Tây Du Ký

Chương 48: Yêu quái hóa tuyết bủa khắp sông Ðường Tăng cưỡi ngựa đi trên gia




Khi ấy người xóm Trần gia đem phụ thêm heo dê trâu bò làm lễ cúng. Khiêng đồng nam đồng nữ để giữa miểu, còn tam sanh, là đồ tế phụ, để hai bên.
Các người đồng rót rượu lạy mà vái rằng:
- Ngày nầy tháng nầy năm nay, về phần xóm Trần gia cúng tế. Tín chủ là Trần Trừng, Trần Thanh, dưng đồng nam là Trần Quang Bảo, đồng nữ là Nhứt Xưng Kim, và lễ tam sanh y số. Xin đại vương gia gia hưởng dụng, cho xứ tôi gió hòa mưa thuận, ruộng rẫy đặng mùa.
Vái rồi đốt vàng bạc giấy tiền, đều lui về hết.
Còn Tôn Hành Giả và Bát Giới ở lại, ngó thấy trên bàn án có bài vị chữ vàng, đề rằng:
- Linh Cảm đại vương chi thần.
Bát Giới nói:
- Họ về hết rồi, anh em mình cũng nên trốn cho rảnh.
Tôn Hành Giả nói:
- Bây giờ trốn đi đâu?
Bát Giới nói:
- Trốn về nhà Trần gia mà ngủ.
Tôn Hành Giả hỏi:
- Thằng điên nói xàm hoài! Mình đã hứa giúp người ta, lẽ nào lại trốn?
Bát Giới nói:
- Vậy chớ anh khôn lắm sao, lại mắng tôi là thằng điên. Chuyện nầy nói gạt nó mà thôi, lẽ nào làm thiệt như vậy!
Tôn Hành Giả nói:
- Hễ làm ơn thì làmơn cho trót, giúp người phải giúp tới nơi. Ðể cho đại vương hưởng dụng, mới là trọn thỉ chung. Nếu không thì nó làm tai hại cho muôn dân, cũng như không giúp, như vậy thì để hai đứa nhỏ chết hãy còn khá hơn, làm chi cho lỡ dỡ.
Xảy nghe gió thổi vo vo.
Bát Giới nói:
- Không xong rồi! Trận gió nầy chắc là nó tới nhậm lễ.
Tôn Hành Giả nói:
- Ngươi cứ làm thinh hoài, để ta nói chuyện với nó.
Kế con yêu tới chận cửa miểu mà hỏi rằng:
- Lệ nầy nhà nào tế?
Tôn Hành Giả cười rằng:
- Thưa, xóm Trần gia hai nàh đầu xóm là Trần Trừng và Trần Thanh dưng lễ cúng.
Con yêu ấy là Linh Cảm đại vương, nghe đồng nam trả lời như vậy, thì lấy làm lạ, nghĩ rằng:
- Thằng nhỏ nầy ăn nói chẩm hẩm quá! Thường năm, mình hỏi một tiếng, chúng nó đã thất thanh. Hỏi lần thứ nhì chúng nó đã mất vía, tới nắm cổ dở lên thì đã chết cứng. Sao năm nay đồng nam cười nói như thường?
Nghĩ rồi hỏi rằng:
- Ðồng nam và đồng nữ, tên họ là chi?
Tôn Hành Giả cười rằng:
- Ðồng nam là Trần Quang Bảo, đồng nữ là Nhứt Xưng Kim.
Linh Cảm đại vương nói:
- Lệ tế đồng nam đồng nữ là sự thường. Nay ta ăn thịt chúng bây, nói cho mà biết. Tôn Hành Giả cười rằng:
- Lẽ nào dám cự! Xin đại vương thẳng thằng mà dùng.
Linh Cảm đại vương sanh nghi, không dám bắt, giăng tay chân của miểu mà nạt rằng: - Ngươi đừng nói nhiều chuyện. Ta thuở nay trước dụng đồng nam, bây giờ ta ăn đồng nữ trước.
Bát Giới hoảng kinh, nói rằng:
- Xin đại vương ăn theo lệ thường, chẳng nên trái phép!
Linh Cảm đại vương không y lời, giơ tay chụp đồng nữ.
