Thịnh Thế Kiều Y

Chương 176: Danh nghĩa phế thái tử phi




DANH NGHĨA PHẾ THÁI TỬ PHI
Tiếng trống canh vang lên bốn lần.
Bảo Khánh đế chỉ mặc áo đơn, ngồi trước gương đồng, cung nữ trẻ tuổi đứng sau lưng, hầu hạ cởi mũ miện xuống.
Lý công công vội vã bước đến.
"Hoàng thượng."
Bảo Khánh đế liếc nhìn ông ta: "Chuyện gì?"
Lý công công liếc nhìn cung nữ, cung nữ khom người lui xuống. Ông ta khom lưng thật thấp, khàn giọng nói: "Bẩm Hoàng thượng, Lục thị đã chết vì bệnh rồi."
"Lục thị? Lục thị nào?" Ánh mắt Bảo Khánh đế hơi mê man.
Lý công công đáp: "Phế Thái tử phi Lục thị."
Bàn tay đang lần đạo châu lập tức ngừng lại, sắc mặt Bảo Khánh đế hơi khó coi, ông ta nhìn mặt đất thật lâu, người ngây ra như tượng, không hề nhúc nhích.
Lý công công gắng ngượng nói tiếp: "Hoàng thượng, bên kia phái người tới hỏi, dùng lễ gì để an táng?"
Một nụ cười lạnh lẽo xuất hiện trên khuôn mặt Bảo Khánh đế, ông ta nhìn về phía cửa sổ, Lý công công đưa tay đỡ đi đến bên cửa sổ.
"Mở ra."
"Vâng, Hoàng thượng." Lý công công nghe lệnh mở cửa sổ ra.
Bên ngoài không biết đã mưa phùn từ bao giờ, cơn gió mang theo hơi lạnh. Bảo Khánh đế vuốt phần tóc bạc nơi Thái dương, hồi lâu mới nói: "Lấy lễ của Thái tử phi, bí mật chôn cất ở núi Hoàng Hoa."
Lý công công cảm thấy tim mình đập rộn lên, máu nóng chảy ngược, vội cúi đầu đáp: "Vâng, Hoàng thượng."

"Lấy lễ của Thái tử phi, bí mật chôn cất ở núi Hoàng Hoa." Triệu Cảnh Diễm lẩm bẩm những lời này rất nhiều lần, trên mặt không hiện ra bất cứ cảm xúc gì.
Mưu sĩ Lý Trác suy nghĩ rồi nói: "Vương gia, lời này có hàm ý sâu xa đấy."
Đồng tử Triệu Cảnh Diễm co lại, hắn chắp tay sau lưng xoay người bảo: "Nói ta nghe xem."
"Thái tử đã bị phế từ sáu năm trước, nếu Thái tử đã không tồn tại, đương nhiên cũng không có Thái tử phi. Thế nhưng Hoàng đế lại lấy lễ của Thái tử phi để an táng, quả nhiên khiến người ta không thể tưởng tượng nổi."
Triệu Cảnh Diễm nói tiếp, "Ngươi nói rất đúng. Núi Hoàng Hoa cũng không phải lăng tẩm của hoàng thất, người chôn cất ở nơi đó hơn phân nửa là tôn thất phạm tội. Lấy lễ Thái tử phi, chôn ở núi Hoàng Hoa... Đây rốt cuộc là có ý gì?"
Lý Trác than thở: "Vừa nâng vừa giáng, quả thật khiến người ta khó suy đoán."
Tưởng Hoằng Văn đã lâu không lên tiếng, lạnh lùng nói: "Lòng vua khó dò, quan tâm nhiều như vậy làm gì?"
Mưu sĩ Phạm Tông Hàm lắc đầu nói: "Thất gia, cũng không đúng. Nghe nói Hoàng thượng suy nghĩ một lúc lâu mới quyết định như vậy, có thể thấy cũng không phải thuận miệng nói ra, mà là đã suy tính cặn kẽ rồi."
"Vậy thì đã sao? Thay vì tìm hiểu suy nghĩ của Hoàng đế, còn không bằng làm chuyện của chúng ta. Chí ít vận mệnh nằm trong tay chính mình, chứ không nằm trong miệng của người khác."
"Cái này..." Phạm Tông Hàm và Lý Trác liếc nhau, không dám tiếp lời.
"Nói rất hay!"
Triệu Cảnh Diễm hô to: "Hoằng Văn nói lời này rất hợp lòng ta, chúng ta có chuyện quan trọng hơn phải làm, chuyện suy đoán lòng đế vương, cứ để kẻ khác làm đi."

