Thiên Phật Quyển

Chương 28: Chân tướng huyết án




Lại nói Triển Bạch cõng Thần La vào thạch động, lão bắt đầu kể về những hành tích nghĩa hiệp lẫy lừng của Triển Vân Thiên, người cha quá cố của chàng.
Triển Vân Thiên đúng là một kỳ hiệp trong giang hồ, không những võ công cao cường mà người lại quang minh lỗi lạc. Với thanh Vô Tình bích kiếm trong tay hành hiệp trượng nghĩa.
Chàng là người công chính vô tư nên hiệp danh lừng lẫy trên giang hồ. Hắc bạch lưỡng đạo đồng kính phục. Nhưng cũng vì đạo nghĩa giang hồ chàng cứu trợ nhiều người mà cũng đắc tội với không ít người.
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là chàng lại không chết vì tay kẻ thù mà lại chết vì tay của mấy huynh đệ kết nghĩa.
Tích Lịch Kiếm Triển Vân Thiên cùng với Trích Tinh Thủ Mộ Dung Hàm, Càn Khôn Chưởng Vân Tống Long, Thanh Phù Thần Kim Cửu, Hỗn Nguyên Chỉ Tư Không Tấn, Bá Vương Tiên Phàm Phi và Ngân Phiếu Tử Liễu Sùng Hậu kết nghĩa kim lan, bảy người hợp xưng Giang Nam thất hiệp, tôn Triển Vân Thiên đứng đầu.
Triển Vân Thiên hiệp nghĩa can trường, hành sự chỉ coi một chữ nghĩa còn thì không kể bất kỳ việc gì khác.
Trong khi đó sáu người còn lại ai cũng có phần ích kỷ, thường theo Triển Vân Thiên vào sinh ra tử nhưng cuối cùng chỉ đạt được chút hư danh mà không được lợi lộc gì nên trong lòng đã ngầm bất mãn, lại thêm Triển Vân Thiên nghệ cao khí ngạo, khó tránh khỏi hành sự độc đoán, việc gì cũng hỏi có hợp với đạo nghĩa không, chứ không cần để ý đến suy nghĩ của các minh đệ.
Dần dà sáu người kia càng lúc càng bất phục, nhưng vì Triển Vân Thiên võ công cao cường, hành sự lại quang minh lỗi lạc nên họ không có cớ để ra mặt chống đối, lại thêm thanh danh của Thất hiệp quá lớn nên không thể tự phá vỡ danh dự của mình, vì vậy sự bất mãn ngấm ngầm tích tụ dần.
Một lần do vô tình Mộ Dung Hàm phát hiện một tài liệu ghi chép rằng dưới đáy Động Đình hồ có tàng chứa một kho báu vô giá. Nghĩ mình hành tẩu giang hồ bao năm nay vẫn hai bàn tay trắng, nếu vớt được kho báu này thì nửa đời người còn lại không lo đến việc ẩm thực nữa, lại không cần phải xông pha dưới sự hung hiểm của giang hồ nữa.
Nhưng tin này không biết vì sao đã truyền ra giang hồ, chờ khi Mộ Dung Hàm đến Động Đình hồ thì đã có không ít nhân vật giang hồ đến đóng quân bên bờ Động Đình hồ để chờ vớt của. Lúc này Mộ Dung Hàm mới hay giang hồ đồn đãi kho báu dưới Động Đình hồ ngoài trân châu ngọc ngà ra còn có một quyển Võ học chân kinh, một viên Tỵ Thủy, Hỏa Châu, và ba viên “Đại La kim đan”. Ba món này vốn là võ lâm chí bảo, nên ai ai cũng động lòng tham.
Nghe tin này Mộ Dung Hàm vừa mừng vừa sợ, mừng vì bản đồ kho báu hiện ở trong tay mình, sợ vì tin đã lộ ra ngoài, các nhân vật giang hồ đã kéo đến quá đông, với sức một người chẳng thể nào bảo vệ được kho báu một khi đã vớt lên. Và một điều nữa bản thân Mộ Dung Hàm lại thông thủy tính nên có bản đồ cũng bằng vô dụng.
