Thạch Kiếm

Chương 2: Cái lược




Thạch Kinh Tử cao một thước bảy lăm, so với những người cùng tuổi, có thể coi là lớn vóc. Hắn như con tuấn mã, khỏe và dai sức, chân tay dài rắn chắc, môi đầy đặn đỏ hồng, mày đen rậm nhưng thanh tú chứ không quăn rối, kéo dài quá đuôi mắt làm tăng thêm vẻ ngang tàng của gương mặt.
Nhờ có những nét khôi ngô trên mức trung bình ấy, dân làng gọi hắn là “thằng bé được mùa”. Tuy chẳng ngụ ý gì giễu cợt, nhưng hỗn danh này làm cho những đứa trẻ đồng tuổi lánh xa, hắn lấy thế làm phiền muộn.
Còn Mãn Hà Chí, tuy không tuấn tú nhưng hỗn danh trên đôi với nó hợp hơn. Mập và lùn hơn Thạch Kinh Tử, Mãn Hà Chí tròn quay, gương mặt cũng tròn. Mỗi khi nói, đôi mắt tròn xoe hơi lồi đưa láo liên trông khôi hài như một thằng hề. Mọi người thường chế giễu, ví hắn như con ếch.
Thanh niên đang tuổi lớn, nếu có bị thương cũng mau lành. Khi cả hai đã hoàn toàn bình phục, Mãn Hà Chí bứt rứt, không chịu nổi cảnh tù túng. Nó bực dọc đi lại trong nhà chứa củi như con thú bị nhốt trong chuồng, mồm không ngớt than vãn cảnh giam hãm. Nhiều lần nó tự ví là con dế kẹt trong hang tối khiến Thạch Kinh Tử được dịp chế nhạo:
- Thì dế với ếch có khác gì ! Dế ở được thì ếch cũng ở được !
Đôi khi chắc Mãn Hà Chí có để tâm dò xét hai mẹ con ở căn nhà trên, vì một hôm nó ghé tai người bạn đồng cảnh thì thầm ra vẻ quan trọng:
- Đêm nào bà mẹ góa cũng đánh phấn làm đẹp mày ạ !
Thạch Kinh Tử cau mặt. Như đứa trẻ mười hai không ưa con gái, thấy bạn bắt đầu chú ý đến ỡ lũ ấy, nó nhìn Mãn Hà Chí khinh bỉ.
Mãn Hà Chí bắt đầu lên nhà trên, lân la gần bếp lửa cạnh A Kế Mỹ và bà mẹ góa.
Sau ba bốn ngày chuyện cà kê và đùa cợt, Mãn Hà Chí mặc nhiên được coi như người nhà. Nó không trở về ngủ ở vựa củi nữa, năm thì mười họa có về thì cũng say sưa, hơi thở sặc mùi sa-kê và cố gò Thạch Kinh Tử lên ở nhà trên bằng cách khoe khoang cảnh sống vui thú ở cách đó chỉ vài bước.
Thạch Kinh Tử khó chịu:
- Mày điên hả ? Rồi đến bị giết hết, nếu không cũng bị bắt cả đám. Đã thua phải trốn còn không biết thân. Tao với mày bây giờ phải lẩn cho kỹ, chờ khi nào yên đã.
Nhưng mãi rồi cũng chán. Không khuyên bảo được tên bạn thích hưởng lạc ấy, Thạch Kinh Tử chỉ trả lời gióng một:
“Tao không ưa rượu sa-kê “, hoặc “tao thích ở vựa củi, thoải mái hơn”.
Cho đến một hôm, không chịu nổi nếp sống buồn tẻ, Thạch Kinh Tử đã có những dấu hiệu yếu đuối.
- Mày có chắc là không có lính tuần không ? Có thật không can gì không ?
Và Thạch Kinh Tử, sau hai mươi ngày tự trốn mình trong vựa củi, đã chịu thò đầu ra ngoài. Hắn như tên tù sắp chết, da xanh mét, chẳng bù với Mãn Hà Chí, hồng hào vì nắng và rượu. Thạch Kinh Tử ngước nhìn trời, mắt hấp háy, vươn vai ngáp dài như con thú mới được thả. Ngáp xong, hắn nhíu lông mày, nét mặt đăm chiêu. Rồi sau một lúc suy nghĩ, khẽ nói:
- Chúng ta lợi dụng lòng tốt của hai mẹ con nhà này nhiều rồi. Nếu cứ ở đây mãi họ sẽ bị nguy. Phải về thôi !
- Mày nói đúng. Nhưng ra khỏi vùng này khó lắm. Chúng đang kiểm soát gắt gao.
Bà mẹ cho biết hai đường Kyoto và Ise đều không đi được, phải ở đây đợi đến đầu mùa tuyết. Cô con gái cũng đồng ý, bảo mình nên tạm ẩn thân thêm một thời gian nữa. Nó nói phải vì hàng ngày nó đi khắp nơi, không xó xỉnh nào không biết.
- Vậy như mày ngồi nhậu nhẹt cạnh bếp là ẩn thân đấy hả ?
- Chứ sao ! Hôm trước có lính tuần qua đây lục soát trong nhà. Mày biết tao làm thế nào không ? Tao điềm nhiên bước ra cửa đón. Thế mà chẳng thằng chó nào biết.
Chúng nhìn qua rồi bỏ đi.
Thạch Kinh Tử trố mắt không tin. Mãn Hà Chí cười lớn:
- Nghe tao. Ra ngoài an toàn hơn là nằm trong đó rình rập từng bước chân người qua lại, đến phát điên mất.
Rồi nó là cười nhạo báng. Thạch Kinh Tử phân vân:
- Có lẽ mày nói phải. Cách đó xem ra hay đấy.
Tuy còn ngờ vực nhưng Thạch Kinh Tử cũng dọn đồ lên nhà trên ở. Ôkô hoan hỉ ra mặt. Bà ta có vẻ thích đàn ông, tiếp đãi chúng nồng nhiệt, nhưng có lúc đã làm chúng giật mình vì ngỏ ý muốn gả con gái cho một trong hai đứa.
Mãn Hà Chí hơi bẽn lẽn, nhưng Thạch Kinh Tử coi thường, không để ý hoặc tìm cách gạt đi bằng những câu nói đùa khéo.
Đã đến mùa nấm hương trổ đầy bên những gốc thông già trên rặng núi sau trại.
Khi nấm bắt đầu thơm và mập, Thạch Kinh Tử cùng với A Kế Mỹ mang giỏ đi hái nấm.
Cô bé đi từ gốc này sang gốc khác. Mỗi khi ngửi thấy hương nấm bốc lên ở chỗ nào, nàng lại chạy tới, giọng hồn nhiên vang dội cả khu rừng tịch mịch:
- Thạch Kinh Tử ! Đến đây ! Chỗ này nhiều lắm !
Nhưng chàng thanh niên chỉ đáp suông, mắt không ngớt tìm kiếm:
- Chỗ này cũng chẳng thiếu gì !
