Tiệm Trà Sữa Của Tôi Toàn Là Dân Nằm Vùng Hệ Liệt

Chương 128: Hồi Mười Sáu:Giữa Sự sống và Cái chết (c)




Triệu Kiếm Phong đi ngang qua một giáo xứ Thiên Chúa an lành. Tòa Thánh vương cung tráng lệ giữa không gian bàng bạc ánh trăng tàn, những vì sao xa cùng nhau khiêu vũ một bài cuối cùng trước khi đêm qua ngày đến. Vài người dân buôn gánh bán bưng tảo tần cất những bước chân chai sạn thật nhanh cho kịp buổi chợ; một số người vừa đi vừa cất giọng rao hàng, tiếng rao đong đầy mùi đời vất vả dễ khiến người đa cảm mủi lòng mà ghé mua hàng đặng san sẻ gánh nặng trần gian với họ.
Một người lính mặt mày trẻ bân đương quỳ dưới bức tượng Kito Vua. Sương lạnh ngày đông thấm đẫm trên người anh ta, nhưng điều đó chẳng hề khiến nét mặt của anh ta khó coi.
Bất chợt trong đầu Triệu Kiếm Phong vang lên một khúc hát mang tên "Xin Chúa thấu lòng con" do ca sĩ Thanh Lan trình bày.
- Chào anh... Anh là?
- Tôi là biệt động quân từ ải Nam Quan về thăm nhà. - Anh ta cười khoe hàm răng trắng phởn. Đoạn xin phép cáo từ. Bình minh lên hay hào quang của Đức Chúa Trời bao lấy thân thể người biệt động quân, mà sau giây phút ấy, Triệu Kiếm Phong không còn nhìn thấy anh ta nữa. Cơn gió mang hương xoan tím phảng phất khắp không gian quanh gã, như thể muốn nhắn gởi điều chi...
"Boong... Boong... Boong..."
Tiếng chuông giáo đường ngân lên những nốt nhạc vui mừng chúc nhân thế đón một ngày mới an lành. Nếu lắng tai nghe thật kỹ, sẽ thấy điệu chuông họa thành bài "Kìa con bướm vàng".
Những tà áo dài trắng của các cô nữ sinh nhìn xa như muôn vạn bông hoa cẩm tú cầu nở rộ trên cánh đồng mùa xuân. Biết bao các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ và họa sĩ bị hình ảnh ấy lôi cuốn, mà phải thôi thúc bản thân tạo ra một tác phẩm hay cho những người yêu mến cái đẹp chân phương thưởng lãm.
Triệu Kiếm Phong đạp xe đến đầu phố thì rẽ vào con hẻm đầu tiên để mua xôi ăn sáng. Tuổi đời của hàng xôi còn nhiều hơn tuổi đời của gã. Tuy hàng xôi có bán rất nhiều món ăn kèm, nhưng gã chỉ thích ăn mỗi món xôi lòng gà, trứng non và gà xé sợi ăn với xôi nếp dẻo thơm.
- Gia đình nhà ông Tư tìm được hài cốt của thằng con đi lính sau mấy mươi năm rồi...
Những mẩu chuyện ngắt quãng tùy hứng của bà bán xôi với mấy bà bạn hàng xóm khiến cho vị ngọt xôi nếp trong miệng gã trở nên mặn đắng.
Bên tai gã lại vang lên ca khúc "Người chết trở về" của cố nghệ sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh qua phần trình bày của bác và ca sĩ Thanh Lan. Sau này cố ca sĩ Ngọc Lan cùng ca sĩ Tuấn Vũ hát lại cũng rất hay và day dứt.
Ai ơi xin nhớ câu này
Mình là dòng máu Lạc Hồng nghen con
Xin đừng quên nghĩa vong thân
Của những người lính chết vì quê hương.
Triệu Kiếm Phong nhớ đến lời giảng mà người thầy dạy Sử đã từng truyền đạt đến đám học sinh Cấp Ba. Một người thầy đáng kính và vô cùng nghiêm khắc, luôn dạy học với phương châm "Nhìn đa chiều", chứ không phải sách in gì thì thầy dạy nấy. Ông còn động viên mỗi học trò của mình nên tự suy luận và nhìn nhận theo nhiều hướng với từng nhân vật và sự kiện lịch sử để không bị lầm lạc theo ý muốn của ai.
Vừa đạp xe đến nhà người chiến sĩ biệt động quân quá cố, Triệu Kiếm Phong vừa miên man nghĩ đến người thầy dạy Sử năm nào. Chẳng mấy chốc, gã đã tới ngôi nhà có hàng rào hoa lồng đèn đỏ thắm và đầy kiến lửa. Người đến viếng tang đứng tràn ra tới ngoài sân, trong số đó có cả thống đốc Na Lạp Tư Khả và đô trưởng Diệp Trầm, cùng một số tướng lĩnh bên Bộ Quốc phòng và Bộ Nội an.
Người quả phụ đôi mươi năm nào nay đã trở thành một bà bác già nua. Đôi mắt khóc chồng bao năm nay càng thêm thất sắc. Vành khăn sô trên trán điểm một chấm dấu chấm tạm bợ vào mối tình giữa hai người, bởi bà vẫn luôn tin rằng, kiếp sau hai người sẽ tương phùng.
"Người yêu ơi! Anh còn đó, em còn đây.
Tình mặn hơn nước mắt
Người yêu ơi khi tình thiếu phút vui gần
Tình thành nghĩa trang buồn
Thật không em hay là giữa cơn mộng trôi?
Bừng dậy mất nhau thôi..."
Triệu Kiếm Phong thưa với gia đình người chiến sĩ biệt động quân ấy rằng mình muốn gửi chút quà đưa tiễn người anh hùng ấy về nơi chín suối. Cụ ông, cụ bà cảm ơn gã bằng giọng nói nghẹn ngào khôn xiết, đôi tay nhăn nheo của mỗi người run rẩy đón lấy phần quà viếng tang nhỏ bé của gã. Rồi nén cơn đau thương đang dâng trào trong tâm khảm, cụ ông nắm lấy bàn tay của gã để dắt gã vào tận linh đường, nơi đang diễn ra tang lễ của con trai mình.
"Vành khăn tang ôi tình tứ như lời em đợi chờ trong giông bão
Đại dương trân châu ngọc báu cũng không bằng phút giây tương phùng..."
- Rốt cuộc anh cũng chịu về với má con em... - Người quả phụ ôm lấy gói quân trang của chồng mình mà gào khóc nức nở. Tiếng khóc xé lòng của bà khiến cho ai dự đám tang cũng cảm thấy thương đến đứt từng đoạn ruột.
Dường như gã thoáng thấy, bóng hình người chiến sĩ biệt động quân kia đang ôm chầm lấy người vợ trung trinh của mình từ phía sau. Hai người quỳ trên mặt đất, Âm-Dương cách biệt, nhưng điều đó chẳng thể ngăn được họ bày tỏ mối tình thiên thu với người thương.
"Người yêu anh còn đó. Người yêu anh bé nhỏ hứa thương anh trọn đời."*
oOo
Rừng thông trong ráng chiều đẹp dịu dàng như thể một bức tranh không thật, được một họa sĩ giàu trí tưởng tượng họa ra. Tiếng bầy chim ríu rít nhắc nhau về tổ kẻo muộn khiến cho vùng đất trong lành rộn rịp hẳn. Những cụm mây phớt sắc da cam neo lại trên những triền đồi thoai thoải xanh tươi sắc thông reo và cỏ dại. Mimosa, trạng nguyên và dã quỳ mọc rải rác khắp nơi, điểm xuyết nét xinh tươi cho đất Mẹ thân yêu.
"Bóp nát sức sống của em bằng tiếng ca
Bóp nát sức sống qua điệu nhạc
Bằng lời dịu dàng anh đã giết em
Giết chết trái tim em bằng tiếng ca..."
Là nhạc phẩm "Nỗi đau dịu dàng", được nhạc sĩ Lê Hựu Hà viết lời Việt từ ca khúc "Killing me softly with his song" của nhạc sĩ Charles Fox.
Giọng hát của ca sĩ Khánh Hà cứ thế ngân vang trong không gian rừng thông hoang lạnh.
"... Rồi khi cơn sốt đun tình tôi bỗng theo khói nhạc xa vời
Và anh lên tiếng gọi hồn em đang khóc bên con vực sâu
Hãy mau lên đường về uyên nguyên khi nghe thân xác nài van..."
