Thiên Kiều

Chương 35: Vào đời (thượng)




Mệt nàng ấy còn nghĩ được cái này!
Trường Đình ngước mắt thấy bộ dạng Hồ Ngọc Nương cực kỳ đứng đắn nghiêm túc thì vừa tức giận vừa buồn cười. Hai đứa nhỏ, một đứa 12-13 tuổi còn một đứa 7-8 tuổi, vừa nhìn đã biết là tiểu cô nương nhà giàu thì làm gì có năng lực làm chuyện thiếu đạo đức khiến quan phủ phải truy nã chứ!
Trường Đình còn chưa mở miệng đã bị Hồ Ngọc Nương cầm lấy tay.
Sắc mặt Hồ Ngọc Nương trầm xuống, hàng mày anh khí và khuôn mặt cao gầy của nàng ấy hợp với giọng nói rõ ràng như chém đinh chặt sắt, “Không sợ! Hồ Ngọc Nương ta không tin quan phủ, cũng không tham lợi của quan phủ. Hôm qua ngươi bưng nước sôi liều mạng cứu ta, đó là nghĩa khí. Thế nên từ nay dù núi đao biển lửa ta cũng sẽ không từ, đừng nói là truy binh!”
Nàng ấy nói đầy chính nghĩa, mặt mũi lại nóng lòng muốn chứng mình. Vị tiểu cô nương này còn ngây thơ cho rằng đây là đang diễn vở Hiệp nữ phá thiên quan chắc.
Trường Đình cười cười, vừa rút chân từ đống tuyết ra vừa liên tục xua tay, “Không hung hiểm như vậy đây, chẳng qua trên tay ta và A Ninh không có thẻ bài và hộ tịch nên sợ không thể vào thành trấn và liên lụy ngươi. Nếu bên ngoài thành có thôn xóm, việc mua bán cung cấp nhu cầu cơ bản có thể đảm bảo thì cần gì phải phí sức lực vào thành làm gì?”
Chuyện này liên quan tới bí mật gia tộc và tranh đấu triều đình, Hồ Ngọc Nương biết càng nhiều thì càng khó sống. Vì thế Trường Đình chỉ giải thích hai ba câu mặt ngoài, Hồ Ngọc Nương nghĩ nghĩ một lát rồi cũng không theo đuổi nữa mà tiếp tục đi về phía trước.
Trên nền tuyết, nhờ có Hồ Ngọc Nương đi trước đạp phẳng tuyết lạnh nên chị em Trường Đình đi sau có thể bước theo dấu chân kia mà đi. Tới gần trưa ba tiểu cô nương mới nghỉ ngơi, ăn mấy khối bánh nướng, uống nước sau đó lại vội thu dọn hành trang bước đi. Bọn họ phải nhanh chóng ra khỏi rừng trước khi trời tối.
“Ban đêm có sói đó! Tụi nó ẩn sau gốc cây, đôi mắt màu xanh, miệng há ra thở toàn mùi tanh hôi!” Hồ Ngọc Nương cố ý xụ mặt dọa tiểu Trường Ninh.
Trường Ninh lại duỗi tay túm túm góc áo Trường Đình sau đó chớp chớp mắt, sửng sốt một lúc lâu mới hỏi, “Thịt sói ăn ngon không?”
….
Hồ Ngọc Nương lập tức ngây ra, lắp bắp mãi mới nói được, “… Ừ… Kỳ thật cũng được… Nghe thợ săn trong thôn nói vị hơi chua… Ta cũng chưa từng ăn.. ừ…”
Trường Ninh “Hừ hừ” hai tiếng tỏ vẻ đã hiểu.
“Hắc hắc!” Hồ Ngọc Nương bị chọc thì quê một cục, nàng ta làm bộ muốn gõ đầu tiểu Trường Ninh, ai ngờ chân lại vướng vào tuyết, cả người ngã vật ra.
Tiểu Trường Ninh còn chưa khỏi hẳn bệnh, con bé che miệng vừa cười vừa ho nhẹ. Trường Đình vội vàng hỗ trợ vuốt lưng, đồng thời cũng mỉm cười nhìn hai cái kẻ dở hơi này trêu đùa. Giống như Phật đã nói, giữa người với người cần có duyên phận. Duyên phận của nàng và Phù thị ở một khắc cuối cùng kia đã hết, với Lục Xước cũng thế. Hồ Ngọc Nương và chị em các nàng có duyên, a di đà phật, nàng hy vọng phần duyên phận này đừng chết non nửa đường. Dù sao gặp được người này là chuyện tốt nhất mà hai chị em các nàng đụng phải trong mấy ngày này.
