Thanh Vân Đài

Chương 103:




Có một hang động nằm cạnh con suối trên sườn núi, vén lớp dây leo che phủ lên, một con đường sâu hút xuất hiện, đi tới cuối cứ tưởng là gặp ngõ cụt, nhưng khi ấn vào chỗ nhô ra trên vách đá, một cánh cửa đá từ từ hạ xuống, thạch thất rộng rãi xuất hiện ngay trước mắt.
Thạch thất này được các thợ săn xây dựng trong thời kỳ loạn lạc, dùng để trốn mãnh thú trên núi, về sau bị sơn tặc núi Trúc Cố chiếm làm riêng. Sơn tặc chết quá đột ngột, nơi đây biến thành chỗ ẩn thân của ông Cát và nhóc Cát.
Căn phòng rất rộng, ở trung tâm có xếp một vòng tròn đá khoanh ra thành bếp lửa, trên vách tường có bệ đá trải mấy tấm nệm rơm.
Tạ Dung Dữ ra lệnh cho Huyện Ưng vệ canh giữ ngoài hang, chỉ dẫn vài người Thanh Duy Triêu Thiên vào trong phòng đá, ông Cát bảo nhóc Cát chuyển nệm rơm đến cạnh đống lửa, mời khách tới ngồi. Tuy hiện tại nhóc Cát đã bớt địch ý với hội Tạ Dung Dữ, song cậu nhóc vẫn không thích bọn họ, vừa đặt nệm xuống, cậu ta nhanh chóng kéo Tú nhi lùi vào cạnh bệ đá, đẩy nàng ra sau lưng mình.
Ông Cát không thể đứng quá lâu, đặt trượng gỗ xuống rồi ngồi xuống nệm rơm, “Nhìn dáng vẻ của các hạ, có vẻ là từ kinh thành đến?”
Tạ Dung Dữ đáp phải, lễ phép vái chào: “Tại hạ thực sự không hề có ác ý với tiền bối, chỉ là cái chết của sơn tặc núi Trúc Cố có liên quan đến một vụ án mà tại hạ đang điều tra, vạn bất đắc dĩ, tại hạ buộc phải tiên binh hậu lễ.”
Ông Cát lại hỏi Thanh Duy: “Ta nghe nhóc Cát nói tối qua quan phủ suýt bắt được nó, có phải chính con nhóc nhà cô đã đánh lạc hướng quân lính cứu nó không?”
“Nói cứu cũng không hẳn đúng.” Thanh Duy nói, “Ta và cậu ta trốn trong chuồng ngựa, lỡ bị phát hiện thì cả hai chắc chắn chết.”
Ông Cát gật đầu, cân nhắc nghĩ ngợi một lúc, đoạn cảm thán: “Nói đi, vì sao các ngươi lại tìm tới khu rừng này? Vì… vụ án mà cậu nói?”
“Không dối gì tiền bối, tại hạ đến là vì vụ án Tiển Khâm Đài.” Tạ Dung Dữ đáp.
Y đã nói tiên binh hậu lễ, nên thái độ lúc này vô cùng thành khẩn.
“Vì Tiển Khâm Đài, tại hạ đã điều tra được một thương nhân buôn gỗ tên Từ Đồ ở Lăng Xuyên. Từ Đồ này, trước khi Tiển Khâm Đài hoàn thành, lão ta lui tới Thượng Khê rất nhiều lần, cũng có quan hệ thân thiết với Đại đương gia Cảnh Thường của núi Trúc Cố. Về sau Tiển Khâm Đài sập, Từ Đồ sợ tội mà chết, không lâu sau, toàn bộ sơn tặc núi Trúc Cố cũng bị tiêu diệt chỉ trong một đêm. Tại hạ cảm thấy việc này có điểm khác thường, bèn điều tra hồ sơ Thượng Khê năm đó, phát hiện ra một thương nhân họ Tưởng. Thương nhân này, ắt tiền bối cũng biết, ông ta tên Tưởng Vạn Khiêm, sở dĩ sơn tặc núi Trúc Cố bị giết là do ông ta kiện lên quan phủ. Mà Tưởng Vạn Khiêm có một cậu con trai tên Phương Lưu, năm xưa đã chết dưới Tiển Khâm Đài.