Qua đám cành thông nhỏ đan nhau, nắng thu chiếu dịu dàng xuống hai người.
Dưới gốc thông già mát rượi, lớp thảm lá khô dầy ửng lên màu hồng nhạt như vừa được rắc phấn.
Khi hái đã mệt, A Kế Mỹ quay lại cười và thách:
- Nào xem ai hái nhiều hơn nào !
- Ừ, coi đây !
Thạch Kinh Tử đáp, vẻ tự mãn.
A Kế Mỹ giật lấy giỏ của hắn mở ra và, với một niềm vui rạng rỡ chỉ thấy ở những thiếu nữ mười sáu, không pha một chút bối rối hoặc e lệ giả tạo, nàng vừa cười vừa nói:
- Biết ngay mà ! Chú hái cả nấm độc !
Rồi lấy tay nhặt từng cái vất ra xa, cố tình và thong thả đến nỗi dù không đếm, Thạch Kinh Tử có nhắm mắt cũng phải thấy.
Nhặt xong, nàng ngẩng mặt lên, hài lòng:
- Nào, bây giờ giỏ của tôi có nhiều hơn của chú không nào !
Thạch Kinh Tử đỏ mặt lẩm bẩm:
- Muộn rồi, về thôi !
- Chú giận vì thua cuộc chứ gì ?
Nói đoạn A Kế Mỹ chạy xuống đồi, bước chân thoăn thoắt như bước chân trĩ.
Đến lưng chừng đồi, đột nhiên nàng khựng lại, lộ vẻ sợ hãi. Một người to lớn như trái núi đang bước những bước dài từ một chỗ rẽ đi tới. Gặp A Kế Mỹ hắn trừng mắt nhìn. Vẻ hung dữ như dã thú của hắn làm cô bé rùng mình:
lông mày chổi xể xếch ngược, môi dày, răng vổ, kiếm nặng giắt ngang lưng, giáp sắt, áo da thú, tất cả đều mang vẻ man rợ của một kẻ chỉ biết có luật rừng để tranh sống. Hắn đến gần cô gái, nhe hàm răng cải mả ra cười và nói như bò rống:
- A Kế Mỹ !
Mặc dầu hắn cười, A Kế Mỹ cũng không khỏi sợ hãi.
- A Kế Mỹ ! Con mẹ xinh đẹp của mày có nhà không ?
Hắn hỏi, vẻ giễu cợt.
A Kế Mỹ đáp lí nhí:
- Dạ có.
Hắn làm bộ lễ phép:
- Vậy tao nhờ mày chút việc. Làm ơn giúp tao được không ?
- Dạ được.
Giọng hắn đanh lại:
- Bảo mẹ mày đừng có qua mặt tao. Tao sẽ đến lấy phần đấy nghe chưa ?
A Kế Mỹ lặng thinh.
- Đừng tưởng tao không biết. Người mua hàng đã nói hết với tao ! Còn mày nữa, tao cá là mày cũng đến Sekigahara, đúng không, nhỏ ?
A Kế Mỹ phản đối yếu ớt:
- Đâu có.
- Vậy được ! Nhắn mẹ mày như thế. Nếu cứ tiếp tục, tao tống cổ ra khỏi nơi này đấy !
Hắn giận dữ đứng nhìn A Kế Mỹ một lúc, rồi nặng nề lê bước về bãi lầy phía dưới chân núi. Thạch Kinh Tử trông theo, quay lại hỏi cô bé:
- Thằng đó là ai vậy ?
Mặt tái mét, A Kế Mỹ run rẩy đáp:
- Chu Kế Phong Thử Mạch ở thôn Fuwa.
Giọng Thạch Kinh Tử trầm xuống:
- Cướp phải không ?
Cô bé gật.
- Sao nó dữ vậy ?
A Kế Mỹ lặng thinh.
- Sao không cho tôi biết ? Tôi không nói với ai đâu !
A Kế Mỹ ngần ngại, dáng băn khoăn thiểu não. Đột nhiên ghé đầu gần ngực Thạch Kinh Tử, nàng khẩn khoản:
- Chú hứa không nói cho ai biết, nhé !
- Cô coi tôi là người thế nào ?
- Chú có nhớ cái đêm chú thấy tôi ở Sekigahara không ?
- Nhớ !
- Vậy chú vẫn chưa biết tôi làm gì à ?
- Chưa. Tôi không bao giờ nghĩ tới.
- Tôi ăn cắp đó !
Nói xong, nàng nhìn Thạch Kinh Tử, dò xét.
- Ăn cắp ?
- Ừ, ăn cắp. Cứ sau mỗi trận đánh nhau, tôi lại ra bãi lấy cắp đồ của xác chết:
gươm giáo, đồ trang sức, áo mũ ... bất cứ thứ gì bán được cũng lấy ...
Nàng liếc nhìn Thạch Kinh Tử xem hắn có tỏ thái độ gì bất bình không, nhưng hắn vẫn thản nhiên. Nàng khẽ thở dài:
- Cũng sợ lắm, nhưng biết sao ! Chúng tôi cần sống. Nếu không đi, mẹ tôi mắng !
Mặt trời chưa lặn. A Kế Mỹ kéo Thạch Kinh Tử cùng ngồi xuống cỏ. Xa xa dưới chân đồi, căn nhà của hai mẹ con nàng hiện ra sau những tàng thông cao.
Thạch Kinh Tử khẽ gật đầu như vừa hiểu chuyện. Một lúc sau hắn mới nói:
- Vậy chuyện chế thuốc là chuyện bịa à ?
- Không ! Cũng có làm chứ, nhưng mẹ tôi ưa xa hoa nên tiền bán thuốc không đủ.
Khi cha tôi còn sống, chúng tôi ở căn nhà lớn nhất làng, có khi lớn nhất cả trong bảy làng vùng Ibuki này nữa. Nhiều gia nhân lắm. Mẹ tôi lúc nào cũng ăn vận sang trọng.
- Chắc cha cô buôn bán ?
- Không. Ông là chúa đảng cướp vùng này.
Mắt A Kế Mỹ sáng lên kiêu hãnh. Bây giờ nàng không ngại Thạch Kinh Tử bất bình nữa. Nàng nghiến răng, nắm chặt hai bàn tay nhỏ bé:
- Chính thằng Chu Kế Phong vừa rồi đã giết chết ông. Mọi người đều nói thế.
- Vậy là cha cô bị ám sát hả ?
A Kế Mỹ yên lặng gật đầu và nước mắt trào ra. Thạch Kinh Tử không cầm được xúc động. Lúc đầu hắn chẳng ưa gì cô bé, vì so với các thiếu nữ khác cùng lứa, A Kế Mỹ hơi nhỏ người lại nói năng như bà cụ làm nhiều khi hắn phải giữ kẽ. Nhưng bây giờ thấy những giọt nước mắt chứa chan trên đôi mi đen dài, hắn động lòng thương, muốn ôm cô bé vào lòng, nói những lời an ủi và che chở.
