Tình Mẫu Đơn

Chương 20:




Chúng tôi đến làng Cổ Đương vào lúc sáng sớm và đi thẳng tới ngôi nhà trưởng làng. Tôi đã lang thang nhiều đến nỗi những khoảng cách xa xôi đó không còn làm tôi đau đớn, nhưng mẹ phải ngồi xuống xoa bóp bàn chân. Một đứa trẻ kêu thét lên và chạy chân đất ra khỏi ngôi nhà.
Đó là Tiền Nghi. Tóc nó buộc lên thành những búi nhỏ, khiến cho nó có một vẻ ngoài rạng rỡ hoạt bát trái ngược với thân hình gầy gò và gương mặt xanh xao. “Có phải nó không?” mẹ hỏi vẻ hoài nghi. “Mình vào trong đi. Con muốn mẹ gặp mẹ nó.” Tiền phu nhân đang ngồi trong một góc thêu thùa.
Mẹ xem xét các mũi thêu, nhìn tôi băn khoăn và bảo, “Bà ấy xuất thân từ tầng lớp chúng ta. Nhìn bàn tay bà ấy xem. Ngay cả ở nơi này mà nó vẫn mềm mại và trắng trẻo. Và các mũi thêu của bà ấy thật tinh tế. Làm sao mà bà ấy lại đến chỗ này chứ?” “Đại biến ạ.” Vẻ bối rối của mẹ chuyển thành lo âu khi bà tưởng tượng ra những chuyện có thể đã xảy ra.
Mẹ thò tay vào trong váy tìm những chiếc khóa bấy lâu nay bà vẫn nắm lấy khi bất an. Không tìm thấy gì, mẹ đan tay vào nhau. “Hãy nghĩ đến cô bé,” tôi nói. “Nó cũng phải chịu đựng điều này ư?” “Có lẽ nó đang trả giá cho những hành động xấu của mình ở kiếp trước,” mẹ gợi ý.
“Có lẽ đây là số phận của nó.” Tôi nhăn mặt. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu số phận của nó là để chúng ta can thiệp vì lợi ích của nó ạ?” Mẹ nhìn tôi ngờ vực. “Nhưng chúng ta làm gì được?” Tôi trả lời bà bằng một câu hỏi. “Mẹ có nhớ lúc mẹ bảo con rằng bó chân là một hành động phản kháng chống lại bọn Mãn Châu không ạ?” “Nó là thế.
Nó vẫn là thế.” “Nhưng ở đây thì không ạ. Gia đình này cần những đứa con gái chân to để lao động. Nhưng cô bé này sẽ không thể bó chân.” Mẹ đồng tình với đánh giá của tôi. “Mẹ ngạc nhiên khi nó sống lâu thế này. Nhưng con có thể giúp nó bằng cách nào được?” “Con muốn bó chân nó.” Tiền phu nhân gọi con gái.
Nghi vâng lời và đến đứng cạnh mẹ nó. “Chỉ bó chân thì sẽ không thay đổi số phận nó,” mẹ bảo. “Nếu con muốn chuộc lỗi,” tôi tiếp lời, “thì con không thể chọn cái gì dễ dàng.” “Phải, nhưng...” “Mẹ nó đã bị hạ xuống một tầng lớp thấp hơn trong cuộc Đại biến.
Tại sao Nghi không thể vươn lên?” “Vươn lên cái gì?” “Con không biết. Nhưng dù vận mệnh của nó chỉ là trở thành một ả nô tỳ cho người ta mua đi bán lại, thì chẳng lẽ cũng không tốt hơn thế này sao? Nếu đó là con đường đời của nó, bàn chân bó hoàn hảo sẽ giúp nó vào được một nhà đẳng cấp cao hơn.” Mẹ nhìn quanh căn phòng bày biện sơ sài rồi quay lại nhìn Tiền phu nhân và con gái.
Khi bà nói, “Giờ không phải là mùa bó chân. Trời nóng quá,” tôi biết mình đã thắng. Đặt ý tưởng vào đầu Tiền phu nhân thì dễ nhưng làm cho chồng bà đồng ý là một vấn đề hoàn toàn khác. Ông liệt kê các lý do phản đối: Nghi sẽ không thể giúp ông nuôi tằm (điều này đúng) và không một người đàn ông nào ở nông thôn muốn lấy một người phụ nữ vô dụng với đôi bàn chân bó (đây là một lời lăng mạ chua cay hướng vào vợ ông).
