Thạch Kiếm

Chương 48: Món lễ vật




Từ hơn trăm năm nay, khu rừng Sinh Minh vẫn là nơi ẩn náu của giáo phái Hồ Phong. Tuy mang danh giáo phái nhưng các tăng sĩ trụ trì, ngoài Phật sự ra, còn có nhiều hoạt động thế tục. Vào hậu bán thế kỷ thứ mười sáu, phái này đã huy động một số lớn tăng sĩ và dân quê xuống núi làm áp lực với hoàng gia đòi quyền lợi về chính trị.
Trấn thủ đương nhiệm Kyoto thời bấy giờ, tướng Ô Đà Thạch Trung Giả, nhận lệnh hoàng cung, đã phản ứng mạnh mẽ và trong một đêm kinh hoàng, ba ngàn đền miếu của giáo phái Hồ Phong bị thiêu rụi gần hết.
Biến cố xảy ra đã bốn thập niên. Ngày nay những ngôi đền của phái Hồ Phong chưa hoàn toàn đổ nát đã được sửa chữa, nhưng kỷ niệm đêm ấy vẫn còn ghi một ấn tượng kinh hoàng trong trí những nhà sư sống sót. Tăng sĩ Hồ Phong bây giờ không còn hoạt động chính trị nữa, tuy nhiên họ vẫn mang nặng mặc cảm bị đàn áp và tự nhiên sinh lòng thương xót những kẻ cô thế.
Trong khu rừng Sinh Minh, trên một ngọn đồi về phía nam có căn chòi gỗ mệnh danh là Khổ Độ Am, nơi tăng nhân Hồ Phong dành cho khách lỡ độ đường tạm trú. Am nhỏ nhưng đủ tiện nghi, trông ra cảnh trí u tịch. Vào những hôm trời u ám, quanh am mây thấp phủ đầy, nhưng trong am vẫn ấm áp vì củi đốt chẳng thiếu và cửa ngõ kín đáo.
Am thường bỏ không. Sáng chiều, cảnh thanh vắng chỉ bị ngắt quãng bởi tiếng chim lảnh lót hay tiếng gió rì rào trong lá trúc.
Nhưng hôm nay sao lại có tiếng niệm Phật văng vẳng đưa ra. Tiếng niệm trầm, giọng đàn ông đọc kinh Liên Hoa, trước nhỏ sau to rồi lại nhỏ dần, dường như người niệm đang trong cơn mê giật mình sực tỉnh. Mãi đến khi một chú tiểu bước vào, tiếng niệm kinh mới dứt.
Chú tiểu bưng cái khay trên để liễn cơm, đĩa rau cùng bát đũa. Khay cơm đạm bạc thường thấy dọn ra hàng ngày vào chính ngọ. Chú để cơm trên bàn, đánh tiếng:
- A di đà Phật !
Người đàn ông dường như không để ý. Hắn ngồi trước quyển kinh trên một cái bồ đoàn trải lên sàn gỗ mộc đen bóng, quay mặt vào tường như một nhà tu đang nhập định.
Tấm áo rộng màu tro nhạt khoác trên mình, trông tưởng là tăng nhân, nhưng hắn không có cái vẻ khắc khổ của kẻ tu hành. Trái lại, với vóc dáng cao lớn, tóc buộc gọn trên đỉnh đầu, hắn có phong thái của một giang hồ kiếm sĩ. Không thấy người đàn ông trả lời, chú tiểu nói thêm:
- A di đà Phật ! Mời thí chủ dùng cơm.
Thạch Đạt Lang, người đó chính là Thạch Đạt Lang, quay ra mỉm cười, hàm răng trắng bóng dưới làn da nâu sạm nắng:
- Cám ơn chú. Đã đến giờ ngọ rồi đấy !
- Thí chủ dùng cơm ngay chứ ?
- Phải, chú để đấy cho ta.
Trong khi Thạch Đạt Lang ăn cơm, chú tiểu nhìn quanh quẩn. Thấy gần chỗ Thạch Đạt Lang ngồi có nhiều vỏ gỗ bạch đàn vương vãi, chú hỏi:
- Thí chủ tạc tượng phải không ? Tượng gì thế ?