A Kế Mỹ không được dạy dỗ. Nàng cho rằng không có nghề nào cao quý hơn nghề của cha mình. Mẹ nàng dạy nàng lột đồ của người chết đem bán là một điều hợp pháp để kiếm sống, hơn thế nữa, để sống sung sướng. Nhiều tên cường đạo khác đâu dám làm chuyện đó !
Sau nhiều năm chịu cảnh chiến tranh phong kiến, không thiếu gì những tên vô lại ở miền quê sống về lột các xác chết như vậy, lâu rồi người ta cũng coi thường.
Khi có chiến tranh lâu, các tay đầu mục địa phương cần đến bọn vô lại này, thuê chúng đốt nhà, cướp lương, cướp ngựa, phao tin thất thiệt ... Thường thường chúng được trả công, nhưng trong thời chiến, chúng chẳng cần gì công xá. Ngoài những đồ vật quý giá lột được ở các xác chết ra, có khi chúng còn chặt đầu những kiếm khách chẳng may bỏ mình nơi trận địa đem về lĩnh thưởng.
Chỉ một trận quan trọng cũng đủ cho những tên vô lại như vậy sống sung túc hàng năm hay ít nhất sáu tháng. Vào những năm quá tao loạn, giới tiều phu và trại chủ lương thiện cũng học thói kiếm lời trên xương máu và sự đau khổ của người khác. Khi chiến tranh xảy ra gần làng, trồng trọt cày cấy không được, họ vội vã khai thác ngay hoàn cảnh mới, tìm cách sống như những con kên kên trên xác chết đồng loại. Cũng vì thế các tay cường đạo chuyên nghiệp đã phải kiểm soát gắt gao khu vực làm ăn của chúng và ra tay trừng phạt không thương xót kẻ nào xâm phạm vào những khu vực ấy.
A Kế Mỹ rùng mình nói:
- Bây giờ làm sao ? Tôi chắc bộ hạ của Thử Mạch thế nào cũng đến đây.
- Cô đừng lo ! Nếu chúng đến tôi sẽ cho chúng biết tay.
Khi hai người xuống đến chân núi, hoàng hôn đã bắt đầu phủ lên miền hoang dã.
Cảnh vật đìu hiu, cô tịch. Một vệt khói lam từ trong bếp do Ôkô đun nước tắm bốc ra còn vương trên đầu những ngọn sậy cao, như con rắn uốn éo trên không.
Ôkô đã trang điểm xong, đứng tựa cửa sau nhìn ra ngoài. Thấy con gái đi cùng với Thạch Kinh Tử, bà cất cao giọng:
- A Kế Mỹ ! Mày làm gì ở ngoài đó mà đến bây giờ mới về ?
Ánh mắt bà có vẻ nghiêm khắc. A Kế Mỹ giật mình. Hơn tất cả mọi thứ, nàng sợ nhất những cơn thịnh nộ của mẹ. Ôkô biết vậy nên lợi dụng sự sợ hãi ấy, sai khiến nàng như sai khiến một con rối, nhiều khi chỉ bằng cái lừ mắt hoặc cái trỏ tay.
A Kế Mỹ rời Thạch Kinh Tử, mặt đỏ bừng, chạy vào trong nhà.
Ngày hôm sau, A Kế Mỹ kể cho mẹ nghe chuyện gặp Thử Mạch. Bà mẹ không giữ được bình tĩnh:
- Sao mày không nói ngay cho tao biết ?
Rồi như con điên, bà vò đầu bứt tai, mở tung các ngăn kéo lấy ra đủ thứ đồ linh tinh lỉnh kỉnh xếp một đống giữa nhà.
- Mãn Hà Chí ! Thạch Kinh Tử ! Giúp tôi một tay ! Phải đem giấu hết !
Ôkô bảo Mãn Hà Chí lật tấm ván trên trần chui vào đó. Trần gian nhà hẹp, chỉ vừa đủ chỗ cho một người chui lọt, nhưng cách xếp đặt để giấu những đồ vật trên đó chắc là do thâm ý của Ôkô mà cũng là của người chồng xấu số trước kia của bà nữa.
Thạch Kinh Tử đứng trên ghế đẩu giữa hai mẹ con, luân phiên chuyền tay cho Mãn Hà Chí những vật dụng mà nếu không được nghe chuyện A Kế Mỹ kể hôm trước, có lẽ hắn phải ngạc nhiên lắm.
Tuy biết hai mẹ con Ôkô sống về nghề lột xác chết đã lâu, nhưng hắn không ngờ số vật dụng lại nhiều và tạp nhạp đến thế ! Nào giáo, nào đầu mũi mác, một cái tay áo giáp, một chiếc mũ đã mất vành, một bàn thờ Phật nhỏ xíu, chuỗi tràng hạt, cái cán cờ... có cả một bộ yên ngựa bằng gỗ sơn then, chạm trổ tinh vi cẩn xà cừ và nạm vàng bạc nữa.
Xếp dọn một hồi, Mãn Hà Chí ở trên trần thò đầu ra:
- Hết rồi à ?
- Chưa. Còn một thứ nữa.
Ôkô chạy ra khỏi phòng và trở lại mang theo một thanh kiếm gỗ sồi màu đen, dài chừng ba thước. Thạch Kinh Tử cầm thanh kiếm định trao cho Mãn Hà Chí nhưng thấy kiếm đẹp, dáng thuôn thuôn vừa tay, thật cân đối nên mân mê mãi không muốn rời.
Quay sang Ôkô, ham muốn lộ trên ánh mắt, hắn ngượng ngùng hỏi:
- Bà cho tôi nhé ?
Nhưng vội cúi ngay xuống vì tự biết chưa làm gì xứng đáng để được tặng món quà ấy. Như bà mẹ hiền từ, Ôkô dịu dàng hỏi lại:
- Chú thích lắm hả ?
- Dạ, thích lắm.
Và tuy chẳng nói là cho, Ôkô mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền quyến rũ. Thạch Kinh Tử biết là mình đã được thanh kiếm.
Mãn Hà Chí nhảy từ trên trần nhà xuống, giận dỗi giơ tay vỗ vào vỏ kiếm.
Ôkô bật cười:
- Coi kìa, chú bé không có quà đương giận kìa !
Bà cho Mãn Hà Chí một cái túi da cẩn mã não nhưng Mãn Hà Chí vẫn không hài lòng. Nó đưa mắt nhìn thanh kiếm tỏ vẻ hờn dỗi, rõ ràng không kìm nổi lòng tự ái bị thương tổn.
Khi trượng phu còn sống, Ôkô thường có lệ mỗi chiều phải tắm nước nóng, khoan thai trang điểm rồi uống một chút sa-kê. Nàng kề cà trong phòng tắm thật lâu không khác gì một danh kỹ được hậu đãi. Không phải ai cũng như vậy, nhưng Ôkô ưa nếp sống xa hoa và tập cho con gái sống theo mình dù A Kế Mỹ không thích và thấy không cần thiết. Ôkô không những ưa sống xa hoa mà còn quyết tâm muốn giữ cho trẻ mãi.