Thế chẳng đặng đừng Mộ Dung Hàm đem việc ra bàn với Lục hiệp, đương nhiên y phải nói rằng vô tình tìm được bí đồ và không muốn giành hết kho báu nên định chia đều cho bảy huynh đệ đồng hưởng.
Không ngờ Triển Vân Thiên lại chủ trương khi lấy kho báu lên rồi sẽ dùng nó để cứu đói ở hai tỉnh Hồ, Quảng. Bởi liên tiếp hai năm vùng này bị hạn hán mất mùa, mà gạo cứu tế của quan phủ như mưa trên đất hạn khiến dân tình muôn phần khổ sở.
Mộ Dung Hàm nghe nói vậy nhiệt tính đã nguội quá nửa. Giấc mộng giàu sang phút chốt đã trở thành ảo ảnh. Nhưng vẫn còn chút hy vọng vì nghe đâu còn ba món giang hồ chí bảo.
Nhưng năm người còn lại thì cho rằng nội việc xuống hồ vớt bảo vật đã không ít hung hiểm, vớt được bảo vật lên bảo vệ nó trước bao nhiêu giang hồ hảo hán cũng không phải chuyện đơn giản. Bảy người đã không sợ sống chết để vớt bao vật lên mà cuối cùng thì chẳng được hưởng lợi gì, nên ai ai cũng khuyên Triển Vân Thiên từ bỏ ý định đó.
Ngược lại Triển Vân Thiên cho rằng đó là nghĩa cử rất đáng làm. Còn định vớt báu vật xong thì tuyên bố tặng ba món võ lâm chí bảo cho võ lâm đồng đạo, để đổi lại họ không tranh giành số châu báu kia, để tiện việc cho Thất hiệp đi phát chẩn.
Mộ Dung Hàm nghe đề nghị như vậy càng không cam tâm, đành theo năm người kia đề nghị đừng đi vớt kho báu.
Do Triển Vân Thiên đứng đầu Thất hiệp, mà tính chàng đã nói một thì không ai được phép nói hai. Lục hiệp không một ai dám phản kháng nữa. Bảy người tới Động Đình hồ quả nhiên khi nghe tuyên bố thì quần hào lập tức ủng hộ. Cả các đại môn phái cũng cho người tới hỗ trợ Giang Nam thất hiệp vớt kho báu cũng như đi phát chẩn cứu tế. Lại còn ước hẹn sẽ gặp nhau trên đỉnh Hoa Sơn để tỷ võ, dùng võ công để quyết định ai sẽ được ba món võ lâm chi bảo kia, kể cả Giang Nam thất hiệp.
Trước nhiệt tình của giang hồ đồng đạo như vậy, với danh nghĩa Giang Nam thất hiệp. Sáu người kia không thể không hăng hái tham gia vớt kho báu.
Trong Thất hiêp có Liễu Sùng Hậu là người tinh thông thủy tính, và dù chuẩn bị rất kỹ càng, nhưng khi xuống đáy hồ một ngày một đêm, lúc trở lên vẫn không đạt được kết quả nào lại bị nội thương rất nặng.
Sau đó rất nhiều cao thủ được coi là thủy công phu cao cường nhất cũng thử xuống đáy hồ, nhưng tất cả đều thúc thủ. Nhiều kẻ còn không biết tự lượng sức mình đã chết uổng mạng.
Dần dà mọi người nhận ra việc vớt kho báu là vô vọng nên bỏ đi. Cả Giang Nam thất hiệp cũng từ bỏ ý định trục vớt bảo vật.
Qua vài năm sau, việc dưới Động Đình hồ có bảo tàng không còn ai nhắc tới nữa và hầu như đã bị lãng quên. Nhưng Triển Vân Thiên lại bắt được tin Thần Hầu Thiết Lăng ở Lê Công sơn có một viên Tị Thủy thần châu. Cầm Thần châu này có thể rẽ nước xuống biển mà áo quần không ướt. Tin này làm sống dậy ý muốn trục vớt kho tàng của chàng. Thế là không quản ngại đường xa chàng đi Miêu Cương mượn Thần châu. Ở Lê Cống sơn chàng khổ chiến với Thần Hầu Thiết Lăng ba ngày ba đêm, cuối cùng thắng được một chiêu và mượn được Thần châu. Trở về Giang Nam lập tức cùng sáu vị minh đệ đi vớt kho tàng.
