Tình Mẫu Đơn

Chương 14:




Khi ánh nắng chiếu vào những chiếc móc màn, tôi đánh thức Trắc dậy. Tôi sai nó thu tất cả những mảnh giấy nhỏ đã viết trong mấy tháng trở lại đây và tới thư phòng của Nhân. Nó cúi đầu chìa cho chàng xem những mảnh giấy trong tay. “Em có được chép lại lời bình chú của mình và của chị Đồng vào bản Mẫu Đơn Đình mới của chúng ta không?” nó hỏi.
“Ta đồng ý,” chàng nói mà thậm chí không rời mắt khỏi trang giấy của mình. Tôi nghĩ mình thật may mắn khi hôn nhân không khép cửa với tính phóng khoáng của chàng, và tình yêu tôi dành cho chàng thêm sâu sắc. Nhưng hãy để tôi làm rõ chuyện này: Trắc chép lại những lời bình chú của tôi vào cuốn sách mới là ý của tôi.
Chuyện nó thêm vào những bình chú của nó bên cạnh những gì tôi đã viết cũng là ý của tôi. Và chuyện nó hoàn thành công việc mà tôi chưa xong khi mẹ tôi đốt tập hai cũng là ý của tôi. Điều đó sẽ có ý nghĩa khi tất cả ở trong một cuốn sách mới. Phải mất hai tuần để Trắc nắn nót chép lại những lời bình chú của tôi vào nửa đầu cuốn sách mới.
Mất thêm hai tuần nữa để Trắc sắp xếp những mảnh giấy nhỏ của nó và chép lại lên những trang trắng của nửa sau cuốn sách. Rồi chúng tôi bắt đầu bổ sung những bình chú vào cả hai phần. Đạo dạy rằng nên viết những gì ta biết từ trải nghiệm của mình và phải ra khỏi tâm trí mà va chạm với những sự việc, con người và trải nghiệm thực.
Tôi cũng tin điều Diệp Thiệu Viên viết trong lời đề từ văn tập của cô con gái xuất bản sau khi nàng qua đời: Có lẽ là hồn thiêng của văn thơ không tàn lụi và, bởi thế, ban cho ta cuộc sống sau cái chết. Vì thế khi tôi điều khiển Trắc viết, những diễn đạt của nó về cấu trúc và cốt truyện của vở kịch rộng hơn so với cái tôi đã viết khi là một cô gái tương tư nằm trên giường bệnh.
Tôi hy vọng Nhân sẽ thấy những gì Trắc viết, nghe thấy tôi và hiểu chàng vẫn còn có tôi. Ba tháng trôi qua. Mặt trời vẫn khuất sau mây và lặn sớm trong ngày. Cửa sổ đóng kín che rèm. Cửa ra vào đóng chặt để ngăn cái lạnh triền miên và người ta đốt lò sưởi lên. Sự thay đổi này tốt cho tôi và khơi gợi tâm trí tôi.
Tôi ở lì bên công trình của mình trong nhiều tuần liền, hiếm khi để Trắc ra khỏi phòng, nhưng một đêm tôi quan sát và lắng nghe Nhân nói với người chị em chung chồng của mình trước khi đi nghỉ. Chàng ngồi trên mép giường, choàng tay lên vai nó. Nó có vẻ nhỏ bé và mong manh khi ở cạnh chàng.
“Nàng xanh xao quá,” chàng nói. “Và ta thấy nàng gầy hơn.” “Mẹ vẫn phàn nàn về em, em biết,” nó lạnh nhạt nhận xét. “Nàng hãy quên mẹ đi. Chồng nàng đang nói đấy.” Chàng chạm vào các quầng thâm dưới mắt nó. “Nàng không có những thứ này khi chúng ta thành thân. Ta đau đớn khi giờ đây nhìn thấy chúng.
Nàng không hạnh phúc với ta ư? Nàng có cần về thăm cha mẹ không?” Tôi giúp Trắc đáp lại đúng mực. “Con gái chỉ là khách tại nhà cha mẹ,” nó đọc lại một cách yếu ớt. “Giờ em thuộc về nơi đây.” “Nàng có thích đi du ngoạn không?” chàng hỏi. “Em muốn được ở đây cùng chàng.” Nó thở dài.
