Trăng Lạnh Như Sương

Chương 20: Khói nước thẩm sân sâu lạnh ngắt




Dự Thân Vương thì nói thế, mà  Đa Thuận thì lại ra chiều không đồng tình:
“Ở gần như vậy, khí bệnh bay qua thì Vương gia làm thế nào được?”
Dự Thân Vương nói:
“Ta cũng là bệnh nhân, lại còn đi sợ khí bệnh?”
Đa Thuận không dám cãi lại, thấy tiểu sa di bưng trà thuốc đến, vội vàng tiếp lấy đem đi rót, lại đợi cho nguội bớt, đoạn mới đưa mời Dự Thân Vương. Đại sư Trí Quang nói:
“Trong chùa cũng chỉ có cơm chay, mỗi ngày sẽ sai đồ đệ đưa tới cho Vương gia, chỉ đành để Vương gia chịu khổ một phen vậy.”
Dự Thân Vương đáp:
“Nào có thể như vậy, phạm vào cõi bồng lai tiên cảnh, quấy nhiễu bậc chân tu đã là cực kỳ không phải rồi.”
Vì trời đã về tối, Trí Quang bèn cáo biệt đi trước. Dự Thân Vương tiễn ông ra tận mái hiên, bắt gặp một cảnh chiều hôm mịt mờ, làn khói lam bốc lên nghi ngút, rừng trúc sâu thẳm như sóng biếc biển cả. Mà tiếng chuông chùa ngàn năm xa xôi vọng lại bên tai, trong khoảnh khắc quả thực bay vút lên khỏi cõi hồng trần. Chỉ cảm thấy hơi nước trong trẻo quét qua vạt áo, ngọn gió mát thẩm thấu vào tận trong phổi.
Thời điểm thắp đèn, quả nhiên có một tiểu sa di bưng cơm nước đến. Thiền phòng sơ sài, đốt một ngọn đèn dầu, dưới ánh đèn lờ mờ nhìn kỹ, cũng chỉ thấy có cơm trắng cùng đậu phụ, ngoài ra còn một đĩa đậu mầm xào cải xanh. Dù chỉ là nước luộc canh suông, song Dự Thân Vương vẫn xới một bát cơm gạo lứt. Ngược lại Đa Thuận thì mặt nhăn mày nhó:
“Cơm gì mà nhiều sạn quá, ăn một miếng cơm thì kèm một hạt sạn.”
Dự Thân Vương cười nói:
“Trong lòng có sạn, trong miệng sẽ có sạn, lòng không có sạn, thì miệng tự nhiên cũng chẳng còn một hạt sạn.” (Oa, anh Thất nói một câu nghe có đạo vị nha^^, like)
Đa Thuận nửa cười nửa mếu:
“Vương gia, ngài thì còn có thể an nhàn thoải mái tĩnh tọa như vậy. Nô tì tuy là kẻ ngu dốt vô học, nhưng đã tới Đại Phật Tự cùng các Thái phi nương nương nhiều lần, đã ở trong miếu này thọ trai[1] mấy bữa, chẳng lẽ chưa lần nào được ăn đông cô mộc nhĩ, rau xanh trái ngọt hay sao? Không kể đến nấm hương, nấm rơm, kim châm, vân chi mà ngay cả nấm đầu khỉ, nấm gan bò tía cũng chẳng hiếm. Vậy mà hôm nay chúng ta tới, lại chỉ  cho ăn cái thứ này.”
Dự Thân Vương nói:
“Trong thành giao thông cấm tiệt, giá gạo cứ liên tục tăng lên theo cấp số nhân, tháng trước đại sư Trí Quang đã mở kho phân thóc, cứu tế người nghèo, trong chùa chỉ sợ lương thực cũng không còn nhiều. Ngươi chưa đi ra ngoài, còn chưa biết đó thôi. Bữa nay đã có một chén cơm mà ăn, lại còn chưa biết đủ.”
