Tạm Biệt Versailles

Chương 38:




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Khúc nhạc mới vang lên, đám đông hóng hớt lập tức chú ý thiếu niên vừa rồi mất mặt lại mời Thái Tử phi khiêu vũ!
Ái chà, lại có trò hay.
Ngoại trừ mấy người sung sướng khi kẻ khác gặp họa, không ít tiểu thư trẻ tuổi kéo bạn nam vào sân nhảy.
Tuy không ai xấu hổ nói ra, nhưng đây là cơ hội hiếm có được thấy Thái Tử phi xấu mặt, phụ trợ bọn họ trở nên nổi bật. Dù sao Antonia không chỉ xinh đẹp, còn khiêu vũ cực kỳ xuất sắc, dễ dàng lu mờ mọi người xung quanh.
“Điệu Waltz?” Nikola suýt phì cười, “Cô chắc chắn?”
Anh không ngờ lòng hiếu thắng của cô gái nhỏ rất mạnh.
Antonia cảnh cáo: “Nếu anh không nhảy tốt, chờ kết thúc tôi sẽ sai người chém đầu anh.”
“Sợ quá.” Nikola mỉm cười ôm thắt lưng cô.
Vũ khúc bắt đầu.
Antonia nắm tay Nikola, giơ cao cần cổ, di chuyển bước chân theo điệu Waltz, mỉm cười hỏi: “Nhiều năm trôi qua, không biết trình độ khiêu vũ của anh thế nào?”
Còn chưa dứt lời, thiếu niên nắm chặt tay phải của Antonia, kéo cô xoay tròn.
“!” Antonia nắm chặt bờ vai anh, bước chân theo trí nhớ.
Lọn tóc phiêu theo gió, cảm giác quen thuộc trào dâng.
Dưới ánh nến xa xa, cảnh tượng giống hệt rất nhiều năm trước, điệu múa lãng mạn không kém phần diễm lệ.
...
Đối với cung đình Pháp, khiêu vũ chính là cách các tiểu thư và phu nhân khoe khí chất cao quý và dáng người hoàn hảo.
Vũ khúc mềm mại tao nhã, một nam một nữ giơ tay, khi thì thay đổi đội hình, thỉnh thoảng các quý cô còn xách váy theo điệu nhảy.
Lúc này các tiểu thư vội vàng vào sân nhảy khiêu vũ mới cảm thấy không thích hợp.
Vì sao vũ khúc vừa nhanh vừa kỳ lạ?
Tiết tấu nhanh khiến các cô không thể thi triển hết động tác tao nhã, bước chân loạng choạng không đúng, suýt nữa va vào bạn nhảy.
A, đám nhạc sĩ chết tiệt!
“Khoan đã, nhìn kìa…”
“Trời ạ, đây là điệu nhảy gì vậy?”
Ánh sáng hoa lệ như có sức mạnh thu hút ánh mắt mọi người. Chỉ mấy chục giây trôi qua, mọi người chăm chú nhìn đôi nam nữ chói mắt nhất trong sân nhảy.
Bọn họ nhảy điệu không ai biết.
Xoay tròn, lại gần, lùi về sau.
Chiếc váy vàng ánh bạc tựa ánh trăng rơi xuống đất, từng lớp thủy tinh xoay vòng uốn lượn. Trân châu khảm trên váy chẳng khác nào bầu trời đầy sao, cướp mất hô hấp của mọi người.
Cặp đôi say mê nhảy vũ điệu thần bí, thiếu niên mặc lễ phục đen ôm chặt vòng eo thiếu nữ. Cần cổ cô trắng nõn như thiên nga, bàn tay nắm chặt di chuyển theo tiết tấu, hoàn hảo tới tuyệt đối.
Không có động tác bước nhỏ phức tạp như điệu nhảy cung đình, mỗi một động tác trước mắt đều vô cùng xa lạ, rồi lại thoải mái tự do, giống như vô số ánh bạc tung bay chiếc váy tròn, đẹp tựa cảnh trong mơ.
Vũ khúc thay đổi, tiết tấu nhanh hơn.
Điệu nhảy di chuyển theo tiết tấu, bóng hình màu đen và màu bạc xoay tròn như ngân hà sáng lạn. Rõ ràng bọn họ mặc hai màu sắc lạnh thấu xương, nhưng lại dễ dàng thiêu đốt bầu không khí.
Vũ điệu chinh phục sân nhảy.