Trong phủ Thụy vương đèn đuốc sáng trưng.
Triệu Cảnh Giác ngáp dài, nói với bảy, tám vị mưu sĩ ngồi bên dưới: "Các ngươi nói xem, câu này có thâm ý gì?"
Một mưu sĩ mập mạp vuốt râu nói: "Bẩm vương gia, thần cho rằng dùng lễ của Thái tử phi chẳng qua là nể mặt Định Quốc công mà thôi."
Bên dưới có người phụ họa, "Đúng vậy, nếu không cũng sẽ không chôn ở núi Hoàng Hoa."
Lại có người phản đối: "Rõ ràng là Phế Thái tử phi, vì sao Hoàng thượng còn dùng danh hào Thái tử phi, cái này là đạo lý gì?"
"Hoàng thượng nói nhầm cũng không chừng. Trong lời Hoàng thượng, còn có một chữ bí mật, chứng tỏ Hoàng thượng không muốn lan truyền việc này ra ngoài, làm gì có Thái tử phi nào bệnh chết mà lại bí mật an táng, cần phải chiếu cáo thiên hạ mới phải." Người nói là một người đàn ông vẫn còn trẻ.
Một ông lão lớn tuổi có mái tóc bạc trắng thì lắc đầu nói: "Xưa nay có tục phu thê đồng táng. Thái tử phi chôn ở núi Hoàng Hoa, Phế Thái tử về sau cũng chỉ có thể đến nơi này. Tại hạ cho rằng, vương gia đã có thể yên tâm, Thái tử này đã không còn khả năng xoay người nữa."
Mọi người ngươi một câu, ta một câu, ồn ào như cái chợ.
Ánh mắt Triệu Cảnh Giác nhìn về một chỗ, đấy là Du Thanh, mưu sĩ mà hắn ta tâm đắc nhất. Người này mới ngoài ba mươi, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, là một hiền tài trăm năm khó gặp.
Du Thanh cảm nhận được ánh mắt của Thụy vương, khẽ ho một tiếng: "Vương gia, tại hạ cho rằng, hành động này của Hoàng thượng có hai hàm ý."
Lời vừa nói ra, trong thư phòng hoàn toàn yên tĩnh. "Hoàng thượng gọi Lục thị là Thái tử phi, đương nhiên vô cùng không hợp quy củ, đằng sau sự không hợp quy củ này ít nhất truyền đi một thông điệp, Hoàng thượng vẫn niệm tình xưa với Thái tử."
Mọi người liên tiếp gật đầu.
Tiên Hoàng hậu Lục thị gả cho Hoàng thượng từ lúc người còn chưa bước lên ngai vàng, có thể nói là cùng chung hoạn nạn, tình cảm này không phải người bên ngoài có thể bì kịp. Nếu không phải Lục thị chết trước, Thái tử mưu phản, Hoàng thượng nói thế nào cũng sẽ không phế Thái tử.
Du Thanh lại nói tiếp: "Nhưng mà tình xưa là tình xưa, quyền lực của Hoàng đế há có thể để cho kẻ khác khinh nhờn. Mà hoàng gia vốn không có tình thân phụ tử, hành động này của Hoàng thượng có ý muốn nói cho chư vị vương gia, thiên hạ này là thiên hạ của Hoàng thượng, giang sơn này là giang sơn của Hoàng thượng. Vương gia đừng quên, năm đó làm sao mà Hoàng thượng đoạt được giang sơn này."
Mọi người mơ hồ căng thẳng.
Bảo Khánh đế Triệu Ung, con nhỏ nhất của Tiên hoàng, đứng thứ mười bốn.
Tiên đế đến già lại sinh được Triệu Ung, có thể nói là rất nuông chiều. Mẫu thân của Triệu Ung là Chân phi chết sớm, Thái Hoàng thái hậu càng thương yêu, tự mình nuôi nấng Triệu Ung.
Triệu Ung văn võ toàn tài, tài giỏi hơn người, với sự dạy dỗ của Thái hoàng thái hậu, tính tình ẩn nhẫn, xử sự quyết đoán, thậm chí có phần tàn nhẫn.
Bởi vì tuổi tác nhỏ nhất nên các hoàng tử khác của Tiên hoàng vẫn chưa đề phòng, đa phần đều giữ mối quan hệ thân thiết với Triệu Ung.