Đa Thuận vâng vâng dạ dạ,hầu hạ Dự Thân Vương ăn cơm, nghe ngoài kia cuồng phong cuốn qua rừng, lá trúc xào xạc, Dự Thân Vương hỏi:
“Mưa phải không?”
Nói chưa xong, đã nghe ngoài tán ngô đồng tiếng rơi tí tách, quả nhiên là mưa.
Mưa gió đêm thu vốn đã điêu tàn quạnh quẽ, huống chi là chốn chùa hoang sân vắng. Ánh đèn dầu trong phòng nhỏ như hạt đậu, chiếu qua song cửa sổ, bóng trúc âm u lay động, trên phiến lá ngô đồng giọt rơi tí tách, nhỏ nhặt mà liên miên, cái rét đêm thanh càng như thấu vào tận xương cốt.
Đa Thuận không khỏi rùng mình một cái, lấy áo choàng phủ thêm cho Dự Thân Vương, nói:
“Vương gia vẫn nên đi ngủ sớm, ban đêm ở đây lạnh hơn trong phủ nhiều lắm ạ.”
Mỗi chiều tối Dự Thân Vương đều bị lên cơn sốt nhẹ, lúc này đứng lên đã cảm thấy trong người nóng hầm hập, biết mình lại phát sốt, toan gật đầu, chợt nghe có người đẩy cửa viện. Tiếng bước chân bì bõm đã bước vào trong sân, đạp lên thảm lá, âm thanh sàn sạt giòn vỡ.
Đa Thuận quát hỏi:
“Ai đó?”
“Là nô tì, Trương Duyệt.”
Bấy giờ Đa Thuận mới đi ra gian ngoài, vén mành trúc lên nhìn, chỉ thấy một gã nội quan vận đồ đen quỳ ở ngoài thềm:
“Thỉnh an Vương gia.”
Dự Thân Vương lúc này mới nhớ, Trương Duyệt chính là kẻ đã được bố trí vào trong cung Vĩnh Thanh, bởi vì bệnh dịch hoành hành, toàn bộ người mắc bệnh trong cung đều phải vào chùa, Như Sương cũng chẳng ngoại lệ. Không đợi chàng mở miệng, Đa Thuận đã lớn tiếng trách mắng:
“Ngươi không hầu hạ Mộ thị cho tốt, đến đây làm cái gì?”
Trương Duyệt dập đầu sát đất, thưa:
“Nô tì muốn bẩm báo với Vương gia, nô tì nghe nói hồi chiều Vương gia đến chùa. Họ Mộ dường như không ổn, trong tình thế cấp bách nô tì cũng phải đánh bạo tự tiện đến đây, mong Vương gia thứ tội.”
Dự Thân Vương nói:
“Thôi miễn, rốt cuộc là chuyện như thế nào?”
Trương Duyệt đáp:
“Nô tì không dám nói, Mộ thị ở trong nhà khách Tu Hoàng, nô tì cả gan thỉnh Vương gia đưa ra cái quyết định.”
Dự Thân Vương biết nhất định là bệnh tình nguy cấp cho nên Trương Duyệt mới liều lĩnh đến đây, chỉ không nghĩ tới Như Sương cũng ở trong nhà khách Tu Hoàng, thực tế chỉ cách mình trong gang tấc. Chàng nhớ lại lời dặn dò của Hoàng Đế, thoáng lưỡng lự, bảo Đa Thuận:
“Xách đèn, bản vương đi xem.”
Trương Duyệt đi đằng trước đưa đèn lồng, Đa Thuận cầm ô che cho Dự Thân Vương, dọc theo con đường lát gạch ngập nước thẳng về hướng tây. Đêm đen như sơn, một mẩu đèn lồng nho nhỏ ánh da cam, quầng sáng cũng chỉ chừng trượng, trúc xì xầm như biển, ào ào tứ phía chỉ muốn ập vào ba người. Một đoạn đường ngắn ngủi hơn mười bước, thế nhưng lại như trải dài đằng đẵng chẳng tới.
