Thiên Kiều

Chương 4: Dịch thành (hạ)




Trường Ninh thấy chị gái cười thì cũng hinh hích che miệng cười, đôi mắt linh động quay tròn trong suốt như nước suối nguồn.
Trường Đình vội dời mắt, có chút không được tự nhiên. Nàng thật sự không quen thân cận với đứa em gái này. Lúc Lục Trường Ninh sinh ra nàng mới 5 tuổi, ngây thơ mờ mịt không hiểu gì. Chờ nàng lớn hơn một chút lại bị Phù thị làm phiền đến không được. Nàng hiểu được Lục Trường Ninh là bảy tấc của Phù thị nên không cần ai dạy cũng biết phải áp chế đứa em này cho chặt…
Bọn họ cách một tầng mẹ kế, cho dù có chung huyết mạch thì cũng khó mà thân thiết.
Trường Đình khó khăn rũ mắt xuống, lại lập tức đụng phải biểu tình ngửa đầu nhìn mình của Trường Ninh nên sợ tới mức nhanh chóng nghiêm trang lại. Trường Ninh thấy vậy thì ánh mắt sáng ngời, đang muốn mở miệng nói chuyện lại nghe thấy khoang trong có tiếng động truyền ra. Tiếp theo có một phụ nhân mặt tròn nửa cong người vén rèm mà đi tới. Bà ta không hề ngước mắt nhìn mà cung kính quay lại xốc rèm lên hơn phân nửa.
Trường Đình gỡ mũ xuống, đưa cho Bách Tước sau đó cong người đi vào khoang trong. Trường Ninh cũng theo sau.
Bên trong khoang nhỏ hẹp hòi, góc Đông Nam bày một cái bàn, Phù thị đang ngồi đó. Bà ta trẻ hơn Lục Xước gần 10 tuổi nên hiện giờ mới có 26. Người này mắt dài, vóc người tinh tế, khóe miệng có một cái nốt ruồi, không duyên cớ lại có chút quyến rũ. Nhưng vì phụ nhân của Lục gia thường ngày đề cao sự vững vàng, lịch sự và tao nhã nên bà ta chỉ chọn những màu như ráng hồng hoặc màu chàm. Cho dù ở trên xe xóc nảy nhưng trang sức của bà ta vẫn không nghiêng lệch. Hơn nữa dù mệt mỏi bà ta vẫn ngồi thẳng lưng, muốn dựa vào đó thể hiện uy nghiêm.
Quả là biết giả vờ…
Trường Đình chửi thầm. Đại phòng của Lục gia tổng cộng chỉ có ba vị nữ chủ tử, con gái tới vấn an mẹ cả thì bày ra tư thế trịnh trọng như thế làm gì?
Dù nghĩ thế nhưng nàng vẫn cung kính cong người vấn an bà ta, “Nữ nhi vấn an phu nhân, mong phu nhân an khang, trường thọ.”
Trường Ninh cũng đi theo nói một câu rồi ngồi xuống trước mặt Phù thị phồng má oán trách, “A Ninh không vui, đường đi quá xóc nảy nên con không nghỉ ngơi được gì. Con còn nghe thấy bên ngoài rất ồn ào.”
Phù thị nhìn Trường Đình sau đó chỉ chỉ đệm dựa và nói nhỏ, “Ngồi đi.” Nói xong bà ta duỗi tay ôm Trường Ninh, lại duỗi tay thăm độ ấm trên người cô nhóc rồi mới nhẹ giọng vội hỏi han, “Là vì sáng nay dậy sớm quá hay vì hôm qua ngủ không tốt? Cũng không sốt, thuốc con đã uống chưa? Nếu thuốc đắng quá thì ăn chút mứt hoa quả chứ đừng trộm đổ đi…”
Trường Ninh lắc đầu, không kiên nhẫn nói, “Có uống, con có uống! Trần Ẩu nấu canh trà gừng con cũng uống! Con chỉ lải nhải hai câu thế mà ngài lại hỏi loạn lên không yên!”
