Thợ Sửa Giày

Chương 11: Món quà nhỏ




Tối hôm đó, khi Nhiếp Chấn Hoành đóng cửa hàng về nhà, anh dừng bước ở lầu 2.
Đã qua giờ ăn tối, lại có một hộp cơm mới để ngoài cửa nhà 201. Anh khom lưng sờ thử, vẫn còn ấm.
Nhiếp Chấn Hoành tiện tay xách hộp cơm lên, gõ cánh cửa trước mặt bằng bên tay đang cầm đồ còn lại.
“Cộc cộc cộc –”
Hành lang rất tĩnh lặng, Nhiếp Chấn Hoành có thể nghe rõ động tĩnh trong phòng.
Người trong ấy có lẽ vẫn đang ngồi ngoài ban công. Đầu tiên cậu buông bút vẽ, từ tốn dịch người đẩy ghế ra, rồi mới lê dép, bước những bước loẹt xoẹt tới phòng khách.
“Chào buổi tối.”
Cửa mở, Nhiếp Chấn Hoành đưa túi cơm hộp mình đang cầm qua, “Cơm hộp của quý khách tới rồi.”
Đèn đóm trong hành lang lâu rồi chưa sửa, chớp chớp tắt tắt rung ra rung rinh. Ánh đèn chiếu vào khuôn mặt ngốc nghếch đang dại ra của cậu thanh niên, có vẻ hơi buồn cười.
Khóe môi Nhiếp Chấn Hoành không khỏi nhếch lên, anh cười, quơ chiếc túi trong tay, “Không ăn hở?”
“À.”
Phải chậm mất nửa nhịp thì Lâm Tri mới rốt cuộc nhận ra, hình như người trước mặt đang giỡn cậu.
Cậu đưa tay nhận hộp cơm, gật đầu, “Phải ăn chứ ạ.”
Nhiếp Chấn Hoành lại cười khẽ. Hình như anh đã phát hiện ra, chú nhóc này đơ không phải dạng vừa đâu.
Cậu ta quả thực giống một con hamster, chọc một tẹo thì động một tí.
“Đây là món quà Khả Khả nhờ tôi đưa cậu.”
Nhiếp Chấn Hoành lại nâng cánh tay kia lên, xòe bàn tay đang nắm đồ, đưa tới trước mặt Lâm Tri, “Con bé nhờ tôi chuyển lời cho cậu, ‘Cảm ơn bức tranh của anh ạ’.”
Trong lòng bàn tay to rộng của người đàn ông, một cây kẹo mút đang lặng lẽ nằm đó.
Lâm Tri nhất thời chưa nhớ ra “Khả Khả” là ai, nhưng nghe Nhiếp Chấn Hoành nhắc tới tranh, thì đầu cậu nảy số ngay.
“Ồ… Cảm ơn ạ.”
Cậu duỗi tay ra nhận, một dòng ấm áp xa lạ chợt chảy qua tim.
Tựa như bóng đèn trên đỉnh đầu, đột nhiên nhá lên chút tia sáng mỏng manh giữa không gian trống vắng.
“Cảm ơn tôi làm gì, tôi chỉ là chân chạy việc thôi.”
Lòng bàn tay hơi ngứa ngáy vì bị ngón tay sượt qua, Nhiếp Chấn Hoành chăm chú nhìn cậu thanh niên lấy chiếc kẹo mút khỏi tay mình bằng hai ngón tay thon dài dính màu vẽ.
Chiếc kẹo được bọc trong lớp vỏ sặc sỡ, bị ngón tay dính màu nắm lấy, thoạt trông lại hài hòa tươi trẻ một cách rất đỗi tự nhiên.
“Rồi, chuyển đồ xong, tôi lên nhà đây.”
Nhiếp Chấn Hoành hoàn thành “nhiệm vụ” mà cô bé giao cho mình, tính lên lầu về nhà.
Ánh mắt anh lơ đãng lướt qua bả vai cậu thanh niên, thoáng thấy phòng khách nhà chú nhóc hàng xóm. Thiết kế căn hộ nhà cậu cũng từa tựa nhà anh, nhưng trong ấy còn không có cả sofa, trống trải y như chỉ có phôi vậy.
