Thanh Vân Đài

Chương 118:




Chương Lộc Chi hỏi: “Cách của hắn ta là gì?”
“Thảo dân không hỏi, mà y cũng không nói.” Tưởng Vạn Khiêm đáp, “Y chỉ dặn thảo dân từ nay trở đi đừng nói xấu Tôn đại nhân nữa...”
***
Giữa đêm tuyết, Tần Cảnh Sơn cụp mắt: “Bị triều đình tước công danh là tạo hóa của ta, không thể trách người khác được, đừng nói không cam tâm hay không cam lòng gì cả. Còn về Nghị Niên, ta và y là chí cốt lâu năm, ta luôn ghi tạc lòng tốt y dành cho ta, dù cả đời này chỉ làm phụ tá của y thì ta cũng cam tâm tình nguyện, về sau Tưởng lão gia đừng lấy chuyện đó ra kích ta nữa, ta không nghe đâu.”
Nói đoạn, y khép áo ngoài rồi bước đi thẳng.
Một trăm nghìn lượng, thực sự quá nhiều. Dù ngoài miệng Tưởng Vạn Khiêm đã hứa sẽ gom đủ, nhưng mấy ngày sau đó ông ta thực sự sứt đầu mẻ trán để chuẩn bị bạc.
May mắn thay, vì muốn Phương Lưu có chức quan mà mấy năm nay trong nhà thường tiết kiệm, lại chạy một chuyến đến Đông An, bán hết gia sản nhà họ Phương đổi lấy tiền, cuối cùng cũng gom đủ.
Bảy ngày sau, đúng như lời ông Cát đã kể, Tưởng Vạn Khiêm lên núi Trúc Cố, làm một giao dịch với Cảnh Thường.
Dùng một trăm nghìn lượng mua một suất lên Tiển Khâm Đài.
***
Tạ Dung Dữ ngắt lời: “Bạc nhiều như thế, ông cầm lên núi thế nào?”
Một trăm nghìn lượng, dù đựng bằng rương hàng thì cũng phải từ mấy chục đến trăm rương.
“Đợt đó đang là dịp Tết, thảo dân lấy danh nghĩa biếu quà để lên núi. Cảnh Thường chiếm thương đạo dưới chân núi Trúc Cố nên hồi ấy vẫn có thương nhân lên núi tặng quà cho hắn, thảo dân viện cớ bàn chuyện có mối làm ăn mới, mai sau muốn đi qua con đường này, nên mới lên núi làm quen với các anh em, như thế sẽ không bị ai hoài nghi.” Tưởng Vạn Khiêm đáp, “Không phải một lần chở một trăm nghìn lượng lên núi, đầu tiên là đưa hai mươi nghìn lượng làm đặt cọc, sau đó lấy danh ‘mừng thọ’, ‘đường tắt’ để lên núi thêm mấy bận nữa.”
Nghe đến đây, Thanh Duy sực nhớ trước khi Tiển Khâm Đài được hoàn thành, Từ Đồ cũng thường xuyên qua lại núi Trúc Cố, lẽ nào ông ta cũng giao dịch mua suất lên đài cho Từ Thuật Bạch?
Nàng hỏi: “Khi ấy ngoài ông ra, còn có ai lên núi làm giao dịch như vậy nữa không?”
Tưởng Vạn Khiêm lắc đầu, “Không biết, mấy lần sau lên núi tôi không gặp người ngoài khác ngoài ngoài Cảnh Thường cùng vài thân tín, bọn chúng rất thận trọng, không những không cho tôi ở lại lâu mà cũng không đưa bằng chứng gì, chỉ nói chuyện này đã ổn thỏa, bảo tôi đợi đến tháng Ba, khi danh sách lên đài được khâm định là xong.”
***
Vào tháng Tư khi danh sách đưa tới, quả nhiên tên của Phương Lưu có trong danh sách, Tưởng Vạn Khiêm mừng đến bất tỉnh, cảm thấy chi ra một trăm nghìn lượng là vô cùng đáng giá, thậm chí còn nằm mơ mong ngóng tháng Bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba đến nhanh nhanh.
Nhưng cuối cùng... thứ ông ta chờ được lại là tin dữ Tiển Khâm Đài sập.
Mồng chín tháng Bảy năm Chiêu Hóa thứ mười ba, Tiển Khâm Đài đã sập dưới cơn mưa trút nước.
Vì Thượng Khê nằm cô lập nên lúc Tưởng Vạn Khiêm nghe nói Tiển Khâm Đài sập, phản ứng đầu tiên của ông ta là không tin. Ông ta cho rằng đây chắc chắn là tin giả, cùng Tôn Nghị Niên và Tần Cảnh Sơn chạy tới Sùng Dương.