Đêm đó mọi người ngồi quanh bép lửa. Ôkô rót rượu cho Mãn Hà Chí và cố mời Thạch Kinh Tử một chén.
Thạch Kinh Tử từ chối. Nàng để chén rượu vào tay hắn, cầm cổ tay bắt hắn đưa lên miệng uống.
- Đàn ông phải biết uống rượu. Nếu chú không uống được, tôi giúp.
Mãn Hà Chí nhìn nàng không bằng lòng. Ôkô biết thế, càng tỏ ra thân mật với Thạch Kinh Tử. Nàng để tay lên đùi hắn, miệng khe khẽ hát một bài ca tình tứ.
Lần này thì thật quá lắm ! Mãn Hà Chí quay sang Thạch Kinh Tử gằn giọng:
- Chúng ta sắp đi thôi !
Câu nói có hiệu quả ngay tức khắc. Ôkô ngạc nhiên, lắp bắp:
- Các ... các chú định đi đâu ?
- Trở về Miyamoto. Mẹ và vợ chưa cưới của tôi ở đó.
Ôkô chưng hửng nhưng lấy ngay được bình tĩnh. Đang vui, nàng lim dim đôi mắt nhỏ như hai sợi chỉ, thôi không cười nữa và cất giọng chua như giấm:
- Vậy xin lỗi đã giữ các chú ở đây, cho các chú tá túc và tiếp đãi các chú. Nếu có cô nào đang đợi các chú thì xin cứ tự tiện, tôi chẳng giữ làm gì ?
Từ khi được thanh kiếm gỗ đen, Thạch Kinh Tử nâng niu, không chịu rời nó nửa bước. Cầm trong tay thanh kiếm, hắn sung sướng vô hạn. Hắn thường nắm chặt chuôi kiếm hoặc vuốt nhẹ lưỡi kiếm để hưởng cái thú cảm thấy trong tay đường cong rất mực cân đối và tuyệt mỹ của nó.
Khi ngủ, hắn cũng ôm nó vào lòng. Cảm giác mát rượi và nhẵn của lưỡi kiếm gỗ áp trên má làm hắn nhớ lại mảnh sàn trơn bóng nơi võ đường xưa kia về mùa đông hắn vẫn thường tập luyện. Thứ võ khí đẹp và chết người đó đã đánh thức tinh thần tranh đấu hắn hấp thụ được của cha khi trước.
Thạch Kinh Tử rất yêu mẹ, nhưng mẹ hắn đã bỏ ra đi ngay từ khi hắn còn nhỏ.
Cha hắn, ông Mưu Ni Sai, là một hiệp sĩ rất cương nghị và ưa nguyên tắc, giá có muốn chiều con cũng chẳng biết làm thế nào. Vì vậy đứng trước mặt cha, Thạch Kinh Tử luôn luôn sợ sệt, không bao giờ được thoải mái.
Khi lên chín, hắn thèm những lời âu yếm đến nỗi đã có lần trốn nhà, một mình lặn lội tới tỉnh Harima gặp mẹ. Thạch Kinh Tử chẳng hiểu sao cha mẹ hắn lại không cùng ở với nhau. Chẳng ai giải thích cho hắn biết, mà ở tuổi ây giá có giải thích cũng bằng thừa. Mẹ hắn lấy một kiếm sĩ khác ở Harima và có một con với người ấy.
Đến Harima, hắn tìm thấy mẹ chẳng khó khăn gì. Hai mẹ con đưa nhau vào một khu rừng thưa sau miếu để mọi người khỏi trông thấy. Mẹ hắn ôm ghì hắn vào lòng, nước mắt chan hòa, nức nở khuyên hắn trở về với cha. Thạch Kinh Tử không bao giờ quên được cảnh đó vì những chi tiết cuộc gặp gỡ hôm ấy suốt đời vẫn ghi vào tâm khảm hắn.
Dĩ nhiên Mưu Ni Sai, con người chỉ biết có nguyên tắc, sau khi thấy con bỏ đi, đã sai gia nhân lùng bắt. Người ta đoán biết chỗ hắn trốn nên tìm được hắn dễ dàng, trói gô lại rồi tải lên lưng ngựa mang về như bó củi.
Mưu Ni Sai không tha thứ cho thằng con hỗn láo đánh hắn một trận thừa chết thiếu sống trong cơn giận dữ như điên dại. Thạch Kinh Tử nhớ nhất lời ông đe dọa, quyết liệt:
- Nếu mày còn trở lại theo mẹ mày nữa, tao từ mày !
Chẳng bao lâu sau, Thạch Kinh Tử được tin mẹ bị bệnh chết.
Cái chết của mẹ hắn đã thay đổi nội tâm hắn ghê gớm. Từ một đứa trẻ hiền lành và đa cảm, Thạch Kinh Tử trở nên tên côn đồ hung bạo nhất làng, Mưu Ni Sai cũng phải sợ. Mưa Ni Sai đánh hắn bằng gậy, hắn đánh lại bằng chày. Chỉ Mãn Hà Chí là dám đương đầu với hắn, còn những đứa trẻ khác đều sợ chạy cả. Năm mười hai, mười ba tuổi, hắn đã lực lưỡng như người lớn.
Một năm có tay kiếm khách giang hồ tên Arima đến dựng đài diễn võ, thách dân làng tỉ thí. Thạch Kinh Tử lên đài, giết Arima dễ như bỡn. Dân làng hoan hô hắn nhiệt liệt, nhưng lòng ngưỡng mộ chẳng được bền. Càng ngày Thạch Kinh Tử càng tỏ ra hung bạo và bất trị. Nhiều người cho là hắn hiếu sát, thấy mặt đâu là lánh. Thái độ hắn đối với dân làng càng làm cho dân làng lạnh nhạt.
Đến khi người cha nghiêm khắc chết đi, bản tính hung tợn của Thạch Kinh Tử còn ghê gớm hơn nữa. Nếu không nhờ chị hắn là Ô Nhiên can thiệp, chắc Thạch Kinh Tử đã bị đuổi khỏi làng từ lâu rồi.
Hắn thương chị hết sức. Mỗi khi thấy chị khóc, hắn không đành lòng từ chối chị một điều gì cả.
Việc Mãn Hà Chí và Thạch Kinh Tử đăng lính đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời hắn. Ít ra nó cũng chúng tỏ là Thạch Kinh Tử vẫn còn muốn hội nhập vào xã hội, nhưng trận thất bại Sekigahara đã tàn nhẫn đập tan những ước vọng ấy và lại đẩy hắn rơi vào vực sâu đen tối hắn tưởng vừa thoát khỏi.
Tuy nhiên Thạch Kinh Tử có một tâm hồn vô tư lạ lùng, chỉ thấy trong những thời kỳ loạn lạc. Khi ngủ, mặt Thạch Kinh Tử bình thản như một đứa trẻ không nghĩ đến ngày mai. Hắn cũng có những mộng ước, dù thức hay ngủ, nhưng chưa bao giờ phải chịu nỗi thất vọng sâu xa. Bước vào đời tay trắng, hắn chẳng có gì để mà tiếc nuối. Nếu bảo hắn là một tên mất gốc thì cũng phải công nhận rằng hắn chẳng bị một điều gì ràng buộc.