Không ngờ Triển Vân Thiên vì việc này mà bị sáu minh đệ giết hại.
Vì việc vớt kho tàng lần này được tiến hành rất bí mật và cũng bởi việc dưới đáy Động Đinh hồ có bảo tàng đã rơi vào quên lãng nên việc Triển Vân Thiên bị giết hại không một ai nghi ngờ là có liên quan đến bảo tàng.
Bằng vào số châu báu lấy được đó Mộ Dung Hàm, Vân Tống Long, Kim Cửu, Tư Không Tấn đã mua chuộc giang hồ hào khách, củng cố bá nghiệp thành Võ lâm Tứ đại hào môn. Riêng Phàm thị tuy không thích phô trương thanh thế nên trên giang hồ thịnh danh không bằng Tứ đại hào môn kỳ thực thế lực cũng không nhỏ. Duy chỉ Liễu Sùng Hậu lưu vong ra Nam Hải, không biết sống chết lẽ nào và cũng không biết nguyên do vì sao, có lẽ sau khi giết chết minh huynh Triển Vân Thiên nên lòng y hối hận mà ẩn thân nơi Nam Hải chăng?
Chân tướng sự việc rất ít người biết rõ, chỉ biết Triển Vân Thiên bị địch nhân ám toán thảm tử bên bờ Động Đình hồ mà thôi. Cả những cố giao của chàng như Lôi Chấn Viễn, Thái Bạch Song Dật, Vô Ảnh Thần Thâu Hoa Thanh Tuyền... sau nhiều năm dò xét vẫn không tìm ra manh mối.
Kể xong Thần La Thiết Đảm kết luận :
- Việc này chỉ có một mình lão phu sau nhiều năm âm thầm dò xét cũng chỉ biết được ít nhiều. Nếu không phải đêm nay vô tình biết được việc phụ thân ngươi mượn Tị thủy thần châu của Thần Hầu thì ta cũng không đoán ra việc phụ thân ngươi bị sát hại lại có liên quan trực tiếp đến việc lấy bảo vật dưới Động Đình hồ.
Triển Bạch ngồỉ nghe Thần La Thiết Đảm thuật chuyện, song mục mở lớn ráo hoảnh, nhưng lại ngời lên những tia sát khí.
Thần La Thiết Đảm lại thở dài :
- Đáng tiếc là lão phu vì một phút ngông cuồng đã đấu với Thần Hầu đến lưỡng bại câu thương nên không còn sức để giúp ngươi báo cừu. Hơn nữa ta cũng không còn sống lâu để truyền thụ hết võ công cho ngươi, vậy ngươi cố gắng trong khoảng thời gian ngắn ngủi này học được bấy nhiêu hay bấy nhiêu.
Tiếp đó Thần La Thiết Đảm bắt đầu truyền thụ khẩu quyết, các chiêu thức cùng các kinh nghiệm lâm địch.
May nhờ Triển Bạch đã có được căn bản nội công rất tốt, nên võ học của Thần La tuy vô cùng tinh thâm nhưng chàng lãnh hội không mấy khó khăn. Điều này khiến Thần La vô cùng phấn khởi, không kể thương thế ngặt nghèo, ngày đêm đem hết những võ công lão nghiên cứu cả đời truyền hết cho Triển Bạch.
Đáng tiếc là thời gian quá hạn hẹp, ba tháng thấm thoát trôi qua. kỳ hạn với Thần Hầu đã đến, nhưng vì nội thương quá nặng, lại làm việc ngày đêm nên đến ngày thứ chín mươi thì thân thể Thần La đã không còn chịu đựng được nữa, mạng sống lão như ngọn đèn cạn dầu, chỉ chờ một cơn gió nhẹ là phụt tắt.