“Ngày mai em sẽ chú ý trang điểm hơn. Em sẽ cố gắng làm chàng hài lòng hơn.” Chàng gay gắt cắt lời nó, “Đây không phải là chuyện làm ta hài lòng.” Khi nó run rẩy phản ứng lại, chàng nói tiếp bằng giọng nhẹ nhàng hơn. “Ta muốn khiến nàng hạnh phúc, nhưng khi gặp nàng lúc ăn sáng, nàng không ăn uống hay trò chuyện gì.
Từ đó cho tới hết ngày ta hiếm khi gặp nàng nữa. Trước đây nàng vẫn thường mang trà cho ta. Nàng có nhớ không? Chúng ta vẫn thường trò chuyện trong thư phòng.” “Ngày mai em sẽ hầu trà cho chàng,” nó hứa. Chàng lắc đầu. “Đây không phải là chuyện nàng hầu trà cho ta. Nàng là vợ ta và ta không yên tâm.
Gia nhân mang bữa tối đến nhưng nàng không ăn. Ta e rằng chúng ta lại phải mời đại phu đến.” Tôi không thể chịu được nỗi buồn của chàng. Tôi trượt xuống từ chỗ của mình trên xà nhà, lởn vởn ngay sau Trắc rồi giơ đầu ngón tay chạm vào gáy nó. Giờ chúng tôi gần gũi, thân tình đến mức nó làm theo những chỉ dẫn của tôi mà không hề kháng cự.
Nó quay đầu và không nói một lời, dùng miệng nó phủ miệng chàng. Tôi không muốn chàng phải lo lắng và tôi không muốn nghe sự băn khoăn âu lo của chàng. Các biện pháp khiến chàng im lặng của tôi luôn hiệu quả trong thời gian vừa qua nhưng không phải đêm nay. Chàng giật ra và nói, “Ta nói nghiêm túc đấy.
Ta đã nghĩ mang Mẫu Đơn Đình về thì sẽ trị được bệnh tình cho nàng nhưng hình như điều đó chỉ làm nó trầm trọng thêm. Hãy tin ta, đây không phải là điều ta dự tính.” Một lần nữa, tôi lại hiện lên trong tâm trí nàng. “Ngày mai ta sẽ ra ngoài và trở về cùng đại phu. Hãy sẵn sàng đón tiếp ông ấy.” Khi họ lên giường, Nhân vòng tay qua người Trắc, kéo nó sát vào ngực chàng và ôm nó che chở.
“Từ mai sẽ khác,” chàng thì thào. “Ta sẽ đọc cho nàng nghe bên lò sưởi. Ta sẽ sai gia nhân dọn bữa vào và chúng ta sẽ ăn riêng. Ta yêu nàng, Trắc, ta sẽ làm cho nàng thấy khỏe hơn.” Nam giới rất chắc chắn về bản thân mình, họ có lòng can đảm và niềm tin vững chãi như thế.
Họ tin, thực sự tin, rằng họ có thể làm cho chuyện này chuyện kia xảy ra chỉ bằng lời nói và họ đã làm được trong nhiều trường hợp. Tôi yêu Nhân vì điều này và tôi thích nhìn ảnh hưởng của chàng lên người chị em chung chồng. Khi thấy hơi ấm cơ thể chàng truyền vào cơ thể Trắc, tôi nghĩ tới cảnh Mộng Mai vuốt ve cho hình hài ma mị giá lạnh của Lệ Nương trở lại với sự sống.
Khi hơi thở Nhân chậm lại và sâu hơn thì hơi thở Trắc đáp lại như thế. Tôi gần như không thể đợi tới lúc chàng ngủ thiếp đi. Ngay khi chàng vừa ngủ, tôi kéo Trắc ra khỏi giường, sai nó thắp nến, pha mực và mở công trình của chúng tôi ra. Tôi hết sức hào hứng và hăng hái. Đây là cách tôi trở lại với Nhân và cuộc sống chung của chúng tôi.
