Thất Sơn Truyện

Chương 45: Ngoại Truyện Lục Vương Tư Rồng (Phần 2)




*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Lâm Gia Thái Bảo
-
Sự xuất hiện của vị thanh niên lạ mặt nhưng quen tên kia không khỏi làm cho Hải Long cảm thấy bồn chồn, thậm chí pha chút bất an. Ngày nó còn nhỏ, nói đâu xa, chỉ mới hơn năm trước, Trần Bá vẫn nhắc cái tên ấy suốt một quãng thời gian dài, nó vẫn nhớ như in cảm xúc của ba nó khi nói đến Vạn Lĩnh Đạo Sĩ - Lý Huỳnh, người một mình diệt hơn trăm miểu vùng núi Bà Đen Tây Ninh chỉ trong vòng bảy ngày và quan trọng hơn hết, gã làm một mình. Dĩ nhiên, với ngần ấy kỳ tích, khi lục lâm nói về Lý Huỳnh, lúc nào cũng với giọng điệu ngưỡng mộ, tuy nhiên trường hợp của Trần Bá, ông còn kèm theo chút lo lắng, và Hải Long hiểu được điều đó. Thấy Lý Huỳnh mào đầu bằng câu nói vừa pha chút tò mò lẫn muốn thị uy tên tuổi, Hải Long cảm thấy không thích, bèn trả lời: “Không dám phiền ngài Lý đây, Hải Long tôi may mắn được nghĩa phụ nuôi dạy chu đáo, tất cả chuyện này đều nhờ ông chỉ giáo, không dám nhận mình giỏi!”
Lý Huỳnh nghe đến chỗ “nghĩa phụ” thì phì cười, bèn nói: “Thì ra Lý mỗ suy luận đúng, nếu vậy thì việc tìm lăng mộ Bà Đà Nhan hẳn là giúp cho cậu Long đây tìm hiểu về xuất thân của mình, đúng không?”
Hải Long hết sức ngạc nhiên, chuyện Trần Bá nói với Hải Long trước khi bị giết làm sao Lý Huỳnh có thể biết được, ông bảo nếu muốn thân phận thực sự của cậu thì hãy nhớ tìm đến lăng mộ của công nương Bà Đà Nhan, trong đấy sẽ có lời giải đáp, cuộc sống của hai cha con Hải Long hết sức bí mật, hành tung gọn gàng, thậm chí muốn tìm tung tích để đặt hàng còn khó. Thêm vào đó, xuất thân của Hải Long trong mắt Trần Bá có vẻ gì đó là bí mật kinh thiên động địa, không thể nào có chuyện nói cho người ngoài, mặc cho người đó là Lý Huỳnh đi chăng nữa.
Nói đến đây ắt hẳn không thể không kể về người tên Trần Bá, thông hải cuối cùng của lục lâm.
Thông hải, suy cho cùng, là một nhánh hậu duệ của vua Trần, trốn chạy Hồ Quý Ly, loạn lạc đến vùng đất Phú Yên những năm giữa thế kỷ XV. Đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, danh tiếng những thông hải đã vang dội, những kỳ tích tựa như chỉ có trong truyền thuyết, bảo vật trong lục lâm được bổ sung cơ số thứ đều nhờ thông hải, chắc có nằm mơ cũng không ai dám tưởng tượng: tim bạch tuộc hổ, răng trai, mắt vích ngàn tuổi, tổ Yến Chúa, ngọc Cáp Lị Ngư.
Giới lục lâm vốn là một tổ chức kín tiếng, nếu không nhờ người trong cuộc kể lại thì hầu như không thể biết họ đang làm chuyện gì, thông hải thì hành tung càng kì bí, chẳng ai hiểu tại sao một làng chài đông đúc với những lục lâm lão làng dần dần biến mất, đến những năm 1918 chỉ còn lại một người duy nhất: Trần Bá. Một trong những huyền thoại của Trần Bá được lưu truyền như sau, khoảng những năm mở đầu thế chiến thứ nhất, Pháp vơ vét hầu như tất cả của cải ở thuộc địa, tài lực vật lực, trong đó bắt lính và nguyên liệu là thứ chúng quan tâm nhất. Năm đó, một tàu Pháp đang chở lính thì bị bão đánh vào một vùng biển lạ, chân vịt mắc vào xích sắt, trên đấy chi chít chữ cổ, nói về một lời nguyền gì đó. Trời đang bão, sấm chớp đùng đùng, giữa khung cảnh ấy, một đường sáng màu đỏ chiếu thẳng từ biển lên tới chín tầng mây, khiến cơn bão từ một màu đen kịt chuyển thành một vùng mây xanh lơ, kỳ dị khó tả. Lúc này từ đáy biển, một bàn tay khổng lồ vươn lên bóp chặt vào đáy thuyền làm nó gãy đôi.