Cho đến khi phi ngựa tới Đông An, thấy binh mã triều đình đóng quân, giới nghiêm toàn thành, dân chúng hoang mang thì ông mới thực sự cảm nhận được cái lạnh từ trong tim.
Mà vào khoảnh khắc ấy, điều Tưởng Vạn Khiêm nghĩ đến đầu tiên không phải là an nguy của Phương Lưu, cũng càng phải một trăm nghìn lượng bạc đã trôi sông.
Ông ta chợt lùi bước.
Ông ta chỉ muốn ngay lập tức quay về Thượng Khê cô lập, thậm chí không muốn hỏi thăm xem rốt cuộc Phương Lưu còn sống hay đã chết.
Là vì con trai không ở bên cạnh từ nhỏ nên không có nhiều cảm tình?
Là vì ông ta làm chuyện mua bán dơ bẩn, gián tiếp hại chết Phương Lưu nên không có tư cách đối mặt?
Hay là vì ông ta nhìn thấy đống đổ nát cùng bụi bặm khi tòa tháp chực đổ?
Mà ông ta biết rõ, ông ta chính là đống đổ nát ấy.
Tưởng Vạn Khiêm có trực giác đại họa đã ập xuống đầu, bèn mặc kệ tất cả quay về Thượng Khê.
Quả nhiên trực giác của ông ta không hề sai, ít hôm sau, Tần Cảnh Sơn tìm đến cửa, nói cho ông ta biết: “Quá nhiều tử sĩ chết dưới Tiển Khâm Đài, triều đình muốn điều tra tới cùng, nói không chừng sẽ tra ra chuyện giao dịch, bây giờ ông hãy lên núi Trúc Cố, bảo Cảnh Thường dẫn theo sơn tặc mau chóng rời khỏi đây, càng nhanh càng tốt.”
Mới đầu Tưởng Vạn Khiêm còn chưa minh bạch, bèn hỏi Tần Cảnh Sơn: “Cảnh Thường dẫn sơn tặc chạy trốn, vậy còn chúng ta? Nếu triều đình điều tra đến nơi, chúng ta cũng phải trốn thôi.”
Tần Cảnh Sơn nhìn ông ta, đoạn nở nụ cười hoang đường lẫn chua xót: “Hắn ta phải bỏ trốn, còn chúng ta chưa chắc cần, dầu gì triều đình cũng đã hạ lệnh diệt phỉ, xuất quân có tiếng, sau này chỉ cần chúng ta ngậm chặt miệng là có thể sống được lâu.”
Lúc này Tưởng Vạn Khiêm mới giật mình, hóa ra bảo sơn tặc “trốn” đâu phải là trốn thật, mà là giết.
***
“Thảo dân còn có vợ con, còn có một nhà phải nuôi, thảo dân thực sự bế tắc, những người đó dặn dò sao thì thảo dân đành làm theo dậy. Thảo dân lên núi khuyên Cảnh Thường chạy trốn, sau đó xuống núi... đi thẳng đến nha huyện báo quan, nói hắn dẫn người cướp hàng hóa của thảo dân, giết... người của thảo dân.”
Nói tới đây, viền mắt Tưởng Vạn Khiêm đỏ bừng, ngồi bệt xuống dưới đất, tròng mắt trở nên mơ hồ, “Thảo dân cứ tưởng... Bọn họ chỉ diệt khẩu mấy người Cảnh Thường hay Khấu Hoán Sơn mà thôi, nào ngờ... đám người đó lại ra tay triệt để độc ác đến vậy, chỉ trong một đêm, mấy trăm sơn tặc trên núi Trúc Cố, toàn bộ chết hết... chết hết cả rồi...”
Tạ Dung Dữ hỏi: “Lúc diệt phỉ, nghe nói Tôn Nghị Niên cũng ở trên núi Trúc Cố?”
Tưởng Vạn Khiêm gật đầu: “Đại nhân hỏi danh sách lên Tiển Khâm Đài từ đâu mà ra, chuyện này thảo dân không biết, nhưng về sau thảo dân biết, lúc đầu thực ra những người đó tới tìm Tôn đại nhân, nên khi tướng quân diệt phỉ của triều đình đến Thượng Khê, cũng chính Tôn đại nhân dẫn lên núi Trúc Cố.”
Ông ta cười khổ, “Thực ra Tôn đại nhân cũng giống thảo dân, không ngờ những người đó lại giết sạch sơn tặc. Tôn đại nhân là vị quan cần mẫn, nhưng sau sự việc núi Trúc Cố, ông ấy trở nên suy sụp hẳn đi, gần như không còn quan tâm đến chuyện ở nha môn nữa. Ai cũng nói nha môn Thượng Khê đã là của Tần sư gia, nhưng Tôn đại nhân không quan tâm, có công vụ gì cũng hỏi Tần sư gia, dần dà giao hết mọi sự cho Tần sư gia quyết định.”
