*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Trên dưới Lãnh gia thương quần thấy Hứa Dĩ Phàm và Tống Ý Thiên một đôi một ngựa cùng nhau trở về trong lòng đều đầy nghi vấn, phần cũng vì phu nhân vốn đã đóng cửa nghỉ ngơi hoá ra lại không có trong biệt viện. Có điều cả hai người cùng coi như không có chuyện gì xảy ra, chỉ là bình thản nhìn nhau, sau đó ai quay về sương phòng của người ấy.
Kì thực Tống Ý Thiên còn muốn hỏi Hứa Dĩ Phàm về những tin đồn liên quan đến Thiên Nguyệt Yến nàng nghe được. Nhưng chưa cần nghĩ tới việc phải mở lời thế nào, khi nàng chưa thức dậy người đã rời dịch quán ngay lúc mới bình minh. Vậy cũng tốt, có lẽ do nàng âm thầm gạt Hứa Dĩ Phàm chuyện dùng thuốc giả bệnh, mỗi lần nhớ lại ánh mắt của hắn nàng lại có chút chột dạ.
Hứa Dĩ Phàm bận rộn là vậy, mà công việc của nàng mấy ngày này cũng nhiều không xuể. Linh Lung và Tâm Liên bên cạnh một mực lo lắng nàng làm việc quá sức hại thân thể, chỉ có mình Tống Ý Thiên là mười phần hài lòng với tất cả tâm sức nàng bỏ ra.
Vưu phi có ý tổ chức cứu tế nạn dân tập trung trước cổng thành Tuyền Châu, tất nhiên các môn đệ và quý phủ có giao tình với phủ tứ hoàng tử Phong Dạ đều hưởng ứng. Hơn nữa, Lục Nghênh quán, vốn là nơi đi lại của không ít các nhân vật quyền quý, cũng thuận nước đẩy thuyền cho tiếng tăm lan rộng, mới chỉ ít ngày mà phong thanh cùng tài vật ủng hộ nhiều đáng kể. Vậy nên trong buổi ngắm hoa tại tứ vương phủ, nhắc đến chuyện này, những quý phu nhân, tiểu thư đều cảm thấy vui vẻ.
Tống Ý Thiên nhìn mọi người trò chuyện đầy cao hứng. Thân phận này của nàng chỉ là một phú thương phu nhân không chức tước nên được xếp ngồi phía xa, vừa hay giúp nàng thuận tiện đánh giá xung quanh mà không quá nổi bật.
Hôm nay Vưu phi đích thân mời nữ quyến làm khách, vừa để đáp lễ việc ủng hộ cứu tế dân chúng, vừa mang ý nghĩa củng cố vị thế trong giới quý tộc kinh thành. Nàng mặc bộ y phục do Tống Ý Thiên đặc biệt cho người mang tới vào hôm trước, trường y ba lớp không có hoa văn, lớp bên trong màu trắng, sau đến màu đồng, ngoài cùng là màu ráng chiều thanh nhạt. Giữa những phục sức cầu kì khi ghé thăm vương phủ của những người xung quanh, Vưu Minh trông có phần giản đơn nhưng lại hơn ở vẻ trang nhã. Trong búi tóc Vưu Minh ẩn hiện thoa ngọc khảm hoa đào màu hồng phớt, phối cùng dáng vẻ dịu dàng của nàng lại càng thêm mơ màng vô thực, tuyệt đối không hề mờ nhạt giữa dàn oanh yến trong hậu viên lúc này.
Chẳng qua có người không nghĩ như vậy.
"Nói ra thì đây là lần đầu nội viện tứ vương phủ chính thức mời các vị quý nhân tới thưởng hoa. Thiếp thân coi trọng dịp này, hồi hộp mất cả buổi điểm trang mới dám đứng cùng các vị," Giọng nói này Tống Ý Thiên đã từng nghe, chính là của vị Hồng cô nương đã từng làm loạn tại Lục Nghênh quán khi trước: "Bất quá nhìn Vưu phi thiếp thân thấy mình lo lắng vô ích rồi".