Ngày gần tàn, sau khi bọn họ đi hết rừng cây, núi non trùng điệp cũng bị bỏ lại sau lưng thì ánh mắt Hồ Ngọc Nương cong lên, cười hì hì chỉ cho Trường Đình thấy, “Tới Chu thôn rồi, nhìn thấy đống nhà bằng đất kia không?”
Trường Đình dựa vào thân cây nhìn theo hướng đó chỉ thấy nơi ấy có ánh lửa, vắng vẻ không tiếng động. Ánh sáng xuyên qua đống phòng ở bằng cỏ tranh chiếu ra ngoài, nhạt như ánh trăng, lại giống lửa ma chơi. Từng căn phòng bằng đất dựa vào nhau, bên ngoài là tường bằng đất bùn màu vàng, một khi có tuyết sẽ có đống bùn vụn theo bông tuyết rơi ra.
Nơi này rất nghèo và rất hoang vu.
Đến nay Trường Đình mới hiểu được cảnh phồn hoa của Dịch thành dưới sự cai trị của Thạch Mãnh là khó có được.
“Ta không dám mang các ngươi đi Đông thôn, chỗ kia mọi người đều biết ta, nếu lại nhiều thêm hai người các ngươi thì không lừa gạt được.” Hồ Ngọc Nương khẽ thì thầm.
Trường Đình thực cảm kích mà cầm tay nàng ấy.
Từ núi rừng đi ra bọn họ phải vượt qua một con mương sâu, có lẽ được đào để phòng dã thú. Thôn dân ở đây trồng bụi gai và cây bụi cao nửa người xung quanh. Trường Đình che chở tiểu Trường Ninh mà đi, tay nàng bị bụi gai cào từng vệt máu. Hồ Ngọc Nương thấy vậy thì cũng không nói gì mà chỉ kéo Trường Ninh về phía mình, như vậy áp lực của Trường Đình lập tức giảm đi nhiều.
“Ở đây có trạm dịch không?”
Trường Đình vừa mở miệng đã hối hận đến mức muốn cắn đầu lưỡi của mình. Câu hỏi này sao mà ngu xuẩn như vậy!
Cái thôn này ở nơi thâm sơn cùng cốc, trời vừa tối đã không ai dám đi ra ngoài thì nói gì tới trạm dịch!
Hồ Ngọc Nương đang chăm chú đi đường nên không nghe rõ. Nàng ta xoay người “A” một tiếng, lại thấy Trường Đình nhanh chóng lắc đầu hỏi, “Chúng ta muốn ở nhờ nhà nông ư?”
Lúc này Hồ Ngọc Nương mới nghe rõ nên gật đầu nói, “Người dân ở đây đều chất phác, vụ cuối năm còn chưa thu hoạch nên có lẽ bọn họ sẽ không có lương thực dư thừa cho chúng ta, đây là chuyện bình thường. Nhưng hẳn bọn họ vẫn có thể cho chúng ta chút nước ấm và một mái nhà để nghỉ tạm.”
Kỳ thật trời còn chưa phải quá tối, phía tây là một mảnh hoàng hôn, chân trời vẫn có chút tia nắng ấm áp bao trùm vạn vật.
Nhưng lúc này mọi nhà trong thôn đã đóng kín cửa, không có ai đi lại, ngẫu nhiên chỉ có tiếng chó sủa càng khiến không khí thêm hiu quạnh.
Ở đầu thôn có treo hai ngọn đèn lồng rách tung tóe, một cái thì tắt, một cái có chút ánh sáng nhạt chiếu lên con đường lầy lội bên dưới. Tay Trường Ninh run lên, vội nhích lại gần chị gái, giọng nhẹ như không khí, ép cực thấp, “Trưởng tỷ… chỗ này có người ở sao…”
Bọn họ đã quen nhìn cảnh kinh đô phồn hoa rực rỡ, ngựa xe như nước nên đương nhiên sẽ thấy nơi này cực kỳ hoang tàn, vắng vẻ và cô quạnh.