- Tượng Phật.
- Đức Phật Di Đà ?
- Kiếm. Ta muốn tạc tượng đức Phật Bà Quan Âm nhưng không kinh nghiệm nên chẳng biết bắt đầu ra sao. Còn vụng lắm. Chưa ra hình thù gì đã đứt tay rồi.
Nói đoạn, chìa tay ra cho chú tiểu xem.
Nhưng chú tiểu không nhìn chỗ tay đứt mà lại để ý đến cánh tay buộc vải của hắn.
- Vết thương thí chủ ra sao ?
- Đã đỡ nhiều. Chắc mai tháo vải ra được. Nhân thể nhờ chú trính với các vị thủ tòa ta thành thật đa tạ lòng bao dung của các vị.
- Thí chủ cứ ở đây tĩnh dưỡng cho đến khi khỏi hẳn. Nếu thí chủ muốn tạc tượng đức Quán Thế Âm thì phải lên chính điện xem pho tượng ngài ở đó mới được. Đẹp lắm !
Hay để tiểu tăng dẫn thí chủ đi. Cũng gần đây thôi, chỉ cách chỗ này khoảng chừng vài chục trượng.
Thạch Đạt Lang rất mừng, ăn vội bữa cơm, chờ dọn dẹp xong rồi theo chân chú tiểu ra ngoài.
Đã mười ngày nay, Thạch Đạt Lang tá túc ở Khổ Độ Am không bước chân ra cửa, phần vì muốn giữ kín tung tích, phần muốn tĩnh dưỡng cho bình phụ hẳn. Vết thương ở tay không lấy gì làm nặng nhưng hắn bị một vết giáo đâm vào đùi khá sâu. Trong lúc say máu, Thạch Đạt Lang không biết, mãi khi tới chùa mới rõ.
Nhờ lòng trắc ẩn và bao dung của các tăng lữ Hồ Phong, hắn được săn sóc chu đáo và cho trú ngụ tại am này. Tuy vết thương ở tay và đùi đã lên da non, nhưng Thạch Đạt Lang đi đứng vẫn còn ngượng. Hắn phải lấy bao kiếm dùng làm gậy chống tạm.
Không khí trong lành, gió núi nhẹ mơn man. Ngoài vết thương ở chân còn hơi nhức, Thạch Đạt Lang thấy trong mình khỏe khoắn và trận chiến trên đồi Sinh Minh đối với hắn bây giờ chỉ còn là cơn ác mộng.
- Thí chủ học võ phải không ?
- Phải.
- Nếu học võ thì tạc tượng đức Quán Thế Âm làm gì ?
Thạch Đạt Lang lặng thinh.Bồ tát Quán Thế Âm theo sự hiểu biết của hắn là hiện thân của lòng từ bi, trắc ẩn. Nhân dịp được nhàn rỗi, hắn muốn tạc tượng ngài dâng lên Tam Bảo để tỏ lòng biết ơn và cầu siêu cho các vong hồn đã vì hắn mà oan khuất.
Nhưng không tiện trả lời chú tiểu, Thạch Đạt Lang chỉ giữ yên lặng.
- Sao thí chủ không để thì giờ luyện tập võ nghệ ?
Câu hỏi làm Thạch Đạt Lang đau nhói. Tuổi chú tiểu có lẽ cũng bằng tuổi Hoa Sơn Tuệ Tâm, vóc dáng cũng tương tự. Trong cái ngày hôm ấy, bao nhiêu người đã bị thương tật hoặc chết dưới đường gươm của hắn, hắn không biết. Hắn cũng chẳng nhớ đã làm cách nào thoát khỏi vòng vây và sự may mắn kỳ lạ nào đã giúp hắn tránh hết được những lằn tên, đạn. Nhưng có hai điều đã ghi sâu vào tiềm thức Thạch Đạt Lang và cứ lẵng nhẵng theo hắn ngay cả trong giấc ngủ:
ấy là tiếng thét kinh hoàng của Hoa Sơn Tuệ Tâm và cái xác không đầu của cậu bé lăn trên nền cỏ bên gốc thông già dưới chân hắn.