Tiền phu nhân kiên nhẫn lắng nghe, chờ cơ hội lên tiếng. Khi cơ hội đến, bà bảo, “Phu quân ơi, hình như ông đã quên rằng việc gả bán một cô con gái có thể mang lại một gia tài nho nhỏ.” Ngày hôm sau, cùng lúc mẹ nhắc lại với tôi rằng giờ không phải mùa thuận lợi, Tiền phu nhân thu thập phèn, thuốc làm se, vải bó chân, dụng cụ bấm móng, kim và chỉ.
Mẹ quỳ bên cạnh khi tôi đặt bàn tay lạnh lẽo của mình lên tay Tiền phu nhân và giúp bà rửa chân con gái rồi đặt chúng vào một chậu nước lá làm mềm. Rồi chúng tôi cắt móng chân của Nghi, bôi thuốc làm se lên thịt, gập các ngón chân xuống, quấn vải bó lên xuống qua lại bàn chân và cuối cùng khâu vải vào để Nghi không thể tự cởi ra.
Mẹ nói khe khẽ vào tai tôi, khích lệ tôi, khen ngợi tôi. Bà đã trao tôitình mẹ của mình và tôi truyền nó qua tay mình vào bàn chân Nghi. Đứa trẻ không khóc cho tới khuya đêm hôm đó khi bàn chân bị thiêu đốt vì không được lưu thông khí huyết và áp lực liên miên của lớp vải bó. Qua vài tuần lễ tiếp theo, khi chúng tôi thắt chặt hơn sau mỗi bốn ngày và bắt Nghi bước tới bước lui để tăng áp lực lên những chiếc xương cần gãy, tôi tiến tới với một quyết tâm không lay chuyển được.
Ban đêm là tồi tệ nhất, khi Nghi nức nở nấc lên nghẹn ngào vì đau đớn cùng cực. Chuyện này sẽ kéo dài hai năm, và Nghi tạo cảm hứng cho tôi bằng lòng can đảm, sức mạnh nội tâm và sự bền bỉ của nó. Từ lúc lớp bó được cuốn vào chân nó, Nghi đã tự động vươn lên một tầng lớp, vươn lên khỏi cha và các chị em ruột của nó.
Nó không còn có thể bỏ chạy khỏi mẹ hay theo các cô chị chân đất qua ngôi làng bụi bặm. Giờ nó là một cô gái của nội đường. Mẹ nó cũng hiểu điều này. Ngôi nhà ít thông gió nhưng sự ma quái của tôi đã mang không khí mát mẻ tới bất cứ nơi nào tôi có mặt, và vào những ngày hè nóng nhất, khi ngay cả tôi cũng không khắc phục được cái nóng ẩm ngột ngạt và Nghi rất khổ sở nhưng không khổ sở bằng mấy tuần sau đó, Tiền phu nhân mamg cuốn Kinh Thi ra.
Cơn đau tê tái trong tâm trí Nghi dịu đi khi mẹ nó đọc những bài thơtình do những người phụ nữ từ mười thế kỷ trước viết. Nhưng một lúc sau, cảm giác thiêu đốt nhoi nhói trong bàn chân Nghi lại áp đảo nó. Tiền phu nhân ra khỏi giường, đung đưa tiến đến cửa sổ trên đôi gót sen vàng và chăm chăm nhìn ra ngoài qua cánh đồng một lúc.
Bà cắn môi trên và nắm chặt bậu cửa sổ. Phải chăng bà cũng nghĩ giống như tôi, rằng phải chăng đây là một sai lầm khủng khiếp? Phải chăng bà đang gây ra cho con gái mình quá nhiều đau đớn? Mẹ đến bên tôi. “Nỗi ngờ vực đến với tất cả các bà mẹ,” bà bảo. “Nhưng hãy nhớ rằng đây là điều người mẹ có thể làm để cho con gái mình một cuộc sống tốt đẹp hơn.” Những ngón tay của Tiền phu nhân nới lỏng ra trên bậu cửa sổ.
