Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 116: Hồi Mười Hai:Mưa trên cuộc tình (b)




Đường Trí Nghĩa tới salon cắt tóc mà Uông Trác giới thiệu, chủ salon mang tên Simon, tất nhiên không phải là Simon Cowell, mà là một cậu trai trẻ tóc hồng rất đáng yêu mang họ Nhan.
Sau sự kiện bị tước bằng lái xe tạm thời, Uông Trác cay cú tới mức độ đi đổi kiểu tóc hòng xả giận. Còn anh thì đi cắt tóc xả xui, vì hai ngày tới anh phải ra toà án Quân sự trình diện rồi. Luật sư ban đầu do tòa chỉ định, nhưng đã bị anh cật lực phản đối với lý do vi phạm nhân quyền. Rốt cuộc thì bên phía Biệt động quân cũng chấp nhận để anh tự tìm luật sư. Thân nhân của Mạnh Đình và Y Huyền cũng sẽ có mặt tại tòa án.
- Anh cao thật đấy! - Nhan Hạ Miên nhìn Đường Trí Nghĩa đầy ngưỡng mộ. Chiều cao chỉ nhỉnh hơn mét bảy đôi chút khiến cậu ta trông lép vế hẳn so với đám bạn bè đồng trang lứa.
Đường Trí Nghĩa bật cười. Rồi xoa đầu Nhan Hạ Miên. Đây không phải là hành động sỗ sàng hay càn rỡ, mà là anh đã được Uông Trác "bật đèn xanh" trước, anh ấy bảo rằng cậu ta rất thích được xoa đầu, bởi đó là cử chỉ yêu thương cuối cùng mà ông ngoại có thể trao cho cậu ta trước khi cụ lìa đời.
- Ô, mặt góc cạnh thế này dễ tìm kiểu đẹp lắm nghen. Nhưng mà giá tiền tùy kiểu mà có chênh lệch chút đỉnh. - Nhan Hạ Miên dùng tay làm thước đo độ. Sau một hồi ngó nghiêng kỹ càng, cậu ta mới giở catalog ra cho Đường Trí Nghĩa xem kiểu tóc mà mình chọn. Anh đề nghị cậu chỉnh lại kiểu dáng một chút theo ý mình.
"Phật."
Nhan Hạ Miên choàng khăn lên người Đường Trí Nghĩa, vuốt phẳng phiu một chút rồi mới quay lại cầm kéo và lược để cắt tóc cho anh.
- Anh có người yêu chưa?
- Tôi nghĩ... - Đường Trí Nghĩa cau mày suy nghĩ. - Tôi là Asexual, vì tôi chẳng cảm thấy bị hấp dẫn bởi bất kỳ giới tình nào cả, ham muốn quan hệ tình dục cũng không nốt.
- Có thể là do anh chưa gặp được đối tượng thích hợp thôi, chứ Asexual với bệnh lãnh cảm khó phân biệt lắm. - Sau vài phút đắn đo, Nhan Hạ Miên mới rụt rè bày tỏ ý kiến của mình cho Đường Trí Nghĩa hay.
- Không biết nữa, đi khám thì được phát phiếu "Bé khỏe-Bé ngoan", mà xem tới cái gì cũng không "cứng" nổi.
- Bệnh này chắc chỉ có mỗi YH chữa khỏi.
- Ngộ nhỡ không khỏi thì sao? - Đương nhiên Đường Trí Nghĩa biết YH ám chỉ Thẩm Ý Hiên, anh ta một thời bị trêu là "Honda Yamaha" vì cái tính phong lưu của mình.
- Liệt dương suốt đời. - Nhan Hạ Miên xấp xấp kéo vài bận nơi đám tóc sau gáy Đường Trí Nghĩa, rồi dùng cọ nhỏ quét vụn tóc vương trên khăn choàng và phần gáy cổ. - Xong!
Đường Trí Nghĩa nhìn Nhan Hạ Miên lăng xăng như con sóc nhỏ uyển chuyển chuyền từ cành này sang càng khác, trong lòng chợt cảm thấy cậu ta ngồ ngộ và dễ thương ra phết.
- Anh muốn lấy ráy tai không? - Nhan Hạ Miên vừa nuốt xong một ngụm nước khoáng, liền cất giọng hỏi Đường Trí Nghĩa.
- Bây giờ ít ai... Thôi, phiền cậu vậy. - Đường Trí Nghĩa nhún vai. Dẫu sao tai của anh cũng cần được gột sạch để nghe các cáo buộc từ phiên tòa Đầm Cơ rõ hơn.
Nhan Hạ Miên mở hộp đựng cây lấy ráy tai, lấy ra một cây. Trong hộp có khoảng mười mấy cây, liếc qua sơ thì thấy chúng còn khá mới, chắc chưa sử dụng qua lần nào.
- Còn cậu thì sao? - Sau mười lăm phút lấy ráy tai bên, Đường Trí Nghĩa mới sực nhớ ra chủ đề dang dở ban nãy.
- Tôi là Gay rặt, Gay thuần chủng, không pha tạp. - Nhan Hạ Miên nhếch miệng cười. Đoạn vứt cây lấy ráy tai vào trong sọt rác. - Dễ chịu không?
- Sao nói nặng thế chứ cậu trai? - Đường Trí Nghĩa dịu dàng hỏi. Nhưng không có câu trả lời nào được hồi đáp cả. Bên ngoài mưa táp vào vách tường kính trong, những giọt nước trong vắt chầm chậm lăn xuống nền gạch vỉa hè, ươm mầm cho một ngọn cỏ dại nằm len dưới lớp gạch vỡ. Gã bảo vệ ngáp ngắn ngáp dài, rồi quay qua trò chuyện tiếp với tay bảo vệ ở cửa hàng giày dép nằm cạnh salon cắt tóc của Simon Nhan.
Đường Trí Nghĩa cùng Nhan Hạ Miên bung dù đi dưới cơn mưa tầm tã đến quán bún riêu cách salon của cậu năm căn, sau khi anh thanh toán xong hóa đơn của cậu, kèm theo một khoản tiền "boa" hậu hĩ. Anh cũng vừa hay thợ chính trong salon phải vào bệnh viện gấp do vợ chuyển dạ, nên hôm nay cậu đứng làm thế.
- Miễn rằng đừng vu khống tôi là thằng bệnh hoạn hay biến thái, thì muốn gọi tôi sao cũng được. "Bóng lại cái", "xăng pha nhớt" hay "bê-đê", tôi cũng chẳng thèm màng. - Nhan Hạ Miên vênh mặt nói. - Tại vì anh không ở trong giới giải trí nên không biết thôi, nhiều đứa có đồng tính con mẹ gì đâu, lúc trước còn kỳ thị bọn tôi ra mặt, nhưng khi thấy càng ngày càng có nhiều người nỗ lực giúp cộng đồng LBGTQ+ thoát khỏi những định kiến sai lệch của xã hội, thì liền giả vờ tung tin đồn mình cũng là người đồng tính, rồi phát hành những sản phẩm thể hiện ủng hộ bọn tôi để kiếm lời từ phong trào này. Chỉ có người trong giới mới biết chúng xảo trá và "thẳng đuột" thế nào thôi...
- Bây giờ có thêm vấn nạn giả đồng tính nữa à? - Đường Trí Nghĩa dở khóc dở cười hỏi.
- Giả cái gì mà có thể moi ra tiền là chúng bất chấp hết. - Nhan Hạ Miên đá hòn đá trên vỉa hè. Hòn đá chầm chậm lăn vào một vũng nước mưa đùng đục, rồi nằm im ở đó.
Vậy là Đường Trí Nghĩa đã quen với Nhan Hạ Miên như thế đó. Trong một ngày mưa thu se lạnh và nồng đượm vị ngon của tô bún riêu ấm nóng.
oOo
Người bạn Hồng Kông của An Kỳ nghe xong đoạn băng ghi âm, liền soạn tin nhắn lại. Nội dung đại để như sau:
"À, là bài "Từ giây phút đầu đến hiện tại" do Trương Tín Triết thể hiện. Ca khúc này được chuyển thể từ nhạc phim Hàn Quốc "Bản tình ca mùa đông". Sao, có gì không?"
"Hết rồi."
"... Thế nhắn tin cho tôi chỉ hỏi vỏn vẹn có một câu rồi thôi à?"
"Xéo."