Mắt anh quét xuống, lại liếc thấy túi hộp cơm thừa chưa vứt. Một câu hỏi không khỏi nảy lên trong lòng anh: Chẳng phải cu cậu này ăn ở sạch sẽ ngăn nắp lắm sao? Sao lại để nhà cửa… như thế này?
Đến lúc hai người đã thân thuộc với nhau, Nhiếp Chấn Hoành mới phát hiện Lâm Tri gần như dốt đặc cán mai với chuyện ăn ở.
Rồi sau đó nữa, đến khi anh kéo ai kia ra khỏi thế giới riêng của cậu từng chút một, Nhiếp Chấn Hoành mới ý thức được ——
Không phải bé con của anh không biết.
Mà là vì cậu rất ít để tâm, nên cuộc đời cậu đơn giản hơn đám người tục tằng như anh nhiều.
*
Dù gần như hôm nào cũng có thể thấy nhau qua khoảng sân nhỏ lầu trên lầu dưới, nhưng lần tiếp theo hai người nói chuyện với nhau, lại là vào mấy tuần sau đó.
Hôm nay, Nhiếp Chấn Hoành đang sửa giày cho khách thì chợt thấy một bóng người đứng lặng trước tiệm anh, chắn hết nửa ánh nắng bên ngoài.
Anh thản nhiên ngước mắt lên chuẩn bị đón khách mới tới, thì lại phát hiện đấy là cậu hàng xóm “sống” ở ban công.
“Ô, sao đấy, đi tìm việc mới à?”
Sau khi hiểu qua về tính cách thật của Lâm Tri, Nhiếp Chấn Hoành không còn xa lạ với cậu em hàng xóm này lắm nữa. Đã biết nhau rồi, nên anh không còn nói chuyện quá khách sáo.
Thấy cậu thanh niên lại mặc bộ comple như lần đầu gặp nhau, anh còn tưởng rốt cuộc cu cậu đã thôi bế quan vẽ tranh trên ban công, nên thuận miệng bắt chuyện với cậu.
“Không ạ.”
Lâm Tri lại lắc đầu, thành thật trả lời, “Không đi tìm việc ạ.”
“Vậy cậu tính làm gì đấy…?”
Việc Nhiếp Chấn Hoành đang làm dở không gấp lắm, khách vừa quẳng giày sang, tối về mới qua lấy. Anh thấy Lâm Tri tần ngần muốn nói lại thôi ngoài cửa, thì dứt khoát bỏ giày qua một bên, phủi tay.
“Tìm tôi làm gì? Giày lại hỏng rồi à?”
Nhiếp Chấn Hoành không cảm thấy ngoài sửa giày thì mình còn gì đáng để cậu em hàng xóm ghé thăm.
“Giày vẫn ổn.”
Lâm Tri tiếp tục lắc đầu, tay lại dứ về phía trước, hỏi, “Chỗ anh… có bồi tranh được không ạ?”
Cậu cầm một cuộn giấy vẽ màu trắng được cuốn chỉnh tề.
Thực ra là, lúc gọi đồ ăn về hôm qua, Lâm Tri phát hiện tiền của mình đã cạn đáy. Cậu ngồi nhà nghĩ mãi, mà vẫn không nghĩ ra kế hay để kiếm tiền.
Công việc trước đó đã khiến cậu chùn bước, chẳng muốn giao tiếp với người ngoài nữa. Lâm Tri ngồi nhà nghiêm túc ngẫm ngợi xem mình có thể làm gì, rồi phát hiện mình chỉ vẽ tranh được thôi.
Lâm Tri nhớ ngày xưa mẹ hay khen cậu, nói Tri Tri giỏi lắm, vẽ tranh cũng rất tuyệt vời.
Lâm Tri không thể chắc chắn liệu đấy là thật hay mẹ chỉ dỗ mình vậy thôi, nhưng quả thực mẹ có cầm mấy tác phẩm đèm đẹp của cậu đi. Hơn nữa mỗi lần mẹ mang chúng đi, tối về sẽ có đồ ăn ngon, mẹ bảo mua bằng tiền kiếm nhờ bán tranh của cậu.