- Tôi nói cái này có thể khiến cưng không vui, nhưng nếu hôm ấy cưng không gửi đoạn băng ghi âm đến chỗ tôi, ắt hẳn tôi đã thôi nuôi mộng mơ về mối tình của đôi tình. - Những hình thù dị dạng dần hiện ra theo đường đi của que củi mà Vệ Minh đang cầm trên tay. - Tôi không phải là một hình mẫu Bot hoàn hảo như trong tiểu thuyết đam mỹ, phim đồng tính hay bất cứ thể loại gì tương tự vậy. Tôi chẳng đẹp, đôi lúc nói chuyện cũng rất vô duyên, hành xử thì bốc đồng, tùy hứng, lâu lâu lên cơn khùng nhảy xổ ra giúp đỡ người yếm thế mà không sợ vướng vào rắc rối hay bị báo thù. Tôi biết tôi khùng, chẳng cần đến bác sĩ tôi cũng tự biết điều đó.
- Em có biết tại sao tôi lại yêu em đến nhường đó không?
Vệ Minh lặng thinh.
- Đơn giản bởi em là em thôi. Tôi không có lý do nào hết. Ở em chẳng có gì khiến tôi phải chú ý tới hay phải ngắm nghía thật lâu. Nếu nhuộm mái tóc em thành màu đen, giữa biển người mênh mông trên tinh cầu này, em dễ dàng hòa lẫn vào và mất hút... Thực sự rất khó để diễn tả cái cảm xúc của tôi mỗi bận bên cạnh em hay tán gẫu với em qua màn hình máy tính, một sự hân hoan, vui sướng dâng trào tận đáy lòng đến độ tôi phải tự hỏi mình, "Mày bị điên à?" Quãng thời gian lăn lóc nơi đầu đường xó chợ đã thiêu rụi mọi sự lãng mạn và diễm tình trong tôi, nên... tôi không thể nào... - Hai bàn tay của An Kỳ hết khoa lên rồi lại múa xuống. Anh hệt như một đứa trẻ đang tập nói nên bị nghẹn lời mỗi khi sắp sửa cất giọng. - Cái cảm xúc ấy hệt như nhạc phẩm "Love story" do danh ca Andy Williams trình bày. "Làm thế nào để tôi kể lại cho mọi người nghe về mối tình của mình với người ấy đây. Bởi tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu và nơi nào. Chỉ vẻn vẹn một chữ "Hello" của người ấy, cuộc đời tôi đã được đắm trong tình yêu vĩnh cửu...."
Nghỉ lấy hơi vài phút xong, An Kỳ mới tiếp tục tâm tình. Đôi mắt anh đã bắt đầu đỏ hoe:
- Mỗi ngày tôi đều ngồi chờ trước màn hình, mong ngóng trời mau tối để được nghe thấy tiếng em, nhìn em bắt chước các động tác Kawaii đang thịnh hành lúc ấy... Tôi không nghĩ mình sẽ yêu một người đồng giới. Ở thời điểm ấy tôi chưa từng tin rằng mình sẽ yêu, hay thậm chí là muốn sống cùng với một người như vậy. Nhưng rồi em... em đã gióng một hồi chuông nơi tòa tháp cô độc cất ở trong đáy tim tôi, và chỉ mất vài tháng ngắn ngủi sau đó, tôi biết mình không thể nào sống thiếu em được...
Thẩm Hạc Hiên đã từng nói với An Kỳ, "Tình yêu không cần viện đến lý do mới là tình yêu đích thực. Bởi năm tháng sẽ bào mòn và xóa sạch lý do ấy. Rồi chẳng lẽ khi lý do ấy biến mất, tình yêu sẽ biến mất ư? Cho nên tình yêu đích thực không hề cần có lý do hay phải mang lại lợi ích cho đôi bên. Yêu chỉ đơn thuần là yêu thôi."
Vệ Minh ôm lấy An Kỳ, rồi kiễng chân hết cỡ để tặng cho người thương muôn kiếp một nụ hôn nồng thắm nhất có thể. Bên tai cậu lại vang lên lời ca:
"Bài ca anh viết vỗ về em nhưng vẫn thấy xa thật xa
Thiếu anh khúc nhạc thành vô duyên"
- Nhảy với tôi một điệu nhé?
Nhạc phẩm "Sway" của nam tài tử Michael Bublé đưa hai người vào chốn Thần Tiên hằng mơ ước. Điệu nhảy của hai người rất vụng về, chẳng hề uyển chuyển cũng chẳng hề đẹp mắt, nhưng đấy là vũ khúc của riêng hai người.
Rồi tới "Bailamos" do chàng ca sĩ Mỹ Latin Enrique Iglesias điển trai trình diễn. Những bước nhảy của hai người tuy vẫn còn khá lộn xộn nhưng đã trông đẹp mắt được hơn một chút.
Và kết thúc bằng bản "Suit and Tie" của đôi song ca Justin Timberlake và Jay Z. Đến lúc này thì cả hai vừa đói vừa mệt lả, vì thời tiết lạnh nên hai người không đổ mồ hôi, nhờ thế cơ thể cũng không nặng mùi lắm.
- Này, tụi mình đi ăn cháo má heo nướng đi. - Hai người nằm kề cạnh nhau trên thảm cỏ úa tàn vì tiết đông rét buốt. Hơi đất ngai ngái khẽ khàng bay đến cánh mũi họ. Trên bầu trời lác đác sao đêm, những cánh chim lạc đàn hốt hoảng cất lên những tiếng gọi bầy đầy tuyệt vọng.
- Ăn rồi tối có nhức mình không?
- Hên xui.
An Kỳ chở Vệ Minh xuống khu phố ẩm thực ngoài trời. Hai người đèo nhau trên chiếc xe mô-tô Ducati mới tân trang tới hơn một tiếng đồng hồ sau thì mới đến nơi. Không phải là vì thành phố này quá rộng lớn, mà là do bị kẹt xe liên tục.
Sau khi gửi xe ở bãi có trả phí theo giờ, Vệ Minh liền ghé vào ngay quầy bán trứng cút, vịt lộn và gà, vịt xác chiên, nơi đây còn bán hột gà, vịt vữa và nướng.
- Bắt quả tang ăn đồ không "lành mạnh" nghen? - An Kỳ thừa lúc không ai để ý, liền véo mông Vệ Minh một cái.
- Anh là chúa không lành mạnh mà ở đấy nói tôi. - Vệ Minh ngó bảng giá của từng món.
An Kỳ bẹo má Vệ Minh. Bác gái bán hàng thấy thế thì phì cười, bởi nó làm bà nhớ đến thằng Bư kế bên nhà hồi đó, mỗi bận cãi không lại con trai bà, nó liền vò cái mặt thằng nhỏ như người ta vò lá sâm; bây giờ hai đứa đều đã lập gia đình, đứa thì sang trời Tây, đứa thì lên thủ đô gầy dựng sự nghiệp.
Mua xong hộp trứng cút lộn xào me và hột gà, vịt vữa, hai người lững thững bước tới một công viên người đông như kiến ăn lót dạ. Quán cháo mà An Kỳ giới thiệu phải đợi ít nhất một tiếng mới có thể đặt mua, đợi tới chừng đó thì chắc cả hai đã lăn đùng ra đất bất tỉnh nhân sự.
Rốt cuộc thì cũng có ghế trống, An Kỳ vội vàng "sà" xuống để "xí" chỗ. Quả thật người chân dài có rất nhiều lợi thế, điển hình là việc trên. Vợ yêu của anh đã đi đặt món, quán nay đông tới nỗi thực khách phải tự lại nói, chứ nhân viên đã không còn ai rảnh tay để đi ghi đơn.
Sau khi đặt món xong, Vệ Minh tắp qua quán trà sữa kế bên mua cho bản thân và chồng cưng mỗi người một loại thức uống. Biết rằng chồng cưng không thích uống đồ ngọt, nên cậu chọn lục trà chanh trân châu nhiều đá, còn mình là hồng trà sữa sủi bọt.
An Kỳ và Vệ Minh tâm tình với nhau độ nửa tiếng thì một cậu nhân viên trông tả tơi như vừa băng qua sa mạc Sahara bằng chân trần xuất hiện. Nếu như tiền boa thuộc về các nhân viên trong quán, hai người sẽ gửi một chút đỉnh tiền bồi dưỡng cho họ.
- Vệ sĩ nhỏ của cưng canh chừng tôi quá Trời quá Đất.
- Cục cưng của tôi đấy. - Vệ Minh giúp chồng yêu gỡ thịt xương má heo, sau này về già rồi bắt đút cháo lại. Mùi hương gia vị tẩm ướp dậy lên thơm nức mũi. - Chà... Có vẻ ngon đấy! Này, há miệng ra... Há to ra chút nữa... Này, không được cắn ngón tay của tôi.
