*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Làm cách nào để dạy dỗ một đứa trẻ không muốn trở thành Quốc Vương thành một vị quân chủ tốt?
Antonia không nghĩ ra biện pháp. Trong lúc bàn bạc chuyện tu sửa thủy lợi với Nikola, cô thuận miệng hỏi anh.
“Không phải ngài ấy còn có em trai sao?” Nikola hỏi lại.
“Không được!” Antonia lập tức phủ quyết.
“Sự tồn tại của chàng chính là mối đe dọa của họ. Nếu quyền lực không thuộc về chàng, chỉ sợ chàng khó giữ được tính mạng.”
Antonia nhớ lại lịch sử mình từng trải qua, nở nụ cười lạnh lẽo, “Hai gã em trai mong chàng chết còn không kịp.”
Nikola nhìn cô, mỉm cười đứng dậy, “Cô nghĩ nhiều quá. Tôi thấy cô rất thích hợp làm Nữ Vương.”
“Tôi?” Antonia cười nhạo, “Quý tộc Pháp sẽ nói cho anh, trò đùa này không vui.”
Cô khoát tay, “Thôi.”
Mấy ngày trước Quốc Vương bệ hạ trúng gió, mọi người nói bởi thời tiết quá nóng, nhưng Antonia biết hai ngày nay không nóng. Quốc Vương già rồi.
Cô có hơi sốt ruột, nhưng sốt ruột cũng vô dụng.
Đột nhiên Nikola chỉ vào bức tranh kiến trúc của cô, “Đây là trạm phòng cháy?”
Antonia gật đầu.
“Được rồi, tôi sẽ làm máy bơm nước động lực phối hợp phòng cháy. Đúng là phòng cháy rất quan trọng.”
Antonia nghe anh nói vậy, đột nhiên nhớ lại lúc trước họ cùng vượt qua trận hỏa hoạn.
Ở cung điện mùa đông St. Petersburg.
Khi đó cô quyết định dẫn Nikola rời Nga, hai người ngồi trong xe ngựa, nhìn sông Neva bên đường. Một bên là cung điện mùa đông hừng hực lửa cháy, một lên là mặt băng phản chiếu ánh lửa như ngọc lưu ly.
Thiếu niên im lặng ngồi bên cô, ngắm ánh lửa bao phủ cung điện mùa đông.
Lúc đó Antonia cảm giác… bọn họ đều cô độc.
Antonia bật thốt: “Anh… chết trong trận hỏa hoạn?”
Nikola nhướng mày, cô bất giác trốn ánh mắt anh, “Xin lỗi, hỏi cái chết của người ta là hành vi thất lễ.”
Đương nhiên hỏi cái chết của người ta là hành vi thất lễ, tuy gia đình bình thường không bao giờ dạy con cái hỏi câu này.
Antonia cũng không biết bản thân làm sao. Theo lý thuyết, cô được giáo dục như một Vương Hậu nhiều năm, cho dù xúc động cũng không nên thất lễ.
Nikola lại không nổi giận.
Anh ngẫm nghĩ, “Thật ra tôi không biết mình chết thế nào, có lẽ do gặp sự cố. Trước lúc đó, mọi người đều nghĩ tôi đã chết, nhưng thật ra tôi đang làm nghiên cứu bí mật.”
“Nếu cô tò mò vì sao tôi chú trọng phòng cháy, đó là vì tôi từng gặp hỏa hoạn ở thế giới của tôi. Lúc ấy tôi có bước đột phá mới trong nghiên cứu, đối thủ cũ ngấm ngầm bày mưu.”
Anh nhìn ra phương xa, “Toàn bộ sáu tầng nghiên cứu cháy thành tro, bao gồm thiết bị nghiên cứu, tài liệu, văn kiện. Đó là thành quả nghiên cứu hơn mười năm của tôi.”
Antonia không ngờ sẽ được nghe câu chuyện này.
Cô áy náy, “Xin lỗi, tôi rất tiếc.”
Ai ngờ Nikola mỉm cười, “Nhưng gã không ngờ tôi nhớ rõ tất cả chi tiết và số liệu thực nghiệp, tuy khôi phục lại có chút phiền. Gã không thể lưu giữ chúng trong đầu, nhưng tôi có thể.”
Anh nở nụ cười chế nhạo, “Cô thấy chưa, chỉ số thông minh hạn chế sức tưởng tượng của gã.”
Antonia: “…”
Đôi lúc người này thật đáng ghét.
...
Volta rời Como, Italy tới Paris tham dự tang lễ của Nole, vốn dĩ không tính nán lại lâu.
Anh ấy muốn tới Maris, Lisbon, sau đó qua London, Glasgow, rồi vòng về tham quan Berlin, Vienna, Amsterdam.