Mọi người nhất thời cùng hướng về phía Hồng cô nương, trên mặt như có như không đều tỏ ý lạnh nhạt. Tống Ý Thiên ở Nghi quốc quan sát được không nhiều càng không ít, cũng hiểu vì sao có phản ứng này. Những người ngồi đây xuất thân cao quý, không phải chính thê cũng là ái nữ của một cửa quan, cộng thêm quan niệm khắc nghiệt đã có từ lâu của Nghi quốc. Họ vốn không để một thông phòng không cưới hỏi đàng hoàng vào mắt, huống hồ Hồng thị còn xuất thân thứ dân.
Chẳng qua việc trước giờ Vưu phi không được Phong Dạ sủng ái, trong phủ bị mấy người thiếp từng bước lấn lướt đã không còn gì bí mật, dù có coi thường Hồng thị cũng không thể trực tiếp trở mặt với nàng ta. Lại nói, nhìn tới Vưu phi vị trí chủ toạ ăn mặc giản dị, câu này của Hồng thị tuy không biết nặng nhẹ nhưng chưa hẳn là vô căn cứ.
Tống Ý Thiên hiện tại không có địa vị cao, còn là người ngoại quốc, tất không đến lượt nàng lên tiếng. Ngoài việc làm khách của Vưu phi với danh nghĩa cùng tham gia cứu tế, Tống Ý Thiên tới đây chỉ với một mục đích, còn sân khấu này Vưu Minh chuẩn bị thế nào, nàng ngồi xem là được.
Cứ vậy, nhất thời chỉ nghe âm thanh mấy chiếc quạt lụa phe phẩy đều đều, rồi có tiếng cười điềm đạm thanh thuý của Vưu Minh cất lên: "Hồng nương ngồi quá xa ta thực nghe không rõ, vừa rồi đã nói gì thế?"
"Thiếp thân chỉ cảm thán một chút, biết trước Vưu phi tuỳ tiện điểm trang như vậy, thiếp thân đã không cần vì uy thế của vương phủ mà tốn một phen công sức rồi" Hồng thị ý cười đầy vẻ khiếm nhã, chẳng qua còn đang ở vương phủ, bằng không nàng ta có lẽ đã lộ ra bộ dạng tầm thường chua ngoa như khi tranh chấp tại Lục Nghênh quán.
"Ta nghe không rõ," Vưu Minh hơi nghiêng đầu nhìn mấy vị mệnh phụ ngồi gần đó lộ vẻ ái ngại, lại hướng Hồng cô nương hỏi lần nữa: "Hồng nương vừa nói gì vậy?"
"Ta nói..." Hồng thị cứng họng, không ngờ tới Vưu phi làm như không nghe không thấy bắt nàng ta lặp lại mấy lần.
Ngồi phía trước Tống Ý Thiên hai ghế có người đã không nhịn được xen vào: "Hồng cô nương do phân vị cách biệt nên ngồi hơi xa, Vưu phi tại thượng không nghe thấy cũng phải thôi. Chi bằng tới bên chỗ thị nữ của Vưu phi đang đứng, như vậy tất cả mọi người đều chú ý nghe được Hồng cô nương".
Xung quanh đã rộ lên vài tiếng khúc khích trào phúng, khiến Hồng thị đỏ mặt bặm môi. Một người khác ngồi gần bên Vưu phi, có lẽ vai vế khá cao, vừa cười vừa thẳng thừng bảo: "Không cần đảo lộn trật tự tôn ti đâu, ta vừa hay nghe rõ. Lời vừa rồi có ý nói Vưu phi so với Hồng cô nương nàng ta thì kém bề lộng lẫy, làm mất đi uy vọng của tứ hoàng tử điện hạ". Vị phu nhân đó nhìn Vưu phi, nhàn tản đưa khăn tay che miệng. Sớm biết Vưu trắc phi này trước giờ nhu mì, mấy ngày trước ở bên ngoài bị chính Hồng thị này đụng tay chân làm mất mặt, bà ta cũng không quá coi trọng Vưu phi.
Tống Ý Thiên tâm trạng chùng xuống. Đột nhiên, nàng tưởng như mình lại trở về với chốn hậu cung. Sinh ra, trưởng thành rồi lại gả đến nơi ấy, vậy mà bây giờ nhìn cảnh tượng tương tự bất chợt lại có cảm giác thất vọng.