Đợt ấy chỉ duy nhất một tay sĩ quan Pháp còn sống sót về kể lại cho Toàn quyền làm tay này khó nghĩ, còn đang bán tín bán nghi thì tin về: mấy chiếc tàu hắn ta cử ra thăm dò đều nằm lại biển không một tung tích. Chuyện được giấu rất kỹ, tuy nhiên một lần những tên lính Pháp nhậu say, vô tình nói ra làm Trần Bá biết được, ông nghĩ thầm: “Quỷ Biển?” Ngay đêm đó, ông cùng một thông hải khác lên đường tìm diệt con quỷ đó, vì nội bộ thông hải có lưu truyền truyền thuyết về Hải Quỷ Kỳ Động hoặc tên khác là Hải Vực Trường Sa, nơi đó giam cầm tên quỷ biển chúa, dưới trướng có đạo quân đông đảo lên đến vạn con. Nếu để bọn chúng sống lại, hồi phục ma lực hoàn toàn thì coi như cũng là ngày tàn của biển!
Sáng sớm hôm sau đã thấy hai người họ trở về, quần áo rách bươm, chuyện thành bại ra sao không thấy Trần Bá nói, chỉ được người đồng hành đi theo kể lại. Đêm đó, bằng bí thuật thông hải, họ vượt biển băng băng, tiến về hải phận Hải Vực, quả nhiên quỷ biển hồi sinh là thật, bọn chúng lập tức ứng chiến. Quân số chênh lệch kinh khủng, nếu không phải Trần Bá là đại cao thủ, e là cũng bỏ mạng chỉ trong một khắc, tuy nhiên thứ ông ta nhắm đến không phải là giết đám quỷ lôm côm này, mà là tìm cách phong ấn Quỷ vương lại. Cũng may, có một trăm lẻ tám sợi xích trói chặt quỷ vương trong hải vực, một sợi đứt ra nên quỷ khí của hắn chưa hoàn, Trần Bá dùng sức nối chúng lại trước khi bọn quỷ biển âm mưu cắt đứt tất cả. Dĩ nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, Trần Bá định bụng khi hồi phục nguyên khí sẽ thanh toán bọn ác linh ấy, tuy nhiên người tính không bằng trời tính, ý định chưa kịp làm thì biến cố ập đến, Trần Bá nhận nuôi Hải Long từ một người quen rồi lao vào cuộc sống lẩn trốn, chuyện bên trong dĩ nhiên vẫn theo lối xưa của lục lâm: người trong cuộc không kể thì ai mà biết.
Trở lại cuộc kỳ ngộ giữa Lý Huỳnh và Hải Long, thấy thằng nhóc còn ngơ ngác, Lý Huỳnh ra vẻ như đang xâu chuỗi những thông tin gì đó rồi mới nói: “Sao cậu không hỏi tôi, khỏi cần đi, muốn biết trong đó có cái gì, tôi trả lời cho, biết đâu thân thế cậu được sáng tỏ?”
Hải Long xua tay, bảo: “Không dám phiền ông đây, dăm ba cái lăng ấy, Long tôi tự đi được!”
Lý Huỳnh cười ra vẻ thú vị rồi mới đứng dậy, kéo một hơi tẩu, nói: “Núi cao ắt có núi cao hơn, hy vọng Lý Huỳnh tôi sẽ được gặp lại cậu, một ngày nào đó, trưởng thành hơn, nhưng dĩ nhiên phải còn sống đã!”