An Kỳ tra Google xem vietsub của ca khúc, anh hơi tò mò rằng tại sao người thương lại cài bài hát này làm nhạc chuông trong khoảng thời gian ở cùng Ngôn Thiệu Phong.
"Làm sao em có thể yêu một người chỉ vì ngoại hình của người ấy quá giống anh
Làm sao em có thể chấp nhận sự thật rằng yêu anh là một sai lầm chứ?"
Bởi vì Ngôn Thiệu Phong chưa từng có bất kỳ cảm tình nào với Vệ Minh, kể cả là tình bạn, nên anh ta không hơi đâu mà đi tra nghĩa nhạc chuông điện thoại của cậu. Nếu khôn ngoan hơn, ắt hẳn anh ta đã không bị cậu bày mưu "thọc tiết" hút chết. Đương nhiên An Kỳ vẫn chưa được biết chuyện này, trước mắt, anh chỉ lờ mờ đoán ra được là vợ mình cũng chưa từng có bất kỳ tình cảm nào với gã trai ấy. Hết thảy chỉ là một màn kịch được dàn dựng lên để che mắt ai đó...
- Chú Kỳ ơi... - Người gọi đến là Vệ Khương, cái giọng đơn đớt đáng yêu ấy An Kỳ không thể lầm được.
- Gì vậy con? - An Kỳ cất giọng trìu mến hỏi.
- Chú... Dạ... Chú Kỳ mua cho baba giùm một hộp bánh tráng trộn thập cẩm thiệt cay với... - Giọng Boo mỡ càng ngày càng nhỏ xíu như tiếng muỗi kêu. - Chú... Chú mua cho con một ly trà sữa chocolate được không? Con muốn uống mà baba không cho. Baba nói con béo ú cần phải giảm cân.
Rồi, xong phim! Cổ Tường Quang đã tới gặp bác sĩ Đặng rồi. Ắt hẳn cậu ta đã khai ráo trọi cho ông bác hay, kể cả việc Vệ Minh bị cấm ăn hàng.
An Kỳ vừa ghé mua trà sữa chocolate cho Boo mỡ, vừa rùng mình khi nghĩ đến khuôn mặt u ám của cục cưng lúc nhìn thấy món này. Nhưng dẫu sao Vệ Khương cũng đã bị kiêng uống gần ba tháng, nay cho nó phá lệ một lần chắc không sao đâu...
- Cái gì đây? - Vệ Minh nhăn mặt hỏi. Đoạn quay sang Vệ Khương, phát mạnh vào mông bé con ba cái. - Sao con lại vòi chú Kỳ mua cho mình trà sữa hả?
- Chỉ là một ly trà sữa thôi mà. - An Kỳ cất giọng phân trần. Rồi khom xuống vỗ về bé con đang khóc thút thít.
- Tôi không muốn nó tập tính lợi dụng lòng thương hại của người khác nhằm trục lợi cho mình. Hôm nay là một ly trà sữa, mai sau nó lớn, quen thói ăn xin, ăn vạ thì nhục mặt tổ tiên.
Vệ Khương mếu máo khoanh tay xin lỗi An Kỳ, rồi đứng im ru chờ baba "phán quyết".
- Vì con mới phạm lỗi lần đầu nên baba tạm tha. Nếu còn dám tái phạm lần thứ hai, đừng trách sao baba mạnh tay với con. Con đã nghe rõ chưa hả?
- Dạ nghe. - Vệ Khương sụt sùi nói. Hai tay bé con vẫn khoanh lại trước ngực.
- Em khó thật đấy. - An Kỳ cười khổ, đoạn ẵm Vệ Khương lên, rồi đặt nó lên đùi Vệ Minh.
- Dạy con từ thuở còn thơ... - Vệ Minh niết hai gò má phúng phính của con trai, rồi cởi giày hộ Boo mỡ.
- Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. - An Kỳ ấn vào tay mỗi người một ly trà sữa thơm ngọt, rồi ôm chầm lấy cả hai cha con, đoạn đặt một nụ hôn lên trán Vệ Minh. Tuy đã cầm đồ uống yêu thích trên tay nhưng Vệ Khương vẫn không dám uống, bé con đợi xem baba có cho phép chưa rồi mới dám cắm ống hút.
Vệ Minh đặt Vệ Khương xuống dưới nệm, đoạn bảo bé con cảm ơn An Kỳ xong mới được cho phép uống. Vệ Khương lập tức thi hành nhiệm vụ.
An Kỳ ngồi xuống cạnh Vệ Minh, đoạn dúi hộp bánh tráng trộn vào tay vợ yêu. Sau đó đưa mắt nhìn Vệ Khương, bé con tựa hồ đã quên phứt chuyện ban nãy, cứ thế hồn nhiên xem hoạt hình và uống trà sữa chocolate.
Vệ Minh đặt ly trà sữa lên tủ đầu giường, rồi mở cặp táp ra, đưa cho An Kỳ xem một tờ quảng cáo du lịch.
- Tôi muốn cưng đi giải khuây một chuyến. Ở đây riết rồi lú luôn. - Vệ Minh lắc lắc ly trà sữa vài lần, rồi cắm ống hút xuống một cái "Phập".
- Cưng ở đây...
- Vẫn sống tốt chán. Chẳng sao cả đâu. Đi đi! Đi để thấy non sông gấm vóc Đại Việt tươi đẹp đến nhường nào. Đi để thấy dân tình hiện đang mến chuộng loại hình gì để kịp bổ túc cho lĩnh vực kinh doanh của mình. Đi để thấy biên giới nước ta trải dài đến đâu và biết bao nhiêu đền thờ các vị anh hùng dân tộc kiên trung, bất khuất nằm xuyên suốt chiều dài Tổ quốc. Đi để thấy những góc tối của xã hội, nếu được hãy dừng lại giúp đỡ họ trong khả năng của mình, còn không thì thôi, đừng cố đeo gông vào đầu.
- Tôi sẽ về sớm thôi... - An Kỳ gục đầu vào bờ vai Vệ Minh, giọng nói của anh vang lên thật êm dịu. Anh hiểu cậu đang lo sợ rằng việc anh đối xử tốt với cậu chẳng qua là do cậu đã đưa thân ra đỡ đạn thay anh. Bây giờ mà thẳng thừng từ chối thì chẳng khác nào làm nỗi bất an trong lòng cậu dấy lên cao hơn nữa. Nên là anh phải tạm thời rời đi thôi. Vả chăng nơi đó có bán rất nhiều loại mứt và nước cốt trái cây thơm ngon, anh sẽ gửi về cho cậu mấy thùng đặng dưỡng nhan và tẩm bổ cơ thể, sẵn tiện dò la tin tức của vài người luôn.
"Anh đi anh lại về
Em ơi tơ duyên đầu, xin trăm năm bền lâu..."*
oOo
Chiếc Ducati nhẹ lướt trên cung đường cao tốc ngập nắng hoàng hôn. Vẳng trong tiếng gió xé tai là những hồi còi tranh đường hoặc làm tín hiệu cho xe sau biết họ sắp rẽ. Đường cao tốc không bao giờ thích hợp với những kẻ lơ là hay mù đường, nếu gặp hai tình huống trên thì chỉ có nước đi lòng vòng cho đến khi hết xăng mà thôi, chứ ở đây không thể dừng lại hay đổi hướng đột ngột được.
An Kỳ nhớ rất rõ tất cả các lối thoát hiểm trên cung đường cao tốc này, hòng phòng khi hỏng xe biết đường mà xi-nhan tắp vào.
Cứ hễ gặp cây xăng, nếu thuận tiện được là An Kỳ lại tắp vào đổ thêm xăng, sẵn tiện đi vệ sinh và quan sát xem có ai theo dõi không. Vệ Minh dặn dò anh đừng để bình xăng gần cạn mới đem đi đổ, không những làm máy xe nhanh hỏng, mà còn khiến bản thân thoát thân không kịp lúc gặp chuyện nguy cấp nữa.
Trời đã sẩm tối nên cái bụng An Kỳ bắt đầu nhắc nhở thân chủ đã đến giờ ăn bằng cách kêu "ọt", "ọt". Anh bèn ghé vào một quán hủ tíu thưa khách bên đường dùng bữa.
- Ăn gì "dậy" anh? - Một cậu thanh niên mặt mày đen nhẻm vừa lau bàn vừa hỏi bằng chất giọng đơn đớt.