Đã mấy lần Thạch Đạt Lang giở sổ tay, xem lại những điều đã ghi chép từ trước.
Bắt gặp câu:
“không làm gì để rồi phải hối tiếc”, lòng Thạch Đạt Lang se lại. Trong bầu không khí thanh tịnh, an bình của căn am nhỏ, hắn quả đã hối tiếc, và cái chết đau thương của Tuệ Tâm, nếu cho đó là điều cần thiết phải làm trên con đường hắn đã chọn, thì con đường ấy sao mà man rợ và bi thảm !
Thạch Đạt Lang quay hỏi chú tiểu đi bên:
- Này chú, phải chăng chư tăng thuộc quý phái như Vô Trụ và Nhất Quán đại sư đều có vẽ tranh hoặc tạc tượng các vị bồ tát đặt ở chùa ?
- Tiểu tăng không rõ, nhưng nghe nói các vị đã góp rất nhiều vào việc tô tượng và vẽ hình bồ tát. Tiểu tăng nghĩ nếu ta vẽ tranh, đúc tượng Phật càng nhiều bao nhiêu thì càng gần niết bàn bấy nhiêu.
Thạch Đạt Lang mỉm cười:
- Nói thế cũng được. Vẽ hình Phật là cốt để noi theo hầu đạt được tâm cảnh Phật.
Niết bàn chính là tâm cảnh của Phật. Ta học võ công cũng thế, giữ tâm cho ngay đừng mê vọng. Những lời dạy trong kinh sách chỉ ta niết bàn chẳng khác nào ngón tay chỉ mặt trăng. Lời dạy thì nhiều, bảo chúng ta cùng hướng về mặt trăng, chúng ta chớ lầm mặt trăng với hướng tay chỉ.
Thạch Đạt Lang bỗng ngừng lại, thấy mình nói những câu chẳng ra đầu đuôi gì, liếc nhìn chú tiểu đánh trống lảng:
- Cái bia bên hàng cây kia là bia gì đó chú ?
- À, đấy là bia ghi lời tiên tri của một thiền sư đời trước. Thí chủ muốn coi cứ tự tiện.
Đến gần, Thạch Đạt Lang tò mò đọc:
Giới luật nhiệm mầu Như dòng nước cạn Gió hồ lạnh căm Vẫn theo pháp nạn Đọc xong, Thạch Đạt Lang ngạc nhiên. Lời tiên tri thật ứng nghiệm. Sau cái đêm pháp nạn ba nghìn đền miếu ra tro ấy, giáo phái Hồ Phong vẫn còn có kẻ u mê. Một số tăng lữ tiếc nhớ uy quyền cũ thoát ly ra lập chùa riêng, lợi dụng chúng sinh vào những mục đích riêng tư. Thay vì phổ độ họ, những người này đã ngụp lặn trong biển mê vọng và kéo chúng sinh cùng chìm đắm trong biển ấy. Thạch Đạt Lang định hỏi chú tiểu thêm vài câu nữa, bỗng từ xa có một tăng nhân chạy đến:
- Sĩ Niên, sao lâu thế ? Chú đi đâu, sư bác tìm mãi không thấy ?
- Tiểu đệ dẫn thí chủ này lên chính điện chiêm bái đức Quán Thế Âm.
- Lần khác không được sao ? Về ngay gặp sư bác.
Thạch Đạt Lang vội chen lời:
- Xin thứ lỗi. Tại hạ không rõ chú này bận việc. Vậy nhà chùa cứ dẫn chú ấy về, để khi khác tại hạ đi lấy cũng được.
Nhưng tăng sĩ đã quay sang Thạch Đạt Lang:
- Không ! Không phải chỉ có chuyện Sĩ Niên mà thôi. Có người muốn gặp thí chủ trên phương trượng.
- Gặp tại hạ ?
- A di đà Phật ! Bần tăng chẳng muốn làm phiền, nhưng các vị đó cố đòi cho được gặp thí chủ.
Thạch Đạt Lang vội vã theo chân vị tăng.
