Tiên Sinh Không Ngây Thơ

Chương 24.2: Em có nhớ tôi không? (2)




Editor: Yue
* * *
Trì Vân Phàm đếm thời gian, cô đã năm ngày không gặp Hứa Viễn Hàng. Đêm đầu tiên anh biến mất, cô đúng giờ đến nhà anh, căn nhà tối om, anh không có ở đó, cô liền đi.
Sau giờ học hàng ngày, cũng không thấy bóng dáng đâu, cũng không biết anh đã đi nơi nào. Nhưng Trì Vân Phàm luôn có một loại ảo giác rằng anh sẽ nhảy ra từ đâu đó trong con hẻm bất cứ lúc nào và xuất hiện trước mặt cô.
Giống như giờ phút này, cô đang đi trên đường, dường như mơ hồ cảm nhận được điều gì đó, nghiêng đầu nhìn lại thì cũng không thấy gì ngoại trừ những con hẻm u ám vắng vẻ.
Một cảm giác khác lạ đột nhiên xuất hiện trong lòng cô, cho đến khi cô trở về biệt thự, ăn uống, tắm rửa xong, lúc đang sấy tóc, Trì Vân Phàm mới muộn màng ý thức được rằng đó là một cảm giác tương tự như cảm giác mất mát.
Nếu như muốn nghiên cứu kỹ mà nói, chính là khoảng thời gian này, hầu như ngày nào anh cũng xuất hiện bên cạnh cô, cô đã quen với sự tồn tại của anh. Nên khi anh biến mất, cứ như cô đã mất đi thứ gì đó..
Không đúng.
Loại này logic không đúng.
Anh không phải của cô, không thể dùng "Mất đi" được.
Hay là có chuyện gì xảy ra với anh?
Trì Vân Phàm tắt máy sấy tóc, cầm điện thoại lên, chần chừ không biết gọi điện thoại để hỏi hay không. Dù sao anh cũng đã lưu số trong điện thoại của cô, nhưng cô vừa bấm vào danh bạ thì nghe thấy một tiếng "cốc". Vốn tưởng rằng mình nghe nhầm, âm thanh "Cốc cốc" lại vang lên, cô nương theo âm thanh đó, đôi mắt đen khẽ mở to.
Một bóng người cao lớn đứng trên ban công bên ngoài cửa sổ sát đất, thấy cô nhìn sang, anh liền giơ tay làm động tác.
Không đợi Trì Vân Phàm kịp phản ứng, Hứa Viễn Hàng đã mở cửa sổ kính trong suốt kéo từ trần nhà đến sát đất, bước vào phòng ngủ của cô. Diện tích còn rộng hơn lớp học, trang trí thì càng lộng lẫy hơn: Đèn pha lê cổ điển, giường công chúa kiểu châu Âu có rèm cùng ghế sofa bọc da thật. Đầy đủ mọi thứ, thể hiện rõ sự sang trọng và quý phái.
"Làm cách nào cậu tới đây được?"
Hứa Viễn Hàng khôi phục lại giọng điệu giễu cợt: "Sao, buổi tối chỉ cho phép cậu được đến thăm nhà tôi thôi à?"
Vì chuyến tàu đến muộn nên khi anh trở về Miên Thành thì trời đã tối, trong sân nhỏ nhìn thấy ánh đèn trong phòng Trì Vân Phàm, chờ không nổi ngày mai mới gặp được cô, dứt khoát liền học cách cô leo tường mà đến đây.
Thấy được cô mới cảm thấy như muốn mạng.
Thảo nào những tên đăng đồ tử[1] ở thời cổ đại đều thích đến khuê phòng* vào ban đêm. Hẳn là cô vừa tắm rửa qua, khăn choàng tóc màu đen, trong phòng mở máy sưởi, trên người cô chỉ mặc một chiếc váy ngủ không tay màu tím nhạt, đường cong cổ duyên dáng, xương quai xanh cùng cánh tay và hai chân thon dài thẳng tắp đều lộ ra hết.
(*Yue: Buồng con gái nhà quyền quý thời phong kiến/Phòng của đàn bà, con gái nhà quyền quý thời phong kiến)
Da thịt trắng như biết phát sáng.
Hứa Viễn Hàng hít sâu một hơi, chỉ cảm thấy hương thơm như có như không kia càng nồng đậm thêm mấy phần.
Cảm nhận được ánh mắt thiêu đốt không che đậy gì của anh, Trì Vân Phàm cũng nhìn xuống, chiếc váy ngủ cũng không bại lộ chỗ nhạy cảm gì, với lại cô có thói quen mặc áo ngực trước khi đi ngủ và sau khi tắm. Nhưng bị anh nhìn chằm chằm như thế, cô vẫn có chút không được tự nhiên nên đi vào phòng chứa quần áo.
Hứa Viễn Hàng không chút khách khí ngồi xuống ghế sô pha bằng da, liều lĩnh duỗi ra đôi chân dài của mình, nhìn phòng ngủ của cô tỉ mỉ hơn.
Lớn thì lớn thật, cũng đặc biệt lộng lẫy, nhưng luôn có cảm giác như thiếu một thứ gì đó.
Đến cùng là thứ gì đây?
Còn chưa kịp suy nghĩ thì Trì Vân Phàm lại xuất hiện ở trước mắt, Hứa Viễn Hàng thấy cô mặc thêm một chiếc áo khoác dài mỏng thì nhướng mày, có câu nói gọi là cái gì nhỉ? Càng che giấu càng lộ ra rõ ràng. Cô cũng quá không hiểu thói hư tật xấu của đàn ông, dù có che kín mít, anh vẫn có cách dùng sức tưởng tượng để nhìn rõ.
Trì Vân Phàm lại hỏi: "Cậu tới đây làm gì?"
"Ừm hửm." Ngón tay Hứa Viễn Hàng gõ nhẹ hai lần lên mặt bàn.
Lúc này cô mới để ý thấy trên bàn có một cái chai thủy tinh và một cái hộp: "Đây là cái gì?"
"Trong chai thủy tinh là mật ong," anh trầm giọng nói, có chút khàn khàn mệt mỏi, "Trong hộp có gì.. mở ra sẽ biết chẳng phải sao?"