Không ngờ Volta nhận được thư của Thái Tử phi điện hạ, mời anh ấy tham gia salon vật lý tổ chức ở cung điện Versailles!
Trời ơi! Tuy ở Como, Volta được xem là quý tộc giàu có, nhưng vẫn chưa thể với tới Vương thất. Anh ấy mới chỉ công bố bài luận văn đầu tiên vào năm ngoái… chẳng lẽ bài luận văn đó khiến giới khoa học Paris chú ý anh ấy?
Nhất định là thế! Volta hưng phấn!
Thật trùng hợp, thời gian tổ chức salon trùng với ngày “Nỗi đau của chàng Werther” do “Rheinische Zeitung” phát hành ra chương cuối.
Hôm đó anh ấy đưa cho đứa bé phát báo tiền bo nặng trịch. Đứa bé phát báo không phụ lòng mong mỏi, nhân lúc các quý tộc Pháp còn chưa rời giường đã thay anh ấy cướp “Rheinische Zeitung”.
“Ngài Volta, ngài không biết thì thôi, trời chưa sáng cháu đã đứng xếp hàng! Nếu không còn lâu mới cướp được!” Đứa bé phát báo la.
Volta ngầm hiểu, cho cậu ấy thêm mười xu bạc, “Mua nước chanh đi!”
“Cảm ơn ngài!” Đứa bé phát báo vui vẻ rời đi.
Volta ngồi xuống, vội vàng mở chương cuối “Nỗi đau của chàng Werther”. Tờ báo hôm qua ghi rõ đây là “chương cận kết”.
Vậy nên tờ báo hôm nay vô cùng khó mua, may mắn Volta chuẩn bị trước.
Sau khi trải qua mọi khó khăn, đứa bé hiền lành trợ giúp Werther chết thảm, nông phu to gan thổ lộ với nữ chủ nhân anh ta ngưỡng mộ đã lâu, lại bị em trai nữ chủ nhân đuổi đi. Người em trai lo sợ anh ta sẽ cướp đoạt tài sản của chị gái. Nhìn cô gái mình yêu mãi mãi không thể ở bên mình, Werther tuyệt vọng.
Một đêm khuya nọ, Werther thơ thẩn đứng trước cửa sổ. Trái tim Volta đập thình thịch theo từng con chữ.
“…Lotte! Lotte! Vĩnh biệt! Vĩnh biệt!” Werther nói những lời cuối cùng.
“Ôi Chúa ơi!” Volta rơi nước mắt.
Werther chân thành, nhiệt liệt, xúc động giống anh ấy đã lựa chọn tự sát!
Phải biết thời đại này các linh mục không an táng cho người tự sát, đức giám mục cũng không tham gia lễ tang của anh ta. Điều này có nghĩa… di thể của Werther sẽ bị đối xử như tội phạm.
Nhưng anh ta là người tốt! Volta đau đớn.
Thật thảm khốc…
Sao có thể kết truyện như vậy?
Thật quá đáng. Tác giả cuốn tiểu thuyết này tên Johann Wolfgang von Goethe, vừa nghe đã biết là người Đức! Quả nhiên là kẻ lạnh lùng vô tình!
Nếu Volta gặp Goethe, chắc chắn anh ấy la ó kết truyện!
Volta căm giận lật tờ báo, nói không chừng bên dưới có bình luận của người khác.
Đột nhiên anh ấy phát hiện trang đầu tiên vẽ một thứ hình cong, vừa nhìn đã biết đó là bộ lễ phục xinh đẹp.
A, đây là gì?
Xưởng in ấn không thể in ấn bức họa hoàn chỉnh, nhưng hình vẽ trong tờ báo rất đẹp, anh ấy chưa thấy bao giờ.
Volta tò mò đánh giá hình vẽ.
Tuy hình vẽ trừu tượng, nhưng người xem vừa nhìn đã liên tưởng tới đây là lễ phục của phụ nữ. Chiếc mũ lệch một bên, cổ tay áo hơi hở, nhìn qua giống hệt bông hoa lan. Làn váy rủ xuống, không gắn tùng váy to như các lễ phục khác, lại mềm mại tự nhiên, đẹp tựa đóa hồng nở rộ.
Bên dưới viết dòng chữ nho nhã bắt mắt: “Tiệm may Jeanne Fontaine ở số 58 Versailles, sự lựa chọn hàng đầu của các quý phu nhân, chuyên may những chiếc váy thích hợp với điệu Waltz!”
...
Sau giờ ngọ, nắng ở cung điện Versailles dịu xuống.
Phòng ngủ Quốc Vương xây một mật đạo thông với căn phòng xa hoa tráng lệ khác – Phòng ngủ của phu nhân du Barry.