Thạch Kinh Tử nằm kia, tay ôm thanh kiếm gỗ, cánh mũi phập phồng, nhịp thở đều hòa trong giấc ngủ. Có lẽ hắn đang mơ, nụ cười tươi hé trên môi. Dưới đôi hàng mi đen, hắn thấy gì ? Người chị hắn thương yêu hay ngôi làng bé nhỏ bình yên ở đó hắn đã sinh trưởng ?
Ôkô tay cầm đèn bước vào phòng. Nhìn Thạch Kinh Tử, nàng đứng yên, khẽ thốt:
“Nét mặt mới bình thản làm sao !”. Rồi đưa tay phớt nhẹ lên đôi môi hé mở của hắn, nàng thổi tắt đèn, rón rén nằm xuống bên cạnh như con mèo cuộn tròn trên tấm thảm.
Thong thả, nàng xích lại gần Thạch Kinh Tử từng chút, khuôn mặt nhồi phấn trắng và bộ áo ngủ sặc sỡ hiện rõ trong bóng tối.
Bên ngoài hoàn toàn yên lặng. Vài giọt sương đêm rơi nhẹ trên thành cửa sổ.
Ôkô tự nhủ:
“Không biết anh chàng này đã biết mùi đàn bà chưa !” và đưa tay định cầm thanh kiếm gỗ. Nhưng vừa chạm vào thanh kiếm, Thạch Kinh Tử đã giật mình chồm dậy, hất nàng ra và kêu ầm ĩ:
- Ăn trộm ! Ăn trộm !
Ôkô bị hất bắn ra ngoài, va phải cây đèn. Thạch Kinh Tử nhảy tới bẻ tay nàng quặt ra sau.
- Trời ơi ! Chú làm gẫy tay tôi bây giờ !
- Ủa, tôi tưởng kẻ trộm ! Xin bà tha lỗi !
- Úi chà, đau ! ... Chú làm gì mà dữ vậy ?
- Tôi xin lỗi. Thế bà vào đây làm gì ?
Ôkô nắn tay xuýt xoa, không đáp. Đột nhiên nàng dùng cánh tay ấy ôm chặt lấy cổ Thạch Kinh Tử vít xuống, âu yếm:
- Thạch lang, chàng khỏi phải xin lỗi.
Rồi đưa tay vuốt má hắn. Thạch Kinh Tử nhảy lui:
- Bà làm gì vậy ? Điên hả ?
- Thạch Kinh Tử ! Làm gì mà rầm lên vậy ? Không biết tôi thương chú lắm sao ?
Nàng dùng những lời ngon ngọt để dụ dỗ, nhưng chàng thanh niên ngu ngốc cố né như người bị Ong đốt.
- Biết chứ. Anh em chúng tôi rất ơn bà đã thương cho trú ngụ lại còn giúp đỡ mọi thứ.
- Không phải thế ! Tôi muốn nói tình tôi thương chú, tình âu yếm của tôi đối với chú ...
- Khoan ! Để thắp đèn lên đã !
- Sao độc ác thế ?
Nàng khóc thút thít rồi lại định giơ tay ra ôm lấy Thạch Kinh Tử.
- Đừng động vào tôi ! Tôi nói thật ! ...
Giọng nói và dáng điệu hắn có một cái gì mạnh mẽ, quyết liệt làm Ôkô sợ hãi, khựng lại.
Hai hàm răng đánh vào nhau lập cập, chân mềm như bún, Thạch Kinh Tử kinh sợ quá chừng ! Chưa bao giờ hắn gặp một địch thủ ghê gớm đến thế ! Cả lúc nhìn đoàn người ngựa chạy rầm rầm trên bãi hoang còn tanh mùi máu ở Sekigahara, tim hắn cũng không đập loạn đến thế ! Hắn giật lùi vào góc phòng:
- Bà về đi ! Bà trở về phòng đi ! Nếu không, tôi đánh thức Mãn Hà Chí và cả nhà dậy bây giờ.
Ôkô đứng lặng người trong bóng tối, thở hổn hển, mắt nhìn Thạch Kinh Tử không chớp. Nàng nhất định không chịu để bị ruồng rẫy như vậy.
- Thạch lang không hiểu lòng tôi hay sao ?
Thạch Kinh Tử không trả lời.
- Thạch Kinh Tử, chú phải hiểu ...
- Bà cũng phải hiểu chứ ! Tôi đang ngủ, bà làm tôi giật mình, như con cọp cái trong bóng tối xông đến ...
Đến lượt Ôkô đứng lặng. Cơn giận ứ lên cổ, nàng dằn từng tiếng:
- Tại chú mà tôi bối rối thế này !
- Sao lại tôi được !
- Chú làm tôi cụt hứng !
Hai người nhìn nhau, tinh thần căng thẳng, không để ý đến tiếng đập cửa gấp rút bên ngoài. Tiếng đập cửa càng mau rồi những tiếng nói vội vàng vọng vào:
- Chuyện gì trong ấy vậy ? Thạch Kinh Tử ! Mở cửa mau !
Áng sáng đèn bên ngoài chiếu qua khe vách. A Kế Mỹ đã thức dậy, tiếp theo là bước chân vội vã của Mãn Hà Chí:
- Chuyện gì thế ?
Tiếng A Kế Mỹ ở ngoài hành lang gọi mẹ, lo lắng:
- Mẹ có ở trong ấy không, mẹ ?
Ôkô sờ soạng đi lần về phòng mình sát với phòng Thạch Kinh Tử rồi trả lời vọng ra.
oo Bên ngoài, bóng người lố nhố. Có lẽ bọn họ vừa phá cửa chính xông vào phòng khách. Ôkô thấy sáu bảy người đàn ông lực lưỡng đứng chen nhau trên nền đất nện thấp hơn nhà ngoài một bậc. Một người trong bọn lớn tiếng:
- Chu đại ca đã đến ! Thắp đèn lên !
Đèn thắp, họ ùa ra phòng khách. Chẳng thèm cởi bỏ giầy, họ chia nhau lục soát khắp nơi, mở tủ, mở ngăn kéo, lật chiếu, giật rèm ... không chỗ nào không ngó tới.
Chu Kế Phong Thử Mạch ngồi giữa nhà nhìn bộ hạ tung hoành. Một lúc sau như không vừa ý, hắn đập tay xuống chiếu.
- Ôkô, những đồ ấy đâu cả rồi ?
- Ta không hiểu ngươi định nói gì.
Ôkô ở phòng bên đáp vọng sang, giọng hơi run.
- Đừng vờ ! Ta biết những thứ đó ở nhà này. Mang ngay ra đây !
- Chả có gì cả !
- Không có gì ?
- Không có.
- Vậy người ta báo cáo sai hay sao ?
