Thường Nga

Chương 11: Lời cuối truyện




“Thường Nga” hoàn toàn là sản phẩm tâm huyết dâng trào, so với “Nửa chén rượu” và “Thích khách” được cấu tứ qua năm này tháng nọ trước khi đặt bút, tác phẩm này được viết ra không hề qua suy nghĩ tường tận. Trước khi có cảm hứng, tôi vốn định để mở câu chuyện về Tào Ngọc Doanh và Tạ Bất Hối ở “Thích khách”, mặc độc giả tự tưởng tượng cái kết của họ. Cảm hứng đến quá đột ngột, tựa như đóa hoa thình lình nở rộ, hoặc giả thực chất vốn không hề đột ngột, đây chỉ là một khoảnh khắc lượng thay đổi dẫn đến chất thay đổi, bởi có rất nhiều suy nghĩ tích lũy từ trước đó nên mới có thể nảy sinh cảm hứng trong chớp mắt đó, cũng giống như phải sau một loạt quá trình gieo hạt, bắt rễ, nảy mầm, bông hoa mới có thể nở rộ trong một đêm.
Mấy tháng trước, tôi tình cờ nhìn thấy một bức hình trên mạng, trong hình có hai lon nắp bật, một lon hoàn hảo không sứt mẻ, bên trong cắm một nhánh hồng đỏ rực rỡ, mà lon còn lại thì như bị ai giẫm đạp, lõm xuống, bên trong cắm một nhánh hồng héo rũ. Có lẽ là do đang trong quá trình sáng tác nên thấy cái gì cũng không kìm được nghĩ theo hướng sáng tác, tóm lại, trong chớp mắt ấy, trong đầu tôi dần hiện ra một câu: Sáng tác như đóa hoa nở rộ trong đống rác. Sở dĩ gọi là đống rác là bởi phần lớn cảm hứng vụn vặt, hay chỉ có thể nói là ý nghĩ lộn xộn, đều không có trợ giúp gì với sáng tác chân chính, mà một vài ý nghĩ lộn xộn này, trong một khoảnh khắc nào đó, lại đột ngột tự phát thành một cảm hứng hoàn chỉnh, khiến việc sáng tác trở nên khả dĩ, tựa như nhánh hoa bắt rễ hấp thu dinh dưỡng trên đống rác. Rác rưởi che trời lấp đất, đóa hoa lác đác chẳng mấy, tôi nghĩ mỗi một người sáng tác đều nên quý trọng những bông hoa khó kiếm như vậy để bông hoa này sau cùng trở thành bài thơ dưới ngòi bút.
Cũng nhờ vậy mà có câu chuyện “Thường Nga” này, hổ thẹn mà nói thì truyện ngắn này tôi viết không quá dụng tâm, ban đầu thậm chí còn định trực tiếp lấy làm ngoại truyện của “Thích khách”, về sau, vì độ dài của “Thích khách” chỉ có một trăm mười ngàn chữ, nếu ngoại truyện lại hơn mười ngàn chữ thì thực sự không hợp lẽ thường, thế nên mới thôi. Nói chung thì, tuy tại tật cũ hay trì hoãn nên viết nửa năm mới xong nhưng câu chuyện này viết khá nhẹ nhàng, không đắn đo từng câu từng chữ, đặc biệt là khi so với “Nửa chén rượu” cũng ngắn tầm vậy. So với các truyện trước, truyện này tôi chú trọng vào biến hóa của tình tiết và biến hóa tâm lí nhân vật hơn, hành văn tinh tế duyên dáng thì bị gác sang một bên, thế nên từ góc nhìn của người sáng tác là tôi, thành phẩm cuối cùng trông có hơi xù xì.
Quay trở lại với câu chuyện, mặc dù tự thuật ở ngôi thứ hai, kể toàn bộ câu chuyện qua góc nhìn của con trai Tào Ngọc Doanh và Tạ Thiêm, Tạ Bất Hối, nhưng nhân vật chính hiển nhiên là Tào Ngọc Doanh, bộ phận chủ đạo trong cốt truyện chính là chuyến bỏ trốn và cuối cùng trở về trong tâm hồn của Tào Ngọc Doanh. Về giới thiệu, thực ra vừa có thể hiểu là Tào Ngọc Doanh hối hận đã chọn bỏ trốn cùng Tạ Thiêm mười năm trước, vừa có thể hiểu là hối hận mười năm sau bỏ trốn cùng Trần Phượng Sinh. Chương cuối cùng có một câu: “‘Trần Phượng Sinh?’ Mẹ nhoẻn miệng rất nhạt, nụ cười như đóa hoa chớp mắt đã tàn, tựa như chuyến bỏ trốn lần này của người, ‘Hắn chỉ là một gã nam nhân có chút thú vị mà thôi.’” Như đóa hoa chớp mắt đã tàn, đây chính là toàn bộ sự kiện Tào Ngọc Doanh bỏ trốn lần này. Người có buồn vui ly hợp, trăng có mờ tỏ đầy vơi, chuyện tình cảm chưa bao giờ có thể phán xét đơn giản bằng đúng sai mà phải xem căn nguyên phức tạp đằng sau. Tình cảm phức tạp, người gánh vác tình cảm cũng phức tạp, nhân tính vốn phức tạp.