Tôi không để Trắc viết nhiều, chỉ một chút thôi: Điều gây bất ngờ trong vở kịch không phải là Lệ Nương mà là chàng thư sinh. Trên thế gian có nhiều phụ nữ yêu điên cuồng như Lệ Nương, họ là những người mơ về tình yêu để rồi chết. Họ không có Mộng Mai, chàng đã bày bức chân dung Lệ Nương ra, gọi nàng và tôn thờ nàng; chàng đã ân ái với hồn ma nàng và tin rằng đó là xương thịt; chàng đã hợp sức với Thạch đạo cô mở quan tài rồi mang thi thể nàng ra mà không sợ hãi; chàng đã đi cả một quãng đường xa để cầu xin nhạc phụ và chịu đau đớn trong tay ông.
Giấc mộng với chàng thật đến nỗi việc khai quật mộ nàng không làm chàng khiếp sợ. Chàng khóc nàng mà không hổ thẹn. Chàng đã làm tất cả những điều đó mà không hối hận. Tôi mỉm cười, hài lòng với thành quả của mình. Rồi tôi để Trắc trở về với chỗ nằm dễ chịu và hơi ấm trong vòng tay chồng.
Tôi trườn dọc lên tường rồi an vị ở chỗ của mình trên xà nhà. Tôi phải để Nhân hài lòng với vợ mình, nếu không sẽ không thể tiếp tục lợi dụng nó để viết; nếu không thể lợi dụng được nó, Nhân sẽ không nghe thấy tôi. Suốt cả đêm khi nhìn hai người bọn họ ngủ, tôi lục lọi trong ký ức những điều mà mẹ và các thím đã dạy về đạo làm vợ.
“Sáng sáng phải dậy trước chồng nửa giờ,” mẹ tôi vẫn thường bảo thế. Vì thế sáng hôm sau tôi bắt Trắc dậy trước khi Nhân thức giấc. “Ngủ bớt đi nửa giờ không làm hại sức khỏe hay nhan sắc của em đâu,” tôi thì thào với Trắc khi nó ngồi vào bàn trang điểm. “Em cho là phu quân thích nhìn em ngủ ngon lành ư? Không.
Hãy rửa mặt, chải đầu và bận xiêm y trong một khắc thời gian thôi.” Tôi nhớ lại những cách chăm sóc trong khuê phòng để giúp nó pha phấn, tô hồng, quấn tóc và cắm những đồ trang điểm bằng lông chim. Tôi bắt nó vận xiêm y màu hồng. “Hãy dùng thời gian còn lại để chuẩn bị y phục cho chồng và đặt cạnh gối chàng.
Phải sẵn sàng đón chàng thức dậy với nước mát, khăn và lược.” Sau khi Nhân ra khỏi phòng, tôi nhắc Trắc, “Đừng bao giờ ngừng hoàn thiện khiếu thẩm mỹ và tác phong của một người phụ nữ. Đừng mang vào nhà chúng ta sự ngoan cố, bướng bỉnh hay thói ghen tị của em. Chàng có thể thấy những thứ đó ngoài đường.
Thay vào đó, hãy tiếp tục học. Đọc sách sẽ làm phong phú cuộc chuyện trò, nghệ thuật rót trà sẽ làm ấm lòng chàng, âm nhạc và cắm hoa sẽ khiến xúc cảm của em thêm sâu sắc đồng thời khiến chàng phấn chấn.” Rồi nhớ đến mẹ tôi vào cái ngày tôi giúp bà bó chân Phong Lan, tôi nói thêm, “Phu quân là trời.
Sao em lại không phục dịch chàng được?” Hôm nay, lần đầu tiên, tôi đẩy nó ra cửa và dẫn vào nhà bếp. Không cần phải nói, Trắc chưa bao giờ ở đó. Khi nó lườm một gia nhân với ánh mắt chê trách, tôi kéo lông mi nó ra cho đôi mắt mở to và thảnh thơi hơn. Nó có thể là một cô gái được nuông chiều và một người vợ đãng trí nhưng chắc chắn là mẹ nó đã dạy nó làm món nào đó.