- Một tô hủ tíu sườn và... một ly nước sâm bí đao nhiều đá. - Trong quán không có món gì khác ngoài hủ tíu, mỳ vắt, hoành thánh và súp xí quách, nên An Kỳ không tốn nhiều thời gian để cân nhắc.
Cậu thanh niên mau lẹ giở sổ ghi lại, rồi chạy ù vào trong bếp giao đơn, sau đó chạy ù trở ra với ly sâm bí đao nhiều đá đúng như anh yêu cầu.
- Nó là vận động viên Điền kinh, vì bị chấn thương nặng nên đã bị loại khỏi đội tuyển Quốc gia, giờ về đây mở quán hủ tíu kiếm sống. - Ông khách đang ngồi ăn gần đó tốt bụng giải thích cho An Kỳ hiểu. - Nó đáng thương lắm...
- Sao lại đối xử theo kiểu "Vắt chanh bỏ vỏ" vậy chứ? - An Kỳ bất bình hỏi nhỏ. Rồi chọn bàn gần chỗ ông bác để tiện bề trò chuyện.
- Đời vận động viên và đời lính là bạc bẽo nhất mà... Tàn cuộc chơi chẳng ai nhớ đến mặt đứa nào hết, mặc dù họ đã cống hiến vinh quang cho Tổ quốc...
- Đề đốc Tăng Viên Bách sắp đi viếng trường cũ rồi. Hôm ấy ông muốn đi cùng bọn tôi không? - Người bạn già sợ bác ấy hớ lời, vội rẽ câu chuyện sang một hướng khác.
Tăng Viên Bách là đề đốc Hải quân Đại Việt, năm nay đã ngót sáu mươi tư, nhưng vẫn còn sung sức lắm, mặc cho cái chân cụt luôn khiến ông ta đau nhức mỗi khi trở trời. Câu nói nổi tiếng của ông ta là: "Tôi mà còn tại chức thì không bao giờ có chuyện khoan dung hay nghị hòa với lũ giặc ngoại xâm đâu." Hậu quả của cái câu nói ấy là chân trái của ông không còn trên cơ thể nữa, nó đã vĩnh viễn nằm lại dưới biển sâu cùng với lòng yêu nước bất diệt của ông...
Sau nhiều cuộc họp hành và tranh cãi nảy lửa giữa Thượng viện và Hạ viện, cuối cùng Tăng Viên Bách vẫn giữ được chức vụ, mặc dù quyền hành phần lớn đã rơi vào tay Phó Đề đốc Giả Nam Phong trẻ tuổi. An Kỳ nhờ có cha và bác trai trong quân đội nên đã may mắn gặp được con người kiêu hùng này hai lần.
Tô hủ tíu được một cục xí quách ninh mềm mụp, một khúc sườn nhỏ, hai lát chả quế, năm miếng thịt xắt mỏng vánh, một nhúm tóp mỡ giòn rụm và vài cọng cải thìa trụng chín. Giá tươi và ớt xắt lát là hai thành phần chiếm chỗ nhiều nhất trong tô. Nhìn chung giá tiền rất phải chăng và hợp lý. Ăn cũng khá ngon miệng.
Cậu thanh niên thấy khách đã rời khỏi, liền nhanh nhảu bước đến dọn bàn. Khách ở bàn này nết ăn thiệt dễ thương, không vứt giấy xuống sàn, không bày bừa tô, đũa khắp nơi, ăn xong chồng lại hết sức gọn gàng, nước tương xịt xong biết đậy nắp lại, lọ tăm thì dẹp gọn trong giá đựng. Phải chi người ta đi ăn mà không có tư tưởng "Tôi bỏ tiền ra thì tôi có quyền làm sai làm quấy" thì hay biết mấy; đôi bên đều vui vẻ, xã hội nhờ thế cũng văn minh lên. Đương nhiên chủ quán cũng phải biết điều, không chơi cái trò nâng giá và trông mặt mà "chặt chém" khách, hay người ta đến ăn mà đối xử như kiểu Mẹ ghẻ - Con chồng, không nạt nộ thì cũng kiếm chuyện chửi bới nhặng xị.
Một cái phong bì dày cộm được dằn bằng dĩa đựng ớt, chanh xắt lát. Trên ấy đề:
"Cảm ơn anh vì đã cống hiến hết mình cho Tổ quốc."
Bên trong là một xấp tiền toàn tờ một trăm đồng mới cắt chỉ, đếm thử thì thấy ước khoảng mười vạn.
Hai hàng nước mắt chầm chậm lăn xuống khuôn mặt đen nhẻm của cậu thanh niên. Cậu bặm môi thật mạnh, rồi vội vàng chạy vào sau bếp bưng mặt khóc nức nở. Rốt cuộc cũng có người nhớ đến cậu từng là ai...
Ngọn núi hùng vỹ của tiểu bang Hoàn Khởi Điển Ba vươn vai đón những tia nắng cuối cùng của một ngày Bạch Lộ. Hàng thông xanh reo vui trong cơn gió đơm hương mùa thu. Hoa dã quỳ mọc dại khắp các triền đồi thoai thoải, đan xen là những cụm Mimosa vàng rực và hoa Baby xinh xẻo. Sương mờ bảng lảng, đưa những dải voan khói trắng rảo bước khắp nơi.
An Kỳ ghé vào một nhà trọ bình dân làm nơi tá túc vài hôm. Chủ nhà là hai vợ chồng đeo vàng đỏ người, để ý kỹ hơn thấy cặp này ai cũng có "nanh" cả, ở trọ lạng quạng dễ chừng bị đứt thịt lắm.
- Nhìn cái gì mà nhìn hoài vậy? - Đợi cho An Kỳ đi khỏi, ông chồng mới vỗ mông vợ mà hỏi gằn.
- Nhìn khúc giò thủ hoài cũng chán, cho đổi qua khúc giò lụa xíu chứ. - Bà vợ đanh mặt mà quật lại.
An Kỳ đẩy cửa phòng bước vào. Nom chẳng khác gì cái nhà trọ tồi tàn mà anh và vợ yêu từng ở cả. Hồi ấy Vệ Minh dữ quá trời quá đất, cơ hồ muốn xẻ thịt anh ra mà làm gỏi, bây giờ lại thu mình hết cỡ, như thể đây mới là con người thật của em ấy vậy.
Nhưng, không hiểu sao, khi nhìn thấy Vệ Minh đánh đấm mình, An Kỳ lại tự nhiên cảm thấy vui và yên tâm. Vui vì em ấy quan tâm tới mình, mặc dù cách này hơi bạo lực xíu. Yên tâm vì em ấy khỏe mạnh nên mới dễ "kích động" như vậy, bây giờ dù rất muốn hai người thoải mái với nhau như xưa, nhưng bệnh trạng của Vệ Minh đã ít nhiều cản bước hai người.
Cơ mà nhắc tới cái nhà trọ ấy mới nhớ, không biết cái ghế bố đã được thay mới chưa nhỉ?
Trong phòng không có ghế bố, chỉ có mỗi cái giường đôi thiết kế đơn giản và tấm nệm cao su dày hãy còn khá mới. Vệ Minh dặn đi dặn lại anh không được xài chăn đắp của người ta, nên anh mua theo sự hướng dẫn của vợ cưng, một cái chăn cotton ấm sực có màu sắc và hoa văn hết sức trang nhã. Các thứ đồ dùng cá nhân của anh cũng do một tay cậu chọn lựa, còn đồ dùng cứu thương, thuốc thang và băng gạc cầm máu thì do Hà Phong Đạm kê toa và quyết định. Trước giờ chẳng có ai coi sóc anh chu đáo và tận tâm như Vệ Minh cả, điều ấy càng khiến anh yêu thương cậu nhiều hơn, đến nỗi anh không biết mình sẽ sống tiếp thế nào nếu một mai thiếu vắng cậu trong đời.
Đến được đây thì trời cũng đã tối mịt, thành phố Đàn Hạc giờ chìm trong sương mù bảng lảng và tiếng thông reo vui trong những cơn gió heo may se lạnh. Xa xa truyền đến hương thơm của một xe bán sữa đậu các loại, cùng với làn khói bếp từ những gánh hàng rong trên vỉa hè mang màu sắc rêu phong hoài niệm.