Ban đầu ta định bắt tay điều tra từ Tưởng gia. Ít hôm trước ta đã phái người đến Thượng Khê điều tra, nhưng nhìn bề ngoài Tưởng gia không có chút kỳ lạ nào. Về sau, thuộc hạ của ta vô tình nhắc đến sơn tặc núi Trúc Cố với người họ Tưởng, lại hỏi chuyện ma quái trong núi có liên quan đến cái chết của sơn tặc không, thì ngay đêm đó, có người đã theo dõi bọn họ. Thuộc hạ của ta không dám bứt dây động rừng, đành về kinh bẩm báo sự việc lại với ta, rồi ta mới phái cận vệ đến Thượng Khê, thử xem có thể giả ma dụ rắn ra khỏi hang không. Ai ngờ vào ngày thứ hai cậu ta giả ma, ở Thượng Khê lập tức có người chết, nha huyện mới mời quân đội đang trú đóng ở gần đến phong tỏa núi bắt ma.
Phong tỏa bắt ma, dụ nhóc Cát ra mặt đúng là kế hoạch của ta, nhưng ta chỉ muốn điều tra rõ thực hư năm đó, vô tình đem lại rắc rối cho tiền bối, nếu lúc trước có chỗ mạo phạm, mong được tiền bối bỏ qua.”
Ông Cát hừ lạnh, “Ta biết ngay mà, một đứa trẻ hoang như nhóc Cát đi lung tung trong núi không phải ngày một ngày hai, sao quan phủ có thể đột ngột bắt nó được. Té ra bắt nó chẳng phải vì chuyện yêu ma quỷ quái gì cả, mà là có kẻ muốn mượn nó điều tra Tưởng gia, điều tra cái chết của sơn tặc, điều tra cái tòa tháp đã sập kia!”
Ông đưa mắt đánh giá Tạ Dung Dữ, người này nhìn có vẻ rất cao quý, hẳn quyền thế không nhỏ, nhưng lúc nói chuyện với mình lại rất khiêm nhường hữu lễ, không che giấu bất cứ chi tiết nào, ắt có thể tin tưởng.
Thế là ông Cát tháo dỡ phòng bị, “Tưởng gia kia chẳng phải hạng tốt lành gì, nhất là Tưởng Vạn Khiêm, đồ vong ân phụ nghĩa, lòng lang dạ sói, năm đó huynh đệ núi Trúc Cố đã bị hắn tạ hại chết!”
Thanh Duy hỏi: “Chuyện này phải kể từ đâu?”
Ông Cát đưa mắt nhìn mọi người: “Ta hỏi các ngươi trước, các ngươi cũng biết vì sao Lăng Xuyên lại có nhiều sơn phỉ như vậy chứ?”
Vì sao lại nhiều thế ư?
Trong thời đại Hàm Hòa, dân sinh bất an, Lăng Xuyên rơi vào cảnh cùng khổ, dân chúng không miếng cơm manh áo, bị đẩy vào đường cùng, đành phải lên rừng làm cướp làm giặc. Hồi Thanh Duy mới tới Thượng Khê, Dư Hạm đã nói cho nàng biết những chuyện này. Trước năm xảy ra chuyện, nạn thổ phỉ vốn chẳng phải nạn, thậm chí kẻ hành sự trượng nghĩa còn được gọi là nghĩa phỉ.