Nhà khách Tu Hoàng vốn là khu viện nằm sâu nhất trong rừng trúc. Gạch lát mòn vẹt, cánh cửa nhỏ sơn đen đã bong tróc từng mảng, nhìn qua thì tưởng khéo léo tinh xảo, đến lúc lại gần mới biết ngay cả bức tranh chạm khắc trên nền sơn cũng đã phai không còn gì. Mà trong sân viện núi đá đan xen, bên bờ đá còn trồng hai gốc mai già cực lớn. 
Vòng qua vách núi, mới thấy khuôn viên ánh đèn mờ mịt, Trương Duyệt đốt thêm đèn rồi mời Dự Thân Vương vào phòng, vách ngăn chạm trổ, thoang thoảng hương thuốc nồng đượm bay ra. Mấy chiếc bàn gỗ trong phòng đều cũ kỹ, theo ánh đèn chỉ thấy nước sơn bàng bạc phủ đầy bụi, càng làm tăng thêm vẻ tịch liêu của căn phòng.
Có cung nữ bước ra, Trương Duyệt hỏi:
“Mộ thị đã tỉnh chưa? Vương gia đến.”
Cung nữ kia luống cuống hành lễ không kịp, Dự Thân Vương nói:
“Thôi  được  rồi.”
Cung nữ trở lại vén màn, nhẹ giọng kêu:
“Nương nương, nương nương, Thất gia tới.”
Người trong cung đều gọi Dự Thân Vương là Thất gia, mà cung nữ này vốn là người hầu hạ cũ của Như Sương, cho nên vẫn cứ kêu nàng hai tiếng “nương nương”.
Nếu mà ở trong cung đình lễ pháp nghiêm ngặt, bị người nghe được chắc cũng chỉ có nước chết, song lúc này ở chùa, Dự Thân Vương đối nhân xử thế vốn rộng lượng, chỉ để ý nhìn vào Như Sương đang nắm trong màn. Vẫn là dung mạo như ngọc khi xưa, nay hơi thở yếu ớt, dường như đã thành vô tri vô giác, bèn hỏi:
“Tể Xuân Vinh đã đến khám chưa?”
Cung nữ thưa:
“Tể viện hôm trước phải đi Thượng Uyển, Trương công công thỉnh Hà ngự y đến xem mỗi ngày. Hôm nay vốn phải kê thêm thuốc, chỉ sợ giới nghiêm trong thành...”
Dự Thân Vương liền mệnh đi lấy toa thuốc đến xem, cũng chỉ có hai vị thuốc, trong đó có một vị là nhân sâm.
Do dịch bệnh nổi lên bốn phía, nghe đồn chỉ cần dùng nhân sâm cũng có thể phòng dịch, cho nên trong kinh nhân sâm cực kỳ quý hiếm, có cầm bảo vật mà đi đổi cũng không được. Vì thế bèn lệnh cho Đa Thuận:
“Ta nhớ ngươi có mang theo mấy mẩu nhân sâm,  trước mang đến đây đi.”
Đa Thuận không dám trái ý, chỉ đành đốt đèn về lấy thuốc đưa qua, giao cho Trương Duyệt. Lập tức đi sắc thuốc, cung nữ thổi cho nguội bớt, Trương Duyệt lại nâng Như Sương dậy, ý muốn đút thuốc cho nàng. Mà đôi môi Như Sương thì vẫn mím chặt, cung nữ cầm thìa, song không có cách nào nạy được khớp hàm ra, đã nóng nảy đến vã cả mồ hôi.
Dự Thân Vương nói:
“Để ta.”
Đi nhanh về phía trước, đoạn ấn vào huyệt Giáp Xa trên gò má nàng. Huyệt Giáp Xa chuyên điều khiển cơ nhai của con người, quả nhiên thấy môi Như Sương khẽ nhếch, cung nữ lập tức đút thìa thuốc vào, Dự Thân Vương thấy nàng vẫn còn nuốt được nước thuốc, trong lòng cũng hơi yên tâm. Nhìn nàng uống xong thuốc, Đa Thuận thưa:
“Vương gia, nương nương bệnh như vậy, đã không còn cách cứu vãn, chỉ có thể trông vào mệnh trời mà thôi. Vương gia vẫn nên về nghỉ ngơi, nương nương nếu có phúc, nhất đinh ngày mai sẽ tốt lên.”