Hải Long cảm thấy bị nói đểu, vừa định mắng gì đấy thì đã thấy Lý Huỳnh quay lưng đi thẳng, một chốc đã mất dạng sau hàng chuối. Hải Long cũng chẳng cần phải rượt theo làm gì, tính khí nó vốn ngang tàng, làm gì mình thích mà thôi. Lúc này, Hải Long soi ngược tờ giấy lên ánh trăng. Loại giấy này được gọi là Cốt Chỉ, nói trắng ra là giấy tinh luyện từ bột xương người chết, phơi khô ít nhất hơn hai mươi năm, sau đó trộn với dầu cóc và nhớt từ cây tầm ma để rây giấy ra khuôn. Loại này nếu được viết bằng mực trộn máu thì mực sẽ bị thấm hút vào giấy, chỉ có cách dùng nước Oa Hãn (mồ hôi cóc) mới làm các hình chữ viết ẩn xuất hiện trở lại. Ngày xưa lục lâm còn dùng giấy này nhiều để tránh quân triều đình truy xét, nhưng từ khi Pháp xâm lược, triều đình mất dần quyền lực, lục lâm không cần phải tránh mặt kiểu đó nữa nên dần dần loại giấy này đi vào quên lãng. Cảm giác nét mực trong chữ “Cử Đầu Vọng Nguyệt” đang lan ra như những rễ cây đâm tủa, hiện thành hình thế núi sông, trải qua mấy trăm năm vẫn hết sức sống động, Hải Long căng mắt theo dõi thì thấy điểm cần đến là vùng Phụng Hoàng Sơn (tên khác là núi Cô Tô, An Giang). Cảm giác sắp tới là một cuộc hành trình dài, bí mật nơi đặt lăng mộ Bà Đà Nhan đã được giải đáp, Hải Long suy nghĩ cũng không cần vội làm gì nên lăn ra ngủ tiếp một giấc cho lại sức, mai sẽ đến Cô Tô.
Ngày ấy, đi từ Bạc Liêu đến An Giang là cả một vấn đề, đường không có, rừng rậm nhiều, cộng thêm loạn lạc khiến nhiều nơi xuất hiện phỉ, thế mà Hải Long chỉ mất hơn một ngày để đến được nơi nó muốn, lúc tới nơi thì đã gần đến giờ Tý. Đi đường lúc thì nó quá giang, lúc thì kết bè đi trên sông, lúc đi ngang nơi rừng rậm thì dùng bí thuật của thả diều, cho nên mới đi nhanh được đến vậy. Căn cứ theo bản đồ, Hải Long biết được điểm cần đến nằm ở mé Tây của núi. Núi Cô Tô nay thuộc địa phận xã Cô Tô, huyện Tri Tôn, An Giang. Núi cao 614m, dài nhất 5,8km, rộng nhất 3,7km, là một ngọn núi đá vôi có cấu tạo hết sức thú vị, bên trong có cả một hệ thống hang động chằng chịt đan xen, vô cùng vững chắc. Hải Long men theo chân núi, đến triền núi phía tây rồi leo lên một cái cây cao ngắm nhìn địa thế. Chính giữa thấp thoáng một hàng các bia đá đã bị hư hoại theo thời gian được sắp ngay hàng, nếu canh theo lối ấy có thể thấy một chỗ lõm vào ở chân nói, khá đều, cây mọc um tùm, xác suất khá lớn lối vào chỉ có thể nằm ở khu vực gần đó.
Tuy nhiên, sự bất thường âm khí tại nơi này làm Hải Long suy nghĩ. Thường thì khu vực đồi núi, âm khí phần lớn đều từ miễu biết hát tỏa ra, lúc mạnh lúc yếu bởi vì các miễu thường di chuyển hoặc ẩn nấp, đợi đêm đến mới bộc phát, tuy nhiên thứ âm khí mà Hải Long cảm nhận được từ nãy đến giờ duy nhất chỉ có một luồng, ngay cả âm mạch cũng không cảm nhận được, điều đó có nghĩa là: cả núi Cô Tô chỉ có một cái miễu biết hát duy nhất. Mặc dù theo cảm nhận của Hải Long, nguồn ma lực này không lớn, vậy thì tại sao chỉ có một cái? Hay thực chất ẩn sau lăng mộ kia là một con quỷ chúa cực mạnh, đã ăn hết những cái miễu biết hát ở vùng này. Trong đầu Hải Long chỉ có thể liên tưởng đến thi thể công nương Bà Đà Nhan bên trong lăng, quả thật khó hiểu, không lý giải nổi! Nhưng đã đến nước này thì dù bên trong có ngưu đầu mã diện hay Diêm La Vương, nó cũng bỏ qua một bên để tiến vào mà thôi.