Vì Tưởng Vạn Khiêm thân với Tần Cảnh Sơn hơn nên lời nói dễ thiên vị vị sư gia này, nhưng xét từ manh mối Huyền Ưng vệ có được từ nhiều ngày nay, những lời ông ta nói là sự thật.
Vệ Quyết hỏi: “Vậy theo như ông nói, quan hệ giữa Tôn Nghị Niên và Tần Cảnh Sơn không phải không hợp nhau như bên ngoài đồn?”
“Người bình thường chỉ thích đồn bậy đoán bạ. Thực ra bao năm nay, Tần sư gia chưa bao giờ nói xấu Tôn đại nhân câu nào trước mặt thảo dân, cũng rất chịu khó với công việc ở nha môn. Nhưng... Từ sau chuyện núi Trúc Cố, Tôn đại nhân không gượng dậy nổi, thành thử cả hai có đôi chút bất hòa, song trong lòng Tần sư gia, y với Tôn đại nhân mãi là chí cốt, có lần uống say, Tần sư gia còn nói với thảo dân rằng, dù ông ấy chỉ còn lại chút sức mọn thì cũng phải vực Tôn đại nhân dậy.”
***
Điều mà kiếp nạn thực sự thử thách chính là nhân tâm.
Sau cơn mưa máu ở núi Trúc Cố, Tôn Nghị Niên và Tần Cảnh Sơn bất hòa, còn Tưởng Vạn Khiêm với Tần Cảnh Sơn “tai qua nạn khỏi” lại càng thêm thân, trở thành huynh đệ kết nghĩa. Không nhớ là vào mùa Đông năm nào, trời rét đất căm, tuyết rơi đọng thành lớp dày, Tần Cảnh Sơn ngồi trong sân nhà họ Tưởng nhấp hớp rượu, thở dài một hơi: “Cuộc đời này ta nợ Nghị Niên mãi không trả nổi, dù có phải làm lụng đến chết, chỉ còn lại một chút sức mọn thì cũng phải vực y dậy.”
***
Nghe đến đây, Tạ Dung Dữ chợt nhớ đến lời Dư Hạm đã nói, vào đêm trước khi Thượng Khê xảy ra hỏa hoạn, Tôn Nghị Niên từng nói không hi vọng có người lại mất mạng vì núi Trúc Cố.
Y hỏi: “Để ông rời khỏi Thượng Khê là chủ ý của Tôn Nghị Niên, Tần Cảnh Sơn biết được ý định của ông ta, lo Huyền Ưng vệ truy đuổi ông nên mới dẫn binh đến nha huyện hòng ngăn cản Huyền Ưng vệ?”
“Thảo dân không biết rốt cuộc bọn họ tính toán kế hoạch như thế nào, nhưng đại nhân nói đúng, để thảo dân trốn đi chính là ý của Tôn đại nhân. Từ khi xảy ra chuyện ma quỷ ở Thượng Khê, bọn họ đã bắt đầu trù tính việc này rồi.”
Người khởi xướng chuyện ma quái ở Thượng Khê chính là Tạ Dung Dữ, y muốn mượn chuyện đó để dẫn dụ ông cháu Cát ra mặt, hòng hỏi rõ chân tướng cái chết của sơn tặc núi Trúc Cố.
Và cùng lúc đó khi Thượng Khê xảy ra chuyện ma quỷ, Tôn Nghị Niên cảm thấy triều đình có người muốn điều tra Tiển Khâm Đài, quyết ý đưa Tưởng Vạn Khiêm rời đi cũng dễ hiểu.
Nhưng có một chuyện Tạ Dung Dữ chưa nghĩ ra, nếu Tôn Nghị Niên đã quyết tâm muốn đưa Tưởng Vạn Khiêm rời đi từ sớm, vậy tại sao phải phong tỏa núi? Biện pháp tốt nhất chẳng phải là giơ cao đánh khẽ, để tin đồn ma quỷ lan xa khiến dư luận xôn xao, nhân cơ hội đó đưa Tưởng Vạn Khiêm cao chạy xa bay?
Bỗng dưng biến Thượng Khê thành tòa cấm thành, cuối cùng lại liều mạng với Tuần Kiểm Ti lẫn Tả Kiêu vệ để làm gì?
Nhưng vấn đề ấy khó mà phỏng đoán được.
Tạ Dung Dữ biết mối nghi ngờ cuối cùng này phải do Dư Hạm và quả phụ Lý thị tháo gỡ, thế là y khoát tay, cho người đưa Tưởng Vạn Khiêm xuống, đoạn quay sang nói với Thanh Duy: “Tiểu Dã, nàng đến Lạc Hà Viện dẫn Dư thị và Lý thị lại đây.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.