Triển Bạch say mê học võ công nhưng trước nay không gặp minh sư giờ được gặp võ lâm quái kiệt, truyền dạy từng lời từng chữ chứa đựng huyền cơ, nên thần trí chàng để hết vào việc luyện tập, mà không để ý đến sức lực của Thần La sắp kiệt đến nơi.
Ngày hôm nay Thần La chờ Triển Bạch luyện lại một lượt các võ công vừa lĩnh hội xong, mới gọi chàng lại cất giọng yếu ớt :
- Võ công ta truyền cho ngươi đến đây coi như hết, may mà ngươi mang trong mình Tỏa Cốt Tỏa Hồn Thiên Phật quyển, trong đó hàm chứa một võ công Phật học cực kỳ cao thâm, cứ kiên trì nghiên cứu dần, võ công của ngươi sẽ không ngừng tăng tiến...
Dừng lại thở dốc một lúc lão lại mở mắt ra tiếp :
- Duyên của chúng ta đến đây là hết, thôi ngươi đi đi!.
Triển Bạch giờ mới nhận ra thần thái của Thần La, thất kinh kêu lên :
- Sư phụ! Người...
Thần La giơ tay ngăn lại :
- Đừng lo cho ta! Báo phụ cừu, phải hành động cẩn thận! Luyện tập võ công không được gián đoạn! Cố gắng giao kết với anh hùng võ lâm, chờ thời cơ tới sẽ đem việc phụ thân ngươi bị sát hại công bố ra giang hồ. Còn việc...
Vừa nói tới đó chợt nghe bên ngoài có tiếng người ồn ào, tiếp theo là một giọng nói oang oang :
- Ở đây rồi? Cửa động này thấy có dấu vết người đi ra đi vào!
- Vào bên trong lục tìm đi!
- Vào đi?
Tiếp theo là tiếng bước chân rộn rịp xông vào động.
Triển Bạch thấy mạng Thần La sắp nguy cập chắc không thể chịu được sự quấy nhiễu nên vội bước ra mấy bước quát :
- Kẻ nào ở bên ngoài? Không được tự tiện xông vào!
Không ngờ chàng vừa lên tiếng đã nghe có tiếng quát :
- Phóng!
Theo đó vô số điểm sáng xé gió bay vào.
Triển Bạch thấy đối phương không cần hỏi trắng đen đã đột ngột phóng ám khi, lòng tức giận tột cùng giơ tay phát ra một chưởng. Một luồng ám kình nổi lên cuốn ám khí bay tứ tán, có mấy mũi ngân tiêu cắm phập vào vách đá. Công lực của chàng lại tiến vào một cảnh giới mới. Có mấy tiếng rú thảm, ba tên đại hán bị trúng chưởng phong văng tuốt ra xa.
Triển Bạch theo sau kình phong phóng mình ra ngoài, hữu chưởng đặt trước ngực thủ thế, quét mắt nhìn một vòng, bên ngoài có tới mấy chục người, đứng hàng đầu là một đôi nam nữ thần thái quý phái, chính là Kim thị huynh muội, Tường Lân công tử và Kim Thái Phụng, sau lưng hai người là Kim phủ Song Thiết Vệ, Thiết Bối Đà Long Công Tôn Sở và Thiết Dực Phi Bằng Ba Thiên Hách cùng mấy chục giang hồ hào khách.
Mọi người thấy ba đại hán vào động lục soát bất ngờ bị bật ra ngoài tiếp theo là sự xuất hiện của Triển Bạch, ai ai cũng cảm thấy ngạc nhiên không hiểu sao Triển Bạch lại ở nơi này và ba tên đại hán kia bị ai đánh bật ra. Bởi họ không thể nào ngờ được sau ba tháng cách biệt công lực của chàng lại có thể tiến bộ đến mức đó!
Tường Lân công tử sau một thoáng ngỡ ngàng liền trấn tĩnh bước lên nói :
- Thì ra là Triển huynh ở trong động! Không biết bên trong còn vị võ lâm cao nhân nào xin cho diện kiến!