An Kỳ mua xong một bịch sữa đậu nành đá, liền sải bước đến gian hàng bán bánh tráng nướng đông khách. Anh gọi vài món khác trong tờ thực đơn, rồi kéo ghế xúp ngồi xuống.
Ông già tía rất ghét nghe nhạc trẻ, nên mỗi bận cậu con từ đô thành về mở những bản nhạc yêu thích lên là y như rằng nhà có chiến sự.
- Mày nói tao nghe nó hát cái gì đi rồi tao cho phép mở.
- Bố này, bố chẳng biết gì cả. Cái này người ta gọi là nhạc trẻ...
- Trẻ lên năm hở? Đánh vần còn không chạy mà đòi đi hát. Dẹp!
Thế nên mỗi bận ông lớn mở nhạc Vàng, ông trẻ lại dông xe lên nhà bạn chơi, nhằm giữ hòa khí cho cả đôi bên.
An Kỳ xin ông cụ mở ca khúc "Bài không tên số Bảy" do nhạc sĩ Vũ Thành An sáng tác, nếu do Ngọc Lan, Anh Khoa hay Tuấn Ngọc trình bày thì càng tốt. Ông cụ bèn chọn Anh Khoa.
"Thân em rồi hoang phế
Lê theo thời gian sóng gió
Thôi cũng đành cúi xuống
Cho mộng đời thoát đi..."
An Kỳ ngồi nhìn bà cụ nhanh tay lật bánh tráng nướng, khuôn mặt trắng hồng ửng đỏ như quả cà chua, chợt nhớ đến bà Năm hay cho cơm mình lúc xưa. Mấy năm trước bà đã quy tiên, mộ phần do một tay anh lo liệu; con cái của bà ấy mắc bận để dành của nả cho gia đình riêng hết rồi, nên chẳng ai muốn xùy tiền ra.
- Cậu trẻ thích bài nào nhất?
- Dạ nhiều lắm. - An Kỳ gãi đầu, ra chiều nghĩ ngợi lung lắm. Rồi trầm ấm hỏi. - Bác có thấy mình quá khắt khe với nhạc trẻ không?
- Đương nhiên âm nhạc mỗi thời phải mỗi khác. Nhưng thay đổi thế nào để mỗi ca khúc không chỉ có giai điệu bắt tai, mà còn phải có ý nghĩa nữa. Những ca khúc thời trước còn sống được tới thời này là vì nó không bao giờ lỗi thời và luôn luôn phù hợp với tâm trạng người nghe. Tuy rằng chỉ có một số ca sĩ có theo học chuyên ngành Âm nhạc, nhưng hầu như mặt bằng chung đều hát hay, sáng tác độc đáo và sở hữu kỹ thuật tốt cả, cái đó là một điều mà dẫu cố công nai lưng ra học một vạn năm đi chăng nữa cũng không thể nào có được, người ta thường gọi cái đó là tài năng thiên bẩm. - Ông cụ vừa tra mấy con gõ chữ trên thanh công cụ tìm kiếm của Youtube, vừa bình phẩm với An Kỳ. Đoạn nhấn Enter.
"Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha..."
"Em hiền như ma soeur" do bác Elvis Phương trình bày, lời dựa trên bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và người phổ nhạc là bác Phạm Duy. Đây là một ca khúc dựa trên câu chuyện tình dang dở của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và cô người yêu Công giáo. Nội dung của bài thơ kể về một nàng thiếu nữ học cấp Ba yêu một gã côn đồ địa phương, ngày nào hắn cũng đến trường đón nàng về nhà. Thời gian cứ thế trôi qua, cho đến một hôm, nàng đợi mãi vẫn không thấy tăm hơi người tình yêu dấu đâu. Rồi ngày lại qua ngày, bóng dáng của hắn như thể tan vào hư vô. Gia đình nàng thấy vậy bèn hối thúc con gái hãy nhân cơ hội này cắt đứt với hắn đi, nhưng nàng thề rằng, nếu như hắn không quay trở lại nữa, nàng sẽ trở thành nữ tu. Thời hạn mà nàng giao hẹn là trong vòng năm năm. Tới năm thứ sáu, hắn cũng không quay trở lại, và nàng rời nhà đi tu. Đến một hôm nọ, hắn xuất hiện. Hóa ra là hắn bị bắt đi tù mấy năm nay mới được thả ra. Bẽ bàng, hai người hẹn nhau đến một quán nước gần nhà thờ và tâm tình hết những chuyện đã xảy ra trong gần mười năm qua. Nàng không thể phản bội Đức Chúa, hắn thì không thể phản bội nàng. Vậy là hai người cắt đứt với nhau từ đó. Nhưng, hắn đã âm thầm kiếm chỗ trọ gần nơi mà nàng đang tu, mỗi ngày cứ đứng đợi bên ngoài nhà thờ, hễ nghe thấy tiếng chuông ngân là lại ngước mắt lên tìm kiếm hình bóng nàng... Cứ thế cho tới già...
"Ta nhờ em ru ta
Hãy ru tên khờ khạo
Hãy ru tên vô đạo
Ma soeur này Ma soeur..."
...
An Kỳ ngủ một giấc đến tận trưa mới tỉnh dậy. Cái lạnh của thành phố sương mù đã khiến anh ngủ rất ngon. Vệ Minh muốn anh được nghỉ ngơi nên mới bày cho anh lên đây du lịch một chuyến, quả thật hết sức công hiệu.
An Kỳ ngẫm ngẫm nghĩ nghĩ một lát, bèn mở điện thoại ra xem trang review ẩm thực địa phương. Tuy không đáng tin cậy lắm về chất lượng ẩm thực, nhưng dọ giá trước từng điểm bán mới là mục đích chính của anh, nên bỏ thời gian đọc cũng không phí chút nào. Anh không hề thích bị "trảm đẹp" đâu.
Vệ sinh cá nhân và chải chuốt tóc tai một chốc thì cũng mất gần một tiếng đồng hồ. An Kỳ khóa cửa phòng thật cẩn thận, xoay thử tay nắm cửa vài lần, rồi mới đủng đỉnh bước xuống garage lấy mô-tô đi ăn trưa.
Người hỏi thăm anh ở tiền sảnh không phải là hai vợ chồng chủ nhà trọ, mà là con dâu của họ, cô ta đang mang thai, nhìn cái bụng nhô lên cả khúc vậy, chắc thai nhi đã được hơn năm tháng. Cô ta bảo rằng đương ngồi đợi shipper giao đồ ăn vặt, có bầu hay thèm ăn bậy lắm. An Kỳ không để tâm đến chuyện mang thai của Hồng Tuệ Yến, nên chẳng rõ việc này, nghe cô ta nói thế thì cười giả lả cho có, rồi xin phép cáo từ.
Một chiếc Hummer đang đậu bên kia đường bất ngờ nổ máy rượt theo xe An Kỳ khi anh đã chạy đến đầu phố. Hai bên cách nhau chưa đầy mấy mươi mét, lý do là bên kia không muốn tóm anh quá nhanh nên không thèm ép xe anh vào trong lề. Hoặc giả họ chỉ "tình cờ" đi cùng một lộ trình thôi.
Con phố vào chiều thứ Hai đông nghẹt người. Vỉa hè chật như nêm, nào là gánh hàng rong bình dân, nào là thực khách ngồi ăn trên những chiếc ghế xúp sơn đỏ choét, nào là xe hai bánh dựng san sát nhau. Khói bụi xe cộ và khói than nướng phả những luồng khói xám xịt lên tầng không cao vời vợi. Hàng cây phong oằn mình hứng chịu những đợt gió lạnh lẽo thổi ngang qua, cuốn tung những chiếc lá yếu ớt trên cành, rồi đưa chúng bay xa thật xa...
Nếu như không phải đang lâm vào tình thế nguy cấp, ắt hẳn An Kỳ đã gửi xe vào một bãi giữ xe gần đây, rồi thong thả dạo phố và ghé vào một quán vỉa hè nào đó mà lấp đầy bụng.
An Kỳ vội lách xe vào khoảng giữa hai chiếc container khi thấy đèn đã chuyển sang sắc đỏ, rồi nép mình ở đấy. Chiếc Hummer vẫn dí sát nút, từ kính chiếu hậu nhìn ra anh có thể trông thấy rất rõ.
An Kỳ bị hai tay tài xế container bóp kèn cảnh cáo một lượt. Họ không muốn bị gặp rắc rối trong chuyến tải hàng của mình đâu.