Dự Thân vương vốn cũng đang là bệnh nhân, thấy tình trạng của Như Sương hơi khá lên, đêm nay cũng không có việc gì, mới khẽ thở dài đánh thượt, nói:
“Ôi... Nhìn vận khí của nàng cũng đã không còn...”
Cảm giác toàn thân vô lực, trong người càng nóng lên, chỉ đành dựa vào Đa Thuận mà trở về ngủ.
Đại sư Trí Quang thông hiểu y dược, mỗi ngày đều qua bắt mạch kê đơn cho Dự Thân Vương, Dự Thân Vương nhân đó thỉnh sư Trí Quang sang khám bệnh giúp Như Sương. Không ngờ sư Trí Quang vừa bắt mạch xong, sắc mặt đã trầm trọng, chậm rãi nói:
“Theo như mạch đập của vị cư sĩ này, nhìn qua thì giống như khí – huyết đều hư tổn, song xét cho kỹ càng, lại có chỗ kỳ quặc, hình như là đã trúng độc.”
Dự Thân Vương bất ngờ:
“Trúng độc?”
“Nữ cư sĩ này bị tổn thương hai mạch tâm phế, có vẻ quanh năm đều ăn loại thuốc lạnh mà ức, chỉ không biết đích xác là thuốc gì. Xem qua thấy tính dược cực mạnh, chỉ sợ độc tính lâu ngày khó mà bài trừ.”
Dự Thân Vương bất chợt nhớ lại ngày ấy hộ tống nàng đến hành cung, trên đường bệnh cũ của nàng tái phát, đã từng ăn một viên thuốc, hương thơm mát rất kỳ dị,  không khỏi nói:
“Ta đã gặp qua loại thuốc viên này một lần, toàn bộ đều màu xanh, to bằng hạt đậu tằm, thơm mát lạ thường, phảng phất như xạ hương nhưng lại không phải.”
Kiến thức về hạnh lâm của đại sư Trí Quang cực kỳ uyên bác, nghe chàng miêu tả như vậy, đã biết:
“Không phải là Hàn Chu Hoàn đấy chứ?”
Chắp hai tay, thầm tụng câu a di đà phật, đoạn nói:
“Tiên sư đã từng gặp trong sách cổ của người xưa ghi chép loại thuốc này, nói chỉ dùng Chu Sa cùng hơn mười loại kỳ dược hợp chế mà thành, mặc dù tạm thời làm cho phế quản thư thái, uống vào tất đỡ ngay tức khắc, thế nhưng dùng lâu thành nghiện, để lại hậu họa cho đời sau, ôi, quả thật là âm độc không thể dùng.”
Dự Thân Vương không ngờ thứ thuốc ấy lại có độc tính kinh người như vậy, hỏi:
“Có thể giải được chăng?”
Trí Quang khoát tay, nói:
“Tiên sư còn chưa lần nào tận mắt nhìn thấy loại thuốc ấy, bần tăng lại càng không, thực sự chưa có nửa phần chắc chắn. Có điều có thể nỗ lực một lần này xem sao.”
Ông cân nhắc rất lâu, đoạn mới đặt bút kê ra một đơn thuốc. Trong chùa vốn có kho thuốc, Trương Duyệt nhận lệnh đến chỗ sa di trông coi kho để lấy thuốc. Nhưng nay bệnh dịch hoành hành, dược liệu trong chùa  mười phần đã chi ra tám chín phần cho bách tính toàn thành, chỉ còn lại một hai phần không đủ dùng. Mà thiếu dược liệu rồi lại không có chỗ mà mua, cho nên mười ngày liên tục cũng không hề đạt được một chút hiệu quả nào.