Bát Giới nhảy đại xuống đất, hiện hình xách cào cỏ đập đùa! Trúng nhằm giáp Linh Cảm đại vương.
Linh Cảm đại vương thất kinh chạy hoảng.
Tôn Hành Giả hiện nguyên hình, coi thấy Bát Giới đập nhằm con yêu rớt hai cái vảy giáp, là vảy cá.
Khi ấy hai anh em rượt theo con yêu ấy tới trên mây. truyện teen hay
Linh Cảm đại vương đi tay không nên chẳng dám cự, liền cất tiếng hỏi rằng:
- Các ngươi là Hòa Thượng ở đâu, sao dám gạt ta như vậy?
Tôn Hành Giả nói:
- Chúng ta là đệ tử Ðường Tăng tại Ðông đô, vưng chỉ qua Tây Phương thỉnh kinh. Hồi hôm ngụ tại Trần gia nói có yêu quái xưng hiệu Linh Cảm đại vương hại lê dân mỗi năm phải tế đồng nam đồng nữ. Nên chúng ta cảm động, quyết trừ quái dữ mà cứu dân lành. Ngươi phải cứ thiệt khai ngay: Xưng vương đã mấy năm, ăn hết bao nhiêu đồng nam đồng nữ; thường cho y số, chúng ta sẽ tha tội chết cho ngươi.
Linh Cảm đại vương nghe nói kinh hãi, chạy nữa.
Bát Giới đập hụt một Ðinh ba.
Linh Cảm đại vương nhảy xuống sông lặn mất.
Tôn Hành Giả nói:
- Chẳng theo chi cho mệt, chắc nó loài thủy quái dưới sông nầy, nên mới tróc giáp thanh vẫy cá. Mai sẽ làm phép bắt nó đưa sư phụ qua sông.
Nói rồi anh em trở lại miểu, khiêng các lễ vật đem về nhà họ Trần.
Khi ấy Trần Trừng, Trần Thanh đương đàm đạo với Sa Tăng, Tam Tạng.
Xảy thấy Tôn Hành Giả và Bát Giới khiêng lễ vật về nhà.
Tam Tạng hỏi:
- Việc cúng tế ra thế nào?
Tôn Hành Giả thuật chuyện lại.
Trần Trừng, Trần Thanh mừng rỡ, truyền dọn phòng cho hai sãi nghỉ ngơi.
Còn Linh Cảm đại vương về thủy động ngồi làm thinh, mặt mày xui xị.
Các bộ hạ là loài thủy tộc đồng hỏi thăm rằng:
- Thường niên đại vương đi hưởng lệ nầy, trở về vui vẻ. Sao năm nay lại có sắc buồn?
Linh Cảm đại vương nói:
- Thường năm ta hưởng lệ cúng, rồi đem vật tế dư về chia bác cho chúng bây. Kỳ nầy ta chẳng đặng hưởng chút nào, bị đứa hung hăng, thiếu chút nữa không toàn tánh mạng!
Thủy tộc nói:
- Chẳng hay kẻ nghịch với đại vương là ai đó?
Linh Cảm đại vương nói:
- Nay bị hai người đệ tử thầy Tam Tạng, giả làm đồng nam đồng nữ mà gạt ta. Xuất kỳ bất ý chúng hiện nguyên hình hỗn chiến, ta giỏi lắm mới còn sống mà về đây. Bấy lâu ta nghe đồn thầy Tam Tạng tu đã mười đời, nếu ăn một miếng thịt nó thì sống ngàn tuổi. Không dè nó có học trò hay qua, làm ta mất phần thực, lại xấu tiếng hư danh. Biết làm sao mà ăn thịt Tam Tạng cho đặng.
Trong bọn thủy tộc có nàng mặc áo rắn, là Khuyết Bà cười mà thưa rằng:
- Ðại vương muốn bắt Tam Tạng cũng chẳng khó, không biết đại vương đặng thịt quý, có chịu cho tôi hưởng cùng chăng?
Linh Cảm đại vương nói:
- Nếu ngươi bày mưu kế chi mà bắt đặng Tam Tạng, thì ta kết nghĩa anh em với ngươi; đồng ăn chung một tiệc.