Rất nhiều năm sau, điệu Waltz tựa thủy triều quét sạch toàn châu lục, từ cung đình vàng son đến nông thôn bát ngát đều say mê nó, mọi người vẫn nhớ rõ cảnh tượng tuyệt đẹp ở salon yến hội cung điện Versailles, có hai người đẹp tựa thiên thần hạ phàm.
Chờ vũ khúc kết thúc, xung quanh lặng ngắt như tờ.
Giây tiếp theo, Mars đón nhận tiếng vỗ tay rào rào, giống như muốn xuyên thủng lớp kính thủy tinh.
Vỗ tay, thét chói tai, hoan hô… Mọi người hào hứng khen ngợi. Chỉ khi chứng kiến cảnh tượng đẹp hơn bao giờ hết, bọn họ mới điên cuồng như vậy.
Nhưng xen lẫn trong tiếng vỗ tay, có không ít người – chủ yếu là người lớn tuổi – ngạc nhiên che ngực, “Chúa ơi! Tại sao Thái Tử phi nước Pháp có thể làm vậy? Đây là điệu nhảy suy đồi!”
Công tước De la Vaguyon sầm mặt, “Trai gái ôm ôm ấp ấp, thật khó coi.”
“Hơn nữa di chuyển nhanh như vậy… bọn họ nghĩ mình là con quay sao? Thật thô tục, xấu muốn chết.”
“Không có động tác và đội hình tinh vi phức tạp, thứ này không xứng đáng được gọi là vũ đạo.”
“Các vị.” Antonia cố gắng thở chậm, “Ta xin được vinh hạnh giới thiệu, đây là điệu Waltz, một điệu nhảy tới từ Áo. Nó là món quà ta tặng cho mọi người.”
Tuy hiện tại người nước Pháp chưa bao giờ gặp điệu Waltz, nhưng một thế kỷ trước Hoàng gia Áo đã thường xuyên nhảy nó.
Kiếp trước cô cố gắng hòa nhập với cung đình Pháp, chưa bao giờ tiến cử điệu nhảy sau này sẽ thịnh hành khắp thế giới.
Nhưng kiếp này bị Nikola giẫm trúng chân, đột nhiên Antonia nảy sinh ý tưởng lớn mật. Mặc kệ nó, chẳng lẽ còn tệ hơn kết cục kiếp trước?
Không có gì khiến cô sợ hãi.
“Ta nghĩ tất cả mọi người đều thấy, thật ra điệu Waltz rất đơn giản, điệu nhảy vô cùng tự do. Chúng ta nhảy một khúc, chắc chắn có rất nhiều người đã học xong.”
“Ngài Detrick.” Cô giơ tay gọi chỉ huy, “Phiền ngài tấu một bản nhạc Waltz khác được không?”
Đối với các quý tộc thuần thục nắm giữ quy tắc khiêu vũ vô số động tác mà nói, điệu Waltz không quá khó. Chờ dàn nhạc thảo luận xong, thử tấu một khúc nhạc, có mấy đôi nam nữ vào sân nhảy.
Henriette kéo một thị vệ Hoàng cung, vui vẻ lườm Antonia.
“Hết giờ khoe khoang rồi.” Antonia gật đầu với Henriette, chạm vai Nikola, “Thưa ngài – giẫm – chân, mong ngài chú ý hơn chút.”
“Tôi xin lỗi rồi mà.” Nikola chân thành, “Về phần khoe khoang… ai mới là kẻ khoe khoang?”
Antonia mỉm cười, vừa định hừ nhẹ, đột nhiên thấy cô gái nọ dẫn bạn nam đi tới.
“Louise!” Antonia vui vẻ quay đầu.
“Điện hạ biết tên thần ạ?” Cô gái ngạc nhiên, quỳ gối hành lễ với Antonia.
Đương nhiên biết. Antonia cảm giác đôi mắt nóng ấm, nước mắt sắp rơi xuống.
Louise là bạn thân nhất của cô, thường được gọi là Vương phi Carignan [1]. Cô bạn thân dịu dàng vẫn luôn về phe cô, cho dù năm 1789 bọn họ bị trục xuất khỏi cung điện Versailles, cô ấy vẫn luôn ở bên cô. Sau này họ bị giam giữ ở hai nhà tù khác nhau… Louise chết dưới tay người dân.
“Điện hạ?” Vương phi hai mươi mốt tuổi ngước đôi mắt xanh lam nhìn Thái Tử phi.
“Ta rất vui khi cô thích điệu nhảy này.” Cô nói.
Tiết tấu vũ khúc vừa rồi chậm hơn chút, rất hợp cho người mới học.