“Cảnh Thường núi Trúc Cố năm ấy chính là nghĩa phỉ.” Ông Cát nói, “Nhưng theo ta thấy, Cảnh Thường không gánh nổi hai chữ ‘nghĩa phỉ’ này, nghĩa phỉ thực sự phải giống Nhạc Xung núi Bách Dương ấy, thời loạn thế cứu dân, buổi chiến tranh xông pha chiến tuyến, một thân trung nghĩa, có ai mà không bội phục? Còn Cảnh Thưởng, chẳng qua chỉ khôn lỏi chút thôi, mạnh vì gạo bạo vì tiền thì việc gì cũng thuận lợi, từ thương khách cho đến quan phủ đều có giao tình với hắn, ngươi nói hắn vì cái gì, còn chẳng phải vì rượu thịt tiền tài ư.
Nhưng thanh niên các ngươi may mắn sinh thời thịnh thế, e là rất khó cảm nhận, chứ người thế hệ trước như bọn ta, nhất là người Lăng Xuyên, cảm thấy Đại Chu như chia làm hai giai đoạn. Thời đại Hàm Hòa thực sự quá khổ, khổ tới nỗi miếng ăn bữa có bữa không, một ống quần cũng chỉ muốn cắt làm hai để mặc, đến mùa đông, dưới núi trong vườn, người chết đầy rẫy. Mà thay đổi do đâu? Là vào mười tám năm trước khi các sĩ tử nhảy sông. Hàm Hòa đế già rồi, chùn chân không muốn chiến, nhưng lê dân bách tính sống khổ như vậy, kẻ thù ngoài kia còn cướp đoạt lương thực của bọn ta, bọn ta biết phải làm sao? May mà từ sau ngày mồng chín tháng bảy năm Hàm Hòa thứ mười bảy, toàn bộ đã thay đổi. Sĩ tử Thương Lãng nhảy sông, thiên hạ chấn động, trận chiến sông Trường Độ đại thắng, Tiên Chiêu Hóa đế kế vị, một lòng chăm lo việc nước, đến bách tính sống ở vùng xa xôi như chúng ta cũng cảm nhận được sự đồng lòng của trên dưới triều đình.”
Chiêu Hóa đế kính trọng người tri thức, thường nghe văn sĩ gián ngôn, dần dà cuộc sống cũng đi lên, triều đình ban ơn đến địa phương, dân chúng từ từ an cư lạc nghiệp, thế là những người nghèo khổ lên núi làm phỉ ngày trước trở nên “vô công rỗi nghề”, dĩ nhiên sẽ thành nạn.
Có nơi rất dễ giải quyết, nha huyện lên núi thuyết phục đôi câu, đương gia đã dẫn tay chân xuống núi cải tà; nhưng có nơi không dễ xử lý, đương gia không từ bỏ địa vị của mình, ẩn nấp trong núi đối đầu với quan phủ, thường xuống núi cướp bóc nhà dân. Mà cũng có nơi, giống như chỗ của Cảnh Thường, chi ra chút ưu đãi qua lại với quan phủ thương khách, sống bình an vô sự mấy năm.
“Trước khi Cảnh Thường lên núi, ta vốn là đương gia của một sơn trại trên núi Trúc Cố; về sau Cảnh Thường đã tập hợp hơn mười sơn trại trên núi về làm một, bản thân làm tân đương gia. Con người hắn cũng có bản lĩnh, không giết cũng chẳng đuổi những đương gia cũ như bọn ta, trái lại còn xem như trưởng lão.”
Trưởng lão tức là gì? Là người lớn tuổi có bối phận cao.
Trưởng lão có thể cầm quyền được không? Một ngọn núi cũng là giang sơn một phương, giang sơn đã đổi chủ, ‘hoàng đế tiền triều’ không bị giết là may lắm rồi, làm gì có chuyện ủy quyền thêm?