Nàng kín đáo đưa mắt nhìn Vưu Minh, thấy nàng ấy nét mặt vẫn luôn điềm tĩnh, thong thả gật đầu: "Ra vậy, Tuyên hầu phu nhân". Vưu Minh đặt chiếc quạt trên tay xuống, chậm rãi cất lời: "Hôm nay khách khứa từ các quý phủ tới thưởng hoa đều là những người đặc biệt nể mặt điện hạ, lại có lòng san sẻ cứu tế chúng dân gặp nạn dạt về kinh thành, ta đối với các vị thập phần cảm kích. Nói cho cùng, tất cả chúng ta ngồi đây đều chung một mục đích. Thiết nghĩ bản thân bớt đi gấm lụa xa xỉ, trang sức xa hoa mới là phải lẽ với cảnh khốn khó của nạn dân, mới xứng với tâm ý cùng tài vật mà các vị gửi gắm. Bởi vậy, ta đã nhờ Lục Nghênh quán Lãnh gia phu nhân chuẩn bị bộ y phục trên người, kiểu dáng tinh giản, quý ở tay nghề xuất chúng. Người hiểu ý ta như Lãnh phu nhân không nói, nhưng người không biết có lẽ cũng nghĩ như Hồng nương, phải không?"
Nói tới đây, Vưu phi uyển chuyển nhìn qua khắp hậu viên một lượt, ánh mắt nán lại Hồng cô nương giây lát, sau cùng dừng tại chỗ Tuyên hầu phu nhân kia. Bà ta lập tức nghiêng đầu đáp, ném củ khoai nóng bỏng tay lại về phía Hồng thị: "Vưu phi suy nghĩ thấu đáo, đặt ra tấm gương cho mọi người khiến chúng thiếp thân ngưỡng mộ. Còn những kẻ nông cạn vô tri, Vưu phi chẳng cần để trong lòng"
Hồng cô nương bị Tuyên hầu phu nhân bóng gió khích bác tất nhiên càng tức giận, còn chưa biết phản ứng thế nào đã nghe thấy Vưu phi dịu dàng lên tiếng: "Có điều bản thân ta thế nào cũng không thể làm mất đi uy nghiêm của vương phủ, để người của điện hạ do ta quản lý phải chịu thiệt thòi. Xem ra số vải lụa thượng phẩm ta ban cho vẫn chưa đủ long trọng, vậy nên Hồng nương mới lo lắng cho uy vọng của mình ảnh hưởng tới vương phủ đến vậy".
Bao nhiêu cái nhìn âm trầm dán vào Hồng cô nương, nàng ta vừa thẹn vừa giận nói: "Vưu phi nói đùa, thiếp thân chưa từng mặc qua vải lụa thượng phẩm người ban!"
"Hồng nương gần đây hay bận rộn nên có lẽ không để ý. Y phục ngươi đang mặc là do ta ban xuống cho đông tây nội viện vương phủ hai ngày trước, mỗi phòng đều có phần. Phiền Lãnh phu nhân xem có đúng vậy không?"
Dứt lời, hậu viên lập tức xôn xao. Đón được ánh mắt của Vưu Minh, Tống Ý Thiên hiểu ý, đôi tay nhàn nhã cầm chung trà hơi dừng lại để ngắm Hồng cô nương: "Ngoại bào Hồng cô nương đang mặc may từ gấm đoạn thượng hạng của vùng Thạch Xuyên Trịnh quốc, phối với trung y từ tơ tằm, đúng là nằm trong số tú phẩm Vưu phi đích thân mua cách đây mấy ngày," Nàng hơi cười, nhìn sang nữ tử ngồi cạnh Hồng thị: "Lương cô nương chắc còn nhớ, lúc Lãnh phụ mang tú phẩm đến vương phủ cô nương đã từng gặp qua".