Tôi giữ Trắc ở đó cho tới khi công thức làm món ăn đơn giản nhất xuất hiện trong óc nó. Các gia nhân hồi hộp theo dõi khi Trắc đặt nồi nước lên đun, bỏ vào một nắm gạo, khuấy liên tục cho tới khi nhuyễn thành cháo. Nó lục tìm trong giỏ và chạn bát cho tới khi tìm thấy rau tươi và lạc, băm các thứ ấy ra rồi cho vào bát đựng đồ gia vị.
Nó đổ cháo vào âu, đặt cùng các món phụ, bát và thìa vào một chiếc khay rồi mang vào phòng ăn. Ngô phu nhân cùng con trai ngồi yên lặng khi Trắc phục vụ họ, đầu nó cúi xuống, mặt hồng lên xinh xắn vì hơi nóng và màu phản chiếu từ áo dài. Sau đó, Trắc theo mẹ chồng về khuê phòng để thêu thùa và trò chuyện.
Tôi ngăn không để những lời chì chiết bật ra từ miệng cả hai. Và Nhân thấy không cần phải mời đại phu đến nữa. Tôi bắt Trắc tuân theo những lễ nghi này để làm nguôi ngoai nỗi lo lắng của chồng và giành được sự tôn trọng của mẹ chồng. Khi Trắc nấu nướng, nó làm cho các hương vị hài hòa và thức ăn thơm phức.
Nó dọn món cá Tây Hồ lên bàn ăn và lặng lẽ quan sát để cho chắc dạ rằng những người khác thích mùi vị ấy. Nó rót trà khi chén của mẹ chồng hay của chồng vơi. Khi những bổn phận này được hoàn thành, tôi kéo nó trở lại phòng ngủ và chúng tôi tiếp tục làm việc. Đến giờ, tôi đã học được nhiều về đời sống hôn nhân và tình yêu nhục dục.
Nó không phải là điều dơ bẩn mà Thạch đạo cô bỡn cợt hay Hoa Tiên ám chỉ tục tĩu trong Mẫu Đơn Đình. Giờ tôi đã hiểu rằng nó là sự kết nối tinh thần thông qua đụng chạm thể xác. Tôi bảo Trắc viết: Lệ Nương nói, “Hồn ma có thể bất cẩn với đam mê nhưng con người phải tỏ ra đúng mực.” Không thể và không nên coi Lệ Nương là hư hỏng vì đã mây mưa với Mộng Mai trong mộng.
Nàng không thể thụ thai trong mộng cũng như không thể thụ thai khi là một hồn ma. Mây mưa trong mộng không gây hậu quả, không đòi hỏi trách nhiệm và không khiến người ta hổ thẹn. Mọi cô gái đều có những giấc mộng như thế. Điều này không vấy bẩn họ, ngược lại là khác. Một cô gái chiêm bao thấy chuyện mây mưa là đang tự chuẩn bị để làm trọn chữ tình.
Như Lệ Nương nói, “Hứa hôn tạo ra người vợ, trốn nhà đi chỉ tạo ra một người tỳ thiếp.” Giữa chồng và vợ, chuyện mà một số người coi là dâm đãng trở nên tao nhã. Nhưng tình không chỉ giới hạn với chồng và vợ. Tình mẫu tử thì sao? Tôi vẫn nhớ mẹ và mong chờ bà. Bên kia hồ, chắc bà cũng đang nhớ tôi.
Đó không phải là tình sao? Tôi sai Trắc lật lại cảnh “Mẹ và con đoàn tụ”, lúc Lệ Nương, nay đã sống lại, tình cờ gặp mẹ nàng tại một quán trọ ở Hàng Châu. Nhiều năm trước, tôi đã coi cảnh này chỉ là một sự xoa dịu trong tất cả những trận chiến và mưu đồ chính trị dồn dập ở phần cuối vở kịch.
Giờ đọc lại, tôi bị kéo vào thế giới của chữ tình, một thế giới nữ tính, trữ tình và rất giàu cảm xúc. Đỗ phu nhân và Xuân Hương kinh hoảng khi thấy Lệ Nương hiện ra từ bóng tối, tin rằng họ đang nhìn thấy ma. Lệ Nương khóc trong khi hai người đàn bà kia lùi lại với vẻ sợ hãi và ghê tởm.