Mật ong trong chai sẫm màu như hổ phách, dưới ánh đèn nhìn càng đẹp mắt, Trì Vân Phàm lại lấy hộp và mở ra. Đôi mắt trong veo phản chiếu một chiếc thuyền gỗ nhỏ có boong, buồm và hai bên có cửa sổ nhỏ được chạm trổ tinh xảo. Chế tác không thể nói tinh tế, nhưng có thể thấy anh đã dùng rất nhiều tâm tư, cô bất giác nhẹ giọng hỏi: "Đây là cậu làm?"
Lỗ tai Hứa Viễn Hàng bị giọng nói của cô kích thích, cảm giác hình như có chút ấm áp quấn lên đó, anh nhếch lên khóe miệng thuận miệng nói: "Tôi nhặt được trên đường."
Trì Vân Phàm nhìn thấy ở trên thân thuyền ba cái chữ nhỏ, nhìn kỹ hơn, là tên Vân Phàm.
Chiếc thuyền gỗ nhỏ này là đặc biệt được chạm khắc dành cho cô.
Từ khi hai người biết nhau đến bây giờ, phần lớn thời gian đều đối chọi gay gắt. Trì Vân Phàm biết anh chỉ là xấu miệng ở bên ngoài, nhưng thật ra lòng dạ anh rất tốt. Từ nhỏ đến lớn, dù là thứ có muốn hay không thì cô đều nhận được nó một cách rất đơn giản, đây là lần đầu tiên có người tự tay làm một món quà cho cô..
Trì Vân Phàm chậm rãi nở một nụ cười thật tươi: "Cám ơn."
Như mong ước, anh đã nhìn thấy nụ cười chân thực của cô. Thật sự là đẹp đến mức.. Khó có thể diễn tả thành lời. Hứa Viễn Hàng nhìn không chớp mắt, đôi mắt nhìn chằm chằm cô, thật lâu sau mới khôi phục lại, nâng cằm lên, tỏ vẻ chảnh cún không chịu được: "Ồ, khách sáo quá vậy?"
Một giây tiếp theo, anh không khỏi cong môi: "Thích thì cất đi."
M* nó, tại sao tim đập nhanh như vậy?
Trì Vân Phàm nhẹ nhàng cất chiếc thuyền gỗ nhỏ vào lại trong hộp, thấy tay trái của anh có một vết sưng tấy, tự nhiên hỏi: "Tay cậu bị sao vậy?"
Hứa Viễn Hàng muốn nói không sao, nhưng lại nhanh chóng đổi lời: "Không cẩn thận bị ong đốt."
Mặc dù lúc đó anh đã rút gai độc ra, nhưng không tránh khỏi tay bị sưng tấy.
Nọc ong có tính axit nên phải dùng chất kiềm để trung hòa. Trì Vân Phàm đề nghị: "Cậu có thể rửa vết thương bằng xà phòng và nước, hoặc bôi kem đánh răng."
Hứa Viễn Hàng nhún nhún vai: "Trong nhà tôi không có xà phòng."
Anh nhìn cô một cái, thẳng thắn nói: "Hình như cũng sài hết kem đánh răng rồi."
Đã nói đến thế, làm sao mà Trì Vân Phàm lại không hiểu được ý đồ của anh? Nể mặt chai mật ong vải, cô nhàn nhã đứng dậy, đi vào phòng tắm lấy ra một cây kem đánh răng mới.
Hứa Viễn Hàng lười biếng dựa vào ghế sô pha, giọng nói cũng lười biếng hơn: "Giúp người thì giúp cho trót nha bạn học Trì."
Được một tấc lại muốn tiến một thước.
Quên đi, nể mặt chiếc thuyền gỗ nhỏ vậy.
Trì Vân Phàm mở nắp, bóp một ít kem đánh răng ra, thoa lên mu bàn tay anh rồi nhẹ nhàng xoa đều.
Hứa Viễn Hàng nhìn chằm chằm khuôn mặt gần trong gang tấc của cô, trắng nõn mềm mại, thuần khiết vô song, ánh mắt tối sầm lại, đáy mắt dường như tái hiện lại những vì sao đêm hôm đó, như thể cả thế giới đều an tĩnh lại, trong lòng chỉ còn nghe thấy tiếng tự hỏi của chính mình--
Đã năm ngày không gặp, tôi nhớ em vô cùng.
Thế còn em?
Em có nhớ tôi không?
*
Tác giả có lời muốn nói:​
Viễn ca đưa tín vật đính ước kìa!
Vân muội: Có phải tôi thích cái tên vô lại này rồi hay không?
CHÚ THÍCH
[1] Đăng Đồ Tử vốn tên của 1 sĩ phu cùng thời với Tống Ngọc (một trong tứ đại mỹ nam của Trung Quốc cổ xưa). Đăng Đồ Tử ám chỉ kẻ dâm tặc, háo sắc do xuất phát từ điển cố xích mích giữa Đăng Đồ Tử và Tống Ngọc.
Điển cố:
"Tài hoa bạc mệnh", câu nói ấy quả linh ứng với số phận của tứ đại mỹ nam nức tiếng thời Trung Hoa cổ đại. Số phận họ không bằng phẳng, không hoàn mỹ như gương mặt ngọc ngà mà họ sở hữu. Xung quanh cái chết của tứ đại mỹ nam Trung Hoa, gồm: Phan An, Tống Ngọc, Lan Lăng Vương, Vệ Vương Giới tồn tại những câu chuyện vô cùng thú vị.
Vẻ đẹp của Tống Ngọc lưu truyền thiên cổ, nhưng vẻ đẹp ấy lại là một bí ẩn muôn đời, bởi lật tìm trong sử sách, thật khó tìm ra một bức họa nào họa lại chân dung chàng còn lưu tới ngày nay. Riêng trong bài phú "Đăng Đồ Tử háo sắc" thì nhắc tới vẻ đẹp của Tống Ngọc: Đăng Đồ Tử bẩm báo với Sở Vương, Tống Ngọc là một mỹ nam, rất khéo ăn nói, nhưng bản tính háo sắc, nên đừng bao giờ để Tống Ngọc lui đến chốn hậu cung. Nghe xong lời này, Tống Ngọc bèn tìm cách phản pháo. Đại mỹ nam xảo ngôn muốn Sở Vương công tâm suy xét giữa mình và Đăng Đồ Tử, ai là kẻ háo sắc hơn.