"Đúng là vậy" Lương cô nương không nhìn nàng, chẳng mặn mà đáp. Hồng thị nghe vậy trên mặt lộ rõ vẻ khó tin cùng xấu hổ, còn có chút bất mãn liếc qua Lương thị ngồi bên. Để cho nàng ta nghĩ Lương thị cũng có phần trong sự việc hôm nay, vậy thì sau này hai người càng khó có cơ hội liên thủ đối đầu với Vưu phi.
Đến nước này, những người nãy giờ im lặng chứng kiến căn bản đã hiểu, thế cục của tứ vương phủ từ giờ sẽ không giống trước kia. Vị trí tứ vương phi còn trống, địa vị của trắc phi vẫn vững vàng không đổ, nay xem chừng Vưu phi đã quyết ý trấn áp mấy tiểu thiếp không an phận. Đã vậy, lấy lòng Vưu phi mới là khôn ngoan, còn Hồng thị kia càng không cần kiêng dè.
"Vưu phi nhân hậu có lòng tránh phung phí để mọi người cùng noi theo, nhưng rốt cuộc vẫn sảng khoái rộng rãi không để người dưới phải chịu thiệt thòi. Còn như Hồng cô nương, mặt mũi lớn đến đâu mà dám bàn luận gánh vác uy vọng của tứ vương phủ chứ?"
"Cứ nhìn cô nương vừa nãy còn nhất mực khẳng định bản thân chưa từng mặc thứ gì từ chỗ Vưu phi, trên người lại khoác gấm lụa quý giá Vưu phi ban xuống thì biết. Hồng cô nương có vẻ thích nói hai lời, bằng không nếu còn muốn giữ mặt mũi thì nên cởi ra dâng trả Vưu phi tạ lỗi mới đúng"
Miệng lưỡi những mệnh phụ đoan trang kia càng nói càng thâm độc, rõ ràng là có ý ép Hồng cô nương cởi y trang chịu nhục trước đám đông. Gương mặt hoa lệ thường ngày kiêu căng lanh lẹ của Hồng thị trở nên tối sầm, mày mi nhíu chặt.
Trong lòng Tống Ý Thiên nhìn cảnh này không mấy dễ chịu, thầm suy nghĩ một lời hợp lí để tránh cho Hồng thị bị dồn đến đường cùng. Nàng ta là tân sủng mới nhập phủ chưa lâu, có lẽ đến giờ mới ý thức được sự khốc liệt của tôn ti, địa vị trong giới hoàng thân quý tộc, nơi chỉ cần vài câu bâng quơ cũng đủ hành hạ một người. Hồng thị coi như đã nhận được cảnh cáo, mà nếu tỳ thiếp của tứ hoàng tử trở thành trò cười của đám nữ nhân, ngược lại sẽ gây bất lợi cho chính Vưu Minh. Chung quy cũng nên chấm dứt huyên náo tại đây.
Chỉ là chưa cần nàng phải ra mặt, Vưu Minh đi trước nàng một bước, giọng nói ung dung: "Trời hè vải gấm nặng, có lẽ vậy nên Hồng nương mới đổ nhiều mồ hôi vậy. Người đâu, đỡ Hồng nương về hoán y nghỉ ngơi đi".
"Thiếp thân xin cáo lui." Hồng thị tự biết, đây là khoan nhượng của Vưu phi để tránh nàng ta khỏi nhục nhã, chỉ dám cúi thấp đầu hành lễ rồi một mạch cùng tỳ nữ rời đi.
