Hồ Quý Li thì đánh hai chòm ria mép, nói:
“ Tập trung vào đi con. Kệ hai đứa chúng nó. Chẳng nhẽ mày quên lời hứa với cha mày? ”
“ Lời cha dạy con đâu có dám quên? Nhưng cha cũng thấy rồi đấy. Đúng ra, luyện công xong, chúng nó phải viết chữ một canh giờ, rồi… ”
“ Vô vị. Vô vị quá… ”
Nguyễn Phi Khanh đứng nhổm dậy, phe phẩy cái quạt lông, lại lững tha lững thững đi về phía hai cha con.
“ Cậu Trừng cái gì cũng tốt, chỉ phải tội cứng nhắc quá. ”
“ Nề nếp là cái phải giữ, đâu thể như anh Khanh được, nhàn nhã thích làm gì thì làm… ”
Nguyễn Phi Khanh được giao nhiệm vụ phân loại thư tịch cướp được ở Thăng Long, bộ nào chữ Nôm thì phiên sang chữ Hán, rồi đóng thành tập. Công việc cũng tính là nhẹ nhàng.
Nguyễn Phi Khanh cười cười, vuốt chòm râu:
“ Xuân này cũng lạnh thật. ”
Rồi ngâm:
“ Ngưng vân mạc mạc vụ trầm trầm,
Nhưỡng tác dư hàn thập nhật âm.
Đái vũ hữu ngân niêm thụ nhứ,
Thương xuân vô ngữ cách hoa cầm.
Thư trai tịch tịch duy cao chẩm,
Thế sự du du chính bão khâm.
An đắc thử thân như thác lược,
Như phong khư biến cửu châu tâm. ”
( Nghĩa là:
“ Ùn ùn mây đọng trĩu phù sa
Cơn rét cuối mùa lạnh buốt da
Hạt nước long lanh đeo liễu biếc
Thương xuân lặng lẽ tiếng chim oa
Thư phòng vắng vẻ kê cao gối
Thế sự mênh mang quẫn nổi nhà
Mong được thân này như ống bể
Gió lành thổi mát khắp miền xa ” – bản dịch bài Xuân Hàn – tác giả Nguyễn Phi Khanh; của Trương Việt Linh – thivien.net)
Rồi cười ha hả, vừa phe phẩy quạt vừa lóc cóc đi ra đầu ngõ:
“ Thú vị. Thú vị. ”
Hai cha con Hồ Quý Li thấy y tiện mồm ngâm một bài thơ mà nói rõ nỗi lòng mình như vậy, không khỏi lấy làm phục.
Chẳng biết có phải trùng hợp hay không, mà Nguyễn Phi Khanh vừa đi khuất, sứ giả của Chu Đệ đã đến tận cửa.
“ Lê Quý Li, Lê Trừng tiếp chỉ. ”
Thái giám giơ cao tờ chiếu thư, húng hắng giọng đọc.
Chẳng là sau khi bị bắt, Chu Đệ đã hạ khẩu dụ, bắt hai người phải đổi về họ Lê như cũ. Từ đó trong chiếu thư mới có Lê Quý Li, Lê Trừng.
“ Tiếp chỉ. ”
“ Thánh thượng cho vời hai cha con các ngài vào cung. ”
Tên thái giám nói xong, rồi khom người chỉ tay ra ngoài cổng, làm một thủ thế “ mời ”.
“ Kiệu đã chờ sẵn. ”
Hồ Quý Li ngửa mặt, cười.
“ Cái gì đến xem chừng cũng phải đến. ”
Hồ Nguyên Trừng gật đầu.
Kể từ khi hay tin bản vẽ sang pháo bị cướp, chàng đã biết là sẽ có ngày hôm nay rồi.
“ Chúng ta bắt bọn nhỏ luyện công cũng chỉ chờ ngày này mà thôi. ”
Hồ Nguyên Trừng thấp giọng…
Chu Đệ vẫn ngồi theo cái kiểu nửa nằm trên ngai rồng. Đôi mắt y vẫn khép hờ như lần trước, tưởng như bễ nghễ chẳng để ai vào mắt, kì thực là không để ai nhìn thấu được nội tâm y.
“ Lui hết xuống đi… ”
Y chậm rãi lên tiếng, hạ lệnh một cái.
Tức thì… văn võ bá quan trong triều vội vàng khom người xuống, lui hết cả.