Hắn ngờ vực nhìn Ôkô, đưa tay gãi râu. Lúc sau quay sang bảo bộ hạ:
- Thôi, chúng bay ngừng lại. Đủ rồi !
Ôkô vẫn ngồi trong phòng, tỏ vẻ bất cần như thách thức bọn Thử Mạch. Chu Kế Phong cao giọng, hách dịch:
- Ôkô !
- Gì ?
- Có gì uống không ?
- Có, nước lã !
- Coi chừng ! Đừng trêu gan ta ! Giọng hắn đanh lại, đe dọa.
- Sa-kê ở trong tủ ấy ! Muốn uống lấy mà uống !
Chu Kế Phong hơi ngán sự bướng bỉnh và gan dạ của Ôkô, gã dịu giọng:
- Thôi mà, đã lâu không đến thăm, chẳng lẽ tiếp ta như thế sao ?
- Viếng thăm gì lạ vậy ?
- Một phần lỗi tại nàng. Người ta nói nhiều về nàng quá, bỏ qua không được ! Họ đồn nàng bán thuốc trên núi làm ăn khá lắm. Có người còn bảo nàng cho con gái đi lột xác chết. Đúng không ?
- Nói láo ! Chứng cớ đâu ?
- Nếu muốn chứng cớ, ta đâu cần cảnh cáo con A Kế Mỹ ! Luật lệ Ở đây, nàng biết chứ ? Vùng này là lãnh thổ của ta, nếu làm ngơ, mọi người còn coi ta ra gì nữa ?
Ôkô quay lại nhìn Thử Mạch, mắt sắc như dao, mặt hơi vênh lên, thách đố.
- Thôi, lần này ta tha cho. Đặc ân đấy nhé !
- Đặc ân cái gì ? Bộ ngươi ra ơn cho ta hả ?
- Ôkô ! Lại đây rót rượu !
Ôkô vẫn ngồi yên không nhúc nhích.
- Đồ ngốc ! Mày không thấy nếu ngoan ngoãn nghe lời ta thì đâu đến nỗi vất vả thế ?
Rồi một lúc sau đã bình tĩnh, hắn khuyên:
- Hãy nghĩ lại đi, Ôkô ...
- Chà, quý hóa quá !
- Nàng không có thiện cảm với ta mấy nhỉ !
- Vậy ta hỏi ngươi:
Ai giết chồng ta ?
- Nếu nàng muốn báo thù, ta sẵn sàng giúp. Hết sức.
- Này, đừng có làm bộ ngây thơ.
- Nàng nói gì vậy ?
- Nối gì thì ngươi biết ! Ai cũng bảo thủ phạm giết trượng phu ta là Chu Kế Phong Thử Mạch. Chỉ có ngươi giả vờ không rõ. Ta là vợ tướng cướp thật, nhưng không khốn nạn đến độ đi lăng nhăng với tên đã giết chồng ta đâu !
- Hà ! Ra thế đấy !
Hắn ực nốt chén rượu cầm trên tay, rót thêm rồi tiếp:
- Hãy giữ mồm miệng ! Có hại cho nàng và cả con A Kế Mỹ lắm đấy !
- Ta dạy con ta nên người. Nó lấy chồng xong, sẽ cho ngươi biết tay ! Thề với ngươi như vậy !
Thử Mạch phá lên cười, toàn thân rung động. Hắn uống nốt ngụm rượu, làm hiệu cho tên bộ hạ cầm giáo đứng cạnh gần bếp:
- Mày cầm giáo chọc lên trần nhà tao coi thử, mày !
Tên cướp đi quanh phòng lấy mũi giáo chọc lên trần mấy cái. Những vật dụng Ôkô lấy được giấu trên đó rơi xuống loảng xoảng.
- Hà hà, đúng như ta đã dự đoán từ đầu. Chúng mày thấy chưa ? Chứng cớ đấy chứ đâu ! Con mẹ này coi thường bọn ta. Hãy bắt nó đem ra trị tội !
Bộ hạ Thử Mạch ào vào phòng, nhưng đột nhiên khựng lại. Ôkô đứng ở ngưỡng cửa, điềm nhiên như tượng, lạnh lùng thách đố.
- Chúng mày đợi gì nữa ? Bắt nó đem ra đây !
Không một ai động đậy, tuồng như không nghe thấy lời hắn nói. Ôkô đứng trên bực cửa cao, nhìn chúng từ đầu đến chân, khinh bỉ.
Thử Mạch giận dữ, tặc lưỡi đứng lên, hăm hở xông vào. Nhưng đến gần cửa, hắn cũng đột nhiên dừng lại:
Đằng sau Ôkô, nấp trong bóng tối, hai thanh niên lực lưỡng, dáng dữ dằn đã chực sẵn.
Thạch Kinh Tử, tay cầm ngang thanh kiếm gỗ, sẵn sàng phạt gãy cẳng tên nào ngu dại xông vào trước. Bên kia, Mãn Hà Chí lăm lăm cây đoản đao, chỉ chờ bổ xuống gáy những kẻ nhảy qua cửa. Còn A Kế Mỹ biệt tăm, không thấy bóng dáng đâu cả.
- Á à ... Thì ra tên này đây !
Thử Mạch nhớ lại cuộc gặp gỡ ven rừng mấy hôm trước.
- Tao biết thằng cầm gậy, còn thằng kia là đứa nào ?
Mãn Hà Chí và Thạch Kinh Tử không nói câu gì, nhất định dùng võ lực.
Tình hình căng thẳng, không khí như bốc lửa.
Thử Mạch gầm lên:
- Ta không ngờ trong nhà này có đàn ông. Hai đứa mày ở Sekigahara phải không ?
Liệu hồn, đừng trách tao không báo trước !
Mãn Hà Chí và Thạch Kinh Tử vẫn không đáp.
- Vùng này ai cũng nghe danh Chu Kế Phong. Đồ lính chết, chúng mày sẽ biết tay ta !
Im lặng.
Thử Mạch lấy tay gạt bộ hạ sang bên. Một đứa mất thăng bằng ngã ngồi ngay vào bếp than, tàn bắn tung tóe. Lửa tắt, khói bốc lên mù mịt.
- Á á á ...
Thử Mạch thét một tiếng dài, nhảy vào phòng. Mãn Hà Chí, hai tay nắm chắc đốc đoản đao, hạ xuống như vũ bão, nhưng Thử Mạch nhanh chân tránh được. Lưỡi đao trượt trên đầu vỏ kiếm của hắn dội lại. Mãn Hà Chí cảm thấy đau điếng, tưởng rách hồ khẩu.
Ôkô chạy nấp vào góc phòng.