Hảo Long kiểm tra thật kỹ, tiên liệu những phương thức người ta dùng để đóng cửa lăng để tìm ra các cách ứng phó phù hợp rồi tiến thẳng đến chân núi theo đường dẫn của các tấm bia, xung quanh cỏ cao đến ngang vai, um tùm rậm rạp, đi lại hết sức khó khăn, tuy nhiên thứ làm nó hụt hẫng đó là chỗ chân núi không hề có thứ gì tựa như lối vào, chỉ có một khối đá tự nhiên, phần thân chìm trong lòng đất, nhô lên thôi cũng đã cao đến hơn mười mét, bán kính chắc phải đến bảy, tám chục mét. Hải Long nảy ra suy nghĩ đi lần theo mép tảng đá khổng lồ, biết đâu chỗ khe hở tiếp giáp với tảng đá khác có đường vào. Tuy nhiên, nó lại thất vọng thêm lần nữa khi khu vực xung quanh, các tảng đá ken đặc với nhau như xếp gạch, tảng nào cũng to bằng cái nhà, việc tìm kẻ hở thế là công cốc. Đột nhiên mây đen kéo đến, xốc theo sau là một trận âm phong rợn người thổi nghiêng ngả cây cối, trăng vừa khuất sau mây đen, xung quanh dáo dác tiếng chim chóc bay tứ tán, lẫn trong đó là tiếng chim heo kêu và mèo rống tràng dài nghe như ai khóc. Phen này có vẻ không được thuận lợi, Trần Bá lúc trước có kể cho nó nghe chuyện đập miễu kỵ nhất là lúc trời mưa, chim kêu mèo khóc, vì khi đó quỷ khí ma lực của miễu đã thức tỉnh. Hải Long đó giờ chỉ nghe truyền thuyết, nay ra lăn lộn trong thực tế mới trải qua lần đầu, quả nhiên âm khí cậu cảm nhận lúc nãy đang dâng lên rất nhanh, quỷ lực của nó không hề nhỏ.
Đang cảm thấy bối rối chẳng biết làm sao thì bỗng có một luồng âm phong lạnh ngắt tỏa từ quỷ khí nó cảm nhận được, luồng âm phong đó đang dội xuống từ phía trên đầu, nếu vậy thì phía trên sẽ có lỗ hổng, Hải Long khá nhỏ con, nếu tìm được lỗ đó sẽ chui lọt vào trong, vào đó rồi tìm đường ra sẽ dễ hơn. Nghĩ là làm, nó liền dùng thân pháp nhanh nhẹn, thoắt cái đã leo lên đến đỉnh tảng đá chắn cửa hang. Phía trên tương đối bằng phẳng, dây leo đan kín, quả nhiên chỗ tiếp giáp với tảng đá bên trên, có một kết cấu như cửa sổ ẩn phía sau mỏm đá, phải tìm rất kỹ mới thấy, trên đó tạc hình phượng hoàng rất tinh xảo, thường thì các lăng mộ cũ của văn hóa Chân Lạp, Angkor sẽ có kết cấu này, người ta quan niệm người chết khi đủ ngày sẽ thoát khỏi lăng mộ để nhập cõi niết bàn, hình tượng phượng hoàng cũng được điêu khắc theo trường phái Nam Tông với nét uyển chuyển sống động vô cùng.
Nó dạt lớp dây leo qua hai bên, vừa mở lớp cửa ra, luồng gió lạnh ngắt, mạnh mẽ tuôn ra tới tấp, nếu là người thường có lẽ đã chấn động tâm lý, âm khí nhập tâm mà ngất xỉu hoặc mất mạng chứ chẳng chơi. Hải Long ghé mắt nhìn vào trong, có một đường thông xuống bên dưới, dĩ nhiên là tối đen không thấy được gì cả, nó phải nhắm mắt, dò tìm, cảm nhận luồng khí tỏa ra để xem bên dưới như thế nào. Hít một hơi thật sâu lạnh hết cả phổi, nó chống hai tay, dạng hai chân bám vào vách rồi từ từ leo xuống. Càng leo xuống càng thấy lạnh, hơi lạnh tỏa ra từ lớp đá như muốn đóng băng tất cả vật sống trong cái lăng này. Mặt tường bằng đá được gia công tinh xảo nên bề mặt khá trơn, cộng với thời gian đã phủ lên nó một lớp rêu cho nên Hải Long dùng rất nhiều sức mới leo được tới dưới, tuy không khí lạnh ngắt nhưng mồ hôi vã ra như tắm. Chân nó vừa chạm đến nền, bỗng nhiên trước mặt sáng bừng lên, đó là những cây đuốc hai bên hành lang, giống như được kích hoạt bằng một cơ quan nào đó, thắp lên ngọn lửa bập bùng màu xanh hết sức ma quái. Điều này vượt ngoài hiểu biết của Hải Long lúc đó, đèn đó được gọi là Địa Tâm Đăng, sáng lên khi có dương khí xuất hiện, là một thuật của hàng thịt trong lục lâm, dùng để chiếu sáng trong lăng mộ thì quả là hết sức phù hợp.
