Ngay cả Tết, chúng tôi cũng chỉ có bốn ngày nghỉ. Thời gian còn lại vẫn phải tăng ca như thường. Chẳng lẽ những con người khổ sở đáng thương đang phấn đấu ở tiền tuyến trong ngay lễ cả nước cùng vui này để thúc đẩy người dân an cư lạc nghiệp, để bảo vệ cuộc sống sản xuất bình thường của quần chúng không đáng được cho nhiều phí tăng ca hơn sao?
Một người anh tốt bụng khuyên tôi: Đã tốt lắm rồi, phí tăng ca gấp ba tiền lương còn không hài lòng à? Chẳng cho chú cắc nào bắt chú tăng ca, chú có thể từ chối bỏ làm chắc? Nhưng nếu tìm được mối tốt hơn, ai lại bằng lòng ở đây?
Nói chung là năm mươi kiểu chửi thề tụ lại thành một câu: có chiêu thì xuất ra, không thì chết đi.
Thế là một cách bình tĩnh hòa nhã tôi đành chấp nhận sự sắp xếp của cơ quan: trực đêm ba mươi, nghỉ từ mùng một đến mùng bốn.
Đội ngũ trực lễ bao gồm một giám đốc và hai nhân viên. Cơ quan chúng tôi có một tổng giám đốc và hai phó giám đốc. Có không được việc đến đâu thì hai ông phó cũng không đến mức dám bắt ông tổng đi trực đêm giao thừa. Tổng giám đốc Vương, người có hục hặc với tôi, chỉ là kiểu trên miệng nói thì hay, chứ khi gặp chuyện thực sự thì vẫn là giám đốc Chu tốt bụng lên thế. Cộng thêm tôi và anh Triệu của bộ phận nghiệp vụ, ba người chúng tôi trở thành nhóm đón giao thừa tại cơ quan.
Gọi điện cho ba mẹ xong, gửi tin nhắn cho Hàn Mộ Vũ và mấy đứa bạn thân, tôi liền tắt điện thoại để trong ký túc xá sạc pin. Tiếp theo là một trận chiến ác liệt cần toàn lực đối phó, không thể phân tâm: đánh bài.
Cờ bạc, tôi không mê lắm, chỉ thỉnh thoảng chơi tí. Đôi lúc, cờ bạc như hút thuốc uống rượu. Nếu bạn không biết tí, bạn sẽ thành người không hòa đồng, đặc biệt là trong những môi trường lớn như cơ quan. Ví dụ, có những điều khuôn sáo quy định người làm nghề ngân hàng không được làm cái này không được làm cái nọ. Ai mà quan tâm. Chúng tôi vẫn cứ sống như người bình thường: đánh dăm ván bài nhỏ, mua đôi tờ vé số, đầu tư vài con cổ phiếu, và luồn lách giữa những điều khoản không biết là cẩn thận hay vớ vẩn nọ. Giám đốc bảo chúng ta chỉ chơi nhỏ, cũng không phải tán gia bại sản, bán nồi bán niêu gì. Chúng ta chỉ kiếm gì chơi cho đỡ buồn như mấy anh em trong nhà thôi. Chơi thâu đêm, sáng hôm sau, tôi cầm hơn một ngàn tệ vừa thắng được, lượn ra khỏi phòng trực khói sương lượn lờ với cặp quầng thâm đen xì. Cả người đều là mùi thuốc lá Trung Hoa, hoàn toàn là một con ma hun khói cháy cạnh. Thực ra tôi thắng bốn ngàn hơn lận nhưng dù gì đây cũng không phải sòng bạc, làm gì có chuyện cầm hết tiền thắng về. Giữ một tí cho mình, rồi trả lại phần lớn cho mọi người, anh em sếp siếc đều vui. Lần sau mới có người chơi với mình. Đam Mỹ Hiện Đại
Về đến ký túc xá bật điện thoại lên, tiếng tin nhắn nối nhau vang lên. Lục từng cái ra xem. Toàn là mấy câu chúc Tết: chán phèo.
Lúc lội đến thông báo cuộc gọi nhỡ từ 10086, tôi sướng rơn: số của Mộ Vũ.
Thường thì tôi đều không gọi cho hắn. Vì tôi gọi đắt, mà hắn nghe cũng đắt. Nhưng hôm nay chẳng phải Tết sao? Tôi nhấn gọi lại. Vừa réo lên hai tiếng, đã có một cô gái bắt máy: “A lô!” -Giọng rất ngọt, còn mang theo tí giọng địa phương.