Một màn đó diễn ra khiến không khí trong hậu viên mang chút không tự nhiên. Tuyên hầu phu nhân ban nãy hành ngôn có phần đụng chạm, bèn mắt cười thong thả tìm chủ đề mới: "Vừa rồi Vưu phi nhắc đến trang phục của Lục Nghênh quán quý ở chỗ tay nghề xuất chúng quả là không sai. Tuyên hầu phủ ta tuy yêu thích cũng cần sai người tới tận nơi lựa chọn, chỉ có Vưu phi là người đầu tiên được Lãnh gia phu nhân đích thân lưu ý việc may đo. Âu cũng là có nguyên do, Vưu phi tôn quý, trang phục tinh tế tỉ mỉ thế này mới xứng với phong thái người"
Mấy phu nhân tiểu thư khác, người đồng tình mà khen ngợi Vưu phi, người thì gật gù: "Lãnh gia vừa đến đã nổi danh khắp Tuyền Châu, nghe nói phần nhiều công sức là của Lãnh phu nhân khi tiếp quản việc kinh doanh ở Phán quốc và Nghi quốc. Vẫn cho rằng Trịnh quốc lễ giáo đối với nữ nhân nhất mực nghiêm khắc, Lãnh phu nhân đúng là khiến ta mở mang tầm nhìn"
Không khó nhìn ra giao hảo giữa nàng và Vưu phi. Thế nên Lãnh phu nhân nàng, từ một nữ tử khác người cả ngày ở ngoài buôn bán và mang sẹo chẳng lành trên mặt, qua miệng bọn họ mới thành tốt đẹp đến vậy. Khoé môi nhẹ nhàng dâng lên biểu thị cảm kích, nàng từ tốn đáp: "Giả phu nhân quá lời, Lãnh phụ kinh hỉ không dám nhận. Lãnh phụ bồi phu quân đến Nghi quốc làm ăn quả thực khó khăn lạ lẫm muôn phần. Nếu không phải Tuyền Châu là nơi đất lành, lại nhờ phúc khí của các vị đây, Lãnh gia làm sao được như hiện tại? Lục Nghênh quán thực ra có nhiều thiếu sót, chỉ mong các quý phủ không trách tội thiếu tận tâm".
"Lời này sao lại nói vậy?" Thấy Tống Ý Thiên biểu tình mang vẻ trầm trọng, Giả phu nhân nhướn mày hiếu kì hỏi.
"Chẳng là tất cả các tú phường Lãnh gia sở hữu, từ Trịnh quốc Tích Vân phường đến Phán quốc Bích Giai phường đều mở một phòng trà. Như vậy vừa để khách khứa thư giãn chọn lựa tú phẩm, thuận tiện để các vị phu nhân, tiểu thư giao lưu đàm đạo, vừa tỏ lòng tri ân của Lãnh gia," Tống Ý Thiên khẽ thở dài một hơi, yếu ớt tiếp tục: "Nhưng đến đây Lãnh phụ mới biết trà phẩm tốt lại khó kiếm nhường này, càng chẳng dám tuỳ tiện mang đồ thứ phẩm hay nước lã tạm bợ ra đón tiếp, vì thế chỉ duy có Lục Nghênh quán là không mở phòng trà tiếp khách. Lãnh phụ sợ rằng các vị sẽ nghĩ Lãnh gia không coi trọng Nghi quốc, xem nhẹ việc buôn bán ở Tuyền Châu".
Vưu phi ưu nhã vuốt nắp ly trà sứ trên tay, lắc đầu nói: "Chuyện này không thể trách Lãnh phu nhân. Địch Hoá bị hạn chế giao thương, ngay cả chúng ta cũng không dám chắc còn nhàn tản thưởng trà thế này được bao lâu nữa". Vưu phi vừa dứt lời, mọi người đều cho là phải, lập tức xôn xao tỏ ý bất bình.
Những điều nàng vừa nói kì thực không hẳn là sự thật. Chưa nói đến Tích Vân phường mới được Hứa Dĩ Phàm mua lại hơn một tháng trước và không do nàng quản lí, Bích Giai phường cũng chỉ mới sắp đặt phòng trà gần đây, cốt yếu làm đầu ra cho số trà tồn đọng ở Thiết Nga Trưởng. Chẳng qua vờ như than thở vài câu đó mới chính là mục đích để nàng ngồi ở nơi thị phi này nửa ngày trời.
Nếu xem trà như một loại xa xỉ phẩm của tầng lớp quý tộc và đại phú ở Nghi quốc vốn khí hậu không thể tự cung, vậy thì thiếu hụt trà là vấn đề đau đầu đối với những mệnh phụ ngồi đây, những chủ mẫu một tay quán xuyến nội tình, ăn nghỉ của các gia phủ. Vài người thầm bất mãn hiển nhiên không thay đổi được gì, nhưng giống như có một hồ nước lớn, thả xuống một hòn đá, nhất định gợn sóng lan toả khắp mặt hồ.