Ánh đèn trong từng nhà rất tối, Hồ Ngọc Nương híp mắt nhìn chỉ thấy một căn nhà đóng chặt cửa nhưng giấy dán cửa vẫn còn lành lặn. Dưới mái hiên có một con chuồn chuồn bện bằng cỏ lau, từ trong phòng lộ ra chút ánh đèn.
Trường Đình cũng cảm thấy nhà này không tồi. Giấy dán song cửa tinh tế, chứng mình người trong nhà có thừa sức lực chăm sóc tới chi tiết vặt vãnh này. Hơn nữa nhà bọn họ to, thêm ba người các nàng ở cũng không thành vấn đề. Con chuồn chuồn bên bệ cửa còn mới, cái này là đồ chơi phổ biến của Đại Tấn dành cho trẻ con. Cái này chứng tỏ trong nhà có trẻ nhỏ, có phụ nhân, trong thời loạn thế này ít ra thì những đối tượng ấy không nguy hiểm bằng nam tử.
Hồ Ngọc Nương lập tức quyết đoán mang theo hai người đi về phía trước hai bước sau đó gõ cửa, dùng giọng ôn nhu nhất gọi: “Thẩm thẩm, thẩm thẩm, làm phiền ngài mở cửa thương xót cho chúng ta ở nhờ một đêm.”
Trường Đình cố trấn định đứng phía sau Hồ Ngọc Nương. Một lúc sau vẫn không thấy cửa mở nên nàng kia lại gõ gõ nói, “Chỉ có ta mang theo hai muội tử còn nhỏ tuổi. Nơi này trước không có thôn, sau không có tiệm, muốn tìm trạm dịch hay khách điếm đều không dễ. Chúng ta đành phải tới quấy rầy nhà thẩm.”
Trường Đình kinh ngạc nghĩ Hồ Ngọc Nương kỳ thật rất biết nói chuyện. Có tiền ở trạm dịch thì đương nhiên người nghe sẽ hiểu một khi đã cho bọn họ ở nhờ thì đương nhiên sẽ nhận được tiền.
Sau một lúc lâu cửa mới “Kẽo kẹt” một tiếng mở ra một khe hở. Một nam nhân thò đầu ra nhìn, thấy quả thực chỉ có ba vị cô nương thì trong lòng mới thả lòng nói, “Chúng ta không có lương nhưng nước ấm, giường đất đều có, còn củi…”
“Một bó củi hai đồng Ngũ Thù tiền, chúng ta sẽ mua, bá bá ngài nói xem giá này có thích hợp không?”
Nam nhân nghĩ nghĩ sau đó xoay đầu nhìn sắc mặt bà nương rồi quay lại vùi đầu mở cửa. Vừa mở ông ta vừa lải nhải, “Năm đồng một bó! Ngươi đi khắp nơi hỏi xem ta thu của các ngươi thế này có nhiều hay không… Ông trời không tốt khiến trời giá rét thế này, người từ trong núi đi lên phía bắc rất nhiều… Những người lúc trước ngủ lại nhà chúng ta còn phải trả tiền nước kìa…”
Nước này múc từ giếng và sông, là do ông trời làm mưa rơi xuống thế mà ngươi con mẹ nó còn xấu hổ thu tiền nước hả!?
Hồ Ngọc Nương rất muốn há mồm chửi ầm lên nhưng lại bị Trường Đình ở phía sau kéo một cái. Nàng ta lại ngẩng đầu nhìn tuyết trên mái hiên rồi nghĩ thôi đi, ăn nhờ ở đậu thì phải cúi đầu thôi.
Lúc tiến vào phòng quả nhiên bọn họ thấy một phụ nhân mặc áo nâu nhạt tầm 30 tuổi. Nàng ta kéo cạp váy thật cao, gấu váy toàn bụi và đất, trong lòng ôm một đứa nhỏ chừng 3-5 tuổi. Bên cạnh còn có một tiểu cô nương buộc bím tóc nhỏ, đang chảy nước miếng.
Nam nhân kia đứng bên người phụ nhân nọ.
Trường Đình không có thói quen đánh giá người khác nhưng nàng thực sự không thể nào rời mắt khỏi biểu tình rụt rè sợ hãi của nam nhân kia —— nàng chưa bao giờ thấy một nam tử thấp bé lại đáng khinh như thế.
“Nếu đã nói xong giá củi thì ta cũng nói luôn: đun một ấm nước bốn bó củi, đốt giường ấm một đêm là 10 bó củi, lại thêm tiền giường thì tổng cộng là 80 văn. Giường đất này còn mới, ba đứa nhóc bọn mày ngủ là đủ rồi!”