Sự thật chứng minh, điệu Waltz là điệu nhảy tự do. Chờ vũ khúc gần hết, mấy đôi trong sân nhảy đã thành thục.
Cứ việc có người bất mãn, nói đây là điệu nhảy suy đồi, nhưng đám đông vẫn ùn ùn kéo nhau vào sân nhảy, thích ứng điệu nhảy mới.
Đâu đâu cũng là tùng váy xoay tròn. Mọi người không bị cản trở, nhiệt tình khiêu vũ.
Chờ điệu nhảy kết thúc, Henriette lảo đảo suýt ngã, may mắn được thị vệ trẻ tuổi đỡ lại, “Tiểu thư, cẩn thận!”
“Ái chà!” Henriette mỉm cười, nhào tới ôm tay Antonia, “Thần không nên mặc tùng váy ngang, di chuyển khó quá.”
Cô ấy oán giận lườm Antonia, “Người lên kế hoạch từ trước rồi đúng không? Mặc tùng váy chuông, khiến làn váy xoay tròn như đóa hoa!”
Oan quá, Antonia thầm nghĩ.
Nhưng cô vẫn mỉm cười nhéo má Henriette, “Ngày mai tặng cô một cái.”
“Vạn tuế!” Henriette vui vẻ ôm cổ cô, “Thần yêu Thái Tử phi điện hạ!”
Đúng lúc này, Antonia cảm nhận ánh mắt kỳ lạ phía sau.
Đột nhiên cô nhận ra, vũ khúc đã kết thúc hơn mười giây, vũ khúc tiếp theo lại chưa bắt đầu. Đối với dàn nhạc cung đình chuyên nghiệp, chuyện này không bình thường.
Cô nhẹ nhàng đẩy Henriette, xoay người lại.
Đám đông phía sau tự giác lùi vài bước.
Giờ phút này, đập vào mắt cô chỉ có dáng người đầy đặn của phu nhân du Barry và đống kim cương, ruby lóa mắt.
Tình nhân của Quốc Vương nhìn chằm chằm cô, bộ ngực trắng nõn kịch kiệt phập phồng, đôi môi đỏ mọng mấp máy, giống như muốn nói gì đó. Cô ta hoảng sợ thở dốc, ai không biết còn tưởng cô ta mới chạy từ Paris về Versailles.
Antonia lẳng lặng nhìn phu nhân du Barry.
Một cao lớn phồn thực, một bé nhỏ mảnh khảnh. Hai người lẳng lặng giằng co, đồng thời nhắc nhở mọi người trong cung – Trước khi Thái Tử phi tới đây, phu nhân du Barry là người khiêu vũ bước nhỏ đẹp nhất.
Ý của cô ta chính là ý của Quốc Vương. Tuy dựa theo lễ nghi Versailles, cô ta không thể bắt chuyện trước với Thái Tử phi, nhưng nếu cô ta công khai từ chối nhảy điệu Waltz, ít nhất hơn nửa nhân số trong cung đình không dám nhảy.
Cô ta định làm gì?
“Trời ạ! Trời ạ! Trời ạ!” Sòng bạc trong góc nổi điên, “Không ngờ con ả kia hung mãnh như vậy! Nếu Thái Tử phi không nói chuyện với cô ta, liệu cô ta có tát Thái Tử phi không?”
“Tuyệt! Tôi cược hai trăm chip!”
Khi nào Thái Tử phi bắt chuyện với phu nhân du Barry đã trở thành món cược đứng đầu sòng bạc cung đình.
“Các vị đoán xem, liệu Quốc Vương có tha thứ cô ả không? Tôi nghe nói kỹ thuật giường chiếu của cô ta rất tốt…”
“Tha cái đầu ngài! Đó là công chúa nước Áo, mẹ người ta là Nữ Hoàng! Nếu du Barry dám làm vậy, Quốc Vương bệ hạ cũng không thể chữa cháy giúp cô ta.”
“Hừ, Áo tính là gì? Chúng ta mới là cường quốc mạnh nhất châu lục. Tuy tôi ghét du Barry, nhưng không thể không thừa nhận, nếu trên thế gian này có thứ cô ta thích, Quốc Vương sẽ không ngần ngại lấy nó cho cô ta…”
Đám đông chăm chú nhìn hai người, đột nhiên phu nhân du Barry hỏi: “Đây là lắc tay của người?!”
Antonia cúi đầu, phát hiện lắc tay trân châu giấu trong tay áo tuột xuống, treo lủng lẳng ở cổ tay.