Khuyết Bà thưa rằng:
- Tôi biết đại vương có phép làm mưa làm gió, thêm tài vượt biển vượt sông. Song chưa biết đại vương làm tuyết đặng không. Xin cho tôi rõ?
Linh Cảm đại vương nói:
- Ta làm tuyết như thường.
Khuyết Bà hỏi rằng:
- Mà Ðại vương làm cho nước đặc thành già đặng chăng?
Linh Cảm đại vương nói:
- Khó gì mà làm không đặng?
Khuyết Bà vỗ tay cười rằng:
- Như vậy thì dễ lắm!
Linh Cảm đại vương hỏi:
- Làm sao mà bắt Tam Tạng?
Khuyết Bà thưa rằng:
- Ðêm nay canh ba sẳn trời lạnh, Ðại vương làm tuyết sa xuống cho nước đặc cả sông. Chúng tôi hóa thành hình bộ hành, đi qua đi lại trên giá. Kẻ che dù người mang gói đi trước cửa Trần gia, lớp cỡi ngựa, lớp ngồi xe, làm giục lòng Tam Tạng. Chắc là các sãi thấy người ta đi ngang trên giá, thì nóng việc thỉnh kinh cũng đi theo. Ðại vương đợi chúng nó đi tới giữa sôgn làm một khoảng giá tan, thì chắc cả lũ đồng hụt cẳng; mặc sức bắt mà ăn.
Linh Cảm đại vương mừng rỡ khen rằng:
- Thiệt kế nữ nhơn cao hơn nam tử! Khen rồi nổi giá lạnh sa tuyết xuống.
Ðến canh năm Bát Giới run lập cập nói rằng:
- Anh ôi, anh ôi! Lạnh lắm, lạnh lắm!
Tôn Hành Giả nói:
- Người tu hành chịu đã quen, sao ngươi đã đấp mền còn run en phát rét!
Tam Tạng nói:
- Trời lạnh thiệt độc địa không thua tiết đông thiên!
Bốn thầy trò lồm cồm ngồi dậy, lấy áo mặc thêm, bởi lạnh quá nên ngủ không đặng.
Rạng ngày mở cửa thấy tuyết sa có cục!
Tôn Hành Giả nói:
- Hèn chi trời lạnh khác thường, thiệt là thời tiết.
Xảy thấy gia tướng bưng thau nước nóng cho bốn thầy trò rửa mặt, rồi dưng nước trà. Lại vầy lửa cho ấm. Bốn thầy trò ngồi hơ lửa, có Trần Trừng, Trần Thanh ngồi kế.
Tam Tạng hỏi:
- Chẳng hay xứ nầy có phân bốn mùa tám tiết cùng chăng? Xin hai ông cắt nghĩa cho tôi rõ.
Trần Trừng cười rằng:
- Ðây tuy là cõi biên địa, phong tục nhơn vật không dám sánh với Trung Huê, song cũng đội trời chung lẽ nào không phân thời tiết!
Tam Tạng nói:
- Nếu có chia xuân hạ thu đông, sao tháng nầy tuyết xuống đầy sân, hơi lạnh như gần tết?
Trần Thanh thưa rằng:
- Nay tuy trong tháng bảy, song đã tới ngày bạch lộ, thì tiết khí chạy qua tháng tám rồi, nên có sương nhiều, và cũng có khí tuyết xuống.
Tam Tạng nói:
- Như vậy thì khác hơn nước tôi, vì Trung Quốc mùa đông mới có tuyết.
Giây phút gia tướng dọn cháo, chủ khách dụng xong rồi, xảy thấy tuyết sa xuống trùng trùng bằng hai khi nãy! Không bao lâu trước sân tuyết cao hơn hai thước!
Tam Tạng xem thấy nóng việc thỉnh kinh, động lòng rơi lụy!
Trần Thanh an ủi rằng:
- Xin sư phụ đừng phiền, sức tôi phụng dưỡng cơm chay dầu mấy năm cũng không thiếu, chẳng lựa là nửa năm.