Bước vào phương trượng, đã thấy mười nhà sư mặc áo đen, thắt khăn nâu, mặt hầm hầm chờ sẵn. Họ cũng là tăng nhân thuộc giáo phái Hồ Phong nhưng đã thoát ly.
Nhìn Thạch Đạt Lang một cách ngạo mạn, họ tự cho mình có quyền thi hành giới pháp và không giấu vẻ mục hạ vô nhân trên nét mặt:
- Ngươi là Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto ?
Giọng nói hách dịch, đầy thù nghịch.
- Chính thị. Các vị có điều gì dạy bảo ?
- Chúng ta đến cáo tri cho ngươi biết bản quyết định của Kim Cương Điện. Hãy dỏng ta ra mà nghe đây:
“Cáo tri cho Thạch Điền Đạt Lang ở Miyamoto. Núi Hồ Phong là nơi thanh tịnh thiêng liêng, không bao giờ dung dưỡng kẻ gây thù chuốc oán. Lại càng không thể dùng làm chỗ ẩn náu cho những tên du đãng đê hèn hay sinh sự. Bản điện đã điều tra kỹ và ban lệnh này, truyền Thạch Điền Đạt Lang sinh quán làng Miyamoto phải lập tức rời khỏi vùng núi Sinh Minh. Nếu bất tuấn sẽ bị trừng phạt theo đạo pháp, bấy giờ đừng trách”.
Thạch Đạt Lang sững sờ, nhưng cũng lễ phép thưa:
- Tại hạ xin tuân lệnh thủ tòa Kim Cương Điện. Tuy nhiên bây giờ đã quá ngọ và vì chưa chuẩn bị gì, tại hạ xin phép được lưu lại đến sáng mai. Và xin cũng cho biết thêm lệnh này được phát xuất từ đâu ? Tại hạ nhớ kỹ khi đến đây đã trình lên vị thủ tòa và được ưng thuận cho tá túc. Không hiểu sao lại có sự thay đổi như vậy ?
Một nhà sư áo đen đáp:
- Nếu nhà ngươi thực muốn biết thì ta nói rõ cho nghe. Lúc đầu chúng ta cũng thương tình vì ngươi đơn độc chống lại với hàng trăm người, đã tỏ ra khá dũng cảm.
Nhưng sau lại có kẻ đến cho biết ngươi chẳng qua chỉ là một tên vô lại làm nhiều điều càn rỡ cần bị trừng trị nên chúng ta buộc lòng phải xét lại, không thể để ngươi ẩn náu ở đây được !
À ra thế. Thạch Đạt Lang nghĩ. Chắc lại phái Hoa Sơn đấy thôi. Oán cừu chồng chất, phái này hẳn đã đặt điều nói xấu hắn nhiều lắm. Nhưng không biết trong số đệ tử Hoa Sơn còn sống sót, ai đã làm việc vu cáo đê hèn ấy. Dù sao đi nữa, hắn vẫn phải phòng bị. Mối thù quá sâu đậm, không thể khinh xuất.
Thạch Đạt Lang chẳng muốn tự bào chữa, lạnh nhạt đáp:
- Té ra là vậy ! Ngày mai tại hạ sẽ đi sớm.
Rồi quay gót, theo sau là tiếng cười chế giễu và những lời khinh mạn của bọn tăng sĩ áo đen:
- Thế mới biết họ đồn hão. Thằng này tầm thường quá, ra quái gì !
- Trẻ tuổi ngông nghênh.
- Thật xấu lây cả những người cầm kiếm !
Thạch Đạt Lang quay phắt lại, cau mặt:
- Các vị nói gì ?
- Nói gì thì người đã nghe rõ đấy.
- Này, ta bảo cho mà biết, vì tôn trọng quý giáo, ta sẵn sàng tuân lệnh thủ tòa, nhưng nếu các vị buông lời hỗn xược, thanh kiếm này không để yên đâu ! Phải chăng quý vị muốn gây sự ?
Bọn tăng sĩ áo đen đấu dịu:
- Ấy là chúng ta nói thế. Đệ tử nhà Phật không sát sinh, nhưng những kẻ như ngươi cần được giác ngộ. Khi ra khỏi vùng này hãy coi chừng, tiếng đồn về ngươi chẳng có gì đáng hãnh diện.