Sau lần bị ám sát, Chu Đệ đã mở một cuộc đại thanh trừng đẫm máu. Không biết bao nhiêu quan viên vốn có tư tưởng trung thành với vua cũ bị xử trảm vì tội “ nghi ngờ tạo phản ”.
Thực chất, chỉ là Chu Đệ muốn mượn cớ này, nắm hết triều chính trong tay.
Tửu Thôn đồng tử cho hắn một cái cớ quá hoàn hảo mà thôi.
Những viên đá cản chân đều bị loại bỏ, Chu Đệ mới thực hiện ngay mặt hai quyết sách lớn. Một là dời đô về Bắc Bình. Hai là thi công lại Đại Vận Hà.
Quan văn võ trong triều tất nhiên không ai dám phản đối. Dù sao, gương của những kẻ đi trước… còn chưa mục nát.
Chiếu dời đô Chu Đệ đã thảo sẵn. Chẳng qua chưa kịp xây cung điện phủ đệ ở Bắc Bình, nên còn chưa chuyển qua đó. Thành Kim Lăng vì thế tạm thời vẫn là kinh đô của Đại Minh.
Song, sử quan đời sau vẫn lấy năm ngoái – cái năm Chu Đệ thanh trừng quan viên – làm dấu mốc dời đô.
Tất nhiên, mấy chuyện lằng nhằng ấy chẳng can hệ gì tới cha con Hồ Nguyên Trừng, Hồ Quý Li.
Hai người cũng hiểu điều ấy.
Còn Chu Đệ?
Y sao có thể không biết?
Chu Đệ ngồi thẳng lại trên ngai rồng.
Ngón tay y gõ lên mặt bàn. Cạch. Cạch. Cạch. Từng tiếng nặng nề.
Hồ Nguyên Trừng, Hồ Quý Li đều đang phải quỳ gối, mặt cúi xuống không ngẩng lên. Song, cả hai đều đang chờ đợi cùng một câu nói.
Thời gian như dãn dài ra…
Bất tận.
Sau cùng, Chu Đệ mới nhẹ buông một câu:
“ Quân ta ở biên cương… đã bại. ”
Ngữ khí nhẹ nhàng, mà đối với hai cha con Hồ Quý Li còn nặng hơn trăm khẩu đại pháo cùng gầm vang.
[ Đến rồi. ]
Hồ Nguyên Trừng chỉ thấy mồ hôi tứa ra khắp lòng bàn tay.
Đôi khi, chờ đợi thứ không biết, cũng không khó chịu bằng bất lực chờ kết cục mình biết trước ập đến.
“ Bại bởi… Thần Cơ sang pháo. ”
Câu thứ hai, cũng nặng tựa tiếng rít gào của Thần Cơ sang pháo.
“ Liễu tướng quân phải cầm binh cố thủ Nhạn Môn quan, nhưng thế như ngọn đèn trước gió. ”
Cuối cùng, Chu Đệ đứng dậy.
Một mảnh giấy da nhẹ nhàng, hờ hững, trượt xuống trước mặt Hồ Nguyên Trừng.
“ Phải làm thế nào… là tuỳ ở khanh. Trẫm! Không! Ép! ”
Nhấn mạnh ba chữ cuối cùng, Chu Đệ phất tay áo, bỏ đi.
Để lại hai cha con Hồ Nguyên Trừng ở lại điện Thái Hoà.
Tiếng giày của Vĩnh Lạc đã loẹt xoẹt, loẹt xoẹt đi xa mãi, nhưng hai cha con Hồ Nguyên Trừng vẫn quỳ mãi ở chỗ đó.
Mãi một lúc sau…
Cả hai người mới ngồi phệt xuống đất, người như mềm nhũn ra.
Nước mắt lã chã rơi… nhuộm đẫm gương mặt Hồ Nguyên Trừng.
“ Chu Đệ. Ông thật lợi hại. Ta… thua… rồi… ”
Trên mảnh giấy Chu Đệ lia xuống chỉ viết đúng ba chữ.
Phá Thần Cơ!
Cho chàng sống ở đất Kim Lăng, giữa những con người tầm thường nơi bắc quốc.
Bản vẽ pháo Thần Cơ lọt vào tay của Tửu Thôn đồng tử…
Cho Liễu Thăng lên đường xuất chinh.