Thạch đạo cô bước vào phòng với một cây đèn. Mau chóng nhận định được tình cảnh ấy, bà đỡ lấy cánh tay Đỗ phu nhân. Hãy để ánh đèn giúp vầng trăng soi tỏ gương mặt con gái phu nhân. Từ bóng tối của sự nhầm lẫn, Đỗ phu nhân thấy rằng cô gái trước mặt thật sự là con gái bà chứ không phải hồn ma.
Bà nhớ tới nỗi đau buồn khủng khiếp mình cảm thấy khi Lệ Nương qua đời; giờ đây bà phải vượt qua nỗi khiếp sợ một giống loài thuộc về thế giới bên kia. Tình mẫu tử của bà sâu sắc đến nhường ấy và nó thậm chí còn hơn thế nữa. Tôi cầm tay Trắc điều khiển nó viết: Khi tin rằng kẻ ở trước mặt mình là con người, Đỗ phu nhân không chỉ thừa nhận Lệ Nương là người mà còn trả lại địa vị của nàng ở thế giới con người.
Với tôi, đây là định nghĩa thuần khiết nhất về tình mẫu tử. Dù mọi đau đớn, dù mọi thống khổ, dù mọi bất đồng giữa các thế hệ, người mẹ cho đứa con vị trí của nó trên thế gian, làm con gái và làm người vợ, người mẹ, người bà, người thím và người bạn trong tương lai.
Trắc cùng tôi viết, viết hoài viết mãi. Đến mùa xuân, sau sáu tháng ám ảnh, cuối cùng tôi đã mệt lử. Tôi cho rằng mình đã viết mọi thứ mình có thể viết về tình yêu. Tôi nhìn sang người chị em chung chồng. Mắt nó sưng lên vì mỏi mệt. Tóc nó rũ rượi xơ xác. Da dẻ nó xanh xao vì công việc của chúng tôi, vì những đêm không ngủ và vì làm vui lòng nhà chồng.
Tôi phải thừa nhận vai trò của nó trong công trình của tôi. Tôi thổi nhè nhẹ vào nó và nó tự động cầm lấy bút. Trên hai trang giấy trắng ở trước phần nội dung kịch, tôi giúp Trắc thảo một bài ngắn giải thích phần bình chú đã được viết ra như thế nào, loại đi những gì lạ lẫm và không chắc có thực ở cõi trần gian.
Từng có một thiếu nữ tương tư yêu thích vở kịch Mẫu Đơn Đình. Thiếu nữ ấy tên là Trần Đồng, đã được đính ước với thi sĩ Ngô Nhân, và trong đêm nàng đã viết những suy nghĩ của mình về tình yêu vào lề cuốn sách. Sau khi nàng qua đời, Ngô Nhân thành thân với một thiếu nữ khác.
Người vợ hai bắt gặp bản kịch với những lời bình văn nhã của người đọc trước. Nàng bị thôi thúc hoàn thành công việc mà người chị em chung chồng đã bắt đầu song nàng không có phần hai của vở kịch. Khi chồng nàng trở về nhà cùng với bản đầy đủ của vở kịch, nàng uống đến say khướt vì hạnh phúc.
Về sau cứ mỗi khi Ngô Nhân và Đàm Trắc cùng thưởng hoa, chàng lại trêu nàng về lần đó, nàng đã uống quá nhiều, thiếp đi và ngủ suốt ngày đến tận hôm sau. Đàm Trắc siêng năng và chu đáo. Nàng hoàn thành việc bình chú và quyết định tặng nó cho những người ôm ấp lý tưởng về chữ tình.
Đây là một lời giải thích đơn giản, rõ ràng và đa phần đúng sự thật. Giờ tất cả những gì tôi cần là để Nhân đọc nó. Tôi quen với việc Trắc tuân lệnh mình đến nỗi không để ý lúc nó lôi bản tập một gốc của tôi ra sau khi Nhân đã ra khỏi nhà đến gặp bạn bè tại một quán trà bên bờ hồ.