Nhớ năm nào Vệ Minh vẫn còn ngồi thui thủi trong phòng ngủ, nghe đi nghe lại những băng nhạc Giáng Sinh. Như "Hai mùa Noel" của đôi song ca Mạnh Đình - Như Quỳnh hoặc ca sĩ Anh Khoa, "Màu xanh Noel" của ca sĩ Khánh Ly hoặc Lệ Thu, "Bài Thánh ca buồn" của ca sĩ Elvis Phương hoặc Thái Châu, "Tà áo đêm Noel" của ca sĩ Anh Khoa,... Cây thông trang hoàng lộng lẫy nơi góc phòng tỏa thứ ánh sáng lung linh mà đầy lạnh lùng. Những bản nhạc Giáng Sinh cứ vang lên một cách vô hồn, như thể muốn ném cậu vào ngục tù cô độc và ngăn cách cậu với thực tại buồn tẻ.
Trên đường về homestay, hai người đi ngang qua xóm Đạo yên ắng. Những đồ trang trí cho lễ Giáng Sinh đã được thay thế bằng đồ trang trí cho dịp Tết Tây. Nhưng một số nơi vẫn còn trưng bày hang đá tái hiện cảnh giáng trần của Đức Chúa Jesus Christ.
"... Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính
Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa
Tuy Chúa là Vua muôn nước suy phục tôn kính
Chúa bỏ ngôi vàng sinh xuống trần đêm xưa..."
Đó là nhạc phẩm tán tụng Đức Chúa Trời mang tên "Cao cung lên" do bộ ba Thái Thanh - Sĩ Phú - Anh Khoa hợp ca, người bật radio là một cặp vợ chồng đầu tóc bạc phết đương ngồi ăn lẩu hải sản chua cay, mùi hương thơm đến độ bay đến tận chỗ hai người. Sau này về già hai người cũng sẽ như thế, quây quần bên nồi lẩu bổ dưỡng và nghi ngút khói, kể cho nhau nghe những câu chuyện vụn vặt hiện giờ và thuở thanh xuân trong quá khứ.
Homestay mà An Kỳ thuê cho hai vợ chồng nằm trong khuôn viên một nông trại chăn nuôi bò sữa, khách thuê có thể tới vắt sữa bò và mua sữa vào mỗi buổi sáng mà chỉ cần trả một khoản tiền rất nhỏ. Hôm qua Vệ Minh có làm một mẻ bánh phô-mai dưa lưới nho nhỏ mời gia đình chủ đất và những khách thuê trọ lân cận; cũng có vài hộ nhã nhặn từ chối, và cũng có vài hộ khen cậu khéo tay và món bánh rất ngon.
Vệ Minh và An Kỳ thay phiên nhau tắm rửa vì vết thương trên bụng cậu hãy còn chưa lành, mà buồng tắm thì khá chật hẹp nên không tiện cho lắm. Xà phòng, sữa tắm, kem đánh răng, nước súc miệng và bàn chải thì mua luôn ở đây để hành lý không nặng thêm; không biết sắp nhỏ có đánh răng và tắm rửa sạch sẽ khi hai ông tía vắng nhà không nữa đây?
Vệ Minh ngồi trên giường ăn bánh tráng trộn. Đức ông chồng của cậu thì đã ngủ mất đất từ tận kiếp nào, nhưng tay vẫn quàng lấy eo cậu. Sáng mai cậu sẽ nấu cho chồng cưng vài món ăn sáng kiểu Âu ngon ngon mà trước đây cậu thường làm cho Boo mỡ ăn, có lẽ là nui xào mực ống sốt cà chua hoặc bánh mì kẹp thịt gà nướng.
...
Ngồi sau lưng bạn đời muôn kiếp, Vệ Minh gục mặt trên lưng anh, hai tay vòng lấy cái hông rắn chắc, ôm siết lấy, ôm ghì lấy như thể một cái mỏ neo đang ra sức giữ chặt con tàu có thể viễn du bất cứ lúc nào.
- Mình... Tối nay tôi với mình về nhà ăn tất niên với sắp nhỏ nhé? - An Kỳ nắm lấy đôi bàn tay thanh mảnh của vợ cưng, trong lúc đôi môi anh khẽ khàng thì thầm.
- Ừm, sau này về già, không cần xưng hô "Cưng" hay "Em" nữa cho sắp nhỏ nó cười. Tôi và cưng cứ gọi nhau là "Mình" là đủ rồi... Mình hen?
- Ừm, mình ơi...
Rồi hai vợ chồng cùng nhau thủ thỉ xem nên mua món chi làm quà biếu bác Quang và A Trác, không có họ đưa đón và thay phiên nhau trông nom sắp nhỏ, chắc hai người không yên tâm trốn nhà đi chơi xa hai ngày như thế này đâu.
oOo
Tào Việt Bân nhìn cây cầu khỉ trước mặt một lúc lâu, rồi ái ngại hỏi:
- Có thể di chuyển bằng thứ khác qua sông không?
Mạnh Cường đương đi được nửa đường, liền cất giọng bảo:
- Bên bển hình như có bến đò, để tôi nhờ người lái đò chở anh qua nha, Tào công tử!
- Sau này anh còn phải tập đu dây qua sông nếu chúng ta tới vùng cao điều tra nữa... - Viên Thùy xắn quần cao quá đầu gối, phơi cặp chân lông lá mà trắng phởn ra ngoài.
- Đu dây... qua sông? Cầu đâu? - Tào Việt Bân thiệt tình không hiểu.
- Ở trong két sắt. - Kha Ngạn đáp gọn bân.
Mạnh Cường sải những bước chân nhanh nhẹn đến chỗ chòi tranh. Giữa chốn đồng không mông quạnh, căn chòi lợp bằng lá dừa nổi rõ mồn một, xung quanh căn chòi lơ thơ vài nhánh hoa mồng gà và móng tay. Mấy bụi chuối mang một sắc xanh non vô cùng mát mắt, có vài cây chuối đã trổ bông, có cây thì buồng chuối chín vàng oằn thân đến sát mặt đất.
Từ trong chòi vọng ra nhạc phẩm "Rừng lá thấp" do cố nghệ sĩ tài hoa Trần Thiện Thanh trình bày:
"... Sao không hát cho những người còn mải mê
Lá rừng che kín đường về phồn hoa?
Không hát cho những bà mẹ từng đêm nhớ con xa
Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua?"
Cụ ông đương ngồi trong chòi là một thương-phế binh. Bộ đồ lính Hải quân đã sờn bạc, đôi chỗ rách bươm như xơ dừa, đôi giày bốt-đờ-sô ắt hẳn hơn tuổi con của cụ ông - Nếu như cụ ông có vợ con. Cái chân trái co rút lại, dưới ống quần lính may theo cỡ người lúc còn trai tráng khỏe mạnh, nó nổi bật đến nỗi khiến cho đôi mắt của đám thanh niên chưa biết mùi hải chiến máu nhuộm biển xanh cũng phải hoe đỏ.
- Mấy cậu cần chi?
- Cháu...cháu muốn mượn đò của cụ để chở thằng bạn qua sông. Mắt mũi nó kèm nhèm quá nên nhát chân không dám đi cầu khỉ. - Mạnh Cường gượng cười mở lời.
- Tụi con sẽ gửi tiền ạ. - Kha Ngạn bổ sung thêm.
Cụ ông với lấy cây nạng gỗ, rồi chậm chạp đứng dậy. Đoạn ngoắc cả đám đi theo mình. Nơi ông neo đò cách chòi tranh ước khoảng mấy mươi mét, một ông chú chăn vịt thấy cụ liền vẫy tay chào, rồi nhắn cụ tối nhớ ghé nhà ăn cơm chung với hai vợ chồng mình.
Tội nghiệp Tào Việt Bân. Cậu ta hiện đương bị hiểu lầm là diễn viên Đại Hàn qua đây đóng phim nên bị người dân đi ngang qua nhìn chằm chặp. Phần đông người Á Châu có đôi mắt một mí hoặc mí lót, đôi lúc là cặp mắt dài, nhỏ và mảnh; hiếm thấy ai có đôi mắt vừa to vừa sâu tự nhiên, lại điểm thêm hàng lông mi dày và cong vút như cậu.
- Ê!!!
Giữa chốn ruộng lúa bạt ngàn sắc xanh, tiếng kêu của Mạnh Cường nghe như thể sấm rền. Tự dưng Tào Việt Bân nhớ đến tựa của quyển tiểu thuyết "Tiếng gọi nơi hoang dã" do nhà văn Jack London thủ bút.
Tào Việt Bân ngần ngừ bước đến chỗ neo đò. Một con đò lợp bằng ván của cây gỗ gì đó không biết, đã ngả màu sậm lắm rồi, bề ngang chắc cỡ dưới năm mét, lại gần nhìn kỹ thì thấy chưa quá hai mét, trông có vẻ chật và nguy hiểm lắm.