Nhưng anh phớt lờ lời cảnh cáo của họ, cứ thế mà kẹp theo hai chiếc container rẽ trái.
- Mẹ ở đâu ra thằng khùng thế này! - Một trong hai tay tài xế lái container bực tức quát lên. Ngộ nhỡ mà tên này ngã xuống gầm xe của ông chú thì năm nay cả gia đình ông chú gặp đại hạn mất.
Đến một con hẻm vắng hoe, An Kỳ nhíu mày xem có thể tắp vào đây không, nhưng chiếc container bên trái không có ý định rẽ, nên anh đành gác sang một bên.
- Rẽ phải rồi tôi sẽ không bám theo các anh nữa!
Tay phụ xe thò đầu ra bên ngoài, ngó thấy chiếc xe hơi đắt tiền ban nãy vẫn chạy theo sau lưng mình thì vỡ lẽ.
- Cái anh lái chiếc mô-tô kia bị bám đuôi, nên mới "trốn" theo xe mình. - Cậu ta nhấm nhẳng nói. Trong đầu chợt liên tưởng tới hàng loạt tên bộ phim "bom tấn" Hollywood mà mình từng xem trên kênh HBO, Fox, Star Movie và Max. Từ chỗ ngồi của mình, cậu ta không thể thấy rõ hình dạng người đàn ông cưỡi mô-tô ấy, nên càng tò mò tợn.
- Mẹ bà nội cha nó... - Tay tài xế ra ám hiệu cho An Kỳ hay rằng ước chừng ba trăm mét nữa mới có thể rẽ phải.
- Được!! - An Kỳ ra dấu "OK".
Chiếc container bật đèn khẩn cấp, rồi vừa chạy vừa quan sát kính chiếu hậu, để tìm cách rẽ phải sao cho an toàn nhất. Chiếc container của ông chú chỉ còn cách ngã ba cỡ chừng một trăm mét, từ lối rẽ phải ấy sẽ đưa người lái tới một con đường khá rộng rãi, rất thuận tiện để quay đầu xe lúc cần. Nếu chạy thẳng thêm ba trăm mét sẽ dẫn lên cây cầu Bạch Lộ thơ mộng, còn nếu rẽ trái thì sẽ vào khu dân cư trong con hẻm bít bùng, yếm khí. Có một lối đi nằm ven con đê rậm rạp lau, sậy, nay đã được xây dựng thành một con đường tản bộ sạch sẽ và xanh mát.
"Vù."
Chiếc container rẽ phải sau hơn mười lăm phút quan sát con đường, An Kỳ thuận thế rẽ theo. Nhưng thay vì chạy luôn lên cây cầu Bạch Lộ như chiếc container ấy, anh lại rẽ vào con hẻm ngoằn ngoèo khó biết lối ra. Mục đích là để đi vệ sinh và uống miếng nước cho đỡ khát.
Trong hẻm có một quán cơm gà xối mỡ rất đông khách. Thật lạ là đông khách. An Kỳ không hiểu vì lý do gì mà thực khách phải bỏ công tới ăn ở một nơi khỉ ho cò gáy và chật chội thế này. Nhưng nhờ thế mà anh có thể ghé vào đi vệ sinh và đặt mua cơm gà xối mỡ luôn. Anh không tin một chiếc Hummer cồng kềnh có thể tìm cách vào đây trong khoảng thời gian hai tiếng đồng hồ.
Một phần cơm gấc rang với một cái đùi gà góc tư và cải chua, canh rong biển phải bỏ tiền mua thêm. Ăn vào thấy cũng được, nhưng không hiểu sao mọi người lại ủng hộ nhiệt tình đến vậy. Anh không rõ gia đình chủ quán có phải là Facebooker nổi tiếng trong thời gian gần đây hay không, chứ với khẩu vị thế này thật khó lòng trụ vững giữa thời buổi đầu bếp biến thành nhà hóa học hòng câu khách ưa món độc lạ.
Tò mò, anh đưa mắt nhìn khắp các bức tường trong quán, chợt thấy một khung hình lộng kiếng, trên đề dòng chữ "Vinh danh người tử sỹ Mộ Duyệt Chiêu, Tổ quốc muôn đời thọ ơn".
- Khụ... - An Kỳ nuốt vội ngụm nước mía lau, hòng chiêu cơm khô vương nơi cổ họng xuống dạ dày.
Hoàng Ái Vân đã ngoài bảy mươi, có lẽ là bà nhiều tuổi hơn cha anh. Chiếc xe lăn điện tử nom khá cũ kỹ, tấm lưng của bà đã còng đi rất nhiều, nét đẹp khi xưa đã tàn lụi như đốm lửa nơi bếp nấu.
Nhận thấy An Kỳ nhìn mình chằm chằm, Hoàng Ái Vân sợ sệt nheo mắt nhìn lại, rồi bất giác hô to:
- Là anh Luận hay anh Siêu đấy?
Mọi cặp mắt của khách ăn chợt đổ dồn về bàn ăn của An Kỳ. Ai cũng hiếu kỳ xem người nào đã khiến bà quả phụ phải thảng thốt đến vậy.
- Nội à, đừng nên làm phiền khách như vậy chứ? - Một cậu thanh niên từ trong bếp xông lên cản tầm nhìn của Hoàng Ái Vân.
- Nội xin lỗi con. - Hoàng Ái Vân rút khăn mùi soa ra lau nước mắt, rồi di chuyển xe lăn tới góc vườn thoảng hương lan quân tử kiều diễm. Một trong số đó là kỷ vật mà chồng bà trao lại trước khi mất.
An Kỳ vội thanh toán bữa cơm, rồi vào trong nhà vệ sinh rửa mặt sạch sẽ, hòng cố trấn an tinh thần. Đoạn đẩy cửa chạy ào ra bãi giữ xe.
Ngay khi An Kỳ vừa đội xong bảo hiểm, thì một bóng người rất quen thuộc với vợ chồng anh cũng vừa dạm bước vào quán.
Con hẻm đưa hương ổi chín đến khứu giác An Kỳ, có đôi con trẻ đang ngồi trên chạc cây ổi, vừa ăn vừa tán dóc với nhau. Trong nhà vẳng ra ca khúc "Diễm xưa" do danh ca Khánh Ly thể hiện.
"Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao..."
Con hẻm sâu hun hút, nhà cửa san sát nhau như mấy cái hột quẹt chất chồng lên nhau trong rổ đựng của cửa hàng tạp hóa, nhưng được cái bà con trong hẻm chăm trồng cây xanh nên bầu không khí nơi đây cũng không đến nỗi nào. Kiến trúc ở vùng này rất lộn xộn, nhà thì thích cầu kỳ nên theo phong cách Tây Âu, kẻ thì tối giản như kiểu Nhật, người thì hoài cổ với dáng nhà thuần Việt thân thương. An Kỳ chạy lướt qua hai ngôi mộ nằm ở khoảnh sân không vây hàng rào của một gia chủ gốc Hoa kiều, anh có thể biết rõ người này là người Hoa vì hai con lân trước nhà hình hài chẳng giống một nét nào của con lân trong truyền thuyết dân gian Đại Việt.
An Kỳ rẽ qua một bụi liễu xanh mượt, rồi đi thẳng thêm một trăm mét thì thấy lối ra. Ngay đầu ngõ là một quán cóc xinh xinh, được bóng mát của cây si già bao phủ nên không gian quán rất mát mẻ và thoáng đãng; vài cụ già đang ngồi chơi cờ tướng với nhau, đám thanh niên thì đánh tứ sắc, còn những người phụ nữ thì ngồi thêu tranh chữ thập - Vừa thêu vừa tán chuyện thiên hạ, nhìn chung ai cũng có "Tụ Nghĩa đường" riêng cả.
- Mẹ kiếp thật! - Chiếc Hummer đã đậu ở bên kia đường tự bao giờ, hai gã ban nãy đang đứng tựa người vào thân xe ăn hamburger của quán McDonald's gần đó, dáng điệu thư thái đến độ chẳng ai ngờ tới chuyện bọn họ đang đi theo dõi người khác.
Nhác thấy An Kỳ đứng lấp ló sau bức tường vàng ngả màu bàng bạc, Bạch Tượng lập tức vỗ lưng anh trai, ra hiệu mau lên xe thôi.
Giữa con phố tan tầm ồn ã, việc bám đuôi An Kỳ rất dễ dàng, thật không dễ để anh trốn thoát trong thế trận "Quần long vô thủ" này.