Chính Dự Thân Vương thì cũng đang bệnh, may nhờ có đại sư  Trí Quang đến bắt mạch hàng ngày, cho nên mới cảm thấy dần hồi phục, chỉ còn lên cơn sốt mỗi đêm, đến sáng mai thì lại thôi. Hoàng Đế đã biết được tình hình của chàng,  lo lắng hết sức, ngày nào cũng cử người đến thăm hỏi.
Mặc dù sư Trí Quang đã cho biết là không phải dịch chứng, song Dự Thân Vương lo xa, lúc nào cũng ở sau cửa mà xua sứ giả đi, lại khéo léo thỉnh Hoàng Thượng chớ sai người đến nữa, tránh khỏi bị truyền nhiễm.
Bệnh trạng của chàng vẫn cứ dậm chân tại chỗ, trong khi đó Như Sương thì đã bắt đầu có chuyển biến tốt. Ngày hôm ấy Trương Duyệt báo lại:
“Cuối cùng nương nương đã tỉnh rồi, mặc dù chỉ trong chốc lát, nhưng dù sao cũng mở được mắt, còn hỏi một câu “Đây là đâu?, hiển nhiên là đã nhận thức được xung quanh.”
Dự Thân Vương cũng yên tâm:
“Chăm sóc cho tốt vào.”
Thấm thoát mười ngày trôi qua. Dự Thân Vương ở trong chùa, cảm thấy đời người chưa bao giờ thanh tĩnh như vậy. Mỗi ngày, tiếng tụng kinh vang lên trong tĩnh mịch, nghe trúc xì xào như mưa, tuy rằng chỉ có cơm cà cháo hoa, nằm sương ăn gió, song lòng dạ lại khoan khoái như được tẩy rửa.
Sáng tinh mơ hôm ấy, chân trời vừa rạng, đàn chim trước rừng trúc đã hát ca tưng bừng. Chàng chắp tay mà đứng trong sân, lắng nghe chim ca líu lo, trên mặt không khỏi mang theo nét cười. Đa Thuận lặng lẽ từ ngoài tiến vào, bắt gặp một cảnh như vậy, chỉ hận đến mức giãy đành đạch:
“Ông nội con ơi! Buổi sáng lạnh như thế này, đã không chịu khoác áo choàng còn đứng đầu con gió, quả thực là muốn mạng của nô tì mà.”
Dự Thân Vương lúc này lại nổi lên một đợt ho, ho khan hai tiếng, hỏi:
“Ngươi vừa đi đâu đấy?”
Đa Thuận trả lời:
“Nô tì đi thăm Mộ nương nương, nghe Trương Duyệt nói, ngày hôm qua nương nương còn ăn được vài thìa cháo, lại còn trò chuyện được đôi câu, trông đã chẳng khác nào người bình thường, xem ra, tình hình cũng  tốt đẹp lên rồi.”
Dự Thân Vương không khỏi mỉm cười nói:
“Đại  sư  Trí Quang là cây cao bóng cả trong nước, quả nhiên là có một đôi tay vàng.”
Đa Thuận nói:
“Cái gì mà bàn tay vàng cơ chứ, Vương gia bệnh lâu như vậy, mỗi ngày ông lão đều hết kê toa này đến toa khác, thế mà bệnh của Vương gia vẫn cứ nhùng nhằng không hết.”
Dự Thân Vương nói:
“Ngươi thì biết cái gì, thuốc và châm cứu khác nhau, còn phải dựa vào vận khí trời cho, tốt hay không tốt, nào có liên can đến thầy thuốc?”
Đa Thuận cười nói:
“Kỳ thực ở nơi này, nô tì cảm thấy tinh thần của Vương gia thoải mái hơn rất nhiều so với hồi trong phủ. Trước đây lúc nào cũng chỉ thấy Vương gia cau mày nhăn trán, mà mấy ngày qua lại thường nở nụ cười.”