- Tào công tử. Mời cậu xuống đò. - Mạnh Cường làm động tác vời.
- ... An toàn không? Way!
Mạnh Cường nhào lên bế Tào Việt Bân xuống đò, nhìn xa cứ ngỡ là chú rể tới rước dâu, nhìn gần lại giống phường thảo khấu thuở xưa cướp mỹ nữ đưa về sơn trại. Nhưng nhìn từ góc độ nào cũng thành hài kịch cả!
- Sợ hả?
- Tôi từng suýt bị chết đuối. - Tào Việt Bân ngồi thu người lại hết cỡ. - Way!
Mạnh Cường ra hiệu cho cậu trai Đại Hàn dựa lưng vào người mình, để lỡ xui rủi lật đò thì anh ta còn cứu kịp.
- Hai đứa bây còn lộn xộn nữa là cả đám ngồi dưới đáy sông hết. - Ông cụ bắt đầu đổ quạu. Rồi khua mạnh mái chèo xuống lòng sông đục ngầu và đong đầy hoa nắng ban trưa.
- Họ đang làm gì vậy? - Để vơi bớt cảm giác bất an, Tào Việt Bân hướng tầm mắt về phía xa xăm. Rồi bỗng phát hiện một thứ vô cùng lạ mắt.
- Đóng đáy.
- Là sao?
- Là đánh bắt thủy hải sản dưới sông rồi đem về phân loại để mang ra chợ bán kiếm tiền. Cực lắm. Mỗi người chia khu mần ăn bằng cách cắm cọc và vây lưới ở dưới đáy sông nên mới có cái tên đó. Con cháu Ngô Quyền mà.
Ông cụ phế binh nhìn xuống cái chân tàn tật, trong lòng chợt thấy vui vui, bởi cũng còn sót lại một đứa nhớ đến lịch sử hào hùng của dân tộc mình.
Trời đột ngột chuyển mưa nên bọn họ đành trú tạm trong chòi của cụ ông phế binh. Ông hào sảng mời mỗi người một cái bánh ú nhân tôm thịt. Tào Việt Bân ngần ngại cắn thử một miếng, rồi buột miệng nói:
- Ngon quá!
Mạnh Cường chợt thò đầu ra ngoài chòi, đoạn tặc lưỡi cảm thán:
- Trời sắp nổi bão rồi.
Hai người kia bật cười ha hả, khiến ông cụ chẳng hiểu mô tê chi sất, một lúc lâu sau mới vỡ lẽ ra, rồi cũng cười tủm tỉm theo.
Ông cụ phế binh cảm thấy buồn tai nên bật bản "Ông lái đò" do nghệ sĩ Hùng Cường trình diễn lên nghe. Tào Việt Bân nghe được mấy câu thì nghệch mặt ra nhìn mọi người.
Biết được cậu trai xứ Hàn không thông thạo ngôn ngữ nước mình nên chẳng thấy cái hay của ca khúc, ông cụ bèn vỗ về bằng cách đưa cho cậu ta thêm một cái bánh ú nữa.
- Cách viết lời của một nhạc sĩ cũng phần nào nói lên học vấn của người đó. Với những kẻ kém cỏi, họ thường lấp liếm bằng cách lạm dụng công nghệ tân thời để át đi phần lời dở tệ và nhàm chán. Nếu nói nhạc mà mềm ngọt như mật ong thì có Lê Hựu Hà, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Đức Quang. Uỷ mị, sướt mướt và tràn đầy ý thơ thì có Lê Dinh, Hoài Linh, Vinh Sử, Trần Duy Đức, Nhật Ngân, Ngọc Bích, Ngân Giang, Khúc Lan. Biến hóa như tắc kè bông và luôn mới mẻ thì có Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Trúc Phương, Lam Phương và hai anh em Y Vân - Y Vũ. Tràn ngập chất Thiền và nỗi niềm nhân thế thì có Trịnh Công Sơn, Vũ Thành An. Đậm đà tình quê, tình lính thì có Trần Thiện Thanh, Duy Khánh, Hùng Cường, Nguyên Vũ, Anh Việt Thu, Nguyễn Văn Đông... Còn rất, rất nhiều nhạc sĩ khác nữa mà tôi kể không xuể, đếm chẳng hết.
Ông cụ giảng giải bằng giọng nói trầm ấm như một người ông đang tâm tình với đám con cháu xa nhà. Bên ngoài căn chòi đóng tạm bợ bằng những vật liệu nông thôn thô sơ, những giọt mưa rơi rả rích như muốn đệm tiết tấu vào trong câu chuyện của ông cụ.
- Bây giờ cậu thử đặt một bài hát nổi tiếng nhất hiện nay với bất kỳ bài hát nào thuộc dòng nhạc Vàng đi. Rồi so sánh ca từ, giọng hát, giai điệu, nội dung và cách hòa âm phối khí xem bên nào hay hơn bên nào. Ắt hẳn cậu sẽ biết tại sao dòng nhạc Vàng không bao giờ chết. - Cụ ông tu một hơi nước suối đóng chai, đoạn lột một cái bánh ú khác ra ăn. Lần này cụ chọn nhân dừa.
- Những ca sĩ trẻ hát nhạc Vàng trong nước hiện nay cụ có "chấm" được ai không? - Mạnh Cường tò mò hỏi.
- Thôi, tôi không tài nào nuốt nổi mấy màn biến tấu của mấy cô, cậu ca sĩ trẻ hiện nay đâu. Nhạc Vàng, chỉ đơn thuần là nhạc Vàng. Hãy hát bằng cái tâm và đúng giai điệu mà nhạc sĩ phổ ra thì sẽ hay thôi. Gào rú, quằn quại chỉ tổ làm trò cười cho thiên hạ... Hôm trước run rủi thế nào mà click vào xem phần trình diễn "Hạ trắng" của một cô ca sĩ đã qua tứ tuần, tôi nghe "Gọi nắng" mà cứ ngỡ "Gọi hồn" ông nhạc sĩ dậy để đòi nợ oan gia trái chủ. Tôi xem "ấn tượng" quá nên lần nào mới thấy mặt cô ta lú lên trên thanh đề xuất của Youtube là lập tức bấm "Không quan tâm". Nghe Ngọc Lan nức nở bao nhiêu, nghe Khánh Ly sâu lắng bao nhiêu, nghe Lệ Thu u buồn bao nhiêu, thì cô ta kinh khủng bấy nhiêu. - Nhìn khuôn mặt thống khổ của ông cụ, cả đám có thể mường tượng được khung cảnh ấy ra sao. - Hát thì hát bình thường đi. Bày đặt rống riết để khoe giọng khỏe làm chi hổng biết, rốt cuộc phá nát ca khúc, mà tối về chắc quất ba lít nước sâm bí đao cũng chưa chắc đỡ đau cổ họng.
- Nhưng ca sĩ vốn cần giọng khỏe và hơi dài mà thưa cụ? - Tào Việt Bân thắc mắc.
- Chaien cũng hát nốt cao, giọng khỏe đấy, mà bạn bè của cậu ta có ai nghe nổi không? Làm ca sĩ chớ hổng phải là làm "hét sĩ" nghen hôn.
Ông cụ ngồi nói chuyện được nửa tiếng thì căn bệnh đau lưng tái phát. Cụ nén đau lết tới bên tủ gạc-măng-rê, kéo hộc tủ ra lấy thuốc giảm đau. Cố nghệ sĩ Duy Khánh và ca sĩ Hương Lan đang hát vang bài "Lá thư trần thế":
"Lạy Chúa con là lính trận ngoài biên
Vì xa thành phố xa quá quên nên
Đêm nay Ngôi Hai Trời xuống
Ánh sao lung linh muôn màu
Con tưởng hỏa châu soi tuyến đầu..."
Mạnh Cường đỡ cụ nằm xuống bộ ngựa. Giờ hắn mới nhớ ra lý do tại sao Đoàn Chí Viễn lại giã từ không trung vời vợi, nguyên nhân là vì anh ta bị đứt dây chằng ở cánh tay sau một chuyên án, nên không thể điều khiển phi cơ trong nhiều giờ liền. Và cũng bởi thế mà khuôn mặt của anh ta luôn đằng đằng sát khí. Có lẽ sáng mai hắn nên tới thăm anh bạn hữu ấy...
- Tôi hổng sao đâu... Cảm ơn cậu nghen...
- Có ai... - Người đàn ông đương tìm chỗ trú mưa ấy chợt ngưng bặt lại khi trông thấy bọn họ. Cụ ông phế binh niềm nở mời vào, mặc cho cái lưng đau buốt như ai lấy dao rọc xương.