Tam Tạng nói:
- Bởi ông không rõ việc khó của tôi. Nguyên trước bần tăng vưng chỉ đi thỉnh kinh, nhờ ơn thánh chúa đưa ra đến cửa ải, lại phán hỏi rằng: Ước chừng mấy năm thỉnh đặng kinh về nước? Bần tăng tâu rằng: Phòng chứng lõi ba năm. Không dè cách trở non sông, gặp nhiều tai nạn, bảy tám năm nay chưa tới cảnh phật, sợ quá lời hẹn với chúa, nên nóng nảy muôn phần! Nay tuy có phước mà gặp hai ông đãi đằng và cho ký ngụ. Hồi hôm học trò tôi làm phép ra công chút đỉnh, gọi là sự đền ơn. Tôi có ý bữa nay cậy ông giúp một chiếc thuyền, đưa qua sông lớn. Nào hay trời sa tuyết cả biết chừng nào qua khỏi sông nầy, chắc là trễ nải thêm nên bần tăng phiền muộn. Trần Trừng nói:
- Xin thầy đừng nóng nảy và phiền não làm chi. Ðợi ít ngày có nắng tuyết tan, anh em tôi sẽ dọn thuyền mà đưa sư phụ.
Giây phút gia tướng dọn cơm chay, bốn thầy trò lẩn bẩn tới ăn cơm bữa tối.
Xảy nghe người đi đường nói chuyện với nhau rằng:
- Cha chả là nghịch trời! Ai đời tháng tám mà tuyết sa, sông Thông Thiên nước đông thành giá!
Tam Tạng nghe nói kinh hãi hỏi rằng:
- Ngộ Không ôi! Sông Thông Thiên nước đặc thành giá, chúng ta biết tính làm sao? Trần Trừng nói:
- Chắc là trời lạnh quá, nên dựa mé nước cạn đông thành giá, chớ lẽ nào đặc hết cả sông!
Xảy nghe bộ hành hỏi thăm nhau ngoài đường rằng:
- Sông Thông Thiên đặc hết một phần dựa mé chăng?
Người khác trả lời rằng:
- Ðặc cứng cả sông như mặt kiếng, kẻ qua người lại dập dều. Ấy là loài thủy quái giả làm bộ hành, mà giục lòng Tam Tạng.
Tam Tạng nghe nói cả sông thành giá, muốn đi coi cho biết có không, liền thương nghị với đệ tử.
Trần Trừng, Trần Thanh đồng can rằng:
- Nay đã tối rồi, mai sẽ đi coi cũng không muộn.
Rạng ngày Tam Tạng bảo đồ đệ rằng:
- Thừa dịp nầy sông Thông Thiên thành giá, đi phức xong hơn. Các ngươi sửa sang cho kịp.
Trần Trừng, Trần Thanh đồng can rằng:
- Xin thầy đừng vội vã, đợi ít bữa có nắng tan giá, tôi sẽ dọn thuyền đưa qua sông:. Sa Tăng nói:
- Có chắc chi lời thiên hạ lưu truyền, mà thấy nhứt định đi vội. Chi bằng cởi ngựa đến mé sông xem thử, liệu bề đi đặng sẽ hay.
Trần Thanh nói phải. Truyền gia tướng thắng sáu con ngựa, hai anh em đồng đi với bốn thầy trò.
Ðến mé sông thấy bộ hành qua lại đông đảo.
Tam Tạng nói:
- Thiệt tai nghe không chắc cho bằng mắt thấy, chẳng hay bộ hành đi trên giá, vì nóng nảy cớ chi?
Trần Thanh thưa rằng:
- Mé sông bên kia thuộc về nước Tây dương, còn người bộ hành bên này là kẻ buôn bán. Bởi hai bên cách sông lớn nên đồ bên nầy giá một lượng, đem qua bển bán tới một trăm, còn hàng hóa Tây dương chở qua bên nầy cũng bán mắc như vậy! Bởi vốn một mà lời trăm nên con buôn liều mạng đi trên giá coi chết sống như không; thường năm nhiều kẻ đi buôn chung, sáu bảy người chung một thuyền, hoặc mười mấy người chung một thuyền, chở hàng hóa qua sông buôn bán. Huống chi nay nước đông thành giá, khỏi sở tốn cơm ghe bè bạn mà không đi.