Tôi không hề nghĩ ngợi chút gì khi nó mang cuốn sách ra ngoài. Tôi tin rằng nó sắp đọc lại những gì tôi viết và nghĩ về những điều tôi đã dạy nó về tình yêu. Tôi thậm chí không để tâm khi nó qua cây cầu hình chữ chi bắc trên mặt nước dẫn vào ngôi đình hóng mát giữa ao. Dù trong hoàn cảnh nào thì tôi cũng không thể lái mình qua những góc nhọn của cây cầu.
Mặc dù vậy, tôi không thấy có nguy cơ gì. Tôi ngồi trên một bồn hoa gần bờ ao, dưới gốc cây mai không chịu trổ lá đơm hoa kết trái, chuẩn bị thưởng thức khung cảnh thanh bình. Giờ là tháng thứ năm của năm Khang Hy thứ mười một và tôi nghĩ những ngày cuối xuân mới thanh bình làm sao, khi cùng Trắc, một người vợ xinh đẹp dù có làn môi mỏng, thưởng ngoạn những bông sen trên mặt ao yên tĩnh.
Song khi nó lấy trong ống tay áo ra một cây nến và thắp giữa thanh thiên bạch nhật, tôi nhảy dựng lên. Tôi lo lắng đi tới đi lui và không khí xung quanh cuộn xoáy theo. Tôi quan sát trong nỗi kinh hoàng thực sự khi nó xé một trang sách rồi chậm rãi khoan thai cho vào ngọn lửa. Trắc mỉm cười khi trang giấy quăn lại thành màu đen.
Khi không thể cầm được nữa, nó thả mảnh giấy nhỏ xíu còn lại qua lan can. Phần còn lại của tờ giấy lướt xuống, cháy hết trước khi chạm mặt nước. Nó xé thêm ba trang nữa. Và rồi lại cho vào lửa và thả rơi qua mép đình. Tôi cố gắng chạy đến cây cầu nhưng đôi bàn chân bó của tôi thật vô dụng.
Tôi ngã, cằm và bàn tay xây xát. Tôi bò lên rồi vội vã tới cây cầu hình chữ chi. Tôi bước lên cầu tới chỗ ngoặt đầu tiên và sững người dừng lại. Tôi không thể vòng qua góc nhọn này. Những cây cầu hình chữ chi được thiết kế theo cách này để làm rào cản những linh hồn giống như tôi.
“Dừng lại!” tôi gào lên. Trong phút chốc cả không gian run rẩy. Lũ cá chép lặng im trong ao, chim chóc bặt tiếng và những đóa hoa rụng cánh lìa cành. Nhưng Trắc thậm chí không nhìn lên. Nó cẩn thận xé thêm vài trang giấy rồi đốt đi. Tôi chạy, vấp, bò, quăng quật, trở lại bờ ao.
Tôi hét vọng qua ao, truyền sóng đập vào cây cầu và chiếc đình, khuấy động không khí với hy vọng thổi tắt ngọn nến. Nhưng Trắc rất quỷ quyệt. Nó lấy cây nến trên gờ tường xuống và quỳ xuống trên sàn, ở đó nó được che chắn trước những cơn gió nhẹ hay cuồng phong tôi thổi đến.
Khi nó đã an vị, một ý tưởng độc địa hơn lóe lên trong óc nó. Nó xé tất cả những trang sách ra, vò nhàu và xếp thành một đống. Nó nghiêng cây nến, rồi sau một thoáng do dự, nó để sáp nhỏ vào những tờ giấy nhàu nhĩ. Nó nhìn quanh, ánh mắt lén lút quét qua bờ ao và những gian sảnh xung quanh để chắc chắn không có ai đang nhìn rồi châm lửa vào giấy.
Chúng ta thường xuyên nghe nói những cuốn Tàn thư. Đây không phải là một tai nạn hay thậm chí là một thoáng mất lòng tin vào chất lượng tác phẩm. Đây là một hành động chủ tâm chống lại tôi từ kẻ mà tôi đã coi là chị em chung chồng của mình. Tôi kêu khóc vì đau đớn như thể chính tôi bị cho vào lửa, nhưng nó không quan tâm.
