Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 80: Hồi mười hai (2)




Thì ra Tạng Cẩu vốn dĩ cẩn thận, lại quen ngủ đầu đường xó chợ. Nó tận mắt chứng kiến bi kịch ở Tây Đô, biết là sư phụ nó có thù có oán với không ít người. Thành ra, trước khi đi ngủ nó bèn kiếm lấy một tấm bồ đoàn cũ, kê sao cho giống nó đang nằm co ro nhất, rồi phủ manh chiếu lên ngụy trang. Làm xong xuôi mới chui xuống gầm bàn ngủ.
Lúc ba tên nọ rút dao ra, tiếng lưỡi dao trượt khỏi bao da đã đánh động Tạng Cẩu. Trong lúc tối mờ mờ, nó chỉ thấy được ba bóng người đứng ngay trước chỗ nó nằm, bèn lao nhanh ra phát chiêu đánh bừa. Lúc này bình tĩnh rồi, nó mới thở phào nhẹ nhõm, cảm ơn cái tính cẩn thận của bản thân. Bởi lẽ nếu như đang nằm trên bàn, thì cho dù có nghe thấy tiếng dao rời vỏ cũng chưa chắc nó kịp phản ứng lại.
Ba gã nọ chỉ kịp nhận ra một quả đấm bé xíu chạm lên người, tức thì kình lực đã thổi bạt chúng ra sau như ba chiếc lá trước một cơn gió mạnh. Lưng đụng trúng bức tường đối diện, cả ba ngã xuống, máu ộc ra từng ngụm. Binh khí trong tay rơi cả xuống, văng tuốt ra tận góc điện trong khi quay tròn tít mù như bông vụ.
Tạng Cẩu cúi đầu nhìn đôi tay nó, lại ngơ ngác nhìn ba kẻ đánh lén. Nó cứ sợ chiêu của nó không đủ mạnh để hàng phục đối thủ. Dù sao, người ta là ba người trưởng thành, nó mới chỉ là đứa bé. Thành thử, nó vận hết sức bình sinh theo bản năng mà đánh.
Nào ngờ, nội lực trong người bỗng dưng trào dâng như núi lửa, cuốn đến đôi tay chẳng khác sóng cồn. Ba tên nọ vừa mới ra tay thành công, tâm thần thả lỏng, chân khí hộ thân cũng không thèm vận thì sao chịu thấu một chiêu của Tạng Cẩu, trọng thương bất tỉnh tại chỗ.
Xui cho chúng nó là thằng bé này mới ra đời, kinh nghiệm giang hồ không có. Rơi vào tình huống này, nó bắt đầu lúng túng. Mắt thấy ba người họ không nhúc nhích, Tạng Cẩu còn tưởng là lại ngộ sát thêm ba mạng người, vừa sợ lại vừa cuống.
“ Đúng rồi! Chôn! Phải chôn người ta… ”
Tạng Cẩu vỗ tay một cái, nói lớn. Đoạn nó bắt đầu loay hoay tìm ra ngoài sân, toan đào cái huyệt lớn để chôn ba người kia. Dù hai bên có ân oán gì, chết rồi là hết, cũng nên để người ta mồ yên mả đẹp. Đúng lúc này, Tạng Cẩu nhác thấy Bạch Thanh Lâu đang rón rén muốn bỏ đi.
Nội lực Tạng Cẩu nay đã khác xưa, khinh công thân pháp cũng vì thế mà mạnh hơn trước. Nó vừa búng mình, là đã nhảy đến ngay cửa miếu, tóm ngay được gấu áo của chàng đệ tử Quốc Tử Giám. Bạch Thanh Lâu biết giờ mình có trốn cũng vô ích, bèn đứng yên lại.
Tạng Cẩu ngó trước ngó sau bên ngoài một lúc, đến khi chắc chắn bên ngoài miếu chỉ có Bạch Thanh Lâu nó mới nói:
“ Chà, nếu sớm biết có chú theo bảo vệ, thì mấy hôm nay đã được ngủ thẳng cẳng rồi. ”
Họ Bạch ghì đầu nó xuống, mắng:
“ Thằng nhóc này làm tao hú hồn. Trông bé bằng một mẩu, hỉ mũi chưa sạch, thế mà cũng cẩn thận ra phết. ”
Tạng Cẩu nhún vai, không muốn đáp. Nó không phải đứa ngốc, cũng không muốn nhắc lại chuyện đau lòng làm gì. Nhưng bất tri bất giác, nó lại mó tay vào tráp đựng tro của thầy.
Bạch Thanh Lâu nhìn nó, rồi nói:
“ Thôi vậy, đã tình cờ gặp nhau ở chốn này, có câu tiễn Phật tiễn đến Tây Thiên. Nể mặt Quận, tao cũng sẽ đưa mày đến nơi về đến chốn. Nhưng có một điều kiện… ”
Sáng hôm sau, hai người khởi hành khi gà còn chưa cất tiếng gáy. Mấy tên sát nhân thì được để lại trong miếu, chờ có người đi qua thì lay cho tỉnh lại. Cũng may cho bọn hắn là Bạch Thanh Lâu xuất hiện kịp, không là đã bị thằng nhóc kia chôn sống mất.