Dù muốn dù không, Đặng Xương Tuyết cũng phải tới bắt chuyện với bọn họ. Nghe đâu anh ta đang tìm kiếm tin tức để viết ký sự về chuyên án hôm nọ, bởi thế mới lặn lội xuống tận đây, những chuyện này thì đám điều tra viên như bọn họ luôn có tay trong để tuồn tin tức ra bên ngoài nhằm tránh một vài thứ không hay sẽ xảy ra.
Căn chòi rộng không quá chục mét vuông, giờ chứa thêm một thằng đàn ông sức dài vai rộng, nên lại càng thêm chật chội. Ông cụ có vẻ cảm mến Mạnh Cường, nên chỉ gọi anh ta lên bộ ngựa ngồi với mình.
- Cảm khái cho cảnh nước mất nhà tan của dân tộc Chăm-pa, nhạc sĩ Xuân Tiên đã sáng tác ra ca khúc "Hận Đồ Bàn". Nhạc phẩm vốn đã buồn thảm não, lại được chính hậu duệ của họ là ca sĩ Chế Linh trình bày càng khiến cho nó đượm một vẻ buồn u uẩn. Đương nhiên tôi vẫn nhớ Chế Bồng Nga đã sát hại vua quan nhà Trần, nhưng nét đẹp của ca từ đã khiến tôi phải chú tâm vào lời bài hát, hơn là giai đoạn lịch sử tang tóc kia. - Cụ ông tựa lưng trên chồng gối nhồi bông gòn, hai chân thì duỗi thẳng ra cho đỡ mỏi. - Nếu như các cậu chịu bỏ công tìm hiểu hoàn cảnh sáng tác của mỗi ca khúc trong dòng nhạc Vàng, ắt hẳn sẽ biết lý do nào đã hình thành nên phong cách riêng biệt của mỗi tác giả.
Ông cụ phế binh đưa mắt nhìn bóng mây neo trên con đò tròng trành. Đôi mắt hằn sâu những nếp gấp Quá khứ ấy chợt loang loáng nước mắt. "Nhất tướng công thành vạn cốt khô", thành công Tướng hưởng, bất hạnh Lính chịu. Ai cũng chỉ nhớ đến Lưu Bang và Hạng Vũ, chứ nào có ai bận tâm đến những con người đã đổ mạng lót đường cho bọn họ bước lên ngôi báu, thây vứt đồng hoang, gia đình tan tác.
- Nhạc sĩ Trúc Phương viết ca khúc "Thói đời" và nó đã tiên tri đúng cảnh ngộ của tác giả khi đặt chân lên nước Mỹ. Lời bài hát cũng là cuộc đời của cố nhạc sĩ sau này... - Đặng Xương Tuyết cố gắng đánh thức ông cụ phế binh khỏi những mộng huyền vàng son của Quá khứ. Anh mời cụ hút một điếu thuốc lá.
- Thì đấy! Cái gì cậu đã trải qua, cậu sẽ viết rất dễ. Còn không thì cứ ngắc ngứ mãi trong đầu mà không viết thành lời được. - Cụ ông rít một hơi thuốc lá, cốt để chặn đi những lời nói chua cay sắp sửa thốt ra ngoài. Đã lâu lắm rồi cụ mới nếm lại thứ này.
- Nhạc sĩ Lam Phương cũng là một ví dụ điển hình. - Viên Thùy bây giờ mới lên tiếng.
- Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, Duy Khánh,... - Cụ ông bổ sung thêm. - Mỗi bài hát của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đa phần đều liên quan đến một người quá cố, nhưng cái chết thường chỉ được khắc họa không quá ba câu, còn lại ông dành phần để viết về những mộng ước của người đó lúc sinh thời. Từ "Tình thiên thu", "Biển mặn", "Rừng lá thấp", "Anh không chết đâu anh", "Bắc Đẩu", "Người ở lại Charlie",... Sau này ông sáng tác một bài tưởng niệm cô ca sĩ Ngọc Lan, nhạc phẩm ấy mang tên "Huyền thoại Ngọc Lan".*
Nếu như Tào Việt Bân nhớ không lầm, thì lý do đưa bọn họ xuống đây là để điều tra phá án, chứ không phải là tìm tài liệu về dòng nhạc Vàng để viết báo. Sao nãy giờ cả bọn bị chủ đề này làm cho quên béng đi nhiệm vụ chính thế nhỉ? Nghĩ là làm, cậu quyết định lên tiếng trước:
- Cụ có biết người đàn ông tên Bình không? Thuở trước anh ta sống cùng bà ngoại...
- Thằng Bình phải không? Nó không phải tên Bình, nó họ Bành, dân ở đây ghép chữ cái của họ và tên thành Bình để gọi cho dễ nhớ. Tên thật của nó là Dinh.
- Bành Vinh? - Đoàn Chí Viễn hỏi lại.
- Bành Dinh. Không phải là do tôi phát âm sai đâu. - Cụ ông phì cười. - Dinh trong "Doanh phách", có nghĩa là "Linh hồn". Ý của bà ngoại nó muốn nhắn nhủ, "Làm cái gì cũng phải cho ra hồn".
Đáng tiếc là, như ông bà xưa thường nói, con người thiếu cái gì thì thường lấy tên theo cái nấy, tên Bình hay tên Dinh này chắc bẩm sinh không có linh hồn, nên bà ngoại hắn mới ngẫu nhiên chọn cho hắn cái tên đó.
- Ngoại nó mất cách đây hơn bảy năm. Tro cốt nương nhờ hương khói cửa Phật. Còn nó bán nhà để trả nợ viện phí và nợ ngân hàng rồi đi hoang luôn.
Nhóm người bên Vân Lãng chào tạm biệt ông cụ phế binh và Đặng Xương Tuyết, rồi đi tới căn nhà mà tay sát thủ mang tên Bình từng cư ngụ, nay nó đã trở thành một ngôi biệt thự xa hoa và sang trọng, gia chủ là gia đình một ông viên chức về hưu, sống nhờ nghề bán cây cảnh gia truyền. Trong nhà có nuôi một bầy chó becgie Đức, lạng quạng thì tụi nó xực cho mấy miếng.
"King coong... King coong... King coong..."
- Ơi! Ai đó?
Mỗi người trình thẻ công vụ của mình ra, rồi đợi xem phản ứng của ông Hồng thế nào.
Ông ta bấm số gọi cảnh sát địa phương xuống xem xét thực hư giùm mình, không buồn chào hỏi ai trong số họ một tiếng.
Cả đám bình thản đứng đợi cảnh sát địa phương xuống. Hai bên chẳng ai nhường lấy ai, nên bầu không khí vô cùng nặng nề và ngột ngạt. Chỉ có bầy chó becgie Đức nhe mấy cái nanh trắng phởn ra chào đón họ, nhìn tới tụi nó là thấy ngay hình ảnh vắc-xin chống bệnh dại.
Độ khoảng mười lăm phút sau, hai người mặc đồng phục cảnh sát thuộc đơn vị Phản ứng nhanh có mặt tại chiến trường không thuốc súng. Một cậu có giọng nói dễ mến khẽ khàng tới bắt chuyện với họ, nghe cách trình bày là biết ngay con người có học thức và "không chạy điểm", bởi vì chưa biết ai đúng ai sai thì không được phép tùy tiện kết tội hay phùng mang trợn má với đương sự.
- Rồi, bây giờ hai bên bình tĩnh lại, trình bày cho tôi và chú Tư nghe xem đầu đuôi như thế nào.
Ông Hồng hất mặt một cái, đoạn khoa chân múa tay kể lể sự việc. Giờ mà phát cho ông ta một cây gậy nữa là có thể chỉ huy cả dàn nhạc giao hưởng.
- Tới lượt các anh. - Ông chú cảnh sát mặt mày đen sạm ra hiệu cho ông Hồng dừng lại.
Giá có Đoàn Chí Viễn ở đây, ắt anh ta sẽ đứng ra thu xếp gọn ghẽ. Nhưng hiện giờ anh ta đang trốn trong quân khu của chuẩn tướng Nguyễn Giai Kỳ, nên không thể nào giúp đỡ họ được. Tổng thống Hác không tỏ vẻ gì là sẽ truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan, song sau sự việc của Phùng Bác Văn, chẳng mấy ai tin ông chú sẽ để cho sóng yên biển lặng cả.
Để tránh lôi thôi mất thì giờ, Viên Thùy nhắn tin cho Bạch Lãng để xin được gặp mặt Phạm Đình Vân.
Ước độ hai mươi phút sau, cấp trên của hai viên cảnh sát chạy tới tiếp đón nồng nhiệt đám người bên phe thiếu tướng Phạm. Rồi giục ông Hồng mau mở cửa.
- Bây giờ chúng ta bắt đầu được rồi chứ? - Viên Thùy lạnh giọng hỏi.