- Ta chẳng làm điều gì quấy. Khi giao đấu với Hoa Sơn, ta không hề có hành động gì đáng phải hổ thẹn.
- Láo !
- Vậy hành động gì quấy nói ta nghe !
Tiếng cười nhạt:
- Ngươi còn dám hỏi à ?
- Này, ta cảnh cáo, nếu không nói hay nói bậy ta cắt lưỡi.
- Ha ! Được lắm ! Ta chỉ hỏi một câu, một câu thôi ! Chúng ta biết ngươi đã chống trả phái Hoa Sơn dũng mãnh. Nhưng tại sao lại giết một đứa trẻ mới mười ba, không biết võ công gì. Hành động ấy không gọi là dã man, hung tợn thì còn gọi là gì nữa ?
Mặt Thạch Đạt Lang xám lại. Đột nhiên, hắn thấy yếu hẳn trước những lời buộc tội gay gắt ấy. Tăng nhân áo đen nói thêm:
- Sĩ Khánh tàn phế, đã đi tu. Điền Chính cũng bị ngươi giết. Chỉ còn Tuệ Tâm, truyền nhân độc nhất của dòng họ Hoa Sơn, ngươi cũng giết nốt, khiến dòng Hoa Sơn tuyệt diệt. Thật quá ư bất nhân và tàn nhẫn ! Thử nghĩ hành động ấy có đáng gọi là kiếm sĩ không ? Cái dũng của người cầm kiếm không phải chỉ có biết giết người mà còn phải xét xấu tốt, nên hay không chứ ! Nếu không giúp cũng dung tha người yếu đuối. Thạch Đạt Lang ! Ngươi là kẻ tàn bạo, không có lòng trắc ẩn. Chiếu đạo pháp, phương trượng trục xuất ngươi khỏi nơi này !
Thạch Đạt Lang điếng lặng. Những lời trách cứ của bọn tăng sĩ áo đen đúng một phần, nhưng ở địa vị hắn trong trường hợp đặc biệt sáng hôm ấy, hắn đã làm điều phải làm.
Là con người trọng nguyên tắc, Thạch Đạt Lang không thể không giết Tuệ Tâm. Vì phái Hoa Sơn đặt thiếu niên này vào địa vị chưởng môn, Tuệ Tâm không còn là người thường nữa mà là chủ soái của cả môn phái. Chừng nào Tuệ Tâm còn sống, phái Hoa Sơn vẫn còn. Thạch Đạt Lang dù có giết mười, hai mươi đệ tử đi nữa, Hoa Sơn vẫn không mất. Nhưng ngay từ lúc đầu, nếu hạ thủ Tuệ Tâm, đương nhiên trên danh nghĩa, hắn đã tiêu diệt địch thủ. Sau này dù có chết trong đám loạn quân, hắn cũng vẫn là kẻ chiến thắng. Đồ chúng Hoa Sơn không thể viện cớ gì để lật đổ cái thế ấy được. Đó là luật võ lâm và đó là nguyên tắc. Thạch Đạt Lang phải bảo vệ nguyên tắc ấy.
Nhưng hình ảnh hãi hùng của một đứa trẻ cụt đầu nằm lăn trên đất, máu loang thấm ướt cả áo ngoài, cảnh tượng ấy man rợ quá, gây xúc động bi thương cùng cực và để lại trong lòng hắn một niềm ngao ngán không dứt được. Hành động tàn bạo ấy chính hắn cũng thấy ghê tởm. Cho nên Thạch Đạt Lang đứng lặng.
Bọn tăng nhân áo đen bỏ đi đã lâu, Thạch Đạt Lang trở lại Khổ Độ Am, lòng buồn vời vợi. Hắn tự hỏi:
“Chân tướng kiếm đạo ở đâu ? Có thể nào người cầm kiếm phải vứt hết những quan niệm về nhân luân, lòng trắc ẩn, tình yêu thương đi mới mong đạt được hay không ? Để trở thành một vật vô tri vô giác, một hòn đá ?”. Những ý nghĩ chán nản ấy không phải đây là lần đầu tiên hắn có. Nhiều lần trước, sự hoài nghi len lỏi vào tâm tư, Thạch Đạt Lang đã có lúc muốn tung hê tất cả, trở về làng cũ cưới Oa Tử rồi cùng sống với nàng một cuộc đời bình thường như mọi người.