Thạch Kinh Tử chỉ chờ có thế, dùng hết sức đưa thanh kiếm gỗ phạt ngang một đường thấp là là mặt đất. Trong bóng tối, gió kiếm nghe đánh vù nhưng không có tiếng người ngã. Thử Mạch đã nhảy lên vừa kịp. Khi rớt xuống, hắn lấy hết sức bình sinh đè lên Thạch Kinh Tử như một tảng đá. Thạch Kinh Tử tưởng gặp một con gấu. Chưa bao giờ hắn phải đối địch với một người khỏe như thế. Thử Mạch chặn cổ hắn, tay kia đấm lên đầu làm hắn choáng váng mặt mày, sọ như vỡ ra. Trong cơn nguy khốn, Thạch Kinh Tử nghiến răng, thu hết sức đạp thật mạnh một cái. Thử Mạch bắn tung lên không, rơi đập vào tường. Cả căn nhà rung chuyển.
Nhanh như cắt, Thạch Kinh Tử vung kiếm giáng xuống địch thủ. Thử Mạch lăn tròn, tránh được, chồm dậy nhảy ra ngoài chạy trốn. Thạch Kinh Tử đuổi theo sát nút, nhất định không để Thử Mạch chạy thoát. Hắn mà thoát được thì nguy hiểm quá !
Thạch Kinh Tử đã quyết định:
không đánh hắn nửa chừng, hoặc Thạch Kinh Tử chết, hoặc Thử Mạch phải chết !
Bản chất Thạch Kinh Tử như vậy:
lúc nào cũng cực đoan. Từ nhỏ, trong máu hắn đã có một cái gì man rợ, hung bạo của những võ sĩ thời cổ Nhật Bản, một cái gì vừa dã man vừa thuần túy:
không biết ánh sáng văn minh, không có sự Ôn nhu của tri thức, và không biết dung hòa là gì.
Tính đó tự nhiên nhưng cha hắn không chấp nhận. Mưu Ni Sai đã nhiều lần dùng những hình phạt nghiêm khắc theo lề lối quân ngũ, cố kiềm chế bản chất hung tợn ấy, nhưng hình phạt chỉ làm hắn tàn bạo hơn, tỷ như con lợn rừng càng trở nên hung dữ khi không được ăn đủ. Dân làng càng khinh ghét hắn bao nhiêu, hắn càng kháng cự lại kịch liệt chừng ấy.
Đến khi trưởng thành, gã thanh niên hoang dại ấy chán không muốn ở làng phá phách nữa. Hắn bắt đầu mơ mộng những chuyện to lớn. Sekigahara đã dạy hắn bài học thực tế đầu tiên về cuộc sống. Những mộng ước của hắn thuở thiếu thời mặc dù chẳng có bao nhiêu, đã tan vỡ. Hắn chẳng thèm để tâm suy nghĩ gì về những thất bại đã qua hoặc lo tương lai đen tối. Hắn không biết, hay chưa biết đến ý nghĩa của sự tự khép mình vào kỷ luật và thản nhiên chấp nhận những đổ vỡ ấy. Ngẫu nhiên bây giờ gặp Chu Kế Phong, tay tướng cướp nổi tiếng, một địch thủ xứng đáng hắn hằng mong ước được gặp mặt ở Sekigahara.
- Đồ hèn ! Đứng lại !
Trên cánh đồng tối đen như mực, Thạch Kinh Tử xẹt nhanh như lằn chớp. Còn mười bước nữa hắn đuổi kịp Thử Mạch. Tóc bạt ra đằng sau, gió thổi vù vù bên tai, hắn cảm thấy sung sướng như chưa bao giờ trong đời hắn được sung sướng như thế ! Càng chạy hắn càng tận hưởng cảm giác đê mê, thuần túy thú vật đang thức dậy trong người hắn.
Thạch Kinh Tử chồm lên lưng tướng cướp. Một tia máu phọt ra trên đầu kiếm. Một tiếng thét ghê rợn xé màn đêm tịch mịch. Thân hình nặng nề của Thử Mạch đổ xuống, lật ngược trở lại, chân tay giật liên hồi rồi mới im lặng.
Dưới ánh sao lờ mờ, sọ tên cướp vỡ toang, mắt lồi ra khỏi tròng trợn trắng dã.
Thạch Kinh Tử giáng thêm mấy nhát kiếm nữa. Vài rẻ xương sường gãy đâm ra khỏi lồng ngực.
Bấy giờ, Thạch Kinh Tử mới đưa tay áo lên quẹt mồ hôi chảy đầy mặt.
Thạch Kinh Tử thong thả trở bước. Khách qua đường không biết, tưởng hắn đi dạo về, thanh thản. Hắn thấy hoàn toàn thoải mái, không một chút hối hận. Thạch Kinh Tử đã biết, nếu địch thủ của hắn thắng, hắn sẽ như cái thây ma nằm kia, cô độc.
Trong bóng tối, tiếng Mãn Hà Chí vang lên:
- Thạch Kinh Tử ! Mày hả ?
- Ừ, gì thế ?
Mãn Hà Chí chạy đến, hổn hển:
- Tao giết được một thằng. Mày sao ?
- Tao cũng giết được một thằng.
Mãn Hà Chí giơ đoản đao, màu còn nhuốm đến tận chuôi, ưỡn ngực kiêu hãnh:
- Tụi nó chạy hết rồi. Những thằng chó chết ấy chẳng có tài cán gì, hèn và nhát như cáy. Chỉ ra bộ can đảm khi ăn cắp của xác chết. Ha ha, hợp lắm, hợp lắm !
Đầy vẻ tự mãn, cả hai áo quần nhuốm máu, vừa đi vừa chuyện như pháo ran, trông hướng đèn ở xa xa mà tiến. Thạch Kinh Tử cầm thanh kiêm gỗ bê bết máu tươi, Mãn Hà Chí vác đoản đao máu còn rỏ giọt.
oo Một con ngựa đi lạc thò đầu qua cửa sổ, ngơ ngác nhìn vào trong nhà. Tiếng hí của nó làm hai thanh niên đang ngủ giật mình tỉnh giấc. Thạch Kinh Tử bực tức, đập vào mõm nó một cái. Mãn Hà Chí ngồi dậy vươn vai ngáp, khoan khoái vì vừa được một giấc say sưa.
- Mặt trời lên cao rồi đó !
- Trưa rồi hả mày ?
- Ừ, chắc thế !
- Sau giấc ngủ dài, Thạch Kinh Tử và Mãn Hà Chí gần như quên hết chuyện hôm trước. Đối với chúng, chỉ hôm nay và ngày mai là đáng kể.
Thạch Kinh Tử chạy ra phía sau nhà, cởi áo ngồi xổm bên bờ suối, bụm tay hắt nước lên rửa mặt. Hắn chụm hai tay múc nước trong và mát té lên đầu, lên lưng, lên ngực, khoan khoái, rồi ngẩng mặt hít những hơi thật dài như muốn hớp cả bầu không khí trong lành và ánh sáng ban mai tươi đẹp vào lồng ngực.
Mãn Hà Chí còn ngái ngủ, lệt sệt sang phòng khách. Nhìn Ôkô và A Kế Mỹ ngồi ủ rũ, hắn ngạc nhiên:
- Ô hay, sao hai mẹ con mặt như đưa đám vậy ? Thử Mạch bị giết rồi, đàn em nó chạy tứ tán, còn lâu mới dám ho he, có gì mà buồn vậy ?