Ông Hồng miễn cưỡng mời bọn họ vào nhà. Rồi sai người giúp việc đi pha trà đãi khách.
Người đặt câu hỏi là Kha Ngạn và Mạnh Cường, hai người kia thì ngồi ghi chép và quan sát thái độ của ông ta.
Trong suốt quá trình thẩm vấn, cả nhóm lấy được một vài tin tức hữu ích về đời tư của hai bà cháu họ Bành. Và cũng như đã hiểu được nguyên nhân tại sao Bành Dinh lại mắc bệnh tâm thần. Theo kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Bành Dinh đã từng đi hiến thận, vì lý do gì thì không rõ, phần gan có dấu hiệu bị tổn hại do dùng thuốc kháng sinh quá nhiều, rất có thể là do vết mổ không được sát trùng đúng cách nên dẫn đến việc viêm nhiễm trong màng bụng và ổ ruột mạn tính. Rất có khả năng lúc còn sống hắn đã bị nhiễm trùng máu. Thầy Bạch cho rằng có thể là hắn bị lừa đi làm công ở đâu đó ngoài biên giới, rồi đám người ấy toan giết người cướp tạng thì bi ̣động ổ nên phải dừng tay; chính vì cơn đau đó đã ảnh hưởng nặng nề đến hệ thần kinh và não bộ hắn, mà khiến hắn muốn để người khác nếm trải cơn đau bị mổ lấy nội tạng sống giống mình.
Họ còn biết thêm một chi tiết đã đẩy Bành Dinh đến bước đường cùng, đó là việc ép giá mua đất xuống sát nút của vợ chồng ông Hồng. Nợ ngân hàng chồng chất, lại còn bị bọn cho vay nặng lãi truy đuổi hết ngày này qua ngày nọ, không còn cách nào khác hơn là liều mạng một phen, nên hắn đã tham gia nhóm mổ người của Mắt Quắc.
Cho nên có nhiều người nghèo chửi người giàu "Khốn nạn" là vậy. Họ cứ mang tâm lý "Ngu thì cho chết" nên cứ mặc sức ép giá các mặt hàng mà người nghèo chào bán để đổi lấy cơm gạo cho gia đình, rồi ban đêm khoác áo vest lên diễn đàn dạy đời người ta lối sống, cách làm từ thiện và rao giảng những lời nhân nghĩa mị hoặc. Và những người cùng khổ trong cơn quẫn trí, đã phải thực hiện tội ác để bấu víu lấy mảnh đời khốn cùng của mình và người thân. Đương nhiên phạm pháp là phải đền tội, nhưng sao không ai nhắc đến những người đã đẩy họ rơi vào con hẻm cụt, hay những tay gian thương "Hứa thật nhiều, thất hứa cũng thật nhiều" hết lần này đến lần nọ"? Chính quyền ở nơi mô? Ánh sáng nào soi rọi cho những con người bị chính đồng bào mình đạp xuống tận đáy xã hội? Danh ca Phil Collins đã từng hát một nhạc phẩm rất hay mang tên "Another day in Paradise" với mong muốn đánh thức con tim mọi người. Và nghệ sĩ tài hoa Michael Jackson đã sáng tác một bài hát có tên là "They don't care about Us" để phản ảnh xã hội đương thời.
Bến xe khách là cái tên mà người dân địa phương quen gọi đối với quán cơm phần của gia đình ông Bảy Hạng. Hành khách thường ghé đây ngồi đợi xe đến, gia đình ông Bảy Hạng chưa từng phàn nàn hay mặt sưng mày xỉa khi họ không mua hàng trong quán ăn nhà ông. Lâu dần cánh tài xế chọn quán ăn của gia đình ông thành nơi trung chuyển hành khách luôn cho tiện.
- Tào công tử, ăn gì hôn?
Tào Việt Bân toan nói còn no, thì bỗng dưng cậu thấy một bức tranh chụp về món bún bò Huế treo trên tường, bèn hỏi khẽ:
- Món này ăn sao thế?
- Ngon với bọn tôi, "Hên-Xui" với cậu. - Mạnh Cường vừa trả lời cậu bạn đồng nghiệp, vừa chỉ cho anh nhân viên lấy khứa cá kho hợp mắt mình. - Cô ơi!
- Có chuyện chi không con? - Bác gái chủ quán có dáng người phốp pháp và nụ cười chất phác bước tới trả lời Mạnh Cường.
- Dạ, cô có bán bún bò theo kiểu nửa tô hông?
- Mồ tổ cha tụi bây, phá tui hen? - Bác gái bật cười mắng yêu. Cặp mắt đã sụp mí và có nhiều vết chân chim của bác gợi cho từng người một nỗi nhớ thương người mẹ tần tảo của mình.
- Dạ, tại thằng bạn của con nó...
- Rồi, ăn hổng hết phải hôn? Vậy để cô bán nửa tô, nếu ăn xong còn thấy chưa no thì mua ủng hộ cô thêm một tô nữa hén? - Ánh nhìn của bác gái đặt trên người Tào Việt Bân như thể cái cách một người mẹ có con cái biếng ăn.
- Dạ, con cảm ơn cô rất nhiều. Làm phiền cô quá đi mất.
Tào Việt Bân nhìn cung cách nói chuyện của Mạnh Cường mà nhớ tới ông anh trai và bà chị gái. Hai người ấy rất vất vả trong việc lo cho cậu ta về mặt ăn uống và sinh hoạt.
Dĩa cá thu kho khóm mà Mạnh Cường gọi là để ba người bên hắn ăn chung. Hai cái bánh ú kia đã chiếm ngự... nếu nói không ngoa thì chắc khoảng hai phần ba bao tử của hắn và hai người bạn đồng nghiệp. Viên Thùy vẫn gọi phá lấu và cải chua như thường lệ, còn Kha Ngạn thì chọn mắm chưng hột vịt, và Mạnh Cường lại thích dùng món sườn chiên.
Đặng Xương Tuyết đã lên xe khách về lại Diệp Trầm, chứ không ở lại ăn chiều như bọn họ. Thái độ gấp gáp của anh ta ít nhiều đã khiến cho đám điều tra viên và pháp y sinh nghi.
- Ê, ăn được hôn? - Mạnh Cường ngó chồng tô bên phía Tào Việt Bân mà cười ngất.
- Ngon.
- Tôi thấy nay có anh Cường nên cậu Bân mới chịu ăn nhiều vậy. Hay là hai người cưới nhau đi cho gia đình cậu ta đỡ khổ? - Viên Thùy hơi nhếch miệng cười. Tào Việt Bân đưa mắt nhìn Mạnh Cường, rồi vừa rùng mình, vừa lắc đầu nguầy nguậy.
- Tôi từng huấn luyện mấy thằng kén ăn trong trung đội mình mà, nên có nhiều kinh nghiệm lắm. - Mạnh Cường vỗ vỗ ngực mình, ra chiều hết sức tự hào.
...
Nếu độc giả của nó mà biết, rằng người tiếp nối câu chuyện này là anh ta thì sao nhỉ?
Dù đã cố gắng hết sức, nhưng Đặng Xương Tuyết vẫn không thể hòa mình vào với cốt truyện đầy rẫy lỗ hổng của cô em gái, nên buộc lòng anh phải "thay máu" từ từ. Những chương do nó viết, anh sẽ giữ nguyên để làm "chứng tích" về sự có mặt của nó trên trần thế. Có thể là khiến cho độc giả phải bỏ dở ngay từ chương đầu vì văn phong quá dở và thô thiển, nhưng anh tôn trọng "chất xám" của cô em gái bệnh tật. Và cũng bởi anh luôn quan niệm, nếu có duyên thì sẽ cùng nhau đi hết chặng đường này, mặc dù đôi bên chẳng ai biết ai là ai.
Pha xong một ly cà-phê đen đá, Đặng Xương Tuyết mở Laptop lên đặng viết bài cảm nhận về nét tiêu biểu trong ẩm thực Nam Bộ cho một tòa soạn. Nhuận bút là ba trăm đồng, không đủ để anh ta mua đồ về nấu ăn trong một tuần. Nhưng biết làm sao được, cụ Tản Đà đã từng nói, "Văn chương hạ giới rẻ như bèo" mà.
"Reng..."
Người đứng ngoài cửa là gã trai tóc bạch kim hôm bữa. Không thấy mấy tay cận vệ, có thể là đang...
- Tôi vào nhà được chứ? - Cấp Trên giơ túi đựng ly cà-phê.
Cấp Trên để cho Đặng Xương Tuyết chọn đồ uống trước. Gã ngồi hơi ngả lưng ra phía sau, chân trái gác lên chân phải, hai tay dang ra và đặt trên thành ghế. Bộ ghế sô-pha đóng bằng cây gỗ xoan và bọc nệm nơi mặt ghế có vẻ khá không hợp với cốt cách của gã trai hư ấy.