Mục tiêu thứ nhất đã xong, tiếp theo Hải Long phải đi xem hết ngóc ngách trong nơi này để tìm ra bí mật về thân thế của mình, bởi vậy nó chẳng có thời gian để nghía qua các bức bích họa hết sức sống động được vẽ trên vách, màu sắc còn rất tươi mới dù đã qua gần hai trăm năm. Nó bước hết sức cẩn trọng, vừa đi vừa để ý xem xét, tránh kích hoạt cạm bẫy trong lăng mộ. Nhưng người tính không bằng trời tính, bàn chân nhỏ bé của nó vừa đặt xuống, nền gạch vang lên một tiếng “cạch” lạnh ngắt - cơ quan đã mở, chỉ trong tích tắc sau đó, gạch lát dưới chân nó sập xuống, Hải Long không hề bất ngờ, nó nẩy người lên, đạp vào tường định nhảy qua hố, ai ngờ đâu hàng chục khối cát từ trên đầu ập xuống khiến nó rớt thẳng xuống dưới. Mắt nhắm nghiềm, nín thở, miệng vừa mở ra đã ngập đầy cát, hết sức khó chịu. Cát cứ thế đổ dồn dập xuống không ngớt, hố lại sâu đến năm sáu mét, cát ngập quá nửa người nó, dù thân thủ nhanh lẹ cỡ nào cũng như vô dụng. Hải Long than trời trách đất, chỉ một giây lơ là không ngờ phải bỏ mạng nơi này, đang tưởng chừng như tuyệt vọng thì một sợi dây thừng từ trên hố được ném xuống kèm theo giọng nói rất quen thuộc: “Cầm lấy sợi dây nhanh lên!”
Sắp chết lại gặp đường thoát, Hải Long lập tức bám lấy sợi dây kia, người bên trên ra sức kéo, chốc sau Hải Long đã thoát được cái hố cát tử thần, thở lấy thở để. Mắt nó ngập cát, nhất thời nhìn gì cũng thấy mờ mờ, trước mặt nó xuất hiện hai bóng đen lù lù, một lớn một nhỏ, nó dụi mắt mấy cái để nhìn rõ hơn, khi thấy hai người đó, nó hết sức bất ngờ: người cứu nó lại chính là hai con chuột tinh đã gặp ở làng Hưng Hội, Bạc Liêu. Lão chuột tinh thấy nó ngơ người ra thì bảo nó ngồi xuống, lão đưa nó bình nước nước rồi nói: “Cậu đừng sợ, tôi không còn muốn làm hại ai nữa đâu, lấy nước rửa mặt cho hết cát đi rồi tôi kể cho nghe!”
Hải Long nghĩ, nếu lão muốn giết nó, thì để nó chết dưới đống cát dễ hơn nhiều, thế là nó lấy nước rửa sạch mặt mũi, đoạn quay sang hỏi lão chuột: “Vậy ra hai chú cháu ông đi theo tôi đến tận đây? Lý do?”
Lão chuột nhìn đứa cháu rồi mới quay sang nói với Hải Long, vẻ mặt hết sức nghiêm trọng: “Cậu tin tôi cũng được, không tin cũng được, nhưng nơi này không nên lưu lại lâu, có gì đi ra ngoài, tôi kể cho cậu nghe!”
Khỏi phải nói, tính tình Hải Long ngang tàng, dễ gì nghe theo lời khuyên úp mở ấy, nó nói: “Thôi, tôi bằng mọi giá vào được đây, giờ đâu phải ông nói đi ra là ra ngay được, nơi này có gì ghê gớm lắm sao?”