Tống Ngọc lý lẽ: Trong chốn thiên hạ, mỹ nữ chẳng đâu sánh bằng Sở quốc, mỹ nữ Sở quốc chẳng đâu sánh bằng quê thần, mỹ nữ quê thần chẳng đâu sánh bằng Đông Lân – hàng xóm cạnh nhà thần. Nàng ấy cao thêm một phân thì quá cao, thấp đi một phân thì quá thấp, thoa thêm chút phấn thì quá trắng, thoa thêm chút son thì quá đỏ. Đôi mày nàng cong mượt tựa lông chim, da trắng như tuyết, eo nhỏ, răng trắng..

.. Tuyệt sắc giai nhân sát vách nhà thần như vậy, để ý tới thần suốt ba năm trời, mà thần chẳng chút động lòng. Lẽ nào thần thuộc hạng háo sắc? Trong khi Đăng Đồ Tử có bà vợ xấu xí, tóc tai bù xù, đôi tai dị hình, môi trề, hàm răng khấp khểnh chẳng đều, bước đi khập khiễng, lại thêm lưng gù, đầy thân ghẻ lở. Đăng Đồ Tử rất mê bà ta. Hai người sinh tới 5 mụn con. Bệ hạ xem, chỉ cần là phụ nữ, Đăng Đồ Tử đã thích, vậy thì rõ ràng hắn háo sắc hơn thần".

Nếu xét theo quan điểm hiện đại, sự chung tình của Đăng Đồ Tử với người vợ xấu xí quả đáng khen ngợi, nhưng Tống Ngọc vốn miệng lưỡi phi phàm nên đã xoay chuyển tình thế một cách ngoạn mục, khiến Sở Vương chẳng còn phân biệt đúng sai, bèn phán Đăng Đồ Tử là kẻ háo sắc. Vì lẽ ấy, Đăng Đồ Tử về sau luôn mang tiếng xấu với đời.
Người như Tống Ngọc – tài sắc vẹn toàn quả là hiếm trong xã hội thời xưa. Xuất thân trong một gia đình bần hàn, nhưng vì mưu cầu con đường chính trị, Tống Ngọc đã lặn lội tới kinh thành Sở quốc rồi dần dần trở thành thị tòng văn học hầu hạ bên cạnh Sở Vương. Tương truyền, tài năng của Tống Ngọc có thời từng được Sở Vương tán thưởng, nhưng đại mỹ nam giảo ngôn này quả sinh ra không hợp với chốn quan trường, nên cuối cùng cũng rời bỏ hoàng cung, trở về với chốn điền viên nơi quê nhà rồi qua đời trong nỗi tiếc nuối vô hạn.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.