“Hơn mười sơn trại cũ tức có hơn mười trưởng lão. Có trưởng lão không nuốt trôi cục tức, dứt áo bỏ đi, có trưởng lão nhẫn nhịn, cam tâm đứng dưới Cảnh Thường, cũng có người làm đường chủ hay trưởng sứ. Còn như ta, năm đó lên núi là do không có cơm ăn, tới năm Chiêu Hóa, rõ ràng thời đại đã khá khẩm, nhưng Cảnh Thường vẫn không muốn xuống núi, cứ làm Đại đương gia núi Trúc Cố, còn tự xưng là nghĩa phỉ, ta rất không vừa mắt hắn. Nhưng vì khi đó núi Trúc Cổ chỉ còn lại mỗi ta là trưởng lão ăn không ngồi rồi, không nhúng tay vào chính sự, nên hắn cũng chướng mắt ta, mặc ta tự sinh tự diệt ở phía tây ngọn núi, có khách khứa hay người mới đến trại, hắn cũng không giới thiệu để ta biết.”
Có lẽ cũng vì lý do ấy mà về sau, ông Cát mới có thể may mắn thoát khỏi cuộc tàn sát.
“Quãng thời gian đó kéo dài mấy năm, mãi tới năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Tưởng Vạn Khâm lên núi.”
Nói đến đây, hai mắt ông Cát lóe lên vẻ chán chường, “Cảnh Thường kết giao rộng rãi, tính tình nghĩa khí, kỳ thực ta gần như không biết những thương nhân kết giao với hắn năm đó là ai, nhưng Tưởng Vạn Khiêm này, vốn dĩ hắn ta là người Thượng Khê, hồi xưa từng gặp mặt vài lần nên ta mới có ấn tượng.
Thượng Khê nghèo lắm, hồi Tưởng Vạn Khiêm còn trẻ cũng là một thằng nhóc nhà nghèo. Nhưng do hắn có gương mặt tuấn tú, cũng có chút đầu óc, về sau đến Đông An mưu sinh, được một tiểu thư nhà phú thương nhìn trúng. Tiểu thư ấy họ Phương, là con một trong nhà, khăng khăng đòi cưới ông ta bằng được, còn chưa thành thân đã mang cốt nhục của Tưởng Vạn Khiêm. Phú thương bất đắc dĩ, đành phải đồng ý cuộc hôn nhân này, sau đó cho Tưởng Vạn Khiêm ở rể, đích thân dạy dỗ mấy năm, thấy hắn ta thông minh bèn giao hết các cửa tiệm cho hắn.
Tưởng Vạn Khiêm có tiền là dính vào tệ nạn, đó là đánh bạc. Chưa đến mấy năm, vì mải chúi mũi vào phường cờ bạc, không quan tâm hàng hóa, kho hàng xảy ra hỏa hoạn, chỉ trong một đêm vải vóc tích trữ đã cháy rụi, việc kinh thương hai đời của nhà họ Phương không những đổ vỡ trong tay ông ta, thậm chí còn phải bồi thường không ít bạc. Vì việc này mà nhạc phụ đổ bệnh, hai năm sau qua đời, kế đó phu nhân của ông ta cũng ủ rũ u sầu, mấy tháng sau nhiễm bệnh mà mất. Tưởng Vạn Khiêm rút ra bài học xương máu, cai nghiện cờ bạc, giao con trai cho họ hàng đằng vợ chăm sóc, cầm theo ít tiền quay về Thượng Khê.
Kể ra hắn ta cũng số đỏ, năm ấy đang là mùa thu hoạch cây dâu ở Thượng Khê, đang lo không có người mua, ông ta chiếm ưu thế trước, lập tức vung tay mua dâu, thuê hơn mười chiếc xe bò vận chuyển đến Đông An buôn bán, nhờ kiếm được lời mà từ đó chuyển sang kinh doanh cây dâu.”