Tôi có chút ngơ ngác. Tôi nói tôi tìm Hàn Mộ Vũ thì nghe giọng nói đó gọi: “Anh, điện thoại anh này.”
Sau đó trong điện thoại truyền đến giọng nói kỳ cục của Hàn Mộ Vũ khi nói tiếng quê nhà: “Nước sôi rồi, em qua trông hộ anh cái nồi.”
“A lô, xin chào!” -Hắn bắt điện thoại và đổi sang tiếng phổ thông mà tôi quen thuộc.
“Chào cái đầu ấy chào, tôi đây, An Nhiên!” -Nghe thấy giọng hắn, cái đầu quay mòng mòng của tôi tỉnh táo hơn nhiều.
“Ừa, có nghe ra, hôm qua gọi điện cho anh thì anh tắt máy mất.”
“Hôm qua tôi trực, đánh bài với sếp, điện thoại để trong ký túc xá sạc pin.”
“Đêm ba mươi vẫn phải trực hả?”
“Tôi nói với cậu từ lâu rồi mà, họ sai chúng tôi như súc vật á! Mà cậu không tin.”
“Tin rồi…chỗ các anh còn cho đánh bài cơ?”
“À, chơi nhỏ giúp rèn luyện tính cách! Phải rồi, thắng rồi, về đi anh đây mời cậu ăn cơm!”
“Ừa, được!”
“Tết này trong nhà đều khỏe chứ? Mẹ? Em gái? Haizz, người vừa bắt điện thoại là em gái à? Giọng nói dịu dàng ghê!”
“Nó bắt máy đấy. Nãy tôi đang đun nước luộc bánh chẻo…”
Hàn Mộ Vũ chưa dứt lời, tôi đã nghe bên đó vang lên nhiều tiếng lục đục. Sau đó, hắn nói có tí chuyện, bèn vội vàng cúp máy.
Mùng Một Tết có thể có chuyện gì được? Chắc là chúc Tết thôi. Tôi nhìn đồng hồ, bảy giờ hơn, sớm thật.
Đặt điện thoại xuống, tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc, nhét đầy hai túi lớn các món lớn nhỏ mua cho ba mẹ. Nhà tôi cũng không phải gia đình giàu có gì. Bố mẹ đều là công nhân về hưu, sống nhờ tí lương hưu ít ỏi. Không đến nỗi túng quẫn, nhưng cũng chưa đến mức phú quý. Tim mẹ không khỏe, phải uống thuốc quanh năm, nhưng may là trong nhà không có chuyện gì phiền lòng. Tôi cũng không phải loại con cái cứ dăm ba ngày lại vào đồn cảnh sát. Tóm lại là một gia đình bình thường, yên ổn, bình lặng. Bây giờ tôi kiếm được tiền, cũng biết phải lén ba mẹ mua cho họ tí quần áo giày dép gì đấy. Áo len, áo khoác tôi mua về nhà đều không dám cho họ xem nhãn giá. Bằng không họ sẽ nổi nóng với tôi mất. Họ sống tiết kiệm quen rồi. Tôi cũng không có cách nào khác.
Mùng Một, xe buýt đi ngang qua nhà tôi đều ngưng hoạt động hết. Tôi đành phải đi ghép xe người khác về nhà, tốn mất của tôi tám mươi tệ. Nhưng đắt thế nào thì cũng nhất định phải về.
Càng lớn càng bắt đầu hiểu rõ tại sao lễ tết người ta đều chạy về nhà, bất kể xa thế nào, bất kể vất vả ra sao, cũng phải về cái nơi ấy. Vì đó mới là bến đỗ thực thụ. Ngoài nơi ấy ra, thành phố có náo nhiệt đến đâu, khu phố có phồn hoa thế nào, dù có bao nhiêu thú vui xa xỉ, sơn son thiếp vàng đi chăng nữa, đấy đều là quê người, đấy đều là chân trời. Như một người bạn từng nói: rời nhà một bước đã là chân trời.
Về nhà ba ngày rưỡi, ngoài ba cuộc tụ tập không thể không đi ra, tôi đều ở lì trong nhà. Lặt rau, rửa chén cho mẹ; tưới hoa, dọn kệ sách cho ba. Ba mẹ cũng xem như bắt sống được tôi. Tất cả đồ Tết nhà tôi chuẩn bị cho năm mới đều được nhét vào bụng tôi. Bữa cơm nào cũng được làm đủ kiểu cọ. Cuối cùng trước lúc tôi đi, mẹ còn nói một cách đầy tiếc nuối: “Trong tủ lạnh nhà mình vẫn còn một miếng thịt lừa chưa cho con ăn nữa!”