Đặng Xương Tuyết không hề chần chừ mà lấy ngay ly Tiramisu Frappuccino.
- Thích uống cái đó à? - Cấp Trên nháy mắt hỏi. Rồi nhấp một ngụm Irish Cream Cold Brew. Gã cảm thấy mình rất có duyên với thức uống này, lần đầu tiên cũng vậy, lần kia cũng vậy, và lần này cũng hệt thế.
Đặng Xương Tuyết biết mình thất thố, nên chỉ còn nước lắc đầu cười trừ. Số tiền mà gã đàn ông này đưa cho, anh đã đem đi trả nợ viện phí của em gái. Đều đặn hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi thư nhắc nhở anh trả nợ cho họ, nên chi tiêu của anh luôn thiếu trước hụt sau, lại còn thêm tật ghiền thuốc lá, nên chẳng có tháng nào dư được vài trăm trong túi.
- Tài liệu mà tôi cung cấp có thể giúp con đường Văn học của anh rạng danh khắp năm châu bốn bể không?
- Tôi không thích nhảy trên miệng hố lửa... - Đặng Xương Tuyết nở một nụ cười nhạt. Bắt anh viết truyện biếm nhẽ những tay quan chức đó chẳng khác nào bảo anh đưa đầu vào miệng con sư tử đang đói rã ruột.
- Well... Vậy thôi. - Cấp Trên tỏ vẻ hết sức tiếc nuối. - Tôi mời anh đi ăn một bữa sang sang nhé?
Đặng Xương Tuyết chẳng lấy làm mừng, mặc dù khái niệm ăn sang của anh là "sáng ăn khoai".
- Buffet đồ biển, lẩu nhúng và barbecue... Được miễn phí thức uống và một con tôm hùm hoặc cua hoàng đế tùy theo sở thích... Fleur, lại đây.
Một người thanh niên dáng dấp cao ráo và ăn bận bảnh bao từ dưới nhà bước lên thưa Cấp Trên. Nhìn đường nét trên khuôn mặt cậu ta thì Đặng Xương Tuyết đoán rằng người này là con lai; một chút nét lịch lãm của Ý Đại Lợi và một chút nét hoàng gia của Vương quốc Anh hoặc là nước Pháp. Giọng nói của cậu trai vô cùng ấm áp, mặc dù nói toàn bằng giọng mũi nhưng người nghe không cảm thấy ngột ngạt.
Chiếc vali mà cậu con lai ấy mang theo chứa đựng một bộ âu phục vừa y với số đo cơ thể của Đặng Xương Tuyết, đôi giày da bóng lộn cực kỳ êm chân, chiếc cà-vạt sọc xanh-trắng đơn giản mà không kém phần sang trọng, và cuối cùng là một đôi vớ đen co giãn rất tốt.
- Còn thiếu cái này. - Nhìn hộp đồ lót nam và một hộp đựng đầy đủ tất tần tật các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho cánh mày râu trên tay cậu con lai, Đặng Xương Tuyết chỉ còn biết lắc đầu cười khổ. Anh khẽ khàng thở dài, rồi đem chúng vào nhà tắm cùng mình. Trong một phút giây do Trời cao sắp đặt, anh đã trông thấy vẻ ưu phiền hiếm hoi trên khuôn mặt đểu cáng của Cấp Trên. Thì ra gã trai tóc bạch kim này cũng biết đến chữ "Buồn"...
Cậu con lai giúp Đặng Xương Tuyết thay đồ một cách hết sức tự nhiên, như thể là một người em trai chăm sóc cho anh ruột bị bại liệt vậy. Chốc chốc, lại chỉnh trang chỗ này rồi đến chỗ kia. Cốt cách của anh bỗng chốc thay đổi hoàn toàn. Vẻ hào nhoáng tạm bợ ấy đã khiến anh phải ngỡ ngàng và sửng sốt trong suốt bữa ăn tối với Cấp Trên. Và đến ngày hôm sau, nó vẫn còn đọng lại trong tâm trí anh một cảm giác lâng lâng khôn tả.
...
Cũng nội trong ngày hôm ấy, vào lúc mười một giờ tối tại thành phố Diệp Trầm.
An Kỳ đang trên đường trở về nhà sau khi đi mua bún riêu về cho vợ con ăn khuya. Uông Trác cũng ké một phần. Cả nhà anh đang bày sòng lô-tô ăn tiền ở nhà, thằng em trai qua nhà chơi một mình, còn hai anh em họ Liễu thì viện cớ không đến.
"Bốp."
"Hự."
Người chọi vỏ chai nước suối vào đầu anh bỗng ngã lăn ra đất hôn mê. Bóng đèn đường do người dân câu không còn ở chỗ ấy nữa, nó hiện đang nằm ngoan trên tay gã đàn ông mặt mày bê bết máu. Con hẻm phủ một màu tăm tối ghê rợn. Gió đêm mơn man như thể muốn vỗ về người đàn ông đang bất tỉnh ngủ thật say thêm chút nữa.
"Cộp... Cộp... Cộp..."
Giữa con hẻm bị bóng đêm chiếm lĩnh, hình hài một người đàn ông đứng cách người thanh niên ném vỏ chai vào đầu An Kỳ nửa thực nửa hư.
"Cộp... Cộp... Cộp..."
Mặc dù không hề có trong tay một chút chứng cứ, nhưng bỗng nhiên An Kỳ lại nảy ra ý nghĩ tay này là một trong những tên cầm đầu trong vụ thảm sát liên hoàn mấy năm qua.
Người đàn ông đứng trước mặt An Kỳ cao khoảng một mét tám đổ lên, thân hình hơi gầy so với chiều cao. Trên tay không cầm bất kỳ thứ hung khí gì như trong tưởng tượng của anh. Vật mà ban nãy anh tưởng là hung khí, hóa ra chỉ là một tờ báo bị cuộn tròn.
- Tôi tên là Thanh Nguyệt. Còn anh?
oOo
Đó là một cơ sở nuôi trẻ mồ côi của một cậu thanh niên tu tại gia, anh ta tu tập theo Tịnh Độ môn của Phật Giáo Hòa Hảo do Đức Huỳnh Giáo Chủ sáng lập, trong nhà anh ta có dành một góc riêng để thờ tự Đức Thầy.
Trần Bảo Sơn là người đã cưu mang Bành Dinh trong quãng thời gian hắn đi trốn nợ. Anh ta cũng là người thay mặt hắn đứng ra xin khất với đám cho vay nặng lãi, và sau này thấy tình cảnh hắn bi đát quá, anh ta động lòng thương mà giúp hắn trả một khoản nợ khá lớn cho chúng.
Viên Thùy xin phép được khám xét phòng ngủ của Bành Dinh, Trần Bảo Sơn dẫn đường mà nét mặt buồn rười rượi. Cảnh cũ vẫn bình yên, mà người xưa đã hóa thành quỷ dữ...
Căn phòng cỡ chừng mười mét vuông, một giường ngủ đơn kê sát tường, một tủ quần áo âm tường, một kệ để giày, dép, một giá sách treo tường, một cái bàn viết và một cái ghế gỗ. Cửa sổ trên bàn viết hướng ra mảnh vườn trồng nhãn, xoài cát và thanh long xanh tốt; đây cũng là nguồn thu nhập chính của nhóm người Trần Bảo Sơn.
Cả đám ra hiệu cho Trần Bảo Sơn ra ngoài, rồi cùng nhau khám xét căn phòng.
Căn phòng không có gì ngoài mạng nhện và bụi bặm, cùng với "một ít" gián, mọt. Ơn Trời là ở đây không có chuột, họ phát tởm với đàn chuột ở nhà của bộ đôi sát nhân kia lắm rồi!
Trần Bảo Sơn ngồi thưởng trà một mình trong phòng khách. Khuôn mặt trái xoan nhu hòa và dễ mến của anh ta rất dễ gây cảm tình với người khác. Lại thêm khi cười trên mặt hằn rõ hai cái má lúm đồng tiền rất xinh, nên hiếm ai nỡ nặng lời với anh ta.
- Anh mở cơ sở nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có gặp khó khăn gì không? - Kha Ngạn hỏi, trong lúc ngồi xuống phía ghế đối diện.
- Khó khăn gì à? - Anh ta khép hờ đôi mắt, dường như đang nghĩ rất lung. Ước khoảng mười phút sau mới miễn cưỡng lên tiếng. - Nhiều người nói tôi ăn chơi hoang đàng, chung chạ với vợ người khác nên mới lập ra cơ sở này để kiếm tiền của Mạnh Thường Quân.