Sống cuộc đời bình thường như mọi người ! Thạch Đạt Lang thở dài liên tưởng đến Hải Chính Hành, đến Mã Xuyên, đến Lạc Thiên quán. Và lắc đầu:
“Nếp sống ấy không phải của ta. Ta sẽ trở thành con cá mắc cạn chết trong vũng nước tù hãm mất !”.
Bầu trời chiều trong và dịu, báo hiệu một đêm thanh tĩnh. Vài cánh hoa anh đào rơi nhè nhẹ như bông tuyết, để lại trên cành những đài hoa trơ trụi. Thạch Đạt Lang ví những đài hoa ấy với lòng mình, không nơi ẩn náu trước những giằng co ray rứt của trách nhiệm, tình yêu và lòng trắc ẩn. Kể từ sau cuộc chiến trên đồi Sinh Minh, tâm hồn hắn đã đổi khác đi nhiều.
Thạch Đạt Lang châm đèn, mang pho tượng đang khắc dở ra làm tiếp. Mai đi rồi, tối nay hắn cố khắc cho xong. Dù xấu hay đẹp, hắn cũng phải hoàn tất pho tượng, cúng vào chùa để làm lễ vật cầu siêu cho vong linh Tuệ Tâm và các đệ tử Hoa Sơn khác.
Đèn lụi dần, hắn đổ thêm dầu và khêu bấc. Giữa đêm sâu, trong cái yên lặng gần như tuyệt đối của ngôi am nhỏ, người ta chỉ nghe tiếng mũi đoản kiếm đục vào gỗ và những miếng vỏ bào mỏng nhẹ nhàng rơi trên chiếu. Mùi gỗ bạch đàn thơm thoang thoảng.
Thạch Đạt Lang chăm chú điêu khắc, để cả tinh thần cũng như thể chất vào công việc. Tính hắn xưa nay vẫn thế. Đã không làm thì thôi, làm thì tập trung mọi năng lực cho đến khi xong, bất kể nhọc mệt hay chán nản.
Pho tượng càng lúc càng rõ nét, tuy thô kệch nhưng không đến nỗi không ra hình thù gì. Khi tương đối trông được, Thạch Đạt Lang lau sạch, quét dọn chỗ ngồi, đặt tượng lên bàn rồi cúi đầu ba lần lâm râm khấn nguyện.
Ngày mai, hắn sẽ mang pho tượng Quán Thế Âm lên chùa đặt chung với nhiều tượng khác. Tượng không đẹp nhưng hắn đã để hết tâm hồn vào đó, sáng tạo nên bằng lòng thành và niềm ân hận sâu xa, với hy vọng vong linh những người quá vãng sẽ được Phật bà cứu độ đời đời.
Đêm đã khuya, trống sang canh điểm từ lâu. Thạch Đạt Lang sắp xếp vật dụng vào đẫy rồi ra nhà sau tắm. Căn phòng vắng vẻ. Hàng cây mềm cạnh am thì thầm và ánh trăng hạ huyền tuy mờ nhạt cũng đủ in lên nền giấy mỏng trên song cửa bóng hàng cây xao động.
Bỗng nghe sột soạt rồi cửa lùa xịch mở. Gió đêm thổi ngọn đèn nhỏ lung lay. Một bóng đen chui vội vào rồi cửa lại được khép ngay tức khắc.
Thạch Đạt Lang ở nhà sau bước ra, mình còn quấn tấm khăn ẩm. Hắn trải chiếu dọn chỗ nằm và tắt đèn, túi hành trang để cạnh. Lúc sau đã nghe tiếng hắn thở đều và tiếng ngáy nho nhỏ.
Từ dưới gầm bàn thờ, bóng đen chui ra êm nhẹ như một con mèo. Tiếng ngáy dừng lại. Bóng đen vội nằm ép xuống sàn. Đến khi tiếng ngáy trở lại đều đều, bóng đen mới tiếp tục bò đến gần chiếu.