Triển Bạch khi nhìn thấy Tường Lân công tử cũng không khỏi ngạc nhiên. Chàng không sao ngờ nổi kẻ không tôn trọng quy củ trong giang hồ dùng ám khí ám toán người lại là thuộc hạ của Kim phủ. Nghe hỏi liền cười lạnh đáp :
- Người ở trong động không muốn gặp kẻ không hiểu biết chút gì đến quy củ giang hồ, công tử có gì chỉ giáo Triển mỗ xin nhận lãnh!
Ngữ âm lạnh lùng, ngữ ý khiêu khích, tỏ ra không cần giữ lễ trước một nhân vật danh chấn võ lâm là Tường Lân công tử.
Kim Thái Phụng thấy Triển Bạch xuất hiện, lòng không khỏi hồi hộp, nhưng nàng chưa kịp lên tiếng thì Tường Lân đã cười khổ nói :
- Triển huynh chỉ hiểu lầm, Tường Lân thật tình không biết Triển huynh ẩn thân trong động, vả lại...
Triển Bạch cười lạnh ngắt lời :
- Nói vậy, nếu là người khác ở trong động thì quý thuộc có thể tự tiện thi triển ám khí giết người sao? Vậy là Triển mỗ phải cảm kích thịnh tình của công tử rồi?
Kim Thái Phụng chen lời :
- Triển thiếu hiệp đừng hiểu lầm. Kim phủ bị mất mấy vật quan trọng, đã có hai tốp người đi truy tầm bị ám hại trong Thập nhị động bởi vậy...
Ba Thiên Hách tính tình quái dị, thấy Kim thị huynh muội lại cứ nhân nhượng với đối phương, trong khi đó đối phương lại có thái độ bất kính, lão nổi giận quát :
- Tiểu tử cả gan! Dám chống đối với Kim phủ, nếu còn không chịu nói người trong động là ai thì đừng trách nhị gia không khách sáo!
Triển Bạch lạnh lùng :
- Không khách sáo thì ngươi làm gì?
- Thì lấy mạng tiểu tử ngươi!
Dứt lời, thân hình lão như con ưng khổng lồ từ trên cao vươn vào chộp xuống mặt Triển Bạch. Thân pháp nhanh nhẹn tuyệt luân, chiêu thức quái đản, nội công hùng hậu, trảo chưa tới mà chỉ phong đã lạnh toát áp tới như muốn xẻ thịt cắt da.
Triển Bạch giờ đã không còn như lúc trước nữa, chiêu thức ngụy dị chàng đã học qua không ít, lại có thể vận dụng tùy ý, cộng chêm nội lực hùng hậu nào ngán sợ Ba Thiên Hách!
Thấy trảo đối phương chộp tới, chỉ hơi nhích động đôi vai tránh được chỉ phong của đối phương đồng thời giơ tay chộp một cái về phía vai của Ba Thiên Hách.
Một chiêu xuất thủ xem ra rất bình thường của Triển Bạch lại có thể vừa tránh chiêu vừa phản công khiến Ba Thiên Hách không khỏi kinh hãi thêm, lập tức biến chiêu tả thủ vươn chỉ điểm vào Tuyền Cơ huyệt bên dưới yết hầu, hữu chưởng như đao chém mạnh vào vai trái Triển Bạch.
Triển Bạch thấy đối phương biến chiêu thần tốc trong lòng cũng không khỏi kinh hãi, may mà chàng đã được luyện công với Thần La ba tháng nay bằng không với hai chiêu liên hoàn này chàng khó mà giữ toàn mạng. Chỉ thấy chàng hơi đảo người một cái, song phương đồng thi triển một chiêu “Bổ Phong Tróc Anh” vẫn dĩ công vi thủ chứ không chịu thối lui.
Song phương dĩ chiêu chiết chiêu, xuất thủ nhanh như điện khiến các cao thủ Kim phủ không khỏi rối mắt. Đặc biệt là võ công của Ba Thiên Hách vốn được các cao thủ trong Kim phủ đồng kính ngưỡng không ngờ chỉ bình thủ với Triển Bạch, thật nếu không tận mắt chứng kiến thì quyết không thể tin được!