Tam Tạng than rằng:
- Người đời vì lợi mà chẳng tiếc thân, còn liều mình qua sông buôn bán. Huống chi ta vưng chỉ thỉnh kinh là sự trung với chùa, lại tiếc mạng hay sao? Vậy thời Ngộ Không trở về dắt ngựa và lấy đồ hành lý. Thừa dịp nầy nước đông thành giá, đi bộ cho mau. Tôn Hành Giả làm thinh cười chuốm chiếm.
Sa Tăng thưa rằng:
- Sự tốn hao cơm nước hai ông Trần lão chẳng phiền. Vậy xin thầy nán lại ít ngày đợi tan giá đi ghe thời chắc ý. Bởi sông Thông Thiên tới tám trăm dặm, không phải đi một ngày một bữa mà tới mé đâu, vả lại không phải mùa nước đông mà lâu tan, tại trời lạnh quá nên nước đặc, có lấy chi làm chắc mà dám đi. Nếu qua đặng hai phần sông, rủi giá tan thì khó lắm. Xin thầy đừng dục tốc làm chi!
Tam Tạng nói:
- Ngộ Tịnh sao vụng tính như vậy, mà nói ta làm chuyện cầu may! Phải chi nhằm tiết tháng Giêng tháng Hai, thì càng ngày càng nắng; chắc không lâu giá cũng phải tan. Chớ nay tiết khí chạy qua tháng Tám rồi, càng ngày càng lạnh; biết chừng nào tan giá mà chờ, hoặc là đợi sáu bảy tháng nữa? Như vậy trễ biết dường nào?
Bát Giới nói:
- Thôi thôi xin đừng bàn thấp cao, để tôi đập thử một đinh ba, thì biết giá dày mỏng. Liệu bề chắc sẽ đi.
Nói rồi xăng quần áo, giơ Ðinh ba đập xuống một cái, dội lại đã đức tay, coi lủng chín lỗ tu hút,.
Bát Giới cười rằng:
- Nó cứng như đá, chắc là đặc tới đáy rồi, lo gì đi chẳng đặng.
Tam Tạng nghe nói mừng rỡ, thầy trò đồng trở lại Trần gia.
Khi ấy anh em Trần Trừng cầm hoài không đặng, túng phải gói cơm khô đưa thầy. Anh em đem ra một mâm bạc vàng đền ơn, nội nhà đồng lạy tạ.
Tam Tạng khoát mà nói rằng:
- Tôi nhứt định không thâu của nầy.
Trần Trừng, Trần Thanh năn nỉ đòi ba phen, cậy Hành Giả nói giúp cho thầy nhậm lễ.
Tôn Hành Giả nói:
- Thôi xin thầy nhậm da thiểu kéo ba ông không an lòng.
Nói rồi lấy một cục bạc nhỏ, nặng chừng đôi ba chỉ, rồi từ giã đồng đi.
Trần Trừng, Trần Thanh theo đưa bịn rịn.
Lúc đến mé sông, Tam Tạng giục ngựa, bởi giá trơn như mặt kiếng, nên ngựa trượt hoài.
Bát Giới nói:
- Khoan đã, khoan đã, để nói với hai ông chủ nhà, xin rơm bao vó ngựa, cho nhám, nếu không thì con ngựa té hoài, có khi thầy dập mật mà chớ.
Sa Tăng nói phải.
Trần Thanh nghe nói, hối gia tướng chạy về lấy rơm và dây.
Bát Giới bao cẳng ngựa, ràng cột xong rồi, ngựa đi mới khỏi trượt.
Trần Thanh, Trần Trừng coi chừng bốn thầy trò đi ba bốn dặm, anh em mới trở về.
Còn Bát Giới ngó thấy thầy ngồi trên ngựa không đặng vững vàng, liền thưa rằng:
- Xin thầy lấy cây gậy nầy để sau cổ, choàng hai tay đè cây gậy như đòn gánh, thì ngồi mới vững vàng.
Tôn Hành Giả hỏi:
- Vì cớ nào vậy?
Bát Giới nói:
- Chắc anh không thạo việc đi trên giá; bởi hơi lạnh nó bay lên chói lòa con mắt, phần thì trơn trợt, chi cho khỏi xây xẩm mặt mày. Nếu không lập đồ thế mà kềm thời đi xa sao đặng?