Về chuyện ngoại tình, giảng viên tiếng Anh thời đại học từng cho cả lớp xem video một buổi diễn thuyết TED có tiêu đề “Tái nhận thức về hành vi ngoại tình”, nhớ lại thì lúc ấy đã gây chấn động rất mạnh cho tôi, lật tìm xem lại, dĩ nhiên không thể nói mình hoàn toàn đồng ý với diễn giả nhưng một phần quan điểm trong đó có thể giải thích rất rõ hành vi của Tào Ngọc Doanh.
Trong bài diễn thuyết đó có đề cập: “Chúng ta đều có một người tình lí tưởng trong ảo tưởng lãng mạn, anh ta có thể thỏa mãn nhu cầu vô tận trong mỗi một phương diện của chúng ta, anh ta có thể hóa thân thành người yêu vĩ đại của chúng ta, thành người bạn thân thiết, thành cha mẹ có trách nhiệm, thành tri kỉ đáng tin cậy, bầu bạn trong tình cảm, tương xứng trong lí trí.” Rõ ràng, mới đầu khi động lòng với Tạ Thiêm, không thể nghi ngờ là Tào Ngọc Doanh đã coi Tạ Thiêm là nhân vật như vậy, cho rằng Tạ Thiêm có thể giúp mình thoát khỏi sự kiểm soát của phụ thân, thoát khỏi trói buộc của mối hôn nhân với người mình không thích, thoát khỏi thành Lạc Dương khiến nàng nghẹt thở. Nhưng không có người đàn ông nào hoàn mĩ, người đàn ông có hoàn mĩ hơn nữa cũng không có khả năng hoàn toàn thỏa mãn tất thảy nhu cầu của phụ nữ, dù là trong truyện cũng không có, đúng như Tạ Thiêm nói, không ai có thể mãi mãi là thiếu niên. Đó chính là bước đầu tiên khiến Tào Ngọc Doanh chán ghét cuộc sống hiện tại.
Trong diễn thuyết còn nói: “Bất trung là một loại phản bội, nó cũng biểu đạt một sự khát vọng và thiếu thốn, nguyên nhân cốt lõi của ngoại tình chính là mọi người có thể thông qua đó tìm đến sự tương thông trong tình cảm, cảm giác mới mẻ, cảm giác tự do, quyền tự chủ, hi vọng bù lấp lỗ hổng của bản thân, hoặc là khát vọng hướng tới việc một lần nữa thử giành lại sức sống khi đối mặt với đau thương và thiếu thốn trong sinh hoạt.” Ngoại trừ theo thời gian, Tạ Thiêm không còn là người bạn tình hoàn mĩ trong lòng, nguyên nhân Tào Ngọc Doanh chán ghét cuộc sống hiện tại rất dễ thấy: Bởi vì phế Giang Đô vương mưu phản khiến nàng không thể không sống mai danh ẩn tính, từ đó mất đi tự do nàng truy đuổi cả đời, từ con gái thân vương đến người đàn bà nơi thị trấn xa xôi, thân phận địa vị và chất lượng sống sụt giảm đáng kể, không thể không giao thiệp với phụ nữ thôn quê mà người trước đây người vốn là quý tộc hoàng thân như nàng khinh thường, vì duy trì ẩn dật mà chẳng dám làm chuyện gì khác người. Mà chuyến thăm hỏi của Thạch Lãng thì trở thành giọt nước tràn ly, bởi trong lòng Tào Ngọc Doanh hiểu rõ rằng so với nàng, Tạ Thiêm có lựa chọn tốt hơn, mà nàng thì không thể không phụ thuộc vào Tạ Thiêm để sống sót. Nói cách khác, sở dĩ Tào Ngọc Doanh lựa chọn rời khỏi trấn Bạch Thủy, nguyên nhân tuyệt đối không chỉ giới hạn tại tình cảm với Tạ Thiêm, thậm chí có thể nói đây là một nguyên nhân rất nhỏ trong số đó, nhiều hơn cả chính là hoàn cảnh sinh hoạt không thể không đối mặt khiến nàng bài xích, căm ghét cuộc sống hiện tại, áp lực tâm lí khổng lồ khiến nàng không thể không tìm điểm đột phá, cũng chính là rời đi. Nói cách khác, xét từ nguyên nhân căn bản, thân phận và quá khứ của Tào Ngọc Doanh cùng Tạ Thiêm đã dẫn đến một lượng lớn vấn đề còn sót lại của lịch sử tồn tại trong cuộc hôn nhân của họ, mà những vấn đề lịch sử còn sót lại này thì tất nhiên sẽ dẫn đến quan hệ hôn nhân xuất hiện rạn nứt.