Tôi nhắn tin chia sẻ trải nghiệm ở nhà làm thùng cơm của mình với Hàn Mộ Vũ, khiến hắn ghen ghét đố kị vô cùng.
Kết quả của một chuyến về nhà chính là đến cơ quan cân thử thì nhận ra mình mập hơn trước khi về nhà những hai ký. Tôi lại một lần nữa cảm thán: Đấy đúng là bố mẹ ruột của tôi rồi.
Về nhà xoay quanh ba mẹ không cảm thấy gì. Vừa về cơ quan, vừa về lại với cuộc sống chán ngấy trước đây, tôi lại bắt đầu nhớ Hàn Mộ Vũ điên cuồng. Hắn chính là nỗi bận tâm của tôi. Ngoài bố mẹ ra, hắn chính là mối bận tâm thứ hai và duy nhất khiến tôi không thể buông bỏ ở chân trời.
Cách lúc hết tháng Giêng mà Hàn Mộ Vũ nói hãy còn rất lâu. Cái đến trước là Tết Nguyên Tiêu.
Hội đèn Nguyên Tiểu là tiết mục truyền thống của thành phố L. Đêm mười lăm tháng Giêng, Ngô Việt cứ nhất quyết kéo tôi đi trẩy hội ngắm gái xinh. Tôi không hề có nhã hứng đó. Bên ngoài lạnh chết đi được. Người vừa đông vừa tạp. Sao thoải mái bằng ở lì trong ký túc xá xem phim? Tôi nói tôi không đi, tôi có người yêu rồi. Ngô Việt trừng mắt? Có người yêu thì sao? Người yêu đâu ai chê nhiều? Vậy nên lúc Hàn Mộ Vũ gọi cho tôi, tôi đang ở hiện trường lễ hội và đang bị Ngô Việt kéo vào nơi đám đông tụ tập đông đúc hơn. Tôi bịt một bên tai lại, tăng âm lượng lên để nói chuyện với Hàn Mộ Vũ ở đầu dây bên kia.
Trong sự hỗn loạn, tôi nghe thấy Hàn Mộ Vũ bảo hắn về thành phố L rồi.
Về rồi! Không ngờ lại sớm thế này! Tôi vừa kinh ngạc vừa vui sướng. Trong đầu chỉ có một suy nghĩ duy nhất: đi gặp hắn, liền, ngay và lập tức, một giây cũng không thể chậm trễ.
Tôi chẳng buồn chào Ngô Việt lấy một câu, đã bỏ mặc nó một mình tìm kiếm giai nhân giữa đám son phấn xoàng xĩnh dưới ánh đèn màu mờ ảo. Tôi xông ra khỏi đám đông chỉ với vài bước, rồi vọt ra bên đường bắt taxi. Thật lòng xin lỗi ông bạn, tôi phải đi tìm giai nhân của tôi đây.
Mười phút sau, tôi thở hổn hển chạy đến trước cửa ký túc xá của Hàn Mộ Vũ. Trong giây phút đưa tay đẩy cửa, tôi bỗng có chút hồi hộp.
Cửa không khóa. Mở ra cái két. Tôi thò đầu vào trước.
Hàn Mộ Vũ vừa cao vừa gầy đang khom lưng dọn đồ trên giường. Hắn quay lưng về phía tôi. Hai cái chân đặc biệt thon dài thẳng tắp. Một cái túi lớn đã được mở ra, đặt dưới chân hắn. Hiển nhiên, hắn cũng vừa về không lâu.
Nghe tiếng mở cửa, hắn ngoảnh đầu lại thì thấy tôi đang rón ra rón rén. Tôi cười với hắn, ngu đến cùng cực. Hắn ngoắc ngoắc tay với tôi.
Tôi bình tĩnh bước vào, bình tĩnh khóa cửa lại, bình tĩnh quay người bước đến trước mặt hắn. Hắn gọi tên tôi. Như một mồi lửa, tiếng “An Nhiên” dịu dàng vô độ đó đã làm bao khát khao vốn tích tụ trong người tôi nổ tung. Tôi bất chấp tất cả nhào tới ôm cổ hắn, gầm lên với giọng khàn đặc: “Bà nó, nhớ chết đi được!”