Từ vách tường, lò sưởi, giường ngủ đến sofa đều trang trí màu vàng và hồng hết sức bắt mắt, ngoài ra còn trải tơ lụa tinh xảo phức tạp.
Chiếc lồng chim nạm vàng treo bên ngoài cửa sổ, một con vẹt diễm lệ đang líu ríu: “Ngài nước Pháp! Ngài nước Pháp! Ngài nước Pháp!”
“Ôi chao, đừng nói vậy.” Louis XV mỉm cười đi vào, “Nếu không ta sắp quên ai mới là bảo bối của ta.”
“Còn lâu.” Phu nhân du Barry khoác áo choàng mỏng, bước ra khỏi phòng tắm, “Dù sao vẹt không thể lên giường với ngài, đúng không?”
Cô ta mới tắm xong, da thịt mềm mại như ẩn như hiện dưới lớp sương mù, mái tóc rối tung thấm ướt áo choàng trước ngực, phô trương đường cong phồn thực.
Quốc Vương tán thưởng, “Nàng yêu dấu, em càng lúc càng đẹp.”
Phu nhân du Barry nở nụ cười quyến rũ, chủ động tiến lên ôm cổ ông ta, “Sự thật chứng minh, rất nhiều người thích váy của em, thưởng thức tài năng của em! Em vui lắm.”
“Ta thích em không mặc quần áo hơn.” Quốc Vương xoa mặt cô ta.
“Đáng ghét!” Cô ta hờn dỗi đánh tay Quốc Vương, “Em đang nói chuyện chính, chàng quên rồi đúng không? Em mở cửa hàng may ở Versailles, tất cả mọi kiểu dáng váy vóc đều do em thiết kế, thợ may chỉ cần may theo.”
“À… đúng rồi.” Quốc Vương nghĩ một lúc mới nhớ ra. Dạo gần đây ông ta thường hay nhớ trước quên sau.
“Tốt quá.” Ông ta thuận miệng khen.
Phu nhân du Barry nở nụ cười vui vẻ.
Cô ta không thiếu tiền. Làm tình nhân công khai của Quốc Vương bệ hạ, mỗi năm cô ta lĩnh bốn mươi nghìn Franc trợ cấp, trong khi người hầu cung điện Versailles chỉ được ba trăm Franc.
Nhưng cô ta để ý ánh mắt người khác. Từ nhà thổ tới giường Quốc Vương, hết thảy vinh hoa phú quý dưới thân, nhưng vẫn thua kém đám phụ nữ quý tộc. Ngoại trừ gia thế, sao bọn họ sánh bằng cô ta? Bọn họ dựa vào đâu xem thường cô ta!
Mọi người a dua nịnh hót phu nhân du Barry, nhưng sau lưng lại châm chọc khinh thường, khiến cô ta không thoải mái. Cô ta mặc bộ váy lộng lẫy, được vô số quý phu nhân khen ngợi, nhưng những phu nhân có “địa vị” lại cố tình lảng tránh cô ta.
Dưới sự đề nghị của Thái Tử phi trẻ tuổi, phu nhân du Barry dùng tiền lương Quốc Vương cấp trộm mở cửa hàng may. Không ai biết đó là cửa hàng của cô ta. Cô ta không chỉ là bà chủ, còn là nhà thiết kế.
Ôi! Chuyện sau này nằm ngoài sức tưởng tượng của phu nhân du Barry.
Tuy ba ngày đầu khai trương không có ai hỏi thăm, nhưng công chúa nhỏ nói “Rheinische Zeitung” nhận đăng bài quảng cáo, nếu đặt hàng bây giờ còn được ưu đãi…
Dù sao phu nhân du Barry không thiếu tiền, cô ta mua quảng cáo trong một tuần.
Kết quả từ hôm qua đến nay, cửa hàng may của cô ta chật ních.
Xe ngựa của các quý phu nhân xưa nay cười nhạo cô ta dừng trước cửa hàng may. Đám phu nhân không kiến thức dạo quanh cửa hàng của cô ta, lưu luyến không buông tay.
Ha ha! Còn có vô số người cọc tiền cho cửa hàng, gấp gáp đặt hàng cho kịp buổi salon tối nay. Nếu bọn họ biết những chiếc váy họ đang mặc đều do cô ta thiết kế, không biết thái độ bọn họ sẽ thế nào?
Phu nhân du Barry nở nụ cười vui vẻ, lần mò cởi thắt lưng của Quốc Vương, “Bệ hạ, ‘Rheinische Zeitung’ đăng quảng cáo giúp em. Tòa soạn báo này là ân nhân của em.”
“Rheinische Zeitung?” Quốc Vương ngẫm nghĩ, không ấn tượng.