Cùng đường, An Kỳ chạy luôn lên lề đường, rồi quẹo phải vào một con hẻm tương đối rộng rãi.
Nhưng xui cho An Kỳ, đây lại là con hẻm cụt, nên anh đành phải vòng ra, rồi chờ cơ hội nhập vào dòng xe cộ đang chen lấn nhau như sóng nước đẩy lục bình đi.
Hai anh em trong chiếc Hummer thong thả ăn nốt bữa trưa của mình, chiếc xe của họ lâu thật lâu mới nhích được vài tấc, nhưng họ chẳng buồn bận tâm.
Quần nhau đến khi trời đã ngả về chiều, nắng thu nhợt nhạt như đáy mắt người chinh phụ, đường xá mới thông thoáng được đôi chút.
An Kỳ rồ ga, chạy thẳng lên sườn đồi. Bùn dưới bánh xe bắn lên khắp hai ống quần lính của anh.
Giữa rừng thông hoang vắng, tiếng động cơ của hai chiếc xe xé toang nét đẹp thanh bình của cảnh vật nơi đây. Chim chóc bay tán loạn. Sóc chuột hết kêu chít chít lại chạy ầm ĩ trên những tán cây rậm rạp. Ngay cả chuột trũi cũng vội lách mình nấp dưới cửa hang phủ đầy củ ấu dại.
An Kỳ đánh tay lái, phóng xe bay qua một cái hố rác của đám thợ săn bỏ lại. Chiếc xe Hummer vẫn dí sát sau lưng.
Đến một khúc quanh, An Kỳ chợt nảy ra một ý định hết sức liều lĩnh, đó là chạy luôn xuống dốc đồi, kế đấy sẽ bỏ xe mà băng qua con suối - Nếu như ở đó có con suối - hoặc giả chạy luôn qua lòng suối nếu nó cạn queo.
"Ầm."
- Rồi xong phim! Hỏng mẹ nguyên dàn động cơ với bố thắng rồi. - Bạch Tượng tiếc rẻ chép miệng, đoạn ngó sang anh trai. - Ê mày, mày đừng ỷ làm anh Hai tao rồi có quyền coi thường sinh mạng của tao nghe. Bỏ cái lon bia xuống cho tao!!!
"Kéttt!"
Hắc Tượng bình thản dừng xe, rồi chầm chậm quay qua tán nguyên lon Monster vào đầu thằng em trai, đoạn khởi động máy một đỗi mới chạy tiếp.
- Từ khi nào mà thiết kế lon nước tăng lực với lon bia y khuôn nhau vậy?
- Mày đã ngu mà thằng khốn bị tao rượt nãy giờ còn ngu hơn nữa... - Hắc Tượng đã được bác sĩ trong bệnh viện tâm thần cảnh báo bệnh trạng của nó vẫn không tiến triển mấy theo chiều hướng tốt, nhưng gã vẫn khăng khăng không nghe, vì sợ bỏ nó ở đó một mình dễ bị người ta ức hiếp, nên mới thuê luật sư làm thủ tục "thỉnh" về. Người ta thỉnh Kumathong về cầu tài, còn gã "thỉnh" cục nợ này về chẳng những không được cái chi, mà còn bị nó hành lên bờ xuống ruộng!
An Kỳ ngã nhào xuống mặt đất, khắp người anh toàn là đất và cát, may là mặc trang phục dày nên không bị rách hay xước da thịt, chỉ hơi cay mắt xíu thôi. Chiếc mô-tô nằm cách anh ước chừng vài ba mét.
Nhạc chuông điện thoại bất ngờ vang lên. Nhưng nó không xuất phát từ chiếc điện thoại của An Kỳ, mà là một cái khác trong cốp xe mô-tô. Ca khúc "Sexy Back" do hai chàng nghệ sỹ đa tài Justin Timberlake và Timbaland thể hiện vẳng đến tai anh ngày một rõ ràng. Ắt hẳn đã có ai đó nhân lúc anh sơ ý, liền cạy cốp xe mà bỏ vào; vừa mở cốp xe anh vừa thầm nghĩ như vậy, trong bụng thì giận bản thân sôi gan vì quá bất cẩn.
- Âm-Dương giao hòa. - Hương nước hoa truyền đến cánh mũi An Kỳ, người đàn ông có mái tóc bạch kim ấy đã đến tự bao giờ, khuôn miệng ngưỡng nguyệt khẽ câu lên một nụ cười lãnh đạm như mảnh trăng nằm chơi vơi giữa bầu trời sau giông bão.
An Kỳ cảm nhận chiếc cằm chẻ của người đàn ông ấy đang tì lên bờ vai mình. Thậm chí vòng tay của anh ta còn đang ôm siết lấy eo của anh. Bất chợt trong đầu anh bỗng lóe lên hình ảnh của một huyền thoại trong giới trai bao Na Lạp Tư Khả.
- Cần tôi tới giúp sao? Đặc tình*. - Cấp Trên mân mê băng đạn mạ vàng. Điếu xì-gà thượng hạng đưa hương ngòn ngọt đến khứu giác An Kỳ; anh thực sự không biết gã đàn ông này sau khi chết có muốn ướp xác không, chứ hồi còn sống thì cơ thể đã lắm mùi như gian phòng của những cửa hàng chuyên bán hương liệu, khiến người đứng gần hồi lâu dễ chừng chết ngộp lắm. Sau lưng gã là hai người đã rượt anh từ ban nãy cho đến giờ. - Triều Vương và Triều Dương, hai anh em song sinh, không hòa thuận với nhau như hai anh em họ Thương, nhưng tài trí cũng chẳng kém cạnh gì đâu.
- Đuổi theo tôi tới đây, có phải là anh vẫn không tin tôi không?
- Well, phải. - Cấp Trên ném chiếc chìa khóa xe mô-tô của An Kỳ cho Triều Vương giữ, đoạn đưa một hộp cao thuốc sát trùng cho anh, rồi vỗ vai nói. - Tôi cũng vì an nguy của hai người mà đến đây thôi, Andy à...
Nơi mà Cấp Trên đưa An Kỳ đến là một đồi thông u tịch, xung quanh lác đác nắng thu, tiếng chim trao trảo hót trên vòm trời xanh trong như viên ngọc bích. Hai người ngồi cạnh nhau nói chuyện như mấy ngày trước, cũng giữ một khoảng cách an toàn đầy tính chiếu lệ.
- Tôi là một gã song tính luyến, đàng nào cũng chơi được cả. Nhưng... - Cấp Trên buông bỏ vế sau xuống đáy thung lũng Tình Yêu. Rồi rít một hơi xì-gà cay nồng thoảng hương thuốc lá cao cấp. Một lúc lâu sau mới uể oải nói tiếp. -... cũng như Andy thôi. Tôi yêu một người đàn ông thẳng băng hơn cả phi trường Thiên Kiêu.
An Kỳ không hiểu tại sao bây giờ lại chuyển sang tiết mục "Gỡ rối tơ lòng", song anh cố giữ vững tinh thần đề phòng với gã trai xảo quyệt này một cách tuyệt đối, mặc dù cũng khá hiếu kỳ với đời tư của gã.
- Nói cho tôi biết đi, cảm nhận của anh về Min là như thế nào?
- Anh định khai thác ở khía cạnh gì? Về đời tư thì tôi không thể tiết lộ được. Còn về tính cách thì có thể chia sẻ đôi chút.
Cấp Trên vuốt cằm suy nghĩ, đôi mắt khẽ nheo thành một đường dài, khuôn miệng nhếch lên một góc thật cao.
- Tính cách sao? Ờm, cũng được đấy. Nói nghe xem nào.
- Hơi khùng một chút. - Mới vừa nói đến đó thì Cấp Trên phá lên cười. - Đôi lúc cũng lên cơn đột tử, nhưng mà rất đáng yêu.
- Sao không chọn người tỉnh táo một chút mà yêu?
- Yêu chứ đâu phải mua một món hàng hay con cá ngoài chợ mà phải sợ lỗ vốn. Người tôi yêu thế nào thì tôi chấp nhận thế nấy, hơi đâu mà cố sửa tính, sửa tật chứ.