Tôn Hành Giả cười thầm rang:
- Con heo rừng nầy hay lội trên giá đã quen, nên thạo cách thế lắm.
Nghĩ rồi lấy thiết bãng gánh không như Tam Tạng gánh gậy Tích trượng.
Sa Tăng lấy Bửu trượng làm theo, Bát Giới sẳn gánh đồ, cũng day ngang đi sau rốt. Thiệt bốn thầy trò đi mới vững vàng.
Ðến chiều tối Tam Tạng dừng ngựa ăn cơm khô, rồi đi luôn đêm, không dám dừng vó kỵ. Nhờ có trăng thanh sao tỏ, chiếu xuống giá như đèn, thầy trò đi tới sáng. Xảy nghe một tiếng như sấm nổ, giá tan ra nước minh mông.
Tôn Hành Giả nhảy thót lên mây, còn ba thầy trò và con ngựa đồng chìm xuống nước.
Ấy là Linh Cảm đại vương chờ tới nửa sông, làm phép giá tan mà bắt Tam Tạng.
Khi ấy Linh Cảm đại vương bắt một mình Tam Tạng, đem về thủy phủ kêu lớn rằng: - Hiền muội ở đâu?
Khuyết Bà thưa rằng:
- Tôi là kẻ hèn, sao đại vương kêu bằng em; thiệt không dám chịu.
Linh Cảm đại vương nói:
- Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo. Khi trước đã hứa, bắt đặng Tam Tạng thì nhì nàng làm em, và hưởng chung một tiệc. Nay đặng như vậy, đâu dám quên lời. Vậy thì chúng bây dọn bàn ghế và mài dao cho mau, đặng ta lột da Tam Tạng và lấy đồ lòng, ăn với hiền muội cho trường thọ.
Khuyết Bà thưa rằng:
- Xin đại vương đừng nóng nảy, e đệ tử nó đi tìm tới ngầy ngà. Chi bằng đợi vài bữa coi thế nào nếu bặt tin sẽ ăn thịt.
Linh Cảm đại vương nói y lời, bỏ Tam Tạng vào thùng bằng đá giam lại đó.
Nói về Sa Tăng và Bát Giới vớt thầy không đặng, túng phải mò gói đồ và dắt con ngựa, quơ cây ôm lội vô bờ.
Xảy thấy Tôn Hành Giả nhảy xuống hỏi rằng:
- Vậy chớ sư phụ ở đâu?
Bát Giới nói:
- Thầy cãi tên họ lại là Trầm đáo Ðể rồi, mò hoài không đặng: Xin đem đồ ướt về Trần gia mà phơi phong cho khô ráo, sẽ lo làm việc vớt thầy.
Nói rồi đồng tới nhà Trần gia, Trần Trừng, Trần Thanh đều nghinh tiếp, thấy quần áo ướt hết, liền hỏi rằng:
- Các lão gia, vì cớ nào mà ướt mình như vậy? Chúng tôi cầm hoài không chịu ở, để đến thế mới chịu thôi. Sao không thấy Trần lão gia trở lại?
Bát Giới nói:
- Ðừng kêu Trần lão gia nữa, thầy tôi đã cải hiệu là Trầm đáo Ðể rồi.
Trần Trừng, Trần Thanh khóc rằng:
- Tội nghiệp quá! Chúng tôi nói đợi giá tan tuyết đã, sẽ dọn thuyền đưa qua sông. Tại sư phụ không nghe vì nóng đi nên khốn nạn!
Tôn Hành Giả nói:
- Hai ông đừng khóc mà uổng nước mắt, hơi đâu sầu thảm việc đời. Tôi chắc là Linh Cảm đại vương làm phép bắt thầy tôi, song người lành mắc nạn cũng không chết. Vậy thì các ông yên lòng, lo phơi phongn cái điệp và y phục cho chúng tôi, bỏ cỏ ngựa ăn kẻo đói. Ðặng chúng tôi lo cứu sư phụ và giết con yêu ấy mà trừ căn. Như vậy thì nội xóm nầy đặng bình an vô sự.
Anh em Trần Trừng nghe nói mừng rỡ, dọn cơm nước đãi đằng.
Ba anh em ăn uống xong rồi, đồng đến mé sông lo cứu thầy đem lên.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.