Hai mẹ con sẽ ăn một bữa cơm đủ đầy vô cùng vui vẻ, đó là thời khắc có nhiều tông màu ấm áp nhất trong ký ức của Lâm Tri.
Giờ mẹ không còn nữa, cậu ăn ở một mình, chẳng bao giờ được có thêm một bữa ngon như thế.
Nhưng lời mẹ nói lúc lâm chung vẫn còn ghi tạc đậm sâu trong đầu Lâm Tri —— phải tìm một công việc tốt, mỗi ngày nhớ ăn cơm tử tế, chăm sóc bản thân cẩn thận…
Lâm Tri nghĩ thầm, tuy có lẽ mình không thể tìm được một công việc tốt, nhưng hai điều sau thì cậu vẫn làm được.
“Bồi tranh?”
Nhiếp Chấn Hoành lặp lại câu đó, cảm thấy câu hỏi này hơi quen quen, hình như ngày xưa cũng có người đến hỏi tiệm anh rồi.
Nhưng anh chỉ là gã sửa giày, cùng lắm thì biết thêm mấy việc thủ công tay chân, chứ công việc cần tính chuyên nghiệp cao như bồi tranh thì quả thực anh chưa từng học bao giờ.
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành lắc đầu, “Không làm được.”
Lâm Tri “Ồ” lên, đứng ngoài cửa cúi đầu nhìn món đồ mình đang cầm, nhất thời không biết phải làm sao.
Ban nãy trước khi ra ngoài, cậu mới nghĩ ra có lẽ nên bồi tranh vào khung đã rồi hẵng bán, dù gì lúc mẹ dẫn cậu đi xem triển lãm, những bức tranh treo ở đó đều có khung ảnh lồng kính. Nhưng bản thân Lâm Tri không biết bồi, cũng chẳng biết nhà nào nhận làm, nơi đầu tiên nảy ra trong đầu cậu chính là tiệm sửa giày ở tầng dưới.
Cũng chẳng biết vì đâu, cậu luôn cảm thấy người đàn ông làm nghề sửa giày kia dường như biết tất cả mọi thứ. Anh ý biết sửa giày, biết làm nghề nguội… chắc là, cũng biết bồi tranh chứ nhỉ?
Nghĩ vậy, nên cậu mới đến cửa tiệm của Nhiếp Chấn Hoành.
“Hay là cậu qua trường tiểu học hỏi thử xem sao.”
Nhiếp Chấn Hoành thấy Lâm Tri lại bắt đầu ngẩn ngơ, bèn quyết định chỉ đường luôn cho cậu, “Cứ đi thẳng, đoạn đường trước cổng trường có một thầy thư pháp, nói không chừng người ta lại biết bồi tranh.”
“Vậy được ạ. Cảm ơn.”
Nhìn theo bóng cậu hàng xóm bước ra đường lớn, Nhiếp Chấn Hoành lại tiếp tục việc đang dang dở.
Có điều lòng anh vẫn day dứt về câu hỏi ban nãy của cậu thanh niên. Ai đã từng hỏi anh có biết bồi tranh không ấy nhỉ?
Hình như… là một bà thím cũng sống gần đây?
Một hình ảnh thoáng hiện lên trong đầu Nhiếp Chấn Hoành.
Hồi đó thím kia rất hay đi qua chỗ anh, hình như thím có nhà trong khu phố này, tới đợt thì đến thu tiền thuê nhà. Thím rất thích mua thịt thỏ thái hạt lựu từ tiệm đồ kho bên kia đường, bảo là con trai mình thích ăn. Thím cũng từng sửa giày mấy lần ở tiệm anh, còn mua một cái móc khóa bằng da.
Dù thoạt trông thím ấy gầy yếu, áo quần cũng giản dị đơn sơ, nhưng mỗi lần nhắc tới con mình, nụ cười hiền hòa và tràn trề sức sống luôn nở trên gương mặt thím.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.