Bà chớp chớp ngăn nước mắt lại, hít một hơi sâu và quay trở lại giường. Bà mở cuốn sách ra lần nữa. “Với bàn chân bó, con sẽ không còn giống các chị nữa,” bà bảo. “Nhưng còn một món quà quan trọng hơn ta muốn tặng con. Hôm nay, con gái bé bỏng của ta, con sẽ bắt đầu học đọc.” Khi Tiền phu nhân chỉ vào các con chữ, giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của chúng, Nghi quên đi bàn chân của mình.
Người nó thả lỏng ra và cảm giác tê tái đau đớn lắng dịu. Sáu tuổi, Nghi đã quá lớn để bắt đầu việc học hành bài bản, nhưng tôi ở đó để chuộc tội, và đọc cũng như viết là những việc tôi biết rất rõ. Với sự giúp đỡ của tôi nó sẽ bắt kịp thôi. Vài ngày sau, khi nhận thấy sự ham hiểu biết và năng khiếu của Nghi, mẹ thông báo, “Mẹ nghĩ rằng đứa trẻ này sẽ cần của hồi môn.
Mẹ sẽ giúp được việc này khi đã ổn định.” Chúng tôi đã tập trung sức lực vào Nghi đến nỗi tôi đã không để ý đến thời gian trôi qua. Bốn mươi chín ngày lang thang của mẹ sắp chấm dứt. “Con ước gì chúng ta có thêm thời gian,” tôi nói. “Con ước gì đã luôn được thế này.
Con ước gì...” “Không hối tiếc nữa, Mẫu Đơn. Hãy hứa với mẹ điều đó.” Mẹ ôm chặt tôi và rồi giữ tôi cách một khoảng để bà có thể nhìn thẳng vào mắt tôi. “Chẳng bao lâu nữa con cũng sẽ về nhà.” “Về nhà họ Trần?” tôi bối rối hỏi. “Hay là về Vọng Hương Đài?” “Về nhà chồng.
Đó là nơi của con.” “Con không thể trở lại đó.” “Hãy chứng tỏ mình ở đây. Rồi về nhà.” Khi bắt đầu tan vào trong bài vị, bà kêu to, “Con sẽ biết khi nào mình đã sẵn sàng.” Mười một năm sau đó, tôi ở làng Cổ Đương dồn hết sức lực cho Tiền Nghi và gia đình nó.
Tôi đã thành thạo trong việc làm chủ những thuộc tính ma đói hèn hạ nhất bằng cách dựng những rào chắn quanh mình, và tôi có thể nâng lên hay hạ xuống những rào chắn này theo ý muốn. Mùa hè tôi chuyển vào trong nhà cùng cả gia đình và làm mát ngôi nhà cho họ. Khi mùa thu đến, tôi điều khiển hơi thổi vào các viên than trong lò sưởi để khiến chúng nóng hơn mà không làm cháy xém da dẻ quần áo mình.
Người ta bảo rằng tuyết sạch có nghĩa là phát đạt trong năm tới. Thực vậy, mùa đông đầu tiên của tôi ở làng Cổ Đương, một trận tuyết sạch đã phủ kín nhà họ Tiền và tất cả các nhà quanh đó. Sau tết, khi Bảo đến thăm thú đất đai của cha tôi và hô hào người làm công tăng sản lượng, cậu ta báo tin: vợ cậu ta đang mang bầu và cậu ta sẽ không tăng tô thuế như thường lệ.
Mùa đông tiếp theo tuyết sạch rơi nhiều hơn. Lần này Bảo đến thông báo rằng vợ mình đã sinh con trai, tôi hiểu mẹ đã cố gắng rất nhiều ở thế giới bên kia. Bảo không phân phát trứng đỏ cho mọi người để mừng cho điều kỳ diệu này. Cậu ta còn làm điều tốt hơn. Cậu ta thưởng cho mỗi trưởng thôn của các làng làm công cho cha tôi mộtmẫu đất.
Năm tiếp theo, vợ cậu ta lại có bầu, và năm sau nữa lại có thêm con trai. Giờ đây khi tương lai của nhà họ Trần được bảo đảm, Bảo đã có điều kiện để hào phóng. Mỗi khi có con trai ra đời, cậu ta lại tặng mộtmẫu đất cho các trưởng thôn. Cứ thế, nhà họ Tiền càng thêm phát đạt.