- Ừ, người khùng khùng sung ken lắm. - An Kỳ âm thầm bật ngón cái xác nhận những gì mà Cấp Trên nói là đúng. Vợ cưng của anh bảo rằng sau này "tiếp xúc" với ruột già chứ có phải ruột non đâu mà sợ bị tái phát bệnh nhiễm trùng ổ bụng hay viêm phúc mạc, cùng lắm là xài bao, chơi phân nửa là mọi thứ sẽ hoàn hảo. Chung quy là vì bé cưng của anh sợ mất anh thôi...
Bất chợt Cấp Trên nắm tay kéo An Kỳ đứng lên, hai người một trước một sau đi lên một ngọn đồi đẫm sương, cỏ dưới chân kêu loạt xoạt mỗi khi bọn họ giẫm lên chúng.
- "Đồi thông hai mộ", anh có từng nghe qua ca khúc đó chưa?
An Kỳ lắc đầu thật nhẹ.
- Tôi vừa phát hiện một nơi giết người lấy nội tạng, nghi là có liên quan đến nguyên nhân tại sao cô Cảnh và mẹ con anh Hàn trở nên điên loạn đến vậy? - Cấp Trên ngước mắt nhìn mảnh trăng leo lét giữa vòm trời thu sâu thăm thẳm. - Ngoài ra, cũng có chút liên quan đến đại án mà Yến Thanh bị hàm oan mấy năm trước.
- Và việc tôi bị tình nghi buôn lậu vũ khí cũng là...
- Tôi tưởng anh bị tình nghi là buôn lậu nội tạng chứ? Vì muốn hạ bệ gia tộc của Luận - Siêu, cần phải khiến con cháu ông ta vướng vào một tội ác chống lại loài người, như thế dân chúng mới trở cờ triệt hạ. - Cấp Trên bình thản nói. - Có thể anh không biết, An Tần hiện đang dọn đường cho mình tiến thân vào Lưỡng Viện, anh lộn xộn coi chừng cậu ta khử anh luôn đấy.
Cấp Trên huơ huơ điếu xì-gà, cốt để xua muỗi và côn trùng đang bủa vây quanh mình.
- Theo anh, tôi cần phải cảnh giác với ai?
- Hả? - Cấp Trên chẳng thể nào ngờ An Kỳ lại hỏi toẹt ra thế này. Gã hơi nghiêng đầu đánh giá anh, rồi phá lên cười. - Đừng biến bản thân thành Tào Thào hay Hạng Vũ, cứ mang tư tưởng "Thà giết lầm còn hơn giết sót" thì trước hay sau, sớm hay muộn gì cũng phải nhận lãnh kết cục tang thương... Tôi có biết một quán nhậu bán đồ ăn rất ngon, cách đây cũng không xa lắm, nào chúng ta cùng đi ăn thôi!
Cung cách nói chuyện của Cấp Trên buộc An Kỳ liên tưởng đến hình tượng Sài Tiến - Một trong một trăm lẻ tám anh hùng Lương Sơn Bạc - bởi cái cách dùng từ tuy quởn xo mà đầy khí chất ngạo nghễ, cũng như bất cần đời ấy.
oOo
Ca khúc "Buồn ga nhỏ" do bác Anh Khoa thể hiện được Vệ Lô Địch bật đi bật lại không biết bao nhiêu lần, bởi vì nó nhắc anh nhớ đến cái ngày tiễn biệt sắp tới. Hai mươi bảy tháng Mười anh sẽ trở về phố thị, rời xa trai già và bản Cloy Ur tịch mịch.
"Một lần tiễn đưa bao nhiêu là buồn
Đường ngập lá rơi khi sương chiều lắng xuống
Tôi vẫn đi giữa cô đơn
Gió lạnh về buốt tâm hồn
Cho niềm thương nhớ vấn vương
Kỷ niệm đã qua đi như dòng đời
Còn đâu bước chân in trên một lối cũ
Khi bánh xe đã lăn rồi
Tiếng còi tàu xé tim tôi
Bóng ai dần phai cuối trời..."
Phương Vũ đang ngồi cắt tỉa luống hoa hải đường gần cổng rào. Chú nghe riết thuộc làu lời ca khúc do đôi nhạc sĩ Nguyễn Hiền và Minh Kỳ sáng tác.
- Tôi muốn cùng chú đi ngắm thác đổ dưới thung lũng Nhật Xuyên. Chụp vài bức ảnh làm kỷ vật. Sau này về già, nếu tụi mình còn có cơ hội già đi cùng nhau, sẽ ngồi lại hàng hiên năm xưa ngắm lại thời son rỗi đã qua...
- Cậu này, thật là...
Phương Vũ xách theo cây đàn ghi-ta cùng một túi hồng khô đặc sản xứ nhiệt đới. Còn Vệ Lô Địch thì xách một bình đựng trà bạc hà.
Dòng suối xanh trong như ngọc. Những con cá tuyết hồ hởi bơi lượn dưới làn nước mát. Hàng cây hoa trắng rắc những bông hoa thanh khiết xuống mặt suối róc rách. Mộ̣t chiếc cầu vồng bắc ngang qua con suối nhỏ. Điểm xuyết thêm cho khung cảnh thanh bình ấy là giọng hót thanh thót của loài chim cu gáy, sơn ca, chìa vôi và một vài loài lông vũ khác mà hai người không rõ tên.
Tựa lưng dưới gốc cây tuyết tùng ngàn tuổi, Phương Vũ chỉnh lại dây đàn, rồi bắt đầu vừa gảy đàn vừa khe khẽ hát bài "Bao giờ ta gặp lại ta" cho Vệ Lô Địch nghe. Chú chỉ ưng bài này qua giọng ca của bác Anh Khoa. Lại thêm một điểm chung nữa của chú và cậu trẻ.
"Cuộc tình mình như mây mùa thu
Đến với đi tựa như tiếng ru
Dấu chân quen chìm trong sương mù
Còn lại chăng những dư hương của ngày xưa..."
Vệ Lô Địch ngồi trên một chạc cây vững chãi và chắc chắn, hai chân thõng xuống, lưng hơi ngả về phía tán cây rậm rạp phía sau. Có một tổ chim cúc cu cách đỉnh đầu của anh vài cành.
- Chú có biết em họ tôi xấu nhất ở điểm nào không? - Đợi cho màn trình diễn của Phương Vũ kết thúc, Vệ Lô Địch mới chậm rãi bộc bạch.
Phương Vũ khẽ lắc đầu.
- Nó thích chửi tục với những người mà nó thương nhất. Thỉnh thoảng còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nữa. Hồi trước thì tái phạm rất nhiều lần, nhưng bây giờ thì đã không còn bao nhiêu... Bác sĩ nói đó là hậu quả của việc tổn thương não bộ và sang chấn tâm lý, khiến cho nó mẫn cảm với các động thái của người xung quanh cao hơn mức bình thường. Vì vậy đám nhân viên trong tiệm mới chiều theo tính khí nó mà hành xử. Bây giờ, người nào người nấy đều giữ kẽ với nhau, chẳng còn cách nói tuy bỗ bã, văng tục mà rất thân mật và gần gũi nữa.
Phương Vũ phì cười, đôi tay chú lần trên dây đàn, rồi lần tới phím bấm. Trong đầu nghĩ ngợi thật lung, rồi bắt đầu chơi bản "A time for us".
"Một thời gian nào đấy sẽ thuộc về hai ta
Khi gông xiềng của những định kiến xã hội bị tình yêu chân thành đập vỡ
Một lúc nào đấy giấc mơ của hai ta sẽ thành hiện thực
Và tụi mình có thể công khai chuyện tình hằng giấu giếm đi
Và thế giới khi ấy sẽ ngập tràn ánh sáng và hy vọng cho anh và em..."
- Hát bản tiếng Việt đi. - Vệ Lô Địch nhảy xuống, rồi ngồi xếp bằng cạnh Phương Vũ. Miệng thì nhai hồng khô chóp chép.
"Tình ấy cao vời, nghìn thu nào phai
Mắt môi người yêu, những đêm trăng thề
Ngát hương tình âu yếm
Tình đã đong đầy, cầu xin từ đây
Đừng lỡ làng
Đừng úa phai như ngàn lá rơi trong chiều thu..."
- Không phải bản này*...
Phương Vũ không đáp, chú bất ngờ quay sang hôn lên môi Vệ Lô Địch, rồi gục đầu vào vai người thương. Lá khô rơi xào xạc trên bãi cỏ vàng vọt. Chim chóc lặng thinh trong không gian ngập nắng và gió. Cá tuyết uể oải quẫy đuôi trong con suối trong veo.