Khi Triệu Ung chưa tròn hai mươi tuổi, Thái Hoàng thái hậu đứng ra làm chủ, ban hôn cùng Lục thị, sau khi kết hôn, phu thê ân ái. Nhà họ Lục vốn là gia tộc môn phiệt lớn trong triều, cả ba triều đại đều là quốc công, lại rất được lòng vua. Lục phủ có quan hệ rất thân thiết với phủ Thịnh Tướng quân và Thạch Các Lão đứng đầu nội các.
Triệu Ung được Lục gia giúp đỡ, dần dần thu nạp phủ Thịnh Tướng quân, Thạch Các Lão về dưới trướng.
Nhưng Triệu Ung giấu tài, mọi việc đều lấy Thái tử làm đầu, người người đều cho rằng Triệu Ung đứng ở phe Thái tử, Thái tử cũng hoàn toàn tin tưởng, không hề nghi ngờ Triệu Ung.
Tiên đế bệnh tình nguy kịch hấp hối, con trai thứ tư là Bát Hiền vương phát động biến cố Thần Võ Môn gây khiếp hãi cho triều đình và dân gian, muốn dụ Thái tử ra trước Thần Võ Môn rồi giết chết.
Triệu Ung dẫn theo Thịnh phủ, người nắm giữ Ngự Lâm Tam Thiên Doanh, liên hợp với Túc Vương, người đứng đầu Ngũ Quân Doanh, lấy danh nghĩa cứu Thái tử, dẫn binh tới trước Thần Võ Môn, giết chết cả Tứ hoàng tử và Thái tử, dùng một chiêu bọ ngựa bắt ve sầu, chim sẻ rình sau lưng.
Ngay đêm đó, Triệu Ung lại giết sạch toàn bộ bè đảng của Thái tử gồm bốn vị hoàng tử, diệt trừ bè phái của Bát Hiền vương gồm năm vị hoàng tử, dùng máu rửa sạch phủ chư vương. Ngày hôm sau Tiên đế băng hà, Triệu Ung đăng cơ. Sau khi đăng cơ, Hoàng đế lại cho lưu đày hai vị hoàng tử, trên đường lưu đày thì giết chết toàn bộ. Trong mười bốn vị hoàng tử, chỉ còn lại hai người là Tề Vương và Túc Vương.
Bảo Khánh đế dùng thủ đoạn giết chóc cứng rắn để cướp lấy giang sơn Triệu gia, vì vậy ngài kiêng kỵ nhất là có người bắt chước mình. Cũng do nguyên nhân này, cho dù là Thịnh gia có công ủng hộ ngài thượng vi, cuối cùng cũng khó thoát khỏi một chữ chết.
"Vương gia."
Du Thanh bước lên một bước, nói: "Hoàng thượng lớn tuổi, hành động theo cảm tính nhiều hơn trước rất nhiều. Nhưng thiên tử chính là thiên tử, long uy vẫn còn đó. Vì vậy, đối với chuyện này thì vương gia chỉ nên xem như không biết gì, không cần suy đoán quá nhiều, tránh tự loạn trận cước."
Khóe miệng Triệu Cảnh Giác khẽ nhếch, "Nói hay lắm."
Du Thanh lại nói: "Việc cấp bách là làm thế nào để lôi kéo Thọ vương, vừa có thể biểu hiện tình huynh đệ thắm thiết trước mặt Hoàng thượng, vừa có thể có thêm sự trợ giúp, cớ sao không làm."
Triệu Cảnh Giác gật đầu tán thành, lại cười nói: "Hôm nay còn có một tin tốt, lão Thất nhà họ Tưởng và Cố gia đã kết thân."
Du Thanh ôm quyền cười nói: "Chúc mừng vương gia, chúc mừng vương gia, chẳng bao lâu nữa Tưởng gia nhất định sẽ góp sức cho vương gia."
Triệu Cảnh Giác đắc ý khoát tay: "Nếu hai người này gia nhập dưới trướng bản vương, bản vương sẽ như hổ thêm cánh. Cho dù lão Tam biến toàn bộ Binh bộ thành của mình thì có ích lợi gì?"
Mọi người liếc nhau, cùng lên tiếng chúc mừng: "Vương gia anh minh!"

Canh năm đã qua, cuối cùng cửa thư phòng phủ Thọ vương cũng mở ra.
Hồi lâu sau, tiếng nói mệt mỏi của Triệu Cảnh Diễm truyền tới: "A Ly, đi chuẩn bị một bàn rượu và thức ăn, ta và Hoằng Văn muốn không say không về."
A Ly nhíu mày, lập tức rời đi, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, rượu và thức ăn đều được chuẩn bị xong.