Những cô con gái lớn được cho chút của hồi môn và gả đi. Đồng thời, các món quà dẫn cưới cũng làm tăng thêm tài sản của ông Tiền. Nghi lớn lên. Đôi gót sen của nó trở nên xinh đẹp: nhỏ nhắn, thơm tho và dáng hình hoàn hảo. Nó vẫn ốm yếu, ngay cả khi tôi xua đi các linh hồn săn đuổi những kẻ yếu ớt.
Khi các cô chị được gả đi, tôi đảm bảo cho nó có nhiều cái ăn hơn và khí huyết mạnh hơn. Tiền phu nhân và tôi đã biến cô gái từ một viên ngọc chưa mài giũa không thể sử dụng thành con người đài các và tinh tế. Chúng tôi đã dạy nó nhảy múa trên đôi gót sen nên trông nó như đang bay bổng trên mây.
Nó học chơi đàn tranh sao cho trong trẻo. Chiến thuật đấu cờ của nó mạnh bạo như chiến thuật của lũ hải tặc. Nó cũng học ca hát, thêu thùa và vẽ tranh. Tuy nhiên chúng tôi thiếu sách. Ông Tiền không đánh giá cao tác dụng của sách. “Việc học hành của Nghi là một phần đầu tư lâu dài,” Tiền phu nhân nhắc nhở chồng.
“Hãy nghĩ về con như một nong tằm cần phải được chăm sóc bài bản để chúng kéo kén. Ông không nên coi thường tài sản đó. Nếu ông chăm sóc một đứa con gái, nó cũng sẽ trở nên giá trị.” Nhưng ông chủ Tiền rất kiên quyết, nên chúng tôi tận dụng cuốn Kinh Thi hết mức. Nghi có thuộc lòng và đọc lại, nhưng nó không hiểu ý nghĩa các bài thơ cho lắm.
Loáng cái Nghi đã thành một cây mai sẵn sàng chơd được nhổ đi. Ở tuổi mười bảy, nó nhỏ nhắn, thanh mảnh và xinh đẹp. Nét mặt nó thanh tú, tóc đen nhánh, vầng trán rộng như lụa trắng, môi màu mơ chín, má xanh xao như thạch cao tuyết hoa. Lúm đồng tiền xuất hiện cùng mỗi nụ cười.
Mắt tỏa sáng ngơ ngác. Chiếc mũi thẳng và cái nhìn dò hỏi bộc lộ tính tò mò, độc lập và trí tuệ. Nó đã sống sót dù cho bệnh tật, dù cho bị bỏ bê, dù bị bó chân và thể trạng yếu ớt, điều đó thể hiện tính gan lì và ngoan cường chịu đựng. Nó cần phải được mai mối. Nhưng cơ hội kết hôn của nó rất mong manh ở vùng nông thôn này.
Nó không thể làm việc nặng. Nó vẫn gầy yếu và có thói quen hay làm rối mọi chuyện lên, nó nói bất cứ điều gì xuất hiện trong tâm trí. Nó được học hành nhưng không hoàn thiện, nên ngay cả nếu tìm được một gia đình thành thị nào chấp nhận một cô gái sinh trưởng ở nông thôn, thì nó cũng sẽ không được đánh giá là phù hợp hay đã sẵn sàng.
Và ngay cả trong những gia đình giàu có, một số người còn nói là tân tiến, cũng không ai muốn một cô con gái thứ hai, thứ ba, thứ tư huống chi là cô con gái thứ năm, bởi điều đó ngụ ý rằng đó là huyết thống chỉ sinh con gái. Vì tất cả những lý do đó, bà mối trong vùng thông báo rằng Nghi không thể lấy chồng được.
Tôi thì lại nghĩ khác. Lần đầu tiên trong vòng mười một năm, tôi rời làng Cổ Đương tới Hàng Châu và đến thẳng nhà Nhân. Chàng mới chỉ bốn mươi mốt tuổi. Chàng dường như vẫn thế. Tóc chàng vẫn còn đen. Chàng vẫn cao, gầy và phong nhã. Bàn tay chàng vẫn khiến tôi mê mẩn. Trong khi tôi ở xa, chàng đã thôi uống rượu và đến các kỹ viện.
Chàng đã viết bản bình chú của mình về Cung điện vĩnh cửu, một vở kịch của Hồng Thăng bạn chàng viết, vở kịch đã được xuất bản và đánh giá cao. Thơ của Nhân được chọn vào những tập thơ có mặt các thi sĩ hay nhất trong vùng chúng tôi. Chàng đã đạt được danh tiếng với tư cách một nhà phê bình kịch lỗi lạc và đáng kính.