Tôi quằn quại và khua khoắng cánh tay cho tới khi lá xuân trút xuống quanh tôi như tuyết rơi. Nhưng đây là điều tồi tệ nhất tôi có thể làm: cuồng phong làm ngọn lửa lớn thêm. Nếu ở trong đình tôi sẽ nuốt khói, hút lấy tất cả những gì mình đã viết ra. Nhưng tôi không ở đó, tôi ở bên bờ ao, quỳ gối, nức nở vì biết rằng văn bản do chính mình viết ra và thấm đẫm nước mắt tôi đã biến thành tro tàn, khói và hư không.
Trắc đợi trong đình cho tới khi tro tàn nguội rồi quét tất cả xuống ao. Nó bước trở lại qua cầu, trong lòng không hề lo âu, ân hận mà với bước chân nhanh nhẹn đến độ khiến tôi sợ hãi. Tôi theo nó trở lại phòng ngủ. Trắc mở bản Mẫu Đơn Đình mà trong đó nó đã chép lại lời bình chú của tôi và thêm vào lời bình chú của mình.
Mỗi lần nó giở ra một trang, tôi đều run lên vì sợ hãi. Nó sẽ phá hủy cả cuốn sách này ư? Nó lật trở lại hai trang đầu tiên giải thích tác giả “thực” của phần bình chú. Và với một động tác đột ngột, tàn bạo và nhanh chóng như thể một lưỡi dao đâm thẳng tới, nó xé toạc hai trang giấy ra.
Điều này còn tồi tệ hơn khi mẹ đốt sách của tôi. Chẳng mấy chốc tôi sẽ chẳng còn gì lưu lại trần gian ngoài một tấm bài vị chưa điểm thất lạc trong nhà kho. Nhân sẽ không bao giờ nghe thấy tôi và tôi sẽ bị hoàn toàn lãng quên. Rồi Trắc cầm hai tờ giấy đã xé mà ra giấu vào giữa một cuốn sách khác.
“Để cho an toàn,” nó tự nhủ. Rồi sau đó, tôi được cứu. Đó là điều tôi cảm thấy, được cứu. Nhưng tôi bị thương tổn cả về thể xác lẫn tinh thần. Trong suốt thời gian Trắc thể hiện sự ác độc, tôi gần như biến thành hư không. Tôi bò ra khỏi phòng. Hai tay vươn ra quều quào, tôi kéo mình dọc hành lang có mái che.
Khi cảm thấy mình không thể đi xa hơn nữa, tôi thả mình qua gờ, thu mình lại thật nhỏ và trượt xuống bên dưới sàn. Hai tháng sau đó tôi bay ra ngoài để tìm cái ăn trong lễ Vu Lan. Tôi không đi lang thang, không về thăm nhà cũ, không đi xa ra vùng nông thôn để thăm thú đất đai của cha hay ăn đồ cúng của nhà họ Tiền.
Tôi chỉ có đủ sức để duỗi thẳng người khỏi chỗ nấp, trượt xuống ao và ăn những viên thức ăn người làm vườn thả xuống cho cá chép. Rồi tôi nhanh tróng trở lên bờ và một lần nữa giấu mình trong bóng tối ẩm ướt. Làm thế nào mà tôi, một người sinh ra đã có những đặc quyền, được học hành, xinh đẹp và thông minh, lại gặp phải quá nhiều chuyện tồi tệ xảy đến với mình như thế? Tôi đang trả giá cho những hành động xấu xa ở kiếp trước ư? Tôi phải trải qua những chuyện này để mua vui cho các vị thần tiên chăng? Hay đây chỉ là số phận đau khổ mà một người phụ nữ phải chịu đựng? Trong những tháng tiếp theo tôi không tìm ra câu trả lời, nhưng tôi bắt đầu lấy lại được sức mạnh, tìm thấy quyết tâm và một lần nữa nhớ rằng, giống như tất cả những người đàn bà và những cô gái khác, tôi mong muốn, và cần, được người ta nghe thấy mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.