Tống Ý Thiên coi như đã hiểu được ý tứ câu "Xuất đại hải, ngự hung ba" mà Hứa Dĩ Phàm nói với nàng. Là muốn ra biển lớn, cần nương nhờ con sóng.
Nàng nhờ vào tạo dựng quan hệ với Vưu phi để gặp được những nhân tố đặc thù. Tỉ như các mệnh phụ, tiểu thư trong buổi thưởng hoa tại tứ vương phủ này đều là đại diện cho phe phái của tứ hoàng tử Phong Dạ. Tác động lên họ cũng đồng nghĩa với tác động đến quyền thần dưới trướng Phong Dạ, tức những kẻ quan hệ tốt với thế lực của Thục phu nhân cùng Hoắc gia nhưng lại đối đầu phe cánh thân cận nhị hoàng tử Phong Viên. Có như vậy mới tạo được áp lực để cửa biển Địch Hoá vốn do Phong Viên nắm quyền sớm có cơ hội dỡ bỏ bế quan.
Đây hẳn cũng là lí do 'Lãnh gia' muốn nàng cùng người xuất hải với danh nghĩa mở rộng làm ăn, khiến cho nàng hình thành mặc định về việc mở ra một tú phường trên đất Nghi quốc. Hứa Dĩ Phàm dường như biết nàng ngay từ đầu sẽ loại đi nhị vương phi, vậy nên dựng một Lục Nghênh các để bỏ qua đại vương phi đang cùng trưởng hoàng tử Phong Hằng trong cung hầu bệnh Nghi vương, nữ nhân hoàng tộc mà Tống Ý Thiên có khả năng thân tín đã được định sẵn sẽ là Vưu Minh.
Mưu chồng mưu, kế chồng kế, Tống Ý Thiên có hoang mang cũng rất lo sợ, thế nhưng đáy lòng lại phảng phất một điểm an tâm. Giữa nơi đất khách, bá nghiệp giao tranh, chỉ cần Hứa Dĩ Phàm vẫn dự liệu được hành động của nàng, điều đó có nghĩa nàng vẫn đang đi đúng hướng. Càng kì lạ hơn là, nàng cũng không cảm thấy cái lạnh lẽo vô định, tháng ngày đằng đẵng như lúc còn trong thâm cung.
Trở về từ tứ vương phủ, Tống Ý Thiên cùng Tâm Liên và Linh Lung dùng thiện tối. Thực ra khẩu vị nàng gần đây không tốt, nhưng vì hai người nào đó vì sợ nàng lao lực, ngày nào cũng bỏ công phu nấu đủ món ngon miệng nên đành thưởng thức mỗi thứ một chút. Tống Ý Thiên buông đũa, đợi Tâm Liên dọn qua bàn ăn xong xuôi liền mang tới giấy bút, tự tay châm đèn đều đều mài mực.
Hai ngày nữa là hai mươi tám tháng sáu, ngoài cổng thành Tuyền Châu sẽ tổ chức cứu tế nạn dân. Tới lúc đó, mọi con mắt sẽ đổ dồn sự chú ý lên Vưu phi. Nàng có ba điều cần viết ra gửi đến Đông viện.
Bút lông đưa trên mặt giấy, nét bút theo lối lệ thư tuy uyển chuyển mà đậm nét, khó nhìn ra tuổi của nữ tử viết. Tống Ý Thiên nhắc đến Hằng Nương tích(*) Linh Lung kể nàng hay, vốn là câu chuyện truyền tai nhau của nữ nhân dân gian phía tây Vệ, Phán. Phần đạo lý lưu giữ quân tâm trong đó nên dùng những gì, dùng thế nào, Vưu phi ắt hiểu rõ hơn nàng.
Trong thư nàng nói với Vưu phi rằng, cần để cho mọi người nghĩ việc cứu tế cũng rất hợp ý Thục phu nhân. Như vậy một phen tâm tư này mới thực sự tính là công toại.