Chàng làm thư lại cho một vị cử nhân được một thời gian. Nói cách khác, chàng đã tìm được sự bình yên mà không có tôi, không có Trắc và không có người phụ nữ nào ở bên. Nhưng chàng cô đơn. Nếu còn sống, tôi đã ba mươi chín tuổi, chúng tôi đã thành thân được hai mươi ba năm, và cũng đã đến lúc tôi tìm tỳ thiếp cho chàng.
Thay vì thế, tôi muốn đem đến cho chàng một người vợ. Tôi tới chỗ Ngô phu nhân. Chúng tôi “đồng điệu” và cả hai có chung tình yêu với Nhân. Bà đã luôn mở rộng tâm trí với tôi, nên tôi thì thào vào tai bà, “Bổn phận duy nhất trong đời của đứa con trai là sinh con trai cho gia đình.
Con cả của phu nhân đã thất bại trong việc này. Không có cháu trai, phu nhân sẽ không được chăm sóc ở thế giới bên kia và các vị tổ tiên nhà họ Ngô cũng vậy. Giờ chỉ con trai thứ mới giúp được phu nhân.” Mấy ngày tiếp theo, Ngô phu nhân thận trọng quan sát Nhân, phán đoán tâm trạng của chàng, thấy sự đơn độc của chàng và bảo rằng đã lâu rồi không còn tiếng trẻ nhỏ đầy ắp trong trang viên.
Tôi quạt cho mẹ chồng khi bà nghỉ ngơi lúc nóng nực trong ngày. “Đừng lo về chuyện tầng lớp. Nhân chẳng phải kim đồng khi chàng hứa hôn với cô con gái họ Trần hay khi phu nhân cưới cô gái họ Đàm cho chàng. Cả hai sự sắp xếp đó đều kết thúc trong thảm họa.” Tôi tôn trọng mẹ chồng bằng cách không bao giờ nhập vào bà, nhưng tôi phải hối thúc bà tiến tới.
“Đây có thể là cơ hội cuối cùng của phu nhân,” tôi bảo bà, “Phu nhân phải làm gì đó bây giờ, khi thời thế dễ thay đổi và trước khi hoàng đế ban hành chính sách mới.” Tối hôm đó, Ngô phu nhân đề cập chuyện lấy vợ mới với con trai. Chàng không phản đối. Sau đó, bà mời bà mối tốt nhất trong thành tới.
Vài cô gái được nhắc đến. Tôi cố làm sao cho tất cả bọn họ đều bị gạt bỏ. “Các cô gái ở Hàng Châu đều quá già dặn và được nuông chiều,” tôi thì thầm vào tai Ngô phu nhân. “Phu nhân đã từng có một cô như thế, điều đó không hợp với phu nhân.” “Bà phải đi xa đây,” Ngô phu nhân chỉ dẫn cho bà mối.
“Hãy tìm người nào giản dị và có thể cùng tôi bầu bạn trong những năm tháng tuổi già. Tôi không còn nhiều năm nữa đâu.” Bà mối lên kiệu tới vùng nông thôn. Vài hòn đá được đẩy ra ở đây đó trên đường khiến phu khênh kiệu đến làng Cổ Đương theo chỉ dẫn của tôi. Bà mối hỏi han tin tức và được chỉ tới nhà họ Tiền, nơi có hai người phụ nữ biết chữ và bó chân đang sống.
Khi được hỏi tới, Tiền phu nhân trả lời một cách xuất sắc, thật thà mọi điều về con gái mình. Bà lấy ra một tấm thiếp ghi danh các vị tổ tiên đằng ngoại trong ba thế hệ của Nghi, gồm cả danh hiệu ông bà ngoại nó. “Thế cháu nó đã được học gì?” bà mối hỏi. Tiền phu nhân kể những tài năng của con gái rồi nói thêm, “Tôi đã dạy cháu rằng người chồng là mặt trời, người vợ là mặt trăng.
Mặt trời không thay đổi vẻ đầy đặn của nó nhưng phụ nữ thì khi tròn khi khuyết. Đàn ông hành động theo lý trí, phụ nữ hành động theo cảm xúc. Nam giới đề xướng và phụ nữ cam chịu. Đây là lý do vì sao đàn ông ở bên ngoài trong khi phụ nữ ở bên trong.” Bà mối gật gù tư lự rồi đòi gặp Nghi.