A…
Cùng lúc đó, đám đông hoảng sợ hít khí lạnh. Xung quanh chìm vào tĩnh mịch, giống như bong bóng căng phồng, giây sau nổ mạnh.
Đức mẹ Maria của con ơi!
Phu nhân du Barry không coi ai ra gì… cô ta… cô ta… cô ta dám phá vỡ quy tắc cung đình Versailles, mở lời với Thái Tử phi!
__________
[1] Princess de Lamballe
Tên thật là Marie-Louise Therese của gia tộc Savoy – Carignan ở Turin, Ý. Cha bà là hậu duệ trực hệ của gia tộc Savoy Ý và là một thân vương. Bà được gả cho thân vương Lamballe, bà là người bạn thân của Marie Antoinette và bị giết một cách tàn bạo trong cuộc cách mạng Pháp.
Cuộc hôn nhân do người bố bên đàng trai kiến nghị, vì ông nghe đến danh về sự mộ đạo và sắc đẹp của cô dâu. Còn bên nhà trai là con cháu của đứa con trai ngoài giá thú nhưng được thừa nhận của vua Louis XIV với bà người tình madame Montespan. Chú rể vì háo hức muốn gặp vợ chưa cưới nên đã cải trang làm người hầu, lấy danh nghĩa thay mặt chú rể tặng cô dâu bó hoa. Vào ngày cưới, cô dâu vô cùng kinh ngạc khi biết chồng mình chính là chàng trai hôm nọ.
Hạnh phúc được ba tháng thì người chồng chán cơm thèm phở, có người tình bên ngoài. Hôn nhân kéo dài mười sáu tháng thì người chồng qua đời vì bệnh hoa liễu. Bố chồng khuyên con dâu bỏ ý định đi tu, cứ tiếp tục sống ở đây và ông vẫn xem cô như con gái ruột. Ông bố chồng là công tước vùng Penthièvre và là người giàu nhất nước Pháp thời bấy giờ, ông còn nổi tiếng vì tích cực làm từ thiện, và công nương Lamballe thừa kế đống tài sản kếch xù từ người chồng và cũng tham gia các hoạt động từ thiện của bố vợ, nên cả hai được người trong vùng gọi “ông vua của dân nghèo” và “thiên thần của vùng Penthièvre”.
Khi Marie Antoinette tới Pháp làm thái tử phi, công nương Lamballe vào cung làm bạn với Marie Antoinette, trong nhóm bạn này còn có các em dâu nhà chồng của Marie Antoinette.
Sau khi trở thành hoàng hậu, Marie Antoinette chỉ định Lamballe trở thành “Surintendante de la Maison de la Reine”, cấp bậc cao nhất của thị nữ hầu hạ hoàng hậu tại triều đình Versailles, tương đương nữ quan hoặc nữ tổng quản, vị trí này được giao cho phụ nữ thuộc xuất thân gia đình quý tộc cao quý bậc nhất nước Pháp và đã kết hôn. Thông thường vị trí này được giao cho quý phu nhân trên ba mươi tuổi đảm nhiệm, trong khi Lamballe còn quá trẻ nên bị phản đối, tuy nhiên Marie Antoinette không quan tâm và bảo chỉ xem đây là phần thưởng tặng cho bạn mình. Vừa là bạn vừa là cận thần của hoàng hậu, Lamballe dễ dàng xin xỏ thành công cho người nhà bà các chức vụ trong triều đình, và Lamballe và Polignac góp không ít tội trong việc dung túng xúi Marie Antoinette tiêu xài hoang phí.
Rồi khi nữ công tước Polignac nhập nhóm chị em bạn dì tốt trên, Lamballe tuy vẫn được Marie Antoinette xem là bạn nhưng mất dần vị thế ân sủng, Marie Antoinette không có cách nào khiến cả hai người chị em tốt hòa đồng nhau, thay vì tìm cách hòa hợp cuối cùng Marie Antoinette thích chơi thân với bà Polignac hơn vì bà này có chiêu trò giải trí và giỏi lấy lòng hơn. Mặc dù mất ân sủng, Lamballe vẫn tiếp tục hoàn thành vai trò nữ quan của mình, đại diện hoàng hậu chủ trì các bữa tiệc và lễ nghi, tham gia các buổi từ thiện. Rồi dần Marie Antoinette lạnh nhạt Polignac và thân thiết với Lamballe trở lại. Tình bạn thân thiết giữa hai bà này khiến những thành phần chống chế độ quân chủ bôi nhọ hai người là lesbian (còn hai bà là les hay không thì not sure).