Có lẽ là mấy tòa soạn báo đó, dù sao cũng chỉ đăng tin về Vương cung. Ông ta không quan tâm tin tức, ông ta chính là tin tức.
“Bệ hạ, em thích tờ báo đó.” Phu nhân du Barry nói: “Ngài biết không, quan thẩm tra ngứa mắt ‘Rheinische Zeitung’ buôn may bán đắt, yêu cầu bọn họ phải hối lộ, nếu không sẽ không duyệt tin tức!”
“A, có sao?” Quốc Vương khoát tay, “Cứ để bọn họ kiếm tiền. Nếu ta so đo, vậy chẳng khác nào Vương thất tức giận chuyện cỏn con.”
“Bệ hạ!” Phu nhân du Barry rụt tay, “Như vậy không công bằng! Em thích tờ báo đó. Ngài nghĩ xem, báo chí không chỉ dành cho người dân, còn dành cho chúng ta. Quan thẩm tra tính là gì, sao bọn họ có quyền quyết định tin tức chúng ta được đọc?”
Quốc Vương đang vui vẻ hưởng thụ, bàn tay mềm mại lại rụt về.
Ông ta khoát tay, “Được rồi được rồi, để ta bảo họ chú ý. Tờ báo đó tên ‘Rheinische Zeitung’ chứ gì?”
Phu nhân du Barry nở nụ cười rạng rỡ, “Đúng vậy. Em biết chắc chắn ngài sẽ giúp em! Tối nay Antoinette tổ chức salon vũ hội, em phải mặc chiếc váy chính mình thiết kế mới được.”
Quốc Vương nhắm mắt, mỉm cười nói: “Có vẻ em rất thích đứa bé kia.”
Phu nhân du Barry cúi đầu, mỉm cười đứng lên, “Có lẽ bởi vì trong Hoàng cung này, chỉ có ngài ấy thật sự tôn trọng em.”
“Hầy… Jeanne, để ta bảo các phu nhân tới tham gia salon của em…”
“Được rồi, ngài Pháp của em. Em biết ngài yêu em nhất.”
Đương nhiên Quốc Vương có thể dùng quyền thế lệnh các phu nhân tới tiệc salon của cô ta, nhưng làm gì có ai thật sự để mắt tới cô ta?
Cô ta mời họ tới, người nào cũng ngoài mặt mỉm cười, sau lưng khinh thường xuất thân nghèo túng của cô ta. Cô ta càng thêm phiền lòng.
Vậy thì sao? Bọn họ xuất thân cao quý tới đâu cũng không bằng sủng ái của Quốc Vương.
Phu nhân du Barry mỉm cười.
...
Buổi tối, sảnh gương bừng nến, sáng ngời không khác ban ngày.
Salon chưa bắt đầu, mọi người đã tốp năm tốp ba chơi bài, khiêu vũ, vui vẻ trò chuyện.
“…Đúng không? Cái kết ‘Nỗi đau của chàng Werther’ thật đáng thất vọng.”
“Tôi hoàn toàn đồng ý ý kiến của ngài.”
“Sau khi đọc xong, tôi chỉ hận không thể đấm thẳng mặt tác giả!”
Nikola vừa vào đại sảnh đã nghe mọi người công khai lên án.
Bỗng nhiên anh cảm thấy đồng tình. Vĩ đại như Goethe cũng phải chịu áp lực thời đại này.
Đúng lúc này, ba người nọ song song đi vào. Bọn họ hiên ngang hùng hổ, người đàn ông cầm đầu xõa tung mái tóc vàng, dáng vẻ khác hoàn toàn mọi người xung quanh.
Đám đông quay đầu.
“Ai vậy?”
“A, kia không phải Hans và Laimer sao? Vị phía trước là ai?”
“Tôi chưa thấy anh ta bao giờ.”
Ba người đứng trước mặt bá tước Noailles. Là tổng quản cung đình Versailles, ông ta phụ trách salon đêm nay.
Người đàn ông tóc vàng hắng giọng.
Anh ta làm lơ ánh mắt mọi người, nhưng giọng nói lại vô cùng vang dội, ai cũng nghe thấy.
“Thưa ngài, tôi là James Watt tới từ London. Tôi là người chế tạo ra máy hơi nước, hiện tại đang làm việc ở trường đại học tổng hợp Glasgow, đồng thời là đối tác xưởng cơ khí, kỹ sư, nhà phát minh.”
“Tôi lên án Nikola Tesla đạo nhái thiết kế phát minh máy hơi nước độc quyền của tôi!”
_______
Lời tác giả:
Thượng Đế tiễn Edison giúp Nikola, lại mang Watt tới.
_______
Sảnh gương:
Phòng của Madame du Barry được phục dựng lại: