Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi

Chương 86: Hồi mười hai (8)




Trở lại chỗ Hồ Nguyên Trừng, ta thấy Nguyễn thị đã bị Trương Phụ đánh bại, ma huyệt bị điểm mấy chỗ liền khiến cả người thị mềm nhũn ra như cọng bún thiu. Kế bị quẳng sang một chỗ.
Về phía hai người Ngô Miễn, Kiều Biểu thì võ công tầm thường, chỉ vài ba tên lính thiện chiến một tí là bắt được. Cả hai bị trói gô lại, bắt quỳ trước Hồ Nguyên Trừng.
Trương Phụ bỏ kiếm lại vào bao, xoay mình ngồi trên chỗ cao. Lão đặt một tay lên bành ghế, cằm tựa lên chưởng tâm, nhìn xuống chỗ Hồ Nguyên Trừng. Cả hai đều là người thông minh, lão không nói, chàng cũng hiểu. Nên họ Trương cần gì phải nói chuyện xuông bằng nước bọt?
Lão chỉ im lặng, nhưng chính vì lão không lên tiếng, Hồ Nguyên Trừng mới càng áp lực. Chàng biết thời gian để mình cân nhắc thiệt hơn sắp hết.
Cứu hay là không??
Giữa ba sinh mạng và tương lai dân tộc, tưởng như rất dễ chọn lựa chẳng phải ư? Nhiều kẻ sẽ chẳng ngại ngần gì thí ba quân tốt để bảo toàn “ đại cục ”. Dù sao có đại nghĩa dân tộc chống lưng, cần gì phải sợ người ta lời vào tiếng ra?
Nhưng Hồ Nguyên Trừng không làm được.
Hi sinh là tự nguyện, là bản thân trả giá, chứ không phải nhẫn tâm xô kẻ khác xuống hầm chông. Cho dù có bao biện bằng bao nhiêu lời hay ý đẹp, ấy cũng vẫn là hành vi vô sỉ.
Chàng không thể ép ba người kia chết, vì chàng là anh hùng. 
“ Nhất sát đa sinh ”? Không sai.
Thế nhưng từ cổ chí kim, lại có bao nhiêu người nói ra câu này mà dám đặt bản thân vào phần “ nhất sát ” kia??
“ Nhanh lên nào, Hồ Nguyên Trừng. Trương Phụ này đã có tuổi, sinh hoạt phải điều độ, không chờ được lâu đâu đấy. ”
Rốt cuộc, Trương Phụ cũng nhướn mày lên, nói bằng giọng khàn khàn.
Hồ Nguyên Trừng bấm môi, thở dài, đang định cam chịu, thì đằng sau Ngô Miễn – Kiều Biểu đã cất cao giọng:
“ Tả tướng quốc không cần phải thoả hiệp với lũ giặc bán nước ấy!! ”
Dứt câu, thì máu đỏ lòm đã xối ra đầy ngực, mắt mũi hai người đều có tiên huyết chảy xuôi xuống… Bọt mép nhuốm dòng máu đỏ lòm trào ra khỏi miệng, toàn thân thì cứ giật lên từng hồi từng hồi.
Hồ Nguyên Trừng nhắm mắt, ngẩng đầu lên để gió đêm quất vào mặt. Ánh mắt áy náy trước khi tuẫn quốc của Ngô Miễn, Kiều Biểu in sâu trong kí ức.
Chàng hiểu, ánh mắt đó là muốn chuyển lời xin lỗi đến Hồ Quý Li, cha chàng.
Nguyễn thị chắc cũng đã cắn thuốc độc, gục chết cùng chồng mình tự bao giờ rồi. Chẳng cần nhìn Hồ Nguyên Trừng cũng biết. Chàng ngước lên vầng trăng nơi xa, than:
“ Anh hùng… nào có dễ làm?? ”
Nói đoạn, Hồ Nguyên Trừng nhặt khí giới của ba người lên, cắm xuống thay cho mộ bia. Phiêu Hương lấy đao Lĩnh Nam, đào cho ba người hai nấm mộ. Vợ chồng Nguyễn thị chôn chung một chốn, coi như phu thê xuống dưới tuyền đài cũng được đoàn viên.
Trương Phụ không ngăn cản, cũng chẳng tỏ thái độ gì hết. Người Trung Quốc có câu chó cùng nhảy tường, cả nước Nam cha ông ta cũng vẫn dạy con giun xéo lắm cũng quằn. Trương Phụ là người lão đời, gian giảo. Biết khi nào nên ép, khi nào cần dừng.
Gió đêm hú lên từng hồi, sao mà thê lương. Trong lều, binh lính nhà Minh ai nấy đều co ro trong chăn, không phải vì sợ lạnh mà vì hãi lũ muỗi rừng. Đại Việt nước độc rừng thiêng, đến muỗi cũng hung hãn hơn bắc quốc.
Tối nay thì càng chẳng ai dám ra ngoài. Có chót mót tiểu cũng nhịn, không thì túm nhóm mà đi. Vì sao ư? Bởi lởn vởn ngoài doanh trại, quện trong từng cơn gió núi là tiếng ai ngâm khe khẽ, rờn rợn như tiếng vong hồn. Ai nấy chùm chăn kín đầu, không dám hó hé tiếng nào, thành ra chỉ loáng thoáng được bốn câu
“ Nợ nước non ai ai cũng có,
]
Phận dân con giao phó phải mang.
Hễ đứng làm nghĩa sĩ anh trang,
Phải đáng bực trung thần liệt nữ. ” 
( Văn tế chư chiến sĩ trận vong / Chư lương dân tử nạn – thí thực cô hồn số 7. Đã sửa lại một chút cho hợp với văn cảnh)
Chỉ có mỗi Hồ Phiêu Hương là biết đến tận tờ mờ sáng hôm sau, Hồ Nguyên Trừng mới chịu về lều, vai áo nhiễm sương đêm.
Lại nói chuyện Tạng Cẩu và Bạch Thanh Lâu.
Hai người đang trên đường vào xứ Nghệ định mai táng Quận Gió, nào ngờ đụng phải Phạm Hách và đại cao thủ là trưởng môn phái Long Đỗ.
Kinh ngạc hơn, vị trưởng môn nhân ấy lại là một người con gái tuổi trông còn rất trẻ. 
Bạch Thanh Lâu ghé tai Tạng Cẩu, nói:
“ Lát nữa tao sẽ đánh với con ả ngồi kiệu, nhóc lo tên trọc lốc kia nhé. ”
Tạng Cẩu nhìn Phạm Hách, nuốt nước bọt.
[ Nhìn hắn đáng sợ quá. Cảm giác khác hẳn với mấy người mình đấu trong mấy ngày rồi. ]
Tính ra, Phạm Hách là kẻ có võ công cao nhất nó phải đối đầu từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ. Tất nhiên, so với những cao thủ nó từng gặp, hắn chẳng là gì. Song Quận Gió, Khiếu Hoá tăng, bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn không có ác ý với nó.
Phạm Hách thì khác. Trực giác mách bảo Tạng Cẩu rằng gã trọc lốc này sẽ giết nó ngay khi hắn có cơ hội.
Bạch Thanh Lâu tuốt kiếm, làm thế mời:
“ Phái Long Đỗ nổi tiếng với hai món công phu. Một là ám khí, hai là dùng độc. Không biết so với Quỷ Diện Phi Châu độc bộ thiên hạ của vua trộm, độc công của quý phái so nổi không?? Trần trưởng môn có thể cho gã học trò nghèo một đáp án chứ? ”
Trưởng môn phái Long Đỗ họ Trần, tên Liên Hoa. Đương nhiên trong giang hồ chẳng mấy ai biết khuê danh của nàng ta hết. Trần Liên Hoa biết Bạch Thanh Lâu cố tình nói kháy, chê công phu ám khí của phái Long Đỗ kém xa Quận Gió, phải dùng độc dược để thủ thắng. Song nàng ta cũng chẳng lấy thế làm tức giận, chỉ chậm rãi nâng bàn tay lên, nói:
“ Mời thầy khoá xem, kỹ nghệ của tiểu nữ vụng về cũng mong đừng chê cười. ”
Ngày xưa học trò lên kinh thi cử, người ta gọi bằng thầy khoá. Bạch Thanh Lâu là người trong Quốc Tử giám, vốn là nơi dạy học thuở trước. Thành thử, câu này vừa có ý nói móc Thanh Lâu hay lại qua nơi bướm ong lơi lả, vừa chê y là trò dốt nhiều năm chẳng đậu. 
Trần Liên Hoa thấy Bạch Thanh Lâu bóng gió, cũng kháy lại một câu.
Bạch Thanh Lâu đờ ra một thoáng, rồi cười vang:
“ Miệng lưỡi trưởng môn sắc hơn kiếm của tôi mất rồi. ”
Nói đoạn, ánh nhìn của thư sinh Quốc Tử Giám lập tức sắc lại, kiếm trong tay vẩy ra ba nhát nhanh như điện. Ấy là bộ “ Thuỷ ” trong chữ Hán.
Ba kiếm vung ra, gạt văng ba thanh Long Đỗ truỷ xuống đất.
Bạch Thanh Lây lại nhún chân xông lại, tay vạch chữ Bì lên không khí. Bì là da, thêm chấm thuỷ, thành Ba là sóng. Kiếm thế của Bạch Thanh Lâu cũng theo đó mà biến đổi, vồ vập cuộn trào như sóng bể Đông.
Trần Liên Hoa thấy chiêu kiếm ác hiểm khó lường, ẩn chứa vô vàn hiểm hoạ như mặt biển khơi che kín nhiều loài thuồng luồng cá dữ. Nàng ta bèn tung người nhảy lên, giật lấy thắt lưng mình, vung tay vụt mạnh xuống.
Choang một tiếng rõ to, chiêu kiếm đánh bồi của Bạch Thanh Lâu bị đánh bật sang hai bên như thể sóng vỗ vào vách đê. Trần Liên Hoa lại giật mạnh tay về sau, chiếc thắt lưng uốn một vòng, vụt trúng vai phải của Bạch Thanh Lâu.
Thư sinh ôm lấy đầu vai, lui vội ba bốn bước liền. Chiếc thắt lưng đánh dí theo rất rát, mỗi cú vụt xuống đều khiến mặt đường nứt toác ra một vệt dài.
Nhìn kỹ, thì mới thấy chiếc thắt lưng nọ hoá ra là một thanh quái kiếm. Lưỡi kiếm không phải một, mà do nhiều mảnh thép đỏ au được nối vào nhau.
Bạch Thanh Lâu nhìn thanh kiếm trong tay bị vụt cho xước một vệt dài, đầu óc thì bắt đầu xây xẩm vì độc mới than thầm.
[ Kiếm Long Đỗ đúng thật là lợi hại. ]
Ở một phía khác, Phạm Hách nhìn Tạng Cẩu, hai tay xoa xoa vào nhau vẻ thèm thuồng, nói:
“ Mày cũng may đấy nhóc, ở tuổi đó đã có công lực hơn người của vua trộm. ”
Tạng Cẩu thoáng lui lại một bước, toan chạy. Đối thủ muốn giết nó, đánh nó, bắt nó trên đường nam tiến này nó đều đã gặp rồi. Nhưng nhìn nó chằm chằm như muốn ăn tươi nuốt sống thế này thì lần đầu mới gặp.
Phạm Hách thấy bên kia Bạch Thanh Lâu yếu thế, bèn lấy làm mừng rỡ. Trần Liên Hoa kiềm chân họ Bạch, thằng nhãi non choẹt này đánh sao lại kẻ lão luyện giang hồ như y?? Nghĩ sao làm vậy, Phạm Hách bèn nhảy chồm tới, vung chưởng trái lên chộp xuống đầu Tạng Cẩu mà quát:
“ Giao Lục Lâm lệnh ra đây! ”
Một chưởng này hắn vận đến tám thành công lực, biết rằng nội lực thằng nhãi này được thừa hưởng của Quận Gió, không thể coi thường.
Tạng Cẩu giật mình, vội vàng nhảy lui lại. Trong lúc qua chiêu với nó, sư phụ hay bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn đều dùng chiêu thức thuần tuý, không cậy nội lực. Song Phạm Hách thì khác. Một chưởng của y vỗ xuống nặng nề như chuỳ sắt, nội kình hùng hậu hơn nhiều. Rõ ràng so với ngày đó tập kích doanh trại quân Hồ, nội lực của y đã có bước tiến dài.
Nói không ngoa, Phạm Hách là kẻ có nội công thâm hậu nhất nó từng phải đối mặt.
Bị bốn lão Địa Khuyết Thiên Tàn dần cho mấy chặp, thành thử Tạng Cẩu dùng Lăng Không Đạp Vân nay càng thêm thuần thục, bước đi nhẹ nhàng thong dong nhưng không chậm một chút nào. Nó dễ dàng tránh được một chưởng của Phạm Hách.
“ Chết thật, quên mất thằng nhãi này là đồ đệ của vua trộm! Nhưng lần này sẽ không nương tay nữa đâu! ”
Phạm Hách gằn giọng, quát. Để Tạng Cẩu thoát phát chưởng đầu tiên là nỗi nhục lớn đối với hắn. Gã hít sâu một hơi dài rồi vận công, dậm chân bám sát thằng nhóc. Thân pháp của y tuy không nhanh bằng Tạng Cẩu, nhưng thắng ở hoả hầu và quái dị.
Trong lúc chạy hông Phạm Hách cứ vặn qua lắc lại, hết trái lại phải trông đến là nực cười. Tạng Cẩu đang guồng chân, trông thấy bộ dáng kì quái của đối thủ cũng phải bụm miệng nén cười.
Chẳng ngờ Phạm Hách chỉ vặn eo có hai ba cái đã lách đến sát bên người Tạng Cẩu. Thân pháp của hắn trông thì khó coi, nhưng khiến gã đột nhiên linh hoạt như lươn rúc trong bùn. Y nâng chỏ, toan thúc một phát ngang ngực thằng nhỏ.
Đột nhiên đối thủ xuất hiện ngay bên cạnh khiến Tạng Cẩu bị giật mình, bất ngờ luống cuống cả tay chân làm hụt mất một nhịp. Thành thử, hiện tại nó có muốn giơ tay nhấc chân đỡ gạt cũng không còn kịp nữa.
Phạm Hách thấy thằng nhãi lỡ mất thời cơ chống trả thì mừng húm, cho là phen này ăn chắc Lục Lâm Lệnh rồi. Thì bỗng nhiên từ trong rừng cây vọng ra tiếng sấm khàn khàn:
“ Đồ ngu! Dùng Chó Sủa mau! ”
Tạng Cẩu không kịp nghĩ nhiều, vận khí theo đúng như những gì Khiếu Hoá Tăng đã dậy trước lúc rời khỏi căn miếu hoang ở Khoái Châu.
Nhất Chó Sủa Dai, Nhì Người Nói Lắp.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.