Trong thời gian cháy tàn một cây nến, Nghi được dẫn tới và xem xét kỹ càng, người ta thương thảo về của hồi môn và quà dẫn cưới. Ông chủ Tiền sẵn lòng cho năm phần trăm sản lượng tơ tằm trong năm năm cùng một mẫu đất nữa. Thêm vào đó, cô gái sẽ về nhà mới với vài rương hòm đồ chăn nệm, hài, y phục và các đồ thêu khác, tất cả đều bằng lụa, và đều do tân nương làm.
Làm sao bà mối không thấy ấn tượng được? “Thường vẫn tốt hơn nếu người vợ xuất thân từ một nhà có vị thế và gia sản thấp hơn, khi đó cô ta sẽ dễ dàng điều chỉnh mình sang vai trò mới là dâu con trong nhà chồng,” bà nhận xét. Khi trở lại Hàng Châu, bà mối tới thẳng Ngô phủ.
“Tôi tìm được vợ cho con trai phu nhân rồi,” bà thông báo với Ngô phu nhân. “Chỉ một người đàn ông đã mất hai vợ mới vui lòng lấy cô ta.” Hai người phụ nữ nghiên cứu ngày giờ sinh của Ngô nhân và Nghi rồi so sánh lá số tử vi, đảm bảo rằng Bát Tự phù hợp. Họ thảo luận xem quà dẫn cưới nên như thế nào, cân nhắc chuyện ông bố chỉ là nông dân.
Rồi bà mối trở lại làng Cổ Đương. Bà giao bạc, nữ trang, bốn bình rượu, hai súc vải, một ít trà, một cái đùi cừu để xác nhận điều hai bên đã giao ước. Nhân và Nghi thành thân vào năm Khang Hy thứ hai mươi sáu. Cha Nghi được giải thoát khỏi đứa con gái không mong muốn và vô dụng; mẹ nó mỉm cười trước sự nghịch đảo của vận may đối với dòng dõi gia đình mình.
Tôi có nhiều lời khuyên nhủ muốn nói với Nghi, nhưng vào lúc chia tay tôi để mẹ nó lên tiếng. “Hãy lễ phép và cẩn thận,” bà khuyên. “Hãy siêng năng. Thức khuya dậy sớm như con vẫn luôn thức khuya dậy sớm. Hãy hầu trà cho mẹ chồng và đối xử tốt với bà ấy. Nếu họ có vật nuôi trong nhà thì hãy cho chúng ăn.
Hãy chăm sóc bàn chân mình cho tốt, sắp xếp y phục và chải tóc. Đừng bao giờ giận dữ. Nếu con thực hiện những điều này con sẽ được tiếng tốt.” Bà ôm con gái trong tay mình. “Còn một điều nữa,” bà nhẹ nhàng bảo. “Điều này đã xảy ra quá nhanh và chúng ta không chắc được bà mối có thật thà hay không.
Nếu chồng con hóa ra là người nghèo, đừng trách cứ nó. Nếu chồng con què cụt hay ngớ ngẩn thì đừng phàn nàn, phản bội hoặc thay lòng đổi dạ. Giờ con không có ai để nhờ cậy ngoài nó. Nước đã hắt đi không thể hớt về. Thỏa mãn hay không chỉ là chuyện may rủi.” Nước mắt tuôn xuống má bà.
“Con là một cô con gái tốt. Hãy cố đừng quên chúng ta.” Rồi bà kéo tấm mạng mờ đỏ che mặt Nghi và giúp nó vào trong kiệu. Ban nhạc tấu lên và thầy phong thủy trong vùng ném ngũ cốc, đậu, những trái cây nhỏ và đồng xu để xoa dịu những linh hồn ác. Nhưng tôi không thấy linh hồn nào cả, chỉ có tôi vui mừng và trẻ con trong làng tranh cướp những món thết đãi hữu hình đem về nhà.
Nghi rời khỏi làng quê mình mà bản thân không hề lựa chọn gì. Nó ít mong chờ vào tình yêu, nhưng nó có sự can đảm của mẹ nó trong tim. Mẹ Nhân ra cổng trước đón kiệu. Bà không thể thấy mặt cô gái nhưng bà xem xét kỹ bàn chân nó và thấy chúng còn hơn cả xứng đáng. Hai người cùng đung đưa người đi qua trang viên tới phòng ngủ.