Nhắc tới Trần Ẩu, Phù thị lại nhìn Trường Đình sau đó nhẹ hé miệng, nửa ngày cũng không nói nên lời. Cuối cùng bà ta chỉ đơn giản giơ tay cho người mang đồ ăn lên.
Trường Đình hết sức chăm chú mà bưng chén trà lên uống từng ngụm nhỏ. Lá trà đắng chát ở trong miệng nàng từ nóng trở thành ấm rồi mới nuốt xuống. Nước trong chén lay động khiến khuôn mặt nàng soi trong đó cũng lay động theo.
Đây là lý do vì sao nàng không thích Phù thị và Lục Trường Ninh.
Trên đời này có ai không có mẹ đâu?
Ai cũng có mẹ mà!
Nàng cũng có!
Chẳng qua mẹ nàng mất sớm, nếu không bà cũng sẽ ôn nhu xoa đầu nàng, lại trách nàng không uống thuốc, lại duỗi tay sờ trán xem nàng có sốt không…
Nàng mới không thèm ghen tị.
Trường Đình hơi hít hít cái mũi sau đó lại bưng chén trà lên nhấp một ngụm.
Vì Trường Ninh chưa khỏi hẳn bệnh nên đồ ăn đưa lên chủ yếu ôn hòa lại bổ dưỡng, đa số là canh nước. Thế gia dùng bữa luôn chú ý không nói chuyện, Trường Ninh không có răng cửa nên lúc ăn canh đều sì sụp. Tiếng động này không lớn nhưng Trường Đình lại không thể nhịn được ngẩng đầu nhìn. Phù thị mắt sắc lập tức nhận ra sau đó nghiêng người nhẹ giọng nói với Trịnh Ẩu. Không tới một lát thì bát canh trước mặt Trường Ninh đã được đổi thành canh bát bảo.
Cũng đúng, dùng muỗng ăn canh thì sẽ không vang lên tiếng động.
Trường Đình trầm mặc, trong lòng thở dài một tiếng. Nếu mẹ nàng còn ở trên đời cũng sẽ nhạy bén giúp nàng che trở tôn nghiêm mặt mũi thế này đúng không?
Cơm trưa kết thúc nhanh chóng, bên ngoài có người thổi sừng trâu nên Trường Đình và Trường Ninh cũng khom người từ biệt và lần lượt rời khỏi xe của Phù thị.
Hai tiểu cô nương xuống xe rồi Phù thị lập tức đỏ mắt, khóc lóc kể lể với Trịnh Ẩu ở bên cạnh, “Lục Trường Đình coi thường ta, hiện giờ đến A Ninh cũng bị nàng ta coi thường! Tự khi ta gả vào, bất kể là ăn cơm, thậm chí lời nói và hành tung đều bị nàng ta coi thường. Không đúng, là toàn bộ Lục gia đều coi thường chúng ta, coi thường Phù gia. Đám thế gia đại tộc này quen bày ra mặt mũi, tuy vẫn gọi ta là phu nhân nhưng ai cũng nói này nọ sau lưng, nói Phù gia chúng ta sắp vong! Nếu lão gia không rời khỏi Kiến Khang thì đám sĩ tộc kinh đô vốn coi Lục gia làm đầu nào dám hành động thiếu suy nghĩ!? Ta cùng lão gia là phu thê đã 10 năm nhưng ông ấy chưa bao giờ nghĩ tới tình cảnh của ta khó khăn thế nào!”
Phù thị khó cũng làm sao bằng Chân Định đại trưởng công chúa lúc trước một mình gả tới Lục gia?
Trịnh Ẩu vỗ nhẹ mu bàn tay bà ta, mấy ngày nay lên đường khiến ai cũng mệt mỏi. Sợ hãi trong lòng sắp đè sụp vị phu nhân chỉ biết vâng dạ này rồi.
Xe ngựa lúc này bắt đầu khởi hành về phía trước. Bánh xe nghiến trên lá khô, có tiếng vang nhỏ vụn che giấu nên Phù thị rốt cuộc cũng dám khóc thành tiếng. Bà ta nắm ống tay áo của Trịnh Ẩu sau đó vừa kéo vừa nhỏ giọng hỏi, “Nếu thiên hạ của Phù gia không còn nữa thì ta và A Ninh có còn sống được tiếp không?”