Mãn Hà Chí ngồi xuống chiếu, cầm tách trà A Kế Mỹ đưa. Uống từng ngụm trà đắng ngắt, hắn lắc đầu tự nhủ:
“Thật khó hiểu ! Khó làm vừa lòng bà này quá !”. Ôkô cười mệt mỏi. Nàng muốn được như chàng thanh niên vô tư kia, chẳng biết cuộc đời là gì.
- Mãn Hà Chí ! Hình như chú chưa hiểu. Thử Mạch có hàng trăm bộ hạ.
- Dĩ nhiên ! Những thằng như vậy tất nhiều lâu la chứ ! Nhưng chúng tôi đâu có ngán. Giết được chủ thì cũng giết được tớ. Nếu chúng đến, tôi sẽ ...
- Không làm gì được ! Ôkô ngắt lời.
- Sao vậy ? Cứ để những đồ ăn hại đó đến. Bà tưởng chúng tôi là những thằng hèn sẽ chạy trốn sao ?
- Các chú không phải là những thằng hèn, nhưng còn ngây thơ lắm. Thử Mạch có một thằng em tên là Cố Hải. Nó mà mò đến trả thù thì cả hai chú có nhập một cũng đừng hòng thoát !
Mãn Hà Chí không muốn nghe chuyện đó, nhưng nghĩ kỹ thấy Ôkô có lý ! Cố Hải có nhiều đồng đảng trong vùng Kiso, gã lại là tay cao thủ, định giết ai toàn đánh lúc xuất kỳ bất ý. Kẻ thù gã không mấy khi toàn mạng. Đánh nhau tay đội, Mãn Hà Chí không sợ, nhưng bất ngờ bị đột kích, hắn cũng ngán, nhất là vào lúc hắn đang ngủ.
- Ờ ờ ... Tôi có tật ngủ say lắm, khi ngủ chẳng biết trời đất gì !
Mãn Hà Chí ngồi chống tay vào cằm suy nghĩ. Theo ý Ôkô, tình thế này không thể lưu lại đây được nữa rồi, phải bỏ nhà đi xa lánh mặt ít lâu mới được.
Nàng hỏi Mãn Hà Chí xem ý kiến Thạch Kinh Tử thế nào.
- Tôi sẽ bàn với hắn. Không biết hắn đâu rồi ?
Mãn Hà Chí bước ra cửa, đưa mắt tìm bạn. Gã đưa tay lên che mắt, thấy xa xa ở ven đồi, Thạch Kinh Tử đang cưỡi con ngựa hoang hồi nãy. Mãn Hà Chí nghĩ thầm:
“Thằng này thật liều lĩnh !”. Gã lấy tay bắc loa gọi:
- Thạch Kinh Tử ! Về ngay có chuyện cần bàn.
Một lát sau, hai đứa nằm ở chân đồi, miệng nhai lá cỏ tóp tép, cùng nhau bàn tính những chuyện phải làm.
- Thế nào ? Mày nghĩ chúng ta có nên về không ?
- Về chứ ! Ở đây hoài với họ thế nào được !
- Tao cũng nghĩ thế.
- Tao không ưa đàn bà.
- Vậy thì cùng về.
Mãn Hà Chí ngẩng lên nhìn trời:
- Bây giờ đã định xong, tao nóng ruột muốn về quá ! Nhớ Oa Tử lạ ! Kìa, đám mây kìa ! Mày xem có giống mặt nàng nhìn ngang không ? Lại cái dạng mây chung quanh nữa, không khác gì những lọn tóc của Oa Tử khi mới gội đầu xong.
Mãn Hà Chí vừa nói vừa dậm chân chỉ trỏ.
Thạch Kinh Tử mãi nhìn con ngựa hoang vừa thả đương lững thững đằng xa. Hắn thương ngựa hoang như thương những kẻ lang bạt, khi không ai cần đến chúng nữa, chúng lặng lẽ bỏ đi, không đòi hỏi một điều gì.
A Kế Mỹ gọi hai người về ăn cơm chiều. Thạch Kinh Tử đề nghị chạy thi. Cả hai ra sức ganh nhau trên con đường nhỏ về nhà, hắt bụi bắn tung lên phủ trắng những ngọn cây thấp.
Sau bữa cơm, Ôkô ngồi trang điểm rất kỹ. Đôi mắt nàng trong gương đăm đăm nhìn Thạch Kinh Tử. Hắn thấy rõ và đột nhiên nhớ lại mùi hương nồng ấm ở tóc nàng tỏa ra trong đêm trước.
Mãn Hà Chí với hũ rượu trên kệ, san ra bình nhỏ và ngồi xuống chiếu cạnh Thạch Kinh Tử, tự nhiên như chủ nhà. Vì là đêm cuối nên cả ba quây quần bên khay rượu uống say túy lúy. Ôkô lè nhè:
- Uống cạn hết đi. Để lại cho chuột vầy hay sao ?
- Ờ ... Ờ ... hay để sâu bọ làm hư cũng thế !
Ôkô dựa đầu vào vai Mãn Hà Chí, ngả nghiêng cười cợt làm Thạch Kinh Tử đôi lúc khó chịu quay mặt nhìn đi nơi khác.
Ôkô say quá, Mãn Hà Chí phải dìu nàng về phòng. Đến cửa, nàng quay lại hướng về phía Thạch Kinh Tử, hờn dỗi nói mát:
- Ngủ nhà ngoài nghe ! Thích ngủ một mình mà !
Thạch Kinh Tử không đáp, gục xuống chiếu rượu. Hắn say rồi, mà đêm cũng đã khuya lắm.
oo Khi Thạch Kinh Tử tỉnh dậy, trời đã sáng rõ. Hắn mở mắt, linh cảm một điều gì khác lạ. Hình như mọi người đã bỏ đi cả.
Bọc quần áo của mẹ con Ôkô xếp cạnh vách hôm qua, giờ không còn nữa. Hắn gọi tên mọi người, không có tiếng trả lời. Cửa trước, hiên sau, vựa củi, tất cả đều vắng lặng.
Căn nhà hoang phế có một cái gì lạnh lẽo, cô đơn, buồn khó tả.
Một chiếc lược màu đỏ son nằm chơ vơ trên nền đất, cạnh cái máng nước tre.
Thạch Kinh Tử nhặt chiếc lược lên, mùi hương thoang thoảng tỏa ra làm hắn sực nhớ đến cái đêm Ôkô vào phòng hắn. Hắn nghĩ thầm:
“Mãn Hà Chí thua vì cái này đây !”.
Và tự nhiên ở đâu cơn phẫn nộ kéo đến, không dằn được:
- Đồ súc vật ! Mày lừa dối Oa Tử như vậy không đủ sao !
Vất chiếc lược xuống đất, hắn lấy chân đi lên, giận đến phát khóc chẳng phải vì hắn, mà vì thương cho Oa Tử, hắn mường tượng, đang đợi ở làng, một lòng son sắt.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.