốt hơn 200 năm qua, Nỗi đau của chàng Werther vẫn giữ vị trí một kiệt tác kinh điển quan trọng, liên tục được xuất bản trên toàn thế giới.
Không chỉ là một bi kịch tình yêu, Nỗi đau của chàng Werther, phần nào lấy nguyên mẫu từ chính cuộc đời thực của Goethe, là nỗi đau từ những xung đột nhức nhối giữa tư tưởng và thực tại của một tâm hồn lớn, thể hiện khát vọng giải phóng tình cảm, khát vọng về quyền tự do, quyền bình đẳng của con người – mà Werther là một đại diện.