"Giây phút êm đềm, tình yêu nở hoa
Lắng nghe cùng ta, trái tim muôn đời với mối tình say đắm..."
Vệ Lô Địch hát xong, liền gối đùi Phương Vũ mà nằm. Trong đôi mắt anh đong đầy hình bóng ông chú tứ tuần...
...
Phương Vũ bảo Vệ Lô Địch mời Tần Hối đi dùng bữa cơm tiễn biệt.
Ba người vào một quán cơm có tầm nhìn hướng ra dãy núi Kim Xán Quang Huy hùng vỹ. Trong quán hiện có hai người quân nhân, vài ba cụ già họp thành một bàn tròn, một đôi tình nhân chọn chỗ ngồi bên khung cửa sổ hướng ra khu vườn thơ m̀ộng, một nhóm khách du lịch ước chừng mười mấy người xúm xít lại trò chuyện với nhau thật sôi nổi - Trong đó có cả gia đình khách Tây tóc vàng, mắt xanh; anh chồng chắc chỉ ướm trung niên, còn chị vợ cũng mới ngót hai mươi lăm, ấy thế mà đã có hai nhóc tỳ kháu khỉnh rồi.
Gã mặc quân phục Pháo binh có vẻ ngoài rất bặm trợn, đô con, trong khi cậu sỹ quan ngồi đối diện lại có dung mạo nom hết sức thư sinh và nho nhã, lại đeo thêm cặp kính cận nên càng trông "nhu mì" tợn.
Bàn cơm của họ chỉ đơn giản một tô canh cá nấu măng rừng, cơm lam và thịt heo mọi xào cay. Hai ly cà-phê, một đen đá và một pha thêm sữa đặc, hãy còn hơn phân nửa.
Gã Pháo binh đang tách vỏ tre hộ thằng bạn, nhận thấy ánh mắt của Phương Vũ đang nhìn mình thì lập tức lừ mắt nhìn lại.
Phương Vũ niềm nở bắt chuyện:
- Chiến sỹ ở sư đoàn nào?
- Pháo binh Dã chiến, thuộc sư đoàn 1, tiểu đoàn 52. Có chuyện chi không chú?
Phương Vũ nhếch miệng cười:
- Tôi thường nghe người ta đồn rằng...
- Đồn sao? - Cậu sỹ quan Hậu cần đạp đạp lên đầu gối gã Pháo binh, cố ý nhắc nhở gã giữ bình tĩnh, đừng có manh động mà làm càn. Song gã Pháo binh quay lại nhe răng đe dọa, thế là cậu trai kia liền im bặt như thóc.
Phương Vũ đợi cho hai vị quân nhân kia đã giữ được sự im lặng, mới thủng thẳng đáp:
- Họ đồn rằng: Ai ơi đừng lấy Pháo binh/ Nửa đêm nó "bắn" rung rinh cái giường.
Gã Pháo binh cùng cậu sỹ quan Hậu cần cười rần, vẻ căng thẳng ban nãy đã vơi đi gần hết. Vệ Lô Địch và Tần Hối cũng bật cười thành tiếng. Bầu không khí của cả hai bàn đều vô cùng cởi mở và hòa nhã.
Vệ Lô Địch mời hai vị quân nhân mỗi người một phần bê chao ăn kèm với rau rừng. Hoàn Khởi Điển Ba về thu rất đẹp với những sắc hoa dại mong manh mà rực rỡ, các em bé dân tộc mặc đồ địa phương đang chơi trốn tìm trên thảm cỏ úa màu nom như những khóm hoa sặc sỡ và tươi tắn.
Trước khi lên đường trở về quân khu, hai người tiến tới bắt tay từng người trong bọn Phương Vũ, rồi ngả mũ chào tạm biệt. Hai sắc áo lính nổi bật dưới khung trời hoàng hôn đượm buồn.
Vì toàn gọi món cầu kỳ nên thức ăn đem lên hơi lâu, họ bèn lót dạ bằng mấy cái bánh lá ngải, tất nhiên là phải trả thêm tiền.
- Ngày trước tôi là lính trinh sát ở đây... Thấy dân tình khổ quá nên mới xin địa phương cho mình được cấp phép xây trường và sửa sang đường xá, cũng như xây dựng cầu cống, đập nước và đê điều hỗ trợ ngành nông nghiệp nơi này. Ngẫm lại mà đã mấy năm rồi. - Vệ Lô Địch nhìn theo bóng lưng của hai người lính biên phòng, đáy mắt của anh dường như cũng nhuộm xanh đi.
Cụ ông bàn bên đương nhấp ngụm trà gừng, nghe thế quay sang nhìn Vệ Lô Địch, một đỗi rất lâu như thế mà cụ ông vẫn không lên tiếng.
Vệ Lô Địch mỉm miệng cười với cụ ông, rồi tiếp tục dẻ cá. Miếng thịt má đầu cá ngon nhất anh gắp cho trai già của mình ăn.
- Sỹ quan Tâm lý chiến Mộ Khuynh Chiêu, không biết anh Ba và chú Phương có nghe đến cái tên này không? Nghe đâu có người săn mạng của ông ấy với giá cao lắm. - Tần Hối đột nhiên báo cho hai người hay một cái tin không hề mấy tốt đẹp.
- Là người quen của chúng ta sao? - Vệ Lô Địch trầm giọng hỏi.
- Con trai của bạn cha anh Phương.
Có lẽ đấy là lý do tại sao mà Phương Hạo Nhiên hiện hồn về gặp con trai. Ông ấy muốn nhờ Phương Vũ giúp đỡ Mộ Khuynh Chiêu. Bất giác chú chợt nhớ tới khuôn mặt đẹp tựa tranh vẽ của hai cha con họ Mộ, đặc biệt là cặp mắt vừa dài và hơi xếch ấy, một đôi mắt có ánh nhìn buồn đến khó tả; mặc dù chỉ gặp qua vài lần, song không sao gột bỏ được cặp mắt ấy ra khỏi tâm trí. Rồi bỗng dưng chú đưa mắt sang gương mặt của Vệ Lô Địch. Cặp mắt tràn đầy sức sống, linh lợi và hoạt bát, hoàn toàn trái ngược hẳn với vẻ tịch liêu và u sầu nơi hai cha con họ Mộ, có thể đấy là lý do tại sao mà anh lại đặt tên tiếng Anh là "Vivian", tức "Hoạt bát".
Tần Hối gọi thêm một dĩa lợn cắp nách, cốt để ăn cho thỏa hương vị bản làng yên bình. Mai này đi xa rồi, biết đến khi nào mới có thể quay lại đây...
oOo
Chú thích:
1/ Ca khúc "Anh về với em" do bác Nhật Trường trình bày và kiêm luôn việc sáng tác.
2/ Đặc tình là cách viết tắt của cụm "Đặc vụ tình báo".
3/ Ca khúc "Buồn ga nhỏ", "Bao giờ ta gặp lại ta" và "Chiến sĩ vô danh" do bác Anh Khoa trình bày thì mình thường nghe của kênh "Nhạc Trữ Tình Thu Âm Trước Năm 1975", vì chất lượng âm thanh ở đây rất hay và sắc nét. Còn "Bản tình ca mùa đông" do ca sĩ Trương Tín Triết hát thì mình thích bản dịch của kênh "Huỳnh Phương Đạt" nhất.
4/ Cả hai bản đều mang tên "Tình sử Romeo và Juliet" và do cô Ngọc Lan trình bày. Lời Một được đăng ở video nhiều views nhất trong kết quả tìm kiếm, nói cụ thể hơn là kênh "Dan Viet". Còn lời Hai thì nằm trong các kênh video ít views hơn như kênh "Nhạc Trữ Tình Chọn Lọc", "Quê Hương Việt Nam",... Lời Hai rất buồn vì cái kết theo sát bộ phim "Romeo và Juliet", còn lời Một thì đưa người nghe đến một hướng nhìn mới tốt đẹp và đầy hy vọng hơn (Chính vì thế mà Vệ Lô Địch mới không hài lòng khi Phương Vũ lựa lời Hai). Bản gốc của bài này là "A time for us" do danh ca Andy Williams trình bày và "Un Jour Pour Nous" của nhạc sĩ người Pháp Colette Rivat sáng tác.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.