Có vết xe đổ lần trước, lần này Tưởng Vạn Khiêm không những đã cai cờ bạc mà còn không dám hành sự liều lĩnh, mười năm sau, việc kinh doanh ngày một đi lên, cộng thêm Thượng Khê không có nhiều thương nhân, ông ta lần nữa cưới vợ sinh con. Mà trong thời gian mười năm đó, người con trai Phương Lưu được ông ta gửi nuôi tại Phương gia cũng đã trưởng thành.
Tuy Đại Chu đã thay đổi, không còn khinh thường thương nhân như tiền triều, song địa vị của người trí thức vẫn cao vượt bậc, hơn nữa từ sau khi sĩ tử nhảy sông, vào thời đại Chiêu Hóa, cả triều đình gần như là nơi văn sĩ lên tiếng.
Ai mà chẳng muốn đi lên, đã có lợi ắt nghĩ tới việc nổi danh, tiền đã đủ tất lo kiếm địa vị.
Thương nhân mưu tranh địa vị thế nào đây? Khi ấy Tưởng Vạn Khiêm đã gần năm mươi, cuộc đời bản thân cứ bằng bằng, may thay ông ta còn có con trai, chính là con cả Phương Lưu từ nhỏ đã được học hành, đọc đủ thi thư văn chương, vừa đến tuổi cập quan đã thi đậu Tú tài.
“Về sau Tưởng Vạn Khiêm có sinh mấy đứa con, nhưng chỉ Phương Lưu này là đã có công danh Tú tài, thế là ông ta tìm cách kéo Phương Lưu đến bên mình, hi vọng cậu ta có thể làm quan, có chức vị tài cán, mở rộng vinh quang cho nhà họ Tưởng.”
Nghe đến đây, Thanh Duy không khỏi nghĩ tới Từ đồ.
Từ Đồ cũng giống vậy, bản thân không có con trai, thấy cháu ruột Từ Thuật Bạch có học vấn tốt, bèn dẫn y đi nịnh nọt Ngụy Thăng Hà Hồng Vân, ngóng trông y có thể lên kinh làm quan.
“Chỉ tiếc tố chất của Phương Lưu này có hạn, dù đậu Tú tài sớm nhưng không đậu nổi Cử nhân. Thi liền mấy năm cũng không đỗ, cho đến tuổi nhi lập, ngay chính cậu ta cũng không muốn thi nữa. Tam thập lão Minh kinh, ngũ thập thiếu Tiến sĩ*, thực ra tuổi nhi lập chưa đậu Cử nhân cũng bình thường, nhưng Tưởng Vạn Khiêm ông ta không đợi nổi. Tuy Tú tài cũng là công danh, nhưng Tú tài có làm quan được không? Tưởng Vạn Khiêm trái lo phải nghĩ, cuối cùng nghĩ được một biện pháp, sau đó, cũng là đầu mùa xuân năm Chiêu Hóa thứ mười ba, ông ta lên núi Trúc Cố.”
(*Dân gian thời Đường có câu: “Tam thập lão Minh kinh, ngũ thập thiếu Tiến sĩ”, nghĩa là 30 tuổi mới đỗ Minh kinh đã là già, 50 tuổi đỗ được Tiến sĩ hãy còn trẻ. Trong Tiến sĩ khoa, thông thường trăm người dự khảo thí chỉ trúng được 1, 2 người; còn Minh kinh khoa, 10 người khảo thí đã có thể trúng được 1, 2 người.)
Ông lão vừa dứt lời, mọi người lập tức ngẩn ngơ.
Nhiều lần thi không đậu thì liên quan gì tới việc lên núi Trúc Cố hay không?
Trên núi Trúc Cố toàn sơn tặc, mà công danh Phương Lưu muốn có lại nằm ở triều đình, rõ ràng hai điểm này cách nhau cực xa.
Ông Cát nói đến đó rồi thôi, đoạn quay sang nhìn Tạ Dung Dữ: “Nhìn dáng dấp các hạ, ắt không phải là người kinh thành bình thường, mà là người triều đình đúng chứ?”