Tất cả… tất cả… đều là những đường tơ mà con nhện giăng sẵn ra chờ con ruồi xấu số. Googl𝒆 tгang nà𝒚, đọc nga𝒚 không q𝙪ảng cáo [ 𝑻𝐑𝑈 M𝑻𝐑𝑈YỆN.VN ]
Con nhện ấy tên Vĩnh Lạc đế.
Còn con ruồi ngu ngốc sắp sửa tự sa đầu vào lưới…
Chính là Hồ Nguyên Trừng.
Chàng không đang tâm.
Không nỡ nhìn những con người tầm thường, biết yêu biết hận chung quanh chịu cảnh lầm than.
Không nỡ để những đứa trẻ thơ ngây ngoài hẻm phải chịu nỗi đau tan nhà, nỗi nhục mất nước.
Lại càng không nỡ để kẻ thiếu niên anh hùng phí mạng nơi sa trường.
Không nỡ…
Nên không thể không quy phục. Tự nguyện mà quy phục… dâng lên cách phá giải của Thần Cơ sang pháo.
Biết địch, biết ta.
Trăm trận trăm thắng!!
Hồ Quý Li thở dài, lặng lẽ ngâm:
“ Canh cải đa đoan tử phục sinh,
Du du hương lý bất thăng tình.
Nam quan điều đệ ưng đầu bạch,
Bắc quán yêm lưu giác mộng kinh.
Tướng quốc tài nan tàm Lý Bật,
Thiên đô kế chuyết khốc Bàn Canh.
Kim âu kiến khuyết vô do hợp,
Đãi giá tu tri ngọc phỉ khinh. ”
( dịch thơ:
Bao sự đổi thay, chết lại sinh,
Mờ mờ quê cũ xiết bao tình.
Ải Nam xa cách nên đầu bạc,
Quán Bắc lâu ngày chợt mộng kinh.
Cứu nước, tài hèn, thua Lý Bật,
Dời đô, kế vụng, khóc Bàn Canh.
Bình vàng đã mẻ làm sao gắn,
Đợi giá, ngọc vàng chẳng dám khinh. – Cảm Hoài, Hồ Quý Li, bản dịch của Điệp Luyến Hoa thivien.net)
Lại nói đến chuyện của Lê Hổ.
Ánh lửa xuyên qua từng ô cửa sổ, xách cái nóng đến đâm liên tiếp liên tiếp vào da thịt người ta.
Hai người Lê Hổ, Ngọc Trần nhìn nhau một cái, rồi nhất tề xông ra ngoài.
Chỉ thấy bốn phía khói tung mù mịt, nheo mắt cũng không nhìn được quá hai dặm. Xa xa phía dưới làng, nơi những căn nhà tranh đơn sơ toạ lạc, vô vàn vô vàn lưỡi lửa đỏ rực. Chúng uốn éo, kêu gào trong vũ điệu hoang dại và man rợ. Thỉnh thoảng trở gió, đám lưỡi lửa lại thi nhau chồm lên như một lũ cá tranh mồi.
Lửa thổi quét càng lúc càng dữ dội, tưởng như muốn vét sạch cả biển mây trên thiên không.
“ Khốn kiếp! Chúng đốt làng! ”
Gã trung niên râu rậm vừa hớt hải chạy lên đồi, vừa thở hào hển. Mặt ông dính đầy muộn than, râu mép cũng bám một đống tàn lửa.
Phạm Ngọc Trần hốt hoảng, kéo vai Lê Hổ mà khóc nấc lên:
“ Phải làm sao? Phải làm sao? Tôi chưa muốn chết đâu… ”
Lê Hổ cũng sợ lắm. Con người mà. Bị khốn trong biển lửa thì ai mà không sợ?
Nhưng lúc này cậu lại không được phép sợ. Sợ hãi sẽ hỏng chuyện, sẽ khiến vô vàn sinh mạng phải chết oan.
Chỉ thấy cậu ta lên tiếng:
“ Quanh đây có giếng nước nào không? ”
“ Không. Làng này cách sông chỉ có mấy bước chân, căn bản là không cần đào giếng. ”
“ Chết thật… ”
Lê Hổ nghiến răng.
Lửa muốn cháy lan lên đồi thực ra cũng cần một chốc nữa. Nhưng đáng sợ là khói. Chỉ sợ lửa chưa lan tới nơi, mọi người đã lăn ra ngất hàng loạt rồi.
“ Phải làm sao… ”
Lê Hổ đã hết mưu thật rồi.
[ Phía đông có hở một cửa. Chắc chắn là chỗ hắn đặt phục binh rồi… ]