Thiết Dực Phi Bằng Ba Thiên Hách thành danh trong giang hồ mấy mươi năm, có thể nói chưa từng gặp địch thủ, vậy mà liên tục thi triển sát chiêu vẫn chưa hạ được tên tiểu tử Triển Bạch. Lòng vừa thẹn vừa giận, xuất chiêu càng lúc càng độc, chỉ mong đè nát đối phương mới hả dạ.
Hai bóng người đi chuyển càng lúc càng nhanh, xoắn vào nhau hầu như không còn phân biệt ai là ai nữa.
Bỗng chưởng kình chạm nhau “Bình! Bình!” hai tiếng, hai bóng người tách ra rơi xuống cách nhau hai trượng.
Thiết Dực Phi Bằng mặt xanh xám, hai mắt trợn trừng trừng như muốn lọt ra ngoài. Triển Bạch mặt đầy sát khí, song mục lóe ra thần quang như hai ngọn lửa.
Tường Lân công tử vốn rất yêu thích những người trẻ tuổi tài cao, thấy Triển Bạch còn nhỏ tuổi như vậy lại có thể đấu bình thản với một trong Song Thiết Vệ thì trong lòng càng mến. Vừa mở miệng gọi hai người đừng đấu nữa thì song phương đã quát lên một tiếng xông vào nhau...
“Bùng! Bùng! Bùng!”
Cả hai dùng nội lực đối nhau ba chưởng, xong lại phân ra, vẫn bình thủ!
Công Tôn Sở cười lớn nói :
- Ha ha ha! Tiểu huynh đệ khá lắm! Không ngờ lại có thể đấu ngang ngửa với Ba lão nhị!
Lời nói của Công Tôn Sở càng làm Ba Thiên Hách nộ khí xông thiên, lão quát lên một tiếng như sấm động, vận đủ mười thành công lực vào song chưởng nhắm Triển Bạch đẩy tới, chưởng phong to như núi âm ầm nhằm ngực Triển Bạch cuốn tới.
Triển Bạch nghiến răng vận đủ kình khí hộ thân, song chưởng đẩy ra nghênh chiến!
“Ầm” một tiếng nổ như trời sập, kình phong nổi dậy tứ bề, trong cát bụi lại thấy hai bóng người xông vào nhau. Đặc biệt là Ba Thiên Hách nhờ vào “Thiết dực thần y” có thể nương vào gió để bay lượn như diều, trông rất ngoạn mục.
Lại một tiếng nổ kinh thiên động địa, các cao thủ Kim phủ bị dư kình bức thối lui ba, bốn bước.
Thiết Dực Phi Bằng dang đôi cánh tà tà đáp xuống giương mắt chờ nhìn thấy Triển Bạch ngã xuống. Bởi. với một chưởng vừa rồi lão đã vận hết sức bình sinh và lão tự tin trên giang hồ không mấy người có thể đỡ nổi.
Nào ngờ Triển Bạch vẫn ngang nhiên đứng đó, dáng như thiên thần, song mục thần quang ngời ngời chẳng có dấu hiệu gì là bị nội thương.
Thần thái của Triển Bạch khiến không những Ba Thiên Hác là người trực tiếp lâm chiến mà cả Công Tôn Sở và Kim thị huynh muội cũng kinh hãi thất thần. Luận về công lực Ba Thiên Hách và Công Tôn Sở ngang ngửa nhau, với một chưởng vừa rồi không ai là không nhận ra Ba Thiên Hách đã dùng toàn lực lại từ trên cao đánh xuống đã là chiếm vài phần lợi thế. Vậy mà Triển Bạch vẫn bình thản tiếp được Bỗng nghe Triển Bạch quát lớn :
- Ngươi cũng tiếp thiếu gia một chưởng!
Dứt lời vai hơi trầm xuống, song thủ khoa lên một vòng từ từ đẩy ra, đây chính là chiêu “Tây Thiên Lôi Âm” trong pho Lôi Âm Phật chưởng của Thần La Thiết Đảm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.