Tạ Dung Dữ không đáp.
Ông Cát nói tiếp: “Vậy ta có một việc muốn thỉnh giáo các hạ. Trở thành sĩ tử, đề tên bảng vàng có phải là chuyện học trò trong thiên hạ mong muốn nhất không, nếu như tên được đề trên bảng vàng, có phải có nghĩa từ nay trở đi bọn họ có thể một bước lên mây, đường làm quan rộng mở?”
Tạ Dung Dữ nói: “Không hẳn là sẽ rộng mở, nhưng khi triều đình tuyển sĩ chọn quan, ngoài thành tích ra thì đầu tiên phải kể đến công danh, mà trọng thần trong triều hiện nay, ngoại trừ tôn thất thế gia, gần như đều xuất thân từ Tiến sĩ. Nên tiền bối nói đúng rồi, được đề tên trên bảng vàng là chuyện học trò trong thiên hạ mong muốn nhất.”
Một khi đỗ đạt, toàn thiên hạ đều sẽ biết tên.
Năm xưa Tạ Trinh đỗ Trạng nguyên, vào ngày tuyết rơi dựa vào lan can, ngấm men say ngâm một bài từ, để rồi biết bao nhã sĩ thiên hạ tranh nhau sao chép, đánh xe đi qua ngõ Chu Tước, nam nữ gia trẻ đổ xô tranh nhau nhìn ngó, hoa quả ném đầy cả lên xe.
Ông Cát nói: “Thế ta lại hỏi các hạ, lên Tiển Khâm Đài như thế nào so với việc đề tên lên bảng vàng?”
Câu hỏi vừa thốt ra, mọi người xung quanh lập tức sửng sốt.
Thạch thất lặng thinh như tờ, chỉ có ánh lửa chiếu sáng.
Một lúc lâu sau, Tạ Dung Dữ mới cất lời: “Xây dựng Tiển Khâm Đài là để tưởng niệm sĩ tử nhảy sông Thương Lãng và các tướng sĩ đã hi sinh trong trận Trường Độ, có ý nghĩa vô cùng quan trọng, sĩ tử mà năm xưa tiên đế hạ lệnh chọn lên đài đều là anh tài xuất chúng, phẩm chất cao thượng, chuyện đó… đối với bọn họ, đấy là vinh quang vô cùng to lớn, thậm chí…”
Thậm chí còn hơn cả việc đề tên lên bảng vàng.
Khoa cử ba năm một lần, mà hồi đấy triều đình còn thêm thể lệ mở khoa khai ân, năm nay thi không đậu thì đợi sang năm thi tiếp.
Còn lên Tiển Khâm Đài… Kể từ khi Đại Chu khai triều đến nay, có thể nói đó là dịp trăm ngàn năm có một, sĩ tử được chọn lên đài sẽ được ghi tên vào sử sách, lưu truyền muôn đời.
“Chính thế.” Ông Cát nói, “Phương Lưu này nhiều lần thi rớt, có lẽ về sau cậu ta vẫn còn có cơ hội, nhưng Tưởng Vạn Khiêm không đợi nổi, Một chức Tú tài thì làm được gì? Nhưng, nếu Tú tài này là Tú tài từng bước lên Tiển Khâm Đài? Là một Tú tài được triều đình tuyển chọn, cùng rất nhiều người tài khác lên đài, danh tiếng vang xa? Nên… Tưởng Vạn Khiêm mới đến núi Trúc Cố.”
Ông Cát nhìn thẳng vào mọi người, lời chứa ngầm ý, “Ông ta làm một giao dịch với Cảnh Thường, ông ta cho Cảnh Thường một số tiền, còn Cảnh Thường, hắn hứa với ông ta là vào ngày Tiển Khâm Đài hoàn thành, sẽ để Phương Lưu – cậu Tú tài bình thường đó bước lên đài.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.