Trong chùa ngày tháng trôi nhanh, nhưng là khoảng thời gian bình dị nhất trong đời, Dự Thân Vương trong cơn bệnh tật lại có thể thong dong tự tại mà ngồi tĩnh tâm. Thi thoảng sư Trí Quang cho mượn vài cuốn kinh Phật, cũng thong thả mà ngồi đọc. Lúc Đa Thuận sắc thuốc bưng đến, thấy chàng vẫn ngồi miết bên cửa sổ đọc kinh, lại cằn nhằn cấm cảu:
“Khó khăn lắm mới nói là dưỡng bệnh, cũng không chịu nghỉ ngơi một ngày, lại còn hao công phí sức đi đọc sách.”
Dự Thân Vương nghe thế, cũng chỉ cười mà thôi.
Chiều tối hôm đó Dự Thân Vương vẫn đang ngồi xem kinh sách, chợt nghe có tiếng bước chân dồn dập, chưa kịp đứng dậy, giọng nói hoảng hốt của Trương Duyệtt đã vang lên:
“Vương gia, Vương gia...”
Đa Thuận bước ra mắng:
“Cài gì mà cứ chuyện bé xé ra to thế?”
Trương Duyệt rã rời, nuốt nước bọt đánh ực, nói:
“Mộ nương nương đột nhiên lại không tốt, sư Trí Quang không có ở trong chùa, nô tì thật sự rất sợ...”
Bệnh tình của Như Sương lúc trước đã có chuyển biến tốt, giờ nghe Trương Duyệt kinh hoàng luống cuống như vậy, Dự Thân Vương không thể không hỏi:
“Như thế nào?”
Ai cũng không biết đã xảy ra chuyện gì, đợi khi Dự Thân Vương bước vào nhà khách Tu Hoàng, chỉ thấy cung nữ đứng lộn xộn trốn ở góc phòng, chăn màn, gối nệm đều bị quăng bừa bãi trên đất, mà Như Sương thì đang co lại bên mép giường run cầm cập. Dự Thân Vương thấy môi nàng tím ngắt, hàm răng đánh lách lách, dường như đang rét đến cùng cực. Trương Duyệt đánh bạo nhặt tấm chăn lên đắp lại cho nàng, cả người nàng vẫn còn run bần bật, như con thú nhỏ co quắp thành một đống.
Dự Thân Vương đoán hàn độc đang phát tác, mà sư Trí Quang đúng lúc này lại còn đang đi phía đông thành phân kinh phát thuốc cho dân nghèo, không có trong chùa. Đành phải buộc lòng nghĩ biện pháp khác, bèn sai người mang tới vài tấm chăn nữa, Như Sương vẫn lạnh đến phát run. Sau cùng đem vài chậu than tới đặt trong phòng, vừa mới bưng chậu than vào, Như Sương đột nhiên bật cười ha hả.
Nàng bệnh lâu ngày, người gầy trơ xương, trông càng nhếch nhác gấp bội, lúc này cười để lộ hàm răng trắng nhởn, chăng khác nào bệnh nhân tâm thần. Thoáng một cái thình lình xô ngã cung nữ, mọi người chưa kịp ngăn, chỉ nghe “cốp” một tiếng, nàng đã đập đầu vào cây cột nhà, một dòng máu tươi lập tức trào ra.
Trương Duyệt cùng mọi người ai cũng kinh hoàng đến mặt cắt không còn giọt máu, Dự Thân Vương xông lên trước bịt lại vết thương trên trán nàng, máu phun qua năm kẽ ngón tay, chàng đưa tay lên thăm dò hơi thở của nàng:
“Vẫn còn thở.”
Trương Duyệt bị dọa cho choáng váng đầu óc, chỉ có Đa Thuận là phản ứng nhanh nhẹn, vội vàng vốc một nắm hương tàn trong lư, chạy đến cố gắng đắp lên vết rách trên trán Như Sương. Dự Thân Vương lại sai Đa Thuận chạy vào trong kho đem thuốc trị ngoại thương đến đây, Như Sương sớm đã hôn mê bất tỉnh.
Trương Duyệt sợ hãi nước mắt nước mũi tùm lum, run rẩy quỳ xuống, nói:
“Vương gia ban ơn...”