Phụ nhân kia đi thẳng vào vấn đề, sau đó nàng ta duỗi tay đưa đứa nhỏ cho nam nhân, mặt không biểu tình bước đến đẩy cửa căn phòng bên cạnh, chỉ thấy bên trong đen sì.
Hồ Ngọc Nương vói người qua thấy nàng kia đóng cửa lại, vươn tay nói, “Đưa tiền trước rồi mới được ở, đừng giở trò lừa đảo.”
Trăm văn tiền và một quan, một quan tiền có thể đủ cho cả nhà sống vài ngày. Trường Đình nghe mà mờ mịt, nhưng Hồ Ngọc Nương lại nghiến răng nghiến lợi vói tay vào tay áo. Con mẹ nó thế này có khác gì cướp không cơ chứ? Ở thời loạn thế này mà thừa nước đục thả câu, lương tâm đúng là bị chó ăn rồi, kiếp sau nhất định thành heo!
Tiền lúc này nặng trĩu, tổng cộng Hồ Ngọc Nương chỉ mang theo có hai quan tiền, còn lại là bạc vụn của Trường Đình. Lúc này mà lấy bạc ra thì quá lóa mắt, như thế chỉ chuốc phiền vào thân.
Hồ Ngọc Nương đào nửa ngày vẫn không móc được tiền khiến phụ nhân kia hơi không kiên nhẫn nhíu mày gào to, “Ngũ Thù tiền cũng được, da lông, thảo dược hay trang sức gì ta đều thu hết.”
Lại nhận tạp như vậy ư… Ngũ Thù tiền là tiền tệ thông dụng của Đại Tấn, da lông là thứ người Hồ thừa thãi nhưng ngay cả trang sức cũng lấy thì chính là ngươi có cái gì ta thu cái ấy… Nơi này hoang vu vắng lặng, hộ gia đình này lại có thể thuận buồm xuôi gió làm buôn bán chứng tỏ gần đây bọn họ cũng không thiếu khách.
Trường Đình hơi chút nhíu mày, nhân lúc Hồ Ngọc Nương lấy tiền nàng nhẹ giọng mở miệng nói, “Ta và tỷ muội đường xa tới đây, lúc trước chúng ta cũng chưa từng ở chỗ nào đắt như thế, đến trạm dịch ở Dịch thành cũng chỉ có 30 văn.”
Phụ nhân kia khinh miệt cười nói, “Dịch thành có người chạy nạn hả? Dịch thành sắp đánh giặc hả? Người Dịch thành đang ùn ùn kéo tới U Châu hả? Thế đạo này người là tiện, lương mới quý, tìm một chỗ để đặt chân càng quý hơn. Ta không không nhân lúc cháy nhà mà đi hôi của thì ta bị ngu à? Không biết gì thì đừng có mà nói loạn!”
Trường Đình cúi đầu, giấu đi kinh hoảng trên mặt.
Ký Châu đúng là chốn đào nguyên! Nàng không hề biết bên ngoài lại loạn thành thế này rồi!
Mọi người đều đang dời lên phía bắc!
Chiến loạn đúng là hủy diệt, thứ dân của Đại Tấn đều biết. Bọn họ còn chưa yên ổn được vài chục năm thì thời cuộc lại rung chuyển. Phiên vương đa phần đều ở phía nam, muốn đánh thì cũng là phía nam đánh nhau. Vì bảo mệnh và lẩn trốn binh dịch nên rất nhiều người đều trốn lên phía bắc!
Hồ Ngọc Nương bỏ tiền lên bàn, lúc ấy phụ nhân kia mới hừ một tiếng đẩy cửa sương phòng bên cạnh ra.
Nước phải tự đun vì thế Hồ Ngọc Nương để Trường Đình và tiểu Trường Ninh ngồi trước, mình thì vén tay áo đi nấu nước. Trường Đình ngồi xuống giường đất ấm áp thì thấy tay chân bắt đầu ngứa và nóng lên. Nàng vừa vươn tay đã thấy mấy đầu ngón tay mình bắt đầu sưng đỏ. Nàng cắn răng ấn lên tay thì đau đến “Tê” một tiếng, cũng khó có thể cuộn tay lại.
Đây là làm sao vậy!

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.