Thích Em Thích Em Nhiều

Chương 3: Bốn vòng rưỡi, không thiếu




Đồng hồ báo thức im lìm nằm ở trên bàn, kim dài và kim ngắn nhích từng giây đều đều phát ra các tiếng tích tắc tích tắc.
Dần dần rồi đến đúng thời điểm, cả hai kim đều chỉ ở số giờ sáu giờ sáng.
Nhưng trước khi chuông trong nó kịp reo lên, Nhiếp Mạch Khanh đã mở trừng mắt bật dậy từ trên đệm ngủ, dập tắt cái đồng hồ ấy rồi lại nằm lăn vào trong chăn ngủ thêm mười lăm phút nữa, sau đó mới ngái ngủ mà bò dậy đi vệ sinh cá nhân rồi xuống dưới nhà ăn sáng.
Phần ăn sáng ngày hôm nay của cô không khác với ngày hôm qua và những ngày trước đó là bao, đều là một đĩa bánh mì gối không kèm theo bất cứ đồ dùng thêm nào cả và một cốc sữa bò chán ngắt uống chẳng đã bụng.
Nhiếp Mạch Khanh không nuốt trôi được bữa sáng kiểu này tí nào bèn gói mấy cái bánh vào trong một cái bọc, trên đường đi đem cho lũ vịt bơi ở ngoài sông.
Hôm nay cô nhận ra ở trong gian nhà này có một điểm khác biệt. Thằng bé A Lĩnh kia vậy mà ngày nay lại dậy sớm rồi ngoan ngoãn ngồi ăn cháo ở trên bàn, không quấy khóc hay hét lên om sòm ở trong nhà.
Tuy thấy lạ nhưng cô rất thoải mái với sự bất thường đó, đeo cặp sách lên vai để đi đến trường học.
“… Hửm?”
Hai tay cô lục tìm ở trong túi áo khoác nhưng không thấy cà vạt ở đâu cả. Nhiếp Mạch Khanh đờ đẫn trong giây lát rồi gáp gáp tháo cặp sách của mình xuống rồi tìm ở bên trong. Cũng không có!
Đang hoảng hốt, đột ngột khi cô ngẩng đầu lên, đập vào trong mắt cô là thằng lỏi con kia nó đang lấy chính cái cà vạt của cô để lau miệng.
“Thằng nhóc chết tiệt này?!”
Nhiếp Mạch Khanh đập mạnh tay lên bàn ăn rồi giật phắt lấy cà vạt của mình từ tay của nó nhưng đã quá muộn mất rồi, một mảng lớn trên cà vạt đã nhem nhuốc thức ăn.
Cô gáp gáp đưa nó xuống dưới vòi xả nước bồn rửa bát nhưng có kì đến cỡ nào cũng không thể xóa đi được vệt thức ăn bẩn ấy.
“Mày lại đang làm gì A Lĩnh đấy hả, con mất dạy kia?! Tao chỉ ném hết đồ đạc của mày ra ngoài đường bây giờ! Có một đứa con như mày ở trong nhà, thảo nào bố mẹ mày đều chết hết không còn một mống!”
Người mẹ nuôi kia ở gần đó vội vã chạy lại ôm lấy đứa con của mình, khuôn mặt dữ tợn hếch lên mắng mỏ cô.
Nhưng hôm nay Nhiếp Mạch Khanh lại không nhẫn nhịn mà lờ đi như trước nữa, dường như là đã đến điểm tận cùng của sự chịu đựng, cô đã đối thẳng vào mặt của bà ta mà hét lớn.
“Vậy thì cứ đuổi tôi đi! Để xem bà còn nhận được bao nhiêu tiền!”
“Mày…!”
Chưa để cho bà ta lắp bắp kịp nói tiếng, Nhiếp Mạch Khanh đã thẳng tay ném chiếc cà vạt không thể nào giặt sạch được nữa vào trong sọt rác gần đấy rồi dứt khoát bước ra khỏi căn nhà rồi đóng rầm cửa lại.
Đi ở trên đường cũng có mấy học sinh đang lục ục chuẩn bị đến trường, những tốp học sinh đang tíu tít rôm rả cũng bất chợt nín im thin thít khi nhìn thấy Nhiếp Mạch Khanh đi ngang qua chỗ đứng của bọn họ.
Sắc mặt của Nhiếp Mạch Khanh hôm nay cực kì tệ, cứ như chỉ cần có kẻ nào đó không biết điều mà động chạm đến cô liền bị cô rút dao ra đâm chết vậy. Tất cả đều không cần nói cũng đều tự ngầm hiểu ý nhau, nhường hết đường cho cô đi.
Đến cả học sinh hống hách nhất trường nhìn thấy cô cũng phải né nhanh sang bên khác.
“Bạn học Nhiếp, em đứng lại đó.”
Vừa mới đặt chân dẫm lên lớp đất đá ở đằng sau cổng trường, thầy giám thị đã một tay kẹp thước, một tay cầm sổ theo dõi bước chân tiến tới gần cô.
“Cà vạt đâu?”
Nhiếp Mạch Khanh mỉm cười nhưng nụ cười ấy không còn vẻ chớt nhả như thường ngày nữa.