Tống Ý Thiên nhớ lại vẻ gượng gạo khó xử của Vưu Minh khi nhắc đến Thục phu nhân nàng bắt gặp. Khoảnh khắc ngắn ngủi ấy đã khiến nàng nhận ra mấu chốt, đó là việc Phong Dạ không tỏ ra sủng ái Vưu Minh quá nửa là do Thục phu nhân không dành thiện cảm cho nàng.
Từ khả năng Vưu Minh được Nghi vương chọn để kìm hãm Thục phu nhân cho tới Phong Dạ, bề ngoài nạp ba tiểu thiếp nhưng thực chất đều xuất thân thứ dân không thể đe doạ địa vị của Vưu Minh trong vương phủ. Ngẫm kĩ lại, đối với Vưu Minh có mẫu gia không quá quyền thế, làm trắc phi đứng ở vị trí đối trọng với nhị vương phủ của Phong Viên còn bị Thục phu nhân lạnh nhạt, vô sủng mới là bảo toàn. Xâu chuỗi các sự việc, câu trả lời đã ở trước mắt. Muốn Phong Dạ toàn tâm phu thê ân ái với Vưu Minh cần qua ải Thục phu nhân.
Cuối cùng nàng viết: "Lãnh Việt thị mong Vưu phi thành toàn, giúp tệ phụ diện kiến Thục phu nhân nương nương. Tệ phụ muốn có cơ hội dâng vải gấm Trịnh quốc tới Nghi quốc cung, đem tú nghệ Trịnh quốc vang danh thiên hạ."
Tống Ý Thiên từng nói với Hứa Dĩ Phàm về chủ đích khi gợi ý Vưu phi cùng phát lương áo cứu tế. Hứa Dĩ Phàm nhìn được tâm ý nàng, nhưng chưa nghe giải thích lý do.
Thứ nhất, việc này là để Vưu phi tin tưởng, càng thêm thân cận.
Thứ hai, giúp tiếng tốt của Phong Dạ và Vưu phi truyền khắp kinh thành được lòng dân chúng, tất sẽ lan tới hoàng cung. Đây tính là nợ ân tình.
Còn thứ ba, nàng muốn nhân việc này giúp Vưu Minh lấy được lòng Thục phu nhân. Thục phu nhân cư nhiên được Vưu Minh trao cho tiếng đức độ sẽ triệu Vưu Minh vào cung hỏi chuyện, cũng chính là cơ hội để nàng tiếp xúc với nữ nhân quyền lực nhất tiền triều và hậu cung Nghi quốc.
Muốn ra biển lớn, cần nương nhờ con sóng.
Đây mới là nhiệm vụ thực của nàng ở Nghi quốc, là tiếp cận và nắm bắt thông tin của nội cung nước Nghi.
———————————————————————————
(*)Tích truyện Hằng Nương: Truyện thứ 69 trong Liêu Trai Chí Dị. Chu thị là vợ Hồng Đại Nghiệp, rất xinh đẹp. Ban đầu được chồng thương yêu, sau có người thiếp Bảo Đới nhan sắc kém xa được Hồng chiều chuộng nên hai vợ chồng bất hoà xa cách. Hồng thị sống gần nhà Hằng Nương, khoảng ba mươi tuổi nhan sắc bình thường nhưng duyên dáng dịu dàng. Chu thị thấy hai vợ chồng Hằng Nương không hề cãi cọ, trong nhà có người thiếp xinh đẹp nhưng chồng chỉ yêu mình Hằng Nương thì xin chỉ dạy. Hằng Nương bày cách biến cũ thành mới, giúp Chu thị tìm lại tâm ý chồng. Say này khi từ biệt, Hằng Nương tiết lộ cho Chu thị biết mình là hồ ly.
——————————————————————————-
Chương mới tới nơi!! Dù báo các nàng là sẽ ra sớm hơn nhưng mà bận rộn quá, lại nóng nữa 😅 Tích Hằng Nương trên là ta tóm tắt, các nàng có thể tìm đọc luôn, không quá dài mà "yêu thuật" của Hằng Nương cũng rất thú vị và đáng để đánh giá suy ngẫm. Mong là chương mới này được các độc giả của Tịch Mịch tích cực đón nhận. Chúc các nàng thật nhiều sức khoẻ và đọc truyện vui vẻ nha😆💗💗💗