Lão chuột lắc đầu, ra vẻ chán nản lắm, lão ấy thở dài rồi nói: “Thật ra lăng mộ này là nơi tôi với thằng cháu tôi tu luyện thành người, hơn một năm trước thì bị một con quỷ đến cướp, nó tàn ác vô cùng, giết hại cả người và ma quỷ không chừa thứ gì, hai chú cháu tôi may mắn thoát được. Lúc bị cậu đánh bại, tôi định dẫn thằng cháu về vùng bảy núi, tìm một ngọn đồi nào đó dựng am tu luyện, hành thiện cứu đời, ai ngờ thấy cậu đi xăm xăm về hướng này, tôi liền nảy ra ý định đi theo xem sao, rốt cuộc đúng là cậu chui vào đây thật, hai chú cháu leo vào đã thấy cậu bị sập bẫy cát. Con quỷ kia ghê gớm lắm, cậu có tài ba như vầy cũng chưa chắc đánh được nó, tôi khuyên thật, giờ đi ra ngoài còn kịp đó!”
Hải Long xua tay, lắc đầu nói: “Không được, ơn cứu mạng của ông và nhóc này tôi ghi nhớ, chắc chắn sẽ đền đáp, nhưng bảo tôi đi ra ngoài, bụng dạ nào mà như vậy được. Tôi vào đây cũng là làm theo di nguyện của ba tôi mà thôi, ông với thằng nhỏ đi ra trước đi, tôi vào một chút sẽ trở ra ngay!”
Vừa nói dứt câu thì một tiếng thở rất mạnh phát ra từ cuối hành lang, lửa trên các cây đuốc như bị hút về phía ấy, biến mất sạch, không gian xung quanh trở nên tối đen trở lại, tiếng nhai nhoàm nhàm lạnh lưng âm vang khắp nơi. Theo phản xạ, đèn vừa tắt, Hải Long vận lực phát ra Thiên Đăng Ẩn Quang, tuy nhiên cậu ta quên là bên cạnh còn có hai con chuột tinh, lần vận khí vừa rồi hơi mạnh khiến bọn chuột tinh kêu lên đau đớn, nhưng tuyệt nhiên họ chẳng chịu quay đầu bỏ chạy khiến Hải Long thấy cảm kích vô cùng. Nó điều chỉnh pháp lực, ánh sáng phát ra từ chú Thiên Đăng thu gọn lại, chiếu vừa đủ không gian chừng mười bước chân xung quanh, hai chú cháu chuột dù vậy vẫn cảm thấy khó chịu. Hải Long quay sang nói: “Tôi nói hai người ra ngoài đi, có mệnh hệ gì tôi cứu không nổi đâu!”
Ai ngờ lão chuột tinh nói: “Sống chết có số, lúc trước tôi làm nhiều việc ác rồi, hôm nay hiệp sức cùng cậu diệt con quỷ kia rồi dẫn đường cho cậu trong lăng mộ này, coi như cũng được chút phúc báo.”
Hải Long nghe vậy gật đầu, nghĩ thầm lão chuột tinh này thấy vậy cũng nghĩa khí lắm, còn đang định nói gì đó thì nghe nhóc chuột tinh hét lên: “Hai người cẩn thận!”
Hải Long quay sang thì hết sức bất ngờ, vội lấy tay nắm áo tên nhóc chuột, cùng ông chú kia nhảy lùi về sau, vừa đúng lúc tránh khỏi cú ngoạm tử vong của con quỷ, chính xác hơn là một nhục thể quái vật trông như con cá trê khổng lồ. Nó bò thôi mà đã muốn cao hơn một người trưởng thành, cái đầu cá trê với cặp mắt to lồi ra ngoài, lớp da có vảy mỏng, nó chỉ có hai chân trước với những cái móng sắc nhọn, cái miệng đỏ ối như máu, nó không có lưỡi, từ vòm họng đưa ra một cái đầu người trọc lóc, có vẻ như đó mới chính là phần “tim” của con quái vật này, Hải Long từng nghe Trần Bá nói về loài cá trê sống trong quan tài, ăn thịt người chết rồi chuyển dần sang màu trắng, nói vậy thì con cá trê này ăn phải thứ gì trong lăng mộ này để quỷ hóa đáng sợ đến thế?