Tại đây, Ngô phu nhân đặt cuốn sách bí mật của phụ nữ vào tay con dâu. “Đọc cái này đi. Nó sẽ dạy con cần làm gì đêm nay. Ta mong chờ một thằng cháu trai sau chín tháng nữa.” Mấy giờ sau, Nhân tới. Tôi quan sát chàng nhấc tấm mạng của Nghi ra và mỉm cười với cô gái xinh đẹp.
Chàng hài lòng. Tôi cầu chúc cho họ được Tam Đa, phúc, lộc, thọ, rồi rời gót. Tôi sẽ không phạm những sai lầm giống như với Trắc. Tôi sẽ không sống trong phòng ngủ của Nhân và Nghi, ở đây tôi có thể bị thôi thúc can thiệp vào như trong quá khứ. Tôi nhớ Lệ Nương đã bị lôi cuốn như thế nào tới cây mai nàng trông thấy trong vườn: Ta coi việc được chôn tại đây bên cây khi qua đời là hạnh vận tuyệt vời.
Nàng nghĩ rằng ở đó nàng có thể dẫn dắt hương hồn mình qua những cơn mưa hè u ám và làm bạn với rễ cây. Khi nàng qua đời, cha mẹ đã thực hiện nguyện vọng của nàng. Về sau, Thạch đạo cô cắm một nhành mai nở hoa vào bình và đặt lên bàn thờ Lệ Nương. Hồn Lệ Nương đáp lại bằng cách gửi xuống một trận mưa cánh hoa mai.
Tôi tới chỗ cây mai nhà họ Ngô, cái cây đã không đơm hoa đậu quả kể từ khi tôi chết. Tình trạng bị bỏ mặc của nó hợp với tôi. Tôi làm nhà cho mình ở bên dưới những hòn đá phủ rêu quanh thân cây. Từ nơi đây, tôi có thể trông nom Nhân và Nghi mà không xâm phạm đến họ quá nhiều.
Nghi thích ứng nhanh chóng với việc làm vợ. Giờ nó đã giàu có ngoài sức tưởng tượng của nó, nhưng nó không tỏ ra hoang phí một chút nào. Từ thuở còn thơ nó đã kiếm tìm sự thanh thản nội tâm chứ không phải vẻ bề ngoài. Nay, là một người vợ, nó cố gắng sao cho mình có giá trị hơn chứ không chỉ là một bộ y phục đẹp.
Sự quyến rũ của nó hoàn toàn là của nó, nước da mịn màng hơn ngọc, mỗi bước nó đi trên đôi gót sen thanh nhã đến nỗi dường như khiến những loài hoa khác phải nở, dáng đi đung đưa êm ái đến mức tấm váy lượn quanh người như sương mù. Nó không bao giờ phàn nàn, ngay cả khi bị giày vò trong nỗi cô đơn vì nhớ mẹ.
Những lần như thế, thay vì khóc lóc, la hét với gia nhân hay ném tách trà đi, nó dành cả ngày ngồi ở cửa sổ phía Bắc, tập yên lặng, không có gì ngoài một lư hương - và tôi - làm bầu bạn. Nó học cách yêu Nhân và kính trọng Ngô phu nhân. Không có xung đột trong khuê phòng vì Nghi làm mọi điều có thể để mẹ chồng vui.
Nghi cũng không phàn nàn về những người đến trước mình. Nó không nhạo báng chúng tôi vì đã chết yểu. Nó cố gắng không làm tổn thương đến chân giá trị của ký ức về chúng tôi. Thay vào đó nó thích làm cho chồng và mẹ chồng khuây khỏa bằng cách ca hát, nhảy múa và chơi đàn, và họ thích vẻ ngây thơ hoạt bát của nó.
Trái tim nó giống như một con đường lớn chỗ cho tất cả mọi người. Nó đối xử tốt với gia nhân, luôn có nói năng tử tế với đầu bếp, nói chuyện với những người đưa hàng như thể họ là bà con của mình. Vì tất cả những điều đó, Nghi được mẹ chồng đánh giá cao và chồng yêu quý.