“Mày !”. Một giọng khàn khàn đồng thời ánh thép loáng lên dưới ánh trăng chênh chếch chiếu qua song. “Xem mày có thoát ...”. Nhưng câu nói chưa dứt, bóng đen đã bị hất ra ngoài cửa sổ đánh rầm ! Song cửa gẫy răng rắc cùng với tiếng thân người rơi bịch trên nền đất. Tiếng kêu đau đớn, cành lá rơi lả tả, rồi cảnh vật trở về yên tĩnh như cũ.
Thạch Đạt Lang đã ngồi dậy từ bao giờ, dựa lưng vào vách, nắm chặt chuôi kiếm, lắng nghe động tĩnh. Thấy không có gì lạ, hắn vội vàng xách kiếm ra hiên. Nhìn bóng đen nằm co quắp dưới hè, Thạch Đạt Lang thận trọng đến gần. Nghe rên rỉ, hắn sực nhớ lúc nãy khi vùng dậy gạt mũi dao, hắn cảm thấy nhẹ hẫng. Như một cục bông. Không biết kẻ này là ai, định ám sát hắn sao đường dao yếu thế, như chẳng có công lực gì cả.
Thạch Đạt Lang quát:
- Ngươi là ai ? Sao vào đây hành thích ?
- Ừ ...ừ ...Thạch Kinh Tử ! Đã đến nước này ...ối chao, đau ... !
- Ủa, bà Hồ Điểu !
Thạch Đạt Lang ngạc nhiên. Té ra không phải là đệ tử Hoa Sơn hay tăng nhân Hồ Phong vì ghét hắn mà đâm lén khi hắn ngủ. Hắn cúi xuống, vực bà lên, nói:
- Để con dìu bà vào am. Ngoài này lạnh.
Bà Hồ Điểu không hơi sức đâu chống cự nữa, mặc hắn muốn làm gì thì làm !
Nhưng bà luôn mồm kêu đau:
- Thạch Kinh Tử, bây giờ mày bắt được ta thì hãy giết ta đi. Ối ! Đau quá ! Chắc gãy lưng mất !
Thạch Đạt Lang bế bà Hồ Điểu đặt lên chiếu, đắp chăn và gối đầu cho bà. Hắn an ủi:
- Bà nằm đây, con đi pha trà. Bà nằm nghỉ đến sáng mai hãy hay.
Nhưng bà Hồ Điểu lắc đầu đáp yếu ớt:
- Không ! Ta không uống trà của mày. Thằng súc sinh ...
Thạch Đạt Lang lúng túng, không biết xử trí ra sao. Hắn xích ra xa thầm nghĩ:
“Không biết bà đã gặp Mãn Hà Chí chưa ? Chắc bà là người lên chùa kể tội, nói xấu ta với các tăng nhân phái Hồ Phong. Thảo nào họ thay đổi ý kiến !”. Nghĩ vậy nhưng hắn vẫn vào nhà trong đun nước.
Lúc mang trà ra, bà Hồ Điểu đã thiếp đi từ bao giờ. Thạch Đạt Lang để cho bà nằm nghỉ, ngồi uống trà một mình, canh chừng cho tới sáng.
Khi chú tiểu Sĩ Niên đến dọn dẹp xong, Thạch Đạt Lang theo chú lên yết kiến thủ toà. Hắn trình bày tự sự, cúng pho tượng do chính tay hắn tạc, đồng thời cũng thỉnh cầu để cho bà Hồ Điểu lưu lại chùa ít lâu đến khi bình phục.
Bấy giờ vị hoà thượng thủ toà mới vỡ lẽ. Tuy nhiên ông xét để cho bà Hồ Điểu lưu lại chùa có điều bất tiện. Nhân có sư thầy thuê bò từ trấn Ô Tu chở phẩm vật lên núi, ông đề nghị để con bò ấy cho bà Hồ Điểu cưỡi đến trấn Ô Tu rồi nhờ Thạch Đạt Lang trả bò cho chủ hộ.
Thấy cách này thuận tiện, Thạch Đạt Lang vui vẻ nhận lời.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.