Hải Long chưa xuất đòn vội vì còn muốn thăm dò đối thủ, con quái thấy thế liền chủ động tấn công, nó há miệng phun ra những cục nước bọt to tướng về nhóm người bọn họ nhằm chia cắt đội hình, dễ bề tiêu diệt, hai bên giằng co qua lại, con quỷ nọ quả thực mạnh đến kinh người, Hải Long không tài nào tìm được điểm yếu của nó để mà tiếp cận. Lão chuột tinh bèn bảo thằng cháu mình lui ra xa rồi lão lao đến đánh mạnh vào con mắt trái của con quái khiến nó phân tâm, quá đau đớn, con cá trê dùng chân tán mạnh vào lão, chỉ nghe lão chuột kêu lên một tiếng, xương lão đã vỡ. Vừa lúc ấy, Hải Long đã khai ấn Thiên Đăng, lao đến định một chiêu tiễn con quái về thế giới bên kia, nhưng nó cũng không phải là dạng xoàng, nó cúi người lấy đà định lao đến cắn đứt tay Hải Long. Mọi thứ diễn ra quá nhanh, nếu Hải Long rút tay lại thì hoàn toàn mất ưu thế, còn nếu cứ vươn ra đánh vào tim nó thì bị ngoạm đứt tay, vừa lúc hai bên chạm vào nhau, lão chuột từ bên dưới cố sức nhảy lên, dùng chân đạp thẳng vào họng con quái, khiến nó mất đà, Thiên Đăng Ẩn Quang Chú đã đến trước mặt nó!
Ánh sáng của chú Thiên Đăng bộc phát bên trong đường hầm chói lòa, Hải Long và lão chuột đều biết ở cự ly thế này, quỷ hồn thế nào cũng sẽ chỉ có đường chết! Khi ánh sáng lịm dần đi, chỉ thấy thi thể con quỷ cá trê đã khô đét lại, nhăn nheo xù xì ghê gớm, nằm đè lên lão chuột đã bị gặm mất nửa người. Hải Long lặng người đi nhìn lão chuột hấp hối còn thằng cháu thì gào khóc. Nó không ngờ có ngày nó cảm động khi chứng kiến cảnh một con yêu tinh chết đi.
Lão chuột tinh thều thào trong cơn hấp hối: “Hầy, không ngờ ta già quá rồi, mới có nhiêu đó mà sắp chết, nhưng coi như cũng không uổng phí một đời…”, ổng quay sang thằng cháu, nói tiếp: “Tiểu Bạch, mày thay chú, giúp cho thằng bé này, tìm...kiếm…”, chỉ kịp nói đến đó, lão chuột trút hơi thở cuối cùng!
Hải Long quỳ xuống, lấy tay vuốt mắt lão chuột, nói: “Chuột tiên sinh, ra đi thanh thản, mong ông về cõi niết bàn.”
Nhưng ngạc nhiên là đứa cháu, nó run run vai, giống như muốn khóc lắm nhưng cố kìm lại, giọng mếu mếu nói: “Chú tui nói là cậu muốn biết về thư tịch của lăng mộ này đúng không, đi theo tui!”
Trong ánh mắt nó, Hải Long cảm thấy nghị lực và sức mạnh nội tâm rất lớn, cảm khái vô cùng. Tiểu Bạch dẫn Hải Long đến một gian mật thất, bên trong hết sức gọn gàng ngăn nắp giống như có người hay vào đây để dọn dẹp, khắp nơi có rất nhiều thư tịch, niên đại có những cái đã vài trăm năm là ít. Hải Long đi một vòng quanh phòng, thấy trên bàn có một cuốn sổ ghi chép đang để mở, đọc vào dòng đề tự khiến nó hết sức bất ngờ: “Ngày mùng mười, tháng tám, năm Bính Dần. Trần Bá đề bút.”
Nét chữ tuy mờ do bụi nhưng không lẫn đi đâu được, là chữ của Trần Bá, cha nuôi của nó. Hải Long ngồi xuống, đọc ngấu nghiến cuốn sổ. Tiểu Bạch ngồi xem, đảo mắt bối rối, mấy chục phút trôi qua, Hải Long ngước mặt lên, ánh mắt hết sức hoảng hốt, nó ngồi như người mất hồn bởi thứ nó vừa đọc quả là khó tin.

Trong hình ảnh có thể có bầu trời

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.