Trong diễn thuyết còn chỉ ra: “Trong lúc chúng ta kiếm tìm trông mong của người khác, cái tìm được thường không phải người bạn tình chúng ta chán ngán mà là một người nào đó tự bản thân chúng ta hóa thân thành, tỉ lệ chúng ta tìm được người khác còn không lớn bằng tỉ lệ chúng ta tìm được một “bản thân” khác. Ngoại tình một phần cũng là để hòng thay đổi trạng thái âm u chết lặng, coi nó như cọng rơm cứu mạng.” Câu này nói về việc tuyển chọn đối tượng ngoại tình, nếu chán ghét cuộc sống hiện thời, hiển nhiên Tào Ngọc Doanh sẽ không lựa chọn con em nhà quan như Tạ Thiêm mà chọn người thuyết thư tầng lớp dưới Trần Phượng Sinh tự do tự tại, qua lại thong dong, đồng thời mang thái độ cảm thông đối với hành vi mưu phản của cha mình. Cái nàng yêu chính là mộng mơ mà thân phận Trần Phượng Sinh có thể đem lại cho nàng, xưa nay nàng đều hi vọng mình có thể trở thành người tự do chứ không phải đi từ lồng giam này sang lồng giam khác.
Cuối cùng cũng đến đoạn khiến tôi chấn động nhất khi nghe buổi diễn thuyết ban đầu, cuối bài diễn thuyết đề cập: “Ngoại tình có thật sự mang ý nghĩa kết thúc một mối quan hệ yêu đương không? Chúng ta phải làm sao mới có thể thoát khỏi hành vi ngoại tình? Dục vọng thâm căn cố đế, phản bội cũng thâm căn cố đế, nhưng đều có thể chữa trị được. Một số hành vi ngoại tình giống như gõ vang tiếng chuông báo tử cho mối tình không thể vãn hồi, nhưng một số hành vi ngoại tình khác sẽ mang lại cho chúng ta khả năng mới sau khi vỡ mộng. Trên thực tế, đại đa số cặp đôi trải qua ngoại tình vẫn về lại bên nhau, không chia tay, nhưng trong đó có một số chỉ là kéo dài hơi tàn, một số khác mới chân chính có thể biến nguy cơ thành cơ hội, họ sẽ biến chuyện này thành một kinh nghiệm sống.” Sở dĩ nói sự bỏ trốn trong hành vi và tâm hồn của Tào Ngọc Doanh chuyến này tựa như đóa hoa chớp mắt đã tàn là bởi trước khi nở hoa cần rất nhiều trình tự, mặc dù nguyên nhân Tào Ngọc Doanh ngoại tình rất phức tạp, lại còn tích lũy qua năm này tháng nọ mà nên, nở hoa chính là thời điểm sự bất mãn đối với cuộc sống hiện tại của nàng đạt cực độ bộc phát, tức lựa chọn bỏ trốn cùng Trần Phượng Sinh. Song đến cùng, đoá hoa này là phù dung sớm nở tối tàn, cuộc trốn chạy này ngắn ngủi như con cá nhô ra khỏi mặt nước hít thở một lần vậy, rất nhanh sau đó Tào Ngọc Doanh đã lựa chọn trở lại cuộc sống dĩ vãng, bởi quay về Lạc Dương rồi mới phát hiện ra “Lạc Dương vẫn là Lạc Dương mà mẹ của quá khứ trăm phương ngàn kế muốn trốn thoát”, bởi “Có lẽ phải đến khi cái gọi là chấp niệm chân chính được thực hiện rồi mới phát hiện thì ra chẳng cần thiết phải chấp nhất”, bởi “Trong lòng mẹ hiểu cha con đã gắng hết sức cho mẹ một cuộc sống thần tiên.”
Cuối cùng, Tào Ngọc Doanh về lại trấn Bạch Thủy, tựa hồ hết thảy đều chưa từng thay đổi, lại tựa hồ hết thảy đều đã thay đổi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.