Triệu Cảnh Diễm rót cho Tưởng Hoằng Văn một chung rượu, rồi rót tiếp cho mình một chung.
"Có câu nhất túy giải thiên sầu, chúng ta là huynh đệ, cái khác ta không giúp nổi, hôm nay chỉ có thể cùng huynh uống say một phen."
Tưởng Hoằng Văn miễn cưỡng mỉm cười, một hơi uống cạn chung rượu trong tay, "Đình Lâm, lần trước ta và đệ cùng say là lúc nào?"
Triệu Cảnh Diễm đảo mắt, dường như đang cố nhớ lại.
Tưởng Hoằng Văn yên lặng rót cho mình một chung, "Đệ không nhớ rõ, ta cũng không nhớ rõ, nhưng có một lần ta lại nhớ rất rõ. Một ngày Hè năm nọ ở phủ Thái tử, hôm đó là sinh nhật huynh ấy, sau khi tiễn hết khách khứa, huynh ấy lại cho bày một bàn rượu thịt trong thủy tạ."
Triệu Cảnh Diễm cầm chung rượu cười khẽ, "Đêm đó mưa rào đầu mùa, trong không khí mang theo sự ẩm ướt, ta và huynh, còn cả hai người Thịnh gia quây quần bên cạnh đại ca."
"Sau đó nàng đến, bưng theo một đĩa bánh trôi ngâm rượu, rượu là rượu hoa quế, bánh trôi thì là do nàng tự tay làm, ngọt ngào, ta đã ăn hết cả một bát lớn."
"Huynh còn không biết xấu hổ mà nhắc lại, một mình huynh ăn hết phần của chúng ta, hai người họ Thịnh kia sốt ruột đến đỏ cả mắt."
Tưởng Hoằng Văn hít một hơi thật sâu, nơi chóp mũi hình như ngửi được mùi hương hoa quế thoang thoảng đâu đâu, "Đây là món sở trường của nàng, trên thực tế, nàng cũng chỉ biết làm thứ này."
Triệu Cảnh Diễm không rõ vì sao mà phiền muộn, thản nhiên nói: "Huynh say là vì đại tẩu sao?"
Vẻ mặt Tưởng Hoằng Văn hơi phiêu đãng, "Cũng không hoàn toàn là vậy, ta thấy được phu thê bọn họ hoà thuận như vậy, trong lòng vui vẻ, thế nên mới say."
Hắn ta và cô cách nhau bảy tuổi, theo lý sẽ không có quan hệ gì với nhau được. Trùng hợp là Tết Nguyên tiêu năm hắn sáu tuổi, hắn ta theo người thân vào phố xem đèn lồng.
Hội đèn lồng vào Tết Nguyên Tiêu là lễ hội tuyệt vời nhất trong Kinh, có thể nói là người đông nghìn nghịt. Hắn ta ngồi trên cổ nô bộc, trong tay cầm một xâu kẹo hồ lô, trong mắt là khung cảnh nhộn nhịp xung quanh.
Nửa đường họ gặp Lục gia phủ Định Quốc công. Lục gia huy động rất nhiều người hầu đi cùng, mười mấy bà tử vạm vỡ, khoẻ mạnh vây quanh các thiếu nữ, tiếng cười nói không ngớt suốt cả chặng đường.
Khi đó cô mẫu Thục phi đã qua đời, Đình Lâm còn nhỏ, được Hoàng hậu nuôi nấng, Hoàng hậu coi đệ ấy như con ruột, Tưởng gia mang lòng cảm kích, cũng có quan hệ thân thiết với Lục gia. Người hai phủ bèn cùng nhau đi ngắm đèn lồng.
Ai ngờ chỉ trong phút chốc, bầu trời đêm quang đãng bỗng có mây đen vần vũ, mưa lớn, người đi đường nhao nhao tránh mưa, xung quanh hỗn loạn, chỉ nháy mắt mà đoàn người đã như ong vỡ tổ.
Người hầu cõng hắn ta lảo đảo, khiến hắn ta ngã xuống, trán đập xuống đất, máu chảy đầy mặt, đau đến mức khiến hắn ta khóc òa.
Đã vậy đoàn người xông đến, tách hắn ta và người hầu ra. Hắn ta hoảng hốt, lo sợ, bị người khác đẩy loạng choạng, đôi mắt đỏ ửng.
Chính ngay lúc này, một bàn tay đã giữ hắn ta lại, sau đó dịu dàng kéo hắn rồi ôm vào lòng.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.