- Phì... - Kha Ngạn vội vàng xin lỗi. Anh thực sự không hề có ý cười nhạo người thanh niên này. Chỉ là...
- Hì, miệng đời mà. Muốn đồn hay muốn thổi thế nào thì mặc xác họ. Hồi Đấng Thế Tôn hãy còn tại thế, Ngài ấy còn bị một số chúng sanh đặt điều, vu vạ còn kinh khủng hơn thế nữa, nhưng Ngài ấy chưa bao giờ lìa xa Chánh-pháp mà để tâm can rơi vào vòng Tam-bành nơi thế tục.
Kha Ngạn thấy đôi mắt của Trần Bảo Sơn lung lắm, như thể có rất nhiều tâm sự đang chất chứa trong cõi lòng, chỉ đợi ai đó chấp nhận lắng nghe, anh ta sẽ kể ra ngay lập tức. Vì thế mà anh im lặng uống trà chờ đợi. Có bầy chim trao trảo buông xuống mảnh vườn trái cây một điệp khúc chờ Xuân, âm thanh lảnh lót của chúng khiến thế giới quanh anh bỗng chậm đi một nhịp.
- Thật tình mỗi lần nhìn ai đó cài Avatar tôn giáo mà phun ra những lời lẽ rắn rết, đầy sâu bọ, thì tôi lại nổi Bồ-Đề gai. Nếu như họ không tin kính tôn giáo ấy, thì cũng xin đừng bôi nhọ nó bằng cách sử dụng Avatar tôn giáo ấy để thốt lên sự độc địa trong tâm can của mình. Đức Phật luôn luôn tịnh khẩu, Đức Chúa không bao giờ "ném đá" vào người khác*. - Ban đầu nhóm người bên Trần Bảo Sơn định bụng sử dụng Facebook để tham gia vào các nhóm chia sẻ và thảo luận cách nuôi dạy trẻ, chăm sóc vườn tược, kiến trúc và Giáo Pháp, nhưng vì quá nhiều chuyện nhiễu nhương nên họ không còn hứng thú xem tin tức nữa.
Mấy đứa trẻ trong cơ sở đương xúm nhau ăn cơm trong nhà bếp. Bữa cơm coi bộ tươm tất lắm. Có cá trích kho cà, cà-ri bao tử cá Basa, mực xào dưa leo và hành tây, bò lúc lắc và trứng chiên thịt. Đồ mát thì có dưa giá và một nồi canh bún nấu với mướp hương và tôm khô thơm lựng.
Đến thăm bất thình lình thế này mà bữa ăn của bọn trẻ tốt tới nhường thế, ắt hẳn những lời đồn đãi không mấy hay ho kia chắc là do "chi bộ bà Tám" trong vùng góp gió thành bão thôi.
- Ngon không mấy đứa? - Mạnh Cường xoa cái đầu trọc lóc của đứa bé đô con nhất trong đám.
- Dạ ngon!!!
- Cha... cha... cha... chi... cha... Ư... - Đứa bé mới lú mấy cái răng sữa khổ sở phát âm. Tuy rằng cu cậu đang ôm bình sữa cứu đói, nhưng vẫn muốn góp tiếng nói với các anh, các chị của mình.
- Mẹ của nó bị nhiễm HIV/S, gia đình cô ta cứ đinh ninh là nó cũng vậy, nên gửi nó cho bọn tôi nuôi. - Cậu trai đảm nhiệm chức bếp trưởng vừa lau miệng cho nhóc con, vừa dịu dàng kể. Cậu ta nấu ăn cùng với hai người thanh niên khác, họ cũng tu tại gia như Trần Bảo Sơn.
- Khi bọn tôi chứng minh rằng nó âm tính, gia đình họ còn khăng khăng bảo bọn tôi làm giả kết quả để rảnh nợ, rồi còn dọa thưa kiện đủ cả. - Cậu thanh niên mập mạp bổ sung thêm. Nhớ tới cái quãng thời gian ấy mà cậu còn cảm thấy rùng mình, bởi lòng dạ con người còn hiểm độc hơn loài rắn rít.
- "Đời không Đạo Đời vô liêm sỉ. Đạo không Đời Đạo biết dạy ai." Đức Thầy là người viết ra câu nói ấy, và nó rất đúng trong thời đại này. - Trần Bảo Sơn vừa pha trà vừa ôn tồn nói. Rồi khẽ khàng mời nhóm người bên Vân Lãng thăm thú vườn tược. Và dặn hờ rằng cứ tự nhiên khám xét.
Vừa đi, Trần Bảo Sơn vừa hỏi ý kiến của bọn về việc nên trồng thêm loại cây nào để ổn định đời sống cho sắp nhỏ. Nhóm người bên phía anh ta dự định sẽ trồng điều, mía, bắp và ổi không hạt, nhưng do không đủ vốn liếng nên vẫn còn chần chừ mãi. Vả chăng đầu ra không được bảo đảm, nên ngẫm tới nghĩ lui đành dẹp chuyện này sang một bên.
Đám người bên Vân Lãng cũng không biết nên góp ý thế nào cho phải, bởi thời buổi giờ kinh tế hết sức khó khăn, cạnh tranh liên miên, mà người mua và thương lái lại kén cá chọn canh, nên không thể đầu tư một cách tùy tiện được. Xét thấy thái độ của Trần Bảo Sơn không phải là muốn mượn chuyện để xin tiền, bọn họ lại càng cảm thấy buồn bực hơn, vì bản thân chẳng thể giúp được cái chi sất.
Bên nhà hàng xóm vẳng qua nhạc phẩm "Nửa hồn thương đau" do ca sĩ Tuấn Ngọc trình bày. Ca khúc này dựa trên một câu chuyện hoàn toàn có thật của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, được viết ra sau khi ông phát hiện vợ mình ngoại tình với chính người anh rể là nhạc sĩ Phạm Duy. Trong cơn đau khôn tả vì người thương đã phản bội tình mình, bác đã vực dậy sau khi nghe tiếng khóc của con trai bé nhỏ, bác đã "vực dậy" đúng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, và dồn hết tâm tư và bi phẫn vào trong ca khúc này. Về sau hai vợ chồng bác li dị, và bác sang Hoa Kỳ định cư, nhưng những tác phẩm sau này vẫn thấp thoáng dáng hình bà ấy. Có lẽ ông Trời cảm động tấm chân tình của ông mà tại nơi đất khách quê người, ông đã gặp được một người phụ nữ nết na, thùy mị và hết sức xinh đẹp. Tuy vậy ông không viết bài nào về người vợ sau của mình, nhiều người cho rằng vì cuộc sống quá viên mãn nên ông không biết phải viết như thế nào mới diễn tả được tất cả thành lời, nên đành thôi. Ông có mượn ý và một câu thơ trong bài thơ nổi tiếng "Lệ đá xanh" của thi sĩ Thanh Tâm Tuyền để làm rõ nội dung của nhạc phẩm. Câu thơ ấy như sau: Đôi khi anh muốn tin.
- Hàng rào bên mình chỉ là lưới sắt dựng lên thì có bảo đảm không anh? - Tào Việt Bân miết ngón tay lên cánh hoa bìm bìm tím rịm. Trên hàng rào có một số loại cây nhà lá vườn ngồ ngộ mà cậu chưa từng biết đến trước đây. Nghe Mạnh Cường giới thiệu thì có mồng tơi, đậu rồng, rau má,... mấy thứ này ăn vào thanh nhiệt mát gan còn tốt hơn là uống thực phẩm chức năng nữa.
- Cắt rào để hái trộm mấy loại trái cây ấy ư? Tôi nghĩ không ai rảnh rang thế đâu. - Trần Bảo Sơn bật cười. Rồi ngoắc mọi người vô vườn thanh long ruột đỏ tham quan.
oOo
Chú thích:
1/ Nhạc phẩm mang tên "Một người đi" do nhạc sĩ Mai Châu sáng tác, và vợ của bác là ca sĩ Hoàng Anh trình bày rất thành công.
2/ Nếu các bạn muốn nghe thử nhạc phẩm "Huyền thoại Ngọc Lan", mình đề xuất nên gõ theo cú pháp "Huyền thoại Ngọc Lan - Ngọc Lan", vì mấy cú pháp khác nó hay đưa ra link báo về cuộc đời của cô nhiều hơn là link nhạc. Bài này trên "Nhaccuatui" do ca sĩ Nguyễn Lâm Nguyên (?) hát.
3/ Việc này được đề cập đến trong "Người đàn bà ngoại tình ((Tân Ước)". Câu chuyện này rất hay và ý nghĩa, và có thể giúp ta hiểu thêm về lòng bác ái và sự vị tha của Đức Chúa Jesus với nhân loại.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.