Một chút sương sớm hãy còn giăng nơi bìa rừng, nhưng giờ chẳng là gì với nội lực của Tạng Cẩu cả. Trái lại, nó còn thấy khoái khoái cái không khí mát mẻ này. Sương luẩn quẩn quanh tấm áo tơi nó mặc. Áo thầy nó để lại cho, cùng với mười viên Quỷ Diện Phi Châu như là những kỷ vật sau cùng gợi nhớ về ông. Tạng Cẩu nhìn vào màn sương, chợt nhớ lại lần đầu gặp thầy. Ông khoác chiếc áo tơi qua vai, đứng trên một ngọn cỏ lau phất tay đánh văng đao của Phiêu Hương đi cứu nó một mạng.
Bạch Thanh Lâu dẫn nó men theo đường mòn, băng qua rừng. Đi đường lớn, không chừng sẽ gặp phải binh hoang mã loạn hay người của sơn trang Bách Điểu. Băng rừng tuy vất vả, nhưng an toàn hơn.
Hai người đều biết khinh công, nên cứ trèo đèo lội suốt băng băng, quá trưa thì đã ra khỏi phủ Thiên Xương ( Thanh Hoá) vào phủ Linh Nguyên, hay Hoá Châu ( Nghệ An). Đến chiều hôm ấy, Tạng Cẩu đào được măng tre, còn Bạch Thanh Lâu săn được một con dúi. Hai người chọn một tảng đá bằng phẳng mà ngồi, lấy gạo ra thổi cơm. Loại cơm lam của người miền ngược chỉ đổ gạo nước vào ống tre rồi đem đốt vàng lên là ăn được, chẳng cần nồi niêu gì hết. Con dúi nướng lên, ăn với măng, cũng coi như là được bữa ăn tươm tất. Cơm nước xong xuôi, Tạng Cẩu ngồi ngay ngắn luyện công. Bạch Thanh Lâu thì lấy giấy, mài mực, rồi bắt đầu vẽ.
Chừng tàn một nén hương, thì ở sau lưng hai người chợt có tiếng ai rẽ bụi phạt cây nghe loạt xoạt. Chắc do trông thấy ánh lửa của hai người thấp thoáng từ xa. Tạng Cẩu mở mắt nhỏm dậy, cảnh giác nhìn về phía có tiếng động. Còn Bạch Thanh Lâu thì cứ bình chân như vại. Y ngắm bức họa mới vẽ xong một lượt, lại nhìn nhìn Tạng Cẩu, thở dài:
“ Không giống. ”
Trên tấm giấy, là hình ảnh của một đứa trẻ chừng bảy tám tuổi. Gương mặt thanh tú dễ nhìn, cặp mắt to và sáng. Nhưng tuy có nhiều nét tương đồng, nó lại có gì đó khang khác Tạng Cẩu.
Y vò nát bức họa, rồi thở dài nâng kiếm lên thủ thế.
Độ một khắc sau, có bốn người bước ra từ bụi cây rậm rạp, tiến về đống lửa của hai người Bạch Thanh Lâu. Tạng Cẩu nheo mắt nhìn qua. Dưới ánh lửa cam hồng, nó phát hiện đó là bốn ông lão già nua, trông có phần lớn tuổi hơn cả sư phụ nó. Một người thì hai mắt trắng dã lờ đờ như mắt cá chết, một người thì mất đôi tai. Người thứ ba đôi môi dính chặt vào nhau, còn lão thứ tư có một cái mũi giả bằng gỗ. Râu tóc cả bốn đều đã đổi thành màu xám của khói, áo quần may bằng vải xô gai rách rưới.
Tạng Cẩu để ý thấy một hơi của mấy ông dài hơn người thường năm sáu lần, không thua Quận Gió bao nhiêu cả thì bắt đầu thấy hãi. Bốn người dù tàn tật, nhưng võ công tuyệt không thua sư phụ nó quá xa.
Bạch Thanh Lâu có kinh nghiệm giang hồ phong phú hơn, nên nhận ra ngay thân phận bốn lão già. Nhớ đến những lời đồn đại từng nghe về họ, mà bàn tay y ướt đẫm mồ hôi.
“ Xin hỏi bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn vì sao lại đi đến chốn này? ”
Bạch Thanh Lâu cúi thấp, kính cẩn thi lễ với bốn lão già, trong lòng lại nghĩ thầm: [ Bốn lão già này là cao thủ cùng thời với Hoả Công Băng Bà, biến mất đã mười tám năm trời, cớ gì lại xuất hiện ở chốn này. ]
Thì ra, mười tám năm trước bốn người này đều là sát thủ khét tiếng. Vì đều có tật tại thân, nên người đời gọi chung là Địa Khuyết Thiên Tàn. Có lời đồn, chỉ cần ra được cái giá họ muốn, thì dù có là ông trời họ cũng có cách giết được. Lời ấy có vẻ hơi phóng đại quá mức, nhưng lúc bốn lão này quy ẩn giang hồ, cũng là thời khắc hai vị chí tôn Hoả Công Băng Bà mất tích khỏi chốn võ lâm. Người ta không khỏi liên hệ Địa Khuyết Thiên Tàn với chuyện này.
Không có tiếng trả lời. Phải mất một lúc, lão mù mới lên tiếng hỏi ba người còn lại:
“ Có phải không?? ”
Lão có cái mũi giả nói:
“ Đúng rồi. ”
Lại nhìn sang lão già mất tai, gật đầu một cái coi như xác nhận.
Bạch Thanh Lâu lập tức lộ vẻ bất an cảnh giác. Rõ ràng, cứ xem cách bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn nói chuyện với nhau là biết, một trong hai người chính là mục tiêu của họ. Y bèn nâng kiếm lên sẵn sàng thủ thế, lại nghĩ:
[ Địa Khuyết Thiên Tàn mất tích đã bao nhiêu năm, nay cũng đã già yếu khí suy lực kiệt, không còn ở thời sung mãn nữa. Mình liều mạng thì chưa chắc đã không đánh lại. Tạng Cẩu còn bé thật, nhưng nó có nội lực được Quận truyền cho, có khi mấy lão già này sẽ vì coi thường nó mà ăn đủ. ]
Bạch Thanh Lâu nghĩ thông suốt, bèn lật kiếm, vẩy ngay ra một nhát hòng chiếm trước tiên cơ. Đường kiếm phạt ngang vừa cứng cáp hữu lực, lại không kém đi phần tinh tế. Nhìn y như một danh gia thư pháp, vừa chấm mực khai bút viết một chữ “ nhất ” vậy.
Đường kiếm nhanh mà ác liệt là thế, ấy vậy mà bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn còn nhanh gấp đôi. Lão mù nghe thấy tiếng gió, lập tức cúi xuống tung cước đá nhằm ngay vào huyệt Phong Thị ở vùng đùi.
Lão mất tai thì ánh mắt ác liệt nhất, chiêu kiếm của Bạch Thanh Lâu vừa chém được non nửa lão đã cong ngón tay, búng một cái ngay vào sống kiếm. Coong!!! Lưỡi kiếm rung lên dữ dội, kình lực truyền theo thân kiếm chấn thẳng vào bàn tay Bạch Thanh Lâu khiến y phải rên lên một tiếng.
Lão câm thì vọt ngang sang, năm ngón của bàn tay phải cong thành hổ trảo chộp thẳng vào đầu vai Bạch Thanh Lâu, uy lực thật khó mà tưởng tượng. Trông lão ra tay oai dũng mười phần, không khác gì con đại bàng chộp lấy con gà con.
Cuối cùng, lão có cái mũi giả thì tung mình đạp lên vai lão mù, hai ngón tay làm thành thế Long Tu chỉ, điểm nhanh vào mắt Bạch Thanh Lâu.
Tạng Cẩu lúc này mới kịp phản ứng lại. Hai bên ra tay nhanh như chớp giật, đứa thiếu trầm trọng kinh nghiệm giao đấu với cao thủ như nó hoàn toàn không theo kịp. Thấy Bạch Thanh Lâu đã sắp bị chế trụ, nó bèn sấn nhanh tới chỗ lão câm, tung ngay chiêu Chó Cắn Áo Rách nhắm ngay huyệt Uyên Dịch ở dưới nách.
Nhưng lão câm đâu phải đối thủ tầm thường Cẩu hay gặp, mà là một cao thủ đời trước, dù là võ công hay kinh nghiệm đều không thua sư phụ nó bao nhiêu.
Lão câm chẳng cần ngoái đầu, chỉ nghe tiếng gió cũng đoán được thằng nhóc đang muốn đánh vào đâu. Thế là tay trái nãy giờ vẫn rảnh rang bèn xoay thành chưởng, chộp luôn nắm đấm của nó. Tạng Cẩu cảm thấy nội kình vốn đang hùng dũng trào ra chưởng tâm như con sông nhỏ thì bỗng nhiên như đụng phải vách đá, trào ngược lại. Lồng ngực nó tức thì xuất hiện cảm giác tức tức khó chịu như bị ai đấm thùm thụp từng cú từng cú.
Lão câm chợt trợn to mắt, bàn tay đang nắm quả đấm của Tạng Cẩu chợt xoay tròn một cái. Kình lực như vách núi chắn ngang trời của ông bỗng nhiên nhu hòa đi nhiều, chẳng những không chấn ngược nội lực của Tạng Cẩu nữa mà còn giúp nó điều hòa lại khí huyết. Nói đoạn, ông nhẹ đẩy một cái, dùng nhu kình làm nó ngồi xuống đất.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.