Dự Thân Vương nói:
“Thôi thôi, ai cũng không ngờ cô ta sẽ tìm chết, đừng tự trách mình quá. Vả lại ta đứng ngay chỗ nay mà còn không ngăn nổi, ngươi còn tội tình gì? Mau đứng lên đi.”
Trương Duyệt vừa quẹt nước mắt vừa nói:
“Ban ngày nương nương còn tốt như vậy, ai biết...”
Dự Thân Vương nhớ lại vẻ mặt thảng thốt của Như Sương hồi nãy, hình như đã phát điên, chắc hẳn là bị hàn độc đày đọa đến mức đầu óc bất thường, không nén được tiếng thở dài.
Đợi đến ngày thứ hai, đại  sư Trí Quang trở về chùa, qua xem xét thương thế của Như Sương, đích thân đến nói lại cho Dự Thân Vương:
“Trung khí của nữ cư sĩ này đã không đủ, lần này bị ngoại thương rất nặng, vết rách sưng đỏ,  lại còn phát nhiệt, sợ là hết sức hung hiểm.”
Từ hôm ấy trở đi, Như Sương vẫn mê man mãi không tỉnh. Mỗi ngày đều sốt cao không hạ, liên tục kéo dài đến mấy bữa như vậy, ngay cả thuốc thang đều trị không nổi nữa, cứ trơ mắt nhìn mà vô phương cứu chữa, Trương Duyệt cùng mọi người cũng chỉ đành lặng lẽ chuẩn bị hậu sự. Ai dè qua thêm vài ngày, Như Sương  đột nhiên tỉnh lại như một kỳ tích. Trí Quang thật sự bất ngờ, thử kê lại vài toa thuốc, quả nhiên tĩnh dưỡng dần dần hồi phục. Chỉ là Như Sương sau khi mêm man tỉnh dậy, như kiểu mất trí nhớ, chỉ nói:
“Đậy là nơi nào? Các ông mau mau đưa tôi về nhà đi.”
Cung nữ thấy nàng như vậy, dè dặt nói:
“Nương nương, ngài đang ở đây để dưỡng bênh. Chờ khỏi bệnh rồi, lập tức sẽ trở về trong cung mà.”
Như Sương nói:
“Nương nương? Sao cô lại gọi tôi như thế? Bắt ta vào trong cung làm cái gì?”
Phát ngôn hồ đồ như vậy, phải nói là tinh thần và trí tuệ hoàn toàn biến mất. Vẫn biết lai lịch của bản thân, thế nhưng năm qua xảy ra đủ thứ biến động, Mộ thị tru di tam tộc, nàng vào cung, phong phi, phế vị... dường như đều đã quên sạch. Chỉ biết bản thân là con gái họ Mộ, cho lên thường xuyên tranh cãi ầm ĩ, khăng khăng là phải về nhà.
Trương Duyệt không dám khinh suất, bẩm báo lại tường tận với Dự Thân Vương, lại thỉnh sư Trí Quang đến khám bệnh một lần nữa. Trí Quang ngồi trò chuyện hỏi han Như Sương cả buổi, sau mới nói lại với Dự Thân Vương rằng:
“Vương gia, nương nương bị ngoại thương ở đầu quá nặng, chỉ e là đã mắc chứng thất hồn.”
“Chứng thất hồn?”
“Sách y dược của tiền triều chép rằng, có một thương dân ở Tể châu là Vương mỗ, đi đốn củi thì bị cành cây đập mạnh vào đầu, tuy là tỉnh lại, nhưng toàn bộ ký ức của hơn mười năm trước đều quên hết, chỉ nhớ rõ những chuyện hồi còn bé. Người ta đều gọi là chứng “Thất hồn”. Xem bệnh trạng của chứng thất hồn, so với tình hình hiện nay của nữ cư sĩ, quả thực là giống y hệt.”
Dự Thân Vương nghe thế, tuy là chưa bao giờ gặp qua, cũng chỉ hỏi:
“Có phương pháp nào chữa trị hay không?”