“Em giặt rồi treo nó ở trên ban công, không may bị gió thổi bay mất rồi rơi xuống dưới đất, bị một con chó cắn đến rách mất luôn rồi…”
“Lí do ngày hôm nay nghe có lí phết đấy. Năm vòng chạy không thừa không bớt.”
“Thầy à! Thầy xem xem ngày hôm nay em đã không còn đi học muộn nữa, học sinh thầy đã có tiến bộ rồi. Nên là, thầy bớt cho em xuống còn có hai vòng đi.”
Thầy giám thị nhìn vào đôi mắt nài nỉ của cô, cũng mủi lòng xót xa.
“Bốn vòng rưỡi, không thiếu.”
“…..”
“Tặng thêm một chai nước lạnh.”
Chuông vào tiết reo lên, ngay khi thầy giáo dạy ngoại ngữ cầm theo một bình nước giữ nhiệt và cặp đựng đồ dùng dạy học vừa mới chỉ bước lên bục giảng, từ bên ngoài hành lang đã phi vào một cái bóng đen.
“May quá! Kịp giờ rồi!”
Nhiếp Mạch Khanh vì chạy quanh sân trường quá nhiều, nhiều đến nỗi ở môn thể thao chạy bền một trăm mét không ai địch lại được cô đã hoàn thành bốn vòng rưỡi quanh sân vừa xuýt xoát giờ lên lớp.
Nhưng vẫn chậm vài giây.
“…” Thầy dạy ngoại ngữ mặt không biến sắc nhìn cô: “Đứng ra ngoài cửa lớp.”
“… Vâng ạ.”
Nhiếp Mạch Khanh đáng thương lê chân ra ngoài cửa lớp, nhưng cô còn chưa kịp đứng ra ngoài hành lang thì cô giáo chủ nhiệm lớp đã đứng ngay ở trước cửa, biểu cảm cọc cằn, đôi mắt hằn đỏ nhìn chằm chằm vào cô cứ như muốn băm vằm cô ra thành trăm mảnh nhỏ.
“Nhiếp Mạch Khanh, em lên ngay phòng giáo viên cho tôi!”
Cả lớp học ở đằng sau dù có những người đang chăm chú nhìn lên bảng hay làm việc riêng đều đồng loạt nhìn hết về phía cửa lớp đầy ngơ ngác.
Nhiếp Mạch Khanh nhìn khuôn mặt của cô giáo đã phừng phừng đỏ đến muốn nổi một trận tanh bành, nhờ một bạn đầu tổ giữ hộ cặp cho mình rồi đi theo sau người giáo viên chủ nhiệm đó bước lên phòng giáo viên.
Ở bên trong văn phòng làm việc ngày hôm nay lại đông đúc tới lạ thường, ngoài hai người là cô và giáo viên chủ nhiệm mới tới ra thì còn có cả một gia đình ba người, thầy hiệu trưởng, thầy giám thị, một cậu bạn học sinh lớp khác và bố nuôi của cô đang chờ sẵn.
“Quau! Sao đông đúc thế?” Nhìn vào bên trong mà Nhiếp Mạch Khanh muốn thốt lên như vậy luôn.
Toàn những gương mặt cô biết tới, cũng toàn là những gương mặt khiến cho mắt cô cay rát mỗi khi nhìn phải.
Đặc biệt là thằng nam sinh đang ngồi ở bên cạnh bố mẹ mình kia. Nó tên là La Hổ, là học sinh giỏi nhất trường, mới đầu tuần đã bị cô đập đến te tua, hiện đang băng bó khắp người.
“Nhiếp Mạch Khanh. Em mau xin lỗi trò La Hổ mau lên!”
Nhiếp Mạch Khanh nhướng mày nhìn giáo viên chủ nhiệm lớp của mình.
“Tại sao em phải xin lỗi bạn ấy? Em có làm gì sai đâu?”
“Mày còn nói sao?! Mày đánh con tao đến bầm dập mặt mũi như thế này mà còn chối bỏ được hả?! Này, bạn học, có phải như vậy không?!”
Không cần giáo viên lên tiếng, mẹ của tên La Hổ đã hét lên trước rồi.
Vừa nói bà ta vừa quay phắt sang nhìn một cậu học sinh khác đang rúm ró đứng cạnh đó. Cậu ta nói là mình đã tận mắt nhìn thấy Nhiếp Mạch Khanh lôi cổ La Hổ ra đằng sau sân trường, vừa được nêu danh thì hớt hải vội gật gật đầu, sau đó run sợ mà không dám nhìn thẳng vào mắt của Nhiếp Mạch Khanh.
Cả căn phòng, cả chục ánh mắt đều nhìn chằm chằm vào cô, nhìn cô đến phát ngứa.
“Mọi người đều bảo là em đánh bạn ấy, nhưng có ai hỏi rằng kẻ nào mới là người gây chuyện trước không?” Ánh mắt của Nhiếp Mạch Khanh u ám đến lạnh tanh: “Em không phải là một người tự dưng lại đi đánh người khác đâu. Người nào đầu têu người đấy biết, nhể, bạn La Hổ?”
La Hổ cứ tưởng có nhiều người vây quanh bênh vực thì Nhiếp Mạch Khanh sẽ không dám manh động, nhưng cứ mỗi khi đối diện trước mặt cô là cậu ta lại cảm thấy ớn lạnh đến gai người, sợ sệt đến mức cả người run lẩy bẩy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.