Khi cuộc nổi dậy phá ngục Bastille nổ ra, Lamballe đang đi nghỉ ở Thụy Sĩ thì quay về Pháp, xuyên suốt thời gian cuộc cách mạng nổ ra cho đến khi gia đình hoàng tộc bị bắt, Lamballe luôn ở bên gia đình Marie Antoinette dù trước mặt công chúng hay những lúc lúc riêng tư. Khi gia đình hoàng tộc chạy trốn bất thành và bị bắt giam vào tòa tháp Temple, Lamballe và các tùy tùng từng hầu hạ hoàng gia bị giải từ tòa tháp Temple sang nhà tù La Force.
Cũng trong cuộc cách mạng Pháp đã xảy xảy ra cuộc thảm sát tháng Chín, đám đông quần chúng tấn công các nhà tù và lôi tù nhân ra khỏi ngục, bắt họ thề trung thành với nền độc lập hoặc là chết. Những người cai ngục là người phản đối hành vi bạo lực này nên đã thả rất nhiều tù nhân đặc biệt là phụ nữ chạy thoát trước khi họ gặp kết cục xấu. Nằm trong số những người không may mắn, Lamballe cùng các tùy tùng từng hầu hạ hoàng gia bị giải ra tòa án, nhận lời yêu cầu “cất lời thề yêu quý nền Độc Lập, và thề rằng sẽ căm hận nhà vua và hoàng hậu cùng chế độ quân chủ”. Lamballe đồng ý thề sẽ yêu quý nền Độc Lập nhưng từ chối thực hiện vế sau. Trước khi bị giải ra xét xử, người của bố chồng Lamballe đã khuyên Lamballe nên tuyên thệ trung thành với nền Độc Lập để giữ mạng sống mình, nhưng Lamballe vẫn cương quyết trung thành với gia đình Marie Antoinette và kết cục bi thảm đến với bà.
Ngay sau lời tuyên bố của Lamballe, tòa bảo “đưa quý bà đi”, Nikola gã đàn ông lôi Lamballe đi từ cửa ra ngoài sân, nhìn thấy đống thi thể đẫm máu trên mặt đất, Lamballe bật khóc. Bà bị cả đám đàn ông bâu lại giết chết một cách độc ác, đầu tiên một người đàn ông lấy cọc đánh vào đầu bà khiến mái tóc bà rủ xuống, trán bị thương chảy đầy máu, sau đó bà bị đám đông đâm chết ngay tức khắc. Thậm chí có ghi chép bà bị cưỡng hiếp, ngực bị xé toạc.
Sau khi chết, thi thể bà bị lột sạch quần áo, đầu bà bị cắm vào cọc. một số ghi chép rằng cái đầu được một quán cà phê mua lại và để trước mặt khách hàng để ăn mừng cái chết của Lamballe. Có ghi chép khác thì cái đầu được cắm lại vào cọc và đem diễu hành quanh tòa tháp Temple nơi giam giữ Marie Antoinette, và ngay phía dưới cửa sổ phòng giam Marie Antoinette để Marie Antoinette chứng kiến. Marie Antoinette và gia đình lúc đó không bị giam ở phòng gần cửa sổ nên không nhìn thấy. Ác ôn hơn, đám đông yêu cầu cai ngục mở cửa nhà lao để họ đem cái đầu của Lamballe cho Marie Antoinette xem, nhân viên canh giữ tòa tháp từ chối. Mặc dù Marie Antoinette không chứng kiến, nhưng một nhân viên đã nói với Louis XVI rằng “đám đông muốn cho ngài xem cái đầu của quý bà Lamballe”, nghe thế, Marie Antoinette ngất xỉu.
Người của bố chồng Lamballe nhận nhiệm vụ thu thập những thứ thuộc về Lamballe và đem chôn cất, cái đầu được mai táng tại một nghĩa trang gần bệnh viện. Còn cái xác sau khi để giữa phố cho người dân xem thì được chuyển đi rồi mất tích không tìm lại được nữa.
Credit: Công Chúa Xứ Hoa – Tình Yêu, Máu và Nước Mắt
Một fact nhỏ: Madame Adelaide – Bà cô cả trong ba bà cô chưa kết hôn của Louis XVI từng muốn Princess de Lamballe làm tình nhân cho cha mình (lúc đó Vương Hậu Marie Leszczyńska vừa qua đời), như vậy Madame Adelaide sẽ trở thành “đệ nhất phu nhân” danh xứng với thực, nhưng Princess de Lamballe và cha chồng bà không đồng ý. 

Tranh vẽ bà bị dân chúng sát hại:

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.