Đại sư Trí Quang nói:
“Loại bệnh này bần tăng cũng đã từng thấy, bệnh này không phải về kinh mạch, nếu không có thần lực cực mạnh, chỉ e thuốc thường không linh.”
Dự Thân Vương thở dài:
“Cái mà gọi thiên mệnh chính là đây.”
Đại sư  Trí Quang chắp tay niệm Phật:
“Kiếp trước gieo nhân, kiếp này gặt quả. Nữ  cư sĩ này nghiệp chướng chồng chất, quả báo như vậy, cũng không phải là điều bất hạnh.”
Dự Thân Vương nghĩ, việc này hẳn là cần bẩm báo lên Hoàng Đế, mọi tình tiết lớn nhỏ, còn phải do chính mình viết ra, vì vậy trước tiên bèn đến nhà khách Tu Hoàng hỏi thăm.
Vừa bước qua cổng viện, chỉ thấy trúc mọc bít bùng, nhìn xuyên qua bóng trúc, Như Sương đang ngồi một mình dưới ô cửa sổ, chống má ngẩn ngơ mà nhìn vách núi. Bệnh của nàng đã dần hồi phục, dung mạo mặc dù không bì kịp vẻ xinh đẹp của ngày xưa, nét tiều tụy vẫn còn vương trên khuôn mặt, nhưng nhan sắc thanh khiết tinh thuần, vẫn mang dáng dấp một cô thiếu nữ con nhà khuê các.
Dự Thân Vương nhớ  có đôi dịp  gặp Như Sương ở trong cung, đều bị ngăn cách bởi lớp son phấn dày dặn, về sau mấy lần khốn đốn vì bệnh tật dày vò, dáng vẻ đã không còn bình thường. Hiện tại nàng áo trắng thuần khiết, cũng giống như bao cô thiếu nữ con nhà danh gia vọng tộc khác, dường như con người đã hoàn toàn thay đổi.
Cung nữ bưng thuốc đến, xa xa bắt gặp Dự Thân Vương cùng Đa Thuận bước vào trong sân, vội vàng nói:
“Tiểu thư, Dự Thân Vương tới.”
Như Sương sau khi tỉnh dậy, chỉ cho người ta gọi mình là “Mộ tiểu thư”, Trương Duyệt cùng mọi người không dám trái ý, sợ chọc nàng tái phát bệnh cũ, cho nên cũng đành gọi một tiếng “Tiểu thư”.
Như Sương nghe cung nữ báo lại, ngước mắt nhìn lên, quả nhiên trông thấy ngoài sân trúc xanh rậm rạp, có một người đàn ông mặc áo đen chắp tay mà đứng, tướng mạo khôi ngô, anh tuấn như ngọc. Nàng đứng dậy chỉnh đốn trang phục, cách một khung cửa sổ mà hành lễ, trong giọng nói dường như còn đượm một vẻ sợ sệt:
“Kính gặp Vương gia.”
Từ sau ngày bị bệnh, giọng nói của nàng đã trở về như cũ, nghe thật trong trẻo mà dịu dàng.
Sau đó, nàng theo tập quán như  của các thiếu nữ chưa gả, thuận tay đưa chiếc quạt lụa lên che khuất một phần khuôn mặt mình, chỉ lặng yên đứng cúi đầu, điệu bộ kính cẩn như mỗi lần gặp cha hoặc anh trai.
Dự Thân vương nhìn nàng hành lễ, phong thái ngượng ngùng e ấp như cô thiếu nữ, thấp thoáng đâu đó hình ảnh của  viên ngọc quý được nâng niu trong phủ họ Mộ khi xưa, lại nghĩ đến những lời nói của đại sư Trí Quang, ký ức mấy năm gần đây hoàn toàn biến mất, với nàng mà nói, hẳn cũng không phải là một bất hạnh. Trong lòng không nén được thổn thức cảm khái.

Bạn có thể dùng phím mũi tên hoặc WASD để lùi/sang chương.