Câu hỏi này làm sao Trịnh Ẩu dám đáp một cách dễ dàng. Nếu giang sơn của Phù gia không còn thì Phù thị chẳng là gì nữa. Nhưng Lục gia Bình thành lại vẫn vững vàng vênh mặt hất hàm sai khiến đám sĩ tộc…
“Hẳn là không có gì.” Trịnh Ẩu nghĩ nghĩ rồi đáp, “Qua cầu rút ván là việc Lục gia sẽ không làm, cũng không có mặt mũi làm… Dù không có tác dụng thì ngài vẫn có đại trưởng công chúa chống lưng đấy thôi.”
Phù thị nghe vậy thì biểu tình cũng buông lỏng, sắc mặt hòa hoãn hơn. Bà ta muốn oán trách Lục Xước không chống lưng cho Phù gia, để nhà bọn họ hai mặt thọ địch. Bà ta cũng muốn oán trách Chân Định đại trưởng công chúa. Mấy cô công chúa con vợ cả không trèo được vào Lục gia, cố tình bà ấy lại liếc mắt để ý tới mình… Nếu lúc ấy Phù thị gả cho một vị triều thần bình thường thì có lẽ ngày tháng đã không khổ sở thế này!
“Trịnh Ẩu, ngươi nói xem Phù gia đến tột cùng kém Lục gia ở đâu?”
Thần sắc trên mặt Phù thị mê mang nghĩ giang sơn này là Phù gia đánh được, nhà bọn họ cũng ngồi lên hoàng vị. Quân thần có khác, từ cổ tới giờ đều thế, nhưng vì sao tới Đại Tấn thì cố tình mọi thứ lại thay đổi chứ? Vì sao lúc này hoàng thất còn phải nhìn sắc mặt đám huân quý vậy?
Trịnh Ẩu nhẹ nhàng rút tay bà ta ra, thở dài một hơi rồi nhẹ giọng nói, “Phu nhân, ít nhất sĩ tộc vẫn có xuất thân nổi danh, cũng sẽ không toàn tâm cậy nhờ nô bộc.”
Những sợ hãi của Phù thị đương nhiên Trường Đình không biết được. Lúc này đường núi quả nhiên uốn lượn gập ghềnh như Lục Trường Anh nói. Đoàn xe quá dài, đến trước khi trời tối bọn họ căn bản không thể đến được Dịch thành. Trần Ẩu trở về sau giờ ngọ, bà ta là người kinh nghiệm phong phú nên sau khi vén mành xe nhìn ra ngoài đã nhận định, “Mặt trời đã xuống núi nhưng tốc độ của đoàn xe vẫn không chậm lại chứng tỏ lão gia không tính nghỉ ngơi ở trong núi.”
“Không nghỉ ở trên núi tức là phải di chuyển cả đêm ư?”
Trường Đình đau lòng cho cha và anh nên chuẩn bị trà nóng và điểm tâm đặt trong hộp rồi bảo Bách Tước đưa tới đằng trước. Bách Tước lập tức vâng lệnh, còn Trường Đình thì duỗi tay đẩy màn xe nhìn ra ngoài. Ngoài kia là một mảnh đen tối, bóng cây lay động, cành cây bị gió thổi tứ phía. Đoàn người phía trước cầm đuốc chiếu sáng rực rỡ lấp lánh.
Trường Đình thò đầu ra, muốn nhân lúc có ánh đuốc nhìn xem cha và anh mình ở chỗ nào. Ánh mắt nàng di chuyển lại thấy ở phía xa có từng ánh lửa lập lòe luân phiên thong thả tiến đến gần.
Nếu thứ dân không có can đảm đi con đường này thì đây là ai!?
Tay Trường Đình run lên, mắt định thần nhìn chăm chú về phía đó. Lúc nàng còn chưa phản ứng đã nghe thấy phía trước vang lên tiếng sừng trâu trầm thấp, ngay sau đó là giọng nam tử hô to tiếng cảnh giác: “Có địch! Có địch đánh tới! Bày nỏ, lắp tên!”

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.