Nó được ăn ngon, mặc đồ thêu và được sống trong một ngôi nhà tốt hơn nhiều so với nhà mẹ đẻ. Tuy nhiên nó chưa được học hành đầy đủ đối với nhà này. Giờ đây khi đã có thể thư phòng của Nhân, tôi có thể dạy dỗ nó một cách bài bản. Nhưng tôi không phải nỗ lực một mình.
Tôi nhớ lại cách cha đã dạy tôi đọc và hiểu, rồi một hôm tôi đẩy Nghi vào lòng Nhân. Được sự ngây thơ và chân thật của Nghi làm khuây khỏa, Nhân giúp nó bằng cách hỏi về những gì nó đọc, bắt nó suy nghĩ và bình luận. Nghi trở thành sợi dây nối giữa tôi và Nhân. Trong việc dạy dỗ nó, chúng tôi là một.
Nó trở nên làu thông kinh sách, văn chương và toán học. Nhân và tôi lấy làm tự hào về kiến thức và tài nghệ đang ngày một tăng lên của nó. Nhưng nó vẫn chưa nắm bắt được vài kỹ năng. Nghi vẫn cầm bút một cách vụng về, khiến nét bút của nó run rẩy và không chắc chắn. Ngô phu nhân bước vào, và qua bà tôi rèn cho Nghi tất cả những bài học thím năm đã dạy tôi, sử dụng Bút trận đồ; Nghi tiến bộ như tôi đã tiến bộ những năm trước.
Khi thi thoảng nó đọc thơ như một con vẹt mà không cảm nhận được ý nghĩa sâu xa hơn, tôi biết những nỗ lực của mình vẫn chưa đủ. Chợt nhớ tới em họ của Nhân, tôi ra ngoài đưa Lý Thư tới và cô trở thành gia sư của Nghi. Giờ đây khi Nghi ngâm thơ, nó mở lòng chúng tôi ra với Thất tình và đưa chúng tôi đến những nơi chốn kỷ niệm và tưởng tượng.
Mọi người trong nhà càng yêu mến nó hơn. Tôi không một lần thấy ghen tuông, và không hề muốn ăn tim hay bứt đầu và tay chân nó ra rồi để Nhân tìm thấy, và không lần nào tôi cố bộc lộ bản thân với nó hoặc tới thăm nó trong mơ. Nhưng đến giờ tôi đã có thể làm hầu hết mọi việc, khi họ thức dậy vào buổi sáng, tôi làm mát nước rửa mặt cho họ.
Khi Nghi chải tóc, tôi trở thành cái răng lược, dễ dàng tách rời từng sợi tóc, từng chỗ rối. Khi Nhân ra ngoài, tôi dọn đường chàng đi, đẩy những chướng ngại vật sang bên cạnh, loại trừ những nguy hiểm và mang chàng về nhà an toàn. Trong những ngày đại thử(1) _của mùa hè tôi xui gia nhân buộc trái dưa hấu vào lưới rồi thả xuống giếng nước.
Rồi tôi xuống giếng, chui vào bóng tối, đằm mình vào nước để khiến nó lạnh thêm nữa. Tôi thích nhìn Nhân và Nghi ăn dưa hấu sau bữa tối, thưởng thức thứ hoa quả làm tỉnh người ấy. Bằng cách đó, tôi cám ơn người chị em chung chồng của mình vì đã đối xử tốt với chồng và cám ơn Nhân vì đã tìm được hạnh phúc và người bầu bạn sau rất nhiều năm cô đơn.
Nhưng đó là những việc nhỏ. Tôi muốn cảm ơn họ bằng cách trao cho họ niềm hạnh phúc sâu sắc trong tim mà tôi cảm nhận được khi thấy Nghi ngồi trong lòng Nhân hay lắng nghe chàng giải thích ý nghĩa ẩn giấu của một bài thơ của nhóm Tiêu Viên Ngũ Tử. Điều họ mong muốn nhất là gì? Mọi cặp vợ chồng mong muốn điều gì? Một đứa con trai.
Tôi không phải là một vị tổ tiên và tôi không nghĩ mình có thể ban phát điều này. Nhưng khi mùa xuân đến, điều kỳ diệu nào đó đã xảy ra. Cây mai nở hoa. Và tôi đã tiến xa trong việc rèn luyện mình, tôi đã khiến nó xảy ra. Khi những cánh hoa rụng xuống và quả bắt đầu hình thành, tôi biết mình có thể giúp Nghi mang bầu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.